Thiên Sứ

Sự Nổi Lên Của Trung Quốc Có Dẫn Tới Chiến Tranh?

6 bài viết trong chủ đề này

Sự nổi lên của Trung Quốc có dẫn tới chiến tranh?

Tác giả: Charles Glaser

Tuanvietnam.vn

Các nhà lý luận về quan hệ quốc tế theo chủ nghĩa hiện thực thông thường sẽ cho rằng những sức ép cơ bản của hệ thống quốc tế sẽ đẩy Mỹ và Trung Quốc vào xung đột. Những nói đúng hơn, chủ nghĩa hiện thực cũng có thể lạc quan trong trường hợp này, nếu Washington có thể tránh cường điệu hóa nguy cơ đặt ra bởi sức mạnh đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Sự nổi lên của Trung Quốc sẽ có thể là câu chuyện lớn nhất về quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI, nhưng vẫn chưa rõ liệu câu chuyện này có một kết cục có hậu hay không. Liệu sự nổi lên của Trung Quốc có làm gia tăng khả năng xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc? Liệu một kỷ nguyên căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung có nguy hiểm như chiến tranh Lạnh? Hay sẽ tệ hơn, vì Trung Quốc không giống như Liên Xô, sẽ chứng tỏ là một đối thủ cạnh tranh thực sự về kinh tế cũng như về địa chính trị?

Các vấn đề này đã được một loạt các chuyên gia đề cập đến, từ những nhà sử học đến nhà kinh tế học và khu vực học. Nhưng những đặc điểm của riêng Trung Quốc, cách hành xử trước đây cũng như hành trình kinh tế của họ sau này có thể sẽ dẫn tới những sự kiện tương lai không nghiêm trọng như người ta tưởng, vì việc một quốc gia sẽ hành xử như thế nào trong vai trò là một siêu cường và liệu các hành động của họ và những người khác sẽ kết thúc trong chiến tranh hay không được quyết định bởi các mô hình chung của chính trị quốc tế chứ không chỉ bởi các nhân tố thuộc đặc tính riêng. Những câu hỏi lớn hơn về các điều kiện trong đó việc chuyển đổi quyền lực dẫn tới xung đột chính là cái mà các nhà lý luận về quan hệ quốc tế đang nghiên cứu.

Cuộc tranh luận về Trung Quốc chia các nhà lý luận về quan hệ quốc tế thành hai phe: tự do lạc quan và hiện thực bi quan. Những người lạc quan cho rằng vì trật tự thế giới hiện nay được quyết định bởi sự cởi mở về kinh tế và chính trị, nên nó phù hợp với sự nổi lên hòa bình của Trung Quốc. Theo đó, Mỹ và các nước lớn khác có thể và sẽ tỏ rõ rằng Trung Quốc được hoan nghênh gia nhập trật tự hiện nay và cùng thịnh vượng, và Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ làm điều tương tự thay vì phát động một cuộc chiến nguy hiểm và tốn kém để lật đổ hệ thống này và xây dựng một trật tự mới đúng với ý mình hơn.

Posted Image

Ảnh minh họa. Ảnh: Chinatimes

Ngược lại, quan điểm hiện thực thông thường dự báo sẽ có cuộc cạnh tranh gay gắt. Hầu hết những người theo trường phái này đều cho rằng sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc sẽ khiến nước này theo đuổi những lợi ích của mình một cách quyết đoán hơn, từ đó sẽ khiến Mỹ và các nước khác cân nhắc biện pháp nhằm tạo thế cân bằng. Cái vòng luẩn quẩn này sẽ ít nhất sẽ phát triển thành một cái tương tự như sự không cởi mở trong thời chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, và thậm chí có thể trở thành một cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ. Thái độ cứng rắn gần đây của Trung Quốc khi đòi chủ quyền trên biển Hoa Đông và biển Đông, và quan hệ xích lại gần nhau hơn giữa Mỹ và Ấn Độ là những dấu hiệu cho thấy cái vòng luẩn quẩn ấy và các biện pháp tạo đối trọng đã bắt đầu.

Tuy nhiên trên thực tế, có một cách nghĩ khác cũng hiện thực nhưng vẫn lạc quan. Sự nổi lên của Trung Quốc không nhất thiết dẫn tới cạnh tranh và nguy hiểm như các lập luận hiện thực thông thường, vì các lực lượng cấu trúc đẩy các cường quốc chính vào xung đột tương đối yếu. Hơn nữa, những nguy cơ không được báo trước trong các học thuyết về hệ thống quốc tế nói chung, mà xuất phát từ các cuộc tranh cãi quy mô nhỏ, đặc biệt ở Đông Bắc Á. Và bối cảnh an ninh trong hệ thống quốc tế rộng hơn sẽ khiến các cuộc tranh cãi này trở nên dễ giải quyết hơn với Mỹ và Trung Quốc. Bởi vậy cuối cùng, kết quả của sự nổi lên của Trung Quốc sẽ ít phụ thuộc vào các sức ép của hệ thống quốc tế, mà phụ thuộc vào việc các lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc xử lý tình hình như thế nào. Các cuộc xung đột không được quyết định từ trước, và nếu Mỹ có thể thay đổi cho phù hợp với các điều kiện quốc tế mới, đưa ra một số nhượng bộ dù không thoải mái, và không thổi phồng các nguy cơ, thì hoàn toàn có thể tránh được một cuộc xung đột lớn.

Thế "tiến thoái lưỡng nan" có lợi về an ninh

Chủ nghĩa hiện thực cấu trúc giải thích các hành động của quốc gia dưới dạng sức ép và cơ hội tạo ra bởi hệ thống quốc tế. Theo quan điểm này, không cần nhìn vào các nhân tố bên trong để giải thích các cuộc xung đột quốc tế vì các hành động hàng ngày của từng quốc gia độc lập, nhằm nỗ lực đảm bảo an ninh của mình trong một thế giới hỗn loạn, có thể dẫn tới chiến tranh. Tất nhiên điều này không phải lúc nào cũng xảy ra và tại sao các nước tìm cách đảm bảo an ninh cho mình lại tự dấn thân vào chiến tranh thực sự là một câu hỏi khó, vì họ hoàn toàn có thể chọn cách hợp tác và các lợi ích của hòa bình thay vì chiến tranh. Câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở khái niệm thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh - một tình huống trong đó các nỗ lực của một quốc gia nhằm tăng cường an ninh cho mình sẽ làm giảm an ninh của các nước khác.

Một mặt, cường độ của thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh phụ thuộc vào mức độ dễ dàng tấn công và gây sức ép. Khi tấn công là điều dễ dàng thực hiện, thậm chí những gia tăng nhỏ về sức mạnh quân sự của một quốc gia cũng sẽ làm suy giảm đáng kể an ninh của các nước khác, càng gây thêm nỗi sợ hãi và dẫn tới tăng cường vũ trang. Ngược lại, khi việc phòng ngự và răn đe dễ dàng hơn thì các thay đổi về sức mạnh quân đội của một nước sẽ không hẳn là mối đe dọa với nước khác, và khả năng duy trì các quan hệ chính trị tốt giữa những người chơi trong hệ thống này sẽ được tăng cường.

Mặt khác, cường độ của thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh cũng phụ thuộc vào niềm tin của các nước vào các động cơ và mục đích của một nước. Ví dụ nếu một quốc gia tin rằng đối thủ của họ chỉ muốn đảm bảo an ninh - chứ không phải là ham vọng chế ngự cả hệ thống - thì khi đó họ sẽ thấy việc gia tăng sức mạnh quân sự của đối thủ không đáng lo lắng và không cảm thấy cần phải đáp trả, do đó tránh lao vào vòng luẩn quẩn leo thang quân sự và chính trị.

Khi thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh trở nên nghiêm trọng, chạy đua sẽ gia tăng và nhiều khả năng dẫn tới chiến tranh. Nhưng khi thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh dịu bớt, một người theo thuyết hiện thực cấu trúc sẽ thấy rằng hệ thống quốc tế tạo cơ hội cho kiềm chế và hòa bình. Hơn nữa nếu hiểu đúng, thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh cho thấy một quốc gia sẽ được an toàn hơn khi đối thủ của họ được đảm bảo an ninh hơn - vì tâm trạng bất an có thể buộc một đối thủ có các chính sách cạnh tranh và đe dọa. Động lực này khuyến khích kiềm chế và hợp tác. Nếu một đối thủ có thể thuyết phục được rằng tất cả những gì họ muốn là an ninh (chứ không phải bá chủ), thì đối thủ có thể được giải tỏa.

Tất cả những phân tích trên cho thấy điều gì trong sự nổi lên của Trung Quốc? Xét ở góc độ rộng nhất, đây là một tin tốt lành. Các điều kiện quốc tế hiện nay sẽ thúc đẩy cả Mỹ và Trung Quốc bảo vệ các lợi ích sống còn của mình mà không đặt ra mối đe dọa lớn cho nước kia. Vũ khí hạt nhân khiến các cường quốc có thể duy trì sức mạnh răn đe ở mức cao. Ngay cả khi sức mạnh của Trung Quốc vượt qua Mỹ, Mỹ vẫn hoàn toàn có thể duy trì sức mạnh hạt nhân để có thể chiến thắng mọi cuộc tấn công của Trung Quốc và đe dọa gây thiệt hại lớn trong một cuộc tấn công trả đũa. Trong khi đó, các cuộc tấn công thông thường quy mô lớn của Trung Quốc nhằm vào nước Mỹ thường là không thể vì Mỹ và Trung Quốc cách nhau cả một đại dương rộng lớn là Thái Bình Dương. Sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc sẽ không đủ vượt qua lợi thế kép trong phòng thủ của Mỹ. Và chính đây cũng là lợi thế của Trung Quốc. Dù hiện yếu hơn Mỹ về quân sự, nhưng Trung Quốc sẽ sớm xây dựng một sức mạnh hạt nhân đủ để răn đe. Và Trung Quốc sẽ không thấy các sức mạnh thông thường của Mỹ là mối đe dọa đặc biệt, vì phần lớn các lực lượng, hậu cần và hỗ trợ của Mỹ đều nằm bên kia bờ Thái Bình Dương.

Tác động toàn diện của các điều kiện này là sẽ làm trung hòa thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh. Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể duy trì mức độ an ninh cao hiện nay và dù Trung Quốc có khả năng nổi lên thành một siêu cường. Điều này sẽ giúp Washington và Bắc Kinh tránh những quan hệ địa chính trị căng thẳng, đồng thời giúp đảm bảo thế tiến thoái lưỡng nan này duy trì ở mức tiết chế, từ đó tạo điều kiện cho hợp tác.

Ví dụ, Mỹ sẽ lựa chọn cách không đáp trả việc Trung Quốc hiện đại hóa sức mạnh hạt nhân của mình. Sự kiềm chế này sẽ giúp trấn an Trung Quốc rằng Mỹ không muốn đe dọa đến an ninh của Trung Quốc, từ đó giúp cắt đứt một vòng xoáy chính trị có thể dẫn tới chạy đua hạt nhân.

Còn tiếp...

  • Quốc Thái dịch theo Foreign Affairs

Share this post


Link to post
Share on other sites

Giới chiêm tinh phương Tây dự đoán từ năm 2011 - 2017 Trung Quốc sẽ nổi lên như một đế chế mới, sau đó thì đi vào một chu kỳ khác.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Sự nổi lên của TQ không làm suy chuyển quyền lực Mỹ

Tác giả: CHARLES GLASER

Tuanvietnam.vietnamnet.vn

Dù sự nổi lên của Trung Quốc tạo ra một số nguy hiểm, nhưng sự phân bố quyền lực đang thay đổi không làm cho các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trở nên không tương thích.

Còn các liên minh?

Tất nhiên các phân tích trên đây còn bỏ sót một đặc điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ - các liên minh quân sự quan trọng mà Mỹ đang duy trì với Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các thỏa thuận về an ninh giữa Mỹ với Đông Bắc Á. Nhưng dù thêm các quan hệ đồng minh này làm cho bức tranh toàn cảnh thêm phức tạp, chúng cũng không làm người ta mất lạc quan khi nói về sự nổi lên của Trung Quốc. Vậy các liên minh khu vực này quan trọng đến mức nào đối với an ninh của Mỹ.

Đúng là các thỏa thuận liên minh của Mỹ vẫn ổn định từ thời kỳ đầu chiến tranh Lạnh, nhưng sự nổi lên của Trung Quốc đang làm dấy lên các cuộc tranh luận về cái giá phải trả và những lợi ích có thể đạt được của chúng. Lập luận tương tự như trên - rằng Mỹ có thể đơn giản được an toàn khi có lợi thế về sức mạnh, địa lý và kho vũ khí hạt nhân - những người theo chủ nghĩa biệt lập kiểu mới này kết luận rằng Mỹ nên chấm dứt các quan hệ đồng minh ở châu Âu và châu Á vì không cần thiết và khá rủi ro.

Theo họ, nếu Mỹ có thể ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào nước mình, thì tại sao phải dựa vào các liên minh sẽ đẩy Mỹ vào các cuộc chiến lớn hơn ở những lục địa xa xôi? Việc bảo vệ các đồng minh của Mỹ ở châu Á có thể buộc Mỹ lao vào các cuộc xung đột chính trị và cạnh tranh về quân sự có thể làm căng thẳng những quan hệ chính trị giữa họ với Trung Quốc. Nói tóm lại, theo những người biệt lập kiểu mới này, sự nổi lên của Trung Quốc sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh của Mỹ, mà chính việc duy trì các quan hệ đồng minh hiện nay của Mỹ mới gây ra nguy cơ này.

Ngược lại, những người ủng hộ can dự có chọn lọc - cách tiếp cận giống với chính sách của Mỹ hiện nay - cho rằng chiến lược mà họ chọn cũng giống với những nét chính chủ nghĩa hiện thực cấu trúc. Trong khi những người theo chủ nghĩa biệt lập kiểu mới muốn Mỹ rút khỏi vị trí tiền đạo nhằm tránh bị đẩy vào một cuộc xung đột khu vực, những người ủng hộ can dự có chọn lọc cho rằng duy trì các cam kết đồng minh của Mỹ tại châu Âu và châu Á là cách tốt nhất để tránh bùng phát một cuộc xung đột ngay từ khi còn trong trứng nước.

Posted Image

Nguồn ảnh: Reuters

Vì vậy, nghiên cứu cách các cam kết đồng minh của Mỹ tương tác với sự nổi lên của Trung Quốc là một vấn đề quan trọng, cả về chính sách khu vực lẫn chiến lược lớn hơn của Mỹ nói chung. Nếu Mỹ duy trì các cam kết đồng minh quan trọng trong khu vực, Mỹ sẽ cần tăng cường khả năng răn đe của mình tại Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm đối phó với các lực lượng quân sự thông thường đang ngày càng lớn mạnh và đa năng của Trung Quốc. Nói theo cách nào cũng vậy, thách thức này sẽ giống như thách thức mà Mỹ từng phải đối mặt khi tăng cường tính răn đe ở Tây Âu trong thời chiến tranh Lạnh. Hai siêu cường đều sở hữu những khả năng trả đũa hạt nhân hùng mạnh, nhưng Liên Xô được cho là có các lực lượng thông thường ưu việt có khả năng xâm lược toàn châu Âu.

Trở lại câu chuyện xưa, giới chuyên gia tranh luận liệu các khả năng của Mỹ có đủ để ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường của Liên Xô chống lại châu Âu hay không. Họ bất đồng trước câu hỏi liệu học thuyết đáp trả mềm của NATO - theo đó kết hợp các lực lượng thông thường quy mô lớn với một lực lượng hạt nhân - có thể giúp Mỹ tạo ra sự răn đe hạt nhân đủ để ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường của Liên Xô hay không. Nghi ngờ về việc Mỹ sự sẵn lòng chạy đua phản ánh mối nguy hiểm rõ ràng là sẽ gặp phải cuộc trả đũa hạt nhân của Liên Xô. Tuy nhiên, lập luận thuyết phục hơn trong cuộc tranh luận này là chiến lược của Mỹ đã ngăn chặn được một cuộc tấn công thông thường của Liên Xô vì ngay cả một khả năng nhỏ Mỹ leo thang hạt nhân cũng tạo ra những nguy cơ lớn đối với Nga. Cùng logic này có thể áp dụng được với một siêu cường Trung Quốc trong tương lai. Sự kết hợp của các cam kết đồng minh rõ ràng, hướng tới các lực lượng thông thường được huy động, và các lực lượng hạt nhân có thể giúp Mỹ ngăn chặn một cuộc tấn công của Trung Quốc tại Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Niềm tin vào khả năng răn đe của Mỹ sẽ được củng cố bởi các quan hệ tương đối tốt giữa Mỹ và Trung Quốc. Những ai từng lo ngại Mỹ có thể không tăng cường khả năng răn đe ở Tây Âu đã nghi rằng Liên Xô là một nước theo chủ nghĩa xét lại hướng tới sự lật độ nguyên trạng và muốn gây nguy hiểm lớn. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc có những mục tiêu tham vọng đến vậy, vì thế tăng cường khả năng răn đe của Mỹ giờ sẽ trở nên dễ dàng hơn trong thời chiến tranh Lạnh. Và ngay cả khi sự kiện ít khả năng xảy ra đó trở thành hiện thực, tức là Trung Quốc trở thành một nước nguy hiểm như vậy, thì sự răn đe cũng vẫn có tác dụng dù sẽ khó khăn hơn.

Một số người theo chủ nghĩa hiện thực bi quan cho rằng nhằm được đảm bảo an ninh cao hơn, Trung Quốc sẽ thấy bị buộc phải theo đuổi mục tiêu bá chủ khu vực, gây ra xung đột trên con đường này. Tuy nhiên, quy mô, sức mạnh và vị trí cũng như kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ khiến họ rất khó tiến hành một cuộc tấn công thành công. Trung Quốc sẽ không cần đẩy Mỹ ra khỏi khu vực của mình để được đảm bảo an ninh, vì sự hiện diện của Mỹ sẽ không hủy hoại các khả năng răn đe lớn của Trung Quốc. Hơn nữa, việc Mỹ rút đi sẽ không tự động tạo ra thế bá chủ khu vực cho Trung Quốc, vì khi đó Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tăng cường các khả năng quân sự thông thường cũng như khả năng hạt nhân của mình, từ đó làm giảm đáng kể khả năng răn đe của Trung Quốc. Việc Trung Quốc tìm cách bá chủ khu vực, vì vậy, sẽ không cần thiết và không khả thi.

Đúng là sự hiện diện quân sự của Mỹ đang củng cố các khả năng quân sự của nước này, đe dọa khả năng Trung Quốc bảo vệ các vùng hải đảo cũng như đảo Đài Loan của mình. Nhưng liên minh Mỹ với Nhật cũng có lợi đối với Trung Quốc vì khiến Nhật chi tiêu ít hơn cho quốc phòng. Dù sức mạnh của Mỹ vượt xa của Nhật Bản, nhưng Trung Quốc vẫn coi liên minh này góp phần cho sự ổn định của khu vực, vì họ sợ Nhật Bản hơn Mỹ. Khi Trung Quốc lớn mạnh hơn, nước này có thể ngày càng khó chịu với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực Đông Bắc Á. Nhưng nếu không có nó, quan hệ Mỹ - Trung sẽ trở nên cực kỳ căng thẳng, vì vậy Trung Quốc sẽ chấp nhận Mỹ tiếp tục hiện diện trong khu vực.

Điều chỉnh trong vấn đề Đài Loan?

Có thể tránh được cạnh tranh về quân sự và chiến tranh, nhưng sự gia tăng sức mạnh Trung Quốc có thể đòi hỏi một số thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ mà Washingon sẽ không hề thấy dễ chịu, đặc biệt trong vấn đề Đài Loan. Trung Quốc đã tỏ rõ rằng họ sẽ sử dụng vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, và đa phần hoạt động gia tăng sức mạnh quân sự thông thường của Trung Quốc là nhằm tăng khả năng đối phó với Đài Loan và giảm khả năng can thiệp của Mỹ vào hòn đảo này. Vì Trung Quốc đặt vị trí ưu tiên đối với Đài Loan, và vì Mỹ và Trung Quốc có những quan điểm khác nhau trong tính hợp pháp của sự nguyên trạng, vấn đề này đặt ra nhiều mối nguy hiểm đặc biệt và thách thức đối với quan hệ Mỹ - Trung, khiến quan hệ này khác với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Một cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan hoàn toàn có thể nhanh chóng leo thang thành chiến tranh hạt nhân. Chính sách hiện nay của Mỹ nhằm giảm khả năng Đài Loan tuyên bố độc lập và tỏ rõ rằng Mỹ sẽ không ủng hộ Đài Loan làm như vậy. Tuy nhiên, Mỹ cũng chịu sức ép phải bảo vệ hòn đảo này trước mọi nguy cơ bị tấn công dù xuất phát từ đâu. Nhìn vào các lợi ích và cách nhận thức hoàn toàn khác nhau của các bên và sự kiểm soát bị hạn chế của Washington đối với hành động của Đài Bắc, một cuộc khủng hoảng có thể nảy sinh, trong đó Mỹ bị lôi kéo vào các sự kiện hơn là gây ra chúng.

Những mối nguy hiểm ấy đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, nhưng việc Trung Quốc tăng cường các khả năng quân sự có thể khiến Bắc Kinh sẵn sàng hơn trong việc gây ra một cuộc khủng hoảng Đài Loan. Bên cạnh việc cải thiện các khả năng thông thường, Trung Quốc cũng đang hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân nhằm gia tăng khả năng tự vệ và trả đũa sau một cuộc tấn công quy mô lớn của Mỹ. Lý thuyết răn đe thông thường cho rằng khả năng Washington phá hủy hầu hết hoặc tất cả sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc sẽ càng củng cố vị thế của họ trong thương lượng. Sự hiện đại hóa hạt nhân của Trung Quốc có thể khiến nước này không bị cản trở trong hành động, khiến họ hành xử liều lĩnh hơn trong các cuộc khủng hoảng tương lai so với trước. Trong khi đó việc Mỹ có ý định duy trì khả năng bảo vệ Đài Loan sẽ đổ thêm dầu vào ngọn lửa chạy đua vũ trang hạt nhân và thông thường. Việc Mỹ tăng cường các khả năng tấn công mục tiêu và phòng thủ bằng tên lửa đạn đạo chiến lược có thể được Trung Quốc hiểu như một dấu hiệu cho thấy các động cơ xấu của Mỹ, khiến Trung Quốc càng tăng cường quân sự và từ đó hủy hoại quan hệ Mỹ - Trung.

Trước những nguy cơ trên, Mỹ sẽ cân nhắc xem lại cam kết của mình tại Đài Loan. Điều này sẽ loại bỏ một điểm nóng bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời mở đường cho các quan hệ tốt hơn giữa hai nước này trong những thập kỷ tới. Nhưng những người chỉ trích động thái này lập luận rằng điều đó sẽ đặt ra không chỉ những cái giá trực tiếp đối với Mỹ và Đài Loan mà cả những cái giá gián tiếp: Bắc Kinh sẽ không hài lòng với sự nhượng bộ đó, họ sẽ đòi hỏi nhiều hơn - điều này càng được thúc đẩy bởi sự mất uy tín của Washington trong vai trò một người bảo vệ các đồng minh. Tuy nhiên, những chỉ trích như vậy là sai vì các nhượng bộ lãnh thổ không phải lúc nào cũng là yếu thế. Không phải mọi đối thủ đều là Hitler, và khi họ không phải là như vậy, thì việc điều chỉnh có thể là một công cụ chính sách hiệu quả. Khi một đối thủ có các mục tiêu lãnh thổ giới hạn, việc trao chúng cho họ có thể sẽ không dẫn tới những đòi hỏi xa hơn mà sẽ là sự hài lòng với nguyên trạng mới và giảm căng thẳng.

Khi đó, vấn đề cốt yếu là liệu Trung Quốc có các mục đích giới hạn hay không giới hạn. Đúng là Trung Quốc có bất đồng với một số nước láng giềng, nhưng có ít lý do để tin rằng họ đã hoặc sẽ phát triển các tham vọng lãnh thổ lớn trong khu vực của mình hoặc vượt ra xa hơn. Những nhượng bộ về Đài Loan sẽ có nguy cơ thúc đẩy Trung Quốc theo đuổi các chính sách đòi hỏi nhiều hơn trong những vấn đề mà sự nguyên trạng của nó đang gây tranh cãi, trong đó có quy chế các hải đảo và đường ranh giới biển trên biển Hoa Đông và biển Đông. Nhưng nguy cơ uy tín của Mỹ bị suy giảm trong việc bảo vệ đồng minh khi nguyên trạng này trở nên rõ ràng - như trường hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc - sẽ là rất nhỏ, đặc biệt nếu bất cứ thay đổi nào trong chính sách với Đài Loan đi kèm với các biện pháp bù trừ (như một tuyên bố mới về cam kết đồng minh khác của Mỹ, tăng cường quân đội Mỹ ở nước ngoài, và gia tăng các cuộc tập trận chung cũng như tăng cường hợp tác công nghệ với các đồng minh của Mỹ).

Mỹ có giảm các cam kết của mình với Đài Loan hay không và sẽ giảm thế nào là một vấn đề phức tạp. Nếu Mỹ quyết định thay đổi chính sách này, thì tốt nhất là nên nới lỏng dần dần các cam kết, thay vì ngừng đột ngột và công khai. Và vì các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đang được cải thiện trong những năm gần đây, nên Washington sẽ có thể vừa có thời gian và có lý do để đánh giá lại và điều chỉnh chính sách này trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới thay đổi.

Hơn nữa, dù sự nổi lên của Trung Quốc tạo ra một số nguy hiểm, nhưng sự phân bố quyền lực đang thay đổi không làm cho các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trở nên không tương thích. Các nguy cơ tiềm ẩn không góp phần gây ra xung đột lợi ích kéo theo một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc. Đúng hơn là, những khó khăn ngày càng nhiều trong việc bảo vệ một số lợi ích thứ yếu, dù không phải là tầm thường, của Mỹ đòi hỏi nước này phải đánh giá lại các cam kết chính sách đối ngoại của mình.

  • Quốc Thái dịch theo Foreign Affairs

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đông Ngô tuy có nổi lên 1 vài năm nay, nhưng nhìn toàn thể thì không thể có chiến tranh được, những gì Đông Ngô có thường được giới truyền thông phóng đại lên mà thôi, kinh tế phát triển quá lệch, nếu ai đó về thử 1 vài vùng quê của Đông Ngô thì biết, tuy là nước hiện kinh tế đứng thứ 2 thế giới nhưng tất cả các chỉ số thì kém xa Sing chứ chưa nói đến Nhật hay Hàn, ....

Share this post


Link to post
Share on other sites

Chỉ xét riêng yếu tố cấu trúc chủng tộc thôi thì lịch sử cho thấy một quốc gia càng thuần chủng thì càng trở nên nguy hiểm khi trở thành "bá chủ". Khi thuần chủng thì người ta khó lòng bao dung cho những dị biệt, hoặc tỷ lệ cá nhân thông cảm cho sự khác biệt rất ít, hoặc lúc nào cũng theo kiểu con nó ăn không hết thì mới tính đến cháu nó. Tất yếu dẫn đến sự đàn áp hoặc ăn trên ngồi trước các thành phần thiểu số không phải mình.

Âu cũng là lẽ thường tình, xét tương quan với trình độ nhân văn và tính cục bộ của loài người hiện nay. Vậy nên TQ không nên trỗi dậy làm bá chủ làm chi, mất công tự mãn, một phút nông nỗi làm càn, rồi phải lãnh hậu quả. HK, tự thân cơ chế có đủ các lực lượng, quan niệm, suy nghĩ, chủng tộc ( trắng, đỏ, vàng, đen đủ cả ) tương trợ lẫn khắc chế, kềm chế lẫn nhau cùng phát triển, chỉ cần đừng quá lệch lạc, nổi cơn đế quốc bất tử thì xét thấy khá ổn để thống trị thế giới.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Hệ lụy khi cường điệu quá mức việc Trung Quốc nổi lên

Tác giả: CHARLES GLASER

Tuanvietnam.vietnamnet.vn

Những người theo chủ nghĩa hiện thực phân tích về việc các quá trình chuyển đổi quyền lực sẽ diễn ra như thế nào dựa trên giả định rằng các quốc gia hiểu đúng và phản ứng chính xác trước các tình huống quốc tế mà họ đối mặt.

Những người theo chủ nghĩa hiện thực lạc quan trong trường hợp này dựa vào giả định rằng giới lãnh đạo ở Mỹ đánh giá cao (và sẽ có thể hành động) mức độ an toàn cao bất thường mà Mỹ đang tận hưởng hiện nay. Nếu giả định này là sai, tức là nếu Mỹ thổi phồng thái quá mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra, thì các nguy cơ xảy ra xung đột trong tương lai sẽ càng lớn hơn. Thật không may, có một số lý do khiến ta phải lo ngại rằng giả định này trên thực tế có thể là sai.

Ví dụ, hiện rất nhiều người tin rằng một Trung Quốc đang nổi lên sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Mỹ. Niềm tin này có thể trở thành một lời tiên đoán tự đúng. Nếu Washington không nghĩ rằng việc Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự không đe dọa đến các lợi ích sống còn của Mỹ, họ có thể có các chính sách ngoại giao và quân sự mang tính cạnh tranh thái quá, những chính sách mà đến lượt nó lại khiến Trung Quốc hiểu rằng Mỹ đang có những động cơ xấu. Nếu Trung Quốc khi đó cảm thấy bất an, nhiều khả năng họ sẽ có những chính sách cạnh tranh mà Mỹ cũng sẽ xem là mang tính đe dọa cao hơn. Kết quả sẽ là một vòng luẩn quẩn không quyết định bởi tình hình quốc tế mà các nước này thực sự đang đối mặt, mà bởi sự bất an mà chính họ đã thổi phồng.

Hơn nữa, các nước thường xem nặng sự bất an của mình khi đánh giá không đúng các khả năng quân sự nhằm mục đích quốc phòng có thể với tới đâu. Trước chiến tranh thế giới I, Đức đã cường điệu về khả năng dễ xâm lược nên tin rằng sức mạnh đang gia tăng của Nga đe dọa đến sự tồn vong của mình. Kết quả là Đức phát động một cuộc chiến tranh phòng vệ không cần thiết.

Posted Image

Ảnh minh họa: baodatviet

Trong cuộc chiến tranh Lạnh, Mỹ đã cường điệu hóa mối đe dọa hạt nhân của Liên Xô, nên nghĩ rằng những cải tiến trong các lực lượng vũ trang của Liên Xô có thể vô hiệu quá mặt mạnh nhất trong khả năng răn đe của Mỹ - một cuộc trả đũa mạnh tay. Rất may là điều này không dẫn tới chiến tranh, nhưng nó đã làm gia tăng nguy cơ chiến tranh và gây ra quá nhiều căng thẳng và kéo theo những chi tiêu không cần thiết. Washington sẽ phải cảnh giác để không mắc phải những sai lầm tương tự khi Trung Quốc gia tăng các sức mạnh hạt nhân và thông thường, và khi các cuộc va chạm trong các vấn đề thứ yếu làm căng thẳng quan hệ.

Đến nay chưa có phản ứng thái quá nào của Mỹ trước sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhưng khả năng đó chắc chắn tồn tại. Ví dụ, Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ hiện nay kêu gọi Mỹ duy trì thế bá chủ về quân sự thông thường, nhưng lại không giải thích tại sao thế bá chủ này là cần thiết cũng như việc nó đòi hỏi có những lực lượng và khả năng quân sự như thế nào.

Trong tương lai trước mắt, Trung Quốc sẽ yếu hơn Mỹ về khả năng tấn công, nhưng chính việc họ tăng cường sức mạnh quân sự đã làm giảm khả năng của Mỹ trong việc tấn công vào các khu vực ngoại biên của Trung Quốc. Điều này sẽ sớm đặt ra những câu hỏi như chính xác tại sao Mỹ cần có sự bá chủ về các khả năng tấn công thông thường trên thế giới, các nhiệm vụ đặc biệt nào Mỹ sẽ không thể thực hiện nếu không có thế bá chủ ấy, và việc không thể thực hiện các nhiệm vụ này sẽ gây nguy hại cho an ninh của Mỹ đến mức nào. Nếu không có những câu trả lời rõ ràng, Mỹ có thể sẽ đánh giá quá cao ý nghĩa của việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự.

Nguy cơ của một mối đe dọa an ninh bị cường điệu hóa sẽ càng lớn hơn trong lĩnh vực hạt nhân. Báo cáo tình hình hạt nhân (NPR) năm 2010 của chính quyền Obama nhận định "Mỹ và các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc vẫn quan tâm đến việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự, trong đó có việc hiện đại hóa về chất lượng và số lượng kho vũ khí hạt nhân của họ".

Tuy nhiên NPR không nói rõ việc hiện đại hóa này đặt ra mối nguy hiểm nào. Hoàn toàn không có chuyện hiện đại hóa hạt nhân trong tương lai gần sẽ giúp Trung Quốc có thể phá hủy toàn bộ sức mạnh hạt nhân của Mỹ và hủy hoại khả năng đáp trả mạnh mẽ của Mỹ. Một cuộc hiện đại hóa lớn nhất cũng chỉ có thể loại trừ một phần ưu thế hạt nhân của Mỹ khi tạo cho Trung Quốc một lực lượng lớn hơn và bền bỉ hơn, từ đó giảm khả năng Mỹ đe dọa Trung Quốc bằng việc chạy đua hạt nhân trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

NPR nói rằng Mỹ "nên tiếp tục duy trì các quan hệ chiến lược ổn định với Nga và Trung Quốc", nhưng Trung Quốc luôn thiếu dạng sức mạnh có thể tạo sự ổn định theo tiêu chuẩn của Mỹ. Nếu Mỹ quyết định rằng an ninh của họ cần duy trì ưu thế hạt nhân so với Trung Quốc, họ sẽ đầu tư vào các khả năng nhằm phá hủy các sức mạnh hạt nhân mới của Trung Quốc.

Một nỗ lực như thế sẽ giống với chiến lược hạt nhân thời chiến tranh Lạnh của Mỹ, theo đó đặt tầm quan trọng hàng đầu vào việc phá hủy các sức mạnh hạt nhân của Liên Xô. Kiểu chạy đua vũ trang này giờ đây càng không cần thiết hơn trước. Mỹ có thể duy trì khả năng răn đe mạnh ngay cả khi Trung Quốc hiện đại hóa kho vũ khí, và một chính sách cạnh tranh hạt nhân có thể làm giảm an ninh của Mỹ vì nó sẽ khiến Trung Quốc hiểu rằng Mỹ đang thù địch, làm gia tăng sự bất an của Trung Quốc và hủy hoại quan hệ Mỹ - Trung.

Chắc chắn việc Trung Quốc tăng cường hạt nhân và vũ khí thông thường sẽ giảm một số khả năng của Mỹ mà Washington muốn duy trì. Nhưng Mỹ cũng không nên coi việc tăng cường các sức mạnh quân sự này là có động cơ xấu, thay vì thế nên hiểu là việc này cho thấy mong muốn chính đáng của Trung Quốc là đảm bảo an ninh cho mình.

Khi ông Donald Rumsfeld là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông nói về Trung Quốc tăng chi tiêu cho quốc phòng rằng "vì không có nước nào đe dọa Trung Quốc, nên nước này phải tự hỏi: Tại sao phải gia tăng đầu tư cho quốc phòng? Tại sao phải tiếp tục tăng mua vũ khí?" Câu trả lời là quá rõ. Nếu Trung Quốc có thể đưa các tàu sân bay tới gần bờ biển Mỹ và tấn công vào nước Mỹ bằng máy bay ném bom tầm xa, Washington đương nhiên sẽ muốn "mài cùn" các khả năng này, và nếu Mỹ có một sức mạnh hạt nhân chiến lược cũng dễ bị tổn thương và kém cạnh tranh như của Trung Quốc (hiện chỉ bằng 1/10 hoặc 1/100 của Mỹ), họ cũng sẽ cố gắng đuổi kịp nhanh nhất có thể. Các hành động này sẽ không nhằm khuất phục thế giới, và vì vậy không có lý do nào đủ thuyết phục để nghĩ rằng Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự là vì như thế.

Tóm lại, sự nổi lên của Trung Quốc là hòa bình, nhưng không có gì để đảm bảo điều đó. Ngược lại với lập luận của người theo chủ nghĩa hiện thực thông thường, các sức ép cơ bản của hệ thống quốc tế sẽ không đẩy Mỹ và Trung Quốc vào xung đột. Vũ khí hạt nhân, ngăn cách về địa lý bởi Thái Bình Dương, và các quan hệ chính trị hiện tương đối tốt sẽ khiến hai nước này đảm bảo an ninh ở mức cao và tránh các chính sách quân sự gây căng thẳng nghiêm trọng quan hệ giữa họ. Nhu cầu của Mỹ bảo vệ các đồng minh của mình ở Đông Bắc Á làm phức tạp vấn đề trong một chừng mực nào đó, nhưng hoàn toàn có thể tin rằng Washington có thể gia tăng khả năng răn đe cho Nhật Bản và Hàn Quốc, các đối tác khu vực quan trọng nhất của mình.

Thách thức đối với Mỹ sẽ là khả năng điều chỉnh chính sách trong các tình huống mà các lợi ích chưa phải là sống còn (như Đài Loan) có thể gây ra vấn đề, và ở chỗ đảm bảo rằng không cường điệu hóa nguy cơ đặt ra bởi việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh và khả năng quân sự./.

  • Quốc Thái theo Foreign Affairs

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay