wildlavender

Nhà “Bá Kiến” Qua Hoài Niệm Của Cao Niên Làng “Vũ Đại”

3 bài viết trong chủ đề này

Nhà “Bá Kiến” qua hoài niệm của cao niên làng “Vũ Đại”

(Dân trí) - Có một ngôi nhà đã tồn tại hơn 1 thế kỷ, là chứng tích cuối cùng của “tâp đoàn” phong kiến xứ Bắc kỳ. Ngôi nhà đã chứng kiến bao sự đổi thay của một vùng đất và không ít những câu chuyện mà nhiều người chưa biết đến.

Posted Image

Toàn cảnh nhà "Bá kiến " hiện nay

Đó chính là ngôi nhà “Bá Kiến”, nguyên mẫu trong tác phẩm “Chí Phèo” của cố nhà văn Nam Cao. Người dân nơi đây đã có những câu thơ về ngôi nhà độc đáo này:

"Đại Hoàng còn lại một ngôi nhà

Nếp cổ gỗ lim mái ngói ta

Bảy chủ thay nhau quyền sở hữu

Hơn trăm năm tuổi vượt phong ba.."

Ngôi nhà 100 tuổi, 7 chủ và 2 lần “chết hụt”

Từ thành phố Phủ Lý men theo tỉnh lộ 972 dọc sông Châu khoảng 40km, chúng tôi tìm về xóm 11, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (xưa kia gọi là làng Đại Hoàng, xã Nhân Hậu, Phủ Lý Nhân, Hà Nam - quê hương của cố nhà văn Nam Cao), để tìm hiểu những chuyện thú vị xung quanh ngôi nhà cổ nổi tiếng của “Bá Kiến”.

Cho đến bây giờ vẫn chưa có một tài liệu chính thống nào ghi chép chính xác về ngôi nhà “Bá Kiến” mà chỉ qua lời truyền tụng của mọi người. Để tìm hiểu rõ hơn về ngôi nhà cổ, chúng tôi tìm đến các cụ cao niên trong làng Đại Hoàng năm xưa. Trong đó có cụ Trần Thế Lễ (91 tuổi), xóm 11, xã Hòa Hậu, là một trong những người cao tuổi nhất làng. Chính cụ cũng từng là người thiếu chút nữa trở thành chủ nhân thứ 5 của ngôi nhà.

Posted Image

Cụ Trần Bá Huấn đang kể chuyện về ngôi nhà với tác giả

Mặc dù tuổi cao sức yếu không đi tới thăm ngôi nhà Bá Kiến được nhưng cụ vẫn còn nhớ như in lịch sử về ngôi nhà cổ này. Nhà “Bá Kiến” tính đến bây giờ đã qua 7 đời chủ.

Chủ thứ nhất là cụ Cựu Hanh. Cụ Hanh là một lái buôn giàu có. Vào khoảng những năm 1910, cụ thuê gần 20 thợ nổi tiếng làm nghề mộc ở Cao Đà, Phủ Lý Nhân về làm mấy tháng trời ròng rã mới xong. Cụ Hanh để lại cho con là Trần Duy Xầm. Cụ Xầm mất đi để lại cho con cả là Cựu Cát. Cựu Cát là người chơi bời nghiện ngập rượu chè, thường hay vay nợ, sau đó Cựu Cát đã gạt nợ ngôi nhà về tay cụ Bá Bính (tên thật là Trần Bá Bính).

Cụ Bá Bính chính là nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến được nhà văn Nam Cao xây dựng trong tác phẩm “Chí Phèo”. Và cũng chính từ khi ngôi nhà vào tay cụ Bá Bính thì câu chuyện về ngôi nhà mới trở nên đặc biệt. Đây cũng là lý do giải thích tại sao ngôi nhà lại gắn liền với tên chủ nhân là nhà “Bá Kiến” được truyền tụng qua bao thế hệ nay.

Bá Bính mất đi để lại gia sản cho con là Trần Duy Tảo hay còn gọi là Binh Tảo kế thừa. Khi Binh Tảo mất đi con cháu có ý định bán nhà, và chính cụ Trần Thế Lễ bấy giờ đã có ý định mua ngôi nhà về xẻ làm gỗ, nhưng cụ Lễ chưa mua được thì ngôi nhà được cụ Cai Hậu, tên thật là Trần Hữu Hậu là một Việt kiều mua lại để định cư. Được biết, giá ngôi nhà lúc đó cụ Hậu mua là 4.500đ (tương đương với hàng chục cây vàng thời bấy giờ). Chủ nhân thứ 7 của ngôi nhà ông Trần Hữu Hòa, là cháu cụ Cai Hậu.

Posted Image

Không gian ngôi nhà rất yên tĩnh và thơ mộng

Đến năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam đã thương thảo với bà Trần Thị Sâm (vợ ông Hòa) để mua lại ngôi nhà với giá 700 triệu đồng. Hiện giờ ngôi nhà đang giao cho UBND xã Hòa Hậu phụ trách trông coi, và đón tiếp các đoàn khách về tham quan. Nói về chuyện ngôi nhà 2 lần “chết hụt” thì không ai hiểu rõ câu chuyện bằng cụ Trần Bá Huấn (80 tuổi), xóm 11, xã Hoà Hậu. Chính cụ Huấn là một trong 2 du kích địa phương trực tiếp dập lửa cứu ngôi nhà khi thực dân Pháp phóng hỏa đốt.

Cụ Huấn kể lại: “Năm 1953 khi thực dân Pháp mở trận càn lớn nhằm vào các làng xã nơi đây, trong đó có làng Đại Hoàng. Khi đó tôi 19 tuổi tham gia du kích địa phương làm nhiệm vụ cắm chông. Hôm đó lúc giặc đến thì tôi và đồng chí Huỳnh trú ẩn tại một căn hầm bí mật gần ngôi nhà Bá Bính. Bọn thực dân Pháp càn tới dùng chất hóa học bôi lên cột nhà sau đó phóng hỏa đốt.

Nhưng lúc lửa bắt đầu bén cháy thì bọn thực dân Pháp lại có kèn báo hiệu rút quân. Chúng tôi lên khỏi hầm thì thấy cột nhà đã cháy, lửa bắt đầu lan lên mái. Hai anh em vội vã dùng xô, gàu múc nước dập lửa”. Còn lần thứ 2 ngôi nhà này thiếu chút nữa bị người ta mua để xẻ ra lấy gỗ. Khi đã có người ngỏ ý mua về xẻ lấy gỗ nhưng chưa thực hiện được thì rất may có người đi nước ngoài về mua lại ngôi nhà với giá cao hơn để định cư.

Posted Image

Triến trúc mái hiên nhà cụ Bá Kiến

Nhà “Bá Kiến” - một kiến trúc độc đáo ít người biết đến

Tọa lạc trên một mảnh đất bề thế rộng 900m2. Ngôi nhà ngoảnh mặt theo hướng Tây - Nam. Cụ Huấn cho biết: “Đây là một ngôi nhà có thiết kế đặc biệt, nhà được kết cấu theo kiểu lộn thềm ngưỡng chồng, tàu bảy then trâu chồng chóp”. Nhà có 3 gian theo truyền thống người Việt Nam, 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim, chân cột được kê đá tảng là một loại đá xanh được đẽo gọt công phu giống nhau đến 99%. Mái nhà lợp duy nhất một loại ngói ta theo kiểu bít đốc, hai đầu bờ nóc có đấu vuông giật cấp. Đã hơn 100 năm nhưng vẫn chưa bị dột nát. Cửa ghép bức bàn, ngoài hiên có một hàng dãi dùng (hay còn gọi là tấm liếp) chống nắng và mưa được làm bằng gỗ. Tất cả gỗ của ngôi nhà này đều bằng lim. Trên các văng, kèo, li tô được chạm khắc nhiều chữ nho, hình rồng. Đặc biệt trên nóc nhà (thượng ốc) có khắc dòng chữ nho nói về thời gian chính xác năm làm ngôi nhà.

Cũng theo cụ Huấn: “Thời đó xi măng không có, vôi cũng đang ít, ngươi ta trộn mật mía, mù hóng vào vôi và thêm một sô phụ gia khác để làm thành hồ xây nhà. Còn gạch dùng xây tường và lát nền nhà thì được nung bằng rơm nên dù qua thời gian nhưng bức tường vẫn không hề bong tróc”

.

Posted Image

Hình con Rồng được chạm khắc tinh xảo.

Cùng với chương trình “Tìm lại Nam Cao”, năm 2004 tỉnh Hà Nam hoàn thành công trình nhà tưởng niệm nhà văn liệt sỹ Nam Cao. Năm 2007 ngành VHTT&DL tỉnh Hà Nam lưu giữ ngôi nhà “Bá Kiến” để góp phần cho việc nghiên cứu sự nghiệp của nhà văn Nam Cao.

Ngôi nhà “Bá Kiến” là một hiện vật quý giá, là một chứng nhân lịch sử của quê hương Nam Cao nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Ngành văn hóa cũng đang có biện pháp trùng tu, bảo quản để phục vụ du khách đến tham quan nghiên cứu.

Ông Trần Đức Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu nói: “Hàng ngày có các đoàn khách ở khắp nơi về đây thắp hương tưởng niệm nhà văn liệt sỹ Nam Cao và thăm ngôi nhà cổ “Bá Kiến”. Chính quyền địa phương luôn làm tốt công tác đón tiếp và giới thiệu với khách tham quan”.

Posted Image

Mái nhà lợp bằng ngói ta, qua 1 thế kỷ vẫn bằng phẳng nguyên vẹn.

Về Hòa Hậu, du khách không chỉ được viếng thăm nhà tưởng niệm, mộ nhà văn liệt sỹ Nam Cao mà còn được thưởng thức ba đặc sản nổi tiếng là: Hồng Hòa Hậu thơm ngon; chuối Ngự nổi tiếng khắp cả nước và không thể quên món cá trắm đen kho cổ truyền, bởi kỹ thuật kho món cá này chỉ có người dân nơi đây làm được.

Rời quê hương Nam Cao khi ánh đèn đã lên. Tiếng khung cửi làng nghề dệt của bà con xã Hòa Hậu vẫn vang vọng nhịp nhàng. Quê hương Nam Cao ngày nay khang trang sạch đẹp và còn lữu giữ nhiều nét văn hóa để đón chào du khách tới tham quan tìm hiểu.

Nguyễn Hải - Duy Tuyên

nguồn dantri.com

Share this post


Link to post
Share on other sites

Mới đọc cái tiêu đề, tưởng nhầm nhà Bá Kiến trên diễn đàn mình chứ. Posted Image

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đối đầu với Bá Kiến.

Người dân Đại Hoàng kể lại, khi truyện Đôi lứa xứng đôi được in ra, có người đến mách với nghị Bính. Nghị Bính nổi giận và đe sẵn sàng bán đi vài chục mẫu ruộng để cho nhà văn đi tù. Nhưng nhà văn vẫn sống đàng hoàng ở làng và nghị Bính lại càng nể sợ.

Ngôi nhà của “Bá Kiến” còn lưu giữ đến ngày nay.

Nằm khuất trong một xóm nhỏ của làng Đại Hoàng hôm nay, có một ngôi nhà xưa hoang vắng, cửa đóng im ỉm suốt ngày. Người dân trong làng cho hay ngôi nhà ấy là của ông “Bắc kỳ nhân dân đại biểu” Trần Duy Bính, thường gọi là nghị Bính khét tiếng lắm vợ, nhiều của một thời. Ông Bính là chất liệu thực tế để nhà văn Nam Cao xây dựng nên Bá Kiến trong Đôi lứa xứng đôi.

Ngôi nhà bảy đời

Về sự tích ngôi nhà này, người dân làng Đại Hoàng còn có tên gọi khác nữa là “nhà bảy đời”. Nguyên do là từ năm 1998, sở Văn hoá – thông tin Hà Nam đã mua lại ngôi nhà của nghị Bính từ tay cháu ông cai Hậu, một người dân làng Đại Hoàng đi Tân thế giới trở về Việt Nam từ năm 1962. Theo ông Trần Hữu Tá, 58 tuổi, hàng xóm của nhà nghị Bính thì ngôi nhà hiện nay khi đến sở Văn hoá – thông tin Hà Nam quản lý thì đã qua bảy đời chủ. Người con của nghị Bính khi bán nhà cho ông cai Hậu là ông T. nay đã chuyển đi xa.

Cụ Trần Hữu Ái, 87 tuổi, cũng là hàng xóm của nhà nghị Bính trầm ngâm cho tôi hay, ngôi nhà này được coi là “tổng hành dinh” của sáu dinh cơ vệ tinh khác. Trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, nghị Bính được coi là hình mẫu của Bá Kiến. Nhưng Bá Kiến trong truyện thì chỉ có bốn vợ, ngoài đời thực thì nghị Bính có tới sáu vợ, mỗi vợ một dinh cơ riêng. Với nhiều mánh khoé làm giàu, bóc lột đàn em trong làng, gia đình nghị Bính có mười mẫu ruộng thượng đẳng điền chuyên phát canh thu tô.

Ông Ái nói rằng, chẳng những anh Chí thời ấy làm tay sai đi đòi nợ thuê cho nghị Bính mà còn nhiều người khác lúc cùng đường cũng phải làm tay sai cho ông ta để kiếm miếng cơm manh áo. Ở trong làng, nghị Bính được coi là giàu nhất, nổi tiếng nhất với danh “ông nghị” nhưng cách kiếm tiền thì cũng không khác bốn cánh Bát Ngọ, Đội Tụ, Nhất Hợp và Lý Bật, đó là cho vay nặng lãi, bóc lột bằng sưu thuế, bắt phu.

Theo các cụ cao niên hiện còn sống ở Đại Hoàng kể lại rằng, sau khi truyện ngắn Đôi lứa xứng đôi được in trên Hà Nội, khi ấy, phong trào chống cường hào áp thuế, chống hủ tục nông thôn ở Đại Hoàng đã bùng lên khá mạnh, Nam Cao có mang sách về làng cho lớp thanh thiếu niên lúc đó đang được học lớp truyền bá quốc ngữ. Mọi người truyền tay nhau đọc râm ran ở xóm Đền và xóm Cổng Xây. Ai cũng bảo nghị Bính giống như Bá Kiến. Trong một dịp tụ tập ở đình làng, có người đến báo với nghị Bính rằng Nam Cao viết chuyện của làng đem bêu riếu thành sách. Nghị Bính đe sẽ vứt đi vài chục mẫu ruộng để đưa nhà văn Nam Cao đi tù.

Ông Trần Hữu Đạt kể lại rằng, trong một bữa cỗ ở làng, nghị Bính đã chủ động đến gặp cụ Trần Hữu Huệ, bố của nhà văn Nam Cao và ông Đạt, nói mát mẻ: “Ông bà sinh được người con hay chữ quá, học cao để viết sách chửi làng thì có ích gì. Sẽ có ngày tôi cho gô cổ lại”. Cụ Huệ cười, nói: “Các con tôi đã lớn khôn, chúng biết chúng phải làm gì”, làm nghị Bính càng căm tức.

Cũng theo ông Đạt, trong mấy năm ngắn ngủi theo nghiệp văn chương, Nam Cao đã lấy đa phần là nguyên mẫu của người làng Đại Hoàng. Đặc biệt, trong tiểu thuyết Sống mòn, 90% là nguyên mẫu thật, nhân vật trong truyện toàn là những anh em, họ hàng… trong gia đình, kể cả vợ con. Khi cuốn Sống mòn được in vào năm 1956 và khi đó Nam Cao mất rồi nhưng cô Phượng (trong tiểu thuyết tên là Oanh), có một thời là thư ký uỷ ban xã Đại Hoàng, vẫn còn hậm hực bảo với ông Đạt rằng “sao chú Tri lại viết về tôi như thế”, mãi sau mới nguôi ngoai.

Đối mặt

Ông Đạt cười mà rằng, nghị Bính chưa kịp ra tay thì Nam Cao đã… “ra đòn”. Số là một người bạn cùng học với Nam Cao khi ấy được bổ nhiệm là quan tư pháp của huyện nhà. Khi truyện Đôi lứa xứng đôi được in, Nam Cao đi từ Hà Nội về cũng ghé qua gửi tặng bạn. Dịp tết Nguyên đán năm ấy, các lý dịch kỳ hào của làng Đại Hoàng theo lệ phải lên huyện lễ tết quan trên. Khi chức dịch của làng vào công đường, quan tư pháp mới hay là họ cùng với quê Nam Cao, ông ta mới gửi lời hỏi thăm và gửi quà tết cho gia đình nhà văn. “Tết năm ấy, lý dịch đến chơi nhà tôi đông lắm, riêng nghị Bính không đến nhưng tỏ vẻ ngại ngùng. Họ tranh nhau kể chuyện quan huyện gửi lời thăm hỏi tận tình thế nào, chỉ khổ bà chị dâu tôi phải đun nước tiếp khách, còn ông anh tôi thì cứ tủm tỉm cười”, ông Đạt nói.

Ông Trần Hữu Đạt cho hay, trong ngày tổng khởi nghĩa 19.8, từ Đại Hoàng, Nam Cao dẫn đoàn thanh niên, trong đó có cả em trai mình là Trần Hữu Đạt tham gia cướp chính quyền huyện Lý Nhân. Chính Nam Cao là người soạn diễn văn cho lãnh đạo Việt Minh trước buổi lễ ra mắt chính quyền huyện Lý Nhân, trong khi đó vị quan tư pháp, bạn cùng học với Nam Cao, đã dông tuốt về Hà Nội. Sau đó, Nam Cao về làng tham gia công tác địa phương và giữ chức vụ chủ tịch uỷ ban hành chính kháng chiến xã Đại Hoàng. Khi Nam Cao nhậm chức được vài ngày, trong lúc dẫn dân quân đi tuần trên đường có gặp nghị Bính. Ông này đã đứng nép vào bên đường, chắp tay chào ông chủ tịch của chính quyền mới. Nam Cao đứng lại, ôn tồn chào hỏi nghị Bính như với một người dân cao tuổi trong làng. Sau Nam Cao thoát ly địa phương đi kháng chiến thì ở làng, nghị Bính vẫn thỉnh thoảng nói chuyện với các ông kỳ mục cũ, ca ngợi Nam Cao là người nhân đức.

Ông Trần Hữu Tá, hàng xóm của nghị Bính, cho biết, khác với cái kết trong truyện của Nam Cao, ông “Bá Kiến” nghị Bính đến cải cách ruộng đất mới chết chứ không phải bị “anh Chí” đâm chết. Con cháu của ông nghị khét tiếng ngày xưa nay ai cũng làm ăn khấm khá, và họ rất ít qua lại thăm ngôi nhà cũ vì đã qua đến bảy đời chủ. Còn làng Đại Hoàng hôm nay, làng Vũ Đại của Nam Cao xưa, nay đã là làng nghề nổi tiếng về dệt vải của tỉnh Hà Nam. Nó còn có nhiều tên gọi nữa như làng đặc sản vì ở đây có ba món nức tiếng toàn quốc: cá kho Vũ Đại, hồng Nhân Hậu và chuối ngự Đại Hoàng.

bài và ảnh: Đỗ Hữu Lực

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay