Posted 1 Tháng 4, 2011 “XẺ THỊT” VƯỜN QUỐC GIA BA VÌ ============================================== Lời kêu cứu khẩn thiết Thứ Tư, 30/03/2011 01:38 Những giá trị văn hóa, lịch sử và sinh học sẽ bị tàn phá nghiêm trọng nếu cứ cấp phép cho doanh nghiệp “ngoạm” vào Vườn Quốc gia Ba Vì “Xẻ thịt” Vườn Quốc gia Ba Vì Trước những bức xúc của dư luận về việc Vườn Quốc gia Ba Vì bị xâm hại, phóng viên Báo Người Lao Động đã tiếp xúc với UBND xã Vân Hòa, huyện Ba Vì- Hà Nội để làm rõ hơn về dự án xây dựng đập nước Đồng Xô.Mỗi người nói một phách Giải thích về việc nguồn nước bị ô nhiễm, ông Nguyễn Phi Long, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vân Hòa, cho biết khu vực Đồng Xô trước đây có rất nhiều vàng và hơn 10 năm trước đã từng có phong trào đổ xô vào rừng đào vàng. Công ty Bình Minh (chủ dự án xây đập Đồng Xô) chỉ đào đất để lấy đá cuội phục vụ việc xây dựng, kè bờ đập nước. Nguồn nước suối bị ô nhiễm có thể do các chất thải bồi lắng từ trước, khi thi công thì các chất bồi lắng này được xới lên và chảy ra suối. Về việc trong công trường xây dựng đập nước Đồng Xô xuất hiện những dụng cụ dùng để đào đãi vàng, ông Long cho rằng đã cử người kiểm tra và không phát hiện gì (?). Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, cho biết dự án xây dựng đập Đồng Xô đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Nếu phát hiện Công ty Bình Minh khai thác vàng, huyện sẽ lập tức đình chỉ thi công. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, dự án này được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt từ năm 2007. Năm 2008, xét đề nghị của Bộ NN-PTNT về việc sử dụng tạm thời đất Vườn Quốc gia Ba Vì để xây dựng công trình thủy lợi, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 05/TTg-NN đồng ý sử dụng 9,5 ha đất có rừng từ độ cao Cos 100 m – 175 m để khai thác đất đá, phục vụ công trình hồ thủy lợi Đồng Xô. Xe tải nặng chở đất đá hằng ngày băm nát rừng tại Vườn Quốc gia Ba Vì.(Ảnh do người dân xã Vân Hòa cung cấp) Thủ tướng cũng giao cho Bộ NN-PTNT chỉ đạo Vườn Quốc gia Ba Vì phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra, giám sát chặt chẽ ngoài hiện trường, trong quá trình thi công không được sử dụng mìn; các loại đất đá và vật liệu phế thải phải chuyển khỏi vườn quốc gia. Sau khi hoàn thành việc thi công, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có trách nhiệm chỉ đạo chủ đầu tư san lấp mặt bằng và trồng cây phục hồi nguyên trạng rừng. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn dở dang và đang có nhiều biểu hiện chưa thực hiện nghiêm túc văn bản của Thủ tướng. Ông Nguyễn Khắc Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì, cho rằng Rừng Quốc gia Ba Vì là khu vực có nhiều sa khoáng như đồng, vàng…, trong đó nhiều nhất là vàng. Theo ông Thành, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ hoạt động của Công ty Bình Minh tại khu vực này. Khẩn cấp ngăn chặn Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, người đã 3 lần được mời tham gia việc tìm hướng quy hoạch phát triển cho thủ đô Hà Nội, rất bức xúc trước khai thác, đào đãi vàng bừa bãi, cũng như các dự án xây dựng xung quanh khu vực Ba Vì. Bà Trần Thanh Vân cho rằng Ba Vì là vùng đất linh thiêng của đất nước, có nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử từ ngàn đời nay. Đó là vùng đất của Thánh Tản Viên đã đi vào truyền thuyết cần phải bảo vệ. “Tôi cho rằng tất cả các công trình, dự án đào xới, khai thác lén lút hay công khai... của bất cứ công ty nào cũng phải bị đình chỉ để trả lại nguyên trạng cho khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì” - kiến trúc sư Trần Thanh Vân nói. Nguồn nước trong khu vực Đồng Xô bị ô nhiễm nghiêm trọng từ khi khởi công xây dựng dự án Từng nhiều năm gắn bó với mảnh đất Vườn Quốc gia Ba Vì, TS Nguyễn Xuân Diện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho rằng nơi đây không chỉ lưu trữ các giá trị về địa mao, địa chất, về hệ động thực vật phong phú quý hiếm mà còn là vùng văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Việc bảo vệ gìn giữ các giá trị văn hóa và tự nhiên của vùng núi Ba Vì càng đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết, khi mà những giá trị về môi sinh và văn hóa đang được quản lý bằng sự thiếu hiểu biết. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết VUSTA đã giao cho Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tìm hiểu về những dự án đang hoặc có thể “xẻ thịt” Vườn Quốc gia Ba Vì. “Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra toàn bộ các công trình, dự án trong khu vực này. Sau đó nếu thấy cần thiết, VUSTA sẽ có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ can thiệp” - ông Hồ Uy Liêm nói. Cuộc sống người dân bị đảo lộn Những ngày tìm hiểu về sự việc, chúng tôi đã được người dân ở xã Vân Hòa nhiệt tình giúp đỡ, cung cấp thông tin. Tuy nhiên, không ít người vẫn rất lo sợ và luôn đề nghị chúng tôi không đưa tên, tuổi, địa chỉ cụ thể của mình lên mặt báo. Sợ bị dằn mặt, nhiều người dân trước đây từng mang đơn đi khiếu nại việc Vườn Quốc gia Ba Vì bị tàn phá thì nay đành cam chịu, chùn bước dần. Nhiều người dân ở các xóm Rùa, xóm Xoan, xóm Muồng Voi (xã Vân Hòa) đều khẳng định Vườn Quốc gia Ba Vì đang bị xâm hại nghiêm trọng. Việc UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt dự án xây dựng đập nước Đồng Xô khiến cuộc sống bà con nơi đây bị đảo lộn. Người dân cũng phản ánh chuyện đập nước Vai Xô (phía trên đập Đồng Xô) đã thuộc về Công ty Bình Minh quản lý, dẫn tới tình trạng thiếu nước trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp nên mất mùa liên tục. THIỀU THẢO - PHÙNG KHA ================================= CÁC NHÀ KHOA HỌC KÊU GỌI CHUNG TAY CỨU NÚI TỔ BA VÌ Hình ảnh cuộc tọa đàm của các nhà khoa học. Ảnh: Lê Việt Hà. Chung tay bảo vệ Vườn Quốc gia Ba Vì Sau loạt bài điều tra về đào vàng trong khu vực núi Ba Vì, sáng ngày 14/3 Báo KH&ĐS đã tổ chức buổi tọa đàm mang tên: “Chung tay cứu Vườn quốc gia Ba Vì”. Rất nhiều nhà khoa học đã đến dự và đóng góp ý kiến. KTS Trần Thanh Vân: Ba Vì là cội nguồn văn hóa Ba Vì, Hồ Tây, sông Hồng là một trục phong thủy rất quan trọng, liên quan đến vận mệnh của đất nước. Vì thế Vườn Quốc gia Ba Vì cần phải được bảo vệ một cách nghiêm nghặt. Trước đây, các dự án gây bức xúc trong dư luận như dự án sân golf... Nhà nước cũng đã phải đình chỉ. Tuy nhiên, với Vườn Quốc gia Ba Vì người ta chỉ thay đổi tên gọi, chứ không thay đổi mục đích chiếm đoạt rừng để tư lợi. Xét về cội nguồn văn hóa thì cái nôi của văn hóa lúa nước được xác định là ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì đang có nguy cơ bị tàn phá. Các dự án lập nên ngăn cản nhân dân không cho họ vào chính mảnh đất của mình. Những dự án này cần phải dừng lại ngay lập tức, bất chấp việc dự án này đã hoặc chưa được phê duyệt. TS Nguyễn Xuân Diện - Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Các giá trị văn hóa bị bỏ mặc Vùng núi Ba Vì không chỉ là một nơi có hệ động thực vật phong phú và quí hiếm, mà còn là một vùng đất tối cổ trong quá trình hình thành Quốc gia Đại Việt mà ở nơi đây có ba dân tộc sinh sống là Mường, Việt và Dao. Người Việt và Mường có mặt ở Ba Vì từ thời cổ xưa, còn người Dao đến thế kỷ XII – XIV mới di cư từ Phúc Kiến trở vào. Ba dân tộc này sinh sống quần tụ và bổ sung cho nhau những giá trị về mặt văn hóa. Vì vậy việc bảo vệ, dìn giữ các giá trị văn hóa, tự nhiên ở Ba Vì đang đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết khi các nhà chính sách và hoạch định kinh tế đã bỏ mặc các giá trị văn hóa, môi sinh một cách thiếu hiểu biết và trắng trợn. Các nhà khoa học cần phải tập trung nghiên cứu chuyên sâu, chuyên ngành, liên ngành về vùng văn hóa cổ Ba Vì để bảo vệ và tôn vinh một vùng đất thiêng của dân tộc. GS.TS Nguyễn Lân Dũng – Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Cần có giải pháp mạnh Tôi kiến nghị Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Viêt Nam phối hợp với Hội đồng tư vấn khoa học tổ chức các buổi khảo sát chính thức lên vùng núi Ba Vì. Bởi vì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam là hai tổ chức được Đảng, Nhà nước giao trách nhiệm phản biện xã hội, do đó chúng ta cần phải có cuộc khảo sát nghiêm chỉnh. Sau đó đưa ra những kiến nghị chính thức đưa lên các cơ quan Đảng và Nhà nước. Tôi đề nghị phải đình chỉ ngay lập tức, đồng thời xử lý hình sự đối với những người có liên quan đến việc sai phạm ở Rừng Quốc gia Ba Vì, bất kể người đó là ai, kể cả những người bao che, kể cả những những người đứng sau duyệt các dự án. Một điều khác cần phải nhấn mạnh, đó là hệ động thực vật, vi sinh vật... ở Rừng Quốc gia Ba Vì cần được bảo vệ. Hàng năm, chúng ta vẫn công bố những loài mới mà theo nhiều nhà nghiên cứu là chưa từng phát hiện trên thế giới trước đó. Vì thế, Quốc Hội cần có tiếng nói khẳng định rằng: Đây là việc làm trái luật pháp, coi thường dân chúng, và đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân. PGS. TS. Hồ Uy Liêm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam : Bằng mọi cách phải giữ lấy Ba Vì! Có một vấn đề rất bức xúc hiện nay là cứ kêu gọi, hô hào giữ lấy Ba Vì nhưng vẫn có ai đó vì quyền lợi rất cá nhân đang gặm nhấm Ba Vì. Sau khi có dự kiến quy hoạch Hà Nội sẽ đưa trung tâm hành chính lên Ba Vì đã khiến cho giá đất trên đó sôi lên. Chúng tôi có chuyến thực địa lên đó và thấy rằng, người ta đã khoanh từng ô một để xây dựng. Ba Vì là nơi đất thiêng về mặt tâm linh, lịch sử, về mặt sinh thái đối với chúng ta. Bằng mọi cách phải giữ lấy Ba Vì. Chúng tôi sẽ tổ chức cuộc khảo sát, sau đó cùng với Hội Bảo vệ thiên nhiên Môi trường, Báo KH&ĐS làm hội thảo khoa học nữa về vấn đề này. Sau đó sẽ gửi kiến nghị lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước để giữ lấy Ba Vì. GS.TS Lê Xuân Cảnh – Viện trưởng Viện sinh thái tài nguyên sinh vật: Phải giám sát lại toàn bộ dự án ở Vườn Quốc gia Ba Vì Vườn quốc gia Ba Vì có hệ sinh thái phong phú với 32 loài thực vật có giá trị của nước ta. Do đó, cần thiết phải đề ra những phương án quản lý tốt chứ không thể đợi đến khi phá vỡ cảnh quan rồi mới đề xuất thì quá muộn. Theo tôi, để quản lý tốt Vườn Quốc gia Ba Vì thì trước hết phải giám sát, rà soát lại toàn bộ dự án có liên quan. Nếu thấy dự án nào không tuân thủ luật Bảo vệ rừng và Nghị định 117 thì phải xử lý. Chúng ta đã có Cục cảnh sát môi trường phối hợp giải quyết. GS.TS Nguyễn Trường Tiến - Chủ tịch hội cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam: Chúng ta mới “biết”, chưa “hiểu” về Ba Vì Theo tôi, chúng ta cần phải có một chương trình cấp quốc gia nghiên cứu núi Ba Vì, ở đó có sự kết hợp giữa các nhà khoa học, lịch sử, tâm linh, ngôn ngữ để đánh giá chung. Dường như chúng ta mới “biết” chứ chưa “hiểu”. Phải hiểu thì mới có cách ứng xử đúng đắn được. Nguồn: Báo Khoa học & Đời sống. Số 32 (2559) Thứ Ba (15/3/2011), trang 6. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 1 Tháng 4, 2011 Ba Vì tụ khí, Tản Viên Sơn Thánh linh thiêng đến cả Cao Biền còn chịu thua thì nếu con cháu làm sai chắc ngài quở phạt chết.Chắc không sai nên mới chẳng có ai việc gì.Đào đất khai huyệt,đắp hồ tụ thủy, lấy nước làm thủy lợi an dân đều là việc của thánh nhân đã dạy thuận lòng trời đất đẹp ý người cả. Cứ làm đúng văn bản pháp luật các cấp ban hành thì mọi việc chắc tốt cả. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 1 Tháng 4, 2011 Ba Vì tụ khí, Tản Viên Sơn Thánh linh thiêng đến cả Cao Biền còn chịu thua thì nếu con cháu làm sai chắc ngài quở phạt chết.Chắc không sai nên mới chẳng có ai việc gì.Đào đất khai huyệt,đắp hồ tụ thủy, lấy nước làm thủy lợi an dân đều là việc của thánh nhân đã dạy thuận lòng trời đất đẹp ý người cả. Cứ làm đúng văn bản pháp luật các cấp ban hành thì mọi việc chắc tốt cả. Tại thánh đi qua bên Nhật Bản, thánh lo cứu bớt người. Khi Thánh về, Thánh cũng bẻ cổ đứa nào phá nhà thánh à. . Share this post Link to post Share on other sites