phamhung

Chuyện Các Bô Lão Gian Nan Ứng Thí Chức Thủ Từ Ở Đền Hùng

1 bài viết trong chủ đề này

Chuyện các bô lão gian nan ứng thí chức thủ từ ở Đền Hùng Posted Image Đền Hùng ngày giỗ Tổ. Ở Đền Hùng, việc tuyển chọn ra các ông từ trông coi các đền như đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Giếng được coi là việc quan trọng nhất trong năm. Mỗi năm việc tuyển chọn này lại được tổ chức một lần, vào đầu năm để chuẩn bị cho lễ hội ngày 10/3 (Âm lịch). Các ông từ sẽ là người có vai trò không thể thiếu trong những ngày thường và đặc biệt là ngày rằm và ngày hội. Để trở thành các thủ từ và phụ từ ở các đền các cụ phải vượt qua chặng đường vất vả như những sĩ tử ở bất cứ cuộc thi nào.

Đèn sách ở tuổi cao niên

Cứ độ ra Tết, trước dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch), khắp các thôn xóm ở xã Hy Cương và thị trấn Hùng Sơn, Phú Thọ lại nô nức với cuộc tuyển chọn người giữ chức thủ từ trông coi, làm lễ ở Đền Hùng. Ông Hoàng Văn Liệu, 65 tuổi, Lâm Thao, Phú Thọ cho biết: "Trước kia, khi xã Hy Cương vẫn thuộc huyện Lâm Thao thì cuộc tuyển chọn thủ từ không chỉ làm những cụ ở xã Hy Cương bận rộn, mà ngay chúng tôi ở xã khác cũng rất hứng khởi với cuộc thi có một không hai này. Đề thi, các thí sinh là người thế nào cũng là chủ đề hay được bàn bạc ở những cuộc họp của hội người cao tuổi. Tôi nghĩ chắc chỉ có ở Đền Hùng mới có cuộc tuyển chọn kỳ lạ này".

Mặc dù đã một năm trôi qua, nhưng những cảm xúc là một trong 4 người chiến thắng trong cuộc tuyển chọn thủ từ năm 2010 vẫn còn vẹn nguyên trong ông Nguyễn Thế Tước, nguyên thủ từ đền Trung. Ông chia sẻ: "Tôi làm thủ từ một năm qua, hàng ngày đội lễ, cầu khấn cho mọi người, viết sớ, khấn lễ cho những vị lãnh đạo Nhà nước về thăm Đền Hùng nhưng tôi vẫn chưa quên được những xúc cảm ngày đi tuyển chọn. Cũng vào những ngày này năm trước, sau một thời gian tập huấn và chuẩn bị tham gia tuyển chọn ông từ tôi phải tự ôn luyện ngày đêm để có kiến thức. Ngồi trong phòng thi mà tim đập nhanh, hồi hộp và không kém phần lo lắng. Mặc dù kiến thức về lịch sử, văn hóa, các lễ nghi tôi đã ôn luyện rất kỹ. Nhưng vẫn đầy lo âu vì mỗi người đi tham dự cuộc tuyển chọn này cũng đã qua nhiều vòng sơ tuyển từ các xóm, được mọi người trong làng tín nhiệm".

Ông Triệu Công Nông, người đạt điểm giỏi trong cuộc thi tuyển chọn thủ từ năm 2010 nói: "Ở tuổi ngoài sáu mươi, cái tuổi mà việc học hành công danh dường như chỉ còn là hoài niệm. Nhưng với việc đặt cái tâm, lòng thành kính lên hàng đầu thì việc được trông nom đền lại là niềm tự hào, là ý thức trách nhiệm đối với gia đình, làng xóm. Lúc này chuyện học lại trở thành niềm hứng khởi đặc biệt của chúng tôi. Trong quá trình tập huấn, ngày nào cũng mang sách vở đi học, ghi chép đầy đủ thấy mình chẳng khác gì các cháu đang ôn thi đại học. Học khấn, học các nghi lễ và đọc những tài liệu về xã hội, kiến thức lịch sử đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều sự hiểu biết. Chúng tôi luôn mong muốn có thể truyền đạt lại kiến thức về cội nguồn, truyền thống cha ông lại cho lớp trẻ để các cháu có thêm niềm tự hào dân tộc và xây dựng đất nước".

Căng hơn cả thi đại học

Quan trọng và hấp dẫn nhất nhưng cũng đầy cam go đối với các thí sinh chính là làm bài kiểm tra sát hạch. Để chuẩn bị cho bài kiểm tra, Hội đồng tư vấn đã tổ chức đợt tập huấn trong hai ngày. Trong hai ngày tập huấn đó các sĩ tử phải đọc và tìm hiểu về kiến thức xã hội, kiến thức về lịch sử và các nghi thức thờ cúng, hành lễ và lễ hội Đền Hùng xưa nay. Vượt qua 30 câu hỏi đề ra, các ông từ mới chính thức được lựa chọn trông nom tại các đền trên núi Nghĩa Lĩnh.

Thời gian chuẩn bị cho cuộc tuyển chọn rất ngắn nên các sĩ tử cao tuổi phải khổ luyện vất vả hơn. Viết bài sạch, bố cục rõ ràng, chữ viết đẹp cộng thêm một điểm. Ngoài phần thi lý thuyết, các sĩ tử cao niên còn phải trải qua bài kiểm tra thực hành về nghi thức hành lễ, cúng tế truyền thống mới thấy hết được khả năng thực hành của mỗi ông từ.

Để được làm ông từ trông coi Đền Hùng là việc mang ý nghĩa tâm linh rất lớn. Mỗi cụ được điểm cao và được chọn làm thủ từ đều tâm niệm được làm ông từ ở đây là được hầu thánh. Ông Triệu Công Nông, thủ từ đền Giếng chia sẻ: "Làm xong bài, tôi thấy nhẹ nhõm và tràn đầy tự tin. Với những kiến thức đã được trang bị, cùng với việc ôn luyện đêm ngày, tôi đã cố gắng nắn nót khi viết bài thi để đảm bảo bài thi sạch đẹp, rõ ràng như đúng yêu cầu của đề thi. Khi biết kết quả, cả gia đình, làng xóm đều đến chúc mừng, còn tôi thì lại thấy nó giống cảm giác khi mình vừa hoàn thành một việc lớn đã từng làm trong cuộc đời".

Vượt qua cuộc tuyển chọn vất vả, được làm thủ từ ở mỗi đền đó là kết quả của cả quá trình nỗ lực phấn đấu, là niềm tự hào, hạnh phúc không chỉ cho riêng cá nhân ông từ mà đó còn là niềm tự hào cho cả xã, và thị trấn nơi tiến cử các ông từ.

Sẽ bận rộn với thủ từ 2011

Theo thông tin mới nhất từ bà Lưu Thị Minh Toàn, trưởng phòng quản lý Di tích bảo tàng, kiêm thư ký Hội đồng tư vấn tuyển chọn cho biết thủ từ năm 2011 của cuộc thi độc nhất vô nhị này là ông Triệu Văn Tài, xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ. Ông đã xuất sắc vượt qua hàng chục thí sinh là người có điểm cao nhất ở cuộc tuyển chọn năm nay.

Năm 2011 tuy là năm lẻ, song Chính phủ đã có quyết định cho người lao động làm việc ngày thứ Bảy (mùng 7 tháng Ba, Tân Mão) để nghỉ liền 3 ngày (Chủ Nhật, thứ Hai và thứ Ba, tức mùng 8, 9, 10 tháng Ba, Tân Mão) nên chắc chắn lượng khách hành hương về với Đền Hùng sẽ không nhỏ. Theo bà Lưu Minh Toàn chắc chắn không kém năm Quốc giỗ 2010 (khoảng 3 - 4 triệu lượt khách). Với việc tuyển chọn thủ từ khắt khe của Ban quản lý di tích Đền Hùng, chắc chắn các thủ từ sẽ làm tốt phần lễ trang nghiêm, trọng thể góp phần bảo tồn các giá trị của ông cha, nhắc nhở lưu giữ lịch sử 4000 năm của dân tộc. Cùng với đó phần hội sẽ vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa truyền thống với hiện đại gắn với các hoạt động trong chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2011, đặc biệt, thông qua việc tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, từng bước hoàn thiện hồ sơ khoa học "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" để đề nghị tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tiêu chí cho vị trí người gác đền linh thiêng

Posted Image

Ông Nguyễn Thế Tước, một trong 4 người có điểm cao nhất trong cuộc tuyển chọn thủ từ năm 2010."Tôi nghĩ trông coi các ngôi đền là một niềm vinh hạnh đối với bất cứ ai vì đền thờ là một trong những nơi linh thiêng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt, trông coi các ngôi đền ở Đền Hùng lại càng có ý nghĩ đặc biệt hơn. Ý tưởng tuyển chọn các ông từ ở Đền Hùng có từ lâu đời. Nhưng hình thức tuyển chọn có tổ chức, có công văn quyết định thì chỉ có hơn 15 năm nay. Tiêu chuẩn với tất cả các thí sinh là tuổi đời từ 60 tuổi đến 70 tuổi, là người được dân làng tín nhiệm, lương thiện, ngoại hình phúc hậu, không bị khuyết tật, có hiểu biết về xã hội, lịch sử di tích Đền Hùng và biết thực hành tín ngưỡng theo truyền thống...".

(Bà Lưu Minh Toàn - Thư ký Hội đồng tư vấn, tuyển chọn thủ từ).

Đỗ Thơm

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay