Đèn Đom Đóm

Hãy Để Cho Tất Cả Thế Giới Bị Tiêu Diệt Và Chỉ Xin Chừa Lại Đà Lạt

1 bài viết trong chủ đề này

Phạm Công Thiện

Tôi đã đánh mất ý niệm thời gian. Tôi bắt đầu để ý quan tâm đến những ngày tháng ghi trong lịch và thường hay ngó đồng hồ; tôi cũng thường hay hỏi tuổi tác của người khác. Đó là những dấu hiệu bệnh hoạn tâm thần: sự sợ hãi hoảng hốt càng lúc càng trở nên trầm trọng trước cái gì vụt thoáng bay mất mà tôi không thể nào níu kéo lại được, như trước sự bỏ đi biệt tăm biệt tích của một hơi hám đàn bà nào đó đã chết đi chầm chậm trong những ngày nằm một mình ngó lên những bóng ma mộng mị lai vãng tới lui qua lại trong gian phòng nhỏ. Tôi đã chạy trốn tất cả qúa khứ hay chính tất cả qúa khứa đang chạy trốn tôi ? Có một cái gì vô cùng bí mật đã xô đẩy tôi trở về Los Angeles sau hai chục năm trời, một cái gì lạ lùng như sức hút mãnh liệt của vòng trôn ốc tinh cầu, một cái gì bất ngờ đã bôi sạch hết những gì đã tàn phá tôi từ mười ba năm nay. Năm 1970, đang lúc được mời đi dự hội nghị quốc tế ở đại học đường Jeruralem, một cái gì đó xẩy đến bất ngờ khiến tôi bỏ hết tất cả, và hoàn toàn không chuẩn bị, tôi đã lấy máy bay đi trở về Paris và bỏ làm Khoa trưởng Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của Đại học Vạn Hạnh. Từ năm 1970 cho đến nay. 13 năm lưu lạc như lục bình trôi sông, từ Paris cho đến Munich và ở lại Toulouse gần mười năm. Thế rồi bây giờ ngồi đây trong gian phòng nhỏ ở Los Angeles, cánh mái tam quan của chùa Việt Nam đầy những con bồ câu bay lượn tứ tung và cả khu cửa sổ mở vút lên tận trời cao mà chiều hôm qua tôi đã đứng rón rén ngó lên một đám mây nhỏ thong dong một mình giữa cả một bầu trời mênh mông vô hạn

Mười ba năm tôi đã quên hẳn quê hương và mất hết mọi liên lạc với tất cả những gì gọi là Việt Nam. Tôi còn tệ hơn cả một tên vong quốc. Tất cả gốc rễ chằng chịt nuôi dưỡng tôi lớn khôn đến ngày hôm nay đã bị chém đứt hết. Tôi căm thù mấy chữ “dân tộc tính”. Tất cả lịch sử Việt Nam đã chết trong tôi. Tôi muốn tất cả nước Việt Nam bị tiêu diệt và chỉ chừa lại thành phố Đà Lạt mà thôi. Chỉ có Đà Lạt mới xứng đáng là Việt Nam trong tất cả mọi ý nghĩa thiêng liêng nhứt và thơ mộng nhất của Việt Nam. Hãy để tất cả thế giới bị tiêu diệt và chỉ xin chừa lại Đà Lạt và Tây Tạng. Đối với tôi Đà Lạt là Tây Tạng, cái gì cao nhứt và hoang vu nhứt của đời tôi: sông Cửu Long bắt nguồng từ vùng núi cao của Tây Tạng. Chỉ những đạo sĩ mới giải phóng Tây Tạng trong tương lai, cũng như chỉ những thi sĩ mới giải phóng toàn thể nước Việt Nam trong nay mai, và hành động đầu tiên quyết định tất cả là giải phóng Đà Lạt trong tâm thức của từng người Việt Nam. Tất cả những chiến tranh vũ trang phải được dẫn đạo bằng mặt trận đầu tiên và mặt trận quyết định cuối cùng. Mặt trận thi ca. Khi toàn dân Việt Nam không còn được tự do thong dong để mơ mộng, khi cả một chính quyền chỉ đẻ ra những tên thợ thơ, những tên làm thơ tuyên truyền, những tên đã giết chết hết những gì thơ mộng nhứt của Việt Nam thì lúc ấy có cái gì linh thiêng nhứt và hùng mạnh nhứt như vũ bão ngấm ngầm mấy ngàn năm heo hút của sông Nhị Hà và sông Cửu Long sẽ bất ngờ bừng vỡ lên như cơn động đất toàn diện, và tất cả Mùa Xuân của Việt Nam sẽ bừng dậy như cả rừng đào đỏ máu của Đà Lạt. Chỉ có Thơ và Tơ Tưởng (chữ của Hàn Mặc Tử) mới giải phóng Việt Nam. Thơ ca ở đây không có nghĩa là những bài, những bài ca ngớ ngẩn mất dậy của một lũ văn nghệ ngu xuẩn chỉ đùa chơi lố bịch với ngôn ngữ hấp hối: và Tơ Tưởng ở đây không phải chỉ là triết lý ý thức hệ nông cạn của thứ chủ nghĩa Marx-Lenine rẻ tiền, và của cả thứ chủ nghĩa triết lý phân tích ngôn ngữ hay thực dụng coca-colaism. Chỉ có thi sĩ mới có được tơ tưởng lớn nhất mới chuẩn bị mở đường về Quê Hương. Tất cả còn lại chỉ là một hơi thở tàn tạ trong trái tim của một con chim én bị bắn rớt vào một buổi chiều hoang vu nhất mặt đất. Từ khi con người có trên mặt đất này, con người đã tìm mọi cách để xua đuổi phỉ báng thi sĩ. Người ta thường sung sướng tự mãn cho rằng thi sĩ chỉ biết mơ mộng và không thực tại thực tế thực tiễn. Lời kết án ấy trở nên qúa sáo, đến nỗi người ta còn có can đảm xử dụng mà không hề thấy mắc cỡ về sự ngu xuẩn của mình. Người ta làm như người ta hiểu Thơ là gì, hiểu Mơ Mộng là gì, và hiểu Thực Tại là gì. Thực là khôi hài.

Có một câu của Heidegger đã không ngớt ám ảnh tôi từ trên mấy chục năm nay. “Thơ ca không phải chỉ là một đồ trang sức phụ hoạ đời sống, cũng không phải là một cơn xúc động nhiệt tình nhất thời hay chỉ là một sự quan tâm thích thú và tiêu khiển mua vui giải sầu. Thi ca là nền móng căn bản cơ sở chống đỡ lịch sử, vì thế thơ ca không phải chỉ là một phát hiện văn hóa, và hoàn toàn không phải chỉ là “diễn đạt” của một thứ “linh hồn văn hóa” . Những giòng ấy quyết định một cái gì trầm trọng nhứt trong lịch sử con người trên mặt đất: Chính Ngôn Ngữ kiến lập tạo thành thế giới. Và chỉ khi nào thế giới phát hiện thì mới có cái gọi là Lịch Sử. Ngôn ngữ không phải chỉ có mục đích diễn đạt truyền thông, mà hơn cả mọi sự, Ngôn Ngữ chính là biến cố quan trọng nhứt khai mở khả tính tối thượng của đời sống con người trên mặt đất. Lúc thành kính chiêm ngưỡng Holderlin, Heidegger có tư tưởng quyết định: ” Thơ ca là Ngôn ngữ Uyên nguyên (Ur-Sprache) của một dân tộc có sử tính”. Đối với Holderlin, thi sĩ là kẻ đạo đạt “tiếng nói của dân tộc”, là kẻ bị hất ra ngoài đời sống tầm thường vủa thế nhân và đứng giữa những thần linh và loài người. “Nhưng chỉ ở chỗ giữa này mà lần đầu tiên mới quyết định con người là ai và con người an định đời sống mình ở đâu. Con người chỉ thực sự là con người khi con người biết lưu trú một cách thơ mộng trên trái đất (Holderlin). Chỉ có thi sĩ là tạo dựng lại mọi sự “bằng Ngôn Ngữ và qua bên trong Ngôn Ngữ.” Phải phá vỡ tất cả Ngôn Ngữ mất gốc rễ của Việt Nam hiện nay. Chỉ có cuộc Cách Mạng Ngôn Ngữ mới là cuộc Cách Mạng duy nhứt dẫn đầu tất cả mọi thứ , và hiển nhiên chỉ có thi sĩ mới làm được sự chuyển hóa toàn diện trong ngôn ngữ Việt Nam bằng cách lắng tai nghe trong Im Lặng của sư Cô Đơn cùng cực, lắng tai nghe Tiếng Nói của Dân Tộc âm thầm trổi dậy từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, Tiếng Nói phát lên từ sự sụp đổ toàn diện của tất cả mọi giá trị, của mọi truyền thống. Holderlin đã đau đớn nhắn lại những thi sĩ nhân loại rằng thời đại này là thời đại mà “những thần linh đã đi mất và thần linh mới chưa tới.” Thi sĩ phải chịu đứng giữa cái gì linh thiêng nhứt đã mất và cái gì linh thiêng khác chưa xuất hiện. Vì thế thi sĩ phải bị hất ra ngoài lịch sử để dựng lại lịch sử uyên nguyên của Dân Tộc. Thi sĩ không nô lệ vào sự tất định của lịch sử, vì chính thi sĩ là sự thể hiện sự tự do toàn triệt của Sáng Tạo; sự tự do toàn triệt này không phải là sự phóng túng nghệ sĩ lông bông mà chính là tất yếu tính nội tại của tất cả sử tinh. Câu thơ mộng của Holderlin không ngớt ám ảnh tôi gần mười năm nay “Hãy để thi sĩ tự do thong dong như những con chim én” . Viết tới đây tôi nhớ tới Nguyễn Du hay Hàn Mặc Tử, và tôi hình dung tưởng tượng Nguyễn Du hay Hàn Mặc Tử đang đầu thai sống lại tại đất Việt Nam, và thử tưởng tượng họ đang làm gì. Tôi không biết, chỉ một điều mọi người đều biết: Tất cả những con chim én đều sẽ lần lượt bị tắt thở ở quê hương ./.

Phạm Công Thiện

Ký dưới tên Nguyên Tánh,

trong tập Đà Lạt Tưởng Niệm Dưới Mặt Đất,

nhà xuất bản Thuận Hoá, 1985, California

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay