Thiên Đồng

Phong Thủy Và Kiến Trúc Cổng Cửa Khẩu

2 bài viết trong chủ đề này

Bộ Xây dựng

Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị nông thôn

Tạp chí Kiến trúc Việt Nam.

-------------------------

Thông báo Kết quả Cuộc thi

" Ý tưởng thiết kế kiến trúc cổng cửa khẩu Việt Nam"

Sau gần 4 tháng phát động (Từ ngày 25/5/2008 - 15/9/2008), cuộc thi: ý tưởng thiết kế kiến trúc cổng cửa khẩu Việt Nam đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các đơn vị tư vấn, thiết kế xây dựng, các Kiến trúc sư trong cả nước.

Cuộc thi đã nhận được 56 phương án tham gia dự thi với nhiều ý tưởng đa dạng và phong phú cho các cửa Khẩu Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam với Lào, Việt Nam với Campuchia.


Cửa khẩu Quốc tế (Quốc Môn) là điểm mốc đánh dấu sự thay đổi gianh giới giữa các nước láng giềng. Kiến trúc cửa khẩu là một biểu tượng về văn hóa, tình đoàn kết, hữu nghị của người dân vùng biên giới, đồng thời thể hiện nét độc đáo về văn hóa - kiến trúc của mỗi nước.


Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Xây dựng giao, cuộc thi: ý tưởng thiết kế kiến trúc cổng cửa khẩu Việt Nam đã được Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn ( KTQHÐT&NT), Tạp chí Kiến trúc Việt Nam tổ chức. Cuộc thi với mong muốn tìm kiếm được những ý tưởng thiết kế kiến trúc cửa khẩu Việt Nam mang nét đặc trưng bản sắc dân tộc Việt Nam, bản sắc dân tộc vùng miền Việt Nam.


Vừa qua, Viện KTQHÐTNT đã tổ chức chấm thi. Hội đồng chấm thi gồm 9 thành viên:


1. KTS Trần Ngọc Chính - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hội đồng chấm thi

2. TS.KTS Nguyễn Ðình Toàn - Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (BXD) Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi.

3. KTS Lê Ðình Tri - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Kiến trúc Quy hoạch (BXD)

4. KTS Nguyễn Luận - Hội Kiến trúc sư Việt Nam

5. GS.TSKH Nguyễn Mạnh Thu - Trường Ðại học Xây dựng

6. KTS Trần Ðức Hợp - Trường Ðại học Kiến trúc Hà Nội

7. PGS.TS Nguyễn Quốc Thông - Tổng biên tập TC Xây dựng (BXD)

8. Hoạ sỹ Lương Xuân Ðoàn - Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương

9. TS.KTS Nguyễn Trọng Khang - Viện Kiến Trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (BXD)




Posted Image


Posted Image


Về hình thức chấm giải

Hội đồng chấm thi đã thống nhất thay đổi phương thức chấm vòng 2 (theo thể lệ cuộc thi đã đề ra) như sau: Các tác giả của các phương án đạt vào vòng 2 không cần phải trình bày, bảo vệ trước hội đồng để tiết kiệm thời gian và tài chính cho các tác giả, nhất là các tác giả ở xa. Các phương án đã thể hiện đầy đủ ý tưởng và nội dung của các tác giả.

Hội đồng đã thông qua quy chế chấm thi:

Vòng 1: Chấm 55 phương án theo quy chế chấm thi gồm 3 tiêu chí sau:

· Kiến trúc Quy hoạch: 60 điểm


· Công năng: 20 điểm


· Kinh tế - kỹ thuật tính khả thi: 20 điểm


Ðiểm tối đa là 100


Kết thúc vòng 1 Hội đồng thống nhất chọn ra được 19 phương án đạt trên 60 điểm.


Vòng 2: Hội đồng đều thống nhất chọn ra 09/19 phương án lọt vào vòng 3


Vòng 3: Xét các giải: Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích .


Kết quả cuộc thi:


Hội đồng chấm thi đã thống nhất chọn ra 09 phương án đạt giải, bao gồm: 01 giải Nhất, 01 Giải Nhì , 02 Giải Ba; 05 giải Khuyến khích. Cụ thể như sau:



GIẢI NHẤT:


Phương án thiết kế quốc môn Việt - Trung MS: LC 689


Nhóm tác giả: Nguyễn Như Hải


Ðỗ Duy Khang


Ðinh Mỹ Hảo Nhi


Ðịa chỉ: Công ty TNHH Kiến Trúc Nguyên Bản (Orig.architecture), 69/A Hoàng Hoa Thám, P.6, Quận Bình Thạnh, TP.HCM.


Posted Image


Phương án đoạt giải nhất của cuộc thi


Ý tưởng thiết kế


Chọn vị trí đặt quốc môn Việt - Trung tại Lào Cai, nơi có 2 mùa tuyệt đẹp để ngắm cảnh kỳ thú của ruộng bậc thang - mùa gieo cấy lúa ruộng đẹp như những bức tranh thuỷ mặc và mùa lúa chín vàng đẹp như mơ trải dài ven sườn núi xanh mờ sương…


Có thể tự hào mà nói rằng mỗi vẻ đẹp của ruộng bậc thang ở Tây bắc là những kiệt tác mỹ thuật do con người làm ra.Những cánh đồng bậc thang không chỉ là cảnh đẹp thuần tuý mà còn là những bồ thóc không bao giờ vơi của đồng bào các dân tộc vùng cao. Ðó cũng là kết quả của phương thức năm nay. Ðây là những điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế và du khách các tỉnh đồng bằng mỗi khi lên du lịch vùng núi Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát,Simacai. Chính vẻ đẹp của ruộng bậc thang đã tạo ra cảm xúc cho chúng tôi hình thành ý tưởng và đó cũng là tên đồ án “ruộng bậc thang”.


Posted Image


Hình khối công trình được cách điệu từ hình ảnh ruộng bậc thang, như một niềm tự hào về bản sắc văn hóa của vùng miền núi Tây Bắc, nhằm tạo nên một cái nhìn mới về hình khối kiến trúc cửa khẩu mang đậm nét bản địa. Ðược làm bằng kết cấu bê tông cốt thép nên công trình sẽ thể hiện được sự mạnh mẽ bền vững với tinh thần phát triển không ngừng của đất nước trên con đường hội nhập quốc tế.

Mặt đứng công trình như hình mầm cây vươn lên, thể hiện sự phát triển không ngừng của đất nước trên con đường hội nhập quốc tế. Ðường cong trên mặt đứng và mặt bằng thể hiện tinh thần rộng mở, hiếu khách của đất nước thời mở cửa.


Posted Image


Posted Image

Các hạng mục phụ của công trình được bố trí xung quanh cổng. Cột mốc gắn quốc huy là điểm nhấn công trình. Quảng trường, sân nghi lễ thay vì một khoảng sân bê tông trơ cứng, được cách điệu từ hình ảnh ruộng bậc thang để không làm mất đi cảnh quan thiên nhiên xung quanh cũng như nét đẹp tổng thể. Trạm nhập cảnh và xuất cảnh bên trong công trình được bao bọc bởi kính phản quang cũng nhằm mục đích đưa hình ảnh vùng núi trùng điệp này lên trên công trình. Tuy nhiên, tổng thể công trình không thiếu đi sự mềm mại bởi những nét cong nhằm ẩn dụ tinh thần cởi mở, hiếu khách của con người Việt Nam.

Ðó cũng là thông điệp của nền văn hóa Việt gửi đến bạn bè thế giới!

GIẢI NHÌ:
Phương án thiết kế cửa khẩu Việt - Trung MS: KD 020


Nhóm tác giả: Lê Thu Trang
Vũ Ngọc Tú
Ðào Thái Hà
Nguyễn Minh Trì
Ðịa chỉ: Nhóm sinh viên trường ÐH Xây Dựng Hà Nội

Posted Image


Phương án đoạt giải nhì của cuộc thi


Ý tưởng thiết kế được khai triển dưới dạng một “tấm kính”lớn.

Một cánh cổng rộng mở và gần gũi về cả nghĩa đen hay nghĩa bóng. Một mặt phẳng duy nhất và vĩnh cửu.

Lối đi cho người đi bộ như một đường hầm nhỏ - gần gũi, thân thiện. Cánh cổng lớn là một ranh giới. Ðường hầm chính là lối đi đưa con người qua ranh giới. Ðiều thú vị là khi ở trong đường hầm, ta hầu như không còn có ý thức về ranh giới ta đang vượt qua, ta đang ở bên này hay bên kia của ranh giới ấy. Hai lối ra của đường hầm tràn ngập ánh sáng. Một như níu kéo, một như mời gọi.

Biên giới là tuyến ngang phân định ranh giới giữa hai đất nước với hai nền văn hóa - xã hội đặc trưng. Trong đó cửa khẩu được hiểu như là một điểm trên tuyến nơi diễn ra việc lưu thông của con người. Ðiểm đó đóng một vai trò vô cùng quan trọng cả về mặt vật chất và tinh thần đối với một quốc gia.Nó thể hiện sức sáng tạo, nền văn hóa dân tộc, tình hữu nghị, và quan trọng nhấn mạnh vào yếu tố chủ quyền.

Posted Image

Vật liệu sử dụng :
Phương án không sử dụng các vật liệu đặc như gạch, bêtông mà dùng kính để tạo lập hình thức cửa khẩu. Vật liệu này đem đến cho người xem một hình dung, suy nghĩ mới về “cánh cổng” quốc gia.


Về mặt ý tưởng:
Trong sự phát triển đi lên của đất nước, yếu tố “hội nhập” đang trở thành một trong những quốc sách hàng đầu. Vì vậy, một hình thức cửa khẩu mới phải thể hiện được sự cởi mở, thân thiện, sẵn sàng hội nhập. Phương án đã sử dụng vật liệu Kính - một vật liệu phổ biến trong kiến trúc - xây dựng để xóa nhòa cái ranh giới cụ thể đó.


Tuy nhiên, trong suốt không có nghĩa là có thể thẩm thấu, xuyên qua, cũng giống như tiêu chí thứ hai “không hòa tan”. Cửa khẩu vẫn là một bức tường vững chãi khẳng định tính độc lập chủ quyền của quốc gia, không kẻ thù nào có thể xâm phạm. Với hai tiêu chí đó, phương án của chúng tôi muốn đem đến một cái nhìn mới về việc thiết kế kiến trúc cổng cửa khẩu.

Cùng với hình ảnh hoa văn thổ cẩm toàn bộ thiết kế mặc dù hết sức đơn giãn vẫn truyền tải được nội dung, bản sắc dân tộc.

Posted Image

Về mặt hình thức, công năng:
+ Dòng hàng hóa được đưa vào giữa gồm có 4 làn đường cho ôtô, mỗi làn 3,5m, với 2 chiều lưu thông.


+ Hai bên là các hành lang đi bộ cho người qua lại, sử dụng vật liệu đặc hoàn toàn, bề mặt bên trong là những hình ảnh lịch sử của quốc gia. Với kích thước hành lang là 2200 x 2200 hoàn toàn đối lập với kích thước rất lớn của cổng -14m chiều cao và gần 7m thông thủy.

Ðiều đó tạo ra cho người đi bộ một sự cảm nhận mới khi đến với Việt Nam: gần gũi bởi không có một ranh giới quá cụ thể, không xác định rõ thời điểm bước qua ranh giới; thú vị và ngạc nhiên từ điểm đầu đến điểm kết thúc của lối đi bởi họ được trải qua một tiến trình dài của lịch sử, cô đọng và hào hùng. Chỉ vài bước chân họ đã đến nước ta, và cũng chỉ vài bước chân họ trở về Tổ quốc với những ấn tượng rõ nét về dân tộc Việt Nam.

Phương án sử dụng những hình chữ nhật, hình hộp chữ nhật vuông vức và vững chãi. Sự đơn giản hóa chi tiết và công năng tạo cho công trình vẻ hiện đại mà cũng đầy ý nghĩa.

GIẢI BA (2 giải):

Phương án thiết kế Quốc Môn Việt - Lào MS: VH 268


Nhóm tác giả: Dương Thành Trung
Nguyễn Vân Hà
Dương Trung Hiếu
Ðịa chỉ: Văn phòng Kiến trúc Nhiệt đới, nhà A5, Lương Ngọc Quyến, Hà Nội

Posted Image

Ý tưởng kiến trúc công trình

Ý tưởng kiến trúc Cổng cửa khẩu Việt - Lào được xuất phát từ ý thức tôn vinh mối quan hệ đoàn kết và hữu nghị hàng trăm năm qua giữa hai dân tộc, tình cảm gắn bó như anh em: Việt - Lào được ví như hình ảnh hoa Sen và hoa Chăm Pa.

Cổng cửa khẩu được xây dựng với hình ảnh những cánh hoa Sen trên mặt hồ. Hoa Sen là loài hoa đặc trưng cho dân tộc Việt Nam, loài hoa thể hiện sức mạnh bất khuất vươn lên mạnh mẽ từ trong bùn lầy. Hình ảnh hoa Sen thể hiện truyền thống anh dũng thắng giặc ngoại xâm từ hàng ngàn năm qua.

Mặt nước được sử dụng ngoài ý đồ thẩm mỹ, còn là một yếu tố “phong thuỷ” không thể thiếu của người Việt. Mặt nước ở đây còn đóng vai trò điều hoà môi trường không khí quanh khu vực cổng cửa khẩu, làm giảm đáng kể cái oi bức của gió Lào.

Posted Image


Giải pháp kiến trúc công trình

Giải pháp mặt bằng:
Mặt bằng của công trình cửa khẩu có bố cục đơn giản, phân luồng giao thông mạch lạc. Mặt bằng chia làm ba khối: Hai khối hai bên dành cho xuất và nhập cảnh của người đi bộ; khối ở giữa dành để kiểm soát ô tô xuất và nhập cảnh. Tầng hầm có tác dụng làm giao thông liên hệ giữa các khu chức năng và tăng khả năng vững chắc cho công trình khi cắm sâu xuống đất (chỉ dành cho nội bộ). Các tầng trên đều được tận dụng làm các phòng phục vụ nhân viên an ninh làm việc tại cổng cửa khẩu. Nói chung mặt bằng đã thoả mãn các yếu tố sau:


Giao thông đi bộ và giao thông cơ giới tách biệt và đều được kiểm soát dễ dàng; Hai luồng giao thông xuất cảnh và nhập cảnh cũng được phân cách tốt. Các hoạt động của người dân và các hoạt động của nhân viên an ninh cũng tách biệt rõ ràng nhờ việc tổ chức hầm đi bộ.


Giải pháp mặt đứng:

Mặt đứng công trình được bố cục bởi các miếng đặc rỗng xen kẽ nhờ các khoảng trống để phục vụ giao thông và các mảng đặc của công trình tạo nên. Toàn bộ mặt đứng được che phủ một lớp cánh bằng thép có các chớp chắn nắng có thể điều chỉnh được góc xoay. Lớp cánh cổng vươn cao này vừa có tác dụng biểu hiện vừa có tác dụng chắn nắng cho các không gian chức năng bên trong, nhằm chống lại cái nắng nóng của miền đất chịu tác động của gió Lào.

Giải pháp kết cấu công trình:


Với yêu cầu về một công trình bề thế, vững chắc, bền vững với thời gian nên việc sử dụng kết hợp kết cấu bê tông cốt thép kết hợp với kết cấu thép sẽ vừa đảm bảo được tính chắc khoẻ mà vẫn đảm bảo tính biểu hiện kiến trúc. Thay vì sử dụng hệ thống cột thì ở đây dùng toàn bộ là hệ thống vách bê tông cốt thép cắm sâu xuống lòng đất thông qua tầng hầm, điều này sẽ đảm bảo cho một công trình có thể chịu được mọi tác động của thiên nhiên.

Posted Image

Các giải pháp kỹ thuật khác:

Ðể tận dụng tối đa nguồn năng lượng tại vùng đất có nhiều ánh nắng nên công trình được trang bị hệ thống pin mặt trời trên mái và toàn bộ hệ thống bảo vệ, chiếu sáng công cộng đảm bảo cho việc tự cung cấp nguồn năng lượng cho các hoạt động tại khu vực cửa khẩu.

Công trình có thể lấy ánh sáng tự nhiên rất tốt, hệ thống vách kính bên trong rộng lấy sáng dễ dàng, bên trong tất cả các vách kính đều có hệ thống cửa cuốn thép bảo vệ an ninh khi cần, phía mặt ngoài được che phủ bằng một lớp cánh bằng thép vừa là kết cấu công trình vừa là khung để gắn hệ thống chớp che nắng bằng hợp kim có thể thay đổi góc xoay. Công trình được sử dụng kết hợp các loại vật liệu truyền thống và hiện đại, từ kết cấu bê tông cho đến kết cấu thép, tiếp đến là các chi tiết như tấm chắn nắng và bộ colson (sử dụng thức gỗ cổ) đều được làm bằng các vật liệu mới.

Phương án thiết kế Quốc Môn Việt - Lào MS: VIE 02


Nhóm tác giả: CTy Cổ phần Tư vấn đầu tư và Phát triển đô thị VIEALIFE

Ðịa chỉ: 43 Pháo Ðài Láng, Ðống Ða, Hà Nội

Posted Image

Ý tưởng:
Trống Ðồng được coi là biểu tượng văn hóa của người Việt, vì qua đó thể hiện cảm nhận về quy luật của thiên nhiên cũng như cuộc sống thường ngày của người Việt cổ.

Trên những họa tiết trên trống đồng có nhiều hình ảnh của những kiến trúc cổ của người Việt. Những hình ảnh đó rất gần gũi và thể hiện đậm chất văn hóa Việt. Cách điệu hình ảnh đó với những vật liệu hiện đại, công trình muốn hướng đến một hình ảnh gần gũi với người Việt Nam, thân thiện với bạn bè quốc tế thông qua những đường nét, vật liệu của kiến trúc hiện đại. Bên cạnh đó còn thể hiện được: nét văn hoá riêng đặc sắc của Việt Nam; tinh thần hữu nghị với bạn bè quốc tế; tư thế dân tộc, chủ quyền quốc gia Việt Nam.

Posted Image




Ðịa điểm thiết kế:

Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nằm trên biên giới giữa Việt Nam và Lào. Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo là một trong những được ưu tiên phát triển. Khu kinh tế này gắn với cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, nhằm mục đích đẩy mạnh thông thương giữa Việt Nam với Lào, thúc đẩy phát triển kinh tế Hà Tĩnh nói riêng, Việt Nam nói chung.

Giải pháp kiến trúc, quy hoạch:

- Tổ chức quy hoạch: Công trình cổng cửa khẩu Cầu Treo nằm giữa đường biên và trạm kiểm soát.


Giao thông: Nằm ở hai bên là 4 làn xe ô tô, chiều rộng mỗi làn là 3,5m, chiều cao thông thuỷ đảm bảo cao 7m. Ngoài ra còn tổ chức thêm hành lang đi bộ cho cả 2 lối xuất nhập trên vỉa hè hai bên.

Cảnh quan: Hai bên vỉa hè là bãi cỏ rộng - tạo vị thế của công trình và sự hòa hợp với thiên nhiên. Phía trước công trình có bố trí hồ nước là một giải pháp hay được sử dụng trong các công trình dân gian của người Việt. Hệ thống trụ biểu ngoài chức năng dẫn hướng, còn được lắp đặt đèn tạo thêm những hiệu quả bổ trợ cho công trình chính.

- Tổ chức mặt bằng: Trung tâm của công trình là nhà lưu niệm, nơi có thể đặt một số tư liệu về tình hữu nghị của hai dân tộc Việt -Lào ... Hai bên là trạm đứng gác của bộ đội biên phòng. Công trình có bố trí bậc tam cấp cũng như đường dốc để cả người khuyết tật có thể tiếp cận sử dụng.

- Hình thức kiến trúc công trình: Xuất phát từ các họa tiết trên trống đồng, công trình có cấu trúc của một công trình dân gian mạch lạc đơn giản. Hai diện mái dốc khiến người ta liên tưởng đến ngôi Ðình của người Việt. Phần chéo của mái cùng các chi tiết đầu đao khiến công trình như đang vươn lên thể hiện sức mạnh vươn lên của Việt Nam.

Posted Image

Giải pháp kỹ thuật:

Công trình sử dụng kết cấu bê tông cốt thép. Các vật liệu được sử dụng là những vật liệu công nghệ cao và những vật liệu địa phương gạch, đá, gỗ để trang trí và ốplát.

Giải pháp chiếu sáng:
Công trình được chiếu sáng vào ban đêm và những khi thời tiết nhiều sương mù bởi hệ thống đèn rọi ngoài công trình và đặt ngay trên công trình.

Bên trong công trình hệ thống kết cấu được lắp đặt đèn để chiếu sáng và tăng hiệu quả nội thất bên trong.

Hệ thống trụ biểu được lắp đèn để dẫn hướng kết hợp với hệ thống đèn sân vườn và an ninh sẽ tạo nên sự hấp dẫn của cả tổng thể công trình.

còn tiếp

nguồn: http://kientrucvietnam.org.vn/Web/Content.aspx?distid=9246&lang=vi-VN

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites