phoenix

Luận về danh nghĩa Ấn, Thực, Tài, Quan

2 bài viết trong chủ đề này

Dưới đây là bài viết của một người nghiên cứu về Tử Bình mà Phoenix sưu tầm. Bài viết trình bày liền một mạch hơi khó xem nên mạn phép tác giả Phoenix đã chỉnh sơ về ngắt đoạn để dễ theo dõi.

Mời ACE tham khảo!

Luận về danh nghĩa Ấn, Thực, Tài, Quan của người xưa lập nên

Từ Tử Bình luận cách cục độc chỉ có lấy 4 vị là: tài, ấn, quan, thực làm đề cương để lập danh nghĩa. Nói rằng: Tạo hoá lưu hành trong trời đất chẳng qua chỉ là âm dương ngũ hành mà thôi. Âm dương ngũ hành tương giao làm dụng chẳng qua chỉ là sinh khắc chế hoá. Nay lấy Giáp Ất là ví dụ, lấy can ngày để luận.

Giáp Ất tại ngũ hành thuộc mộc, Giáp là dương mà Ất là âm, như mệnh người sinh được Giáp Ất là nhật chủ thuộc về bản thân vậy. Sinh ta là Nhâm Quí, ta sinh ra là Bính Đinh hoả, khắc ta là Canh Tân kim, ta khắc là Mậu Kỷ thổ thế là tròn vòng 10 can.

Sinh ra ta có nghĩa cha mẹ cho nên lập danh là ấn thụ, ấn là ấm mà thụ là được cho vậy, ví như cha mẹ có ân đức thụ ấm cho con cháu, con cháu được hưởng thụ cái ấm phúc đó. Triều đình phân chia quan chức lấy ấn thụ để quản về quan chức. Quan mà không có ấn thì lấy gì làm bằng cứ? Người không cha mẹ thì dựa vào đâu? Lý này chỉ một mà không có hai cho nên gọi là ấn thụ.

Ta sinh ra có nghĩa con cháu cho nên lập danh là thực thần, thực là như côn trùng ăn thực vật, ăn thực vật mà no, được ăn thì ích mà bị ăn thì tổn, tạo hoá thành con cháu thì phải nuôi dưỡng, tức nuôi dưỡng là cái đạo làm cha mẹ vậy, cho nên gọi là thực thần.

Khắc ta tức là ta bị người chế phục cho nên lập danh là quan sát. Quan là quản mà sát là hại vậy.

Ta khắc là người khác bị ta chế phục nên gọi là tài, như người thành gia lập sản cần có thê thất nội trợ nên gọi là thê tài.

Bốn cái đó các thuật gia lập danh nghĩa đại lược,sát thì gần ở thân mà khắc cách ở vị, tạo hoá ưa sinh mà ghét sát ấy là lý tự nhiên, trong khoảng âm dương theo loại âm dương phối hợp mà mọi cái đều có cái lý để tồn tại. Sinh ta, ta sinh như Nhâm sinh Giáp Quí sinh Ất, Giáp thực Bính mà Ất thực Đinh là âm sinh âm dương sinh dương, âm thực âm, dương thực dương là âm dương mỗi cái theo loài của nó, cho nên Giáp ưa Nhâm sinh tử mộc vì tử mộc nuôi trong nước thì qua nhiều năm cũng không bị hoại mà không ưa Quí sinh tử mộc vì tử mộc bị nước mưa dầm nát không qua nổi một năm thì mục nát, Giáp ưa thực Bính, lấy Bính chế Canh thì Giáp được yên thân, không ưa thực Đinh vì Đinh hay làm thương quan làm cho Giáp không thể thành tài, nghĩa của nó là như vậy. Khắc ta, ta khắc như Tân khắc Giáp, Canh khắc Ất, Giáp khắc Kỷ, Ất khắc Mậu là âm khắc dương, dương khắc âm, âm phối dương, dương phối âm là cái lý của âm dương phối hợp, cho nên Giáp lấy Tân là Chính quan, thấy Canh là Thiên quan.

Quan thì thích chính mà không thích lệch (ngày nay gọi là làm cấp phó). Chưởng ấn trợ giúp chức vị cũng có cái bất đồng. Giáp thấy Kỷ làm chính thê thấy Mậu là Thiên thê. Vợ thì quí ở chính chứ không quí ở thiên (lẽ) đó là cái lý để phân biệt vậy (người xưa đã rất coi trọng quan điểm một vợ nhưng để đạt cái oai danh trong xã hội là cần thiết có thiên- vợ lẽ, đó là cái rắc rối của loài người vậy). Quan thì sợ bị thương, bị thương ắt là hoạ; tài sợ bị cướp (kiếp), bị kiếp ắt là phân tán; ấn thì sợ tài, tham tài thì phải hại ấn. Thực thần sợ Kiêu (thiên ấn), gặp Kiêu ắt bị đoạt mất (mẹ ghẻ có ưa gì con chồng từ xưa nay), lý này đối với con người thì chỉ có một mà thôi, kẻ học có hiểu được việc đời thì mới nói chuyện được với Tạo hóa vậy.

Ngũ hành vận động sinh khắc thì con cái có cái nghĩa báo thù cho cha mẹ, cho nên Giáp Ất sinh Bính Đinh làm con, Giáp Ất sợ Canh Tân nên dựa vào Bính Đinh để khắc chế lại, 10 can và 12 chi lý cũng như thế, tuy động tĩnh khác nhau mà sinh khắc chỉ là một mà thôi, rằng Bắc phương Hợi Tý thủy sinh cho Đông phương Dần Mão mộc, Đông phương Dần Mão mộc sinh cho Nam phương Tị Ngọ hoả. Thổ nhờ sinh vượng ở hoả mà sinh Tây phương Thân Dậu kim, Tây phương Thân Dậu kim lại sinh cho Bắc phương Hợi Tý thủy.

Tuy nhiên giữa Hợi Tý có một vị Sửu sau mới tiếp đến Dần Mão, giữa Dần Mão lại có một vị Thìn mới đến Tị Ngọ, giữa Tị Ngọ lại có một vị Mùi mới đến Thân Dậu, giữa Thân Dậu có một vị Tuất thì mới đến Hợi Tý, thổ ở tứ duy mà mà ngũ hành cân bằng là như vậy. Tị Dậu hợp Sửu mà thành Kim cục, Thân Tý hợp Thìn mà thành Thủy cục, Hợi Mão hợp Mùi thành Mộc cục, Dần Ngọ hợp Tuất thành Hỏa cục. Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ lại sinh Kim cứ thế tương sinh mà không dứt. Sửu là Kim kho sinh Hợi Tý mà khắc Dần Mão, Thìn là Thủy kho mà khắc Tị Ngọ mà sinh Dần Mão, Mùi là Mộc kho sinh Tị Ngọ mà bị kim khắc , Tuất là Hoả kho khắc Thân Dậu mà bị Thủy chế. Đông Nam chủ sinh, Tây Bắc chủ Sát đó là then chốt của tạo hóa vậy. Thìn Tuất Sửu Mùi an ở Tứ duy thì kim thủy hoả mộc còn dựa vào mà sinh tàng, Kinh Dịch nói : Thành ngôn hồ Cấn, chung ngôn hồ Khôn đó là công dụng của thổ đối với ngũ hành là lớn lắm vậy.

Tổng hợp cả can chi lại mà nói thì Giáp sinh ở Hợi tử ở Ngọ, Ất sinh ở Ngọ tử ở Hợi, tựu lộc ở Dần Mão là Giáp Ất đồng ở Dần Mão vậy.Bính sinh ở dần tử ở Dậu, Đinh sinh ở Dậu tử ở Dần tựu lộc ở Tị Ngọ cho nên Bính Đinh đồng ở Tị Ngọ. Canh sinh ở Tị tử ở Tý, Tân sinh ở Tý tử ở Tị tự lộc ở Thân Dậu nên Canh Tân đồng ở Thân Dậu. Nhâm sinh ở Thân tử ở Mão, Quí sinh ở mão tử ở Thân tựu lộc ở Hợi Tý nên Nhâm Quí Hợi Tý đồng vậy. Mậu sinh ở Dần tử ở Dậu, Kỷ sinh ở dậu tử ở dần tựu lộc ở Tị Ngọ cùng với Hoả đồng vị. Đó là nghĩa con theo mẹ mà vượng mà Thìn Tuất Sửu Mùi đều chính vị của nó do là Thiên can Địa chi tương hợp phối ngẫu sinh khắc chế hoá vượng tướng hưu tù mà có tên là ấn là kiêu là thực là thương là quan là sát là tài là kiếp, hình xung phá bại hư du ám hợp mà biến hóa vô cùng. Từ Tử Bình biết khai phá được lý này nên chỉ luân về tài quan ấn thực, phân chia làm sáu cách mà cái phú quí bần tiện thọ yểu cùng thông của một mệnh người không thể ngoài nó được. Các cách khác cũng không quá thế mà suy ra.

Nguyễn Công Nguyên

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bài này nói đến "người xưa" lập là rất phải, ngày nay, quan niệm về ấn tài quan có nhiều thay đổi, tuy rằng giá trị cơ bản của sự việc vẫn là một. Các tiền bối trước cho rằng môn bói toán đều dành giải đoán cho nam, còn nữ thì không cần! Hễ chồng tốt thì vợ tốt, chồng xấu thì vợ xấu. Bây giờ người ta xem tứ trụ cho phụ nữ phần nhiều ngang như nam, cũng có ấn, cũng có tài, cũng có quan, vì phụ nữ ra chính trường, thương trường quá nhiều rồi. Đàn ông không cần lấy vợ lẽ để "ra oai" một cách chính danh nữa mà ngược lại âm thầm, dấu diếm, không thì phải ly dị rồi mới kết hôn lại được. Trong gia đình, phụ nữ làm gia trưởng không phải là ít, nuôi dạy con cái và giáo dục chúng có khi trội hơn cả chồng.

Nhưng vấn đề của Tử bình và cả các môn từ Dịch học mà ra nếu không cần viết lại từ chương mà chỉ cần thay đổi quan niệm "nam trọng nữ khinh" không rõ là đủ chưa?

Share this post


Link to post
Share on other sites