wildlavender

Tôn Giáo Nào Tốt Nhất?

7 bài viết trong chủ đề này

TÔN GIÁO NÀO TỐT NHẤT?

Đây là một mẩu đối thoại ngắn giữa Thần học gia người Brazil, Leonardo Boff, và Đức Đạt Lai Lạt Ma…

Tại một cuộc hội thảo bàn tròn về “Tôn giáo và tự do” có Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi cùng tham dự. Lúc tạm nghỉ, tôi hỏi ngài vừa tinh nghịch vừa tò mò:

“Thưa ngài, tôn giáo nào tốt nhất? ” Tôi nghĩ ngài sẽ nói: “Phật giáo Tây tạng” hoặc “Các tôn giáo phương Đông, lâu đời hơn Ki-tô giáo nhiều”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma trầm ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi…

Điều này làm tôi ngạc nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh.

Ngài trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng tối cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”.

Để giấu sự bối rối của tôi trước 1 câu trả lời đầy khôn ngoan như thế, tôi hỏi:

“Cái gì làm tôi tốt hơn? ”

Ngài trả lời:

“Tất cả cái gì làm anh

Biết thương cảm hơn

Biết theo lẽ phải hơn

Biết từ bỏ hơn

Dịu dàng hơn

Nhân hậu hơn

Có trách nhiệm hơn

Có đạo đức hơn”.

“Tôn giáo nào biến anh thành như vậy, Là tôn giáo tốt nhất”.

Tôi thinh lặng giây lát, lòng đầy thán phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến câu trả lời đầy khôn ngoan và khó phản bác:“Anh bạn tôi ơi! Tôi không quan tâm đến tôn giáo của anh hoặc anh có ngoan đạo hay không,Điều thật sự quan trọng đối với tôi là cách cư xử của anh đối với người đồng đẳng, gia đình, công việc, cộng đồng và đối với thế giới.

Hãy nhớ rằng vũ trụ dội lại hành động và tư tưởng của chúng ta. Quy luật của hành động và phản ứng không chỉ dành riêng cho vật lý.

Nó cũng được áp dụng cho tương quan con người.

Nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành,

Nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão.

Những gì ông bà nói với chúng ta là sự thật thuần túy.

Chúng ta luôn nhận được những gì chúng ta mong muốn cho người khác.

Hạnh phúc không phải là vấn đề số mệnh.

Đó là vấn đề lựa chọn.” Cuối cùng ngài nói: “Hãy suy tư cẩn thận vì Tư tưởng sẽ biến thành Lời nói,Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời nói sẽ biến thành Hành động,

Hãy hành xử cẩn thận vì Hành động sẽ biến thành Thói quen,Hãy chú trọng Thói quen vì chúng hình thành Nhân cách, Hãy chú trọng Nhân cách vì nó hình thành Số mệnh,Và Số mệnh của anh sẽ là Cuộc đời của anh.… và …

"Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật."

4 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

"Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật."

Chân lý cuối cùng của Phật giáo là giải thoát là hòa nhập với tính thấy. Chính là Thái cực trong Lý học Đông phương.
2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Phật trong mình là gì?

Phật trong mình là gì?

Là bình thản chấp nhận tất cả mọi sự mà không bực bội khó chịu. Cho nên hễ khi nào không còn giận hờn ai cả thì biết là ông Phật trong mình bắt đầu lớn rồi.

Hễ còn tức giận ai đó là biết ông Phật của mình còn bị khó khăn, còn bị nhốt, chưa có cơ hội phát triển, như vậy còn kém đức, mà kém đức tức còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta phải luôn ghi nhớ như vậy.

Ai nói điều gì mà mình thấy khó chịu là biết ngay ông Phật mình đang bị khó khăn. Ai khen ngợi mình vẫn thấy bình thường, ai chê bai cũng không chạnh lòng, có nghĩa ông Phật của mình đã lớn lên và hào quang bắt đầu phát ra rồi. Hễ người nào mở rộng tâm thì hào quang phát ra. Do đó không phải vô cớ mà người ta làm hào quang phía sau Đức Phật.

Vòng hào quang ấy ám chỉ điều gì?

Đó chính là cái tâm mở rộng không giới hạn. Xác thân luôn có giới hạn còn cái tâm rộng lớn vô hạn. Vòng hào quang được vẽ lớn hơn đầu và thân hình nhưng cũng chỉ có ý nghĩa tượng trưng thôi chứ thật sự cái tâm lớn đến vô hạn.

Nếu học Phật và làm đúng theo lời Phật dạy thì cái tâm rộng mở và chúng ta không sao hình dung được nó lớn đến chừng nào đâu.

Duy Tuệ
(Trích Mở Rộng Tâm)


4 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Có một câu chuyện lịch sử nói về sự linh ứng của 18 vị A la Hán có liên quan đến sự nghịch khảo và thuận khảo. Khi xưa thành Cẩm Châu Trung quốc có hai ngôi Chùa. Một là Xuất thủy Tự, hai là Hương tích Tự cách nhau hơn mười dặm. Trong khuôn viên của Xuất Thủy Tự có một ao nước tốt, chứa nhiều linh khí.

Nhiều người viếng Chùa uống thử nước chảy từ một khe đá trong ao thì lạ thay được lành bệnh. Có người không có con đến Chùa cầu xin nước uống thì sanh con trai, con gái đều như ước nguyện. Do vậy mà tiếng đồn lan ra rồi hàng ngàn nam nữ già trẻ lớn bé kéo nhau về Xuất thủy Tự để dự lễ và xin nước uống. Nhà vua lúc bấy giờ cũng được dâng nước uống thì thân thể trở nên khỏe khắn, trăm bệnh đều tan. Xuất Thủy Tự nổi danh như cồn. Ngày nào cũng có người đứng sắp hàng chờ vào Chùa xin nước chữa bệnh. Tiền cúng dường của đàn việt không thể kể hết. Lúc bấy giờ Chùa mới sửa sang lại điện đường nguy nga tráng lệ phòng ốc rộng rãi có khả năng chứa cả vạn vị tăng.

Một hôm nọ chùa đang bận rộn đón khách hành hương đến lễ Phật. thì chợt xuất hiện 18 tên ăn mày quần áo mỏng manh rách nát và luôn than đói. Mười tám ăn mày này nói với các vị Tăng đang cai quản chùa ngỏ ý xin bố thí một bữa ăn. Các tăng nhân trong chùa thấy ăn mày quần áo rách nát lòng đã không thương hại, lại cố ý xua đuổi. Nhưng 18 ăn mày vẫn ở lỳ đó không chịu đi. Sau rốt trong Chùa cử một người có uy thế ra mắng bọn ăn mày rằng: “đây là cửa Phật đất Thánh làm sao chứa được bọn ăn mày đói cơm dơ dấy như các ngươi. Mau mau hãy ra khỏi cửa Phật”. Những ăn mày than thở trời tối rồi gió thì lạnh mà cơm không có ăn, chỉ xin Chùa cho ở một đêm rồi đi ngay. Vị tăng lớn nhất trong Chùa nói rằng: “Ở đây không có chổ cho các ngươi ngủ, muốn nghỉ ngơi thì đến Chùa Hương Tích mà ở”. Nói rồi sai mười mấy vị Tăng dẫn bọn ăn mày ra khỏi cổng. Bọn ăn mày bỗng dưng ngước mặt nhìn trời đồng hát to lên rằng. “Hồn nhiên mà đi, chừ tùy duyên độ người. Từ bi để lòng, chừ bổn phận thầy Tăng, Công danh lợi dưỡng chừ vốn thuộc nghiệp ma. Nhân quả rõ ràng chừ Phật tại Tâm.Mười tám vị ăn mày đi rồi, các tăng nhân trở lại vào Chùa thì vô cùng kinh hãi khi thấy trên vách cửa Chùa có viết một câu: “Xuất thủy chẳng xuất tăng Chỉ lưu một tăng đốt nhang đèn”. Chủ chùa thất kinh sai người chùi bỏ các chữ ấy. Nhưng càng chùi thì chữ càng hiện rõ hơn. Thầy trụ trì sai người đập phá bức tường để xây lại mới nhưng khi xây xong thì câu chữ đó vẫn lại cứ hiện rõ ràng. Thế rồi từ ngày ấy nước trong ao bỗng đen ngòm không còn tinh khiết nữa và cũng không linh ứng như ngày xưa nữa. Ai uống phải nước ấy đều bị đau bụng thổ tả. Bị như thế rồi thì đàn việt không còn đến cúng dường nữa mà chùa lại phải ra bên ngoài cả vài dặm để xin nước về dùng. Tiếp theo trong chùa lại xảy ra tai họa liên miên nào là án mạng. Rồi kế đó bọn giặc bị bắt ở kinh thành cung khai ba năm trước tên thủ lãnh của chúng đã lọt lưới và xuất gia tại Xuất Thủy Tự cạo đầu làm tăng.

Do lời cung khai này mà nhà vua truyền lệnh tịch biên hết của cải của Chùa xung vào ngân khố triều đình. Gần một ngàn tăng nhân không còn lý do được cúng dường nên lần lược bỏ Chùa đi hết. Điền sản, miếu đường to lớn bị quan phủ địa phương thu làm doanh trại cho lính ở. Chỉ lưu lại đại hùng bửu điện, để những tăng nhân còn lại làm Phật sự. Sau rốt vì không ai cúng dường nữa, nên chỉ còn một ông lão tăng già yếu tình nguyện ở lại lo hương quả trong Chùa. Từ đó Xuất thủy tự không ai nhắc nhở đến nữa. Nói về Chùa Hương tích chỉ có ba vị tăng tu hành ở đó. Hàng ngày kinh kệ chuông mõ an phận sống đời đạm bạc. Tình hình bổn đạo cũng không có cùng dường nhiều nên Chùa trông rất xơ xác thiếu thốn. Tối đó 18 vị ăn mày bị xua đuổi ra khỏi xuất Thủy Tự thì thẳng đường đi đến Hương tích Tự.

Ba vị Hòa thượng thấy ăn mày đói rách quá thì rất thương xót vội cùng nhau lấy củi đốt lên để sưởi ấm cho ăn mày. Một người xuống bếp nấu cơm tiếp đãi. Lại còn sửa soạn chỗ nghỉ ngơi. Trong chùa không có đủ chăn mền. Các hòa thượng mới tháo 18 cánh cửa trong Chùa làm giường để chung trong ba phòng rồi lấy rơm làm nệm cho các ăn mày nằm ấm đỡ lạnh. Các vị Hòa thượng lại bàn với nhau Hay là chúng ta chia nhau vào làng hóa duyên xem có nhà nào giàu có dư giả thì mượn ít chăn mền về cho các ăn mày ngủ đỡ. Nói xong thì chia hai người đi vào xóm. Một người ở Chùa lo dọn cơm. Lúc bấy giờ trời cũng khuya rồi. Có một vị quan Sát Chánh đi ngủ sớm nằm mộng thấy có 18 vị A La Hán giáng lâm xuống phủ đệ. Các La Hán tay nâng một biển vàng vuông trên biển khắc tám chữ: “Lạc thiện hảo thí, tất hữu hậu phước” (vui làm lành ham bố thí thì ắt có phước về sau).

Nằm mơ thấy như thế thì giựt mình tỉnh dậy, kế lại có gia nhân thông báo ngoài cửa có hai vị hòa thượng hóa duyên muốn xin bố thí mền. Quan Sát Chánh nghĩ đến điềm mộng vừa rồi liền ra lệnh cho gia nhân mau mau đem xe bò chở 13 mềm bông đến cúng dường Chùa Hương tích. Đêm đó các vị ăn mày được ngủ ấm ăn ngon trong Chùa. Sáng sớm các vị Hòa thượng thức dậy vẫn băn khoăn bàn với nhau. Nếu các vị ăn mày này ở đây một đêm rồi đi thì không nói làm gì rủi các vị ở lại nhiều ngày thì làm sao đủ lo cơm nước. Trong chùa không có nhiều lương thực từ lâu. Gạo thì cũng giới hạn. Bàn xong thì cả ba đều một lòng nói rằng: nhân dịp các vị ăn mày còn ngủ mình nên vào thành hóa duyên nữa xem có được ít lương thực gì đủ làm thức ăn tiếp đãi ăn mày. Nói xong cả ba đều mau lẹ, phóng nhanh ra khỏi Chùa đạp tuyết nhắm hướng thành mà đi. Vì tuyết nhiều quá nên phải dùng xẻng mà hốt tuyết. Bỗng nhiên cả ba đều nghe tiếng nói từ hư không vọng lại: “đừng dẹp tuyết nữa chúng tôi đi đây”. Ba vị hòa thượng dừng tay thì thấy một đoàn người vút nhanh và mất dạng trong sương sớm. Ba vị nói với nhau: “những người ăn mày đã đi rồi chăng? hay là chúng ta vào Chùa xem lại”. Ba người không theo lối cũ mà hướng về cửa chánh để đi. Đó là chỗ các vị nhìn thấy bóng của đoàn người lướt đi. Kỳ quái là không nhìn thấy dấu chân trên tuyết. Hòa thượng trụ trì phóng nhanh vào các phòng ngủ nơi 18 ăn mày nằm thì càng kinh ngạc hơn!! Trên giường chẳng có bóng người.

Lại nói về vị quan Sát Chánh khi đi ngủ lại trong đêm đó lại nằm mơ tiếp: Ngài thấy 18 vị A La Hán hiện đến trước mặt. Một vị nói: “ngươi vốn một đời không có con trai. Vì ngươi có niệm lành nên ta ban cho ngươi một đứa con trai. Từ nay ngươi hãy thành tâm hộ pháp thờ Phật, con trai ông sau này tương lai sẽ rực rỡ làm vang danh dòng họ”. Qua một đêm mà gặp hai điềm mộng thấy A La hán nên Quan Sát Chánh nhất định hôm nay phải đến Hương Tích tự hỏi thăm các vị Hòa Thượng cho biết sự tình thế nào? Tiếp đón quan Sát Chánh, các ngài kể lại việc mười tám vị ăn mày xin ngủ nhờ trong Chùa rồi bỗng nhiên không nói lời nào lại biến dạng đi mất. Thế rồi ba vị tăng đi thu thập mền để trả lại cho quan. Lạ lung thay! Các ngài nhìn thấy trên 18 tấm cửa làm giường hiện rõ lên hình ảnh của 18 vị A La Hán sống động như thật. Ba vị tăng và nhóm người của Quan Sát chánh cả kinh. Quan Sát Chánh quyết không lấy lại mền và cũng bố thí luôn cả xe bò rồi ngay ngày hôm ấy ngài đề nghị cùng các Hòa thượng cho phép ông xuất tiền ra mượn thợ đúc thành 18 vị A La hán để thờ trong Chùa. Đồng thời quan cũng cho xây lại điện đường làm bảo tháp và sửa sang tất cả vườn tược già lam lại thật trang nghiêm. Từ đó Hương tích tự trở nên một thắng cảnh nổi tiếng và người ta đặt lại tên là La Hán Tự. Thiện nam tín nữ từ từ lại kéo nhau về chùa lễ Phật cúng dường hậu hỉnh không thua gì Xuất thủy tự năm xưa. Dù bây giờ Hương tích Tự trở nên huy hoàng lộng lẫy nhưng tâm các vị Hòa thượng tu hành ở đó vẫn thanh tịnh. Ba năm sau cũng vào mùa đông giá rét, tuyết lớn bay tấp nập. Bỗng có một vị Hòa thượng đến La Hán Tự xưng tên và muốn gặp Hòa thượng trụ trì. Người này chính là Hòa thượng trụ trì cũ của Xuất thủy Tự năm xưa. Nghe sự tích của La Hán tự vị trụ trì Xuất thủy tự thở dài một tiếng mãi hồi lâu mới cất lời: “năm xưa Hương tích tự của quý thầy cùng với Xuất thủy tự của chúng tôi tuy gần trong gang tấc, tôi lại chưa hề bước chân qua, chỉ nghe đồ đệ nói hoài cười nhạo Hương tích tự hư hoại. Tôi cũng chỉ cười, thực tại có ý hý hửng mừng thầm. Lúc đó Xuất thủy tự chỉ nhổ một sợi lông cũng có thể giúp nhiều cho Hương tích tự, mà lão nạp tôi lại không hề có một chút ý này. Xuất thủy tự ngày một giàu có thì tâm Phật của tăng chúng ngày một tiêu ma. Cuối cùng chỉ còn có tâm tiền, mất sạch tâm Phật. Mỗi ngày đốt hương lễ Phật tụng niệm kinh điển cho đến khóa sớm khóa chiều, trong cốt tủy cũng đều muốn lừa gạt tín chúng, cầu lấy tiền tài. Nhìn thấy mười tám vị ăn mày, liền ghét bỏ họ bần cùng dơ dáy, không một mảy may có lòng lân mẫn hướng thiện. Nhìn không ra mười tám người áo đơn trời lạnh, lại gặp đêm tối, nếu đuổi họ đi sống chết thế nào? Tôi mấy năm nay hành cước bên ngoài, ăn gió nằm sương, vào khắp danh sơn chùa lớn. Khắp nơi nghe nói có La Hán tự nổi danh thiên hạ, tôi lại chẳng tin. Lão nạp này ở Cam Châu mấy mươi năm, chưa hề nghe có La Hán tự. Hôm nay trở về Cam Châu, muốn coi cho biết đầu đuôi thế nào? Mới hay La Hán tự chính là Hương tích tự năm xưa. Lão tăng vạn dậm hành cước, lại chẳng biết Phật sống ngay trước mặt. Đến nay nghĩ lại thật là hổ thẹn muôn bề”. Hòa thượng trụ trì La hán tự nói: “Lão tăng đâu dám nhận hai chữ Phật sống. Một đời xuất gia chỉ là muốn rửa sạch ba chữ tham sân si mà thôi. Ít đi một chút ngã chấp, trừ đi tướng ngã nhân, tu được tâm địa một mảnh trời xanh, muôn dặm không mây. Chỉ thế mà thôi, thực tại khó theo kịp bóng dáng đại đức của tiền bối”. Hòa thượng nguyên trụ trì Xuất thủy tự nói: “Tôi đến La Hán tự đã im lặng xem xét nhiều ngày. Vì khí tượng ngày nay của La Hán Tự rất khác xưa. Lão Phật sống vẫn ở chiếc phòng cũ này ngày ngày đi canh tác, so với lão nạp năm xưa hào hoa thật là như trời với đất. Hạt rừng không lương thực, trời đất mênh mông. Bất kể bề ngoài giàu nghèo, trong lòng lão Phật sống cũng không lương thực. Hồi đó lão tăng đã để ngoại duyên nắm chặt hết nội duyên, mất hết bổn tâm, để tâm kim tiền đè chết tâm Phật, do đó mới kinh động chư vị A La Hán.

Tôi nghĩ rằng các vị A La Hán giáng lâm đến Xuất thủy tự cũng là vì muốn cứu vớt chúng tôi nhảy ra khỏi hầm lửa, lại không dè chúng tôi thuốc lại chẳng cứu được như thế, ngược lại bị tăng nhân chùa tôi ác ý đuổi xô. Lúc đó nếu có được người nói với tôi, tôi cũng chẳng cho là đúng. Mỗi ngày tín chúng vạn người vào ra, mười tám người có đáng chi? Đợi đến lúc có chữ trên tường vôi ngoài cửa chùi chẳng đi, tôi mới suy nghĩ ra có chỗ chẳng ổn. Như nay Xuất thủy tự điêu tàn chỉ còn có một thẩy hương đăng. Bất luận làm cái gì, không chấp trước mới tốt. Chỉ một câu này của lão Phật sống đã là đến thẳng tâm Phật.- Lão trụ trì nói đùa! - Không phải.- Lão Phật sống một tâm lúc ở Hương tích tự và một tâm ở La Hán tự bây giờ, không biến đổi mảy may, trong sáng thanh tịnh, một hạt bụi chẳng nhiễm, đây há là việc mọi người dễ dàng làm được sao? Tôi trở về lần này, cũng chỉ vì muốn được ở La hán tự, làm một vị tăng tầm thường, theo hầu bên cạnh lão Phật sống, tu hành lại từ đầu, nếu ngày nào khai ngộ được chút ít, cũng chẳng phải là uổng một phen xuất gia, một đời làm tăng vậy”. Lão trụ trì Xuất thủy tự lưu lại chùa, trụ ở phòng cũ bên cạnh lão Hòa thượng trụ trì La Hán tự. Lão Hòa thượng trụ trì đêm nằm không ngủ, Điều này khiến trụ trì Xuất thủy tự rất là khâm phục. Thường ngày, La Hán tự để lại hai ba tăng tiếp xúc với thiện nam tín nữ, mở trai phạn lớn tiếp tế người nghèo khổ. Còn các tăng nhân khác thì tĩnh tâm trong thiền phòng, trang nghiêm tu trì. Nguyên trụ trì Xuất thủy tự trải qua một phen khổ nhọc kiên định được tâm Phật, dũng mãnh tinh tấn. Cuối cùng đã cùng với Hòa thượng trụ trì La Hán tự song song thành chánh quả. Chẳng qua, đây là chuyện thức ngộ bổn tâm.

Câu chuyện trên đây đã cho chúng ta một bài học về sự tu hành. Và cũng để cảnh cáo các bậc tăng sỹ hãy nên coi chừng danh hư lợi dưỡng. Chùa to tượng lớn không hẳn là phản ảnh được công đức tu hành. Chẳng qua là do một phước duyên nào đó thôi. Nếu không khéo tu trì thì một ngày kia luật vô thường cũng sẽ đào thải tất cả. Vì lẽ chúng ta đang sống trong một bối cảnh của cuộc sống hư ảo, phù phiếm giả tạm.

( trích một đoạn nhỏ trong quyển sách " Giọt nước mắt của một thầy tu" sắp xuất bản nay mai) Thích Trí Như__._,_.___

3 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Một Thế Giới Từ Bi

Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa tròn 76 tuổi hôm Thứ Tư 6-7-2011, một ngày cũng là khởi đầu cho một loạt buổi thuyết giảng, truyền pháp và hướng dẫn tu học pháp môn Kalachakra cho nhiều ngàn Phật Tử tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Giữa một thế giới đầy bạo lực, trọn cuộc đời của ngài chỉ là để biến nơi này trở thành một thế giới từ bi hơn. Ngài bước đi từ cõi nước này qua lãnh thổ nọ, nói chuyện từ đại học này qua thiền viện nọ... nơi nơi không phải để chiêu dụ cải đạo, không phải để hăm dọa những ai không theo ngài sẽ rớt xuống địa ngục, mà chỉ để làm cho cõi này trở thành từ bi hơn, để người với người thực sự tôn trọng nhau và yêu thương nhau.

Lòng từ bi của ngài thể hiện ngay trong cách xử thế đối với cả các chuyển biến tại quê nhà Tây Tạng. Khi những cuộc biểu tình xảy ra hàng loạt vào tháng 3-2008 tại Lhasa cũng như tại nhiều thành phố và thiền viện Tây Tạng, khi hàng ngàn vị sư ra phố biểu tình, và khi công an Trung Quốc đưa côn đồ trà trộn vào người biểu tình để đốt nhà, để đập các cửa tiệm và để làm mất chính nghĩa bất bạo động của Phật Giáo, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã yêu cầu tất cả tự chế, hãy ngưng ngay bạo động và nhắc nhở chư Tăng phải sống với lòng từ bi.

Trong những cuộc phỏng vấn, nói chuyện trước giờ, ngài cũng luôn luôn nhắc về lòng từ bi, nghĩa là tôn chỉ của yêu thương, tử tế, giúp người.

Những câu nói của ngài thường được báo giới nhắc tới như:

“Đây là tôn giáo đơn giản của tôi. Không cần gì tới chùa chiền; không cần gì tới triết lý phức tạp. Trí óc của chúng ta đây, quả tim của chúng ta đây, chính là ngôi chùa, ngôi đền của chúng ta; triết lý chính là lòng từ bi.”

Ngài cũng không đặt vấn đề phải tấn công tôn giáo khác, hay phải hù dọa về hình phạt đời sau đối với người khác đạo. Cái nhìn của ngài lúc nào cũng từ bi: “Tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều căn bản mang cùng một thông điệp, đó là yêu thương, từ bi và tha thứ... điều quan trọng là, các thông điệp này phải là một phần đời sống thường nhật của chúng ta.”

Ngôn ngữ tôn trọng các truyền thống tôn giáo khác thật hiếm hoi trên đời này. Chỉ có những người có tâm độ lượng như Đức Đạt Lai Lạt Ma mới gạt bỏ mọi thứ linh tinh để nhìn vào cốt tủy của các tôn giáo và rồi mới thấy cần bao dung nhau.

Trả lời một câu hỏi rằng có thể nào một người vừa là tín đồ Ki Tô Giáo (Christianity, còn dịch là Cơ Đốc Giáo, hay Thiên Chúa Giáo), vừa là Phật Tử được không, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời:

“... Tôi đã trả lời câu hỏi này một cách gián tiếp khi tôi nói rằng niềm tin vào một Đấng Sáng Tạo có thể đi kèm với sự hiểu biết về Tánh Không. Tôi tin có thể bước đi trên đường tâm linh và hòa hài Ki Tô Giáo với Phật Giáo. Nhưng khi tới một mức độ chứng ngộ nào đó, sẽ phải cần lựa chọn giữa 2 con đường này. Tôi mới đây đã có loạt thuyết giảng tại Mỹ và một trong những thuyết giảng này là về sự kham nhẫn và bao dung. Vào cuối buổi thuyết giảng, có một nghi lễ để lập Nguyện Bồ Tát. Một linh mục Ki Tô Giáo trong hội trường muốn lập nguyện này. Tôi mới hỏi vị đó rằng, vị đó có quyền tự quyết định như thế không, và rồi vị này trả lời rằng có quyền đó, dĩ nhiên, vị này có thể lập nguyện, và vẫn là một Cơ Đốc Nhân.”

Đạo Phật đã vào Hoa Kỳ với lòng từ bi như thế. Và Đức Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân của lòng từ bi chân thật.

Lòng từ bi đó của ngài là điều mà ngài thể hiện thực sự. Hãy nhìn xem cách ngài đối xử với dân Tây Tạng: ngài đã từ bỏ vai trò lãnh đạo chính trị, để chỉ thuần tuý giữ vai trò người thầy dạy đạo. Không ai có thể ép ngài phảỉ từ bỏ vai trò chính trị. Thậm chí nhiều vị lãnh đạo cộng đồng Tây Tạng lưu vong thỉnh nguyện rằng ngài cần phải ngồi trên ngai vàng muôn năm trường trị. Nhưng không, quyền lực chính trị chỉ là phương tiện để cứu dân, cứu nước – khi thấy cần từ bỏ là từ bỏ liền, và ngài đã thiết lập ngay một nền dân chủ, cho bầu cử tự do để chọn lên một vị Thủ Tướng Tây Tạng lưu vong. Chính Đức Đạt Lai Lạt Ma đã xóa bỏ định chế 400 năm trên ngôi lãnh đạo của dân tộc Tây Tạng.

Đó là một sự hy sinh hiếm hoi: xóa sổ một định chế lãnh đạo tôn giáo đã có truyền thống nhiều trăm năm. Và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm một điều tuyệt vời như thế.

Hôm Thứ Năm 7-7-2011, các vị dân cử Hoa Kỳ đã đón ngài tới tòa nhà quốc hội, đã ca ngợi Đức Đạt Lai Lạt Ma như một cảm hứng toàn cầu, trong khi thúc giục Tổng Thống Barack Obama hãy kình với Trung Quốc để gặp vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong.

Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ John Boehner, nhân vật quyền lực cao hàng thứ 3 Hoa Kỳ, theo Hiến Pháp Mỹ, đứng bên cạnh Đức Đạt Lai Lạt Ma và nói, “Cuộc đời ngài đã làm điển hình cao thượng cho các nước như chúng ta đang hoạt động để lan trải tự do, bao dung và tôn trọng phẩm giá con người.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại về cách Trung Quốc trong năm 1954 đưa ngàì tới Bắc Kinh để dự Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc đầu tiên, và về cách sau này ngài quan sát quốc hội Ấn Độ dưới thời Thủ Tướng Jawaharlal Nehru.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cười, kể lại, “Tại Bắc Kinh, Quốc Hội họp lặng lẽ. Trong khi ở Ấn Độ, quốc hội họp ồn ào, và các dân biểu cứ ưa thích chỉ trích nhau. Tôi có rất nhiều ấn tượng tốt đẹp về hệ thống dân chủ này, nghĩa là tự do phát biểu, tự do nói, ai cũng bình đẳng cả.”

Phải chi ai cũng học được điều này: Tự do và dân chủ là sản phẩm của từ bi và bao dung. Bởi vì có từ bi mới biết thực sự tôn trọng người khác, mới mong muốn làm người khác hạnh phúc.

Từ bi là chìa khóa vậy. Một lần, Đức Đạt Lai Lạt Ma kể về một vị sư già, sau khi bị nhà nước CSTQ giam tù 20 năm, đã vượt biên trốn sang Ấn Độ. Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi vị sư già này, rằng trong 20 năm tù kia, nhà sư lo sợ điều gì nhất. Vị sư già trả lời, rằng trong 20 năm trong tù lúc nào cũng chỉ lo sợ có mỗi một điều: chỉ sợ rằng mình mất đi Bồ Đề Tâm, chỉ sợ có khi nào khởi lên lòng oán giận các cai tù, chỉ sợ có khi nào lòng mình khởi lên căm thù... Chỉ sợ lòng mình không giữ được từ bi, nhẫn nhục...

Trong một buổi họp báo tại Vancouver, Canada vào tháng 9-2006, ngài nói, “Đã tới lúc phải giáo dục mọi người, hãy ngừng mọi tranh cãi nhân danh tôn giáo, văn hóa, quốc gia, hệ thống kinh tế hay chính trị dị biệt. Chiến tranh kình nhau chỉ vô ích. Chỉ là tự sát thôi.”

Địa cầu này quả nhiên đã trở nên quá hẹp, mà không bao dung nhau là tất sẽ đẩy nhân loại dần tới chỗ hủy diệt.

Tấm lòng bao dung của ngài còn thể hiện qua câu nói trong bài phỏng vấn của báo The Daily Telegraph năm 2006, “Tôi không muốn chiêu dụ người khác cải đạo sang Phật Giáo -- tất cả các tôn giáo lớn, khi được hiểu đúng đắn, có cùng một khả thể cho sự tốt đẹp.”

Nhưng, tuy từ bi và bao dung như thế, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn nói rõ các dị biệt tôn giáo. Ngài nói trong bài Diễn Văn Buổi Tối Lễ Nhận Giải Nobel, nơi trang 115:

“Đạọ Phật không chấp nhận lý thuyết về Thượng Đế, hay một đấng sáng tạo. Đạọ Phật giảỉ thích rằng, trong tận cùng, hành động của chúng ta mới là đấng sáng tạo... Từ một điểm nhìn, Đạo Phật là một tôn giáo, từ điểm nhìn khác thì Đạo Phật là khoa học về tâm thức và không phải là tôn giáo. Đúng ra, Đạo Phật có thể là một chiếc cầu giữa 2 điểm nhìn này.”

Từ bi và bao dung, nhưng vẫn trí tuệ tuyệt vời. Đó là hiện thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma vậy.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nhẫn Là Bảo Vật Vô Giá

Đã là Phật tử, chúng ta nhất định phải biết nhẫn. Nhẫn cái gì? Là nhẫn nhịn những cái người ta không thể nhẫn. Có người nói: “Tôi thật là nhịn hết nổi rồi!” Nếu chúng ta nhịn hết nổi, tức là không thể “hết” được. Hết cái gì? Là hết nghiệp chướng. Nếu nghiệp không tiêu, tình chưa không, tức là còn có sanh tử. Cho nên nói: “Nghiệp bất trọng, bất sanh Ta-bà. Ái bất đoạn, bất sanh Tịnh độ.” Chừng nào nghiệp tận, tình không, đến lúc đó chúng ta mới hết sanh tử và được giải thoát thật sự.Người tu hành nên có công phu tu nhẫn nhục. Nhẫn đói, nhẫn khát, chịu gió, chịu mưa, chịu nóng, chịu lạnh, đến nỗi phải nhẫn sự chửi mắng, và nhẫn sự đánh đập luôn. Những cảnh nầy đều là thử thách. Như tôi thường nói: “Tất cả là khảo nghiệm, xem bạn sẽ làm sao? Đối cảnh mà không biết, phải luyện lại từ đầu.” Dù gặp nghịch cảnh như thế nào đi nữa, chúng ta cũng nên tiếp nhận với tâm lý“nghịch lại thuận thọ.” Chúng ta đừng để cảnh giới xoay chuyển, hoặc dựng cờ trắng mà đê đầu xin hàng phục. Người xưa nói: “Việc nhỏ mà không nhịn tức sẽ làm hư chuyện lớn.” Nhẫn nhịn là bảo vật vô giá: “Nhịn giây lát, gió yên sóng lặng; lui một bước, biển rộng trời xanh.” Khi đức Phật Thích Ca còn tại thế, có một hôm Ngài đi ngang qua bờ sông và thấy một con dã can (thuộc loài lang sói), muốn ăn thịt con rùa. Nhưng con rùa thì rút đầu, thụt cả chân tay vào trong cái mai, rồi nó nằm yên không động đậy một lúc thật lâu. Dã can vì không có tâm kiên nhẫn nên bỏ đi, còn rùa nhờ có lòng nhẫn nại mà bảo tồn được sanh mạng. Đức Phật nói với Tôn giả A Nan rằng: “Người tu hành cũng nên như vậy.” Bậc cổ đức nói: “Gần đây tôi mới học được cách của con rùa, lúc nào đáng rút đầu thì hãy rút đầu.” Trong lúc nóng giận mà quý vị nhịn được, thì quý vị sẽ miễn lo âu cả trăm ngày. Nếu người ta chửi mình, xem như mình đang thưởng thức một bài hát đang thịnh hành. Nếu có người đánh mình, xem như mình đi đường vô ý va vào cột cửa. Nếu quý vị quán tưởng như thế, dù là giáo mác gì cũng tự nhiên biến thành ngọc lụa. Nếu không, ngọn lửa vô minh nổi cơn lôi đình sẽ bốc cao ba trượng, mà phát thành một trận đại chiến. Kết quả hai bên đều bị thương, không những tổn thương tình cảm, lại còn mất cả nhân cách và bị người ta chê bai là mình thiếu tánh điềm tĩnh.Cho nên nói: “Thọ tận thiên hạ bá ban khí, dưỡng tựu hung trung nhất đoạn xuân,” tức là chịu được hết trăm lần lời chỉ trích của thiên hạ, sẽ nuôi dưỡng thành khúc nhạc xuân trong tâm ta. Chúng ta có thể lấy những lời vàng ý ngọc nầy để làm câu châm ngôn cho mình.

Share this post


Link to post
Share on other sites

“... Tôi đã trả lời câu hỏi này một cách gián tiếp khi tôi nói rằng niềm tin vào một Đấng Sáng Tạo có thể đi kèm với sự hiểu biết về Tánh Không. Tôi tin có thể bước đi trên đường tâm linh và hòa hài Ki Tô Giáo với Phật Giáo. Nhưng khi tới một mức độ chứng ngộ nào đó, sẽ phải cần lựa chọn giữa 2 con đường này. Tôi mới đây đã có loạt thuyết giảng tại Mỹ và một trong những thuyết giảng này là về sự kham nhẫn và bao dung. Vào cuối buổi thuyết giảng, có một nghi lễ để lập Nguyện Bồ Tát. Một linh mục Ki Tô Giáo trong hội trường muốn lập nguyện này. Tôi mới hỏi vị đó rằng, vị đó có quyền tự quyết định như thế không, và rồi vị này trả lời rằng có quyền đó, dĩ nhiên, vị này có thể lập nguyện, và vẫn là một Cơ Đốc Nhân.”

Quá chính xác, và Ngài chỉ phát biểu đơn giản như vậy, còn phải tu tập theo những phương pháp khoa học của đạo Phật nữa, không kiên nhẫn thì không thể, điều kiện bắt buộc.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay