Posted 14 Tháng 3, 2011 Kính thưa quí vị quan tâm. Về vấn đề cổ sử Việt, nói chính xác hơn là cội nguồn Việt sử thời Hùng Vương dựng nước, mở ra một bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt. Tất cả những ai có tìm hiểu về lịch sử đều biết một quy ước rằng: Lịch sử của một dân tộc chỉ được coi là bắt đầu từ khi dân tộc đó lập quốc. Bởi vậy, lịch sử cội nguồn dân tộc bắt đầu từ thời Hùng Vương đặc biệt quan trọng trong lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt quan niệm như thế nào về cội nguồn lịch sử của mình sẽ có tính quyết định quan trong đến tương lai của cả dân tộc này. Đây cũng là suy nghĩ của tiến nhân và các lãnh tụ qua nhiều thời kỳ của dân tộc Việt. Đã có nhiều quan niệm khác nhau về vấn đề này. Nhưng nói chung quan niệm phổ biến nhất và đượcc nhiều nhà nghiên cứu có vẻ ủng hộ nhất - khiến cho ông Nguyên Anh Hùng viết công khai trên tập san Kiến thức ngày này là "Được hầu hết các nhà khoa học trong nước" và "Cộng đồng khoa học thế giới ủng hộ" - là: Thời Hùng Vương cùng lắm chỉ là một liên minh 15 bộ lạc, hoặc cùng lắm là một nhà nước sơ khai" với "Địa bàn hoạt động chỉ ở đồng bằng sông Hồng" và "thời gian hình thành chỉ khoảng thế kỷ thứ VII trước CN". Một trong những người ủng hộ quan điểm này là ông Ta Chí Đại Trường - một nhà nghiên cứu khá tên tuổi ở hải ngoại với bài viết tương đối cập nhật. Bởi vậy, chúng tôi đưa lên đầy để các quí vị quan tâm tham khảo và chúng tôi sẽ chỉ ra sai lầm quan trong của luận điểm phủ nhận gia trị văn hóa sử truyền thống của ông Tạ Chí Đại Trường và của cái "hầu hết" và "cộng đồng" nói chung. Tôi đưa lên đây bài viết của ông Ta Chí Đại Trường để quý vị tham khảo và sau đó là sự phân tích của chúng tôi chỉ ra sai lầm của ông ta. Cá nhân tôi luôn xác định rằng: Việt sử 5000 năm văn hiến với thời điểm lập quốc của dân tộc Việt tính từ thời Hùng Vương, một thời huyền vĩ ở miến nam sông Dương tử và là cội nguồn văn hóa Đông phương chính là chân lý cuối cùng. Trong nội dung bài viết của ông Ta Chí Đại Trường mà chúng tôi giới thiệu dưới đây, có một số đoạn ngắn không liên quan đến học thuật chúng tôi lược bỏ. Cảm ơn sự quan tâm của quí vị. ============================================== Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt người Việt Một lối nhìn khác “…các sử gia ngày nay khi muốn bênh vực một ý kiến nào thường hay viện dẫn nhiều người, lấy số đông biện minh cho chân lí, song sự thật ra đó cũng chỉ là ý kiến của một người rồi người sau chép của người trước mà thôi…” Tạ Chí Đại Trường MỤC LỤC Chương 1 Các điều kiện hình thành lối nhìn truyền thống I. Vấn đề sử liệu: hiểu biết từ quá khứ II. “Truyền thống” tiếp tục mở rộng Chương II Một truyền thống khuất lấp: dòng sử kí tăng đạo I. Chức quyền ghi chép sử đầu tiên: một tăng sĩ II. Dòng sử kí tăng đạo: (1) Thập nhị nhân duyên và sấm kí; (2) Các điềm lành và tác động củng cố thời đại; (3) Quá khứ được giữ lại bên ngoài ý thức hệ của sử quan tăng, nho sĩ. Chương III Nước Việt nhìn theo độ dài thời gian I. “Bốn ngàn năm” của sử kí Việt về Hùng Vương II. Lịch sử quan niệm về Hùng Vương III. Tại sao Hùng Vương? Tinh thần độc lập dân tộc và tinh thần đồng văn quốc tế: (1) Lê Văn Hưu và tinh thần độc lập quốc gia; (2) Ngô Sĩ Liên và sự tự tín của thời đại; (3) Ngô Thì Sĩ và tinh thần đồng văn có cấp bậc IV. Hùng Vương trong hiện tại: (1) Bước ngoặt lịch sử cho sử gia Việt; (2) Hùng Vương trong hai mươi năm phân chia: (2a) Hùng Vương của Việt Nam Cộng hoà và di chứng: triết lí huyền sử; (2b) Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và nền sử học tranh đấu; (3) Sự sa sút của một nền sử học mất định hướng. Chương IV Sử Việt nhìn theo tính cách diện địa I. Ý niệm khởi đầu: đồng bằng và rừng núi II. “Nam tiến” trong sự phức tạp nhân chủng: (1) Vấn đề đối với các tập đoàn dân tộc Chàm, Khmer; (2) Vấn đề đối với những tập đoàn nhỏ. III. Các khu vực quyền lực: (1) Làng và nước; (2) Cụm Thanh Nghệ Tĩnh và đồng bằng sông Hồng; (3) Cụm Thuận Quảng và Bình Định; (4) Cụm Đồng Nai - Gia Định IV. Ý thức Nam tiến ở thế kỉ XX Chương Kết “Lối nhìn khác” và con Rồng cháu Tiên THƯ MỤC CHƯƠNG I CÁC ĐIỀU KIỆN HÌNH THÀNH LỐI NHÌN “TRUYỀN THỐNG” Dù là thiếu sót theo như những đòi hỏi thời bây giờ, nhưng so với các quốc gia nhỏ chung quanh, sử kí Việt đã có từ khá sớm, và liên tục. Sự giao tiếp với Trung Hoa, một nước có văn tự nhiều ngàn năm đã khiến cho người Việt biết về tập đoàn dân tộc mình một thời gian dài gấp đôi những gì người trong nước viết từ thời độc lập ở thế kỉ X. Những lời kể chuyện truyền đời vốn thường có trong các dân tộc không chữ viết đã được tầng lớp trí thức trong nước, tầng lớp nho sĩ, mượn chữ Hán để ghi chép lại. Lí Tế Xuyên (1329) nhờ đến “những nghe ngóng ít oi”, Hồ Tông Thốc/Xác (nửa sau thế kỉ XIV) “căn cứ vào tục truyền... nhờ các cụ già kể chuyện”. Trên triều đình thì có các sử quan trong các Quốc sử viện, Quốc sử quán chép các sự biến của các triều đại, lập thành bộ sử chính thức cho dân nước. Ưu thế liên tục, rành rẽ tạo nên do tầng lớp trí thức nho gia đó, không những đã che lấp một quá khứ không như họ nghĩ mà còn trở thành tiếng nói có thẩm quyền, thành truyền thống cho người đời nay đắp đổi thêm với tâm tình hiện đại để trở thành một mối tin tưởng vững chải, khó lay chuyển. I. VẤN ĐỀ SỬ LIỆU: HIỂU BIẾT TỪ QUÁ KHỨ Sử liệu tạo nên truyền thống đó không nhiều – chính vì không nhiều, không có tiếng nói khác nên truyền thống càng vững. Chúng ta thấy các sử gia ngày nay khi muốn bênh vực một ý kiến nào thường hay viện dẫn nhiều người, lấy số đông biện minh cho chân lí, song sự thật ra đó cũng chỉ là ý kiến của một người rồi người sau chép của người trước mà thôi. Bộ sử chính thức của nhà nước được in toàn vẹn đầu tiên năm 1697 (thực hiện đến năm 1675), có tên là Đại Việt sử kí toàn thư mà các nhà nghiên cứu ngày nay thường gọi tắt là Toàn thư. Đó là một tập họp của các sử quan nhiều đời, người sau lược bỏ, thêm thắt công trình của người trước mà thành. Các sử quan được kể ra là Lê Văn Hưu (soạn sách 1272), Phan Phu Tiên (1455), Ngô Sĩ Liên (1479), Vũ Quỳnh (1511), Phạm Công Trứ (1665), Lê Hi (1697). Tên Đại Việt sử kí toàn thư là của Ngô Sĩ Liên khi viết dâng lên Lê Thánh Tông năm 1479, được giữ lại cho toàn bộ sách 1697. Các tác giả là những nho gia, là người ghi nhận các sự kiện tại chỗ trong nước nhưng đều có khuôn mẫu nhận định sự việc, biên chép sử sự từ các tác giả Trung Quốc, trên hết là khuôn mẫu kinh Xuân Thu của Khổng Tử, và gần gũi họ là tư tưởng, sách sử của các Tống Nho thành danh như Tư Mã Quang, Chu Hi. Kiến thức Nho học của họ là của Tứ Thư Ngũ Kinh, thâu nhận với mục đích đi thi làm quan, nhưng sự ứng dụng lại tuỳ thuộc vào tình thế thăng trầm của bản thân họ trên triều đình, của tầng lớp họ trong nước, nên chúng ta cũng thấy ảnh hưởng đến những gì họ để lại cho chúng ta ngày nay, nếu chịu khó phân tích, biện luận. Sử kí Việt, được triều đình ghi nhận chính thức với tên tác giả, có tựa đề là Đại Việt sử kí (ĐVSK) của Lê Văn Hưu. Người ta cũng nói đến tên một sử quan đời Trần trước đó là Trần Chu Phổ mà Lê Tắc/Trắc (hàng Nguyên năm 1285) trong An Nam chí lược của ông, ghi là Trần Tấn/Phổ (hai chữ “phổ” và “tấn” dễ lẫn với nhau). Và do Lê Tắc, người ta cũng biết mối liên hệ giữa hai sử quan với một quyển sách gọi là “Việt chí”: “Trần Tấn... từng làm Việt chí... Lê Hưu sửa Việt chí”. Nhưng theo chúng tôi, không có một quyển sử chính thức nào có tên là “Việt chí” cả. Lê Tắc chỉ nói về một tiến trình soạn thảo sử Việt mà ông biết do hai người làm ra. “Sách ghi chép về nước Việt”, “Việt chí” đó cuối cùng, nhờ tên Lê Văn Hưu kèm theo cho ta biết, có tên là Đại Việt sử kí. Sự thiếu sót trong lối biểu hiện ý tưởng của chữ Hán, cộng thêm những định kiến của người thời nay đã tạo nên sự lầm lạc đó: Lối dịch thông thường “Trần Tấn/Phổ từng làm sách Việt chí... Lê Hưu sửa sách Việt chí” ở đây là một minh chứng. Chúng ta sẽ nói nhiều về tình trạng này. ĐVSK đã tan biến trong sách của Ngô Sĩ Liên, trừ những phần bình luận của tác giả. Tuy nhiên, người ta nghi ngờ hữu lí rằng tinh thần sách và một số chi tiết sự kiện mang tính thời đại, còn giữ lại trong một quyển sử lược cuối đời Trần, nhiều hơn là ở sách của Ngô Sĩ Liên. Quyển Đại Việt sử lược (ĐVSL) đó lưu lạc sang Trung Quốc, có lẽ trong vụ tịch thu sách vở của thời Minh thuộc, được phát hiện lại vào đời Thanh và đưa vào bộ Tứ khố toàn thư (hoàn thành 1782), trở thành tài liệu sử xưa nhất viết từ trong nước, còn sót lại ngày nay. Trái với nhiều ý kiến phân vân khác, chúng tôi cho rằng đây là tác phẩm xuyên suốt của chỉ một tác giả viết trong khoảng 1377-1388, mà phần giữa từ Triệu Đà đến hết đời Lí có thể là tóm lược của ĐVSK – việc theo sát sách có trước là một thói quen tập thành của các nho gia soạn sách như đã từng xảy ra, có lẽ còn vì lí do không có quyển sử nào khác ngoài quyển của triều đình. Đại Việt sử kí toàn thư (1479) của Ngô Sĩ Liên mang tính chính thống cho toàn bộ sách Toàn thư vì đã mang vào đó ông Quốc tổ Hùng Vương của đời sau, cùng các vua tôi, anh hùng cứu nước vốn là những vị thần được thờ cúng từ trong dân chúng, có người sâu tận trong thời sơ sử. Trong lời tựa, Ngô có nhắc độc nhất đến một tên sách, không chính thức như loại của triều đình, mà ông tán thưởng, là Việt sử cương mục (VSCM) của Hồ Tông Thốc/Xác, người hiện diện trong các năm 1372, 1386. Tuy không nói ra nhưng chắc ông sử quan còn biết đến một tên sách khác cùng tác giả, đó là Việt Nam thế chí (VNTC) trong đó “quyển” (theo tiêu chuẩn ngày nay thì có thể gọi là “chương”) Một chép thế phổ 18 đời Hồng Bàng, quyển Hai dành cho nhà Triệu. Theo cách giới thiệu ngắn ngủi của Phan Huy Chú thì có vẻ ông này đã theo Ngô Sĩ Liên mà cho rằng sách VSCM đã thất truyền, nhưng với chính ông thì tựa hồ VNTC còn thấy được (ít ra là những mảnh vỡ) đến cuối thế kỉ XVIII vậy. [1] Tuy VSCM thất truyền nhưng hẳn Ngô Sĩ Liên có đọc, nên mới đưa ra lời khen về phương pháp viết sử của tác giả. Ngờ rằng với ghi nhận ở Toàn thư, Hồ Tông Thốc “tuổi trẻ, đỗ cao, thọ đến 80 tuổi, chết ở nhà” có nghĩa là ông có thể sống qua hồi Minh thuộc, và Ngô Sĩ Liên thọ đến 98 tuổi, tiến sĩ năm 1442, như thế hai người có thể biết (tiếng) nhau, do đó cũng dễ cùng chia sẻ tư tưởng. Nhưng những chi tiết ở Toàn thư về các “nhân vật lịch sử” mới được đưa vào sau Lê Văn Hưu khiến ta nghĩ rằng Ngô Sĩ Liên đã sử dụng nhiều đến hai quyển sách đời Trần còn lại đến ngày nay: Việt điện u linh tập (VĐULT, 1329) của Lí Tế Xuyên và Lĩnh Nam chích quái (LNCQ) cuối Trần, được Trần Thế Pháp phát hiện năm 1492 [2]. Ở đây có các nhân vật Hùng Vương (sơ sài, mờ nhạt mà vẫn có uy thế), Triệu Quang Phục, Trương Hống, Trương Hát, Lí Phục Man, Cao Lỗ, cùng các sinh hoạt xưa cũ làm nền cho sinh hoạt chính trị, xã hội “thời Hùng Vương”, được đưa vào thành “Kỉ Hồng Bàng” và những phần của thời Bắc thuộc trong sách của Ngô Sĩ Liên. Đáng chú ý là từ VĐULT ta nhận ra một quyển sử khuất lấp, đầu tiên của nước Việt với tên tác giả Đỗ Thiện. VĐULT trích sách Đỗ Thiện với những chữ “Án Đỗ Thiện Sử kí...” hay “Án Sử kí...”. Những mảnh rời như thế thật khó cho người đời nay suy nghĩ gì nhiều về quyển sử kia, nhưng thiết tưởng cũng không nên loại bỏ nó. Hãy đặt mình vào thời đại sách và tác giả. Thế kỉ XII không phải là của Nho học toàn thịnh mà chỉ mới là khởi đầu, dù là ta thấy có những khoa thi mở ra chọn người làm việc nước. Đến thế kỉ XVI mà muốn viết “tiểu thuyết”, Nguyễn Dữ còn phải phóng tác truyện của Minh, thì khi viết sử, Đỗ Thiện của thế kỉ XII có mượn tên một đại tác phẩm của Tây Hán, được công nhận ở nhiều đời về sau (Sử kí Tư Mã Thiên), thì cũng là thường tình. Xét các truyện được kể lại trong VĐULT, thì thấy Sử kí Đỗ Thiện đã theo sát một phần Sử kí Tư Mã Thiên, nghĩa là viết theo thể kỉ truyện, chứ không phải như Ngô Sĩ Liên kể ra Mã sử (Tư Mã Thiên) mà lại theo thể biên niên của Xuân Thu! Thời đại có các ông vua yếu bóng vía (Lí Nhân Tông), điên loạn (Thần Tông, Huệ Tông) tin người làm được nước dâng, đọc chú trừ được hổ (Cao Tông), thời đại tràn đầy những tin tưởng về vật lạ, điềm lành được chép ngay trong sử nhà nước, thì có một ông sử quan viết truyện lẫn lộn thần, người, cũng chỉ là theo kết quả sinh hoạt ông phải chịu đựng mà thôi. Có điều, việc đẩy thần mà có dáng người vào sách vở của Đỗ Thiện đã bắt cầu cho Ngô Sĩ Liên chuyển họ trở thành người thật, thành nhân vật lịch sử, sau khi các nho sĩ mượn lời kinh sách học được để bào chữa cho hành động công nhận thần quái của mình: “Ngay Trung Quốc cũng còn có nhiều thuyết hoang đường như chuyện vá trời, húc núi..”. [3] Nền tảng Khổng Nho vay mượn theo thực tế địa phương đã đem lại một tổ chức chính trị xã hội vững mạnh cho cựu thuộc địa phương Nam của Trung Quốc, nên một ý thức tự tôn dân tộc cũng nổi lên ở Đại Việt khi tự so sánh với các lân bang yếu thế chung quanh. Những cuộc chiến lấn chiếm thành công của các triều đại được biện minh bằng quan niệm vương hoá của một trung tâm văn minh cao đem sự tốt đẹp đến cho các vùng man di mọi rợ. Tuy rằng cũng có ông Mạnh Tử nói đến chuyện nước là của dân nhưng nước trong thực tế là của vua. Vì thế Lê Thánh Tông mới mắng Ngô Sĩ Liên và Nghiên Xuân Thọ: “Lệ đức hầu (Nghi Dân) mất nước về tay ta, các ngươi không biết vì ăn lộc mà chết theo hắn lại đi thờ ta... Thực là bọn gian thần bán nước!” Nước Đại Việt đương thời là của Lê Thánh Tông. Tổ chức vương quyền tuy mượn ý ở phương Bắc, nhưng nước Đại Việt cũng không vì thế mà là của vua Minh. Trước khi có các ý tưởng mới từ phương Tây tới thì cả vùng Á Đông nằm trong vòng ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa mà các nước nhỏ chung quanh vay mượn theo khả năng riêng, theo tình thế cho phép để tổ chức cai trị vùng đất của mình. Ở các nước này, luôn luôn có một quan niệm đồng văn hoá với nhau, với Trung Quốc, mà tương quan cụ thể về mặt chính trị tập đoàn đối với trung tâm xuất phát là sự chống đối để giữ gìn phần sống còn của mình. Vua quan Đại Việt đã trải qua nhiều thế kỉ chao đảo giữa sự lựa chọn tương quan đồng văn và tinh thần tập đoàn, dân tộc đó. Và điều này lại thể hiện trong cách nhìn lịch sử nước nhà của các sử quan, của các nho sĩ dự ứng làm sử quan. Rõ rệt nhất trong cách nhìn về tập đoàn dân tộc riêng biệt là của Lê Văn Hưu khi ta đọc những Lời bàn còn được giữ lại của ông. Ông này trước sự đe doạ từ quân Nguyên, đã thốt lên những lời cảm khái đầy bi phẫn về một thời mất nước trong quá khứ, cái nước sau 300 năm độc lập đã được ông đồng hoá với hình trạng “nước” mù mờ thời thuộc địa. Nỗi lo âu dồn dập ấy không thấy có ở sử quan trước ông, chỉ vì thời thế đã khác. Sử quan nho sĩ như ông và những người kế tiếp đã che lấp cả một dòng sử kí có trước, thực hiện bởi những người khác ý thức hệ, những tăng sĩ, nhưng chúng ta vẫn thấy những hé lộ giúp cho suy đoán thành hình. Khúc Thừa Mĩ bị bắt do ý thức thần phục lạc loài, hướng về chính thống (nhà Lương) mà quên mối đe doạ cụ thể sát biên giới (Nam Hán) nhưng Ngô Quyền đã chống lại được một triều đại chính thống gốc trung châu nằm ở địa phương. Lê Hoàn tuy có Hồng Hiến, “người phương Bắc”, bên cạnh giúp rập, nhưng vẫn không lạy chiếu thư vua Tống, còn nghênh ngang bảo Tống: “Giao Châu có đánh thì đến tận Phiên Ngung, Mân Việt trong nội địa chứ việc gì phải quấy rối ở trấn Như Hồng biên giới?” Đó chỉ là sự cường ngạnh của người cầm đầu, còn sử quan tăng sĩ đương thời thì chỉ nhìn dòng tiến triển đất nước theo ý thức hệ của mình, không theo sự thật cụ thể – hay nói đúng hơn, chỉ diễn ý của sự thật theo ý thức hệ mình thụ nhận. Sử quan tăng sĩ bắt đầu đời Đinh nên lơ là chuyện đời Ngô, diễn dịch các biến chuyển Đinh, Lê bằng quan niệm thập nhị nhân duyên, bằng hình ảnh sao Kế đô che mặt trăng mặt trời ám chỉ chuyện giết vua, bằng dạng hình các ông La Hán né tránh loạn lạc trần gian đầy tội ác... Lầm lỗi lơ là “tinh thần quốc gia dân tộc” ấy không phải chỉ có ở sử quan tăng lục. Chuyển qua ý thức hệ khác, Nho Giáo, Ngô Sĩ Liên, đến năm thế kỉ sau, vẫn bảo rằng chỉ có vua Minh mới có thẩm quyền làm lễ tế Giao vì theo kinh sách mình học được, vua Trung Quốc mới là chính vì Thiên tử, mới có quyền tế Trời, Cha của ông ta. Ấy thế mà hồi đầu thế kỉ đó nhà Hồ đã tế Giao – tuy hơi vụng về. Và các vua khai sáng của Lê cũng đã tế Giao. Lê Thánh Tông không phải không biết mình đã học sách thánh hiền Trung Quốc, nhưng với quyền lực trong tay, ông đã chuyển ý niệm Thiên tử từ sách vở sang thực tế để ứng phó cho mình, đúng như ông đã mắng Ngô Sĩ Liên: “(Các) ngươi theo đạo-chết, mang lòng không-vua”. Ngô Sĩ Liên đã thấy trong đời chuyện chiến thắng quân Minh, thế mà chỉ vì mối nguy hiểm đe doạ mất nước đã qua, tinh thần đồng văn có cấp bực nơi ông đã thắng tinh thần dân tộc. Năm bị mắng là 1462, trải qua mười bảy năm đến hồi viết xong sử (1479), ảnh hưởng mạnh của ông vua đã thắng tính rụt rè của người sử quan, thế là Ngô Sĩ Liên đẩy Hùng Vương vào sử theo một chênh lệch ngược lại. Rồi kế đến một đảo ngược khác nơi người của vài thế kỉ sau, sống thêm một thời gian dài yên bình với phương Bắc qua những giao tiếp cống sứ của một nước phiên thuộc có ông vua làm vì, chịu buông tay rũ áo để yên thân với cường thần. Với Ngô Thì Sĩ (1726-1780) thì tinh thần ấy là đương nhiên. Ông coi những năm nước nhà bị Trung Quốc cai trị là “nội thuộc”, nghĩa là chịu hãnh diện làm một phần tử của một nền văn minh rực rỡ, lớn rộng [4]. Không phải Ngô Thì Sĩ không “yêu nước”, ông chỉ chia xẻ tâm thức của thời đại mà thôi: Vào thế kỉ XVI, theo lệnh Quang Thiệu, Đặng Minh Khiêm còn làm thơ vịnh sử (1520) lấy đề tài là nhân vật nước nhà, đến thời của Ngô, các nhà nho lại cảm khái thật sát sao với các trung thần nghĩa sĩ Hán, Đường, Tống như họ đã được nhồi nhét trong trường ốc. Chính tinh thần đồng văn có cấp bực ấy đã là căn cứ cho hành động của Lê Chiêu Thống khi đi cầu cứu Thiên tử phương Bắc, và đặt bổn phận cho Càn Long sai quân sang Đông Đô cứu phiên thần. Lật ngược lại truyền thống lâu dài ấy, làm nên chiến thắng Đống Đa vang dội (1789) phải là của một toán người chẳng biết gì đến kinh sách nhiều lắm để khỏi luỵ vào tương quan phiên thuộc – thiên triều kia, toán người có ông Đại đô đốc Trần Quang Diệu chẳng hạn, sai đem đồ cúng lễ thần Xã tắc đổ cho chó ăn! Hết một trận chiến thắng, lại qua một hồi thần phục mới và các sử quan cứ phải chìm nổi nhận định lịch sử nước nhà theo tình thế. Cho đến khi có những biến chuyển cuối thế kỉ XIX tưởng là dẫn đến một dòng sử kí mới nhưng vẫn chồng chất cái cũ, làm hình thành một quá khứ nặng nề tính thời sự hiện đại hơn. II. “TRUYỀN THỐNG” TIẾP TỤC MỞ RỘNG Truyền thống sử kí phương Đông đã được ghi nhận thành quả. Tuy nhiên, từ trong quan niệm căn bản về quyền bính, sử quan đã ghi chép sự việc theo diễn tiến hành động của vua, của triều đại mình đang phục vụ – lẽ tất nhiên từ đó phải lan ra đến dân chúng, vùng đất vua cai trị. Sử là sử của các vương triều riêng biệt. Các dòng họ cầm quyền thất bại đều bị coi là “nguỵ”. Hồ, Mạc, Tây Sơn, sở dĩ được nói đến chỉ vì không thể để lịch sử đứt quãng, trong đó có sự hoạt động của triều đại được coi là chính thống: Trần, Lê, Nguyễn. Nhưng khi sử kí tập trung vào diễn biến của các vương triều với đất đai cai trị thì nó cũng công khai tỏ lộ một tinh thần duy dân tộc, khi cần, đối với các lân bang. Tất cả những yếu tố ấy vẫn còn được giữ lại với các nhà viết sử tiếp tục, dù có thay đổi dạng hình. Dù có phải nhọc nhằn vì sự tràn lấn của các nước đế quốc tư bản Tây phương, các nước phương Đông cũng phải nhận ra rằng trong sự giao tiếp mà họ phải chịu phần khổ nhục, họ đã thu nhận một quan niệm mới về quyền bính. Quan niệm quyền của dân đã được Mạnh Tử nói ra “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, nhưng trong suốt hơn hai ngàn năm nó chỉ dùng để trang điểm cho quân quyền, cảnh cáo ông vua, hơn là đem ra làm cơ sở thực hiện quyền dân chủ, điều mà người dân phương Đông chỉ mới biết khi súng đạn, chiến hạm tối tân lấn át giáo mác, thuyền nan. Do đó người Việt cũng phải đổi thay. Vì hiện tượng thực dân vẫn còn trong trí óc người dân các nước cựu thuộc địa nên ít có người chịu nhìn xét khía cạnh tích cực của thời đại vừa qua. Tuy nhiên nó vẫn là điều có thật trên những đất nước từng bị đô hộ. Không thể đòi hỏi người Pháp yêu thương dân Việt, nước Việt, dù là theo tinh thần cha-chú hiền lương được viện dẫn để biện minh cho sự xâm chiếm. Họ phải đổi thay thuộc địa theo yêu cầu có lợi cho chính quốc, tuy nhiên trong khi thu lợi vật chất, người Pháp cũng tự cho mình có một nhiệm vụ cao cả là khai hoá các dân tộc lạc hậu, đưa họ đến chỗ văn minh: Mission civilisatrice của mẫu quốc Pháp là một thứ quan niệm vương hoá Tây. Dù thế nào đi nữa thì dưới thời Pháp thuộc, đất nước đã liền lạc hơn, thông tin nhanh chóng hơn (các đường giao thông Xuyên Việt, đường biển, báo chí...), không gian rộng mở hơn (Miên, Lào trong vùng, thế giới địa cầu trong kiến văn). Một thứ chữ “quốc ngữ” la tinh hoá tiếng Việt, với dụng ý ban đầu là cắt đứt quá khứ Trung Hoa, lại trở thành mối lợi phổ biến kiến thức cho dân chúng, rộng rãi hơn nhiều so với thời ngân nga “chi, hồ, giả, dã”. Chữ Pháp bị bắt buộc học, tuy có gây bất mãn vì loại kiến thức “Tổ tiên chúng ta là người Gaulois” nhưng là cái cầu nối vào thế giới. Các nhà nho muốn canh tân phải tìm Tân thư của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu qua chữ Hán, một lối học gián tiếp khi muốn hiểu về Tây Phương, nhưng học sinh các collège thì đọc dễ dàng, suôn sẻ Voltaire, J.J. Rousseau, rồi cả Marx, Engels... Quá khứ vẫn còn đó trong triều đình ốm yếu vật vờ ở Huế. Các quan vẫn còn tiếp tục làm Thực lục, địa chí theo tinh thần, phương pháp cũ: Thực lục các đời vua cuối, làm và in sách Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí đồ... Tuy nhiên, ở Hà Nội, thủ phủ mới của Đông Dương thuộc Pháp – Đông Pháp, người ta đã thành lập Ecole Francaise d’Extrême Orient, tiếng Việt quen gọi là Trường Viễn Đông Bác Cổ, để nghiên cứu vùng Viễn Đông, riêng biệt là năm xứ thuộc địa của Mẫu quốc. Tập san Trường phát hành đầu tiên năm 1901. Quá khứ Việt được nhìn rõ hơn, khoa học hơn tuy cũng còn một chút lấn cấn: Người ta vẫn thường trách các nhà nghiên cứu Pháp lúc đầu bị choáng ngợp với Angkor, hấp dẫn vì sự tàn tạ của các tháp Chàm nên lơ là với Việt Nam. Parmentier đã thú nhận điều đó khi nhớ lại công việc của mình. G. Coèdes công nhận có dư luận đó nhưng lại phân trần khi đề tựa L’Art vietnamien của L. Bezacier lần xuất bản đầu tiên (1944), cho rằng chỉ nhìn vào các bài đăng trong Tập san Trường Viễn Đông Bác cổ (BEFEO) thì thấy ngay sai lầm [5]. Quả thật các nhà nghiên cứu Pháp đã cố công đào bới đất đai, phát hiện các nền văn hoá đá cũ, đá mới, đồ đồng có tên được giữ lại về sau: Hoà Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn. Họ đã đi sâu vào thời sơ sử Hùng Vương, thời Bắc thuộc, thời độc lập đầu tiên... và không bỏ qua những vấn đề thời sự của tình trạng nông dân... Rồi theo đà phát triển nghiên cứu, những nhà khoa học Việt Nam cũng xuất hiện. Những người đi sâu vào chuyên ngành thì có bài viết trên tập san của Trường, còn để lại công trình cho người ngoại quốc tham khảo sau này. Những người ở trình độ thấp hơn, vướng víu với tinh thần dân tộc của quần chúng hơn thì đi theo đà của thời đại sôi nổi cuối Pháp thuộc, tập trung vào tạp chí Tri Tân (1940-1945) với những bài nghiên cứu vừa có dáng dấp khoa học ảnh hưởng từ Trường VĐBC mà họ xuất thân là nhân viên hành chính, vừa có hơi hướng tồn đọng của tinh thần từ chương cũ (Nguyễn Văn Tố), đăng tải cùng với những tiểu thuyết lịch sử chịu ảnh hưởng của A. Dumas-père, V. Hugo... Những điều đó cũng có ảnh hưởng đến các nghiên cứu sử của người Việt theo tinh thần mới. Sử Việt đầu tiên viết bởi người Việt bằng tiếng Pháp là của Trương Vĩnh Ký: Cours d’histoire annamite (1875). Điều này lại không có ảnh hưởng đến công chúng người Việt như ta muốn nhìn ở đây. Vì lẽ đó, ta cũng không bàn đến những bài sử, quyển sử các linh mục Việt viết bằng chữ quốc ngữ thời phôi thai, nằm trong các thư viện Công Giáo, mới phát hiện gần đây. Quyển thông sử về Việt Nam bằng chữ quốc ngữ có ảnh hưởng rộng rãi, tồn tại khá lâu dài là Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim [6]. Nó mang giới hạn thời đại cho nên dù không đặc sắc nó cũng vẫn là một chứng minh chuyển tiếp đáng kể. Tuy ý định là nhấn mạnh vào tính chất kiến thức do sử đem lại, nhưng dấu hiệu đạo lí vẫn còn trong lời Tựa của ông giáo thời mới này: “Chủ đích (sử) là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước...”. Do có đổi thay về tầm nhìn vào thế giới, tác giả ý thức được khuyết điểm của người đi trước: “Bất kì lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu, chứ không học sử nước nhà. Rồi thơ phú văn chương gì cũng lấy điển tích ở sử Tàu, chứ chuyện nước mình là nhất thiết không nói đến”. Cho nên với sự phổ biến chữ quốc ngữ, tác giả “lấy tiếng nước nhà mà kể chuyện nước nhà... để cho ai ai cũng có thể xem được sử..”. Lại cũng nhờ ở tình thế mới, quyền hành nhà Nguyễn không với tới Hà Nội, tới các công chức “Bảo hộ” mà ông Trần là một bộ phận, nên ông có thể đem nhà Tây Sơn vào chính sử với lời phân trần về sự công bình lịch sử đối với các triều đại trong quá khứ – quan điểm ấy bao hàm các triều Hồ, Mạc mà không cần phân trần, vì tư thế của tác giả như đã nói. Đó là chứng tích kết tụ trên tầng lớp trí thức muốn phổ biến sử trong dân chúng, trước hết là trong nhà trường. Ngày xưa, sĩ tử đi học làm quan, phần nhiều đều thuộc lòng Bắc sử nhưng có người cũng phải tìm hiểu sử Việt vì thực tế phục vụ chính quyền bản xứ. Việc Lê Tung viết Việt giám thông khảo tổng luận (1514) và Đặng Minh Khiêm làm Việt giám vịnh sử thi tập, là những chứng dẫn. Lời dạy “ôn cố tri tân” (tiêu đề sau này của tạp chí Tri Tân) nối kết quá khứ và hiện tại khiến phát sinh một ý thức đi tìm “bài học lịch sử” trong cách ứng xử của mình (cũng thấy trong lời Tựa của Trần Trọng Kim). Với chữ quốc ngữ có tầm mức phổ biến dễ dàng hơn Hán, Nôm như đã nói thì tâm lí viện dẫn lịch sử ấy càng lan rộng. Tất nhiên là không sâu, chứng tỏ một tâm thức cũ vẫn còn lẩn quẩn đâu đó. Tạp chí Nam Phong (1917-1934) muốn đề cập đến mọi lãnh vực đã lôi văn thơ, lịch sử cũ ra giới thiệu với đồng bào và sử dụng cho việc nối kết quá khứ và hiện tại. Nhiều người mãi về sau vẫn còn nhớ trang quảng cáo vẽ hình con rồng hùng hổ phun bạc Đông Dương Ngân Hàng trong chiến dịch lạc quyên giúp mẫu quốc Pháp vào thời Thế chiến I: “Rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc”. Chính quyền ngoại trị, với ý thức bóc lột uyển chuyển tinh vi hơn thời xa xưa, đã sử dụng quá khứ của dân thuộc địa làm lợi cho mình. Họ cố nối kết quá khứ ấy theo một tinh thần liên minh mới: “Nếu có vị sĩ phu An Nam nào thấy người đồng bào Đỗ Hữu Vị của ông leo lên chiếc tàu bay ầm ĩ đi ném những trái bom cháy trên các toán quân địch, giữa những luồng sáng trái phá vụt qua vây quanh, với những luồng sáng đèn chiếu đuổi theo, người ấy chắc sẽ nghĩ rằng niềm ước mơ ngàn năm đã thực hiện: con rồng An Nam đang phun lửa và chống đánh bọn mọi rợ, trên bầu trời đầy sao”. (Lời một huấn luyện viên Pháp tuyên bố sau lúc Đỗ Hữu Vị chết 1916) [7]. Nhưng đồng thời trong sự cổ động tinh thần Pháp Việt đề huề ấy, không tránh được, người Pháp đã phải nuôi dưỡng một tinh thần dân tộc tiềm tàng chỉ chờ có cơ hội là phát triển, bùng lên chống lại họ. Điều đó đã xảy ra với Thế chiến II. Pháp thua trận, ở chính quốc, chính phủ Vichy của Pétain phụ thuộc vào Đức Quốc Xã, ở Đông Dương Nhật kéo quân vào, không đủ sức chiếm đóng hẳn nhưng cũng tạo thêm một tầng lớp cai trị mới, lần này làm lung lay uy tín của người Pháp trước mắt dân thuộc địa. Toàn quyền Decoux phải làm việc níu kéo dân Việt ra khỏi sự quyến rũ của lí thuyết Đại Đông Á khởi xướng bởi người Nhật đang hiện diện với binh quyền, mà người theo không phải chỉ có đảng phái thủ cựu (Đại Việt) còn thêm có các giáo phái mang tính quần chúng đông (Cao Đài, Hoà Hảo) và cả một số người cực tả (Đệ tứ Quốc tế). Chống đối họ có các đảng phái quốc gia khác đã nở rộ theo đà chiến tranh làm suy sút chính quyền, và nhất là đảng Cộng Sản mà tính cách tổ chức quần chúng học được từ quan niệm của Lenin, nhờ sự huấn luyện của Đệ tam Quốc tế đã chứng tỏ hữu hiệu trong các hoạt động bí mật, trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930, trong cuộc khởi nghĩa Nam Kì 1940 với những người nổi dậy “thích ứng thật lạ lùng với phong tục làng xóm” [8]. Người Pháp giành quần chúng Việt bằng các khẩu hiệu lí tưởng: Cần lao – Gia đình – Tổ quốc đi theo với những trích dẫn lời Thống chế Pétain. Cụ thể hơn, họ in những tờ truyện tranh về Quan ba tàu bay Đỗ Hữu Vị, về Bà Thánh Jeanne d’Arc, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, về Ngô Quyền chống quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên... để củng cố tinh thần liên kết Pháp Việt, bày tỏ sự cảm thông với quá khứ oai hùng của dân bị trị. Một số tranh của thời “Thống chế Pétain đã nói..”. đó thấy xuất hiện trên các sách ngoại quốc bàn về cuộc chiến vừa qua, như là loại tranh dân gian, ngầm ý của một truyền thống lâu đời! [9] Không chỉ thúc đẩy người dân hướng về quá khứ, chính quyền Đông Pháp còn sắp xếp cho dân thuộc địa bận rộn trong sinh hoạt hiện tại để quên những ý tưởng chống đối vì nền độc lập thực sự của tổ quốc như các nhà cách mạng đương thời đã tố cáo. Đó là phong trào thể dục thể thao hướng dẫn bởi Đại tá Ducouroy. Đó là phong trào “Khoẻ vì nước” tiến triển với các cuộc tranh tài bóng đá, đua xe đạp xuyên Đông Dương mà người ta say mê theo dõi trên báo chí với những “vua” leo núi vượt đèo, với “con phượng hoàng” Lê Thành Các... Khẩu hiệu “(vì) Tổ quốc” của Pétain tất nhiên không dành chỗ cho Tổ quốc của người nổi loạn chống Mẫu quốc Pháp, nhưng cũng khiến nở rộ một tinh thần quốc gia dân tộc công khai mà người chống đối không mơ ước nổi. Và nổi lên một phương tiện truyền đạt tinh thần dân tộc hấp dẫn, không có trong quá khứ: nhạc mới. Đó là những bài hát “Khoẻ vì nước, kiến thiết quốc gia, giục thanh niên ta góp tài ba, tạo nguồn dân sinh mới hùng mạnh trong năm giới, hợp lực xây hưng thạnh chung nước Nam...”. Đó là những bài hát dành cho phong trào Hướng đạo sinh về Đi hội đền Hùng, về “Nước non Lam Sơn... khắp nơi cờ vàng, muôn hồn quân Nam”, về “Bạch Đằng Giang, sông hùng dũng của nòi giống anh hùng, giống Lạc Hồng, giống Tiên Rồng, Nam Bắc Trung..”. Đó là những bài hát nảy nở và cất lên trong các buổi du ngoạn của sinh viên Đông Dương học xá (Hà Nội), muốn biểu lộ tinh thần yêu nước công khai mà ít gặp nguy hiểm cho bản thân: “Này sinh viên ơi, đứng lên đáp lời sông núi!” Chuyển biến chính quyền từ Pháp qua Nhật sau 9-3-1945 làm dồn dập thêm sự hăng say đã mở màn. Không phải bỗng dưng mà đoàn Thanh niên Tiền phong của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đủ sức là một nòng cốt tham dự cướp chính quyền ở Sài Gòn. Không phải chỉ vì bị lôi cuốn đua đòi vui chơi mà các hướng đạo sinh của Hoàng Đạo Thuý, Dương Đức Hiền, Tạ Quang Bửu... nhiệt thành lao vào trận chiến cứu nước. Cái đà đó sẽ được nối tiếp lên đến tột đỉnh trong thời gian tranh đấu giành độc lập tiếp theo, quay cuồng trong vòng tranh chấp ở tầm mức thế giới, với một tập thể cầm quyền biết sử dụng tinh thần dân tộc đem ra phục vụ lí tưởng riêng của mình, để thành một cơn mộng du dài giữa cảnh đất nước huy hoàng và nhân loại bình đẳng yêu thương nhau, trong đó chồng chất những mơ tưởng về thời hoàng kim của quá khứ và chủ nghĩa lạc quan khoa học của tương lai. Và trở thành cơ sở biện minh cho những người viết sử Việt mới, những người nhìn quá khứ Việt với những chứng cớ mới củng cố cho tâm hồn, ý tưởng cũ của mình. Thời sự ảnh hưởng đến các nghiên cứu nhân văn không phải là điều lạ. Tất nhiên người ta đã có những lí thuyết, phương cách, kể cả phương tiện kĩ thuật để loại bớt tính chủ quan của người nghiên cứu. Tuy nhiên với những thời điểm có rắc rối, xung đột lên đến cao độ, người ta thường cố đi tìm mẫu số chung để giải thích sự kiện, và dễ có thiên hướng về những gì mang tính tổng quát có khi đến mức độ đơn giản, thô thiển. Ví dụ như đối với cuộc chiến vừa qua. Những người thắng trận – và những người phụ hoạ, luôn luôn đề cao tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam như là yếu tố then chốt dẫn đến thành công. Ý tưởng ấy không phải chỉ có trong hệ thống tuyên truyền của nhà chính trị dùng để lôi kéo dân chúng phục vụ, mà còn được coi là phần nòng cốt quy tụ các sự kiện dẫn đến thành công, nằm trong các sách vở viết về thời hiện đại và lan cả đến những nghiên cứu thời xa xưa. Điều đó thấy rất rõ trong Lịch sử Việt Nam tập I, viết và in trong thời chiến tranh (Hà Nội 1971). Các nhà nghiên cứu ngoại quốc thì thận trọng hơn. Nhờ một chừng mực cách biệt bên ngoài, với phương tiện tham khảo rộng rãi hơn, nhưng trong những tổng quát hoá vội vã, họ cũng trở thành những kẻ phụ hoạ mà không biết, dù ý kiến họ được coi là có tính sáng tạo, sách vở họ được hoan nghênh nhờ tầm mức phổ biến lớn của ngôn ngữ biểu hiện mang tầm mức quốc tế. Ví dụ nếu coi tinh thần Khổng Giáo là yếu tố quan trọng để chống đối thắng lợi với Tây phương ngày nay thì lại không thấy rằng tinh thần ấy, vào thế kỉ XIX, nó không giúp được Trung Hoa khỏi bị hiếp đáp, không ngăn được người Pháp chiếm Việt Nam. Cũng tương tự, nếu xét về vai trò làng xã Việt Nam trong thế chống đối người Pháp ở thế kỉ XIX và XX. Tiếp theo, nhà nghiên cứu ngoại quốc, chịu ảnh hưởng của biến chuyển, lại được nhà nghiên cứu Việt trong, ngoài nước dễ dàng tán đồng, khai thác thêm, bồi đắp “truyền thống”, lần này có vẻ vững vàng cơ sở hơn vì được biện minh bằng kẻ đứng ngoài, bằng phương tiện khoa học. (còn tiếp) Tạ Chí Đại Trường =========================Chú thích [*] Tất cả những chứng dẫn trong tập biên khảo này, nếu không nêu ra, đều lấy ở Đại Việt sử kí toàn thư, bản dịch của Viện Khoa học xã hội, bốn tập. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1993. [1] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí. Tổ phiên dịch Viện Sử học Việt Nam, Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội, tập III, 1992, tr. 69, tr. 163-164. [2] Chỉ dẫn bởi Bùi Văn Nguyên trong Vũ Quỳnh, Tân đính Lĩnh Nam chích quái. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, 1993, tr.199, phần Dẫn nhập. Chúng tôi sử dụng bản dịch Lĩnh Nam chích quái của Lê Hữu Mục. Sài Gòn: không năm xuất bản, nhưng có ghi chú kiểm duyệt ngày 14-10-1961. [3] Phan Huy Chú, sđd, III, 164. [4] Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử kí tiền biên. Viện Nghiên cứu Hán Nôm phiên dịch, Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, 1997. Trong Việt sử tiêu án, bản dịch của Hội Liên lạc nghiên cứu văn hoá Á Châu, Sài Gòn: 1960, được Nxb. Thanh Niên tái bản, Hà Nội: 2001, thì các thời kì được Ngô Thì Sĩ gọi là “nội thuộc” đều được sửa là “ngoại thuộc”. Có vẻ đó là do chủ ý của người dịch. [5] Lời G. Coedès đề tựa lần đầu sách của L. Bezacier, L’Art vietnamien. Paris: Edition de L’Union Francaise, 1955, tr. 9. [6] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, in lần đầu 1920 với tên An nam sử lược, ấn bản 1953 đổi thành Việt Nam sử lược, tái bản nhiều lần dưới thời VNCH. Lần đầu tái bản ở CHXHCNVN, Nxb. Văn hoá Thông tin, 1999, nhưng không được đưa ra ngoài nước – lệnh áp dụng cùng toàn bộ tác phẩm của ông. Tuy nhiên vẫn thấy VNSL-mới nằm ở các hiệu sách Nam Cali. [7] Báo Tribune indochinoise, số ngày 23-2-1940, dẫn trong bản thảo luận án Tạ Chí Đại Trường, Người lính thuộc địa Nam Kì (1861-1945). [8] Báo cáo của quận Chợ Mới ngày 31-13-1932, Văn khố quốc gia [sài Gòn], hồ sơ Toà Đại biểu Chính phủ Nam Việt, e. 03 (9). Cũng từ bản thảo trên. [9] Có thể nhìn lại tờ tranh mộc bản với chú thích bằng chữ quốc ngữ “NGÔ VƯƠNG QUYỀN ĐÁNH GIẶC HÁN” trong Edward Doyle, Samuel Lipsman, The Vietnam Experience – Setting the Stage. Boston: Boston Publishing Co, 1981, trang 59. Sách này cũng có in hai tranh mộc bản khác: “Triệu Ẩu trục Ngô quân” (trang 55), “Đinh Tiên Hoàng lô kì tập trận” (trang 62) nhưng không nên vì các dòng chữ Hán đó mà cho rằng chúng đã xuất hiện theo truyền thống từ rất lâu. Tranh Đinh Bộ Lĩnh có lính trẻ con thổi kèn Tây, không phải là tù và. Tranh Triệu Ẩu tuy cũng có in lại trong Stanley Karnow, Vietnam – A History (New York: The Viking Press, 1983, trang 89), nhưng đồng thời ở sách này trang 96 có in biếm hoạ cảnh công tử Hà Thành ăn chơi đánh tennis bên cạnh lá cờ Pháp, và được chú thích bằng chữ Hán thảo, không phải chân phương như ở các tranh kia! Dấu vết văn tự rõ ràng không thể chứng minh được sự xưa cũ. Và chúng ta cũng không lạ về điều này: tài liệu được cho biết là lấy từ Sưu tập nghệ thuật Việt Nam của M. Durand, tác giả “Imagerie populaire vietnamienne”, BEFEO, 1960. Ông cũng là đồng tác giả với P. Huard, Connaissance du Vietnam. Hanoi: 1954, quyển sách có nhiều minh hoạ mang tính cách tranh bình dân cổ truyền. Tuy nhiên sự việc đồng thời cũng tỏ lộ một tinh thần kẻ-cả, bao dung của một lớp học giả phương Tây khi nói về Việt Nam – giống như khi chuyển đổi cụm từ sous développement sang en voie de développement khi nói về Thế giới thứ Ba vậy. ==============================================Hết phần I Còn tiếp Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 3, 2011 Cuốn sách này có bán ở các hiệu sách. Có cả lời giới thiệu của sử gia nổi tiếng. Đọc mất 30 phút: cảm giác... NGÁN NGẨM (sorry). * Phúc Lộc Thọ mãn đường * Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 3, 2011 Cuốn sách này có bán ở các hiệu sách. Có cả lời giới thiệu của sử gia nổi tiếng. Đọc mất 30 phút: cảm giác... NGÁN NGẨM (sorry). * Phúc Lộc Thọ mãn đường * Hoangnt có biết bán ở đầu không? Nxb là gì? Tựa sách là gì? Tôi muốn mua một cuốn cho chắc ăn.Cảm ơn vì đã quan tâm. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 3, 2011 Mai em sẽ gửi trực tiếp tới văn phòng Trung Tâm. Kính. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 3, 2011 Mai em sẽ gửi trực tiếp tới văn phòng Trung Tâm. Kính. Cảm ơn Hoangnt. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 16 Tháng 3, 2011 CHƯƠNG IIMỘT TRUYỀN THỐNG KHUẤT LẤP:DÒNG SỬ KÍ TĂNG ĐẠO Những ý tưởng khuôn nắn sử gia và người Việt bình thường hiện nay về lịch sử Việt Nam là bắt nguồn từ ý thức hệ Nho Giáo, căn bản của tổ chức chính quyền, trước khi có những ảnh hưởng từ phương Tây đưa tới. Nhưng nước Việt không phải bỗng dưng mà chấp nhận trọn-gói – hay một phần căn bản của tổ chức xã hội Nho Giáo – để kiến thiết đất nước mình. Đó phải là một sự tiến triển lần lần qua thời gian. Thuộc địa phương Nam của Trung Quốc vẫn có sự riêng biệt của nó chứng tỏ nơi sinh hoạt khác-Hán của cả một tập hợp nhân chủng phức tạp phía nam sông Dương Tử mà người Hán gọi là Bách Việt, Nam Man, và họ phải mất công đồng hoá nhiều qua thời gian dài lấn chiếm. Phần đất thuộc địa phía nam của nhà Triệu đến thời nhà Hán chiếm, có cả gần một triệu dân. Số dân này cũng thay đổi thành phần chủng tộc suốt cả ngàn năm Bắc thuộc bởi các cuộc di dân từ phương Bắc xuống, là hiện tượng mà nhà cổ nhân học trong nước ngày nay gọi là sự “vàng hoá”. Tuy nhiên chúng ta lại thấy yếu tố bản xứ vẫn còn rất mạnh qua những cuộc nổi loạn được chính Bắc sử ghi chép, qua chứng cớ khảo cổ học trong vụ tranh cãi về sọ cổ Châu Can (1976) giữa nhà cổ nhân học thấy có yếu tố australoid nơi ấy và nhà lãnh đạo chính trị muốn bảo vệ truyền thống về sự riêng biệt chủng tộc xuyên suốt từ “thời Hùng Vương”. Chúng ta cũng thấy bằng cớ về con người, sinh hoạt khác-Hán ở các nhân vật trong chính quyền ngoại trị từ các cựu Lạc hầu, Lạc tướng được cải đổi làm huyện lệnh, ở sinh hoạt của các công tào (Khu Liên thế kỉ II, Phan Hâm thế kỉ III), của những người lên đến chức Phó Đô hộ (chuyện Phạm Đình Chi, Đỗ Anh Sách, cuối thế kỉ VIII), cùng các tên Đỗ Anh Hàn, Phùng Hưng với bằng chứng đương thời... Thế kỉ X mở đầu cho thời kì độc lập thành công kéo dài, dựng nên một nước Việt mới ở phủ Đô hộ An Nam cũ. Các thủ lãnh biết áp dụng cách tổ chức cai trị của Trung Quốc vào khu vực dưới quyền quản trị của mình, và Nho học, cơ sở của hệ thống quyền bính ấy, sẽ xâm nhập càng lúc càng vững chắc. Trong đó có lề lối chép sử mà cơ sở đạo lí là một trong Ngũ Kinh nhà nho phải học để đỗ đạt làm quan: Kinh Xuân Thu, và cơ sở về phương pháp để noi theo là Sử kí Tư Mã Thiên, là các bộ sử kí của các triều đại Trung Quốc, của các nho thần làm việc tuyên dương Thánh giáo của Đức Phu tử... Nhưng như đã nói, các sử quan nho thần Việt đã đến muộn so với thời kiến thiết độc lập buổi đầu. Ông vua đầu đời Lí xuống chiếu làm ngọc điệp – gia phả dòng họ mình (1026). Đến đời vua thứ hai mới có các gián quan (1028) làm việc can ngăn vua, đàn hặc quan chức, ghi chép, giữ gìn các sự kiện xảy ra, tức là khởi đầu cho hệ thống ghi chép sử về sau có tên bao quát là Ngự sử đài hay riêng biệt là Quốc sử viện, Quốc sử quán. Thái sử, chức vụ chuyên trách được thấy đầu tiên năm 1121 với tên người rõ rệt là Trần Độ. Với thời gian, Nho học càng thịnh, dòng họ cầm quyền càng cần đến nho sĩ thì lối viết sử theo Nho gia càng chiếm ưu thế. Đời Trần có sử quan Trần Tấn / Chu Phổ (hiện diện 1251) và Lê Văn Hưu, hai nhân vật còn lại danh tính, đã kế tục viết nên bộ sử Việt đầu tiên có tên chính thức là Đại Việt sử kí (1272). Nhưng với những gì được đào tạo, họ đã che lấp một lớp người đi trước mang ý thức hệ khác, và do đó, cũng che lấp, làm sai lạc phần lớn quá khứ mà họ tưởng là đã ghi lại trung thực. I. CHỨC QUYỀN GHI CHÉP SỬ ĐẦU TIÊN: MỘT TĂNG SĨ Sử kí của nho thần còn lại ngày nay không cho ta biết điều này. Ta chỉ có thể tìm được những chứng cớ tuy là gián tiếp nhưng không phải thiếu căn cứ. Đinh Bộ Lĩnh từ Hoa Lư tiến đánh một số sứ quân, nhất là thắng nhóm cầm quyền họ Ngô một thời có thực lực lớn nhất quanh thủ phủ An Nam Đô hộ cũ, được coi là chính thống. Ông lập quyền bính mới, được đời sau cho là đã gây nên nền “đại nhất thống” (Phạm Công Trứ tán thưởng ý kiến của Vũ Quỳnh 1511). Nhưng rõ ràng là quyền bính ấy vẫn còn chông chênh, nên phải dùng vạc dầu, chuồng hổ để trị người chống đối (968) với chức quan hình án riêng biệt: Đô hộ phủ sĩ sư. Quyền lực trực tiếp cũng không quá ngoài Hoa Lư nhiều vì phải chiêu mộ phụ thuộc bằng liên hệ thân tộc, chức tước: Gả con gái cho Trần Thăng, em Trần Lãm, người trong liên minh cũ lúc này đã chết, hẳn còn chủ quyền đất Bố Hải Khẩu cũ; ràng buộc hôn nhân chòng chéo mà chặt chẽ với người kế thừa chính thống của họ Ngô (lấy mẹ của An Vương Ngô Nhật Khánh, gả con cho Khánh, lấy em gái Khánh cho con mình); phong chức cho người họ Phạm ở Nam Sách, vùng đất sứ quân xưa, lấy vợ từ các tập đoàn quan trọng khác... Binh lực không đủ thì có thêm sự phụ giúp của thần quyền thời đại. Có chức quan cầm đầu hệ thống tăng nhân, đạo sĩ mà Phật Giáo thì lại được chú ý vượt trội. Ngoài tăng thống đứng đầu còn có người giữ, chép kinh, một người thông thạo chữ Hán/nho: tăng lục. Đinh có tổ chức bắt chước sít sao của Đường, như trường hợp cho đất nước mình có 10 đạo để có ông Thập đạo Tướng quân cầm đầu, khiến một tác giả (Đào Trinh Nhất?) trong một số Trung Bắc chủ nhật trước 1945, tính theo biên chế đạo, quân, lữ, tốt, ngũ, nhân mà cho rằng đương thời có đến một triệu quân! Cũng vậy, chức tăng lục là lập ra ở Trung Quốc đầu tiên với hai vị trí tả, hữu (807) dưới đời Đường Hiến Tông (806-820). Nhưng chữ “lục” còn có nghĩa là “ghi chép”, cho nên ta thấy dưới đời Vũ Tông (841-846), vua Đường ra lệnh cho tăng lục cùng “các tăng sĩ thông Tam giáo ghi chép các sự biến” dâng lên vua xem.(1) Vậy thì theo chứng dẫn về tính chất thời đại, ta có thể đoán chắc rằng người viết sử từ đời Đinh trở đi là tăng lục, trước khi các nho thần chen vào thay thế. Người đầu tiên ấy là ai? Những người dịch các bản Toàn thư đều ghi là “Trương Ma Ni”. Chúng ta phải mất công một chút về vấn đề “chính danh” này, mất công nhưng hiệu quả lớn vì phá vỡ một trở ngại giúp ta nhận định ra nhiều điều bị hiểu sai lạc trong sử xưa mà cứ coi như đúng hiển nhiên, không còn gì phải bàn cãi nữa. Sai lạc có nhiều nguyên nhân chòng chéo phức tạp, từ lí do hình thức văn tự biểu hiện thiếu sót ý niệm, lại phải chuyển đổi sự kiện ghi chép đến hai lần: qua sự kiện bản xứ ghi bằng Hán tự lại trở về ngôn ngữ Việt ngày nay với tâm tình, kiến thức đã đổi khác. Ở đây chủ yếu là trường hợp thiếu sót cách biểu hiện riêng biệt cho các nhân danh (và địa danh). Sự việc càng dễ lẫn lộn khi phần rất lớn – nếu không nói là tất cả, các danh từ riêng đều có danh từ chung làm gốc. Người xưa chỉ có thể làm những dấu riêng biệt để chặn các cụm từ khác nhau mà ở hình thức ngày nay thì dùng những dấu hiệu phức tạp hơn, biểu hiện ý tưởng rõ ràng, hơn các hư từ “kì”, “giả”, “dã”... của Hán tự là cách ngắt câu chính thức trong bài văn nguyên thuỷ, trong bản in. Khi đọc sách người ta thường vạch một sổ bên cạnh phía phải để chỉ những cụm danh từ riêng, hay có khi chấm, khuyên loạn đả để bày tỏ ý thích riêng. Sai lạc bắt đầu từ đấy. Chu Thiên, tác giả Nhà nho, tiểu thuyết nói về các lận đận trường ốc ngày xưa, đã kể chuyện một ông-cha-thí-sinh vác gậy đuổi đánh ông-con-giám-khảo chỉ vì người này, khi chấm bài đã ngắt đoạn theo ý mình, một câu của ông cha khiến nó trở thành vô nghĩa nên loại bỏ nó, nghĩa là đánh hỏng thí sinh! Sự việc càng xa đời, với những sao qua chép lại thêm bớt bỏ sót, sai lạc càng xa, nhiều lúc vô nghĩa không giải thích được. Ví dụ như câu của Toàn thư: “(Thánh Tông) khiển đồng tử đỗ dã mộc như nguyên”, bản dịch cũ (1971), cũng của Hà Nội, phải chuyển là “sai đồng tử là Đỗ Dã Mộc sang Nguyên”. Tuy nhiên nhờ An Nam chí lược và Nguyên sử có tên Đồng Tử Dã nên người chú thích bản dịch 1993 biết Toàn thư chép chòng chéo tên hai nhân vật, đúng ra là Đồng Tử Dã và Đỗ Mộc, và thấy được cái vô lí của câu dịch phải theo sát nguyên văn: Sao một cậu bé (đồng tử) mà lại đi sứ nước lớn trong tình trạng cần phải cầu cạnh êm xuôi? Sẽ phân tích nhiều chuyện có tầm mức quan trọng về tên riêng, danh từ chung lẫn lộn đưa đến những cách hiểu sai lịch sử xưa. Ở đây, tên người tăng lục của Đinh lại sai lạc thêm, vừa qua sự cách biệt ý thức hệ, vừa do sự chấp nhận lối văn pháp Hán (ngược) so với văn pháp Việt (xuôi) đã quen thuộc đến mức không còn gây ngạc nhiên. Năm 1318, Trần Anh Tông định đi tu, muốn có nữ quan theo hầu (Sử ghi: Sai cung nhân ăn chay), chỉ có Nguyễn Thị Diên thuận tình nên được cấp ruộng, và có Phật hiệu là Tịnh Quang ni. Chúng ta bây giờ có thể viết hoa chữ “ni” như là một cụm Phật hiệu, hay viết thường chữ ni như hiểu rõ đó là một bà vãi, cả hai lối biểu diễn về cách viết Hán tự như thế đều không gây lầm lẫn về giới tính của người này, vì có chứng cớ rõ là một phụ nữ. Thế nhưng với người tăng lục của Đinh thì ai cũng nghĩ là một “ông sư”. Có thể Lê Văn Hưu (1272) còn nghi ngờ vì hơn 30 năm sau ông, còn xảy ra chuyện ông vua đòi có “ni sư” cùng tu huống hồ là đương thời, vì ông còn biết chuyện cái “chùa” không thờ Phật mà chỉ có cái “cột đá”. Nhưng chắc chắn từ Ngô Sĩ Liên (1479) trở đi thì người ta coi đó là một người đàn ông, không cần bàn cãi, vì không thể tin một phụ nữ lại có thể đứng vào hàng ngũ cao cấp của tăng quan, được ghi chép cẩn thận tên họ cho muôn đời sau khỏi quên! Nhưng các sử quan nho thần không che được hết dấu vết của thời đại. Chúng ta có nhiều bằng chứng về vai trò quan trọng của người phụ nữ xưa vào các thế kỉ đầu độc lập. Vai trò đó khiến cho việc có người tăng lục phụ nữ trong đời Đinh không phải là điều đáng ngạc nhiên. Vả lại có chứng cớ là tổ chức Phật Giáo đương thời có phụ nữ – không phải đóng vai trò khuất lấp về mặt tính dục như bà vãi ngày nay. Tăng sĩ và sư nữ đã sống chung với nhau. Năm 1198, Đàm Dĩ Mông dâng biểu tố cáo: “Bọn tăng đồ tự kết tập bè đảng, lập càn người lên làm chủ, tụ họp thành từng nhóm làm nhiều việc dơ bẩn. Hoặc ở giới trường tịnh xá thì công khai ăn thịt uống rượu. Hoặc nơi thiền phòng tịnh viện thì kín đáo tự gian dâm với nhau...”. Nhưng chủ ý của việc tố cáo vốn là do nhà nước thiếu nhân lực phục dịch, vì “nay tăng đồ và phu dịch số lượng chẳng kém gì nhau” mà tăng đồ thì “ban ngày ẩn núp” trốn tránh quan quyền (2). Bằng chứng nghiêm chỉnh hơn, là Từ Đạo Hạnh (?-1116) có mẹ họ Tăng, một cách nói khác về một ni cô, và cha thì giữ chức tăng quan đô sát, nghĩa là một nhà sư làm việc kiểm tra hệ thống tăng lữ (3). Phía hàng đạo sĩ cũng tương tự: Phùng Tá Chu, cựu thần nhà Lí, có công giúp rập nhà Trần nên cha là Phùng Tá Khang được chức Tả nhai đạo lục. Sự kiện uống rượu, ăn thịt của Mật tông đã bị phái Tiểu thừa của Miến Điện lấy làm chủ điểm bài bác sự lạc đạo của đối thủ (4). Thế mà Mật tông lại thấy xuất hiện trên các bảo tràng của Đinh Khuông Liễn (973, 979) phát hiện ở Hoa Lư trong thập niên 60 của thế kỉ XX và năm 1987 (5), cho nên không lấy làm lạ về sinh hoạt chốn thiền môn mà Đàm Dĩ Mông công kích. Ni sư cũng không phải là một từ thông thường mà là một cấp bực quý trọng. Lí Thái Tông có bà thiếp yêu quý, nâng lên chức hoàng hậu, cho đúc tiền mang tên bà (Thiên Cảm), tên con bà (Phụng Càn), có cháu nội (con Phụng Càn Vương) là công chúa Ngọc Kiều được gả về một lãnh chúa danh giá, goá chồng đi tu, chết năm 1113. Người đó sau được Thần Tông tôn làm Ni sư. Vậy thì người tăng lục của Đinh Tiên Hoàng phải được gọi đúng là Ni (sư) Trương Ma. Và người (nữ) tăng lục ấy, cùng những nhân vật khuất lấp khác, đã mang tâm tình tín ngưỡng riêng để lại cho sử kí Việt Nam một thời đại đầy dấu ấn tôn giáo của mình, có khi vượt qua cả những công kích của người sau, không gây nổi thắc mắc nào qua thời gian: loạn Thập nhị sứ quân. II. DÒNG SỬ KÍ TĂNG ĐẠO Hai hệ thống “quốc giáo” Tăng, Đạo trên triều Đinh đã là nền tảng cho một dòng sử kí có tính chất khác hẳn của nho thần đời sau. Tuy nhiên có lẽ vì người chủ chốt chép sử là một tăng lục cho nên sự kiện lại nặng về Phật Giáo mà với ảnh hưởng thần thánh chen vào chắc cũng làm thoả mãn được các đạo sĩ đương thời. 1. Thập nhị nhân duyên và sấm kí Ngô Sĩ Liên đã phân chia thời Ngoại kỉ, Bản kỉ của ông bắt đầu với nhà Ngô. Sự thu xếp cũng hợp lí về mặt chính thống: Tuy Dương Diên Nghệ / Đình Nghệ đã đánh đuổi quan lại Nam Hán ra khỏi phủ Đô hộ An Nam, nhưng vẫn chịu tiếng Tiết độ sứ của hệ thống Đường, chỉ có Ngô Quyền mới xưng vương riêng biệt sau khi thắng quân Nam Hán (939) để rồi từ đó nền độc lập kéo dài, trở thành không thể đảo ngược được. Tuy nhiên không lâu sau Ngô Sĩ Liên, với nền tảng Nho học củng cố ý thức tôn quân tăng một bậc, Vũ Quỳnh – có Lê Tung phụ hoạ, lại chuyển “từ Đinh Tiên Hoàng trở về sau, chép làm chính thống để tỏ rõ phận vua tôi” (Lê Tung). Đinh Bộ Lĩnh không phải chỉ xưng Vương mà xưng Đế, cao đến tột đỉnh. Công “đại nhất thống” (Phạm Công Trứ) đó là do từ việc ông dẹp loạn “Mười hai sứ quân”, có thể nói, khởi đầu vốn là một sản phẩm tổng kết thời sự của người tăng lục triều Đinh. Có hai tài liệu chép đủ tên 12 sứ quân: Toàn thư và ĐVSL. Tuy nhiên Lê Tắc thấy có 3 người, An Nam chí nguyên (ANCN) (6) tự tìm kiếm được chỉ có 4 tên, có người lại không đứng trong 2 danh sách trên. Cuối cùng, tác giả ANCN đành theo “Nguỵ kí” mà chép ra 12 ông – lại vẫn gặp lúng túng. “Nguỵ kí” hẳn phải là sử chính thức của Đại Việt, nghĩa là ĐVSK trước khi Ngô Sĩ Liên điều chỉnh. Tất nhiên hiện nay chúng ta không biết ĐVSK chép như thế nào, nhưng sai biệt lớn giữa ANCN và Toàn thư là tên viên sứ quân đóng ở Bình Kiều (ANCN chép là Kiều Bình): Toàn thư cho đó là Ngô Xương Xí, con Ngô Xương Ngập, nhưng ANCN chép là Nguyễn Du Dịch thật xa lạ, lại cùng thoại với ĐVSL, quyển sách thường vẫn được cho là tóm lược của ĐVSK. Có điều khác là ĐVSL còn thêm “(Nguyễn Du Dịch) tên là Xương Xí, chiếm giữ Vương Cảo”, nghĩa là ông Xương Xí này có họ Nguyễn chứ không phải họ Ngô. Dòng chính thống của Ngô Quyền tuy bị sử quan bỏ lơ nhưng rõ ràng đó là Ngô Nhật Khánh, người xưng An Vương, được Đinh Bộ Lĩnh o bế, kết thông gia ràng buộc nhiều mối, là người bị đặt núp sau sứ quân Đỗ Cảnh Thạc. Vậy có vẻ Ngô Xương Xí đã đến nương nhờ Nguyễn Du Dịch, một lãnh chúa địa phương ở Bình Kiều / Vương Cảo khiến gây nên sự lẫn lộn, rồi vì Ngô Sĩ Liên muốn giữ tinh thần bảo vệ vương quyền chính thống nên đặt Ngô Xương Xí đứng lên hàng đầu, xoá dấu vết ghi chép của người trước mà ĐVSL và ANCN còn giữ được. Nếu giữ tinh thần không phe phái thì phải kể rằng cuộc tranh chấp giành quyền làm chủ phủ Đô hộ An Nam cũ, trước lúc kết thúc, theo sử chính thức, có đến 13 nhân vật tham gia. Tuy nhiên vì Đinh Bộ Lĩnh đã là người thắng thế nên sử quan không kê ông vào danh sách đó, vì không thể đặt ông ngang hàng với những người ông đánh bại. Sử gia Trung Quốc không cần đến sự chính thống kia, nên xem ông là một thành phần trong tranh chấp, không chối cãi được vì hiển nhiên là người thắng cuối cùng. Nhưng nếu đem Đinh vào thì sai với con số 12 người của nguỵ kí, nên tác giả ANCN đã làm việc giản dị là gạch tên một người trong bản sử Việt. Ta không hiểu tại sao ông Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt bị gạt ra, chỉ thấy có điểm khác biệt nhỏ nhặt: đây là nhân vật hiện diện gần thủ phủ Đại La nhất. Tác giả viết vào thời Minh đang chiếm Việt, không muốn có tên một nhân vật nổi loạn (dù là xa xưa lâu lắc) ở phủ lị Đô hộ chăng? Con số Mười hai gây thật nhiều rắc rối cho sử gia. Chỉ có 12 người mà ĐVSL nói Trần Lãm sai con nuôi là Đinh Bộ Lĩnh đánh 12 sứ quân, nghĩa là đánh cả mình! Có dấu hiệu là tác giả đã sử dụng một ý niệm, theo thói quen, hơn là nói về một sự kiện. Còn tác giả ANCN cũng vậy: “Minh công dưỡng tử [Đinh Bộ Lĩnh – người thứ 12] suất sở bộ binh công Thập nhị sứ quân”. Tác giả này ghi nhận sự việc vào đầu thế kỉ XV cũng thấy lúng túng nên phân trần: “Hỏi thăm các bậc già cả thấy đều nói là 12 sứ quân..”. Rốt lại chỉ có sử quan Việt sắp xếp theo lối chính thống là khỏi gặp vặn vẹo. Tuy nhiên sự việc lại không đúng với sự thật rải rác ngay trong chính sử Đại Việt. Phạm Phòng Át, một sứ quân được kể về sau, đã thấy có binh lực, lãnh địa riêng từ lúc Ngô Quyền chết (844) nên mới giành giật Ngô Xương Ngập với Dương tam kha. Cũng vào thời ông này cầm quyền đã có loạn ở hai thôn Đường, Nguyễn (850) là dịp cho Ngô Xương Văn lật đổ ông. Cũng vì loạn này mà Ngô Xương Văn chết (865), nguyên cớ sử quan cho là mở đầu loạn Thập nhị sứ quân. Trong thời gian tranh chấp đã có những cuộc chiến giữa các phe phái với các tên mơ hồ “ con em Ngô tiên chúa”, “Ngô phó sứ” ra mặt đương cự với sứ quân có tên, vậy mà không được kể vào danh sách. Lại có thể lượm lặt đâu đó, suy luận gián tiếp mà thấy ra một vài “sứ quân” không chính thức nữa. Có nghĩa là số sứ quân thật ra trên 12 người. Và Mười hai chỉ là con số tượng trưng. Sự lúng túng nói ở trên của các tác giả ĐVSL và ANCN cũng chứng tỏ họ đã bị lôi kéo theo một con số tượng trưng đã thành hình mà không phải thắc mắc gì hết. Nguồn gốc của nó ở đâu? Chúng ta trở lại người tăng lục triều Đinh mà ta đã đoán khó-sai-chạy, là người chép sử triều Đinh. Có thể là cả Lê nữa. Vì Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu phục vụ cả Đinh Lê, hẳn là trước Quách Mão/Ngang của Lê Ngoạ Triều. Vạn Hạnh cũng vậy. Nhà sư chép sử hẳn phải đem quan niệm Phật Giáo vào – giản dị cũng như nho gia sau này trưng dẫn kinh Xuân Thu vậy. Ít ra là sau 968, họ Đinh đã nổi lên ở Hoa Lư như một thế lực mạnh lấn át các lãnh chúa tranh chấp nhau trước kia. Vài năm sau (971), khi được phong chức làm việc, Tăng lục Trương Ma nhận ra một thời khổ nạn đã qua, và tất nhiên quàng công tích ấy cho người đã đem lại nền Thái bình trong khu vực, như niên hiệu được tuyên xưng năm trước. Điều đó giống như giáo lí mà Bà thu nhận về Khổ nạn và sự Giải thoát con người. Có đến 12 nguyên nhân thường được gọi là Thập nhị nhân duyên, Thập nhị duyên khởi đã kìm hãm con người trong Khổ nạn. Ý niệm căn bản đó bao trùm các phái Phật Giáo, không những lưu giữ trong sách vở mục nát mà còn quý trọng mong gìn giữ lâu dài, như đã được khắc trên các tấm vàng lá ngày nay tìm thấy ở Java (7). Từ giáo lí suy qua lịch sử cụ thể, thì thời thái bình Giải thoát là của hiện tại, thời đắm chìm trong Khổ nạn là của quá khứ mà nguyên nhân là bởi tranh chấp trong u tối Vô minh của một số người, tương tự 12 nhân duyên, đã gây nên cớ sự: Hãy gọi đó là Mười hai/Thập nhị sứ quân. Tăng lục Trương Ma đã làm đúng vai trò thời đại của mình. Dòng sử kí tăng đạo rồi sẽ yếu thế dần theo với yếu tố nho sĩ đi vào chuyên môn và triều chính, nhưng càng gần khởi đầu càng đầy dấu vết giáo lí riêng biệt của mình. Ví dụ ở những ghi chép mà vì sự mù mờ lạc lõng, bởi người sau không hiểu nên đã trở thành “sấm kí”. Về biến chuyển Đinh sang Lê, Toàn thư chép câu sấm như sau: “Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh, cạnh đầu đa hoành nhi, đạo lộ tuyệt nhân hành. Thập nhị xưng đại vương, thập ác vô nhất thiện, thập bát tử đăng tiên, Kế đô nhị thập thiên”. Dịch sát chữ: “ Đỗ Thích thí hai Đinh, nhà Lê nổi thánh minh, tranh nhau nhiều hoành nhi, đường xá người vắng tanh. Mười hai xưng đại vương, mười ác không một thiện, mười tám người lên tiên, sao Kế đô hai chục ngày”. ĐVSL chỉ ghi 4 câu, một nửa của Toàn thư, hẳn vì chỉ là “lược”, và dùng chữ hoạnh tử (chết oan uổng) thay vì hoành nhi, tuy có vẻ hợp văn cảnh và thời đại hơn (nô lệ không là gì cả để sử quan phải ghi; tranh chấp xảy ra thì người chết nhiều, đường vắng tanh) nhưng chút sai biệt ấy không quan trọng lắm. Toàn bộ câu “sấm” mang tính cách liền lạc chặt chịa của tư tưởng Phật Giáo mà nếu có ai muốn chen vào bằng lời giải thích của sấm kí liền thấy lạc lõng ngay. Đây là sử sự được kể lại bởi một Phật tử: “Đỗ Thích giết hai Đinh, nhà Lê nổi ra bậc thánh, tranh nhau nhiều nô tì (hay: nhiều người chết oan), đường xá vắng tanh..”. Loạn phát sinh tranh chấp, thực tế trong triều chính là của hai phe: Thập đạo tướng quân Lê Hoàn một bên và Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp bên kia, nếu chẽ ra thêm thì là bốn phe. Đám nô tì hoành nhi không có cơ chen vào cuộc tranh chấp, nhưng nếu có thì hẳn là vô số phe. Vậy mà chuyện kể cũng chỉ nói đến Mười hai người xưng vua-lớn. Thế là đủ rồi, theo ý sử quan Phật tử đã lộ ra quan niệm thập ác thông thường nơi đây. Nơi nào không có điều thiện thì không có người hiền. Bậc hiền giả của Phật Giáo không phải là Phật, Bồ tát – chưa cần nói đến họ; bậc hiền giả gần gũi dân chúng là Mười tám vị La hán, lúc này đã lánh xa, tránh mặt. Biến loạn khởi đầu bằng việc giết vua và người có khả năng kế nghiệp: Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Người ta đã diễn tả việc ấy bằng quan niệm thiên văn Ấn Độ, nơi xuất phát của Phật Giáo: sao Kế đô (cùng với một sao khác) che mặt trời, mặt trăng. “Hai mươi ngày” bị sao che, có vẻ là hai mươi ngày gây biến loạn của chuyển đổi từ Đinh sang Lê. Câu “sấm” rốt lại là một ghi chép sử sự gọn ghẽ, liền lạc, chặt chịa, không chừa chỗ để nói chen về những sự kiện khác. Giải thích “thập, bát, tử” theo lối chiết tự (gộp lại thành chữ “lí”) để ám chỉ chuyện Lí cướp ngôi Lê, đã làm loãng sự nhất thống của sử sự, lạc ra ngoài ý thức làm nền cho việc ghi chép kia, chỉ vì lẽ người ta không hiểu con số 18 được nói lên có nghĩa là gì. Và tất nhiên khi đã phá vỡ khuôn khổ thì cũng dễ dàng cho những ý tưởng nối tiếp, càng lạc xa trọng tâm hơn: Đã chen chuyện nhà Lí vào thì chữ “đô” vốn chỉ là một phần của phiên âm, lại trở thành chuyện “dời đô” đến Thăng Long của hồi sau. Lối giải thích bắt-quàng liên miên như thế thật không có cơ sở của một thứ luận lí bình thường. Tất cả chỉ thêm minh chứng rằng vì người chép sử là tăng sĩ mà ý thức Phật Giáo đã chen vào khiến sử sự buổi đầu độc lập nảy ra cụm từ “Thập nhị sứ quân” còn dùng tới ngày nay. 2. Các điềm lành và tác động củng cố triều đại Sử quan nho thần đời sau tất nhiên là không bằng lòng lối chép sử của các tăng lục. Ngô Sĩ Liên từ chuyện năm 1035, bài bác các việc khác: “Sư chùa muốn làm cho đạo mình có vẻ thần diệu mới nói phao (chuông tự đi) như thế mà thôi. Những chuyện như dấu vết người thần, ánh sáng xá lị, cây ưu đàm nở hoa, tượng Phật cổ nổi lên... đều do bọn các nhà sư ra cả. Người cầm bút chép sử đương thời không xét lí lẽ, cứ theo thế mà chép vào sử sách”. Ông ta cứ tưởng người chép sử lúc ấy là thuộc phe phái mình! Tuy nhiên có bằng lòng hay không thì Ngô Sĩ Liên cũng phải chép lại những điều người trước đã ghi nhận, nếu không muốn là người chép sót sử. Có điều tất cả không hẳn đều là chuyện bịa. Nhận thức của một người vốn có mang định kiến từ bản thân nhưng sự vật, sự việc xuất hiện cũng có giá trị tự thân của nó. Người ta chỉ làm công việc chọn lựa, có khi trong vô thức, chứ không cần phải tưởng tượng ra. Tượng Phật cổ qua biến loạn, bị vùi trong đất rồi do tình cờ đào bới, do đất đai xói mòn, lại nổi lên thì không phải là chuyện bịa. Cũng như Lí Thái Tông thấy được hòm xá lị của chùa Pháp Vân (1034) – xá lị là từ ngữ chỉ xương cốt tăng sĩ, thế thì đó chỉ là chuyện đào một cái mả xưa mà thôi! Chuyện kì dị xảy ra chỉ vì người ở một thời đại khác không hiểu thực tế của thời đã qua. Cũng Lí Thái Tông đi thăm chùa cổ Tùng Sơn (1043) thấy cột đá nghiêng bỗng dưng đứng thẳng, có vẻ như thần đoán được ý ông vua muốn sai sửa chữa. Nho thần làm phú tán tụng là chứng cớ rằng sự “linh dị” ấy có thật – vì một nguyên cớ vật chất nào đó, nhưng chùa chỉ có cái “cột đá” trơ trọi một mình bên trong, không chống đỡ vật gì hết, điều đó lại chứng tỏ “chùa” có cái linga là vật thờ cúng. Y như các “chùa Chà” bây giờ với cái linga đặt nơi cửa vào, với các hình tượng Civa, bò thần Nandin... trên rèm mái nhà, bên trong, còn chùa cổ Tùng Sơn có thể thay bằng các ông Phật, hay chính tượng (Phật) Đế Thích/Indra lẫn lộn, cũng do vua Lí từng dựng lên ngay ở Kinh thành. Nối tiếp sự kiện ghép thời rối loạn trước Đinh với quan niệm Thập nhị nhân duyên thì đương nhiên là các sự việc sau đó cũng lấy ý thức Phật Giáo làm chủ chốt. Ở đây chẳng có điều gì thuộc lí thuyết cao xa mà chỉ là những tin tưởng bình dân, thuộc đường lối “hạ thừa” để thu phục quần chúng. Cho nên phần lớn là những ghi nhận về “điềm lành” như mong ước của từng con người, của triều đại. Ngô Thì Sĩ ở thế kỉ XVIII làm tổng kết: “Triều Lí trước sau gần 50 lần chép điềm lành... Đời (Lí) Thần Tông chép 29 điềm tốt, điềm hươu đến 9 lần, vì hươu mà được làm quan đến 3 lần, dò xét hươu mà được thưởng đến 2 lần...”(8). Ngô Thì Sĩ phân biệt cặn kẽ thì thấy có 30 điềm liên quan đến việc thờ cúng của Phật Giáo (cây sung nở hoa, cây phướn múa, bông đèn) mà ông còn thấy trước mắt, nhưng theo quan niệm ghi chép đã nói ở trên thì sử sự tràn ngập tinh thần của tôn giáo này. Con vật lạ mang điềm lành thường có màu trắng. Kể cả con chó con sắc trắng có dấu vết báo điềm Lí Công Uẩn làm vua, kể cả con “thần mã” của ông. Con voi trắng linh thiêng được tìm bắt nhiều lần vì từ chuyện Tiền thân, mẹ Thích Ca nằm mộng thấy voi trắng chui vào mình mà hoài thai Phật. Voi trắng xuất hiện cũng là điềm lành mưa thuận gió hoà. Phật Giáo mang dấu vết hệ thống Ấn Độ mà nó tách ra nên voi trắng đã thay thế con bò trắng Nandin, vật cưỡi của thần Civa. Rồi hươu trắng, sẻ trắng, cá trắng... tiếp tục xuất hiện, đem thêm sự phức tạp của tin tưởng mà sử quan đương thời phải chấp nhận ghi vào. Sự chọn lựa thu nhận để ghi lại, không phải chỉ do định kiến cá nhân tăng lục – hay sử quan tăng sĩ, mà còn từ ý thức chung của quần chúng đương thời. Bởi vì thấy được chuyện lạ, vật lạ còn là từ những vùng xa xôi hẻo lánh chuyển về kinh thành, để thấu đến tai vua. Bởi vậy, các sự kiện được ghi, được giữ lại đến nay không hẳn là vô ích cho sử gia muốn tìm hiểu quá khứ. Nó biểu lộ một ý thức tập thể cố kết, có tác động đến sự củng cố triều đại và bồi đắp nên sự vững vàng của nền độc lập còn lung lay lúc khởi đầu. Đất nước độc lập có điểm tựa quyền lực từ trên cao: một ông vua, một triều đại. Với quan niệm Hán thì tượng trưng cho ông vua là con rồng vàng. Sử quan tăng sĩ ghi chép không phải bằng chữ khác lạ mà bằng chữ Hán/nho, nghĩa là họ phải học chữ Hán, kinh sử Hán/nho để có thể thực hiện nhiệm vụ. Con người tăng sĩ đương thời, đồng thời cũng là nhà nho. Rồng vàng chẳng có dính dấp gì đến kinh Phật, thế mà nhà sư Pháp Ngữ (1053) biết phân biệt ảnh hưởng của vị trí cao thấp: “Rồng thì bay trên trời, nay lại hiện ở dưới đất là điềm không lành”. Tuy nhiên khi vị trí tăng và nho còn nằm chung trong một con người thì còn có sự thoả hiệp, đến lúc tách riêng cho hai tập thể thì có sự xung đột. Lời nhà sư nói trên chứng tỏ có sự cạnh tranh của hai loại gián quan, tăng sĩ và nho sĩ, mà tăng sĩ thì muốn đem kiến thức nho của mình bài bác ngay trong ưu thế tưởng là đương nhiên phải có của phía đối nghịch, để giành ưu thế cho phe mình. Chỉ vì, với sự phát triển của tổ chức chính quyền, nho sĩ đã len vào mạnh hơn. Sự việc có các gián quan đặt ra với Lí Thái Tông (1028) để ghi chép sử sự, cùng với sự xuất hiện của người chuyên trách đầu tiên: Thái sử Trần Độ (1121), của quyển sử đầu tiên: Sử kí của Đỗ Thiện (có mặt 1127), chứng tỏ sự thụt lùi của sử quan tăng sĩ. Cho nên tuy có bài bác mà rồng vàng, biểu hiện của vua, vẫn hiện ra khắp nơi: lúc dời đô (1010), theo ông Hoàng thái tử viễn chinh (1020), trên áo (1027), trong cung điện (1053)... Rồng vàng hiện cùng khắp càng nhiều hơn trong quyển sách có dấu vết nho sĩ cứng cỏi mà kín đáo: quyển ĐVSL. Các nho sĩ đời sau khi chê trách các việc quái đản, “mê tín” của tăng sĩ ghi lại thì không hề đả động đến chuyện rồng vàng hiện, cứ coi như đương nhiên hợp lí, không cần bàn cãi. Tuy nhiên rồng vàng hiện cho người cầm đầu đất nước như một dấu hiệu duy lí, vẫn không mâu thuẫn với các hiện tượng lạ xuất hiện trong dân chúng. Đó là dấu vết về sự kết hợp của thời đại mà người sau không nhận ra. Quyển Sử kí của Đỗ Thiện tuy chỉ còn lại những mảnh vỡ nhưng cũng cho ta thấy điều đó. Những chuyện thần quái có chen chuyện thật về đời người. Người thời đại đó sống trong một tâm thức lẫn lộn giữa thần và người. Có tiến bộ nhưng vẫn là sự liên tục hữu lí trong cuộc sống qua thời gian. Chúng ta sẽ thấy trong khởi đầu của một tập nhóm dân Việt về sau, người lãnh đạo xưng vương mà mang tính chất một pháp sư. Thần quyền và thế quyền được biểu lộ không chỉ dừng lại ở phạm vi bộ lạc mà đã mở rộng theo phạm vi tổ chức lãnh thổ. Với thời gian, dân Việt được kết tập chặt chẽ hơn và sự kiện được ghi chép nhiều hơn, cho ta thấy mối liên hệ thần quyền và thế quyền vẫn còn đó trong phạm vi một lãnh thổ to rộng vốn là một cựu thuộc địa. Có còn là thuộc địa thì phủ Đô hộ An Nam cũng chỉ tiếp tục được chia quận huyện, dân chúng sẽ sống thay đổi theo khuôn thức được đưa từ những thủ đô dời đổi của quyền bính phương Bắc. Nhưng đã nổi lên giành quyền được sống riêng biệt thì các yếu tố địa phương sẽ đương nhiên hồi phục, tiến triển theo tình thế mới. Các thủ đô Hoa Lư, Thăng Long với các dòng họ đương quyền, tuy có lúc chưa đủ sức toả rộng cùng khắp, vẫn sẽ là điềm thu hút cho dân chúng hướng về. Làm được sự kết hợp trên dưới ấy là dựng được căn bản khởi đầu của một nước độc lập thực sự. Nhà Ngô rõ ràng chưa làm được điều đó. Họ chỉ đứng đầu được một liên minh quyền lực lỏng lẻo từ bên trên. Đinh Tiên Hoàng tuy còn phải đặt vạc dầu, chuồng hổ nhưng đã nghĩ ra được sự kết tập khác. Bên ngoài sức mạnh thế quyền, thần quyền của cá nhân, dòng họ mình, ông đi tìm sức mạnh thần quyền bao trùm hơn khi đặt ra quan chức cho hàng tăng sĩ, đạo sĩ để họ đem quần chúng tuỳ thuộc vào các thế lực lãnh chúa khác trở về phục vụ ông. Người tăng lục triều Đinh khi dùng tập nhóm “Thập nhị sứ quân” để gộp công trình giải thoát khổ nạn chiến chinh, loạn lạc về cho ông vua khai sáng, là đã làm công việc chứng giám của thần quyền cho vị chủ tể của Bà. Thêm nữa, dù đổi thay triều đại, sinh hoạt của người cầm đầu cũng mấy không xa rời đám dân chúng đầy tin tưởng thần quyền. Lê Hoàn vẫn cày ruộng như anh trai cày khi cần làm lễ tế thần đất các khu vực chiếm hữu của mình. Màu trắng linh thiêng đem lại điềm lành, phấp phới trên cờ xí giăng khắp Hoa Lư như Tống Cảo đã chứng kiến (990). Thần núi Đồng Cổ của phương Nam trong các lời thề thốt cá nhân, bộ lạc được rước về Thăng Long làm “Thiên hạ minh chủ” chứng kiến cho thuộc hạ nhà Lí, nhà Trần tỏ lòng trung thành với chủ nước. Hai hệ thống Phật-Thần đạo, Pháp Vân / Thạch Quang và Kiến Sơ / Phù Đổng, được cử hành lễ liên tiếp theo thứ tự ủng hộ triều đại Lí: “mồng Tám (tháng Tư) hội Dâu, mồng Chín đâu đâu, trở về hội Dóng”. Sự kết hợp thần quyền thế quyền đó đã vượt lên được sự thay đổi triều đại để đem lại sức mạnh cho vùng đất thời khởi đầu độc lập. 3. Quá khứ được giữ lại bên ngoài ý thức hệ của sử quan tăng, nho sĩ Sự trung thực của sử quan tăng sĩ đã giữ lại cho chúng ta một phần hình ảnh của quá khứ không như các nho sĩ đời sau muốn cho ta hiểu. Thật ra, tình hình cũng khá phức tạp. Một mặt, nho sĩ phải giữ lại các ghi chép cũ, nếu không thì quá khứ không còn gì cả, tuy nhiên chính vì thế mà họ đã lặp lại một số sai lầm có trước. Mặt khác, khi bài bác theo cách hiểu riêng, họ vẫn không thể xoá bỏ sự kiện, điều đó giúp ta nhận ra sự thật khuất lấp sau sự công kích kia. Và vì sử kí là loại của nho thần được độc nhất in ấn, lưu truyền chính thức, mãi đến tận bây giờ, ảnh hưởng đến con người hiện tại, cho nên quá khứ mới của nho sĩ vẽ lên lại được chúng ta chấp nhận nhiều lúc coi như là hiển nhiên, không phải bàn cãi, tuy thật ra không hẳn như vậy. Điều rõ ràng là khi sử quan nho sĩ thay thế sử quan tăng sĩ thì ý thức hệ Nho Giáo là khuôn mẫu cho mọi nhận định về con người, về xã hội của sử quan mới. Nho sĩ, nhất là những người của buổi đầu, tuy sống trong một đất nước mang đầy tính chất địa phương riêng biệt, nhưng họ lại học kinh sách của một hệ thống vương quyền phụ hệ hoàn chỉnh bên ngoài nên cứ lấy đó làm khuôn mẫu cho nhận định xã hội chung quanh. Cái học từ chương mà ngày nay hay dùng để chê trách các thế hệ khoảng trăm năm về trước, thật ra đã xuất hiện từ cả ngàn năm. Họ là sử quan, trước tiên là của dòng vua họ phục vụ. Và họ chú ý nhiều đến sự chuyển đổi triều đại bởi vì đó là trọng tâm công việc của họ. Trong việc này, họ có một khuôn mẫu lí thuyết là tôn ti trật tự theo Lễ với thứ bực xã hội: “tam cương, ngũ thường”, với nguyên tắc hành xử cho bản thân: “quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”. Về thực hành quản trị đất nước thì họ có những ghi chép biến chuyển của các triều vua Trung Quốc. Muốn phê phán sự việc thì họ dùng kinh Xuân Thu của Khổng Tử. Thế là họ đem ra áp dụng vào Đại Việt. Và thấy sai trái ngay từ triều vua mở đầu, nhà Ngô, để rồi lại thấy tiếp tục với Đinh, Lê, cả Lí nữa – đến lúc này thì mục tiêu phê phán đã yếu đi nên họ chuyển qua hướng khác. “Tiền Ngô Vương bệnh nặng, có di chúc giao cho Tam Kha giúp rập cho con. Khi Vương mất, Tam Kha cướp ngôi”. Đó là nguyên văn chép qua bản dịch Toàn thư 1993. Sử quan đã dùng chữ “soán” để chỉ hành động sai trái của Tam Kha. Với đời Đinh thì có chuyện “phế trưởng, lập thứ”: bỏ con lớn là Đinh Liễn, lập con nhỏ là “Hạng Lang” làm Hoàng thái tử. “Nối ngôi dùng con đích là đạo thường muôn đời, bỏ đạo ấy, chưa từng không gây loạn” (Ngô Sĩ Liên). Rồi cũng Ngô Sĩ Liên nặng lời với Lê Hoàn: “... Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết: Đó là phép của sách Xuân Thu”. Nguyên tắc chuyển tiếp đế vị, triều đại đã được sử quan nho thần áp dụng đúng kinh sử học được vào đất nước khác, không kể đến thực tế nơi đây đã gây ra những biến chuyển không cần biết đến ông Khổng Tử. Lầm lạc là bởi sự cách biệt thời đại cộng thêm sự khác biệt ý thức hệ, nhưng, nhắc lại, cũng có phần rất lớn ở sự khiếm khuyết biểu hiện ý tưởng của chữ Hán, ở khả năng, tính cách suy nghĩ của người đọc, ở sự chuyển dịch sang chữ viết ngày nay như đã nói. Ở đây, chữ “tam kha” đã được hiểu là tên người qua lối viết bây giờ: Tam Kha. Bản chữ Hán qua nhà nho nào đánh dấu khuyên tròn, chứng tỏ họ cũng hiểu như vậy. Có lúc ta cũng tưởng sử quan đã hiểu khác “cậu ba (vì cùng họ Dương) anh của Dương hậu” / “tam kha Dương hậu chi huynh”, nhưng họ lại có lời chú thêm “có sách chép là em”, nghĩa là họ không nhận ra cụm từ “tam kha” ghép với họ Dương để chỉ một liên hệ thân tộc. Họ vẫn nghĩ rằng Tam Kha là tên người! Sử quan nho thần đã không nhận ra sự nhấn mạnh của sử quan tăng sĩ. Những người này không nêu tên, vì cái tên cá nhân đối với họ không quan trọng bằng mối liên hệ thân tộc nơi đây. Người anh thứ ba của bà Dương Hậu, vợ ông vua Ngô, là người có thực quyền, được đương thời tôn xưng Dương Chủ tướng(9) vì mối liên hệ thân tộc với họ Dương chứ không phải là với họ Ngô. Một lầm lạc khác tương tự xảy ra khi Ngô Sĩ Liên chê trách việc phế trưởng lập thứ của triều Đinh. Đúng Đinh Liễn là người con lớn (tuổi) của Đinh Tiên Hoàng vì đã từng hiện diện làm người thế-thân ở Cổ Loa trong liên minh Ngô Đinh (có mặt sau năm 951), với chức Nam Việt Vương (969) đi sứ Tống (972), được nước lớn Tống phong làm Giao Chỉ Quận Vương (975), uy quyền trong ngoài được xác nhận đủ. Thế mà năm 978, Đinh Tiên Hoàng “lập con nhỏ là Hạng Lang làm Hoàng thái tử, con thứ là Toàn làm Vệ Vương”, nghĩa là định cho “Hạng Lang” nối ngôi, loại trừ Đinh Liễn. Ở đây Ngô Sĩ Liên đã sai về danh vị trưởng thứ chỉ vì ông cũng coi “hạng lang” là tên người. Ông hẳn cũng biết, ngay với lí thuyết ông theo, rằng “trưởng” không phải là “người lớn tuổi” mà là “người của dòng đích”. Và dòng đích của Đinh lúc đó thuộc về người được xác nhận bằng cái “tên” Hạng Lang: Chàng Lớn. Có vẻ đó là chữ gọi nôm na đương thời được sử quan dịch sát ra Hán tự để chép vào sách – cũng như mãi về sau, Trần Thái Tông xâm phạm biên giới Trung Quốc (1241) xưng là Chàng Trai và sử chép: Trai Lang. “Lập thiếu tử Hạng Lang vi Hoàng thái tử” có nghĩa là xác nhận địa vị chính thức của cậu bé từ trong gia đình (Chàng Lớn) ra đến triều chính (Hoàng thái tử), không hề hàm ý phế trưởng lập thứ nào cả. “Hạng Lang” con ai? Không hề có xác nhận chính thức, nhưng có chứng cớ gián tiếp. Sử quan không cần đi sâu vào tiểu sử kẻ chưa từng làm vua nhưng không thể bỏ lơ gia thế của người lên ngôi chúa tể: Đinh Toàn được ghi là con một bà họ Dương. Năm 974 là năm sinh của “Hoàng thứ tử” Toàn, sự việc có vẻ như tiếp nối chuyện của một “Hoàng trưởng tử”. Năm 978 Toàn được phong cùng lúc với “Hạng Lang”, một người được chỉ định kế nghiệp, một người là chức vương phù trợ (Vệ Vương), tình hình tiến triển như thế chứng tỏ thứ bực liên tiếp của hai người trong cùng một hệ phái, đồng thời cũng gián tiếp xác nhận “Hạng Lang” là anh của Vệ Vương Đinh Toàn. Toàn được xác nhận là con của Dương Hậu thì Hạng Lang cũng vậy. Bà họ Dương này là ai? Địa vị như thế nào? Lại phải trở ngược về họ Ngô. Sử quan nho sĩ về sau đặt một người dòng dõi Ngô làm sứ quân, đóng ở Bình Kiều. Chúng tôi đã phỏng đoán là sử quan đời sau, muốn nêu tính cách chính thống, đã đem ông Ngô Xương Xí đến nương nhờ lãnh chúa Nguyễn Du Dịch ở Bình Kiều, lên làm địa vị chủ tể, sứ quân nơi ấy. Sự nhập nhằng lẫn lộn của tác giả ĐVSL “Nguyễn Du Dịch tên là Xương Xí” chứng tỏ điều ấy. Ngô Sĩ Liên và cả Lê Văn Hưu về trước, đã có tinh thần tự cao tự đại, coi Chiêm Thành là Di, nên gạt một người dòng họ Ngô đã đi cầu cứu Chiêm Thành nhưng thất bại (979). Tuy nhiên khi kể lại sử sự, tuy chỉ nói ông này là “con cháu của Ngô Tiên chúa Quyền”, họ vẫn cho ta thấy ra vai trò chính thống của ông. Ngô Nhật Khánh trước khi bị đánh bại đã xưng hiệu là An Vương, ngang tầm với (Dương) Bình Vương, (Ngô) Thiên Sách Vương, (Ngô) Nam Tấn Vương. Sử quan ghi việc nhóm “con em Ngô Tiên chúa” 500 người từ Đỗ Động Giang đi đánh Bố Hải Khẩu, hẳn lợi dụng việc Trần Lãm vừa mới mất. Tên Đỗ Động Giang, nơi mà sử quan cho là của Đỗ Cảnh Thạc, viên sứ quân có liên hệ mật thiết với Ngô Xương Văn lúc giành quyền năm 950, cho ta nghĩ rằng con của Ngô Xương Văn, người kế nghiệp nhà Ngô, đã về ở đó – hay liên kết với lực lượng ở đó. Nhưng Đinh Bộ Lĩnh đã trở thành chủ liên minh đối địch, khi nghe tin nhóm này thất bại giữa đường liền “cất quân đi đánh vùng sông và động ấy”. Với sự kiện này, sử quan ghi là “nhà Ngô mất”, nghĩa là “vùng sông và động ấy” chính là căn bản của nhà Ngô. Nếu ta kết nối với việc Đinh Tiên Hoàng phải mua chuộc Ngô Nhật Khánh bằng một thứ tự chòng chéo liên hệ hôn nhân chặt chịa, thì có thể thấy địa vị chính thống trong triều Ngô của Nhật Khánh. Liên hệ sự việc và các nhóm từ “con em Ngô Tiên chúa”, “con cháu Ngô Tiên chúa Quyền” ta không thể chỉ vào ai khác Khánh, con của Xương Văn. Không thấy nói mẹ Nhật Khánh họ Dương nhưng vai trò của một bà Dương liên hệ với triều trước trong suốt thời gian sau đó, cũng là một bằng chứng xác nhận Ngô Xương Văn đã lấy người dòng họ Dương để nối truyền thống từ người cha sáng nghiệp. Bà Dương này sẽ sinh ra “Hạng Lang”, Đinh Toàn, “khoác long cổn” cho Lê Hoàn (980), được sử trang trọng ghi năm chết (1000, “Đại Thắng Minh Hoàng Hậu vong”) cả sau khi triều đại đổi thay đến hai lần. Vậy thì vào thời đó, sự xác nhận truyền thống là thuộc vào tay những người đàn bà họ Dương. Quyền bính truyền thống đương thời được kể theo dòng mẹ. Do đó, khi sử quan tăng sĩ nhấn mạnh đến vị trí thân tộc của ông anh thứ ba bà Dương, không phải là họ đã làm việc dư thừa. Trong một chế độ mẫu hệ, không phải người đàn bà cầm quyền mà chính là người đàn ông phía dòng đó. “Cậu ba” họ Dương không phải cướp ngôi cháu như đã bị gán cho, mà là người có quyền chỉ định kẻ nối ngôi (bỏ Xương Ngập, chọn Xương Văn), cho nên mới có tên “huý” đương thời là Dương Chủ tướng, tên xác nhận quyền đó. Quyền truyền thống về người đàn bà họ Dương nên Đinh phải lập người của dòng đích: “Hạng Lang”, qua mặt quyền lực cụ thể là Đinh Liễn. Lê Hoàn cũng phải cần đến sự xác nhận quyền lực từ bà họ Dương đó, chịu để “khoác (áo) long bào” sau khi làm binh biến. Truyền thống đó vào lúc đương thời của Ngô, Đinh, Lê chỉ là tiếp tục của một cơ cấu tổ chức thân tộc gia đình có từ rất lâu mà người ta ít chú ý tới. E. Porée-Maspéro khi nói tới tính chất truyền qua dòng mẹ trong nền “văn minh Man” của Bà, đã thấy hiện diện khắp nơi trong vùng, mà ở Việt Nam thì chỉ có thể phỏng đoán qua truyền thuyết chia con của Lạc Long Quân với 50 ông Hùng Vương theo mẹ mà thôi (10). Lời sớ của Thái thú Hợp Phố là Tiết Tổng dâng vua Ngô cho ta biết rằng vào thế kỉ III ở quận Giao Chỉ, Cửu Chân còn có tục levirat (chồng chết, chị dâu lấy em) như còn thấy nơi một vài nhóm người Thượng ở Tây Nguyên ngày nay (tục “nối ruột”). Vị thế người nữ nổi bật như thế cho nên không lấy làm lạ khi chống đối quan lại cai trị thì có Bà Trưng ở Giao Chỉ và sau đó là Bà Triệu ở Cửu Chân. Người Chàm đến nay vẫn theo chế độ mẫu hệ, trong một nhóm Chàm, người cậu đại diện cho dòng mẹ có tên là kouny. Tuy nhiên, vào thế kỉ XV, tục levirat vẫn thấy trên triều chính Chiêm Thành như chứng tỏ ở lời hịch của Lê Thánh Tông nhân danh đạo lí Nho Giáo biện minh cho việc chinh phạt: “ngập ngụa hôi tanh loài chó lợn” chỉ vì Trà Toàn có hai vợ vốn là của người anh. Tổ chức triều đình theo khuôn mẫu phụ hệ Trung Quốc khiến cho truyền thống cũ phai lạt nhưng vẫn còn dằng dai. Phần lớn các vua Lí đều phong các vợ chức hoàng hậu ngang nhau, như Đinh, Lê. Lí Thái Tông lên ngôi (1028) phong cho các cha vợ làm An Quốc, Phụ Quốc, Khuông Quốc, các tên chứng tỏ vị trí yểm trợ dòng vua. Họ Trần cố giữ quyền độc tôn cho mình, chỉ truyền ngôi cho con hoàng hậu là người cùng họ, thế mà khi khởi đầu cướp ngôi, vẫn phải vơ hết những người con gái Lí Huệ Tông về cho Trần Cảnh khiến gây nên biến loạn, ít nhiều gì cũng nằm trong tâm ý trả thù của danh tướng Trần Quốc Tuấn. Sự chuyển tiếp Trần qua Hồ ở đầu thế kỉ XV cũng có bóng dáng dòng nữ như vậy. Vào lúc này, ta còn thấy dấu vết cao trọng của đàn bà ngay trong triều đường: Khi Hồ Hán Thương làm lễ tế Giao lần đầu (1402) có dẫn theo các bà với thứ bực phẩm phục được quy định hẳn hoi. Chỉ đến thế kỉ XVIII, Ngô Thì Sĩ mới lấy cái học thâm nho của mình, cho rằng họ Hồ đã lầm mà trộn lẫn vào lễ tế Giao phía nam với lễ Tằm phía bắc vốn là của hoàng hậu chủ trì, nên mới có đàn bà đi theo mà thôi (10).Lại cũng thấy dấu vết địa vị cao của phụ nữ trong việc sử ghi chép chuyện “hoàng bà” (vú nuôi của vua) chết (1134, 1136, 1405). Ngô Sĩ Liên ngạc nhiên về điều này mà không lưu tâm đến vai trò của các người con cùng vú nuôi với vua đã giữ địa vị cao, có quyền lực, như Đoàn Thượng thành một thế lực tranh quyền cuối đời Lí, và Nguyễn Bát Sách dám ngăn cản cả Thượng hoàng Nghệ Tông muốn giết Phế Đế (1378). Sử quan cũng không chú ý đến chuyện ở phương Nam, thế kỉ XV, Bàn La Trà Duyệt, con người vú nuôi, giết vua. Theo phong tục của mẫu hệ Ê-đê ngày nay, các con cùng vú nuôi không được lấy nhau vì cho là cùng huyết thống (12). Chính trong quan niệm liên hệ thân tộc đó mà các nhân vật Lí Trần cùng vú nuôi của vua ở trên đã có địa vị cao như đã thấy. Sử quan nho sĩ bài bác tăng sĩ theo dòng ý thức hệ của mình nên công kích, gạt bỏ những gì cho là trái với điều mình học được, nhưng lại chấp nhận dễ dàng những gì đúng với ý mình. Không ông vua nào trong quá khứ bị chê trách, kể tội nhiều bằng Lê Ngoạ Triều (1005-1009). Nho sĩ triều Trần viết ĐVSL khi “lược” các giai đoạn khác, đã giữ lại một đoạn dài về tính cách bản thân, hành trạng tàn ác để-đời của ông vua gọi là “có bệnh trĩ” này. Cả hai, ĐVSL và Toàn thư đều chép gần giống nhau, chỉ có khác biệt theo chi tiết sắp đặt mà thôi. Theo họ, Long Đĩnh / Ngoạ Triều là kẻ tàn ác bậc nhất: ưa hành hạ, giết người bằng các phương tiện gây đau đớn thể xác, tinh thần người phạm tội, tù binh. Tàn ác như là bản tính chứ không phải vì nhu cầu cần thiết: róc mía trên đầu sư mà giả bộ trợt tay cầm dao, tranh giết bò heo với thuộc hạ, gạt gẫm anh em ăn thịt mèo để cười chơi. Ngô Sĩ Liên thêm chi tiết sai người leo tường giết anh (Trung Tông) dù anh đã buông tha mình, và kể việc trả thù cha không cho nối ngôi, nên sai đánh đau tù binh Man để họ chửi mắng Lê Đại Hành. Tuy nhiên ngay trong sử sự, ta cũng gặp những dấu vết bình thường về sinh hoạt trong gia đình, triều đình của ông. Đó là một gia đình – triều đình biết ăn mía róc, ăn gỏi chả “thạch sùng / thằn lằn”, có người biết ăn thịt mèo, sang trọng hơn thì ăn bò heo giết thịt trong sân nhà. Đó là một triều đình có một bộ phận làm vui cho ông vua chủ nhà, có kép hát ngoại quốc thân cận đóng tuồng thật để giải trí cho vua. Sự hiện diện của “kép hát nước Tống” Liêu Thủ Tâm không phải là điều lạ vì khi chỉnh đốn triều chính (1005), Ngoạ Triều đã cho “sửa đổi quan chế và triều phục của các quan văn võ và tăng đạo theo đúng như nhà Tống”. Nói như bây giờ, là vua đã “đổi mới” kịp thời trong khi Đinh theo chế độ nhà Đường đã mất từ lâu. Chính từ bắt đầu sự kiện này mà ta có thể nghi ngờ lời sử quan. Vua chết không có thuỵ hiệu, chỉ để lại cho đời cái biệt danh “ngoạ triều” mà do lời của sử quan, người ta giải thích nguyên nhân vì vua “mắc bệnh trĩ phải nằm mà coi chầu”. Chưa hết, người ta còn dẫn “dã sử” cho rằng bệnh trĩ phát sinh vì “vua say đắm tửu sắc”: Các ông sử quan xưa đã làm thầy thuốc một cách vụng dại quá phận! Người không mắc loại bệnh mà trên trang báo Việt rao “đau khổ vì bệnh trĩ”, khi thấy tivi Mĩ quảng cáo thuốc Preparation H, tất giải quyết được vấn đề ngay. Theo những điều ghi lại, “Ngoạ Triều” đã rất xông xáo hoạt động: Tranh giành ngôi vua với anh em ngay tại thủ đô, xa tận cứ điểm của kẻ chống đối, tháng 10 chết mà tháng 7 còn hành quân tận Nghệ An, như thế không thể cho là có bệnh bắt buộc phải nằm được. So với lối sống bắt đầu tập hưởng thụ với kép hát đưa tận phương xa về, với toán hề làm vui, đùa bỡn thích thú, thì “ngoạ triều” chỉ có thể giản dị là hưởng thụ, “nằm mà coi việc triều chính”, không có nghĩa gì thêm. Hành hạ tù binh bằng cách nào đi nữa thì cũng không phải là độc quyền của Lê Ngoạ Triều. Sử quan tăng lục chỉ nói sơ chuyện Đinh Tiên Hoàng đặt vạc dầu chuồng cọp để trị kẻ chống đối thì ta có thể tưởng tượng thêm. Hình phạt đời Lí cũng không nhẹ hơn: Năm 1048, Phạm Khứ Liêu làm phản bị “róc thịt ở chợ Đông”; năm 1109, lại hai người làm phản “lên ngựa gỗ”(13), một lối xử hình trước công chúng. Lối sống bị cho là thô lỗ, ẩn tàng khuynh hướng ưa mùi máu của Ngoạ Triều, thật ra là lối sống bình thường ở một triều đình nhỏ nơi hang hóc thủ đô Hoa Lư: Ngoạ Triều tranh ăn với thuộc hạ vì món ngon, giành chọc tiết heo bò với đầu bếp thì cũng ngang tầm với ông vua cha hàng ngày bày của lạ ra sân khoe với sứ thần (986), hay chân trần lội nước câu cá trước mặt sứ thần (990), có vậy thôi. Tù binh bị đánh đau, réo tên cha mẹ người hành hạ mình ra chửi, là điều thường tình, chỉ có sử quan nho sĩ mang định kiến học được, mới đem ghép chuyện này vào đạo Hiếu, và liên hệ đến tính bất nhân của đương sự, coi đó như sự cố tình trả thù việc cha không cho làm hoàng thái tử. Tuy nhiên nho sĩ chỉ đem thêm định kiến của mình vào chứ không thể bịa thêm sự kiện. Vậy thì hình ảnh xấu xa của Ngoạ Triều là từ cách nhìn của tăng sĩ mà ra. Chỉ vì Ngoạ Triều róc mía trên đầu nhà sư Quách Ngang (của Toàn thư) / Quách Mão (của ĐVSL) – hai chữ “ngang” và “mão” dễ lẫn với nhau. “Nhà sư” thì chẳng có gì quan trọng lắm, sự việc đáng chú ý hơn, là vị thế của nhà sư đó: ĐVSL ghi rằng đó là một Tăng thống, người đứng đầu hệ thống tăng sĩ trong nước. Khi “cải đổi quan chế và triều phục của... tăng đạo theo đúng như nhà Tống”, thời đại Nho học phát sinh tông phái mới khác với thời tăng đạo của Đường xưa kia, thì hẳn đã có sự xung đột giữa triều đình và tăng sĩ. Và kết quả là một ông tăng thống của quyền lực tinh thần trở nên bất mãn, bị sa cơ thất thế trước quyền lực thế tục, nên phải bị hành tội, chịu nhục hình (vẫn là nhẹ) theo cách đối xử của ông vua – không khác nhiều với cách vua cha Lê Đại Hành đánh vài mươi roi lên thuộc hạ rồi đuổi ra làm người giữ cửa khi người này không chịu vâng lời ông. Sự thù hằn của sử quan tăng sĩ là bắt đầu từ chuyện tăng thống của họ bị róc mía trên đầu. Và câu chuyện lưu truyền đến ngày nay, Lê Ngoạ Triều trở thành ông vua tàn bạo nhất lịch sử. Đã nói nho sĩ vẫn phải theo ghi chép của tăng sĩ. Và do đó, nho sĩ chỉ tăng thêm sai lầm vì xa đời hơn mà thôi. Ta nghi ngờ vài sai lầm khởi đầu có lẽ vì