Tuyết Minh

Lý Giải Sư Khác Biệt Trong Trình Tử Vi Lạc Việt

4 bài viết trong chủ đề này

Các thành viên trong diễn đàn Lý Học Đông Phương thân mến,

" Tử Vi Lạc Việt là hệ quả của công trình nghiên cứu xác định một nguyên lý căn để của Lý học Đông phương là: Hậu Thiên lạc Việt phối Hà Đồ và xác định tính hợp lý từ nguyên lý căn để này của Lạc Thư Hoa giáp"

Tử vi Lạc Việt cơ bản khác với tất cả các diễn đàn khác ở chỗ đổi Thủy-Hỏa, vòng Tràng sinh và vị trí an Khôi Việt trên một vài lá số. Điều này gây bỡ ngỡ cho không ít các thành viên mới tham gia trên diễn đàn, từ đó vội vàng kết luận là Trình tử vi Lạc Việt sai và phản ứng của nhiều người có phần không tích cực.

Bởi vậy TM xin mở ra topic này với mong muốn lý giải các thắc mắc của nhiều người về sự khác biệt này. Nếu thành viên nào có băn khoăn, trước tiên xin vui lòng đọc và tìm hiểu kỹ trước khi nêu ra câu hỏi hay phản biện lại. Diễn đàn rất chào mừng các bạn có ham muốn tìm hiểu, tư vấn, đóng góp và trao đổi kiến thức. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm.

Dưới đây là một vài trích đoạn trong sách của thầy Thiên Sứ và kèm theo đường link các cuốn sách với các bạn muốn tìm hiểu sâu thêm:

Tác giả: Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Nguồn: Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương - Nhà xuất bản tổng hợp TP.HCM

Tiên quyết: Hà đồ chính là cơ sở của Hậu thiên bát quái Lạc Việt.

Xét về nội dung bản văn thì chỉ duy nhất cuốn Chu Dịch nói về sự ứng dụng khởi nguyên của Hà đồ. Bạn đọc quán xét đồ hình dưới đây:

Posted Image

Qua đồ hình trên – tạm thời để sang một bên những vấn đề liên quan đến vị trí Tốn & Khôn (Đã chứng minh trong cuốn “Tìm về cội nguồn Kinh Dịch” và tiếp tục chứng minh trong cuốn sách này) – quan tâm cũng nhận thấy một sự trùng khớp hoàn toàn cho 4 phương vị chính Đông – Tây – Nam – Bắc là:

* Khảm Thủy / Chính Bắc trong ứng dụng của Hậu thiên bát quái nằm ở độ số 1 chính Bắc / Thủy của Hà đồ (Hiện tượng này cũng trùng khớp khi Hậu thiên bát quái Văn Vương liên hệ Lạc thư, theo cổ thư chữ Hán).

* Chấn Mộc / Chính Đông trong ứng dụng của Hậu thiên bát quái nằm ở độ số 3 chính Đông / Mộc của Hà đồ (Hiện tượng này cũng trùng khớp khi Hậu thiên bát quái Văn Vương liên hệ Lạc thư, theo cổ thư chữ Hán).

* Đoài Kim / Chính Tây trong ứng dụng của Hậu thiên bát quái Lạc Việt nằm ở độ số 9 chính Tây / Kim của Hà đồ. Trong cổ thư chữ Hán thì Đoài kim nằm ở cung số 7 là độ số thuộc Hỏa của Lạc thư . Hỏa khắc Kim .

* Ly Hỏa / Chính Nam trong ứng dụng của Hậu thiên bát quái Lạc Việt nằm ở độ số 7 chính Nam / Hỏa của Hà đồ. Trong cổ thư chữ Hán thì Ly/ Hỏa nằm ở cung số 9 thuộc Kim của Lạc thư. Hỏa khắc Kim

Tính chất Ngũ hành của hai phương vị chính trong Hậu thiên Lạc Việt với Hà đồ không đổi so với Hậu thiên bát quái Văn Vương liên hệ với Lạc thư theo cổ thư chữ Hán là Khảm - Thủy Bắc và Chấn - Mộc Đông.

Nhưng tính hợp lý và nhất quán hoàn toàn với 4 chính quái trên lại chỉ có ở Hà đồ liên hệ với Hậu thiên bát quái Lạc Việt là:

* Khảm Thủy - Bắc nằm ở chính vị cung Dương Thủy Bắc, độ số 1 của Hà đồ .

* Chấn Mộc - Đông nằm chính vị cung Dương Mộc Đông, độ số 3 của Hà đồ .

* Ly Hỏa - Nam, nằm ở chính vị cung Dương Hỏa Nam, độ số 7 của Hà đồ .

* Đoài Kim – Tây, nằm ở chính vị cung Kim Tây của Hà đồ.

Quote

Như vậy, chỉ có Hà đồ liên hệ với Hậu thiên bát quái Lạc Việt – mới chứng tỏ sự trùng khớp một cách hợp lý, nhất quán với mối liên hệ thực tế của sự khởi nguyên nền Lý học Đông phương trong Chu Dịch.

Tính hợp lý trùng khớp hoàn toàn này đã phủ nhận mối liên hệ giữa Hậu thiên Văn Vương với Lạc thư theo cổ thư chữ Hán.

Sự kết hợp của Hà đồ với Hậu thiên bát quái Lạc Việt, chính là chìa khóa rất quan yếu để mở kho tàng văn hóa Đông phương đầy huyễn ảo một cách kỳ vĩ, khi bụi thời gian phủ dầy lên nền văn hiến một thời vàng son của người Lạc Việt.

 

Trích dẫn 1: Hà đồ và nguyên lý cấu thành Hoa Giáp

I. Hà đồ và nguyên lý nghịch trong cấu thành Lạc thư hoa Giáp từ cổ thư chữ Hán

Trước hết, chúng ta xét đến độ số được sử dụng trong “Tinh lịch khảo nguyên”.

Quote

 

Tinh lịch khảo nguyên viết:

Trong 49 giảm bớt đi, số thừa đủ 10 trở đi dư 1, 6 là Thủy; dư 2, 7 là Hỏa; dư 3, 8 là Mộc; dư 4, 9 là Kim; dư 5,10 là Thổ, đều dùng chỗ Ngũ hành sinh làm nạp âm, như thế thì giống với Hà đồ. Lại như phép đếm cỏ thi dùng sách thừa để định cơ (lẻ) ngẫu (chẵn), như thế dùng số thừa để định Ngũ hành, lý đó đúng và hợp nhau vậy. Như Giáp là 9, Tí là 9; Ất là 8, Sửu là 8, tổng cộng là 34, lấy 49 trừ cho 34 dư ra 15, bỏ 10 không dùng, lấy 5 là Thổ mà Thổ sinh Kim, vì vậy đặt là Kim. Bính Dần, Đinh Mão hợp số là 26, lấy 49 trừ cho 26 dư ra 23, bỏ 20 không dùng, lấy 3 là Mộc mà Mộc sinh Hỏa, vì vậy đặt là Hỏa. Mậu Thìn, Kỷ Tỵ hợp số là 23, lấy 49 trừ cho 23 dư ra 26, bỏ 20 không dùng, lấy 6 là Thủy mà Thủy sinh Mộc, vì vậy đặt là Mộc. Canh Ngọ, Tân Mùi hợp số là 32, lấy 49 trừ đi cho 32 dư ra 17, bỏ 10 không dùng, lấy 7 là Hỏa mà Hỏa sinh Thổ, vì vậy đặt là Thổ. Ngoài ra phỏng theo như thế”.

 

Đây chính là số của Hà đồ và Tinh lịch khảo nguyên cũng công nhận điều này (Phần in đậm). Vì số Hà đồ mang tính qui luật thể hiện sự vận động của ngũ tinh cho nên sự trùng khớp này chứng tỏ bảng Lục thập hoa giáp lưu truyền trong cổ thư chữ Hán cũng phải dựa trên một nguyên tắc hoặc qui luật có liên hệ với Hà đồ. Về tính qui luật và nguyên tắc trong bảng lục thập hoa giáp lưu truyền trong cổ thư chữ Hán, người viết trình bày và minh chứng như sau: Bắt đầu từ:

1. Hành Kim

Giáp Tí-Ất Sửu = Hải trung Kim: Kim sinh (Mạnh); cách 8 năm (Cách bát sinh tử) đến Nhâm Thân-Quý Dậu = Kiếm phong Kim: Kim vương (Trọng); cách 8 năm đến Canh Thìn-Tân Tỵ = Bạch Lạp Kim: Kim mộ (Quý).

Kết thúc chu kỳ Sinh - Vượng - Mộ của Kim - tổng số là 24 năm; nghịch theo chiều kim đồng hồ trên Hà đồ; cách 8 năm tiếp theo tới hành Hỏa là:

2. Hành Hỏa

Mậu Tí - Kỷ Sửu = Tích Lịch Hỏa (Sinh); cách 8 năm đến:Bính Thân - Đinh Dậu = Sơn hạ Hỏa (Vượng); cách 8 năm đến: Giáp Thìn - Ất Tỵ= Phúc Đăng Hỏa (Mộ).

Kết thúc chu kỳ Sinh - Vượng - Mộ của hành Hỏa - tổng số là 24 năm; nghịch theo chiều kim đồng hồ trên Hà đồ; cách 8 năm tiếp theo tới hành Mộc là:

3. Hành Mộc

Nhâm Tí-Quý Sửu = Tang đố Mộc (Sinh); cách 8 năm đến Canh Thân-Tân Dậu = Thạch Lựu Mộc (Vượng); cách 8 năm đến Mậu Thìn-Kỷ Tỵ = Đại Lâm Mộc (Mộ).

Kết thúc chu kỳ Sinh - Vượng - Mộ của hành Mộc - tổng số là 24 năm; nghịch theo chiều kim đồng hồ trên Hà đồ; cách 8 năm tiếp theo tới hành Thủy là:

4. Hành Thuỷ

Bính Tí-Đinh Sửu = Giáng hạ Thủy (Sinh); cách 8 năm đến: Giáp Thân-Ất Dậu =Tuyền trung Thủy (Vượng); cách 8 năm đến:Nhâm Thìn-Quý Tỵ = Trường Lưu Thủy(Mộ).

Kết thúc chu kỳ Sinh - Vượng - Mộ của hành Thủy - tổng số là 24 năm; nghịch theo chiều kim đồng hồ trên Hà đồ; cách 8 năm tiếp theo tới hành Thổ là:

5. Hành Thổ

Canh Tí-Tân Sửu = Bích thượng Thổ (Sinh); cách 8 năm đến: Mậu Thân-Kỷ Dậu = Đại dịch Thổ (Vượng); cách 8 năm đến: Bính Thìn-Đinh Tỵ = Sa trung Thổ (Mộ).

Kết thúc chu kỳ Sinh – Vượng – Mộ của hành Thổ - tổng số là 24 năm.

Qui luật cách bát sinh tửSinh Vượng Mộ - được lặp lại với nguyên tắc nghịch chiều kim đồng hồ trên Hà đồ ở trên bắt đầu từ Giáp Ngọ - Ất Mùi = Sa Trung Kim (Sinh) tiếp tục cho đến hết 60 năm của một hoa giáp.

Xin bạn đọc xem hình sau đây:
Nguyên lý nạp âm Lục thập hoa giáp trong cổ thư chữ Hán

Posted Image

Như vậy, người viết đã chứng tỏ một tính quy luật và nguyên lý trong việc sắp xếp nạp âm 60 hoa giáp lưu truyền từ cổ thư chữ Hán, liên quan đến Hà đồ. Mặc dù đây là một nguyên lý sai. Nhưng chính tính qui luật nghịch chiều của nguyên lý này đã làm nên sự trùng khớp về độ số với Hà đồ của bảng Lục thập hoa giáp từ cổ thư chữ Hán mà Tinh lịch khảo nguyên nói tới; và sự trùng khớp về Ngũ hành giữa Ngũ Âm (Mang qui luật Ngũ hành) và hành khí của nạp âm trong Lục thập hoa giáp mà Chu Hy nói tới.

Tính qui luật là một trong những yếu tố cần của một lý thuyết khoa học. Nhưng đó lại chưa phải là yếu tố đủ và quyết định. Sự sai lầm của tính qui luật chủ quan trong nguyên tắc này trong việc lập thành bảng 60 hoa giáp từ cổ thư chữ Hán thể hiện ở những điểm sau đây:

1. Hà đồ là một đồ hình biểu lý cho sự tương tác của vũ trụ với Địa cầu theo chiều thuận kim đồng hồ (Sự vận động của các thiên thể theo chiều nghịch. Đây chính là biểu lý của Lạc thư =Dương: Biểu lý cho vật thể/ thiên thể = Âm. Hà đồ = Âm: Biểu lý cho sự tương tác theo chiều thuận: Dương). Do đó, không thể căn cứ trên đồ hình căn nguyên của nó mà lại đi theo chiều ngược với chính nguyên lý của nó.

2. Chính vì sai lầm của nguyên tắc ngược chiều kim đồng hồ trên Hà đồ, nên qui luật cách bát sinh tử chỉ thể hiện giới hạn trong chính hành đó (Sinh - Vượng - Mộ) mà không thể hiện được ở các hành tiếp nối. Thí dụ:

Kết thúc chu kỳ Sinh - Vượng - Mộ của hành Kim thì đáng lẽ phải là hành Thủy (Con do Kim sinh; Kim sinh Thuỷ) thì trong bảng Lục thập hoa giáp từ cổ thư chữ Hán lại là hành Hỏa?

Nhưng có thể nói rằng: Ngay chính cả cái nguyên tắc sai này cũng không được phát hiện trong cổ thư chữ Hán cho đến tận bây giờ. Những phương pháp tính toán trong Tinh lịch khảo nguyên mới chỉ có tính tiếp cận với độ số Hà đồ mà thôi.

Chính những sai lệch này đã đẩy nền văn minh Đông phương trở thành huyền bí, khi mà những nguyên lý của một siêu lý thuyết vũ trụ quan thất truyền trải hàng thiên niên kỷ. Đã hàng ngàn năm trôi qua, mặc dù hết sức cố gắng, người ta cũng không thể khám phá những bí ẩn của nền văn hoá phương Đông huyền vĩ. Đơn giản chỉ là:

Quote

Người ta không thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai.

Bởi vậy, ông Thiệu Vĩ Hoa - một nhà nghiên cứu nổi tiếng Trung Hoa hiện đại - đã phải thừa nhận rằng:

Quote

Nạp âm Ngũ hành trong bảng 60 Giáp Tý căn cứ theo nguyên tắc gì để xác định; người xưa tuy có bàn đến nhưng không có căn cứ rõ ràng và cũng chưa bàn được minh bạch. Do đó vẫn là huyền bí khó hiểu. Bảng 60 Giáp Tý biến hoá vô cùng; đối với giới học thuật của Trung Quốc cho đến nay vẫn là huyền bí khó hiểu”.

Sự phục hồi những nguyên lý của học thuật cổ Đông phương chỉ có thể thực hiện từ nền văn minh Lạc Việt, mà hậu duệ chính là dân tộc Việt Nam hiện nay. Để phục hồi lại nạp âm của bảng Hoa giáp này, chúng ta cũng phải tìm trong Hà đồ.

II. Hà đồ và nguyên lý thuận trong cấu thành Lạc thư hoa Giáp từ văn minh Lạc Việt

Trong phần trên, người viết đã chứng tỏ nguyên tắc nạp âm của bảng Lục thập hoa giáp lưu truyền qua cổ thư chữ Hán là:

Chu kỳ cách bát sinh tử và nguyên lý Sinh - Vượng - Mộ của một hành trong 24 năm kết thúc thì chuyển sang hành khác – theo chiều ngược kim đồng hồ trên Hà đồ.

Người viết đã chứng tỏ nguyên tắc nạp âm trong bảng Lục thập hoa giáp từ cổ thư chữ Hán là một nguyên tắc sai so với nguyên lý tạo nên nó là Hà đồ.

Bởi vì, Hà đồ là đồ hình biểu lý cho sự tương tác có tính qui luật của ngũ tinh - Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ - trong Thái Dương hệ. Điều này đã được chứng minh trên thực tế qua trình thiên văn Skymap pro. Các hành tinh vận động theo chiều ngược kim đồng hồ, nên sự tương tác sẽ theo chiều thuận và đây cũng chính là chiều Ngũ hành tương sinh của Hà đồ; thuận với chiều tương sinh của Ngũ hành trong 4 mùa của Địa Cầu.

Do đó, tính hợp lý với phương pháp “Sinh Vượng Mộ”“Cách bát sinh tử” theo đồ hình biểu lý của nó là Hà đồ thì cũng phải theo đúng qui luật này.

Vậy, thực chất bản thể nguyên Thủy của bảng hoa giáp theo nguyên lý của Hà đồ phải là thuận theo chiều tương sinh của nó. Phần tiếp theo đây chứng tỏ điều này.

1. Nguyên tắc nạp âm Lạc thư Hoa giáp

Quote

Sách của người Lạc Việt viết về chu kỳ 60 năm

Nguyên lý nạp âm của Lạc thư hoa giáp vẫn ứng dụng những nguyên lý cơ bản được phát hiện trong cổ thư chữ Hán là:

* Qui luật Cách bát sinh tử.

* Chu kỳ Sinh - Vượng - Mộ

* Căn cứ trên Hà đồ và tuân theo nguyên lý THUẬN chiều kim đồng hồ của đồ hình này, chúng ta sẽ có bảng Lạc thư hoa giáp. Qui luật sắp xếp của Lạc thư hoa giáp chỉ khác bảng lưu truyền qua cổ thư chữ Hán ở vị trí hai hành ThủyHỏa.

Điều này được trình bày như sau

Bắt đầu từ hành Kim:

1. Hành Kim

Giáp Tí- Ất Sửu = Hải trung Kim: Kim Sinh (Mạnh); cách 8 năm (Cách bát sinh tử) đến Nhâm Thân-Quý Dậu = Kiếm phong Kim: Kim Vượng (Trọng); cách 8 năm đến Canh Thìn-Tân Tỵ = Bạch Lạp Kim:Kim Mộ (Quý).

* Kết thúc chu kỳ Sinh - Vượng - Mộ của Kim - tổng cộng 24 năm.

Thuận theo chiều kim đồng hồ trên Hà đồ; cách 8 năm tiếp theo tới hành Thủy

Bạn đọc lưu ý: Thủy là con do Kim sinh.

Theo bảng Lục thập hoa giáp từ cổ thư chữ Hán thì sau hành Kim là Hỏa. Điều này không thể hiện được qui luật “Cách bát sinh tử”. Bởi vì Hỏa khắc Kim và không phải con (Tử) của Kim.

2. Hành Thuỷ:

Mậu Tí - Kỷ Sửu = Giản hạ:Thủy (Sinh), cách 8 năm đến: Bính Thân - Đinh Dậu = Tuyền trung: Thủy (Vượng), cách 8 năm đến: Giáp Thìn-Ất Tỵ = Trường lưu:Thủy (Mộ).

* Kết thúc chu kỳ Sinh - Vượng - Mộ của hành Thủy - Tổng cộng 24 năm.

Thuận theo chiều kim đồng hồ trên Hà đồ; cách 8 năm tiếp theo tới hành Mộc (Mộc là con do Thủy sinh) là:

3. Hành Mộc:

Nhâm Tí-Quý Sửu = Tang đố Mộc (Sinh), cách 8 năm đến Canh Thân-Tân Dậu = Thạch Lựu Mộc (Vượng), cách 8 năm đến Mậu Thìn - Kỷ Tỵ= Đại Lâm Mộc (Mộ).

* Kết thúc chu kỳ Sinh - Vượng - Mộ của hành Mộc - Tổng cộng 24 năm.

Thuận theo chiều kim đồng hồ trên Hà đồ; cách 8 năm tiếp theo tới hành Hỏa (Hỏa là con do Mộc sinh) là:

4. Hành Hỏa

Bính Tí-Đinh Sửu = Lư trung Hỏa (Sinh), cách 8 năm đến:Giáp Thân-Ất Dậu = Sơn đầu Hỏa (Vượng), cách 8 năm đến: Nhâm Thìn - Quý Tỵ = Tích lịch Hỏa (Mộ).

* Kết thúc chu kỳ Sinh - Vượng - Mộ của hành Hỏa - Tổng cộng 24 năm.

Thuận theo chiều kim đồng hồ trên Hà đồ; cách 8 năm tiếp theo tới hành Thổ (Thổ là con do Hỏa sinh) là:

5. Hành Thổ

Canh Tí-Tân Sửu = Bích thượng Thổ (Sinh); cách 8 năm đến: Mậu Thân-Kỷ Dậu = Đại dịch Thổ (Vượng); cách 8 năm đến Bính Thìn-Đinh Tỵ = Sa trung Thổ (Mộ).

* Kết thúc chu kỳ Sinh – Vượng – Mộ của hành Thổ.

Đến đây là kết thúc một kỷ 30 năm của Lạc thư hoa giáp. Qui luật “Cách bát sinh tử” được lặp lại với nguyên tắc thuận chiều kim đồng hồ trên Hà đồ ở trên bắt đầu từ Giáp Ngọ - Ất Mùi = Sa Trung Kim (Sinh) tiếp tục cho đến hết tạo thành bảng Lạc thư Hoa giáp với chu kỳ 60 năm. Nguyên tắc thuận theo chiều kim đồng hồ trên Hà đồ (Chiều Ngũ hành tương sinh) và vẫn ứng dụng qui luật Cách bát sinh tử với Sinh - Vượng - Mộ, được minh họa bằng hình sau đây:

Nguyên tắc nạp âm Lạc thư hoa Giáp

Theo chiều tương sinh thuận chiều kim đồng hồ trên Hà đồ

Posted Image

Người viết xin được thể hiện chu kỳ của hai bảng Lạc thư hoa giápLục thập hoa giáp lưu truyền qua cổ thư chữ Hán qua hình tròn để bạn đọc quan tâm dễ dàng so sánh tính tính quy luật và hợp lý giữa hai bảng như sau:

Posted Image

Posted Image

Qua hai đồ hình so sánh ở trên, qua những luận điểm chứng minh cho nguyên tắc và qui luật tạo thành bảng Lục thập hoa giáp từ cổ thư chữ Hán và Lạc thư hoa giáp từ nền văn minh Lạc Việt, bạn đọc cũng nhận thấy tính qui luật và sự trùng khớp hợp lý của những giá trị nội tại tạo nên bảng Lạc thư hoa giáp. Đồng thời, bạn đọc cũng nhận thấy tính bất hợp lý trong bảng Lục thập hoa giáp lưu truyền trong cổ thư chữ Hán, chính vì sự sai lệch ngay từ nguyên lý của nó - Nghịch hành theo chiều ngược từ phải sang trái của Hà đồ. Trong khi đó, Hà đồ là đồ hình biểu lý Ngũ hành tương sinh theo chiều thuận. Đó chính là nguyên nhân để hàng ngàn năm trôi qua, biết bao học giả cổ kim thuộc văn minh Hoa Hạ không thể khám phá ra bí ẩn của nó.

Người ta không thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai.

Qua những chứng minh ở trên, người viết đã chứng tỏ rằng: Chính Hà đồ là nguyên lý của chu kỳ hoa giáp 60 năm trong Lý học Đông phương dù theo cách nào: Hán cổ hay Lạc thư hoa giáp.

Hà đồ là một đồ hình căn bản trong Lý học Đông phương và được chứng minh trong luận đề “Hà đồ và văn minh Lạc Việt”, đồng thời cũng được chứng tỏ trong di sản văn hoá dân gian Lạc Việt là bức tranh thờ Ngũ Hổ của phường Hàng Trống với danh xưng: Pháp Đại uy nỗ.

Đây là điều không hề có trong các bản văn Hán cổ.

Dưới đây là bảng Lạc thư hoa giáp từ nền văn minh Lạc Việt để quí vị quan tâm so sánh và ứng dụng thay thế cho bảng Lục thập hoa giáp theo cổ thư chữ Hán.

 

2. Lạc thư hoa giáp

Quote

Sách của người Lạc Việt viết về quy luật tuần hoàn 60 năm trong vũ trụ

KỶ THỨ NHẤT

Lục khí - Vận 1

Tam Âm Tam Dương

Giáp Tí. Ất Sữu = Hải Trung Kim

Bính Dần. Đinh Mão = Tuyền Trung Thuỷ

Mậu Thìn.Kỷ Tỵ = Đại Lâm Mộc

Lục khí - Vận 2

Tam Âm Tam Dương

Canh Ngọ. Tân Mùi = Lộ BàngThổ

Nhâm Thân. Quí Dậu = Kiếm Phong Kim

Giáp Tuất. Ất Hợi = Trường Lưu Thuỷ

Lục khí - Vân 3

Tam Âm Tam Dương

Bính Tí, Đinh Sữu = Tích Lịch Hoả

Mậu Dần, Kỷ Mão = Thành Đầu Thổ

Canh Thìn, Tân Tỵ = Bạch Lạp Kim

Lục khí - Vận 4

Tam Âm Tam Dương

Nhâm Ngọ, Quí Mùi = Dương Liễu Mộc

Giáp Thân, Ất Dậu = Lư Trung Hoả

Bính Tuất, Đinh Hợi = Ốc Thượng Thổ

Lục khí - Vận 5

Tam Âm Tam Dương

Mậu Tí, Kỷ Sữu = Giáng Hạ thuỷ

Canh Dần, Tân Mão = Tùng Bách Mộc

Nhâm Thìn, Quí Tỵ = Sơn Đầu Hoả

KỶ THỨ II

Lục khí - vận 1

Tam Âm Tam Dương

Giáp Ngọ, Ất Mùi = Sa Trung Kim

Bính Thân, Đinh Dậu = Đại Khê Thuỷ .

Mậu Tuất, Kỷ Hợi = Bình Địa Mộc

Lục Khí - Vận 2

Tam Âm Tam Dương

Canh Tí, Tân Sữu = Bích Thượng Thổ

Nhâm Dần, Quí Mão = Kim Bạch Kim

Giáp Thìn, Ất Tỵ = Đại Hải Thuỷ

Lục Khí - Vận 3

Tam Âm Tam Dương

Bính Ngọ, Đinh Mùi = Thiên Thượng Hoả

Mậu Thân, Kỷ Dậu = Đại Dịch Thổ

Canh Tuất, Tân Hợi = Thoa Xuyến Kim

Lục khí - Vận 4

Tam Âm Tam Dương

Nhâm Tí, Quí Sữu = Tang Đố Mộc

Giáp Dần, Ất Mão = Sơn Hạ Hoả

Bính Thìn, Đinh Tỵ = Sa Trung Thổ

Lục khí - Vận 5

Tam Âm Tam Dương

Mậu Ngọ, Kỷ Mùi = Thiên Hà Thuỷ

Canh Thân, Tân Dậu =Thạch Lựu Mộc

Nhâm Tuất, Quí Hợi = Phúc Đăng Hoả.

Posted Image

Posted Image

Trên thực tế, người viết bài này đã ứng dụng Lạc thư hoa giáp thay thế cho bảng Lục thập hoa giáp lưu truyền từ cổ thư chữ Hán, trong tất cả những vấn đề liên quan.

Trích dẫn 2: Tính hợp lý của độ số Cục trong Tử vi và Lạc Thư Hoa Giáp

Hầu hết những người có tìm hiểu về Tử Vi đều biết cục số của Tử Vi lưu truyền trong cổ thư chữ Hán là:

Thủy - NHỊ Cục.

Mộc - Tam Cục.

Kim - Tứ Cục

Thổ - Ngũ Cục

Hỏa - LỤC Cục

Bây giờ chúng ta cùng quán xét độ số trên Hà đồ với độ số cục do cổ thư viết bằng chữ Hán thì chúng khác nhau ở cục số của Thủy / Hỏa.

Điều này được mô tả như sau:

Posted Image

Như vậy; chúng ta cũng nhận thấy rằng sự sai lệnh này ở đúng vị trí của hai hành Thuỷ/Hỏa. Chúng ta cũng biết rằng:

Hành của cục trong Tử Vi chính là hành của tháng an Mệnh theo năm sinh của đương số.

Bởi vậy, khi Thuỷ/ Hỏa đã đổi chỗ cho nhau trong Lục thập hoa giáp thì hành của cục cũng sẽ đổi Thủy & Hỏa. Điều này được miêu tả so sánh như sau:

Posted Image

Qua sự so sánh trên, chúng ta lại thấy một sự trùng khớp hợp lý giữa độ số cục trong Lạc thư hoa giáp với Hà đồ, vốn là nguyên lý căn bản của nó.

Còn bảng Lục thập hoa giáp lưu truyền qua cổ thư chữ Hán thì ngay cả người Hán cũng chẳng biết nguyên lý nào tạo ra nó và rối mù. Trước hết là không có tính nhất quán bởi độ số cục ngay từ đồ hình khởi nguyên của nó là Hà đồ (Đã chứng minh ở trên: Nguyên lý nghịch chiều tương sinh của Hà đồ).

Người viết đã hân hạnh trình bày về tính qui luật và khả năng tiên tri là hai trong số những tiêu chí để thẩm định một lý thuyết khoa học.

Không có tính qui luật thì không có khả năng tiên tri.

Xét về góc độ khoa học thì khả năng tồn tại một phương pháp tiên tri là hệ quả tất yếu của một lý thuyết khoa học đã hoàn chỉnh. Bởi vậy, tính qui luật là không thể thiếu được, đó là yếu tố cần trong một lý thuyết thống nhất và hoàn chỉnh. Điều này không thể tìm thấy trong các bản văn chữ Hán lưu truyền từ hàng ngàn năm nay. Bởi vì, một lý thuyết tiền đề bị thất truyền. Khả năng tiên tri trong các phương pháp ứng dụng từ các cổ thư này - vốn là hệ quả của một lý thuyết - bị hạn chế bởi những sai lệch.

Ứng dụng của cục số trong Lạc thư hoa Giáp và tử vi

Từ khi cuốn “Thời Hùng Vương và bí ẩn Lục thập hoa giáp” được phát hành 1999, đã được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về ảnh hưởng của sự thay đổi hành Thủy & Hỏa trong Lạc thư hoa giáp trong ứng dụng .Do đó, người viết xin được dành phần này để nói rõ hơn về thực chất của sự thay đổi hai hành Thủy & Hỏa trong bảng Hoa giáp.

- Sự thay đổi Thủy Hỏa trong bảng hoa giáp chỉ giới hạn trong hai hành Thủy và Hỏa, không có sự thay đổi ở các hành khác.

- Sự thay đổi Thủy Hỏa trong bảng hoa giáp chỉ giới hạn ở nạp âm trong chu kỳ 60 hoa giáp, không phải là sự thay đổi ở những vấn đề liên quan khác giữa Thủy & Hỏa trong thuyết Âm Dương Ngũ hành. Có người cho rằng sự thay đổi này trong bảng hoa giáp thì Thủy & Hỏa trong thập Thiên Can và Địa chi cũng phải thay đổi là một sai lầm. Thí dụ như cho rằng: Bính Đinh Hỏa phải đổi thành Thủy, hoặc Tỵ Ngọ Hỏa cũng đổi thành Thủy là sai lầm.

- Sự thay đổi Thủy & Hỏa trong bảng hoa giáp là một sự hiểu chỉnh hạn chế chỉ ứng dụng trong hai hành Thủy & Hỏa, chứ không phải là một sự phủ định tính tương tác của Ngũ hành trong bảng hoa giáp với những vấn đề liên quan.

- Sự thay đổi hành Thủy & Hỏa trong Lạc thư hoa giáp so với Lục thập hoa giáp chứng tỏ sự sai lệch trong cổ thư chữ Hán truyền lại, là một trong sự phát triển tất yếu tiến tới sự hoàn chỉnh, nhất quán, nhằm chứng tỏ quan niệm cho rằng:

Thuyết Âm Dương Ngũ hành là một học thuyết nhất quán, hoàn chỉnh và là một lý thuyết thống nhất, giải thích từ sự hình thành vũ trụ cho đến mọi vấn đề liên quan đến con người với khả năng tiên tri. Học thuyết này thuộc về dân tộc Việt, là nền tảng của danh xưng văn hiến với lịch sử gần 5000 năm của dân tộc Việt và là cội nguồn đích thực của nền văn minh Đông phương. Quan niệm này nhân danh khoa học, nên nó phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chí của khoa học hiện đại.

Bảng Hoa giáp là một trong những nguyên tắc căn bản về thời gian trong những ứng dụng của học thuật cổ Đông phương. Cho nên,tính tất yếu của sự hiệu chỉnh hai hành Thủy & Hỏa này sẽ dẫn đến sự hiểu chỉnh trong một số sự ứng dụng liên quan. Những bộ môn ứng dụng nào không liên quan đến nạp âm Ngũ hành trong bảng Hoa giáp sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự hiệu chỉnh này. Thí dụ trong Tử Vi sự hiệu chỉnh này sẽ ảnh hưởng tới những người có cục và Mệnh thuộc Thủy và Hỏa.

Trong trường hợp chúng ta lấy Tử vi theo các chương trình Tử vi vi tính đã lập sẵn - vốn căn cứ theo bảng Lục thập hoa giáp lưu truyền từ cổ thư chữ Hán - thì chỉ khi:

- Gặp mạng Thủy và Hỏa sẽ đối chiếu với bảng Lạc thư hoa giáp để hiệu chỉnh lại. Thí dụ: trước đây mạng là: Giáng Hạ Thủy, nay là Lư Trung Hỏa.

- Gặp cục Thủy & Hỏa thì sửa đổi lại và tất yếu những chòm sao và sao liên quan đến Cục Thủy hay Hỏa phải an lại theo đúng tính chất của cục đó.

Thí dụ:

Theo sách cổ chữ Hán, đương số có Thủy Nhị Cục. Vì Thủy cục nên Trường sinh bắt đầu từ Thân. Nay theo Lạc thư hoa giáp là Hỏa Nhị Cục, Trường sinh bắt đầu từ Dần.

- Tất cả những câu phú và phương pháp luận đoán liên quan đến Thủy & Hỏa vẫn giữ nguyên giá trị, nhưng ứng dụng cho bảng Lạc thư hoa giáp. Thí dụ:

Người có mệnh (Hoặc hạn) gặp Tử Phủ cư Dần tốt cho Hỏa và không tốt cho Thủy vẫn nguyên giá trị.

Nhưng điều này ứng dụng cho Lạc thư hoa giáp.

Sự luận đoán đúng sai vẫn còn tuỳ thuộc vào yếu tố khả năng của người luận đoán. Nhưng cùng một người luận đoán và một phương pháp luận đoán sẽ là sự kiểm chứng tính chính xác của Lạc thư hoa giáp.

Một trong những tiêu chí khoa học là:

Không có tính quy luật thì không thể có khả năng tiên tri.

Nền văn minh Lạc Việt, từ những di sản văn hoá phi vật thể đã chứng tỏ tính hoàn chỉnh, nhất quán, tính quy luật, khả năng giải thích một cách hợp lý các vấn đề liên quan và khả năng tiên tri. Người viết rất cảm ơn sự quan tâm của quí vị nghiên cứu về môn Tử Vi sẽ có thời gian thực nghiệm tính hợp lý của Lạc thư hoa giáp, nhân danh nền văn minh Lạc Việt với gần 5000 năm văn hiến.

Tính hợp lý của nguyên lý căn bản trong tính ứng dụng của thuyết Âm Dương Ngũ hành là: Hậu thiên Lạc Việt phối Hà đồ không chỉ dừng lại ở sự giải thích những phương pháp ứng dụng trong thuật phong thủy. Mà còn phải chứng tỏ tính hợp lý đó trong tất cả những phương pháp ứng dụng liên quan, theo đúng tiêu chí khoa học hiện đại.

Trong chương này nguyên lý căn bản Hậu thiên Lạc Việt phối Hà đồ tiếp tục chứng minh khả năng chứng giải một cách hợp lý, có tính qui luật, tính khách quan và nhất quán trong một phương pháp tiên tri nổi tiếng và huyền vĩ của học thuật Đông phương cổ là Tử Vi Đẩu số. Đồng thời, người viết tiếp tục minh chứng với bạn đọc quan tâm về một thực tại đàng sau những giá trị của học thuật cổ Đông phương. Đó chính là sự vận động tương tác có tính quy luật của vũ trụ.

Bạn đọc tiếp tục quán xét điều này ở những phần dưới đây.

I. Tử vi đẩu số trong văn minh Đông Phương

Tử Vi đẩu số là một phương pháp tiên tri cho từng số phận con người nổi tiếng trong văn hoá Đông phương vì khả năng tiên tri của nó. Nếu theo tiêu chí khoa học - cho một lý thuyết hoặc phương pháp khoa học thì nó phải có khả năng tiên tri - thì có thể nói rằng: Chưa hề có một lý thuyết khoa học tiên tiến nào của nhân loại bây giờ và hàng trăm năm nữa có thể tạo ra được khả năng tiên tri một cách huyền vĩ vì hiệu quả của nó như khoa Tử Vi đẩu số trong học thuật cổ Đông phương. Hiệu quả trong tiên tri đã tạo cho khoa Tử Vi có một chỗ đứng trong văn hoá Đông phương từ hàng thiên niên kỷ nay. Đây là một thực tại khách quan không thể phủ nhận trong mọi thăng trầm và những quan niệm khác nhau thuộc về lịch sử.

Theo dã sử và truyền thuyết thì Trần Đoàn Lão tổ thời khai Tống là người sáng lập ra môn này và Tử Vi được hoàng gia Tống sử dụng rất hiệu quả, sau đó Tử Vi truyền sang Việt Nam từ thời Trần. Phương pháp tiên tri của Tử Vi dựa trên phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành, chia đời người làm 12 thành tố căn bản gọi là 12 cung gồm :Bản Mệnh – Huynh Đệ – Phu Thê – Tử Tức – Tài Bạch – Tật Ách – Thiên Di – Nô Bộc – Quan Lộc – Điền Trạch – Phúc Đức – Phụ Mẫu . Trên cơ sở 12 cung này, Tử Vi có kHỏang từ 120 đến 150 yếu tố tương tác được định danh như các sao trên trời, phân bổ có tính qui luật trên 12 cung. Tính chất qui ước tốt xấu của các sao tương tác trong một cung và tương tác giữa các cung làm nên tính tiên tri của khoa Tử Vi.

Chính vì khả năng tiên tri huyền vĩ của nó phản ánh hệ quả một nhận thức thực tại vượt ra ngoài khả năng nhận thức của tri thức khoa học hiện đại, cho nên đến tận bây giờ, khoa Tử Vi vẫn là một hiện tượng đầy bí ẩn trong học thuật cổ Đông phương.

Hàng ngàn năm trôi qua, với bao công sức của các nhà nghiên cứu vẫn không thể nào phục hồi được một lý thuyết hoàn chỉnh là cơ sở phương pháp luận của môn Tử Vi và họ cũng không thể khám phá được một thực tại nào là cơ sở nhận thức tạo ra lý thuyết đó.

Chính vì tính bí ẩn kỳ vĩ của nó, nên không ít người đã sổ toẹt và cho rằng Tử Vi đẩu số là hiện tượng “mê tín dị đoan”. Đây là một luận điểm không hề có cơ sở khoa học, mặc dù nó nhân danh khoa học. Bởi vì, người ta không thể chỉ ra tính chất mê tín dị đoan của nó. Cũng có một số người tin tưởng vào khoa Tử Vi đẩu số vì hiệu quả tiên tri kỳ vĩ của nó thì cho rằng: sự thành lập môn Tử Vi là do sở ngộ tâm linh của các bậc tiên thánh. Thực ra đây cũng chỉ là một cách lấy sự bí ẩn này để lý giải một cái bí ẩn khác.

Sở dĩ có hiện tượng này vì người ta không thể nào căn cứ vào những tri thức trong các bản văn chữ Hán – ở mọi phương diện trong lịch sử văn minh Hán – để phục hồi những nguyên lý và phương pháp hình thành môn Tử Vi. Đây không phải là vấn đề được đặt ra bây giờ, hoặc vài trăm năm trước, mà là đã trải hàng thiên niên kỷ.

Việc đặt vấn đề tìm hiểu những thực tại được nhận thức và là tiền đề tạo ra môn Tử Vi và phương pháp an sao, không phải chỉ là làm sáng tỏ sự huyền bí, mà còn là tìm về cội nguồn đích thực của môn dự đoán này. Trong cổ thư chữ Hán, chúng ta chỉ tìm thấy phương pháp luận đoán và qui tắc an sao của Tử Vi, tức là chỉ có phần ứng dụng và hoàn toàn bí ẩn. Trước Trần Đoàn Lão tổ - vốn được coi là người sáng lập ra môn Tử Vi – nền văn minh Hán không hề có những tiền đề tri thức phổ biến để làm nền tảng cho việc hình thành môn này, cũng như tất cả các quy tắc của nó. Môn Tử Vi cùng chung số phận với tất cả các phương pháp ứng dụng khác trong học thuật cổ Đông phương truyền lại từ những bản văn chữ Hán, đều thiếu một học thuyết hoàn chỉnh là cơ sở cho phương pháp luận của nó.

Ngoài ra, khi tri thức của con người hiện đại chưa hiểu được một thực tại nào là cơ sở nhận thức tạo ra các phương pháp ứng dụng trong học thuật cổ Đông phương thì người ta cũng không thể hiểu được nội dung những khái niệm phản ánh thực tại ấy. Bởi vậy, người ta đã giải thích những phương pháp và hiện tượng bằng những cách nhìn khác nhau và tất nhiên đầy mâu thuẫn.

Nhưng nếu căn cứ vào tiêu chí khoa học hiện đại thì người viết có thể khẳng định rằng: Tử vi là một phương pháp hoàn toàn phù hợp và đáp ứng đầy đủ những tiêu chí khoa học hiện đại. Đó là: Tính quy luật, tính khách quan và có một phương pháp luận nhất quán theo thuyết Âm dương Ngũ hành và khả năng tiên tri. Trong Tử Vi không hề có dấu ấn của thần quyền.

Tất cả chúng ta đều biết một vấn đề mặc nhiên rằng:

Tất cả những sự ứng dụng có phương pháp luận theo một lý thuyết nào đó, đều phải là hệ quả của chính lý thuyết đó . Lý thuyết này phải phản ánh sự nhận thức một thực tại và nó phải được hình thành trước sự ứng dụng theo phương pháp luận của lý thuyết đó.

Nhưng hàng ngàn năm trôi qua, con người với bao công sức vẫn không thể nào phục hồi được một lý thuyết hoàn chỉnh nào làm cơ sở phương pháp luận của môn Tử Vi và cũng không thể khám phá được một thực tại nào là cơ sở nhận thức tạo ra lý thuyết đó.

Người ta không thể tìm một cái đúng từ một tiền đề sai.

Nhưng sự bí ẩn của một phương pháp tiên tri trong Tử Vi đẩu số sẽ được sáng tỏ từ nguyên lý căn bản: Hậu thiên Lạc Việt phối Hà đồ có xuất xứ nguyên Thủy từ văn minh Lạc Việt.

Để chứng minh điều này, bạn đọc quán xét và so sánh các hiện tượng sau đây giữa những vấn đề trong Tử Vi Đẩu số với nguyên lý mơ hồ của nó qua đồ hình Hậu thiên Văn Vương phối Lạc thư.

II. Những vấn đề trong tử vi đẩu số

1. Hậu thiên Văn Vương phối Lạc thư trong cổ thư chữ Hán

Bạn đọc quan tâm so sánh đồ hình Lạc thư phối Hậu thiên Văn Vương và Thiên bàn 12 cung trong Tử Vi đẩu số dưới đây :

Hậu thiên Văn Vương phối Lạc thư

Theo cổ thư chữ Hán

Posted Image

So sánh với đồ hình Thiên bàn Tử Vi

Posted Image

Qua cặp hình so sánh trên, bạn đọc cũng nhận thấy rằng: Hậu thiên Văn Vương phối Lạc thư từ cổ thư chữ Hán không hề có sự tương thích hợp lý với đồ hình Thiên bàn 12 của Tử Vi.

Lạc thư là đồ hình tương khắc của Ngũ hành theo chiều ngược kim đồng hồ, hoàn toàn không hề có sự liên hệ nào với đồ hình 12 cung của khoa Tử Vi vốn thuận theo chiều Ngũ hành tương sinh. Mọi chuyện ngừng lại ở đây và đó là nguyên nhân của sự bế tắc hàng ngàn năm không thể phát triển được của học thuật cổ Đông phương. Học thuật cổ Đông phương chìm sâu trong sự huyền bí.

Nhưng ngược lại, mọi sự huyền bí sẽ được sáng tỏ và phát triển hoàn toàn phù hợp với tiêu chí khoa học hiện đại và chỉ thẳng đến một thực tại huyền vĩ của vũ trụ, chính là cơ sở của học thuật cổ Đông phương. Đó chính là nguyên lý căn bản Hà đồ phối Hậu thiên Lạc Việt.

Bạn đọc xem phần chứng minh sau đây .

2. Hà đồ phối Hậu thiên Lạc Việt và 12 cung thiên bàn Tử Vi

Bạn đọc quan tâm xem xét hai đồ hình so sánh dưới đây:

Hậu thiên Lạc Việt phối Hà đồ

Posted Image

So sánh với đồ hình thiên bàn 12 cung tử vi

Posted Image

Hậu thiên Lạc Việt phối Hà đồ hoàn toàn phù hợp với chiều tương sinh của Ngũ hành trên đồ hình 12 cung của khoa Tử Vi. Bạn đọc sẽ tiếp tục thấy một sự trùng khớp hợp lý đến hoàn hảo, khi đồ hình Hà đồ - Pháp đại uy nỗ của nền văn minh Lạc Việt - được thể hiện bằng hình tròn với 4 điểm kết thúc của Tứ hành thuộc Thổ và sắp xếp vào đó 12 cung địa chi tương ứng với Thiên Bàn Tử Vi.

3 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

(Tiếp)

3. Hà đồ phối Địa Cầu và hiệu ứng vũ trụ liên quan

Trong Đồ hình Hà đồ phối Hậu thiên Lạc Việt , người viết đặt vị trí Quả Đất của chúng ta vào Trung Tâm và đây chính là sự lý giải hoàn toàn trùng khớp hợp lý với những hiện tượng chính yếu trong Tử Vi đẩu số. Đồng thời sự so sánh này cũng chỉ thẳng đến một thực tại là qui luật tương tác của từ vũ trụ là cơ sở của tri thức làm nên khoa Tử Vi đẩu số với khả năng tiên tri huyền vĩ có nguồn gốc từ văn minh Lạc Việt.

 

Đồ hình Hà đồ phối Hậu thiên Lạc Việt

Bổ sung 12 địa chi và phối Địa Cầu ở trung tâm

Posted Image

Từ đồ hình trên Hà đồ phối Hậu thiên Lạc Việt bạn đọc lại so sánh với hình Thiên Bàn Tử vi sau đây, chúng hoàn toàn trùng khớp một cách hợp lý.

Đồ hình so sánh với 12 thiên bàn tử vi

Posted Image

Từ đồ hình trên với nguyên lý Hậu thiên bát quái Lạc Việt liên hệ với Hà đồ, chúng ta sẽ nhận thấy một sự trùng khớp hợp lý đến hoàn hảo của hai đồ hình này và vấn đề cũng không dừng ở đây. Từ sự so sánh và bố cục hình tròn của Hà đồ phối Hậu thiên Lạc Việt với Địa Cầu chúng ta sẽ thấy một hiệu ứng vũ trụ tương tác với Địa cầu qua môn Tử Vi.

Điều này được mô tả và chứng minh như sau:

 

1. Độ nghiêng của Điạ Cầu (2105 ) gần hoàn toàn trùng khớp với đường phân giác chia đôi cung Khảm / Ly (2205). Tức là trục Bắc / Nam – trong Hậu thiên bát quái Lạc Việt & Hà đồ.

Sự phân cung của Hậu thiên Lạc Việt với Hà đồ hoàn toàn trùng khớp với phương vị của Địa Cầu:

* Khảm / Thủy / Bắc, Hà đồ/Thủy / Bắc nằm ở phía Bắc của Địa Cầu.

* Chấn / Mộc / Đông, Hà đồ / Mộc / Đông nằm ở phía Đông của Địa Cầu.

* Ly / Hỏa / Nam, Hà đồ / Hỏa / Nam nằm ở phía Nam của Địa Cầu.

* Đoài /Kim/Tây, Hà đồ/Kim/Tây nằm ở phía Tây của Địa Cầu.

Sự trùng khớp này cho thấy cơ sở của một thực tế hiện hữu liên quan đến những tri kiến vũ trụ căn bản của tri thức thiên văn hiện đại.

2. * Đường phân cách giữa Tây (Đoài) / Tây Bắc (Càn) và Đông (Chấn) / Đông Nam (Khôn – theo Hậu thiên Lạc Việt) chính là trục Thìn/Tuất và là mặt phẳng “Hoàng Đạo” của Địa Cầu.

* Trục phân cách Bắc (Khảm) / Đông Bắc (Càn) và Nam (Ly) / Tây Nam (Tốn – theo Hậu thiên Lạc Việt) chính là trục biểu kiến của mặt phẳng vuông góc với đường Hoàng Đạo (Đường Bạch Đạo).

* Hai đường Hoàng Đạo và Bạch Đạo chính là trục Thìn Tuất & Sửu Mùi và là nơi mộ (Kết thúc) của tứ hành trên Hà đồ. Sự trùng khớp hoàn toàn giữa những tri kiến của khoa học hiện đại trong những vấn đề liên quan với Địa Cầu và Hậu thiên Lạc Việt phối Hà đồ đã chứng tỏ tính hợp lý và phản ảnh một thực tế.

3. Trong thực tế thiên văn học mà chúng ta đều biết thì mặt phẳng Hoàng Đạo chính là mặt phẳng biểu kiến của hầu hết quỹ đạo các vì sao có ảnh hưởng đến Địa Cầu. Tức là chúng có hiệu ứng mạnh nhất ở hai cung Thìn / Tuất.

So sánh với môn Tử Vi Đẩu số thì hầu hết các sao an trong Tử Vi đều bắt đầu từ hai cung Thìn & Tuất này.

Đó là những sao xếp vào loại trung tinh trong Tử Vi đẩu số sau đây:

Tả Phụ, Hữu Bật, Văn Xương, Văn Khúc, Long Trì, Phượng Các, Thiên La, Địa Võng.

Ngoài ra còn những sao liên quan đến những sao an từ cung Thìn – Tuất là:

Tam Thai, Bát Toạ, Ân Quang, Thiên Quí, Thai Phụ, Phong Cáo.

Hai cung Thìn / Tuất cũng là hai cung có ảnh hưởng mạnh đến tính chất các sao. Thí dụ như câu phú đoán trong Tử Vi: “Trai bất nhân Phá Quân Thìn Tuất”.

4. Khi an sao Tử Vi dù Thủy Lục cục, Hỏa Nhị cục (hai hành này theo Lạc thư hoa giáp) Thổ ngũ cục, Mộc tam cục thì độ số ngày theo độ số Cục, bao giờ cũng bắt đầu từ cung Dần. Điều này cũng được giải thích bằng Hậu thiên bát quái Lạc Việt & Hà đồ: Qua đồ hình trên, chúng ta cũng nhận thấy rằng: Vị trí cung Dần chính là quái Cấn trong tương quan với Hà đồ. Quái Cấn chính là Trái Đất trong tương quan của Âm Mộc với Mặt Trời và cửu tinh trong Thái Dương hệ. (Đã diễn giải ở phần trên). Bởi vậy hiệu ứng của Tử Vi bắt đầu từ cung này. Theo nguyên tắc đối xứng cân bằng Âm Dương thì đây chính là lý do sao Thiên Phủ đối xứng với sao Tử Vi qua trục Dần Thân và là Nam Đẩu tinh thuộc Âm.

5. Trục Tý/Ngọ: Trục nối Khảm/Ly đó là hai cung khởi đầu của sự phân cách và chuyển hóa Âm Dương trong Hậu thiên bát quái Lạc Việt.

* Dương: Ly – Tốn – Đoài => Càn là cực Dương (Chuyển nghịch).

* Âm: Khảm – Cấn – Chấn => Khôn là cực Âm (Chuyển thuận). Do sự tiếp thu không hoàn chỉnh của cổ thư Hán, nên Hậu thiên bát quái trong bản văn cổ chữ Hán không thể phân được trục này. Hay nói cách khác: Do vị trí Tốn/Khôn bị sai lệch, nên không có sự chuyển hóa Âm Dương ở trục Tý/Ngọ.

4. Hà đồ và sự xác định qui tắc an một số sao trong Tử Vi

* Định vị cung khởi Trường Sinh trên Hà đồ

Cũng từ nguyên lý Hậu thiên Lạc Việt phối Hà đồ – chính là đồ hình tổng hợp và siêu công thức của thuyết Âm Dương Ngũ hành liên hệ với Địa Cầu – chúng ta thẩm định lại tính đúng sai của phương pháp an một số sao đang gây tranh cãi trong Tử Vi đẩu số là: Sao Trường Sinh:

Vốn có ít nhất hai phương pháp an khác nhau.

Trên đồ hình đã trình bày ở trên, chúng ta cũng nhận thấy rằng: Bốn Cung Dần, Thân, Tỵ, Hợi chính là bốn cung khởi nguyên của bốn hành Kim / Mộc / Thủy / Hỏa tính theo chiều kim đồng hồ. Đây cũng chính là bốn cung khởi Trường sinh theo sách cổ. Tức là nếu Thìn - Tuất- Sửu – Mùi là bốn vị trí Mộ của Tứ hành – và là sự thai nghén bắt đầu cho hành chuyển tiếp – trên Hà đồ thì Dần / Thân / Tỵ / Hợi chính là sự khởi nguyên của Tứ hành, do đó Trường sinh phải khởi từ bốn cung này là hoàn toàn hợp lý.

* Lý giải nguyên lý Nhật Nguyệt đồng tranh Sửu Mùi trên Hà đồ

Posted Image

Cũng qua đồ hình trên, chúng ta thẩm định lại câu phú: “Nhật Nguyệt Sửu Mùi, bất hiển công danh” thì thấy rằng:

Sửu Mùi chính là đường Bạch Đạo. Tức là nơi ánh sáng của Mặt Trời (Sao Thái Dương / Nhật), Mặt Trăng (Sao Thái Âm / Nguyệt) kết thúc ở đó và cản trở nhau.

* Lý giải nguyên lý Tả Hữu giáp biên Sửu Mùi trên Hà đồ

“Tả Hữu giáp biên Sửu – Mùi”:

Cũng từ đồ hình Hậu thiên bát quái Lạc Việt liên hệ với Hà đồ đã trình bày ở trên, chúng ta cũng nhận thấy rằng:

Sửu Mùi là hai cung biểu kiến chia đôi trục Hoàng Đạo và là đường Bạch Đạo của Trái Đất.

– Sửu phân Âm Dương nằm trong phần Âm của Hà đồ (Càn / Khảm=> Âm: Âm trong Âm, Cấn / Chấn => Dương: Dương trong Âm).

– Mùi phân Âm Dương ở phần Dương của Hà đồ (Khôn / Ly thuộc Âm: Âm trong Dương, Đoài Tốn thuộc Dương: Dương trong Dương). Điều này còn cho thấy tính hợp lý của sự thay đổi Tốn / Khôn trong Hậu thiên Lạc Việt. Nếu không thì không lý giải được chi tiết này.

– Tả Phù Hữu Bật là hai sao cùng có tính chất phù trợ (Phân Âm / Dương). Do đó khi nằm cùng ở phần Âm (hoặc Dương) của Hà đồ lại ở hai cung giáp Sửu (hoặc Mùi) tức là nằm ở sự đối xứng Âm Dương nên phát huy tác dụng mạnh mẽ. Do đó, đây là hai vị trí đắc địa của Tả Hữu.

* Định vị sao Khôi & Việt trên Hà đồ

Đã từ lâu, phương pháp an sao Khôi Việt rất nhiều sách viết khác nhau. Không có cách nào có thể kiểm chứng. Điều này thì các nhà nghiên cứu Tử Vi đều biết. Bởi vậy việc đi tìm nguyên lý an sao Khôi Việt là một đề tài rất đáng quan tâm. Căn cứ vào sách Tử Vi đẩu số của Thái Thứ Lang và một số sách khác thì hai sao này an theo hàng Can như sau:

Posted Image

Nhưng cũng có rất nhiều sách an khác thậm chí có sách còn khác phần lớn. Đặc biệt là “Hiệp Kỷ Biện Phương thư” thì càng hiểu không nổi (HKBPT Nxb Mũi Cà Mau 1998, trang 586. Mai Cốc Thành chủ biên. Vũ Hoàng – Lân Bình dịch thuật). Vậy sách nào đúng và nguyên lý an sao Khôi Việt là gì?

Từ nguyên lý căn bản Hậu thiên bát quái Lạc Việt liên hệ Hà đồ chúng ta sẽ thẩm định tính hợp lý của nguyên lý này và tính qui luật khi an hai sao Khôi & Việt.

Trước hết, xin quí vị xem lại nguyên lý của cung an Khôi Việt chính là từ hàng can của năm sinh. Hàng can này có 3 cặp ổn định và có tính qui luật là:

Bính Đinh = Âm Dương Hỏa.

Canh Tân = Âm Dương Kim.

Nhâm Quí =Âm Dương Thủy.

Như vậy, cặp Giáp Mậu (Giáp/ Mộc. Mậu/ Thổ) và Ất Kỷ (Ất/ Mộc. Kỷ/ Thổ) thì không nằm trong qui luật này. Nếu chúng ta đổi vị trí Mậu và Ất thì nguyên lý an Khôi & Việt của hàng Can sẽ mang tính qui luật như sau:

Giáp Ất. Mộc

Mậu Kỷ. Thổ

Bính Đinh. Hỏa

Canh Tân . Kim

Nhâm Quí. Thuỷ

Đến đây vấn đề tiếp tục đặt ra là:

* Xét cung an Khôi Việt và đồ hình Hậu thiên Lạc Việt phối Hà đồ ta sẽ thấy: Chỉ cần đổi chỗ Ngọ & Dần của Canh & Tân thì:

- Thiên Khôi hoàn toàn nằm ở các cung Âm trên Hà đồ: Tý. Hợi. Sửu. Dần. Mão.

- Thiên Việt hoàn toàn nằm ở các cung Dương trên Hà đồ: Thân. Dậu. Mùi. Ngọ. Tỵ.

* Khi hoán đổi vị trí Mậu Ất thì ta sẽ có cặp nào đi với Sửu Mùi? Mậu Kỷ hay Giáp Ất?

Xét về tính chất của sao Khôi Việt cũng phân Âm Dương (Hỏa). Như vậy - từ sự đổi chỗ Ngọ/ Dần của Canh Tân thì ta có: Thiên Khôi/ Bắc đẩu tinh nằm ở phần Bắc (trên) của Hà đồ. Thiên Việt/ Nam đẩu tinh nằm ở phần Nam (dưới) của Hà đồ (Xin quí vị lưu ý: trên dưới là do tương quan với Địa Cầu theo phương vị hiện đại).

Trên cơ sở vấn đề đặt ra, chúng ta bắt đầu dùng phương pháp loại suy để tìm hiểu vị trí đích thực của Khôi Việt trong Tử Vi. Bây giờ chúng ta quán xét với giả định tạm thời như sau:

Posted Image

Chúng ta quán xét và phân tích vị trí Thiên Khôi và Thiên Việt ứng với nhau trên Hà đồ ở hình trên, và vị trí giả định tạm thời (Hoán vị Ất / Mậu và Dần / Ngọ ở Canh Tân) thì vị trí của Khôi / Việt hoàn toàn đối xứng nhau qua trục Thìn Tuất (Trục Hoàng Đạo của Trái Đất).

* Tiếp tục kiểm chứng tính hợp lý của giả thuyết trên chúng ta lại thấy:

- Bính Đinh thuộc Hỏa và nằm ở hành Hỏa (Thuộc Âm trong Dương) của Hà đồ:

Khôi ứng với Hợi / Âm Thuỷ.

- Canh Tân thuộc Kim (Thuộc Dương trong Dương) của Hà đồ: Khôi ứng với Dần / Dương Mộc.

- Nhâm Quí thuộc Thủy (Thuộc Âm trong Âm) của Hà đồ: Khôi ứng với Mão / Âm Mộc.

Vấn đề còn lại là với Giáp Ất, Thiên Khôi đi với Sửu hay đi với Tý?

Bây giờ chúng ta lại quán xét thấy rằng: Giáp Ất / Mộc và Bính Đinh / Hỏa nằm ở bên phải trục Sửu Mùi (Đường Bạch Đạo). Do đó, ở Bính Đinh Thiên Khôi đi với Hợi, thì với Giáp Ất Thiên Khôi đi với Tý là hợp lý.

Như vậy, tổng hợp những vấn đề đã trình bày thì chúng ta có một bảng an sao Khôi Việt như sau:

Posted Image

Như vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để có thể kết luận rằng: Trục Hoàng Đạo của Trái Đất chính là nguyên lý an sao Khôi Việt (Chúng đối xứng qua trục này). Trục Sửu Mùi (Bạch Đạo) chính là nguyên lý lạc hãm của Khôi Việt. Sự giải thích trên đây cũng cho thấy tính qui luật của hai sao này chỉ có thể giải thích được với nguyên lý căn bản Hậu thiên Lạc Việt phối Hà đồ.

Xin bạn đọc xem hình dưới đây:

Vị trí Khôi và Việt trên Hà đồ

Posted Image

* Định vị sao Lưu Hà trên Hà đồ

Sự liên hệ việc tìm qui luật an sao Lưu Hà chỉ liên hệ đến Thiên Bàn Tử Vi - vốn là một hệ quả phát triển của Hà đồ. Trước khi trình bày vấn đề này, người viết lặp lại 2 phương pháp chính đang lưu truyền về qui tắc an sao Lưu Hà là:

# Theo phương pháp của Thái Thứ Lang

* Giáp Kỷ hợp hóa Thổ:

Giáp an Lưu Hà tại Dậu, Kỷ an Lưu Hà tại Ngọ.

* Ất Canh hợp hóa Kim:

Ất an Lưu Hà tại Tuất, Canh an Lưu Hà tại Thân

* Bính Tân hợp hóa Thủy:

Bính an Lưu Hà tại Mùi, Tân an Lưu Hà tại Mão.

* Đinh Nhâm hợp hóa Mộc:

Đinh an Lưu Hà tại Thìn, Nhâm an Lưu Hà tại Hợi.

* Mậu Quý hợp hóa Hỏa:

Mậu an Lưu Hà tại Tỵ, Quý an Lưu Hà tại Dần.

Phương pháp an sao của Thái Thứ Lang được miêu tả bằng đồ hình sau:

Đồ hình Thiên bàn tử vi và vị trí Thiên can An Lưu Hà

Theo Thái Thứ Lang

Posted Image

# An Lưu Hà theo cách của Hà Lạc Dã Phu

* Giáp Kỷ hợp hóa thổ:

Giáp an Lưu Hà tại Dậu, Kỷ an Lưu Hà tại Ngọ.

* Ất Canh hợp hóa Kim:

Ất an Lưu Hà tại Tuất, Canh an Lưu Hà tại Thìn.

* Bính Tân hợp hóa Thủy:

Bính an Lưu Hà tại Mùi, Tân an Lưu Hà tại Mão.

* Đinh Nhâm hợp hóa Mộc:

Đinh an Lưu Hà tại Thân, Nhâm an Lưu Hà tại Hợi.

* Mậu Quý hợp hóa Hỏa:

Mậu an Lưu Hà tại Tỵ, Quý an Lưu Hà tại Dần.

Phương pháp an sao của Hà Lạc Dã Phu được miêu tả bằng đồ hình sau:

Đồ hình Thiên bàn tử vi và vị trí Thiên can An Lưu Hà

Theo Hà Lạc Dã Phu

Posted Image

Như vậy qua hai đồ hình trên, bạn đọc cũng nhận thấy rằng: sự khác nhau của hai phương pháp trên chỉ ở hai hiện tượng sau đây:

* Liên quan đến Địa Chi:

Vị trí của “Thân”“Thìn” còn tất cả đều giống nhau.

* Liên quan đến Thiên Can:

Vị trí của Thiên Can Đinh & Canh

Nếu quán xét kỹ, chúng ta sẽ nhận thấy rằng:

Sự nối tiếp của vòng Thiên Can từ Quý => Nhâm => Ất ……=> Canh và kết thúc ở Tân là một chu kỳ tương sinh liên tục theo chiều ngược kim đồng hồ. Điều này được mô tả như sau:

Quí & Nhâm (Thủy) => Ất & Giáp (Mộc) => Đinh & Bính (Hỏa) => Kỷ & Mậu (Thổ) => Canh & Tân (Kim).

Trên cơ sở qui luật này, chúng ta lại thấy rằng: Các Thiên Can Dương nằm ở cung Âm và Thiên Can Âm nằm ở cung Dương. Nhưng chỉ có can Canh & Tân là bị ngoại lệ (Can Canh thuộc Dương vẫn nằm ở cung Thìn thuộc Dương, Tân thuộc Âm nằm ở cung Mão thuộc Âm). Phải chăng đây là một sai lầm do tam sao thất bản? Bây giờ, nếu chúng ta đổi lại Canh: Lưu Hà cư ở Mão và Tân: Lưu Hà cư ở Thìn thì sẽ là một qui luật hợp lý và hoàn chỉnh. Khi đổi vị trí Canh & Tân từ cách an sao Lưu Hà theo Hà Lạc Dã Phu sẽ đặt ra những vấn đề và tính chất sau:

* Có tính qui luật theo tuần tự: Từ Quí & Nhâm tương sinh theo chiều ngược kim đồng hồ với Thiên Can Dương nằm ở cung Âm và Thiên Can Âm nằm ở cung Dương.

* Nguyên lý Giáp hợp Kỷ hoá Thổ….=> Mậu hợp Quí hoá Hỏa chỉ là một cách lý giải. Trên thực tế không hề liên hệ gì tới phương pháp an sao Lưu Hà (Cho dù là phương pháp nào).

5. Quỹ đạo chuyển động của các vì sao quan sát từ Trái Đất & phương pháp an một số sao , lưu đại hạn trong Tử Vi

Xin bạn đọc xem hình minh họa dưới đây:

Posted Image

Hiệu ứng chuyển động đảo biểu kiến quỹ đạo chuyển động

của các vì sao khi quan sát từ Trái Đất.

Posted Image

 

Phương pháp lưu đại hạn trong tử vi

Qua hai đồ hình minh họa so sánh ở trên, bạn đọc cũng nhận thấy một sự trùng khớp hoàn toàn giữa một hiệu ứng chuyển động đảo biểu kiến của quĩ đạo những ngôi sao gần Trái Đất với phương pháp lưu đại hạn trong Tử Vi. Trong phương pháp an sao của Tử Vi, những bạn đọc có tìm hiểu môn này cũng nhận thấy rằng có nhiều sao sử dụng hiệu ứng chuyển động đảo biểu kiến này .

Trên cơ sở những hiện tượng thiên văn đã trình bày liên hệ với nguyên lý căn bản Hậu thiên Lạc Việt phối Hà đồ và các hiện tượng trong Tử Vi, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để chứng tỏ rằng:

Khoa Tử Vi chính là hệ quả của sự nhận thức những hiệu ứng của sự vận động tương tác có tính qui luật với Địa Cầu và ảnh hưởng tới môi trường Trái Đất của chúng ta. Phương pháp an sao Tử Vi chính là những qui ước biểu kiến từ chính những qui luật vận động tương tác này. Điều này đã làm nên hiệu quả tiên tri của nó.

Đây cũng chính là những thực tại của vũ trụ mà tri thức khoa học hiện đại chưa hề biết đến. Điều này cũng là nguyên nhân của sự huyền vĩ Đông phương trong cái nhìn của tri thức hiện đại.

Vấn đề còn lại là sự phát triển của tri thức khoa học hiện đại trong tương lai, có thể định lượng được những hiệu ứng tương tác cụ thể, có tính qui luật của từng vì sao – hoặc những hiệu ứng vũ trụ nào khác nữa – đã làm nên khả năng tiên tri hay không?

 

Đây cũng chính là những giá trị nền tảng tri thức kiến tạo nên nền văn hiến trải gần 5000 năm của người Lạc Việt.

Tính hợp lý của Pháp Đại uy nỗ từ văn minh Lạc Việt đã được chứng giải qua những yếu tố căn bản trong thuật Phong Thủy và Tử vi Đẩu số. Nhưng vấn đề sẽ không dừng lại ở đây, nó còn cần phải tiếp tục chứng minh sự lý giải hợp lý những vấn đề liên quan đến nó. Những phần tiếp theo đây sẽ chứng tỏ điều này.

 

Sách của thầy Thiên Sứ:

Hà đồ trong văn minh Lạc Việt

http://www.lyhocdong...-lac-viet-2302/

Tìm vể cội nguồn Kinh dịch

http://www.lyhocdong...ioi-thieu-1586/

Định mệnh có thật hay không

http://www.mediafire...zekg67413kxghk8

Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam

http://www.lyhocdong...-viet-nam-2303/

4 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tôi đã xóa những bài không liên quan đến topic này theo đề nghị của thầy Haithienha

3 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Vì là bài nghiên cứu quan trọng. Tôi comment để cập nhật trên diễn đàn.

 

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites
Guest
Chủ đề này hiện đang đóng.