wildlavender

Về những chiếc xe chở… "xác chết"

1 bài viết trong chủ đề này

Về những chiếc xe chở… "xác chết "

Một cảm giác bất ổn chạy qua người tôi. Nhưng thú thực, chỉ đến ngày, tôi chứng kiến một đứa trẻ ngồi trên xe mẹ nó chở tới trường kêu lên thất thanh: “Mẹ ơi, sợ quá” và lấy hai bàn tay nhỏ xíu bưng lấy mặt thì cảm giác về sự bất ổn đó mới hiện ra rõ ràng trong tôi .

Đã rất nhiều năm nay, trên đường đi làm, tôi vẫn nhìn thấy những chiếc xe máy chở “xác chết” phóng như bay trên đường phố Hà Nội. “Xác chết” đó là những con lợn đã mổ phanh bụng và những con chó đã được thui nhe hàm răng trắng nhởn. Một cảm giác bất ổn chạy qua người tôi. Nhưng thú thực, chỉ đến ngày tôi chứng kiến một đứa trẻ ngồi trên xe mẹ nó chở tới trường kêu lên thất thanh: “Mẹ ơi, sợ quá” và lấy hai bàn tay nhỏ xíu bưng lấy mặt thì cảm giác về sự bất ổn đó mới hiện ra rõ ràng trong tôi.

Đúng là một sự bất ổn. Có thể chúng ta chưa hề nhận thấy và thừa nhận hậu quả của những việc mà ngày ngày chúng ta vẫn thản nhiên làm trước mắt các công dân tương lai của mình. Việc những con lợn mổ phanh bụng và những con chó bị thui nhe răng phơi phới xuất hiện trên đường phố Thủ đô mà tôi nói đến có phải là một câu chuyện phù phiếm trong một xã hội đang có biết bao vấn đề lớn và những biến động mà chính quyền và nhân dân phải quan tâm không ?

Tại sao chỉ đến khi một đứa trẻ kêu lên sợ hãi tôi mới thực sự nói ra điều này? Bởi tôi thấy quanh mình mọi người đều nhìn thấy những hình ảnh đó với một cảm giác bất ổn mà không có ai nói ra. Và thế là, sự hình dung về tiếng nói cô độc của mình khi cất lên sẽ bị bao vây bởi những cái nhìn ngờ vực và mỉa mai đã làm tôi lưỡng lự và câm lặng.

Dù tôi, và tôi tin còn rất nhiều người như tôi, có câm lặng và biện minh thế nào thì vẫn bị cảm giác bất ổn này bám theo không rời bỏ. Khi tôi đã cất lên tiếng nói về sự bất ổn này thì bỗng nhiên quanh tôi hiện ra biết bao sự bất ổn khác sinh ra từ những hình ảnh trong đời sống tưởng như chẳng có nguy hại gì. Và cho dù bị những ai đó chế nhạo thì chúng ta vẫn phải cất tiếng.

Posted ImageNguồn ảnh: Gettyimages

Ai cũng biết rằng xác những con lợn và những con chó kia chỉ là thực phẩm mà thôi. Ở các nước trên thế giới có luật về việc giết mổ gia súc. Ngay cả những người lớn không có trách nhiệm cũng không được nhìn thấy cảnh chọc dao vào cổ họng một con lợn, đập búa vào đầu một con bò hay vặt trụi lông một con gà chứ chưa nói đến những đứa trẻ.

Vấn đề này tôi đã nói đến nhưng không phải không có người phản đối. Họ cho rằng nếu vậy thì đừng ăn thịt nữa. Cách biện luận đó nghe thoảng qua có vẻ có lý phải không ? Nhưng họ mắc sai lầm ở chỗ đã đồng nhất bản chất và sự ảnh hưởng của hai hình ảnh. Hình ảnh thứ nhất là chọc tiết, đập đầu và vặt trụi lông. Hình ảnh thứ hai là những món ăn ngon của một bữa tối chẳng hạn.

Không chỉ ở nước ta mới có những vấn đề lớn và những biến động mà chính quyền và nhân dân phải quan tâm, mà ngay cả nước Mỹ, một quốc gia giàu có, cũng luôn luôn phải đau đầu với những vấn đề và những biến động ở quốc gia họ. Nhưng việc giáo dục thẩm mỹ và đạo đức cho những đứa trẻ thì người Mỹ có thể nói là một trong những quốc gia làm tốt nhất.

Mùa hè năm 2007, tôi đến Boston và tham gia một chương trình giao lưu văn hóa ở đó. Một nhóm nghệ sỹ Việt Nam đã giới thiệu và biểu diễn rối nước cho Trường đại học Massachusetts và một số trường phổ thông trung học ở Boston. Trong những màn biểu diễn rối nước, có hai màn được nhà trường thảo luận với chúng tôi đề nghị bỏ khỏi chương trình mặc dù họ hiểu đó là những màn diễn dân gian của một bộ môn nghệ thuật vô cùng độc đáo có một không hai hiện nay trên thế giới. Nhưng với những đứa trẻ thì chúng chưa nên tiếp xúc những hình ảnh đó.

Đấy là màn hai con trâu chọi nhau và màn ông lão đánh cá hút thuốc lào khói phun mù mịt. Vì theo họ, hai màn diễn đó dễ gieo vào tâm hồn thơ ngây của những đứa trẻ những cảm xúc bất ổn. Đó là một trong những tư tưởng giáo dục của người Mỹ.

Hầu hết các nước trên thế giới có những quy định rất cụ thể về những gì mà người lớn không được làm trước mắt những đứa trẻ. Nhiều gia đình ở Mỹ tôi biết vẫn có tivi cho trẻ nhỏ xem nhưng họ chỉ cho những đứa trẻ xem những kênh mang tính giáo dục thẩm mỹ và nhân cách con người. Nếu một người thấy hàng xóm của mình cho những đứa trẻ xem những kênh phim bạo lực và tâm lý tình cảm chỉ giành riêng cho người lớn thì họ có thể tố cáo hoặc kiện những người cha người mẹ đó ra tòa.

Bởi trách nhiệm của họ đối với xã hội và đối với những công dân tương lai của dân tộc họ là một trong những thái độ sống mang tính nhân văn cao nhất. Trong khi đó, ở Việt Nam, những đứa trẻ ở nhiều lứa tuổi khác nhau cùng xem tất cả các kênh và các chương trình cùng với người lớn.

Và thế là, ngày này qua ngày khác, quá nhiều những cảm xúc bất ổn lặng lẽ thấm vào tâm hồn và trí não của những đứa trẻ. Những cảnh bắn giết trong tin tức thời sự và trong phim hành động, những cảnh đấm bốc hộc máu mồm máu mũi trên võ đài trong chương trình thể thao, những cảnh trai gái hôn nhau, cởi quần áo nhau hay làm tình dù rằng rất kín đáo của nghệ thuật điện ảnh trong phim tâm lý tình cảm vv…

Thế nhưng hầu hết các bậc cha mẹ lại không hề có ý thức trong việc giáo dục thẩm mỹ cho trẻ nhỏ và cách ly chúng với những gì thuộc về một phần của đời sống người lớn. Hơn nữa, những chương trình giành cho trẻ nhỏ trên một số phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam rất nghèo nàn và đôi khi phản giáo dục.

Nếu bạn xem phim hành động Mỹ, bạn sẽ thường xuyên thấy cảnh một người lớn, một cảnh sát hay một nhân viên FBI ôm lấy một đứa trẻ để cho đứa trẻ ấy không nhìn thấy cảnh cha, mẹ hay một người thân nào của chúng bị tai nạn hoặc bị giết. Nhiều đứa trẻ đã bị chấn thương tâm lý sau này đã trở thành những người trầm uất, mắc bệnh tâm thần hay trở thành những kẻ giết người man rợ. Hầu hết những trẻ vị thành niên trở thành những kẻ giết người bệnh hoạn đều có một tuổi thơ bất ổn với những chấn thương tâm lý nặng nề.

Posted ImageNguồn: Gettyimages.

Việc tôi đang nói có phải là một việc chẳng quan trọng gì giữa những việc mà người lớn chúng ta đang cho là rất quan trọng không? Tôi cất tiếng và muốn biết những người quanh tôi nghĩ gì về điều đó? Tôi và những người bạn quanh tôi, và bao người khác nữa đã từng mắc ít nhất một lỗi lầm trong cuộc đời mình.

Nếu bây giờ chúng ta im lặng để tự tìm xem điều gì đã dẫn chúng ta đến lỗi lầm ấy thì chúng ta sẽ nhận thấy lỗi lầm của chúng ta nhiều lúc xuất phát từ khi chúng ta lên 5 lên 6 tuổi.

Lúc đó, có một điều gì đó trong cuộc sống ở ngay gia đình chúng ta, ở ngay trường học chúng ta, ở ngay cái ngõ nhỏ hay một lối phố có ngôi nhà chúng ta đã gieo vào tâm hồn chúng ta sự bất ổn. Nếu không có gì xóa đi hay ngăn chặn sự phát triển của những sự bất ổn như thế thì nó sẽ đẩy chúng ta vào những hành động bất ổn khi trở thành người lớn.

Giờ tôi lại muốn nhắc lại hình ảnh những con lợn mổ phanh bụng và những con chó thui nhe răng trắng nhởn đang ngày ngày diễu qua thành phố chúng ta như chẳng có chuyện gì đáng phải quan tâm. Chúng ta đã có những quy định về việc giết mổ gia súc nhưng cũng chỉ là những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nghĩa là việc đó thật cần thiết những mới chỉ bảo vệ cho chúng ta một cơ thể không bệnh tật. Nhưng để bảo vệ một tâm hồn không bệnh tật thì chúng ta phải có những quy định khác. Nó không phải là những bài học đạo đức sáo mòn mà những đưa trẻ vẫn phải nghe ngày ngày mà không có cảm xúc gì hoặc không hiểu gì.

Những điều tôi đang nói có phải là những điều viển vông và khó hiểu không? Điều đó phụ thuộc vào người lớn chúng ta. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng biết bao bi kịch và sự thất bại của con người lại bắt đầu từ những điều mà khi nói ra con người đã cất tiếng cười nhạo báng.

  • Nguyễn Quang Thiều
  • nguồn vietnamnet.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay