wildlavender

CỘI NGUỒN CỦA VĂN MINH ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

1 bài viết trong chủ đề này

CỘI NGUỒN CỦA VĂN MINH ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

Giáo sư Cao Thế Dung

Một số trống đồng vào loại Héger I và II, có di chỉ cách đây từ 2.200 – 2.700 năm do nông dân ở Bình Ðịnh và ở đảo Sơn Rái (Kiên Giang) tình cờ đào được, cho ta thấy, văn minh Lạc Việt qua văn minh Ðông Sơn (Thanh Hóa) bao trùm cả miền Ðông Dương. Cổ thư và cổ sử Trung Hoa cũng như những khám phá của khảo cổ học đã cho ta được biết một cách rõ rệt, đồng bằng sông Cửu Long gần 2.000 năm trước là lãnh thổ của vương quốc Phù Nam với nền văn minh Óc Eo khá rực rỡ, mà nhà khảo cổ Pháp, học giả Louis Malleret đã dầy công khám phá được (xem: Louis Malleret, L’Archéologic du Delta du Mékong - Part I, L’Exploration archéologiques et les fouilles d’Oc.Eo.Paris: écode Francaise L’Extrême Orient - 1950). Miền Nam ngày nay từ khởi thủy hoang địa và từ đây xuất hiện vương quốc Phù Nam (xem: Lê Thương, Sử liệu Phù Nam - Sài Gòn 1974, tr.10).

Về đất Hà Tiên, cực nam Phù Nam, Mạc Thiên Tính (con Mạc Cửu, Tổng trấn Hà Tiên) ghi lại rằng "Trấn Hà Tiên của nước Nam xưa là cõi xa. Từ khi cha tôi mở mang đến nay, đã được hơn 30 năm, dân cư mới được yên cư, tạm biết cấy trồng". Do từ khảo cổ học và những nghiên cứu về địa danh ở Hà Tiên cho thấy, Hà Tiên từ cổ thời đã là nơi người Việt cổ đặt chân tới. Mũi Nay ở Phú Yên (Varella) là biên cương của Việt Thường Thị Nhật Nam xưa thì ở Hà Tiên cũng có mũi Nai, hay mũi Nại. Mạc ThiênTích phiên âm thành Lộc trĩ sơn (Theo nhà địa chất Trần Kim Thạch, “Từ 6000 năm đến nay, biển rút ra khơi, phơi bầy trầm tích mặn... trên đó vật liệu của dòng sông và các dòng lũ hàng năm không ngớt bồi tụ... Hà Tiên có môi trường quần đảo đã nổi thành đất liền" - Trần Kim Thạch, "Tờ trình địa chất khoáng sản huyện Hà Tiên" (15-4-1984) trích dẫn bởi Trương Minh Ðạt, NCLS số 5 - 1993, tr.35). Hà Tiên vốn là Mang Khảm, Mạc Cửu đổi tên thành Phương Thành, sau khi thống thuộc nước Ðại Việt Ðàng Trong mới đổi tên thành Hà Tiên. Qua ngôn ngữ cổ, khảo cổ học đã đi đến kết luận khả tín: dân Việt từ thời viễn cổ hay ít nhất trong thời đại vương quốc Phù Nam đã có mặt ở miền cực nam Ðông Dương như Hà Tiên ngày nay.

Hơn 1000 năm bị Hán đô hộ, hẳn nhiên là văn hóa Việt Nam trong đó có nghệ thuật, đã ảnh hưởng Tầu một cách rõ rệt, nhưng sau những khám phá, khai quật của khảo cổ học gần một thế kỷ qua, nhất là từ văn hóa văn minh Ðông Sơn, ta thấy rõ rệt là từ thời thượng cổ, Việt Nam và Trung Hoa đã là có hai sắc thái văn minh văn hóa khác biệt. Trái lại, Trung Hoa lại chịu ảnh hưởng văn minh Việt Thường Thị trước (qua việc sử gia Việt Thường cống vua Ðường Nghiêu rùa thần). Thời kỳ Ðông Sơn và trước nữa, văn minh Việt Nam qua nghệ thuật nằm trong bối cảnh Ðông Nam Á, tuy không cùng một chủng tộc nhưng Việt Nam và các dân tộc ở Ðông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân đều có chung một nguồn gốc văn minh. Nghệ thuật đúc đồng bằng khuôn đôi và qua các di chỉ đồ đồng Ðông Sơn thì nghệ thuật đồng thau ở Việt Nam và Ðông Nam Á đã xuất hiện trên 3000 năm trước Công nguyên. Nghĩa là trước cả Trung Hoa. Theo một tác giả Tây Phương có thể có trước cả người Cận Ðông (Ai Cập, Do Thái, Ba Tư...). Dựa vào khảo cổ khai quật được ở Việt Nam và nhiều nơi ở Ðông Nam Á, tác giả này cho rằng "đã đủ chứng minh tổ tiên những con người ở Ðông Nam Á đã biết trồng cây, mài đồ đá làm đồ dùng và làm đồ gốm trước cả người Trung Hoa, Ấn Ðộ và Cận Ðông" và rằng nền văn minh Hòa Bình (Việt Nam) qua khắp Ðông Nam Á lan đến Bắc Thái Lan và Bắc Miến Ðiện, vượt lên tới Trung Hoa. (Wilhelm G.Solheim II, New Light on a forgetten past. National Geographic. No 3 - Vol.139 - March 1971). Các di tích khảo cổ và di tích về nền văn hóa Phùng Nguyên cách đây từ khoảng 3 đến 4000 năm đã cho ta thấy nếu so sánh với Trung Hoa và Ấn Ðộ cùng thời, kỹ thuật và nghệ thuật của Phùng Nguyên vượt hơn hẳn Trung Hoa và Ấn Ðộ. Năm 1959, di chỉ Phùng Nguyên ở bên sông Thao được phát hiện và khai quật. Càng ngày ta càng thấy rõ tầm quan trọng của nền văn hóa này trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc (xem: Hà Văn Tấn, ‘Văn hóa Phùng Nguyên, nhận thức mới và vấn đề." Khảo cổ Học số 1 - 1978, tr.5-6). Cuộc khai quật ở huyện Lâm Thao, Vĩnh Phú năm 1961 đã đưa ra khỏi lòng đất một lưỡi rìu đá có hình dáng độc đáo. Từ giai đoạn đồ đá qua giai đoạn Gò Mun trong quá trình phát triển văn hóa thời Hùng Vương, tổ tiên ta đã tiến qua những bước vượt bực, từ mũi tên đồng Phùng Nguyên đến mũi giáo đồng Ðồng Ðậu, mũi giáo đồng Gò Mun và Ðông Sơn cho đến bàn chải đồng Gò Mun ta có cơ sở để nghĩ rằng giai đoạn văn hóa Gò Mun là một bước chuẩn bị trực tiếp cho sự phát triển rất rực rỡ của Ðông Sơn. Di chỉ Gò Mun, Ðồng Ðậu khoảng 3000 trước Công Nguyên, đem so với sự hình thành và phát triển của văn minh Trung Hoa và Ấn Ðộ, Việt Nam và Ðông Nam Á tiến trước và tiến xa khá nhiều. Sự thực là văn minh Việt Nam - hay Lạc Việt trong dòng Bách Việt (Viêm Việt) phát triển trước văn minh Hoa Hán hay ít nhất cùng một thời. Từ cỗi nguồn, văn minh Lạc Việt - Bách Việt là văn minh bản địa, khác hẳn Tầu, sách Cương Mục Tiền Biên của Kim Lý Tường chép rằng, “năm 2361 trước Công nguyên, tức năm Mậu Thân thứ 5 đời Ðường Nghiêu Sứ thần Việt Thường Thị sang chầu dâng rùa thần". Theo Thống Chí của Trịnh Tiền đời Ðào Ðường, "rùa thần sống đến 2000 năm, trên lưng có ghi văn khoa đẩu, ghi việc từ khi trời đất mới mở mang về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là qui lịch". Ðế Nghiêu nhà Ðường sai Hy Thúc (trong Kinh Thư) giữ việc này suy trác khí hậu ở Nam Giao, điều hòa mọi việc thời tiết sớm muộn về mùa hè... Suy trác cẩn thận để tháng trong Hạ được đúng với thời tiết. Lại phải xem đến việc thay đổi của người và trời đất. (xem: Nguyễn Thường, “Lịch với lịch sử kinh tế chính trị và chiến tranh". Nghiên Cứu Lịch Sử số 3 (262) tháng 5 & 6-1992, tr.51-59). Theo Kim Lý Tường con rùa gọi là Thần Qui vì rùa to hơn 4 thước ta (khoảng 1m20), trên lưng có chữ nòng nọc sử Tầu gọi là khoa đẩu văn, ghi tổng quát lịch sử cấu tạo vũ trụ và nhân loại từ thuở ban đầu cho tới đời vua Ðường Nghiêu (xem: Cương Mục, bản dịch - Bộ VHGD - Sài Gòn 1965, tr.31). Vào thời Ðường Nghiêu, dân Hoa Hán vốn là dân du mục chủ về bạo lực, cang cường, từ phía Bắc Hoàng Hà đã tràn xuống phương Nam, tiêu diệt dân Miêu (Bách Việt) đã lan đến miền Sơn Tây (Trung Quốc) ngày nay. Ðời thái cổ, Trung Hoa dựng nước, khởi đầu là Tam Hoàng, gồm 3 vị vua là Toại Nhân, Phục Hy và Thần Nông. Kế đến là Ngũ Ðế, theo Sử Ký của Tư Mã Thiên gồm có Hoàng Ðế, Chuyên Húc, Ðế Cốc, Ðế Nghiêu và Ðế Thuấn. Tam Hoàng Ngũ Ðế theo Ðào Duy Anh đều là thần thoại (Trung Hoa Sử Cương, tr.XVIII). Ðời Nghiêu Thuấn, Hán Tộc đã chinh phục đến miền Hà Nam. Vào thời Bách Việt - Viêm Việt đã sớm văn minh trước cả thời Ðường Nghiêu. Ðịa bàn cư dân Bách Việt bao gồm Hoa Nam ngày nay (Quảng Ðông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Vân Nam) kéo dài đến miền Bắc Việt Nam, qua đèo Hải Vân đi xuống phía Nam là xứ Việt Thường.

Thời thượng cổ, sử Trung Hoa vốn đầy thần thoại và hoang đường cùng thời Văn Lang và triều đại Hùng Vương ở phương Nam, khởi phát từ văn minh lúa nước và khu vực nhân văn Ðông Nam Á, khác với văn minh du mục phương Bắc. Theo cách phân định thời kỳ lịch sử Trung Hoa của sử gia Tây Phương như René Grousset thì thời kỳ Thượng cổ Tam Hoàng Ngũ Ðế cùng một thời với lịch sử Chaldeé; Ðời Xuân Thu Chiến Quốc đi đôi với thời kỳ Hy Lạp - La Mã bên Tây Phương. Thời kỳ Tần Hán cùng thời với đế quốc La Mã (Grousset, Histoire de l’ Asie - L’ Trade et La Chine - Paris 1922). Ðời Hoàng Ðế, văn minh Trung Hoa đã khá, đã làm nhà, dùng xe cộ (hiên viên) và dệt cửi. (Theo sử ký Tư Mã Thiên thì Tam Hoàng là Thiên Hoàng, Ðịa Hoàng và Tần Hoàng tức Nhân Hoàng). Nghiêu Thuấn được coi là thời đại tốt đẹp nhất, thiên hạ thái bình thịnh trị, vua Nghiêu ở ngôi được 70 năm, vua Nghiêu truyền ngôi cho Tứ Nhạc, ông Nhạc từ chối. Nghiêu ra lệnh tìm người quí thích truyền ngôi. Vào thời này, phương Bắc vẫn còn theo mẫu hệ. Theo truyền thuyết thì vua Ðường Nghiêu (2356 - 2255 trước CN) gả 2 con gái cho vua Thuấn (2255 - 2204 trước CN) rồi truyền ngôi cho ông Thuấn. Theo sách Mạnh Tử Vạn Chương Thượng kể truyện em vua Thuấn là Tượng đã tính trước, sau khi giết anh thì hai vợ của anh tức là vua Thuấn, tức chị dâu Tượng sẽ về hầu ông ta (tức lấy làm vợ). Về chế độ mẫu hệ Việt Nam, học giả Pháp Louis Finot khảo cứu rất tường tận (xem Louis Finot, Lesgrandes époques de l’Indochine - những thời kỳ trị của Ðông Dương). B.S.E.M.T (Bulletin de la Sociéte d’Enseignement Mutuel du Tonkin). T.XV, II , 87-287), cho thấy thời viễn cổ dân Việt theo mẫu hệ nhưng mẫu hệ Việt Nam khác với mẫu hệ thời Ðường Nghiêu, đã sớm chấm dứt từ triều đại Hùng Vương. (xem: Nguyễn Khắc Ngữ, "Mẫu hệ Việt Nam". Văn Hóa tập san, T.X1, Q.9 - 1962, tr 913-1084).

Nghiên cứu tài liệu khảo cổ học, từ Tây Phương và Việt Nam, với tấm bản đồ phân bố các di chỉ, ta thấy rằng, tổ tiên ta đã mất khoảng 10,000 năm để biến từ văn minh Phùng Nguyên qua Ðông Sơn. Ðó là cái mầm tinh túy Việt, không hề ảnh hưởng ngoại nhập từ Bắc phương, và cái mầm ấy nẩy nở trong bối cảnh nhân văn địa lý Ðông Nam Á, cái gốc kỳ diệu của văn minh Việt Nam. Cái gốc ấy qua văn hóa Phùng Nguyên đã phát triển liên tục vào khoảng thiên niên kỷ thứ 2 trước Công Nguyên tức cách đây khoảng từ 3 đến 4000 năm. Những kết quả phân tích bon (carbon, phóng xạ đồng vị C14) đã xác định là những tinh hoa Việt trên 4000 xưa là chính xác (xem: Khảo Cổ Học số 7 & 8 - tháng 12-1970 về văn hóa Hùng Vương và thời đại Hùng Vương tr. 33-44)

Thời đại Hùng Vương là thời đại có thực trong lịch sử - không phải là huyền thoại - truyền kỳ. Thời đại này bao gồm từ văn hóa Phùng Nguyên, có thể trước nữa cho đến nền văn hóa rực rỡ Ðông Sơn. Theo sử gia Nguyễn Phương thì từ thời viễn cổ, từ khi hình thành dân tộc Việt Nam, "Các trẻ già chính thống đều cho rằng dân Việt Nam không giống dân Trung Quốc. Tư tưởng này biểu lộ rõ rệt ở vấn đề quốc thống họ đã nêu lên. Họ nghĩ rằng, nước Việt Nam đã là một nước ngay từ đầu, từ thời gian trước khi chung đụng với người Tầu, nghĩa là từ buổi xa xưa khi vừa mới có dân tộc Việt Nam" (xem: Nguyễn Phương, "Tiến trình hình thành của dân tộc Việt Nam. Tạp chí Ðại Học Huế, số 32 - tháng 4-1983, tr.153-219).

Bước tiến của con người từ khi có con người trên hành tinh này, ta gọi là tiến trình của văn minh văn hóa là những bước tiến kỳ diệu, rất lâu, cả vạn năm... Các sử gia Trung Hoa tự gắn cho dân tộc Hán là tiền tiến "trung tâm của vũ trụ". Các học giả trên thế giới trước đây cũng ngộ nhận cho rằng chỉ có một nơi trên thế giới con người bung ra, thắp sáng ánh sáng văn minh, đó là vùng Tây Á, mà điểm chính là vùng đồi gò trung du bao bọc Lưỡng Hà để từ đó tỏa ra bốn phương. Nay thì với cái công trình khai quật của khảo cổ học đã cho ta thấy không phải như thế. Khoảng một vạn năm trước văn minh của loài người chớm nở, Ðông Nam Á trong đó có Việt Nam lại là một trong mấy điểm chính là nơi con người vươn lên với ánh sáng văn minh mà văn minh Phùng Nguyên, trước nữa là Hòa Bình là những đốm lửa đầu tiên. Nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam nẩy mầm từ thửơ xa xôi mịt mờ đó. Từ bản chất nền văn hóa ấy đã rất dân tộc (Lạc Việt) trong bối cảnh và phong cách Ðông Nam Á, chứ không phải đã ảnh hưởng Trung Hoa vì Trung Hoa phát triển muộn hơn. Cũng nhờ vậy, sau này "Mặc dầu có sự vay mượn ít nhiều của Tầu, Chiêm Thành và Tây Phương, luôn luôn biết dung hóa các mỹ thuật nói trên để tạo thành một nền mỹ thuật có bản sắc dân tộc" (Nền mỹ thuật Việt Nam, ltđd. Ðại học số 30, tháng 5-1958, tr.320).

Khảo cổ học đang có những công trình vượt mức đào xâu nền văn hóa của tổ tiên ta vào thời Hùng Vương và sau đó ta vẫn không thấy có yếu tố Trung Hoa nào trong nền văn hóa tiều tiến của nhân loại mà văn minh Lạc Việt - Bách Việt mới là tiều tiến. Khảo cổ gia lỗi lạc của Tây Phương Olov R.T Janse lại nêu một dấu hỏi về ảnh hưởng của Hy Lạp và Rôma (cổ) ở Việt Nam (xem bản dịch Việt ngữ, Olov R.T. Jane. Ảnh hưởng Hy Lạp và Rôma ở Việt Nam, Việt Nam cũng có bình Asko’s, tiếng Hy Lạp là cái bầu bằng da). Theo Jane, trong khi khai quật ở nghĩa trang Bình Sơn - Thanh Hóa thuộc Trung Việt "Chúng tôi đã tìm thấy một cái bình bằng đất nung nằm trong một ngôi mộ bằng gạch xây vòm lên. Chiếc bình đó không phải kiểu Tầu nhưng có kiểu đặc biệt làm cho ta liên tưởng đến những bình thường thấy trong những xứ chịu ảnh hưởng Hy lạp và Rôma, gọi là Asko’s hay guittus" (Bản Anh ngữ, Olvov R.T.Janse. Archaeological research in Indo-china. T.I & II - Harvard Univ. Press.1947-1952). Ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn minh là hiện tượng phổ biến có thể qua ngả Ðông Nam Á, người thời Ðông Sơn, Văn Lang đã tiếp nhận được cái sản phẩm nghệ thuật từ phương Tây nhưng cho đến nay, tuyệt đối chưa thấy ảnh hưởng từ Trung Hoa trong nền văn hóa Văn Lang từ Ðông Sơn trở lên Phùng Nguyên và Hòa Bình. Nền văn hóa ấy có thể nói là vĩ đại vào thời bấy giờ của nhân loại . Nói như thế mà không sợ ngoa ngôn hay đại ngôn. Bởi đó chỉ là sự thực. Nền văn hóa Văn Lang là do từ bản địa và rất sáng tạo. Những hình khắc chạm trên tháp Ðào Thịnh có di chỉ cách đây khoảng 2500 - 3000 năm cho thấy nghệ nhân vào thời bấy giờ đã có quan niệm về nhân tinh và luyến ái khá rõ rệt. Dịch và là Chu Dịch đã là nguồn khởi tác và chi phối toàn diện văn minh văn hóa Trung Hoa (giới trẻ hải ngoại có thể tìm đọc và khảo cứu Dịch qua Anh ngữ với tác phẩm rất hiện đại và khá đầy đủ qua bộ Chu Dịch - I Ching - The Classic Chinese Oracles of Change - trans by Rudolf Ritsema & Stephen Karcher - N.Y: Barnes & Noble books, 1995, pp.816). Dịch lý Trung Hoa mà người Tầu vô cùng hãnh diện lại phát xuất từ Việt Thường Thị - Lạc Việt Văn Lang.

Nhờ sứ giả Việt Thường cống rùa thần, nhà Chu Trung Hoa mới có qui lịch. Thần qui - Long mã là biểu trưng của Dịch Lý Trung Hoa. Thần qui từ phương Nam đem qua, Ðường Nghiêu căn cứ vào hình tượng khoa văn trên mu rùa mà làm thành Lịch và lịch đã chi phối toàn bộ sinh hoạt văn hóa, xã hội mà kể cả quân sự của Trung Hoa từ thời bấy giờ. Xem như vậy thì rõ rệt văn minh Lạc Việt qua sứ Việt Thường đã du nhập vào Trung Hoa trước khi Trung Hoa tràn qua phương Nam (Theo giáo sĩ L.Wiegex, một nhà thông thái dòng Tên "người Tầu đã dựa vào cống phẩm rùa thần mà làm ra Qui Lịch - L.Wieger, Hisfoire des croyances religieuses et des opinions philosophiques en Chine, depnis l’ origine jusqu à nos jonrs. "Lịch sử Tín ngưỡng và quan điểm triết học ở Trung Hoa, từ khởi thủy cho đến thời đại chúng ta”, dẫn bởi tiến sĩ Thái Văn Kiểm).

Theo cổ sử Trung Hoa năm Tân Mão 1100 trước CN, đời vua Thành Vương nhà Chu, nước Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ lại sai sứ đem chim Trĩ sang cống Thành Vương ở Hạo Phủ (Thiển Tây). Ðại Nam Quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Ðình Toái (sông Nhị Hà - 1949 - bản dịch của Hoàng Xuân Hãn), chép về nhà Hồng Bàng và sứ Việt Thường qua thăm nhà Chu Trung Hoa:

Vừa đời ngang với Chu Thành
Bốn phương biển lặng trời xanh một mầu
thăm Trung Quốc thế nào?
đem Bạch Trĩ dâng vào Chu Vương...

Theo Hoàng Việt - Giáp Tý Niên biểu ghi Tân Mão là năm 1110 trước CN. Thư sử ký Tư Mã Thiên, sứ Việt Thường cống Chu Vương 3 con chim trĩ, đây là loại chim Phượng Hoàng ở dọc dẫy Trường Sơn - Trung Bộ Việt Nam, một con đực, 2 con cái, 1 con là Bạch trĩ, một con là Hoàng trĩ, một con Thanh trĩ. Trước đó, Trung Hoa không có loài chim trĩ này. Nhờ có 3 chim trĩ Việt Thường sinh sôi nẩy nở, Tầu mới có trĩ "sào nam", chim gốc từ phương Nam nên khi đậu trên cành, đầu nghoảnh về phương Nam do đó có câu “Chim Bắc đậu cành Nam". Về sứ Việt Thường Cống Chu Thành Vương chim trĩ, Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi chú như sau: "Sứ ta xưng là Việt Thường Thị. Thành Vương là vua thứ tư nhà Chu sau Thái Vương, Văn Vương, Vũ Vương. Truyền thuyết nói Việt Thường Thị ở phương nam hiến chim trĩ trắng được thấy đầu tiên ở sách Thượng Thư đại truyện của Phúc Thắng và truyện Trúc Thư Kỷ niên. Truyện nầy được chép lại ở sách Hậu Hán Thư, Q.116 (Toàn Thư, T.I, tr.62). Về truyện Bạch trĩ, Lĩnh Nam Chính Quái chép như sau: "Về đời Chu Thành Vương nhà Chu, Hùng Vương sai bề đôi tự xưng là họ Việt Thường đem chim bạch trĩ sang hiến cống. Vì ngôn ngữ bất đồng, Chu Công phải sai sứ dịch qua nhiều lần mới hiểu nổi nhau. Chu Công hỏi: “Người Giao Chỉ cắt tóc ngắn, để đầu trần nhuộm răng đen là cớ làm sao?" Ðáp: "Cắt tóc ngắn để tiện đi trong rừng rú. Xâm mình để giống hình Long quân bơi lội dưới sông loài giao long không phạm tới. Cầy bằng dao, trồng bằng lửa. Ðể đầu trần để tránh lửa bụi. Ăn trầu cau để trừ ô uế cho nên răng đen vậy.” (xem :Vũ Quỳnh - Kiều Phú. Lĩnh Nam Chính Quái, ltđd, tr.48)

Nhiều bộ cổ thư Trung Hoa chép về việc sử Việt Thường đến Trung Hoa cống chim trĩ sách Thượng Thư Ðại Truyện. Sách "Kim Bản Kim Chú" chép rằng "Sứ Việt Thường tới cống hiến bạch trĩ một con, hắc trĩ hai con, ngà voi một chiếc. Sứ giả quên mất đường về, Chu Công bèn ban cho bông hoa tấm, biểu xa 5 cỗ điểu chữ bằng tư nam. Khiến sứ giả cỡi xe đi về phương nam. Nối theo miền biển Phù Nam Lâm Ấp đúng một năm mới tới nước đó, sai quan Ðại Phu đưa về. Lại cỡi xe tư nam đi ngược lại hướng do xe chỉ, đầy một năm tới nước Chu. Trục xe và đầu trục xe điều chế bằng sắt, khi về tới nước Chu, sắt đều mòn cả." theo Kim Bản Cổ kim chú - trích dẫn bởi học giả Nguyễn Khắc Kham, "Ðời nhà Chu đã có xe chỉ nam chưa?" Văn Hóa Tập San T.X II, 1963-4, tr.501-511. Ðiều này không thể đúng vì vào thời đó chưa có đường xá cho xe đi, từ Thiểm Tây đến Việt Thường. Vả lại, theo Gs Nguyễn Khắc Kham, qua bài khảo cứu súc tích công phu kể trên thì "theo như suy cứu ở sử sách Tầu, thời đời Chu Tùy đã có danh từ chỉ nam xa nhưng mãi tới đời Ðông Hán sau này mới có xe chỉ nam." Cổ thư Tầu thường hay phóng đại cũng là cách tự tôn vinh "Thiên quốc - Thiên tử" - cái rốn của vũ trụ. Sứ Việt thường chắc lúc về bằng đường biển. Theo cổ thư và khảo cổ, cách đây hơn 3000 năm, người Việt đã đóng được thuyền vượt biển. Dân Việt Thường khởi hành từ đâu? Từ các cửa biển phía trên hay dưới đèo Hải Vân? Tuy còn là một nghi sử nhưng rõ rệt, Việt Thường Thị ở phía Nam vào thời nhà Chu đã đóng được thuyền vượt biển - chắc chắn phải là thuyền lớn và phải nắm được thuật hải hành và thiên văn. Thuyền khắc chạm trên trống đồng Ðông Sơn (loại Hegger I, cổ nhất có di chỉ cách đây khoảng 2500 - 2700 năm) là loại thuyền lớn.

Thân trống đồng Ngọc Lũ - Ðông Sơn khắc chạm hình thuyền. Thuyền dài, 2 đầu cong. Ðầu mũi thuyền trang điểm phức tạp, nhìn chung giống như đầu chim. Ðàng lái trang điểm như đuôi chim. Trên thuyền gần lái có một cái sàn. Sàn nhìn thấy 2 cột cao (trống Ngọc Lũ). Sàn làm bằng một lớp dầy ngoài bờ trang trí bằng vòng tròn có chấm và có tiếp tuyến chèo. Dưới sàn người đặt một chiếc trống và một cái bình. Trên sàn có một chiến sĩ cầm cung quay mặt về phía lái. ở trống Hoàng Hạ, người cầm cung còn để sẵn một mũi tên to trên cung, lưng đeo một chiếc thuẫn ... Cột trụ (thuyền) gồm 2 cọc lớn cao ngang ngực, trên đó có một vật hình lục lăng, vẽ vòng tròn khép kín. Trên vật lục lăng có 2 cái lông lớn và một cái cần chỏng lên trời, cần này đầu mút lại, hình tròn có chấm với một tua lông ... (xem: Nguyễn Phương, "Tiền Sử và Lịch Sử Lạc Việt. "Tạp Chí" Ðại Học (Huế), số 38.) Sử Việt Thường dâng tặng cống phẩm chim trĩ, Viên Thành Vương cho đem dâng Chu Công (tức Chu Công Ðán, anh vua, là bậc tiên Thánh của Nho giáo). Chu Công lúc đầu không nhận, và nói: "Ðức trạch không thấm tới thì người quân tử không hưởng những của đem dâng. Cho nên chính luật không thi hành tới thì người quân tử không bắt người đó làm bầy tôi.". (Theo Thượng Thư Ðại Truyện, trích dẫn bởi Nguyễn Khắc Kham, tlđd. Văn Hóa số T.XII, Q.4 - tháng 4-1963, tr.507). Ðức trạch và chính lệnh có nghĩa là văn minh văn hóa và học thuật Trung Quốc. Như thế cũng có nghĩa rõ ràng rằng, Việt Thường chưa hề chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa. Sứ Việt Thường đến triều cống là cho theo lời sứ: "Tôi vâng mệnh ông già ở nước tôi, đã từ lâu rồi thấy trời không có gió dữ mưa dầm. Có lẽ là Trung Quốc có Thánh nhân chăng? Có thời sao không vào ngay mà triều kiến?" Ðiều này cũng chứng tỏ rằng, người Việt Thường đời bấy giờ đã biết xem thiên văn, hiểu lịch số và mệnh trời, đoán phương Bắc có “thánh nhân”. Gần 1000 năm sau, theo cổ sử Trung Hoa, Việt Thường Thị mới trở thành Tượng Quận và Nhật Nam vào đời Tần Thủy Hoàng và Hán Cao Tổ (Lưu Bang).

Thời gian Tần - Hán thống thuộc Việt Thường không dài lắm. Thời Tần không đáng kể, ngoại trừ triều đại nhà Triệu nước Nam Việt. Quân của Tần Thủy Hoàng xâm lăng Bách Việt đã bị chận đứng ở cõi Lĩnh Nam cho đến khi Triệu Ðà lập ra nước Nam Việt (năm 207 trước CN) thôn tính cả cõi Âu lạc bấy giờ Việt Thường mới thuộc vương quyền của nhà Triệu sau khi nhà Thục nước Âu Lạc (257 - 207 trước CN) mất ngôi, Âu Lạc bị sát nhập vào Nam Việt. Việt Thường trở thành quận Nhật Nam của nhà Ðông Hán sau khi Hán Vũ Ðế sai Lộ Bác Ðức đem quân đánh chiếm nước ta, diệt Nam Việt năm Canh ngọ (111 trước CN). Nhà Hán cũng chỉ cai trị được Nhật Nam không quá 180 năm thì dân Lâm Ấp nổi lên giành quyền tự chủ. Những địa danh Nhật Nam - Lâm Ấp trong cổ sử và cổ thư chính là lãnh thổ Việt Thường Thị, tức Thuận Hóa sau này hay Bình Trị Thiên ngày nay kéo dài đến quá đèo Hải Vân. Sử gia Quốc sử quán triều Nguyễn đày một miền tự hào khi viết về tỉnh Quảng Nam ghi rằng: "Quảng Nam xưa nguyên là đất Việt Thường Thị, đời Tần (246 - 207 trước CN) thuộc về Tượng Quận, đời Hán (206 - 202 trước CN và 1-219 sau CN) thuộc về quận Nhật Nam sau bị Lâm Ấp chiếm cứ." (xem: Ðại Nam Nhất Thống Chí, Q.5 - Tổng tài biên soạn Cao Xuân Dục cùng với Lưu Ðức Xưng - Trần Xán - bộ QGGD, SàiGòn xb - 194, tr.5). Lãnh thổ Việt Thường Thị mà miền Viễn Cương kéo dài đến Ninh Thuận - Bình Thuận ngày nay. Ðại Nam Nhất Thống Chí chép như sau: "Ðất đây nguyên xưa là nước Nhật Nam ở kiếu ngoại ngoài biên, sau là đất Chiêm Thành. Vua Thánh Tôn nhà Lê (1460 - 1497) bình định Chiêm Thành rồi trao cho họ coi giữ khu đất biên giới phía Nam để nạp cống hiến." (xem: ÐNNTC, Q. 12, tỉnh Bình Thuận (phụ: đạo Ninh Thuận - Bộ VHGDXB 1965, tr.7). Ðời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) ta mở nước đến sông Phan Lang (Phan Rang). Ðời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725), ta lấy nốt phần đất còn lại của Chiêm Thành ở phía tây, năm 1692, đặt làm trấn Thuận Thành. Năm 1697 mở phủ Bình Thuận, chia đất Chiêm phía tây Phan Rang lập 2 huyện An Phước và Hòa Ða. Nói cho chính danh từ vua Lê Thánh Tôn rồi các chúa Nguyễn chinh phục Chiêm Thành chỉ là lấy lại đất cũ Việt Thường Thị nơi nền văn minh bản địa Lạc Việt - Bách Việt đã sớm phát triển trước cả văn minh Hoa Hán. Ðó là cỗi nguồn của đất nước và văn minh Việt Nam.


Nguồn: http://www.mevietnam.org/NguonGoc/ctd-coinguonvanminhvn.html

Người post bài: Phan Anh Tú

Share this post


Link to post
Share on other sites