Posted 29 Tháng 3, 2011 TƯ LIỆU THAM KHẢO ==================================== TOÉT MẮT LÀ TẠI HƯỚNG ĐÌNH... TS. Nguyễn Tiến Đông - Viện Khảo cổ học Toét mắt là tại hướng đình. Cả làng mắt toét riêng mình em đâu....? Là cách giải thích về phong thủy của người nông dân hay nhất mà tôi được biết từ trước tới giờ. Thực chất của cái sự toét mắt chắc chắn không phải tại cái hướng đình mà theo các nhà y tế là do ăn ở mất vệ sinh thôi, nhưng các cô thôn nữ vốn xinh đẹp, nay bị mắt toét lại đổ trách nhiệm cho việc chọn hướng đình của các cụ Tiên chỉ theo kiểu ấy thì thật to gan mà cũng quá tài tình, hơn nữa qua đó người ta mới thấy tầm quan trọng của thuật phong thủy trong kiến trúc, nhất là các công trình kiến trúc công cộng cỡ như cái đình làng. Xưa, trong trường không có sách giáo khoa nào dạy cho chúng tôi về thuật phong thủy cả, vì lúc đó đụng vào lĩnh vực này là bị coi như mê tín dị đoan, mà các nhà khoa học thì không được tin vào những chuyện ấy. Tuy nhiên, vì làm nghề khảo cổ, lại là học trò của các đại giáo sư như Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn... nên ngay từ lúc sinh viên chúng tôi cũng mon men học hỏi tý chút về lĩnh vực này qua việc các thầy bày cho dân cách chọn hướng nhà, cất mộ... và trực tiếp chỉ bảo sinh viên về chuyện hướng đình, chùa. Thời gian qua đi, tôi cũng vỡ ra được một điều là chuyện phong thủy, đặc biệt trong kiến trúc không phải chuyện mê tín dị đoan. Trước đây tôi có đọc ở đâu đó và cũng được nghe một số người giải thích đình làng là phải quay về hướng Nam nhưng thực tế lại không phải như vậy. Có thể kể ra đây một lô những ngôi đình không quay về hướng Nam mà nó chỉ quay về hướng có con sông thôi và đúng theo thuyết phong thủy thì trước mặt của kiến trúc là trường lưu thủy và chắc chắn các cụ sẽ chọn thế đất để cất đình là bên tả có Thanh Long, bên hữu có Bạch Hổ, phía sau là Hắc Quy, trước có án (Châu Tước). Như vậy là khi xây cất đình làng, vấn đề không phải là hướng mà là thế đất có hợp phong thủy không, có hội đủ các yếu tố về phong thủy đã nêu không? Theo giáo sư Hà Văn Tấn thì: “Nhiều người cho rằng đình là ở trung tâm của làng. Sự thật không phải bao giờ cũng như vậy. Vị trí của đình tùy theo đất dựng đình. Mà đất dựng đình thì được chọn theo quan niệm phong thủy trong tín ngưỡng truyền thống” (Hà Văn Tấn - Đến với lịch sử Văn hóa Việt Nam; tr 334). Sẽ có người hỏi rằng làng tôi không có sông chảy qua, không có núi lấy đâu ra trường lưu thủy Thanh Long, Bạch Hổ... Xin thưa, Thanh Long, Bạch Hổ, Hắc Quy đâu chỉ là chuyện núi non mà là thế đất, mạch đất ở đâu cũng có và chỉ các nhà địa lý mới chỉ ra được (tất nhiên là các thầy địa lý này phải thực sự có kiến thức, hay nói đúng hơn là cao tay), còn trường lưu thủy thì tôi mượn ngay một câu trong bài hát của nhạc sỹ Hoàng Hiệp để trả lời “Quê tôi ai cũng có một dòng sông quê nhà”. Quả vậy, trên dải đất hình chữ S này đâu đâu cũng có một con sông, dòng suối, có thể nó không chảy trên đất làng của anh thì cũng làng bên, chuyện phong thủy đâu chỉ ở làng mà cần phải nhìn xa hơn, rộng hơn. Cũng chính lý thuyết ấy có thể nói về các ngôi chùa, không phải chùa nào cũng quay về phía Tây, hướng quê Đức Phật đâu, các ngôi chùa Việt cũng cần một vị trí, một thế đất hợp phong thủy để xây cất chứ không nệ vào chuyện hướng Tây. Ta có thể thấy rõ cách chọn đất làm chùa theo quan niệm phong thủy qua một đoạn sách An tượng tam muội tập, bản in thời Nguyễn cất giữ ở chùa Xiển Pháp, thôn An Trạch, ở bên phải Văn Miếu: “Xây dựng chùa, chọn đất tốt, ngày tốt, giờ tốt. Đất tốt là nơi bên trái trống không, hoặc có sông ngòi, hồ ao ôm bọc. Núi hổ (hay tay hổ) ở bên phải, phải cao dày, lớp lớp quay đầu lại, hoặc có hình hoa sen, tràng phướn, lọng báu, hoặc có hình rồng, phượng, quy, xà chầu bái. Đó là đất dương cơ ái hổ (nền dương có tay hổ) vậy. Cũng lại nên cưỡi đảo lại (đảo kỵ), như là người cưỡi ngựa thì đầu ở phía trước. Nước thì nên chảy quanh sang trái. Nếu đảo kỵ, thì mạch nước lại vào ở phía trước. Trước mặt có minh đường hay không có minh đường đều được cả. Phía sau không nên có núi áp kề, thế là đất tốt. Còn để chọn ngày tốt, giờ tốt thì nên dùng các sách Ngọc Hạp, Tu Cát xem cho kỹ lưỡng. Nếu được như thế mới có thể hưng hiển được đạo pháp, người trụ trì nảy sinh trí tuệ, người thí chủ có công đức lớn, phúc ấm đến con cháu. Nếu không làm như thế về sau tất đổ nát, không có công đức gì. Cho nên hãy cẩn thận!” (Dẫn lại Hà Văn Tấn. Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam, tr 177). Chỉ vài dòng như vậy thôi thiển nghĩ cũng đã là đủ để thấy được tầm quan trọng của quan niệm phong thủy trong việc xây cất chùa chiền. Đối với người Việt Nam, các kiến trúc cộng đồng như chùa, đình thực sự rất quan trọng, và đương nhiên, người dân khi xây cất những công trình đó phải hết sức thận trọng, trân trọng và kỹ lưỡng trong việc chọn không gian, thời gian để tiến hành công việc vì nó liên quan đến cuộc sống của cả một cộng đồng. Vậy còn cuộc sống riêng của từng con người, từng gia đình thì sao đây? Các công trình nhà ở có cần đến thuật phong thủy không? Câu trả lời chắc chắn là có chứ, thậm chí còn cực kỳ quan trọng, nhất là trong thời buổi hiện nay. Thầy tôi, cố giáo sư Trần Quốc Vượng, mỗi lần có ai hỏi về chuyện làm nhà, dựng vợ gả chồng cho con cái thường hay trả lời bằng một câu trong dân gian: “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”. Và rằng: Lấy vợ hiền hòa thì là lý tưởng rồi nhưng có phải ai cũng có may mắn vậy đâu, thôi cứ đổ tại duyên số. Nhưng làm nhà hướng Nam thì sao đây? Và ông cho rằng đó chính là cách sống, cách ở tuyệt vời nhất của người Việt Nam. Thích nghi với điều kiện thời tiết Việt Nam: nóng - ẩm - mưa nhiều - gió mùa nhiệt đới (Trần Quốc Vượng - Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm; tr 606). Như chúng ta biết, ở nông thôn miền Bắc các ngôi nhà chủ yếu quay hướng Nam để đón gió mùa hè mát mẻ đến từ hướng Đông Nam vào mùa hè và quay lưng tránh gió mùa Đông Bắc của mùa đông rét mướt. Tất nhiên trong một không gian rộng rãi của vùng thôn quê ngày xưa, người ta có thể chọn và xây cất nhà theo ý chủ nhân. Còn hiện nay, trong thời buổi kinh tế thị trường, đất cát ở nông thôn cũng đã hiếm lắm, nhất là vùng châu thổ Bắc bộ, đất chật người quá đông, có được mảnh đất dựng nhà cũng là quý lắm rồi, hướng nọ hướng kia tính sau. Và vấn đề phong thủy tính sao đây? Theo tôi hiểu thì sự việc được giải quyết rất đơn giản: Hướng nhà không được như ý thì quay hướng bàn thờ theo tuổi của chủ nhân cho hợp. Khi làm nhà phải xem tuổi tác của ông chủ hoặc mượn tuổi của ai đó trong dòng họ nếu chủ nhân còn quá trẻ. Theo đúng nguyên tắc làm nhà xem tuổi đàn ông. Nếu miếng đất không được đẹp lắm như có con đường chạy thẳng hướng nhà, hay nóc nhà hàng xóm chĩa thẳng vào cửa nhà mình thì đành trồng cây hay xây một cái án trấn trước cửa, dán gương hoặc hình bát quái lên phía trên cửa giữa nhà mình để trừ tà ma, vận hạn... Và vấn đề phong thủy ở các thành thị cũng được giải quyết như vậy bởi chúng ta quá biết ở các đô thị kiểu như Hà Nội và TP.HCM, Đà Nẵng... có nhà mà ở là tốt lắm rồi. Không được hướng nhà thì phải được hướng bàn thờ. Không có cách nào khác là phải thích nghi với điều kiện sống và giải quyết những vấn đề tâm linh theo kiểu khác. Vừa qua tôi có được vinh dự tham gia khai quật và nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long, tôi cũng đã vỡ ra được nhiều điều về việc kiến trúc phải thích nghi với điều kiện tự nhiên như thế nào. Việc chọn Thăng Long làm kinh đô của nước Đại Việt vào thế kỷ XI là một quyết định tuyệt vời của nhà vua Lý Công Uẩn, quyết định ấy thể hiện tinh thần độc lập dân tộc của vua tôi nhà Lý đồng thời cũng cho thấy sự tinh thông về phong thủy của tiền nhân. Dời đô từ nơi chật hẹp là Hoa Lư về nơi có thế đất cao mà rộng... có rồng cuộn, hổ ngồi... đúng thật là nơi thượng đô cho muôn đời như tinh thần của Chiếu dời đô. Có được một kinh đô phù hợp với phong thủy như vậy, đất nước ta, dân tộc ta đã thực sự đi lên và chắc chắn sẽ thịnh vượng. Ngay ở Thăng Long, với điều kiện của một vùng đất lắm sông nhiều hồ, cha ông ta trải từ Lý - Trần - Lê đã xây dựng một kinh đô phù hợp với điều kiện tự nhiên. Các dấu tích kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long đều cho thấy một bố cục hài hòa với điều kiện sông nước, nhiều cung điện, đền đài quay hướng ra sông hoặc nằm ven những hồ nước, tạo nên một hệ thống kiến trúc với các con đường nước kết hợp với đường đi lối lại xây gạch rất hợp lý, thuận tiện cho việc di chuyển trong kinh thành. Ngoài sự hợp lý của các công trình kiến trúc lớn nhỏ còn có một hệ thống thoát nước độc đáo bởi những con đường cống nằm ngay dưới hoặc bên cạnh các kiến trúc đổ nước thải ra những dòng chảy tự nhiên trong kinh đô. ở đây còn có một hệ thống giếng nước rất tốt để cung cấp nước sạch cho sinh hoạt của cả hoàng cung. Hệ thống giếng nước này cho thấy kiến thức về tìm mạch nước của tiền nhân thật tuyệt vời. Đó chính là những bài học lớn cho chúng ta trong việc xây dựng Thủ đô hiện đại. Bài học về nước của Hà Nội. Một thực tế là hiện nay các đường nước tự nhiên (sông nhỏ), các hồ nước của Hà Nội đã bị lấp gần hết và hậu quả là Hà Nội trở thành “Hà lội” mỗi khi có một trận mưa vừa phải chứ chưa nói đến mưa lớn. Và nếu cứ tiếp tục lấp đi những mạch nguồn thiên nhiên tức là đã tự cắt đi mạch nguồn tâm linh rất quan trọng của Thủ đô, của đất nước, mà hậu quả của nó thì thật khôn lường... Tôi vốn là người không mê tín dị đoan, tôi không thích chuyện buôn thần bán thánh và vì vậy tôi không báng bổ thánh thần. Tôi chỉ là người tôn trọng và trân trọng quá khứ, lịch sử, tôn trọng những tinh hoa của văn minh nhân loại và trong đó có những kiến thức phong thủy. Hiện nay, gần như tất cả mọi người từ quan chức đến người dân thường đều rất coi trọng phong thủy, đặc biệt là khi phải làm những việc lớn như xây dựng nhà cửa, xây cất mồ mả, khởi công các công trình lớn... Cần phải thừa nhận sự thật ấy và cần phải có những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc về phong thủy để có những hướng dẫn tốt cho cộng đồng tránh việc sa đà vào những chuyện mê tín dị đoan, trục lợi của một số người xấu về phong thủy để làm những việc không hay dẫn đến hậu quả không tốt cho xã hội. Nguồn: kientrucphongthuyvietlinh 4 people like this Share this post Link to post Share on other sites