Thiên Sứ

“Quan lang xứ Mường” - bộ sưu tập độc nhất vô nhị của một… ông chủ khách sạn!

2 bài viết trong chủ đề này

“Quan lang xứ Mường” - bộ sưu tập độc nhất vô nhị của một… ông chủ khách sạn! Thứ sáu, 3/10/2008, 07:00 GMT+7

1. Có một cư dân thành phố Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình) đang sở hữu một bộ sưu tập công phu về cuộc sống của các quan lang (tầng lớp thống trị) người Mường cổ được các chuyên gia đánh giá là hết sức độc đáo. Đó là anh Bùi Thanh Bình. Vốn học trường văn hoá nghệ thuật, say mê nghiên cứu các nhạc cụ cổ xứ Mường, say mê lang thang núi rừng sáng tác ảnh; và thành công trong kinh doanh ẩm thực “Cơm lang mường Động” tại khu du lịch tắm nước nóng Kim Bôi, nay là Giám đốc một khách sạn cũ kỹ từ thời chuyên gia Liên Xô sang ta để xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Trong quá trình đi đủ bốn Mường (Pi, Vang, Thàng, Động) của cái nôi của người Mường Việt Nam (tỉnh Hoà Bình), anh Bình chợt giật mình: cuộc sống xưa, phong tục xưa, những nếp nhà và vật dụng xưa của thôn dã xứ Mường, của cha ông ta ở nơi thôn ổ cứ mất dần như một điều không thể khác. Từng cái nơm úp cá, từng cái bẫy thú thô sơ “nguyên thủy” cho đến những vật dụng sang trọng, độc đáo của quan lang người Mường dần trở nên xa lạ con cháu chúng ta và… chính bản thân chúng ta. Có cách gì níu giữ những vật dụng mến thương, lành lẽ và mang tải nhiều lớp lang văn hoá của “ải êm, bố mế” (cha ông) chúng ta không?

Từ bấy, anh Bình dấn thân vào cuộc sưu tầm, tôn vinh các vật dụng của nơi thôn ổ, của tầng lớp quan lang người Mường. Nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia bảo tàng đến thăm khu trưng bày của Bùi Thanh Bình, ai nấy giật mình: lần đầu tiên chúng ta có một chuyên đề trưng bày chuyên đề về cuộc sống của các quan lang người Mường cổ. Một cuộc sống vương giả, hoang sơ, đôi khi trọc phú, đôi khi ỏn sót và toát lên sự sách nhiễu của tầng lớp thống trị trong chế độ phong kiến xưa. Nhưng, trên hết, những kỷ vật của quan lang người Mường cho ta hiểu về một thời lịch sử. Cái thời hầu như chúng ta chưa biết đến nhiều, cái thời đã từng bị hắt hủi với nhiều định kiến hẹp hòi. Cái thời mà, dù nó là gì đi nữa, những hễ nếu chúng ta quên lãng nó thì chúng ta có tội với lịch sử; với chúng ta và con cháu chúng ta.

Quan lang (lang cun, lang đạo), nói nôm na là tầng lớp quý tộc, tầng lớp thống trị của đối với khổ dân người Mường dưới chế độ cũ. Cánh quan lang vùng Mường cứ hiểu đơn giản họ cũng như là cánh quan phủ, trấn, xứ hay chánh tổng - lý trưởng - sắc dịch ở nông thôn Bắc Bộ trước đây. Cách mạng đã diệt ngoại xâm, quét bỏ “bóng ma” chế độ phong kiến, tầng lớp quan lang biến mất. Cái thời giai cấp thống trị quan lang kia bản chất là gì; đúng sai, thiện ác, rều rác hay tinh hoa văn hoá thì hãy để cho lịch sử phán xét. Lịch sử đã phán xét và còn tiếp tục phải phán xét. Nhưng, những gì Bùi Thanh Bình đang trưng bày trong ngôi nhà sàn gỗ cổ kính, dựng đủ 2 tầng ở ven thị xã Hoà Bình kia thì chúng ta cần tôn trọng như những hiện vật bảo tàng. Nó giúp ta mường tượng về một không gian, một góc nhỏ của thế giới quan lang người Mường xưa.

2. Một cái vòng tay bóng đen bóng đỏ nước đồng đun nấu hun đúc gò rũa thiếu chuyên nghiệp. Nó đã được làm thủ công, dĩ nhiên là độc bản, với sự kỳ khu và thiếu thốn. Những vết nối được cuốn lại bằng dây đồng màu đỏ au, cuốn ken dày như một cái biến thế điện! Nhưng chiếc vòng gia bảo truyền đời của nhà lang ấy, đã thành công trong việc thể hiện một thế giới quan ngộ nghĩnh, phong phú, cổ sơ của người chế tác - sử dụng: dọc vòng tròn phía ngoài của chiếc vòng là hình một cá thể thuộc họ bò sát (như con khủng long), con khỉ, con voi, con cầy con cáo gì đó (5 con) nối đuôi nhau đi mãi về một hướng.

Posted Image

Chiếc vòng của con cháu nhà lang, đúc buộc rất thô ráp, mộc mạc; có hình các con thú chạy vòng quanh rất ấn tượng.

Ảnh: Lãng Quân.

Cạnh đó là một bộ triện của quan lang. Nó xù xì như khối gang đúc hỏng. Nếu hình dung theo như cơ cấu của cái triện ngày nay thì phần chứa mực cũng đúc bằng gang, khá nặng. Chữ viết theo lối chữ “Triện” (?) được khắc ngược (tượng hình) loằng ngoằng. Điều đặc biệt, khi đặt ngay ngắn “quả triện” lên mặt bàn công vụ của quan lang thì hình một ngài rồng ngậm ngọc với mắt, mũi, miệng, móng, với cả những đám mây vần vũ rất rõ rệt. Nó mang vóc dáng của một “quốc ấn” của các vị đế vương xưa?

Posted Image

Posted Image

Bộ triện đúc bằng gang, có hình đầu rồng ngậm ngọc, sưu tầm được ở một gia đình có dòng dõi quan lang. - Ảnh: Lãng Quân.

Cũng liên quan tới cuộc sống quan lang người Mường xưa (cùng với rất nhiều hiện vật bày kín khu nhà sàn 2 tầng), ông Bình còn mua lại được của con cháu nhà lang vùng Mường Bi một cái tẩu hút thuốc lá rất tay chơi do một viên công sứ người Pháp tặng lại nhà quan. Tẩu có ống làm bằng xương thú khoét rỗng, mài nhẵn. Các khấc xương có bịt bạc trắng. Phần nhồi thuốc của ống tẩu được đẽo bằng đá, hoa văn cầu kỳ.

Posted Image

Chiếc tẩu hút thuốc, bịt viền bạc ở hai đầu, ống hút làm bằng xương thú rừng khoét rỗng, phần thân tẩu làm bằng đá quý được “điêu khắc” mang dáng đầu rồng! Theo Bùi Thanh Bình, người đàn ông từng nhiều năm hút cái tẩu lạ này là một vị quan lang, ông ta đã được một viên Công sứ người Pháp tặng. - Ảnh: Lãng Quân.

Xứ Mường xa xôi, nên cái gì của nhà quan cũng ít nhiều liên quan tới rừng rú. Một bộ sưu tập bẫy thú độc đáo: những cái bẫy kẹp (giữ) chân thú làm bằng gỗ, vót nhẵn, trang trí cầu kỳ như cung nỏ cung kiếm của vua chúa ngày xưa. Một con dao nhỏ dùng hằng ngày, sắt thép cũng rất bình thường, nhưng chuôi dao làm “phung phí” bằng cả một cái răng hổ to bằng chuôi liềm! Cụ hổ bị giết có lẽ nặng phải vài tạ. Qua thời gian, dao đã gỉ hoen, nhưng chiếc răng hỏ vẫn bóng nhoáng, gồ lên như quả chuối mắn, thật oai dũng. Dao và răng hổ được gắn với nhau bẳng lớp bạc bịt chạm khắc tỉ mỉ.

Posted Image

Con dao, với phần chuôi, nửa là một chiếc răng hổ khổng lồ, nửa được bịt bạc trắng hoa xòe, với những hình khắc cầu kỳ. Một cái thú mà có lẽ chỉ… nhà lang độ ấy mới dám “chơi ngông”. - Ảnh: Lãng Quân.

Một thanh kiếm cong như kiếm… Nhật, chuôi kiếm cũng nhọn hoắt, u mấu. Bởi nó được làm bằng cái sừng cứng như sắt, vừa nhẵn bóng, lại vừa tua tủa lông lá (ở chân sừng) của đám con nai, con hoẵng khổng lồ! Một chiếc súng to như khẩu AK, nhưng hoàn toàn bằng gỗ, dây rừng và dây… chun to, nó là súng tự chế nguyên sơ nhất, bởi đạn của nó là những mũi sắt uốn con hình chữ vê (V), khi bắn hai đầu nhọn của mũi tên sắt đều cắm phập vào con thú.

Tôi tin rằng, sẽ không nhiều “bộ tộc” ở đâu trên thế giới này còn có được những món đồ trang sức được sáng tạo ngẫu hứng như góc nhà lang sau nách núi vùng cửa ngõ Tây Bắc kia. Một sợi vòng bạc đeo trên cổ quý tử con nhà lang. Rủ xuống ngực cậu ta là hai cái vuốt hổ cong veo, sắc như nước, vuốt hổ được xắp xếp đấu chân vuốt vào nhau, hai đầu nhọn thò sang hai bên, khum hình chữ U, thêm trang trí bạc nữa, trông nó như cái mặt hổ phù. Riêng trong căn phòng trưng bày đồ vật nhà lang của anh Bình, có tới hàng chục con dao có chuôi được chế tác từ sừng nai. Nắp dao đẽo bằng gỗ, hình một con cá mương dài ngộ nghĩnh. Điều thú vị là: (có lẽ một vị quan lang đủng đỉnh thích an hưởng thú điền viên nào đó đã tự nghĩ ra điều này và bắt đám kẻ hầu người hạ phải làm) một chiếc sừng trâu khổng lồ được khắc hình rồng để làm cái “chuyên” (múc) rượu cần – gọi là “sừng rượu”. Người “tiêm” rượu sẽ dùng cái sừng trâu hình rồng râu dài, thân lớn (giống như rồng ở Hoàng thành Thăng Long) ấy để đong rượu đổ vào hũ rượu cần mời khách.

Posted Image

Chiếc sừng trâu dùng để đong các “sừng” rượu cần, cũng được nhà lang cho khắc hình đầu rồng kỳ khu đến độ… “vương giả”. Ảnh: Lãng Quân.

3. Độc đáo, thú vị nhất trong bộ sưu tập, có lẽ phải kể đến hàng chục chiếc súng săn của nhà quan lang. Súng hoả mai tự chế, dây đeo bằng da thú tự thuộc. Riêng bộ túi nhà quan đeo ở lưng khi đi săn cũng đã lại là độc nhất vô nhị. Có anh đeo túi bằng da thú, da thuộc thủ công, sơn màu đỏ sậm như rượu vang. Trong túi là những vách ngăn bằng gỗ. Có những ống tròn như quả táo đẽo bằng gỗ, mài nhẵn bóng để chứa và nhồi thuốc nổ (súng hoả mai bắn đạn ghém). Những ống nhồi đạn làm bằng gỗ quý, vỏ ống có bịt vòng quanh bằng da ống chân (?) con hươu con nai để nguyên cả lông. Cầm lọ thuốc súng nhỉnh hơn cái chai pinixilin một tý, thấy ram ráp toàn da và lông thú rừng…

Giờ chúng ta không cho phép săn bắn thú dữ; chúng ta cũng khuyến cáo không nên sử dụng răng nanh, lông lá và các sản phẩm của thú rừng để làm vật trang trí; cuộc sống nguyên sơ như cỏ cây của cái thời mà Bùi Thanh Bình đang trưng bày cũng đã không còn tiếp diễn nữa; những cống hiến và tội ác của nhà lang (nếu có) cũng đã được xếp vào là câu chuyện của lịch sử - do thế, những hiện vật mà ông chủ khách sạn Bùi Thanh Bình công phu sưu tầm được nó mang tính chất phong tục, văn hóa và sử liệu là chính. Điều mong muốn của chúng tôi, cũng là nguyện vọng của Bùi Thanh Bình, là mong sao các hiện vật độc đáo kia sớm được Bảo tàng Dân tộc học hay một Bảo tàng nào đó ở Hà Nội “mời” về trưng bày chuyên đề xứng tầm, để đông đảo bà con của chúng ta cùng chiêm ngưỡng./.

Lãng Quân (Vietimes)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay