Posted 28 Tháng 6, 2011 Đạo Trời qua Mèo Chuột. Mèo với Chuột là hai con vật mà những ai sống ở nhà quê, không ai mà không biết. Tôi nói ở nhà quê là vì Việt tộc có nền văn hóa nông nghiệp, nên lúa, gạo, đậu, bắp, khoai là “ngũ cốc” chất chứa tứ tung, ở ngoài sân, ngoài đồng, ngoài vựa, trong kho, trong bếp, nên là những chỗ thường có chuột. Còn ở thành phố, thì ít thấy chuột hơn, vì thực phẩm được cất giấu kỹ trong nhà, trong thùng, trong tủ đồ ăn, lại còn đặt bẫy (chuột), rồi người ta lại nuôi mèo nữa, nên thành thử chuột khó sống. Nhưng nói tới hai chữ “mèo chuột” là có người cũng liên tưởng ngay tới chuyện “trai gái”, “mèo mỡ”, vì từ xưa, ông bà mình cũng đã diễn tả sự thu hút lẫn nhau giữa nam nữ qua câu tục ngữ mà mọi người đều nghe và biết, đó là: “Như mèo thấy mỡ ”. Đó là luật tự nhiên của Trời Đất, như Âm với Dương mà Kinh Dịch còn gọi là Lưỡng Nhất Tính là Song Trùng Lưỡng Hợp, và đó cũng là nền tảng của ĐẠO Việt. Nhưng làm sao chuyện “Mèo Chuột” như “mèo mỡ” lại là chuyện của Triết với Đạo được ?! Thưa, vì Triết là triệt, là nghĩa thấu triệt, tận cùng của mọi sự, mọi vật, tức cũng là nghĩa của sự vô hình qua cái hữu hình. Nhưng vì chuyện “Mèo Chuột” hiểu theo cách bình dân trong đời sống hằng ngày, thì cũng là chuyện yêu đương tình nghĩa, như ca dao mình cũng có câu: “Một đêm là nghĩa, một ngày là duyên”. Mà hễ đã có một chút Tình với Nghĩa và nếu BIẾT sống với Tâm Linh thì đó là cũng là ĐẠO. Vì vậy, nhân đọc lại bài “Những Dấu Chỉ của Thi Ca Triết Việt”, tác giả Đông Lan đã đề cập đến bài ca đồng dao “Chú Mèo Chú Chuột”, để diễn giải ý nghĩa Triết dưới lăng kính Việt Nho, nên tôi cũng xin phép được mạo muội đóng góp thêm vài tư tưởng trong đường hướng đó. Và tôi xin trích lại đây những câu ca trong bài đó, để bạn nào chưa biết, có thể vì sinh ra và lớn lên ở hải ngoại, nhưng chắc chắn là ba mẹ của bạn không thể nào, không biết : “Chú mèo trèo lên cây cao Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà ? Chú chuột đi chợ đường xa Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo (!)” 1/ Chú Mèo và Chú Chuột Chữ “chú” ở đây phải hiểu với nghĩa “Tương Đồng”, tuy Mèo với Chuột khác nhau và đối nghịch với nhau từ hình hài đến bản chất, lẫn bản tính, như Trời với Đất, như Âm với Dương, như Tiên với Rồng, nhưng lại giống nhau, vì là HAI con vật sống cùng với nhau trong một lãnh Thổ. Hình ảnh đó nói lên ý nghĩa Lưỡng Nhất Tính với Song Trùng Lưỡng Hợpmà bạn đã biết, với ý nghĩa trong câu ca dao sau đây : “Bầu ơi thương lấy Bí cùng, Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn” “Mèo” là con vật mà ai cũng biết và đó là một trong bảy con vật mà người Việt mình nuôi và được coi như là gần gũi với người như : trâu(1), mèo(2), ngựa(3), dê(4), gà(5), chó(6), heo(7). Và bảy con vật này cũng là biểu tượng trong bộ Giáp 12 con, nhưng lại bắt đầu bằng con Chuột, đó là : Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, mà mấy ông lão nhà mình thường nói theo xưa là “thập nhị địa Chi”. Nhưng tại sao trong 12 con Giáp lại bắt đầu bằng Tí (Chuột), mà không là con Mèo, hay con gì khác ? Có khi nào bạn đặt câu hỏi như vậy chưa ? Như vậy chắc là phải có ẩn chứa một ý nghĩa gì đây ? Nhưng là ý nghĩa gì bạn có biết không? Thưa là ý nghĩa “Tí” (teo), nghĩa là còn ở trong trứng (tí) nước, là ý nghĩa khởi đầu của sự sống của vạn vật mà trong đó có con người. Cho nên Chuột tức Tí, là ý nghĩa Con Người ở giai đoạn “CÓ” với ý nghĩa hiện hữu với hình thể (bào thai), nhưng cũng là ý nghĩa tiên khởi, ưu tiên, dẫn đầu, với Thiên Chức làm NGƯỜI, để Con Người làm Chủ, không phải là Chủ của thế giới vạn vật hay thợ thuyền tôi tớ, mà là Chủ của chính mình, và gọi là NHÂN CHỦ, vì là CHỦ, mình mới có thể là VUA với ý nghĩa NHÂN Hoàng, như THIÊN Hoàng và ĐỊA Hoàng. (Tôi xin mở ngoặc ở đây để nói cho ai chưa biết hay còn tưởng lầm về nguồn gốc của Can (Chi), tức thập thiên can, với Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Cái CAN CHI này là CỦA Việt tộc, vì nó phát xuất từ DỊCH, tức từ nhân sinh quan của Tổ Tiên với nền tảng THÁI CỰC (Nhất Thể), LƯỠNG NGHI (Trời Đất), TAM TÀI (Thiên-Địa-Nhân), TỨ TƯỢNG (Thái Âm-Thái Dương, Thiếu Âm-Thiếu Dương, với Bốn Mùa, Bốn Hướng) với NGŨ HÀNH (Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ), chớ không phải là của Tàu, vì Tàu với văn hóa du mục, nghĩa là tối ngày lo cỡi ngựa chạy rông, để săn bắn, để đi xâm chiếm, cướp đoạt, hãm hiếp bằng vũ lực, để hưởng thụ vật chất, thì còn thời giờ và đầu óc ở đâu mà suy tư, mà thăng tiến ?! Ở đây tôi không muốn dẫn chứng dông dài, vì đã có người làm cái việc này, tôi chỉ muốn nhắc sơ lại với bạn ở đây sự khác biệt căn bản về ngôn ngữ giữa Tàu và Ta, là Tàu không có tiếng đôi như : núi non, chợ búa, làng mạc,… hay vui vẻ, khéo léo, phập phồng, v.v… Cho nên phong tục là cách sống hay thói quen (nói) hằng ngày của Việt tộc, là sự áp dụng của văn hóa nông nghiệp, với huyền thoại Phục Hi, Nữ Oa, Thần Nông, mà cũng là Tam Tài, đó là nhân sinh quan, cũng như với Lưỡng Nhất Tính là Trời Đất, là Âm Dương, và điều hiển nhiên nhất mà bạn có thể thấy mà không cần dẫn chứng, đó là biểu tượng của Việt tộc với Tiên Rồng (hai thứ), chứ không chỉ có (một thứ) là Rồng như của Tàu. Lập luận này của tôi, có lẽ có nhiều học giả khác không đồng ý, vì nó không có tính chất dẫn chứng cách khoa học, nhưng phạm vi triết lý lúc nào cũng vượt trên lãnh vực khoa học, nên không thể bảo là sai. Ờ đây, tôi chỉ muốn cho bạn thấy thêm, một sự khác biệt rất rõ ràng giữa Tàu và Việt trong bộ Giáp này, đó là con Mèo (Mão, Mẹo) của Việt, và của Tàu là con Thỏ. Vì tôi không phải là nhà nghiên cứu về “tự” (chữ), giữa Hán với Việt, nên tôi xin lỗi vì không thể cắt nghĩa cho bạn được sự giống nhau hay khác biệt về chữ viết hay ngôn từ giữa chữ Mão (Mẹo) và chữ Thỏ. Nhưng với ý nghĩa Triết thì tôi biết chắc chắn là nếu thay thế Mèo bằng Thỏ, thì sẽ không còn cùng ý nghĩa giữa con Mèo và con Thỏ được ! Điều này tôi sẽ có dịp trình bày với bạn qua một chủ đề khác.) Nhưng ở đây, “Mèo” có nghĩa là Trời, là Tình Yêu, là Tự Do, là Hạnh Phúc, là Vô Biên… như Vũ Trụ. Nhưng cũng có nghĩa là CÁI, là MẸ, như hình ảnh NỮ OA, nghĩa là “Em” trước Anh sau, như đã được nói lên trong câu ca dao: Anh khôn anh cũng ở dưới ông Trời, Em là chim én đổi dời thượng thiên. Và nghĩa của “Chuột” thì dĩ nhiên là Đất, với nghĩa Tài Sản, Giàu Sang, Danh Vọng, Quyền Lực,… vì “Chuột” ở trong hang, dưới Đất, của những chỗ chất chứa đầy đồ ăn như lúa gạo, khoai bắp, hoa quả,v.v…, là sản phẩm của ruộng vườn, hay thịt thà và tôm cá, v.v…, là sản phẩm của núi sông, của biển hồ, do sự tác động của Trời Đất Giao Hòa với Thiên Sinh, Địa Dưỡng, và công lao của Nhân Hòa với Vạn Vật để tài tác,bảo tồn và phát triển đời Sống. Cho nên ý nghĩa Mèo và Chuột là nền tảngcủa nguyên lý Mẹ, là Lưỡng Nhất Tính đó là Song Trùng Lưỡng Hợp, là tỷ lệ “tham thiên lưỡng địa” (3-2) của Trời Đất, của Âm Dương vớiÂm trước Dương sau, của Tình và Lý với Tình trước Lý sau, của Vợ Chồng với Vợ trước Chồng sau, v.v… tức là Tả Nhậm, là triết lý kính trên nhường dưới, bênh vực kẻ yếu, quý trọng tinh thần, sống với Tâm Linh. 2/ Trèo với Đi. “Trèo” (leo lên) và “Đi” (xa) là hai cách di động mà mọi người đều biết. Trèo là di động theo chiều đứng, tức là nét “dọc” chỉ TRỜIvà Đi là di động theo chiều ngang, tức nét “ngang” chỉ ĐẤT. Và người Việt mình ngày xưa còn gọi là dân “Giao Chỉ”, tức con người là GIAO của CHỈ Trời và CHỈ Đất, như cái câu trong Kinh Dịch “nhân giả kỳ thiên địa chi đức”. Nhưng muốn Trèo thì phải bám víu bằng sức lực hay cách thức (kỷ thuật), và Đi thì cũng phải dùng sức để bước tới, để di chuyển thân thể, cho nên “Trèo” với “Đi” nói lên ý nghĩa biến đổi tình trạng, tức là Dịch, nhưng cũng có ý nói muốn thăng tiến để thay đổi cái tiểu ngã của con người thành Đại Ngã thì phải MUỐN, giống như con Mèo muốn ăn thịt Chuột thì : Con mèo con mẻo con meo Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà 3/ Cây với Nhà. “Cây” và “Nhà” ở đây là ý nghĩa môi trường của Mèo với Chuột, nhưng cũng là ý nghĩa đặc tính hay sở thích của Mèo và Chuột. Con Mèo thì thích leo trèo lên cao để thấy xa, thấy rõ những cái gì nhỏ bé như con chuột, ẩn núp ở trong hang trong kẹt, để rình rập và chờ thời cơ để “làm ăn”, khi con chuột xuất hang ló diện. Còn con Chuột thì cứ muốn mạo hiểm (chạy) đi xa để kiếm cơm, kiếm gạo, kiếm lúa, kiếm bắp, kiếm đậu, tức kiếm đồ ăn tha về hang về ổ, tích trử để dành. Hai hình ảnh của hai môi trường khác biệt và phản nghịch với nhau đó nói lên ý nghĩa mâu thuẫn, đối nghịch của mọi sự, mọi chuyện, trong Trời Đất này, như Tình với Lý, như Tinh Thần với Vật Chất, như Trái với Phải, như Thiện với Ác, v.v… đó là Lưỡng Nhất Tính của ĐẠO, mà hình ảnh và ý nghĩa đó được nhắc nhở và diễn tả qua đời sống con người, giống như Anh với Em, hay Ta với Mình, như câu ca dao : Mình với ta như con một nhà Như áo một mắc như hoa một chùm. và Một đó là “nhất thể”, và Mình với Ta hay Em với Anh là “nhất âm nhất dương”, theo nghĩa Kinh Dịch. Nhưng theo bản Nguyệt Lệnh thì “Cây” tức Mộc và thuộc về Hành Mộc và “Nhà” làm bằng đất, bằng gạch, là Thổ, và thuộc về Hành Thổ, đó là ý nghĩa của sự tương khắc giữa Hành Mộc với Hành Thổ trong cơ cấu Ngũ Hành, giống như Mèo với Chuột. Nhưng trong đời sống thực tế phải có “cây” để làm cột để chống đỡ, để dựng thành cái “nhà”, và đó cũng là ý nghĩa tương trợ, tương kết, tương hợp… để thành Một cái Nhà. 4/ Cao với Vắng Tục ngữ có câu: Trời cao lồng lộng Đất rộng thênh thênh Nghĩa “Cao” ở đây, chỉ Trời là “cao”, là “lồng lộng”, là ý nghĩa chiều kích vô biêncủa TÌNH YÊU giữa Trời Đất và Con Người, cũng như giữa Em với Anh, khi Hai đứa mình biết GIAO HÒA với nhau trong Trời Đất Vũ Trụ Vạn Vật, để thành MỘT là NHẤT THỂ. Và “Vắng” cũng chỉ Đất là “rộng”, nhưng cũng là ý nghĩa TRỐNG Vắng, TRỐNG Rỗng, mà biểu tượng của nền Minh Triết Việt là TRỐNG ĐỒNG với tất cả tinh hoa của văn hóa Việt. Đó là ý nghĩa muốn đi chợ đường xa, thì phải vắng nhà, chữ “nhà” ở đây có nghĩa là cái TÂM của Con Người, nên muốn đi xa , tức muốn siêu VIỆT thì phải để cho cái TÂM mình TRỐNG Vắng, nghĩa là KHÔNG còn bị dính bén với bất cứ cái gì, để mới có thể biến đổi cái tiểu ngã của mình thành ĐẠI NGÃ TÂM LINH để lên CAO, để đạt được chiều kích vô biên của Vũ Trụ. Đó cũng là ý nghĩa của chữ Vìệt trong hai chữ Việt-Nam. 5/ Hỏi với Mua. Tại vì không biết công dụng, hay chất liệu hoặc giá cả món đồ cho nên mới “hỏi” để “mua”, đó là chuyện cần thiết và quan trọng trong việc mua bán hay đổi chác. Và khi “mua” tức là mình đã biết được giá trị của món hàng và muốn lấy về cho mình với một mục đích đã định. Ở đây Hỏi (thăm) cũng có nghĩa là dò xét, nhưng cũng có nghĩa là thăm hỏi, với nghĩa viếng thăm, tức là nghĩa cảm tình, với ý nghĩa tương quan… Tuy là Mèo với Chuột, hễ thấy nhau là như “mèo thấy mỡ”, nghĩa là muốn ăn tươi nuốt sống nhau, nhưng vì là “nhất âm nhất dương chi vị Đạo”, cũng là ý nghĩa tương đối, tương ứng, tương cầu…, nên hễ là con vật với nhau, hay con người với nhau thì là tương đồng, cho nên phải biết tương giao để HÒA với nhau, để làm cho VUÔNG thành TRÒN, và đó là nền tảng của ĐẠO Việt. Cho nên ý nghĩa “hỏi” và “mua” trong câu ca dao này còn phải hiểu là nhận thức và ý thức, tức là Con Người phải học hỏi về chính mình, để hiểu biết đâu là Tận, Kỳ, Tính, nghĩa là để biết mình là gì, là ai, sống để làm gì và tại sao lại chết ? Đó là những điều mà mỗi người mình phải (tự) “Hỏi” để “BIẾT” (tri thức) và để mình “Mua” về (suy tư), một khi đã nhận thức, để với ý thức, đem áp dụng vào đời sống của mình, hôm nayvà ngay bây giờ, nghĩa là để làm cho mình được AN-VI HẠNH PHÚC ở đời này. 6/ Chợ đường xa. “Chợ” là nơi nhóm họp của nhiều người để mua bán và trao đổi, nói lên mối tương quan của con người với gia đình và cộng đồng xã hội. Còn “đường xa” ở đây, là nghĩa yếu tố thời gian để kiếm muối mua mắm, nghĩa là để cho sự hiểu biết của Con Ngườivới kiến thứcở vòng ngoài, thành suy tư để nhận thức và ý thức, để đi vào vòng trong, để làm cho cái nét (cảm tình) bề ngoài ghi khắc vào (tim) bề trong, tức là làm cho lắng đọng vào Tâm để làm cho cái TÂM thành Đại Ngã Tâm Linh. 7/ Mắm với Muối. Đây là chất liệu thiết yếu cho sự sống, và là quan niệm căn bản cho đời sống con người. Hình ảnh muối và ý nghĩa mắm nói lên tất cả sự biến thể của cá, thịt, rau, cỏ, v.v…, để thành chất tinh tuý nuôi dưỡng cơ thể con người, là bởi muối và nhờ muối. Vì muối là kết tinh của Thái Dương và Đại Dương với thời gian (hoạt lực) để nước biển bốc hơi thành muối. Muối là chất (mặn) được chứa đọng và HÒA lẫn trong Đại Dương và trong muôn vật trên trái đất này, nhưng cũng là chất dinh dưỡng không thể thiếu cho sự sống con người. (mời bạn đọc lại bài “Con Cá và Con Cái” để hiểu thêm về ý nghĩa của muối http://www.anviettoancau.net/html/capnhat_11/ngsonha_cavacai.htm ) Tương tự Con Người là GIAO CHỈ của Đức Trời Đức Đất, cũng giống như muối và nếu là muối mà Chúa cũng đã dùng hình ảnh đó trong Kinh Thánh (Phúc Âm: Matt. chương 5, câu 13 ; Mc. ch.9, c.50 ; Lc. ch.14, c.34-35) Con Người sẽ ở trong vạn vật và có thể biến đổi hết tất cả (tức tài tác với nghĩa Nhân Tài) mọi thứ ra mắm, tức ý nghĩa để nuôi dưỡng và tạo dựng sự sống. Như màu sắc trắng tinh (của muối) và hương vị thơm ngon, mặn mà (của mắm)… là ý nghĩa tinh thần, tinh hoa, tinh túy, tinh tuyền, tinh khiết, …và đó là ý nghĩa CHÂN-THIỆN-MỸ và cũng là ý nghĩa HẠNH PHÚC của Con Người. Nên muốn sống Hạnh Phúc, Con Người phải để cho mình thấm muối, nghĩa là phải để cho cái ĐỨC, cái TÌNH YÊU của Trời Đất lắng đọng (như muối) vào TÂM, để có thể biền đổi mình thành mắm, nghĩa là làm cho biến đổi cái tiểu ngã của mình thành Đại Ngã, để với TÂM LINH con người mới có thể SỐNG THẬT, Sống Hạnh Phúc, nghĩa là Sống với CHÂN-THIỆN-MỸ, tức là Sống với ĐẠO. 8/ Giỗ Cha. Đây là ý nghĩa thiêng liêng của lễ Gia Tiên, qua việc cúng tế và đình đám, là cách sống hướng về Tâm Linh, để với Tâm Linh con người mới có thể THÔNG HIỆP để HÒA với vạn vật hữu hình và thế giới vô hình. Cho nên làm lễ Giỗ để nhắc nhở Con Người cái ý nghĩa “Nhất Thể” giữa Con Cháu với Tổ Tiên và Trời Đất, giữa người sống và kẻ chết, nghĩa là phải sống THÔNG HIỆP với Tổ Tiên và Trời Đất, bằng Tâm Linh để Tạ Ơn, để lãnh nhận Ơn (ân) của Tổ Tiên và Đức của Trời Đất. 9/ Cha Chú. Và theo cơ cấu của gia đình Việt tộc, với nghĩa họ hàng bà con, Chú là em của Cha nói lên ý nghĩa anh em cùng Cha cùng Mẹ. Ở đây, hình ảnh “Chuột phải đi chợ đường xa để mua mắm mua muối để về Giỗ Cha Chú Mèo”, là có ý muốn nói Cha chú Mèo với Cha chú Chuột cũng là Một, theo nghĩa của “Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể”. Cho nên hình thức Cúng Giỗ với Lễ Nhạc qua hội hè đình đám, là cách thức và là (nhân) dịp để cho con người gặp nhau ở cánh “Đồng Tương” để Sống Thật cái TÌNH NGƯỜI với Trời Đất Vũ Trụ Vạn Vật trong tinh thần Tương Giao, Tương Hòa, Tương Trợ, Tương Thân… như anh em “đồng bọc”. Đó là ĐẠO Việt mà Tổ Tiên đã ẩn dấu cái ý nghĩa “CAO XA” qua hình ảnh tầm thường là MÈO CHUỘT. Và đó cũng là hình thức mang ĐẠO vào ĐỜI bằng những câu ca dí dỏm và bóng bẩy, nhưng chứa đựng ý nghĩa vô biên, đó là TÌNH YÊU của Trời Đất cho Con Người. Vì vậy, tuy có lẽ tư tưởng của bạn và ý nghĩa của tôi như là Mèo với Chuột, nhưng tôi hy vọng sau khi đọc bài này, bạn sẽ biết “trèo lên cây cao” để thấy tôi “đi chợ đường xa” để “mua mắm mua muối” qua tất cả ý nghĩa đó, để dâng lên Tổ Tiên của bạn và cũng là của tôi, với lòng thành cảm tạ, nhân dịp thập niên lễ Giỗ Thầy. Đạo Trời qua Ca Dao Tục Ngữ. Nguyễn Sơn Hà Như Sư Tổ của chúng ta, GS. Kim- Định, khi còn sống ngài đã ao ước có một bộ sách cho dân tộc gồm Ngũ Kinh với Kinh Hùng, Kinh Ước, Kinh Ngữ, Kinh Nghiã và Kinh Lạc, để làm sách chỉ đạo linh hướng cho con cháu Tiên Rồng. Nhưng ngài đã không đủ giờ thực hiện và đã trao trối lại nhiệm vụ đó cho chúng ta là môn sinh và đệ tử của ngài. Và vì nhiều lần ngài đã nói : ‘Đạo mất trước, Nước mất sau’, điều này tất cả người Việt trong và ngoài nước đã cảm nghiệm từ ngày 30/04/75. Nhưng ngài cũng có nói : ‘Nước còn là Đạo còn’. Vì vậy muốn Phục Quốc, việc ưu tiên phải làm là Tìm lại Đạo, để biết ngõ biết đường mà về, nếu không thì giống như thằng đui dẫn thằng mù đi, thì chắc chắn là cả hai sẽ lọt xuống hố ! Không biết là duyên tiền định, hay may mắn trong đời mà tôi được học triết Đông với Thầy Kim-Định vào những năm 72-74 ở Đại-Học Thành-Nhân. Nhưng đó là bước đầu tiên mà Thầy Kim- Định đã dẫn dắt tôi vào con đường tìm Đạo, để giờ phút này tôi mới viết được vài hàng để chia sẻ với những anh chị em cùng bọc của Mẹ Âu Cơ… Để gọi là góp phần cho Kinh Ngữ, và nhất là để tìm cách cho cái triết lý An-Vi đi sâu vào quần chúng, thì tôi nghĩ rằng không còn cách nào hữu hiệu cho bằng ca dao tục ngữ , vì nó đã nằm trong tiềm thức của dân gian từ ngàn năm, như có câu : « Trăm năm bia đá cũng mòn, Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. » nhắc lại là ai cũng nhớ liền, chỉ cần diễn giải thêm và cắt nghĩa theo triết để thấu hiểu tường tận, và một khi bà con hiểu được ý nghĩa triết trong ca dao rồi, thì coi như đã thuộc nằm lòng, tức là sắp sửa đi đến An Vi rồi. Đó là câu ca dao mà hễ bất cứ ai lớn lên ở Việt-Nam và đến tuổi trưởng thành đều thuộc nằm lòng hay ít nữa cũng đã được nghe vài ba lần, và ai cũng biết ý nghĩa ‘còn trơ trơ‘ đó là bằng chứng không thể phủ nhận hay chối cãi gì được. Vì thế dùng ca dao để cắt nghĩa và dẫn chứng cái Đạo Trời, mà Nguyên Lý Mẹ, với đặc tính Song Trùng hay Lưỡng Hợp, hay Lưỡng Nhất Tính, mà nói theo Việt Nho là ‘nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo’, hay nói nôm na là Âm Dương Hòa Hợp mà ý nghĩa sâu xa của nó đem áp dụng vào đời sống mỗi ngày của con người gọi là ‘Triết lý Sống Thái Hòa.’ hay ‘Triết lý An Vi’. Vì vậy, ý nghĩa Hòa đó đã được áp dụng hằng ngày vào đời sống, chẳng hạn như người con gái Việt sống với tinh thần nhân bản, khi nghe theo tiếng gọi của con tim, đã không ngần ngại và tuyên bố với mọi người rằng : « Đi đâu mà chẳng lấy chồng, Người ta lấy hết chổng mông mà gào. Gào rằng : “Đất hỡi, Trời ơi” ! Sao không thí bỏ cho tôi tấm chồng. Ông Trời ngoảnh lại mà trông, Mày hay kén chọn Ông không cho mày. » Ca Dao Tục Ngữ mình chứa đọng đầy đủ nhân sinh quan và vũ trụ quan, và được diễn tả bởi Việt tộc, với Tâm Tình và theo nhịp của Trời Đất qua Nguyên Lý Mẹ, đó là Thiên Sinh- Địa Dưỡng – Nhân Hòa. Hòa bằng Tình trước Lý sau, Tình Trong Lý Ngoài, Tình Mẹ Lý Cha : « Đã đi ra đến cửa công, Ngoài thì là lý nhưng trong là tình. » Cho nên theo cảm nghiệm của tôi, chữ TÌNH là căn bản cho đời sống con người, để hiện hữu, để lớn lên và để đạt được Đại Ngã Tâm Linh, để siêu Việt hay nói nôm na là để Thành Nhân. Vì vậy ca dao tục ngữ mình thật hay vì chứa đọng đầy TÌNH, và khi đọc nó lên, nó làm cho người nghe cảm được cái TÌNH, tuỳ theo hoàn cảnh và tâm trạng của người đọc và người nghe. Ví dụ : « Cây oằn là bởi vì hoa, Quá thương nhớ bậu, chẳng qua vì tình. » Còn gì đẹp bằng hoa để nói lên cái TÌNH, như Tình Yêu mà từ đó con người mới có thể sống để mới cảm được cái TÌNH, như tình vợ chồng, tình mẹ (cha) con, tình anh em, tình bè bạn, để đi tới tình đồng bào, rồi tình nhân loại. Và cũng trong ca dao tục ngữ, Tổ Tiên mình đã để lại cái Đạo Trời để cho con cháu Thành Nhân với mẫu mực như Tam Cương, Ngũ Thường mà chữ TÌNH là nguồn suối của mọi liên hệ với Trời Đất và Vạn Vật Vũ Trụ : « Mình về em chẳng cho về, Em nắm vạt áo, em đề câu thơ. Câu thơ ba chữ rành rành, Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba. Chữ Trung thì để phần cha, Chữ Hiếu phần mẹ, đôi ta chữ Tình.” Với Ngũ Thường : - Vợ Chồng thì Nghĩa : “Vợ chồng là nghĩa núi sông, Dẫu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời.” - Con với Mẹ Cha thì Hiếu : “Thờ cha mẹ ở hết lòng, Ấy là chữ Hiếu dạy trong luân thường.” - Vua tôi thì Lễ : “Nước yên quân mạnh dân giàu Khắp trong tám cõi cúi đầu làm tôi.” - Anh Em với nhau thì Để : “Chữ Để nghĩa là chữ nhường, Nhường anh, nhường chị, lại nhường người trên.” - Bạn bè thì Tín : “Bạn bè chung thủy, dưới trên đàng hoàng.” Hay : “Bạn bè là nghĩa tương tri, Sao cho sau trưóc một bề mới nên. » Nói về vũ trụ quan với ý nghĩa “thiên địa vạn vật nhất thể” thì ca dao mình cũng có: « Trâu ơi, ta bảo trâu này, Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta. Cầy cấy vốn việc nông gia, Ta đây trâu đấy ai mà quản công. Bao giờ cây lúa còn bông, Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn. » Còn muốn nói về triết lý ăn chơi, chơi cho đả, cho hết chỗ nói, để cho con người phát triển hết chiều kích vô biên, thì trong ca dao cũng có những câu rất độc đáo, chẳng hạn như : « Chơi cho bể hẹp bằng ao, Chơi cho trái núi lọt vào trôn kim. Chơi cho bong bóng thì chìm, Hòn đá thì nổi, gổ lim lập lờ.” Để chứng minh Nguyên Lý Mẹ, với ý nghĩa “vuông tròn”, thì cũng có câu : “Tay cầm phải trái bưởi non Biết sao cho đặng vuông tròn hả anh”. Để nói lên ý nghĩa “Nhân chủ” : “Một mai khôn lớn vuông tròn Rủ nhau bay khắp nước non xa gần Kiếm mồi tự lập lấy than Vẻ vang hãnh diện cho dân con cò.” Hay là ý nghĩa ‘Bà Ba’(Tam Tài), mà từ đó “chiếc áo Bà Ba” đã xuất hiện không biết từ lúc nào. Người mình hay nói ‘vài ba’ hay ‘đôi ba’, tức là “ tham thiên lưỡng địa”, nghĩa là số 3 là Trời, số 2 là Đất, như câu : “Mua bộ bà ba Đôi ba cặp vịt.” Với ý nghĩa của bộ số 3+2 = 5 là Ngũ Hành, mà cũng là “Con Người” ở Cung ‘Hoàng Thiên, Hậu Thổ’; có nghĩa là Con Người phải sống với Tình và đem TÌNH về TÂM để đạt đến Đại Ngã Tâm Linh, vì trên cõi đời này không có gì quý bằng Tình, cho nên câu ca dao sau đây thật là dí dỏm nhưng tìm ẩn đầy ý nghĩa của nguyên lý Mẹ, với Mẹ là Trời, là Tự Do, là Tình Yêu vô biên, bao la như Đại Dương , như biển Thái Bình để yêu thương đến ‘trăm con người’, nghĩa là hết mọi người, tức là cả nhân loại, nở từ trăm trứng của Mẹ Âu Cơ. “Chữ Tình đáng giá ngàn vàng, Từ anh chồng cũ, đến chàng là năm. Còn như yêu trộm nhớ thầm, Họp chợ trên bụng đến trăm con người.” Vì tình thương yêu của mẹ bằng Trời, nên cũng có câu : “Công cha nặng lắm ai ơi, Nghĩa mẹ bằng Trời, mang nặng đẻ đau.” và vì Tình Yêu và Tự Do là hai bản chất siêu hình nhưng thiết yếu để con người mới có thể sống thực, nghĩa là sống với chiều kích vô biên của vũ trụ : ‘Anh khôn anh cũng ở dưới ông Trời, Em là chim én đổi dời thượng thiên.’ Để rồi con người của dân tộc Việt lúc nào cũng ước ao được sống Hòa với Trời Đất và vũ trụ vạn vật để được an lạc, an vi: “Ước gì dãi yếm em dài, Để em buột lấy những hai anh chàng.” Ca dao tục ngữ của dân tộc Việt rất là sâu sắc, vì nó ẩn chứa vừa nghĩa đen và nghĩa bóng, thêm vào đó ý nghĩa của Trời và của Đất, tức là triết Nho. Với những văn hóa không có nguyên lý Mẹ, con người không có Trời, tức là không có Tình trong Tâm, nên không thể Hòa, vì vậy mới nổi chứng ghen tuông, lấn át, xâm chiếm, sanh ra chế độ tranh chấp, kỳ thị, giai cấp, và vì không có Trời nên cũng không có Tự Do, và khi đó con người không còn là con người mà là con ác quỷ tự giam mình trong ý thức hệ và trong đủ thứ duy, từ duy vật đến duy linh ngang qua duy lý… , để đàn áp, bóc lột giữa con người với con người qua những chế độ độc tài, nô lệ,…, và đưa con người đến chỗ tàn sát chiếm giết lẫn nhau ! Vì vậy, để được giác ngộ, con người phải vượt lên khỏi các thứ tư duy cũng như mọi ý thức hệ, thì lúc đó con người sẽ an vi và sáng chói giống như cái bóng đèn, để soi sáng cho những ai còn bị ở trong tối tăm của hóc kẹt bởi ý thức hệ, và tư duy, bởi cưỡng hành, lợi hành, nên không thể an hành. Muốn là cái bóng đèn sáng, thì trong bóng đèn không được có không khí, tức là phải làm cho tâm hồn mình trống rỗng, như cái Trống Đồng, để có thể thông hiệp với Trời Đất, để Hòa với vũ trụ vạn vật, thì lúc đó con người mới siêu Việt trên tất cả, và hết còn biết ghen tuông hờn giận là gì : “Chồng em như cái bóng đèn, Treo đâu sáng đó, biết ghen là gì.” Nói tóm lại, muốn cho người Việt mình tìm lại cái Đạo Trời một cách nhanh chóng và hữu hiệu, phải có Triết. Cho nên chúng ta những người yêu chuông Triết Việt, phải cùng nhau gắng công hiệp sức, để thực hiện cuốn Kinh Ngữ. Vì như Sư Tổ Kim- Định chúng ta đã nói Kinh mà không có Triết thì như cây thiếu nước, nó không thể nào cho ra hoa trái được. Trong chiều hướng đó, là môn sinh của Thầy Kim-Định, và là đàn em giờ chót của nhóm An-Việt, em xin kính chào tất cả anh chị trong nhóm An-Việt toàn cầu, và em hy vọng được cộng tác với tất cả anh chị theo khả năng hạn hẹp của em, trong sứ mạng “làm một cái gì” mà Thầy của em và là Sư Tổ của chúng ta đã trăn trối. Để cho : “Dù ai nói ngược nói xuôi, Ta đây vẫn giữ Đạo Trời khăng khăng.” Share this post Link to post Share on other sites