Thiên Sứ

Sao không xuất khẩu tiến sĩ thay vì y tá?

3 bài viết trong chủ đề này

Sao không xuất khẩu tiến sĩ thay vì y tá?

Nguồn: Vietimes

Thứ hai, 8/9/2008, 07:00 GMT+7

"...Tôi ra về mà lòng cứ nao nao. Sao người ta khôn thế không biết. “Xuất” đi một cô y tá, lấy 3.000 đô mỗi tháng để “nhập” về một cô y tá khác chỉ phải trả có 72 đô. Khoảng cách quả là khủng khiếp, hơn nhau đến 42 lần..."

1. Một người nhờ tôi mang quà đến nhà ông HTC, Việt kiều ở Bangkok. Tôi đã gặp may. Gia đình đông đủ (mà có ai đâu, chỉ có ông bà, cô con gái và một người bạn gái người Thái của cô), đang quây quần liên hoan để tiễn cô con gái, cô Dzỉnh, sáng hôm sau lên đường đi nước ngoài làm việc. Cô sang Mỹ làm y tá. Chẳng là cô đang làm y tá cho bệnh viện Mỹ tại Bangkok. Hồi đầu năm ông chủ lớn - người đứng đầu một Tập đoàn kinh doanh dịch vụ y tế, có nhiều bệnh viện tại các bang ở nước Mỹ và trên thế giới – qua Thái kiểm tra, ông có nói cơ sở mới mở ở bang Wyoming đang chiêu mộ người. Cô Dzỉnh xung phong và được chấp nhận, vì chị ruột cô cũng đã định cư ở Mỹ, làm nghề giáo viên tiểu học.

Posted Image

Minh họa: Corbis

Ông bà HTC có quốc tịch Thái đã lâu, từ hồi người Việt rất bị kỳ thị, thậm chí bị bắt bớ, tù đày nên chắc cũng thuộc loại thần thế lắm. Cái tên Thái của ông chẳng ai nghĩ là có gốc gác Việt. Ông nói chuyện với tôi đầy vẻ phô trương, cứ luôn mồm chê bai người Việt hết chuyện này đến chuyện khác, vì ông cũng có mấy chuyến về thăm quê hương. Bà vợ rơm rớm nước mắt trước việc cô con gái rượu sắp đi xa. Cô Dzỉnh thì hớn hở vì cuộc đời mơ ước - một “American dream” như người ta thường nói - vụt trở thành hiện thực trước mắt, dù cô đã 31 tuổi mà vẫn chưa chồng. Cô không nói được tiếng Việt, đành chuyện trò với tôi bằng tiếng Anh (Buồn thật, hai người Việt nói chuyện với nhau lại bằng tiếng của một nước thứ ba mà cả hai đều chưa thạo lắm). Cô cho biết, năm đầu coi như thử việc, cô được lương chừng 3.000 đôla/tháng. Sau một năm, chắc chắn lương sẽ tăng. Sang bên đó, biết đâu chẳng gặp mối lương duyên và sẽ định cư luôn ở Mỹ không chừng.

Còn cô ôsin lẳng lặng phục vụ mọi người một cách nhẫn nhục, nét mặt buồn rười rượi. Trông cô cũng sáng sủa, dáng người hao hao cô chủ. Có lẽ hai người phải thân thiết lắm nên trong cô mới ủ ê như thế trước buổi chia tay.

2. Nhân đi thăm Triển lãm “Made in Thailand- Special 2008” ở đường Muang Thon, tương tự kiểu Triển lãm Hàng Việt Nam chất lượng cao, gần nhà ông HTC, tôi ghé thăm ông vì ông có lời dặn “bất cứ lúc nào rảnh, đến chơi ông”. Tôi muốn nghe ông nhận xét về người Việt dưới con mắt người nước ngoài, vì quả thật, tôi xem ông như người Thái chứ chẳng phải người Việt nữa.

Ông chở bà trên chiếc xe Mercedes láng coóng đi đâu đó. Cô ôsin ra mở cổng, mời tôi vào nhà. Tôi sửng sốt: Cô ta nói tiếng Việt!!!

Tôi theo cô vào phòng khách. Cô bảo, mọi khi có khách, cô không được quyền tiếp xúc và chỉ vì ông bà chú đi vắng cô mới dám mời tôi vào nhà. Cô sống bất hợp pháp, vì từ Việt Nam sang đây mới được 6 tháng với tờ giấy quá cảnh của Lào. Cô cho biết cô tên là Gái, 31 tuổi, quê Thanh Hoá. Mất cả chục triệu mới được người môi giới đưa sang đây làm người giúp việc cho gia đình này. Lương họ trả cho là hai nghìn hai trăm bạt (tính ra mới một triệu tư tiền Việt, lẽ ra chỉ được hai nghìn bạt, nhưng “phụ cấp” thêm hai trăm bạt để cô kiêm luôn nhiệm vụ y tá, khi cần), được hứa là sẽ tăng dần vào những năm sau.

Tôi cười: Ồ, thế thì cô vừa cùng tên lại vừa cùng tuổi với con gái ông bà chủ rồi. Vì Dzỉnh cũng nghĩa là Gái mà. Cô bảo: Cô cũng biết điều đó, ngoài ra giữa cô và cô chủ còn hai cái giống nhau nữa cơ.

Cái giống thứ ba là cô cũng chính là y tá, làm ở Trạm xá xã. Lương ba cọc ba đồng, chồng lại ốm yếu luôn, sinh hoạt khó khăn quá, nên đành bỏ việc, tha hương kiếm tiền gửi về cho chồng con. Chính thêm cái nghề y tá, người ta mới nhận cô, bởi cô có thể thay cô con gái chăm sóc hai ông bà già khi trái nắng trở trời, nhờ thế cô Dzỉnh mới yên tâm ra đi, sau khi đã ghi lại bố thường uống thuốc gì, mẹ thuốc gì, tiêm tiếc ra sao. Cái giống nhau thứ tư, (cháu nghĩ thế này chẳng biết có đúng không) cả hai đều là thân phận xuất khẩu lao động…

Posted Image

Minh họa: Corbis

Tôi đùa, chắc cô nhớ cô chủ lắm nên hôm nọ mới rầu rĩ như thế. Cô Gái trả lời giọng buồn buồn: Cháu tủi thân đấy. Người ta thì sung sướng thế, mà sao mình khổ thế, dù có đến 4 cái giống nhau.

3. Tôi ra về mà lòng cứ nao nao. Sao người ta khôn thế không biết. “Xuất” đi một cô y tá, lấy 3.000 đô mỗi tháng để “nhập” về một cô y tá khác chỉ phải trả có 72 đô. Khoảng cách quả là khủng khiếp, hơn nhau đến 42 lần. Cô ba-nghìn-đô có thể nhỉnh hơn về nghiệp vụ (cứ cho là như thế đi), nhưng đôi khi còn cãi lại lời bố mẹ, cô bảy-mươi-hai đô tuyệt đối vâng lời, tận tụy lại kiêm việc nấu nướng, lau nhà, rửa bát, giặt giũ… nước rót cơm bưng.

Tôi nợ cô Gái câu hỏi: Sao nước mình lại chỉ xuất khẩu những lao động để làm những việc này thôi nhỉ? Tôi nghe nói số ôsin Việt trên đất Thái đã lên đến cả nghìn người, ở Đài Loan còn nhiều hơn thế nữa. Ngoài ra làm lao động không nghề, rửa bát, bưng bê không ít (xin nói thêm, một anh bạn trong tour du lịch của tôi đi chơi đêm ở Pattaya còn gặp trúng phóc một cô nói tiếng Việt), kể cả hàng nghìn đàn ông khoẻ mạnh sang Lào làm tại các xưởng khai thác gỗ, xưởng cưa, xưởng mộc trong rừng. Rồi xuất khẩu “vợ” sang Đài Loan, Hàn Quốc với bao chuyện đau lòng. Chả nhẽ nguồn nhân lực xuất khẩu của ta mãi mãi chỉ có thế?

Sao không xuất khẩu nguồn nhân lực cao cấp, vừa có nhiều hơn kiều hối gửi về, vừa làm sang cho đất nước. Như xuất khẩu các …Tiến sĩ chẳng hạn. Tôi được biết Thái Lan rất “đói” Tiến sĩ cho các Trường đại học và Viện nghiên cứu, trong khi nước ta thì …thừa. Số Tiến sĩ Việt Nam gấp 3 - 4 lần Thái Lan mà theo kế hoạch thì 10 năm sau phải có “bằng được” 2 vạn nữa.

Song tôi lại nghĩ ta có xuất khẩu được hay không, chuyện đó phụ thuộc vào nước nhận. Chỉ sợ họ chê nguồn nhân lực cao cấp “made in Vietnam” này lại là hàng Việt Nam chất lượng … không cao.

Nếu thế thì đáng buồn biết mấy!

Tuấn Hà (Vietimes)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Chip đọc bài viết này của tác giả Tuấn Hà, nghĩ mà buồn.

- Cho dù cô gái VN có 100 điểm giống cô Dzỉnh thì hoàn cảnh có khác ko ? Cơ hội lại đến với cô Dzỉnh nhưng lại ko đến với cô gái VN. Buồn cho hoàn cảnh người phụ nữ vì kinh tế gia đình phải xa chồng xa con để bán sức lao động.

Share this post


Link to post
Share on other sites

NCM thấy bài viết so sánh cô Dzỉnh và cô Gái là khập khiễng. Tuy cùng là y tá nhưng 1 người thì đang làm việc ở 1 bệnh viện của Mỹ ở Bangkok, một người làm ở Trạm xá xã. Thử hỏi một người Thái Lan nhưng làm y tá ở 1 vùng quê thì có thể nhận được việc làm ở Mỹ với mức lương như vậy không? NCM thấy vấn đề là chênh lệch bằng cấp, kinh nghiệm, hay khả năng, chứ không phải do là người Việt Nam.

NCM cũng biết vài trường hợp quốc tịch Việt Nam nhưng nếu đủ khả năng thì sẽ xin được việc làm ở Mỹ, Úc, Canada, ... và lúc xin việc đang sống tại VN, không cần đang sống ở nước đó cũng được, có thể do công ty đang làm việc luân chuyển người qua các nước khác, hoặc nộp đơn trực tiếp đến công ty ở nước ngoài qua các trang mạng việc làm. Việc xuất khẩu tiến sĩ hay nói chung là người có trình độ thì nhiều mà, bằng cấp của một số trường Đại học lớn tại VN vẫn được công nhận ở các nước.

NCM chỉ đồng ý với một ý khác của bài viết là thật thương cho những số phận con người vì nghèo khổ mà phải hy sinh chính bản thân mình :unsure:

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay