Thiên Đồng

Vật Lý -Phật Học - Vũ Trụ

2 bài viết trong chủ đề này

Vật lý - Phật học - Vũ trụ

21/11/2010, bee.net.vn

Đã có những nhà thiên văn nêu lên vấn đề, “Ai” đã điều chỉnh vũ trụ một cách tinh tế như vậy, nếu không phải là một Đấng Sáng tạo? Quan niệm này không tương hợp với vũ trụ quan cuả Đạo Phật, bởi vì Phật giáo không yêu cầu có “bàn tay” của Thượng Đế tạo ra vũ trụ - Bài viết của nhà thiên văn học, GS Nguyễn Quang Riệu.


Trong những năm gần đây, phong trào Phật giáo được phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, một phần là nhờ tinh thần cởi mở ít tính giáo điều của Phật giáo.

Người phương Tây thường coi Phật giáo là một ngành triết học. Thiên văn học nghiên cứu sự tiến hóa của vũ trụ, sự sinh tử của những vì sao và nguồn gốc của sinh vật trên trái đất, thậm chí cả khả năng có sự sống trên những hành tinh khác.

Posted Image

Do đó thiên văn học là một đối tượng hấp dẫn đối với các nhà Phật giáo, các nhà siêu hình học và triết học...

Những lý thuyết của ngành vật lý hiện đại cùng những kết quả quan sát bầu trời bằng những kính thiên văn ngày càng lớn giúp các nhà thiên văn đi ngược dòng thời gian để phỏng đoán những sự kiện xẩy ra từ khi vũ trụ mới ra đời từ vụ nổ Big Bang, cách đây đã khoảng 14 tỷ năm.

Những nhà khoa học của trường phái chống thuyết Big Bang cho rằng sự khai sinh vũ trụ qua một vụ nổ ám chỉ sự can thiệp của một Đấng Sáng tạo Tối cao nên đối với họ, thuyết Big Bang có xu hướng thiên về tôn giáo.

Bởi vì theo Kinh thánh của đạo Thiên Chúa, thế giới muôn loài đều do Thượng Đế tạo ra chỉ một lần cho mãi mãi. Còn các nhà khoa học của thuyết Big Bang nhận định là nếu những hằng số cơ bản trong vũ trụ nguyên thủy, hiện vẫn được dùng trong ngành vật lý, chỉ thay đổi đôi chút, thì quá trình tiến hóa của vũ trụ có thể đã dẫn đến một thế giới khác hẳn, có khả năng không có loài người chúng ta ở trong.

Đã có những nhà thiên văn nêu lên vấn đề, “Ai” đã điều chỉnh vũ trụ một cách tinh tế như vậy, nếu không phải là một Đấng Sáng tạo? Quan niệm này không tương hợp với vũ trụ quan cuả Đạo Phật, bởi vì Phật giáo không yêu cầu có “bàn tay” của Thượng Đế tạo ra vũ trụ.

Trên phương diện khoa học, hiện nay dường như hầu hết các nhà thiên văn đều tin vào thuyết Big Bang, vì thuyết này giải thích được nhiều hiện tượng trong vũ trụ.

Ngày xưa ở phương Tây, người ta coi thế giới của loài người là duy nhất và nhân loại là độc nhất trong vũ trụ. Khoa học đã chứng minh quan niệm một thế giới địa tâm, coi trái đất và con người là trung tâm vũ trụ là không đúng.

Quan niệm của Phật giáo là có nhiều thế giới, con người là những tiểu vũ trụ của một đại vũ trụ trong hằng hà sa số những đại vũ trụ. Các nhà khoa học cũng cho rằng, về mặt lý thuyết, trong vũ trụ có rất nhiều hành tinh trên đó có thể có nhiều nền văn minh mà các nhà thiên văn trên trái đất chưa phát hiện được.

Tuy nhiên, sự phát hiện những nền văn minh siêu việt trong vũ trụ là một vấn đề rất nan giải, bởi vì khoảng cách của những hệ sao có khả năng chứa những nền văn minh đó quá lớn, nên ánh sáng và tín hiệu vô tuyến phải mất hàng vạn năm mới truyền tới trái đất.

Nhà bác học Fermi khi đến thăm Trung tâm Nguyên tử Los Alamos (bang New Mexico, Hoa Kỳ) và đàm thoại với các nhà vật lý có đặt một câu hỏi: trong vũ trụ bao la có hằng hà sa số những hệ sao và hành tinh, hẳn phải có những nền văn minh siêu việt có khả năng kỹ thuật đủ cao để đến thăm nhân loại trên trái đất hay liên lạc với chúng ta bằng tín hiệu vô tuyến.

Nhưng bởi vì chưa ai nhìn thấy mặt họ và chưa ai bắt được tín hiệu của họ, thế thì họ ở đâu? Sau này, câu hỏi có vẻ ngây thơ cuả nhà vật lý Fermi được đặt tên là “nghịch lý Fermi”. Hiện nay, săn tìm trong Ngân hà các hành tinh tương tự như trái đất, có khả năng có sự sống, là một đề tài ưa thích đối với các nhà thiên văn.

Phật giáo quan niệm tất cả những gì trên thế gian này đều vận hành, biến dịch liên tục và liên hệ với nhau, không có gì là độc lập, không có gì là thực tại.

Quan niệm này cũng được phổ biến trong khoa học. Những nghiên cứu thiên văn cho rằng mặt trời, trái đất và các hành tinh đều được sinh ra từ một đám mây đầy khí và bụi, cách đây 4,6 tỷ năm. Các thiên thể trong vũ trụ chuyển động không ngừng.

Trái đất quay xung quanh mặt trời với tốc độ mười vạn kilômét/giờ. Mặt trời, trái đất và các hành tinh cũng bị lôi cuốn quay xung quanh tâm của Ngân hà với tốc độ một triệu kilômet/giờ. Ngân hà cũng đang lùi ra xa các thiên hà láng giềng với tốc độ hàng chục vạn kilômet/giờ. Trong vũ trụ, không có gì ở trạng thái tĩnh cả.

Các nhà vật lý quan niệm thành phần cơ bản nhất của vật chất là những hạt nhỏ li ti. Những “hạt cơ bản” vi mô này không nhìn thấy bằng mắt thường và tràn ngập vũ trụ nguyên thủy.

Trên trái đất chúng xuất hiện trong giây lát trong những máy gia tốc, khi những hạt electron hay proton va chạm vào nhau với tốc độ cao xấp xỉ tốc độ ánh sáng.

Trong những năm gần đây, những lý thuyết vật lý đề nghị trong vũ trụ còn có những “dây” vật chất nhỏ hơn cả hạt cơ bản. Khi dây vũ trụ rung như những dây đàn thì tạo ra những loại hạt vật chất khác nhau. Trên thực thế, đối với phàm nhân thì những hạt và dây vật chất chỉ là những vật ảo.

Ta không khỏi không nghĩ tới khái niệm “vô thường”, “vô ngã” trong đạo Phật, coi sự vật trên thế gian chỉ là ảo. Những hiện tượng và sự vật không phải là những thực thể độc lập, nhưng phụ thuộc vào nhau theo luật “nhân duyên”.

Tuy nhiên, sự tương đồng giữa Phật giáo và khoa học phải được hạn chế trong phạm vi tư tưởng triết học đối với thế giới tự nhiên. Còn những kết quả khoa học liên quan đến vũ trụ phải được dựa trên những định luật vật lý và sự quan sát bằng những công cụ thiên văn hiện đại.

Cách tiếp cận những hiện tượng trong vũ trụ đối với Phật giáo và khoa học có thể song song với nhau, nhưng không nhất thiết trùng hợp với nhau. Khoa học dùng những lý luận duy lý để tìm chân lý còn Phật giáo dùng tư duy đạo đức và triết học để đạt giác ngộ và giúp nhân loại diệt khổ.

Tuy nhiên, Phật giáo và khoa học không phải là không tương hợp với nhau, một Phật tử có thể là một nhà khoa học chân chính. Nhưng nếu muốn dựa vào khoa học để giải thích những hiện tượng siêu hình có lẽ là không thực tế.

GS Nguyễn Quang Riệu (Tạp chí Tia Sáng)

Share this post


Link to post
Share on other sites

GS Nguyễn Quang Riệu - Con kiến lạc lõng trong sa mạc

20/11/2010, bee.net.vn

Là Tiến sĩ khoa học vật lý, đại học Sorbonne, Paris, năng lực tổng hợp, tư duy trừu tượng cùng khả năng nghiên cứu độc lập đã giúp ông chinh phục những đỉnh cao khoa học, mang đến những khám phá mới mẻ về hệ mặt trời và các giải ngân hà, giải đáp được nhiều câu hỏi liên quan trực tiếp đến tương lai của con người trên trái đất, những hiểm họa thường trực của các thiên thạch đang đe dọa nền văn minh nhân loại.

Năm 1973, ông vinh dự nhận giải thưởng Hàn lâm khoa học Pháp. Tâm niệm của ông suốt bao năm là làm thế nào phổ biến kiến thức thiên văn cho người dân trong nước và thế giới, để mọi người đều có thể hiểu và yêu vũ trụ bao la...

"Chúng ta có bổn phận để lại cho hậu thế một hành tinh xinh đẹp"

Là đời thứ 11 của dòng họ Nguyễn Văn ở Lai Xá, nổi tiếng với nghiệp kinh doanh, lý do gì khiến ông chọn thiên văn học?

Quê nội tôi ở làng Lai Xá, tỉnh Hà Tây, nơi mà người ta thường coi là cái nôi của ngành nhiếp ảnh Việt Nam. Gia đình tôi cũng kinh doanh ngành nhiếp ảnh tại Hải Phòng. Tuy nhiên dòng họ Nguyễn chúng tôi đã có những bậc tiền bối là nhà trí thức mà nhiều người biết đến. Cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên là con đời thứ 10 cuả dòng họ và là người đầu tiên trong họ đỗ bằng tiến sĩ văn chương ở Pháp.

Thời thơ ấu, tôi thường được gia đình dẫn lên chơi đồi Phủ Liễn ở ngoại ô Hải Phòng, nơi có thiết bị dành cho những người chiêm ngưỡng bầu trời. Có lẽ đây là cơ duyên thôi thúc tôi theo đuổi ngành thiên văn. Thần tượng của tôi không phải là những nhà khoa học tiếng tăm mà lại là những nhà khoa học vô danh của Đài Phủ Liễn hồi đó.

Chúng ta có bổn phận để lại cho hậu thế một hành tinh xinh đẹp, trên đó họ có thể có một đời sống lành mạnh

Posted Image

Hình vẽ giáo sư Nguyễn Quang Riệu. Chân dung hội họa: Võ Thành Lân. Ảnh SGTT

Quãng thời gian đại học là thời kỳ đầy khó khăn, vì lúc đó quê nhà đang chiến tranh, mất liên lạc với gia đình, hai anh em ông làm thế nào để kiếm sống và hoàn thành chương trình học tiến sĩ?

Trong quãng thời gian bị đứt liên lạc với gia đình, tôi phải vừa học vừa làm những công việc nhẹ thích hợp với sức lực. Hồi đó, anh bạn Pháp giữ nhiệm vụ trông coi học sinh một trường trung học ở Paris thường xuyên giới thiệu học sinh đến tôi để được kèm thêm về môn toán lý. Người em tôi được học bổng và là học sinh nội trú. Chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của một gia đình quen thuộc. Tôi đã từng được làm trợ giảng tại đại học.

Sau này, tôi được nhận làm nghiên cứu viên trong Trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp. Sở dĩ chúng tôi đã vượt qua được những khó khăn về mặt tình cảm và vật chất để đạt được chỗ đứng như ngày nay, chính là nhờ có nền giáo dục mà chúng tôi đã nhận được của gia đình. Ông có thể kể một chút về hai người em trai của mình?

Nguyễn Quang Quyền, người em trai tôi, nguyên là một nhà giài phẫu kiêm hình thái học đã từng giảng dạy tại Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Em tôi đột ngột ra đi sau một tai nạn giao thông, cách đây đã hơn mười năm. Sự ra đi của em tôi không những đã làm cho chúng tôi bàng hoàng thương tiếc mà cả Bộ môn giải phẫu cũng mất một người thầy có uy tín nhiều thế hệ sinh viên. Người em út của tôi là Nguyễn Quý Đạo, một chuyên gia hóa học, cũng thường xuyên về nước tham gia giảng dạy.

Posted Image

GS Nguyễn Quang Riệu (trái). Ảnh IE

"Chỉ là những con kiến lạc lõng trong sa mạc"

Khi đối diện với các vì sao xa xôi đã chết hàng tỷ năm, ông nghĩ gì về thân phận của trái đất, thân phận con người?

Tuổi thọ của những ngôi sao cũng như của con người trên trái đất không phải là vô hạn. Khoảng 5 tỳ năm nữa, mặt trời sẽ phun hết cả vật chất và cuối cùng rồi sẽ đi vào cõi vĩnh hằng. Số phận trái đất gắn liền với số phận mặt trời.

Tuy nhiên, những thảm họa do chính con người gây ra lại có khả năng xẩy ra ngay trước mắt. Hiện tượng khí hậu ấm lên có thể biến trái đất dần dần thành một hành tinh khô cằn, hạn hán và lũ lụt ngày càng trở nên trầm trọng. Nước biển có khả năng dâng lên làm tràn ngập đất đai trên quy mô lớn. Nước ta vừa hẹp vừa có bờ biển dài hàng nghìn km nên có khả năng bị thiệt hại nhiều. Kịch bản bi quan này có thể xẩy ra, nếu nhân loại cứ tiếp tục sử dụng thoải mái nhiên liệu hóa thạch.

Nhân Hội nghị Copenhagen tháng 12 năm 2009, chúng ta hy vọng là đại biểu toàn thể các quốc gia trên thế giới ý thức được hậu quả tai hại của hiệu ứng nhà kính nhân tạo mà các nhà khoa học đã tiên đoán và đồng ý thi hành triệt để những biện pháp phòng ngừa. Chúng ta có bổn phận để lại cho hậu thế một hành tinh xinh đẹp trên đó họ có thể có một đời sống lành mạnh.

Với những tác phẩm Vũ trụ huyền diệu, Lang thang trên Dải Ngân hà, Sông Ngân khi tỏ khi mờ, Bầu trời tuổi thơ…, ông muốn mang lại điều gì cho độc giả? Theo ông, khám phá vũ trụ huyền diệu sẽ giúp con người điều gì khi khám phá bản thân mình?

Mặc dù ở xa quê và sử dụng thường xuyên tiếng nước ngoài, tôi vẫn thấy cần phải làm thế nào để giữ được cội nguồn. Ngôn ngữ là một yếu tố cần thiết để đạt được mục tiêu này. Những tác phẩm về thiên văn học viết bằng tiếng nước ngoài không thiếu. Đối với tôi, viết sách bằng tiếng Việt mới diễn tả được những tình cảm sâu sắc. Chọn lựa những đề tài thích hợp đối với độc giả trong nước, dù là những tác phẩm phổ biến khoa học, cũng là điều quan trọng.

Trong những khóa học thiên văn tổ chức trong nước, tôi thường giảng bài bằng tiếng Việt. Như thế tôi cảm thấy gần gũi học viên và đồng thời được tham gia vào công việc duy trì tiếng Việt trong khoa học.

Thông qua những cuốn sách, tôi muốn gợi lên sự quyến rũ của vũ trụ và kể lại những hoạt động nghề nghiệp của một nhà khoa học. Đôi khi, các nhà thiên văn được tôn sùng quá mức, họ được coi là những người có tầm nhìn rộng và tư tưởng cao siêu. Nhưng thật ra, đối với vũ trụ, họ như những con kiến lạc lõng trong bãi sa mạc và chỉ nhìn thấy xung quanh mình toàn là những hạt cát. Khám phá vũ trụ có thể giúp con người khiêm tốn hơn trước vũ trụ mênh mông và có được tính kiên trì trước những thách thức trong khoa học.

Posted Image

GS. Vũ Minh Giang (phải) trao bằng Tiến sĩ danh dự cho GS. Nguyễn Quang Riệu. Ảnh quehuongonline

"Hy vọng Việt Nam sẽ có đội ngũ chinh phục vũ trụ"

Trở về Việt Nam nhiều lần, ông ấn tượng nhất điều gì? Món ăn nào ông thích nhất? Sống ở hai môi trường văn hóa khác biệt có làm ông thấy thú vị?

Trở về nước lần đầu vào năm 1976, sau một phần tư thế kỷ học hành và công tác ở nước ngoài, tôi không khỏi xúc động lại được nhìn thấy đồng bằng sông Hồng trong khi máy bay chuẩn bị hạ cánh trên sân bay Gia Lâm. Được chứng kiến trực tiếp vết tích cuả chiến tranh. Lúc đó tôi thoáng nghĩ tới tấm hình các bạn học đứng chụp cùng tôi cạnh cầu Long Biên xưa kia toàn vẹn, nay đã bị tổn thương. Tôi cảm thấy dường như bị xúc phạm.

Tôi may mắn sinh sống trong hai môi trường văn hóa Á, Âu, vừa lâu đời lại vừa rất khác biệt. Duy trì được tư tưởng văn hóa phương Đông là điều cần thiết đối với những ngưởi xa quê hương từ lâu. Tuy nhiên sự thích nghi với cả hai nền văn hóa đã cho tôi có được những tư tưởng văn hóa phong phú.

Theo đuổi sự nghiệp trồng người, với những nỗ lực rất cụ thể cho Việt Nam, điều ông lo lắng nhất là gì?

Mặc dù đã có những nỗ lực nhằm phát triển ngành thiên văn ở nước ta, nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Những tiến sĩ trẻ về nước hãy còn quá ít và công tác rải rác khắp nơi, nên họ chưa lập được một nhóm nhà thiên văn đủ uy tín để thành lập một bộ môn thiên văn. Đôi khi họ còn bỏ nghề thiên văn để làm công tác khác có lợi cho họ hơn.

Tôi hy vọng các vị lãnh đạo các trường đại học và các viện khoa học sẽ có những biện pháp động viên sinh viên và các nhà thiên văn trẻ đã được đào tạo, để trong tương lai chúng ta có được một đội ngũ tham gia vào công việc chinh phục vũ trụ cùng cộng đồng các nhà thiên văn trên thế giới.

Ông có buồn nhiều không khi dự án nhà chiếu hình vũ trụ ở công viên Thống Nhất vẫn chưa thành hiện thực?

Dự án nhà chiếu hình vũ trụ tại thủ đô là một vấn đề đã được nhắc đi nhắc lại từ hơn mười năm nay. Ý định xây nhà chiếu hình này được đề ra trong một cuộc gặp gỡ giữa Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và một phái đoàn các nhà khoa học nước ngoài mà tôi mời về nước hồi đó. Dự án này có sự tham gia của chính phủ Pháp. Tôi cũng tham gia cùng các nhà khoa học trong nước để thực hiện dự án. Công viên Thống Nhất có vị trí tương đối trung tâm ở Thủ đô, nên đã được chọn là nơi để đặt một cung khoa học, trong đó có nhà chiếu hình vũ trụ.

Cung khoa học sẽ là nơi để nhân dân Thủ đô, kể cả thiếu nhi, đến trau dồi kiến thức khoa học. Chúng tôi đã hoạt động tích cực tại Pháp và tại Thủ đô Hà Nội trong nhiều năm để công trình xây dựng cung khoa học được ra đời sớm. Nhưng sau này, tôi được Sứ quán Pháp thông báo là dự án bị đình chỉ. Những lý do chính đáng để ngừng công trình xây cung khoa học vượt hẳn ra ngoài khả năng hiểu biết của tôi.

Từng đoạt Giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp năm 1973, ông nghĩ gì về sự đóng góp chất xám của những trí thức Việt kiều? Theo ông, làm thế nào để sự đóng góp trên có thể mang lại hiệu quả sớm hơn cho Việt Nam?

Giải thưởng Viện Hàn lâm Khoa học Pháp được dành cho những công trình thuần túy khoa học. Đối với tôi, giải thưởng không phải là mục tiêu cuối cùng. Những đóng góp âm thầm của mỗi nhà khoa học mới làm cho ngành khoa học tiến triển.

Cộng đồng các nhà trí thức ở hải ngoại khá đông và phong phú. Nhưng hiện nay, sự đóng góp cuả họ chưa thể coi là đáng kể. Nhiều người vẫn còn “chùm chăn” vì chưa có những động cơ thôi thúc họ về nước tham gia vào công việc kiến thiết.

Đã có những nhà trí thức trong và ngoài nước phát biểu là cần phải có những đề nghị cụ thể và hấp dẫn thì mới thuyết phục được Việt kiều trở về. Đồng thời, nền giáo dục trong nước cần được cải thiện để cập nhật những kiến thức mới mẻ. Nâng cao và hiện đại hóa chương trình giảng dạy tại các trường đại học hiện có cũng là vấn đề ưu tiên.

Giáo sư coi trọng phẩm chất nào nhất của con người, nhất là người làm khoa học?

Nền giáo dục phương Đông rất trọng đức tính khiêm tốn, kiên trì và vị tha của con người. Nhưng những đức tính này đôi khi không phù hợp với xã hội năng động và đua tranh ở phương Tây. Vốn là một nhà khoa học thấm đượm nền giáo dục phương Đông, tôi vẫn muốn giữ được cốt cách con người phương Đông, nhưng đồng thời phải năng động trong tác phong làm việc để thích nghi với môi trường xung quanh.

Làm khoa học không có nghĩa là phải từ bỏ lòng tín ngưỡng

Những định luật khoa học về vũ trụ có làm ông mất đi lòng tin vào tín ngưỡng?

Làm khoa học không có nghĩa là phải từ bỏ lòng tín ngưỡng. Một người sùng đạo có thể có tư tưởng khoa học chân chính. Nhưng nếu muốn dựa vào khoa học để giải thích những hiện tượng siêu nhiên huyền bí thì có lẽ là không hợp lý.

Gia đình tôi có truyền thống Phật giáo, nhưng tôi không phải là một phật tử. Tuy nhiên, tôi không quên thắp hương trên bàn thờ những ngày giỗ tổ tiên và thăm chùa chiền những ngày lễ hội. Người phương Tây coi Phật giáo như một môn triết học.

Có ý kiến cho rằng sở dĩ chúng ta sống trong một vũ trụ được điều chỉnh tinh tế để được hài hòa là do sự can thiệp của một Đấng Sáng tạo tối cao. Thuyết Big Bang cho rằng vũ trụ nảy sinh từ một vụ nổ nguyên thủy, nên dường như phù hợp với ý kiến trên. Tuy nhiên, cách tiếp cận những hiện tượng trong vũ trụ đối với Phật giáo và thiên văn học không nhất thiết là phải trùng hợp. Phật giáo dùng tư duy đạo đức, triết học và siêu hình để diệt khổ và đạt giác ngộ, còn khoa học dùng lý luận duy lý để tìm chân lý.

- Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn:

” Tôi được gặp và nghe giáo sư Nguyễn Quang Riệu một lần ở Paris nhân buổi hội thảo về quan hệ giữa thiên văn học, vật lý lượng tử và tư tưởng Phật giáo. Làm việc với thế giới vĩ mô và vi mô, các nhà khoa học hàng đầu như ông gặp các Alpha và các Omega, cái đầu tiên và cái cuối cùng trong tư duy triết học một cách thật tự nhiên. Nhưng ông không hề quên thế giới “trung mô” của chúng ta bằng những nỗ lực bền bỉ để mang tri thức khoa học đến với mọi người. Hiện diện tích cực trong cả ba “cõi” thử hỏi có hạnh phúc nào hơn.

- GS.TS Nguyễn Lân Dũng:

"Tuy tuổi đã cao, nhưng nhiều năm qua ông vẫn ngày ngày làm việc tại Đài Thiên văn Paris vì sự níu kéo của các đồng nghiệp Pháp đối với con người vừa tài ba vừa rất đôn hậu này. Trong ngôi nhà khá hiện đại của ông toàn các hình ảnh của Việt Nam".

- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh:

“Đọc các bài viết của GS Nguyễn Quang Riệu là đọc những trải nghiệm thật sự của nhà thiên văn học chính thống, có lẽ đầu tiên của Việt Nam tại nước ngoài, về cuộc viễn du trong vũ trụ huyền bí, và lang thang trên các miền đất lạ của thế giới vì sự nghiệp và nỗi đam mê thiên văn học của ông, cả hai cuộc hành trình đều thấm đẫm chất sống vô cùng thú vị.

Chúng ta không thể không rung động trước những tình cảm, hơi thở dạt dào của một con người Việt Nam lúc nào cũng ý thức giữ cho mình cốt cách Việt Nam và tình tự yêu nước như thấm sâu trong máu thịt. Việt Nam còn phải học hỏi nhiều môn khoa học này mà GS Riệu đã sớm góp sức gầy dựng để biết ngẩng đầu nhìn trời với thiên hạ".

* Title chính và title phụ do TS tự đặt

(Theo Sài Gòn tiếp thị)

Share this post


Link to post
Share on other sites