thành kiến ẩm thực. Ngoạ Triều đãi tiệc, ăn xong mới cho biết là vừa ăn thịt mèo khiến các anh em kinh sợ, gớm ghiếc. Ta lại biết dân chúng miền Bắc thường ăn thịt chó, tuy nhiên vẫn có ăn mèo, chứng cớ nơi bản vẽ đầu thế kỉ XX với chú thích nôm: “Làm thịt mèo” (14). Anh em khác mẹ của Ngoạ Triều không ăn được thịt mèo, nhưng ông ta hẳn là không chê. Ở một chuyện khác, ĐVSL cho rằng “(Ngoạ Triều) thấy kẻ giữ cung làm món chả thì đến cùng người tranh nhau mà ăn”; Toàn thư nói khác đi theo hướng đậm nét xấu “bắt bọn khôi hài tranh nhau ăn”, nhưng thêm chi tiết về nguồn gốc món ăn “chả” (chữ Hán: quái, thịt băm nhỏ), là từ “thạch sùng / thằn lằn” (thủ cung). Mâu thuẫn giữa món ăn tạo thành và vật cung cấp khiến ta phải tự hỏi: Con thạch sùng (thủ cung / bích hổ: cọp nơi vách tường) nhỏ xíu làm sao thành món ăn mà qua sự thật ở ĐVSL, ta thấy Ngoạ Triều lấy làm thích thú? Hẳn là sử quan không đủ kiến thức để nói đúng tên con vật. Ông ta muốn chỉ một con vật tương tự mà không đủ chữ. Có những con vật tương tự với thạch sùng, cùng nhóm Lizard, lớn hơn, đủ để làm món ăn: thằn lằn / rắn mối (hiếm khi ăn), cắc ké, kì đà, kì nhông / giông, rất thường được ăn. Và điều này thì lại dẫn đến một nguồn gốc khác của Lê Ngoạ Triều. Chỉ có ĐVSL mới nói đến mẹ của Long Đĩnh / Ngoạ Triều và Long Việt / Trung Tông là một “hầu Di nữ”. Qua Toàn thư, nhóm chữ này thành “chi hậu diệu nữ”, chuyển sang Việt văn ngày nay, có sẵn dấu viết hoa, trở thành “Chi hậu / chi hậu Diệu nữ” để được giảng giải là “con gái quan hầu (chi hậu), tên Diệu, không rõ họ”. Sự mơ hồ của những giải thích về sau khiến ta phải bám vào tài liệu có trước. Mẹ của hai ông vua nước Đại Cồ Việt kia là một bà thiếp có nguồn gốc Di. Tính chất tự phụ của một quyền bính mạnh nằm ở Hoa Lư khiến cho người ta coi các tập họp người trên các vùng chung quanh là mán, mọi, Di. Nhưng người nữ Di ở Hoa Lư, theo chứng cớ xuất hiện đông đảo nhất, là cả “trăm kĩ nữ” / “mấy trăm cung nữ” (theo bản dịch ĐVSL) mà Lê Hoàn bắt về sau trận chiến thắng năm 982. Long Việt sinh 983, Long Đĩnh sinh 986, đủ thời gian là con một “hầu Di nữ” như thế. Năm 989, Long Việt được phong làm Nam Phong Vương, tước phong cũng chứng tỏ được nguồn gốc của ông. Có thể còn một người thứ ba là Long Mang được phong làm Nam Quốc Vương năm 994, theo thứ tự phong cho những người được lần lượt sinh ra. Sử quan nho sĩ về sau càng tăng niềm kiêu hãnh tự tôn, không thể chấp nhận một người Di là mẹ hai ông vua nước của mình, liền chuyển nhóm từ trên qua tính cách sang cả “chi hậu diệu nữ”, mất hình ảnh Di thấp kém mà giữ lại dáng người hầu gái trẻ, có thần, hấp dẫn được cả vua! Từ phát giác này, ta giải thích được một cách hợp lí những lối sống mà sử quan cho là kì quái, bất thường, cộng với sự ghét bỏ, hận thù của người chép, trở thành chứng tích thêm về một bạo chúa. Tương tự với thạch sùng như đã nói, còn có kì đà, nhất là kì nhông / giông, con vật quen thuộc sống trên các vùng đồi cát miền Trung, thuộc nước Chiêm Thành cũ, vùng Phan Rang, Phan Thiết của nhóm Chàm còn lại ngày nay. Đây là món ăn quen thuộc của người trong vùng, có lúc được gọi là “gà đồng”, với thịt đem bằm nhỏ (“quái”) xào sả ớt là món ăn thích khẩu ngày nay, và cũng từng được Christoforo Borri thấy người Đàng Trong thưởng thức (15). Rõ ràng là người Hoa Lư thế kỉ X không biết ăn loại giông, trong lúc Ngoạ Triều thích thú chia xẻ với đám hầu cận, hẳn là người cùng giống. Rốt lại, sự chê trách của sử quan về phương diện này chỉ có nguyên cớ là do khác biệt ẩm thực mà thôi. Vậy là cả chính qua những phần ghi chép chi tiết nhất, sử quan vẫn khiến cho người đời sau hiểu sai về quá khứ đương thời. Tất nhiên cách hiểu sai đó có phần trách nhiệm là của người sau, và cả người thời bây giờ, vừa theo một tinh thần tồn cổ đến mức thiếu khả năng phán đoán, vừa chêm thêm sự hứng khởi của thời mới một cách nhiệt thành tin tưởng. Các sử quan tán thưởng Vũ Quỳnh, cho rằng với Đinh là “đại nhất thống”, thật ra không phải như vậy. Có chứng cớ gián tiếp là họ Phạm ở Nam Sách, họ Trần ở Bố Hải Khẩu không mất đất. Toàn thư đã lược bỏ rất nhiều những ghi chép của ĐVSL về những rối loạn từ Lí sang Trần, những điều chứng tỏ sự kết tập qua hai trăm năm vẫn không hiệu quả nhiều. Có chứng cớ trực tiếp (bia chùa Hương Nghiêm 1124) là Thanh Hoá còn Lê Lương với 3000 “con nuôi”, chưa kể dòng dõi họ Dương, chưa kể ông quan sát sứ đủ thực lực yểm trợ người con nuôi Lê Hoàn lên làm Thập Đạo Tướng quân. Quan sát sứ dưới đời Đường là chức có binh quyền lớn, ví dụ như Thái/Sái Tập từ Hồ Nam được lệnh mang 30 000 quân đánh Nam Chiếu ở phủ Đô hộ An Nam (862). Ta thấy còn lưu lại một chức phận chỉ các lãnh chúa địa phương như thế: quản giáp. Quản giáp Dương Tiến Lộc không chịu nộp thuế khiến Lê Hoàn phải đánh dẹp (989), “giết người hai châu Hoan, Ái không biết bao nhiêu mà kể”. Tình hình như thế ở vùng biên giới phía nam chứng tỏ sự phân biệt quốc gia, chủng tộc không rành rẽ lắm. Toàn thư cho rằng Dương Tiến Lộc muốn đem hai châu nhập vào Chiêm Thành để thêm thế lực chống với Lê Hoàn. Tuy nhiên trong trận đánh Chiêm Thành năm 982, Lê Hoàn có một toán quân phụ lực của quản giáp Lưu Kế Tông, người này đã “trốn ở lại”, qua năm sau bị Lê Hoàn sai con nuôi đánh bắt giết đi. Thật ra, theo Tống sử, Lưu Kế Tông đã đánh lui cuộc lấn chiếm ấy, tiếp tục cai trị vùng Indrapura, có gởi sứ sang Tống năm 986, chỉ chết đi năm 989.(16) Có vẻ như mối liên kết Việt Chiêm trước 989 là giữa Lưu Kế Tông và Dương Tiến Lộc, những người cầm quyền trên một tập họp dân chúng hỗn tạp. Đến ông vua Chàm (phía dòng mẹ theo thói tục đương thời) Ngoạ Triều của Đại Cồ Việt thì ý định cai trị đất cũ của mẹ thật rõ rệt. Đường lối giao tiếp của ông với Trung Quốc là hoà hoãn, buôn bán, nhưng với phía nam thì đầy tính chất khiêu khích. Cả phần cuối đời ông, ngay đến trước khi chết, là những chuẩn bị đắp đường bộ, đào kênh, dò đường thuỷ, thử đường biển để đánh Chiêm. Vì thế ta không ngạc nhiên về sinh hoạt của xã hội đương thời khác với những gì sử quan nho gia lọc lựa để lại thành mối tin tưởng vững chắc của một số lớn người bây giờ, kể cả trong tầng lớp nghiên cứu. Sách Văn hiến thông khảo được Lê Thánh Tông dùng làm khuôn mẫu đúc ấn, cho phổ biến ở các địa phương (1484), vậy mà các sử quan vẫn cố tình loại bỏ các ghi chép về “Nam man” của Mã Đoan Lâm trong ấy, để giữ lại ảo tưởng về một nước “văn hiến” theo kinh sách học được. Chúng ta đã phân tích, chỉ rõ về cuộc sống trong triều đình vua chúa ở Hoa Lư. Chúng ta có thể suy luận gián tiếp từ những sự kiện ngay chính sử quan ghi chép để biết thêm. Nhà cửa gọi là cung điện thì bình thường với một lớp trần thượng đủ cho tội nhân (Đỗ Thích) trốn nấp, lúc khát thì thò tay ra hứng nước mưa uống. Vua uống rượu nằm say ngay giữa sân. Tuy cũng có chuyện giành ngôi giết người, nhưng tương quan giữa các nhân vật tưởng là thù địch đôi khi có vẻ không gay gắt lắm. Đinh Toàn bị mất địa vị, vẫn phục vụ Lê Hoàn, chết ngay tại chiến trường (1001) và được vua mới kêu trời thương tiếc. Các quan phục vụ hết triều này sang triều khác không đặt vấn đề trung quân, dám chết vì vua cũ, để nho sĩ đời sau chê trách họ “sấp ngửa” qua nhiều thời đại. Quyển Sử kí của Đỗ Thiện cho thấy cuộc sống lẫn lộn thần người tác động ngay chính những người học nho dưới triều Lí. Khi nghe sử quan kể chuyện Đỗ Thích bị băm xác, chia cho mọi người trong nước “chẳng ai không tranh lấy mà nhai nuốt”, ta không theo hàm ý của họ mà cho rằng dân chúng đã căm giận muốn trả thù cho Đinh Tiên Hoàng. Khác với ý tưởng về trung quân của tăng sĩ và nho sĩ, ta hiểu người dân đương thời chỉ muốn chia xẻ phần thân xác được thần thánh phù trợ cho Đỗ Thích khi sao trời rơi vào miệng người này! Tin tưởng thần thánh như thế thì không có chỗ cho lí thuyết hoài nghi của nho học “Quỷ thần kinh nhi viễn chi” chen vào. Nho học mang tính thanh giáo cũng không có chỗ đứng trong một lãnh địa đầy tín ngưỡng phồn thực mà ảnh hưởng bồi đắp lại phải từ những nơi còn gần quan điểm: Chiêm Thành, Ấn Độ. Ít ra, trên bằng cớ tài liệu thì chùa Dâu (Hà Bắc) từ thời Bắc thuộc đã có một hình tượng yoni nào đó với tên chùa Dặn (Rặn) thông tục, và một cái “linga” đá được gọi là Phật Thạch Quang còn giữ tới bây giờ, giấu giếm được qua biến động thanh tẩy thời cải cách maoít. Bà Chúa Xứ của Chiêm Thành được Lí Thánh Tông rước về làm chủ cả đàn Viên Khâu, nơi vốn theo nguyên tắc xây dựng, là của ông Trời ngự trị. Các “chùa” cũng không phải là nơi thờ Phật mà chủ yếu là thờ linga, ví dụ về chuyện ngôi chùa cổ Tùng Sơn năm 1043. “Chùa cổ” thì vua không xây, nhưng “chùa” Giạm thì chính do Lí Nhân Tông chăm chút kĩ lưỡng: Bắt đầu năm 1086, năm sau đến thăm ở lại đêm, “mở tiệc để mẫu hậu dạo chơi” (Lê Tung 1514), làm thơ, năm sau nữa cho xây tháp kéo dài đến 6 năm (1088-1094). Tình hình giống như ta có một quần thể thờ cúng mà phần “tháp” đã quan trọng hơn phần “chùa”. Ở đó, qua bao dâu biển, còn lại cái linga tạc hình rồng. Đây là một thứ mukhalinga thường thấy trong các tháp Chàm mà hình tượng người đã được thay bằng hình rồng, một thứ tạm gọi là mukhalinga Việt Hán. Có thể vì ý nghĩa linga hình rồng và sự chăm chút xây cất tháp lâu dài mà ta nghĩ rằng linga đã được đặt bên trong tháp, giống như Tháp Chàm ở Phan Rang có chứa cái mukhalinga của Po Klang Garai vậy. Tháp đó không còn nữa để bây giờ qua bao đổi thay, chỉ còn chùa trong hình trạng về sau nên linga bị gọi là “cột đá chùa Giạm”, nhưng ta có thể tưởng tượng tháp qua các vật đào được trên đất Bắc năm 1899 và về sau, có lẽ là phần còn lại của 84000 tháp đất làm ra trong lễ hội năm 1129 (17).Lê Văn Hưu (1272) còn thấy được sự sắp xếp đó nên nói đến “tước thạch chi tự”. “Tự”/chùa không có Phật mà chỉ có cái nạo đá. Lê Văn Hưu nho sĩ không biết gọi tên là gì, chỉ liên tưởng đến vật của vị Vạn thế sư biểu dùng nạo xoá, sửa chữa chữ viết sai, liền gọi linga là cái nạo – nạo bằng đá. Nhà nghiên cứu ngày nay mất chữ nho mà vẫn không nghĩ ra ý nghĩa của một thời khuất lấp nên theo thường tục, gọi là cái “cột đá”, để nó trở thành một vật chứng bỗng-dưng, không bám víu vào vết tích văn hoá nào cả, tuy thật ra là của một thời khuất lấp, phồn tạp phong phú hơn ta vẫn thường tưởng. (còn tiếp)Tạ Chí Đại Trường Chú thích (1) Cuong Tu Nguyen, Zen in Medieval Viet Nam – A Study and Translation of the Thiền Uyển Tập Anh. Honolulu: Kuroda Institute, 1997, trang 353, chú 51. (2) Đại Việt sử lược, bản dịch Nguyễn Gia Tường, TP. Hồ Chí Minh: 1993, tr. 234, 235. (3) Cuong Tu Nguyen, sđd, tr. 177. (4) The Cambridge History of South East Asia, Vol. I, Part I. Cambridge University, 1999, tr. 297. (5) Hà Văn Tấn, “Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư” và “Cột kinh Phật thời Đinh thứ hai ở Hoa Lư” trong Theo dấu các văn hoá cổ. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, 1998, tr. 786-815, 816-832. (6) Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, An Nam chí lược. Viện Đại học Huế xb. 1961, tr.193; Collection de textes et documents sur l’Indochine, Ngan Nan Tche Yuan, E. Gaspardone giới thiệu, chú giải. Hanoi: 1932, phần chữ Hán, tr. 182. (7) The Cambridge History..., sđd, tr. 317, chú 95. (8) Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử kí tiền biên (bản dịch). Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, 1997, tr. 242, 243. (9) ĐVSL, tr. 81. (10) E. Porée-Maspéro, Etudes sur les rites agraires des Cambodgiens, t. III. La Haye: 1969, tr. 863. (11) Ngô Thì Sĩ, sđd, tr. 513. (12) Trường ca Ê-đê – Đam Kteh Mlan. Hà Nội: 1983, tr. 79. (13) ĐVSL, tr. 138. (14) Nguyễn Mạnh Hùng, Kí hoạ Việt Nam đầu thế kỉ XX. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Trẻ, 1989, tr. 113, bản vẽ 123. (15) Christoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, bản dịch và chú thích của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị. Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 31. Không rõ nguyên tác là gì, người dịch đã dùng chữ “tắc kè”, nhưng theo chi tiết của Borri về sự thông dụng cùng với số lượng thành “từng bó” như thế thì đó là con giông (kì nhông) hơn là tắc/ cắc kè, hiếm hơn. (16) Có thể thấy dẫn chứng trong D. G. E. Hall, A History of South East Asia, New Edition. London: 1965, tr. 175. (17) J. Y. Clayes, Introduction à l’étude de l’Annam et du Champa. Hanoi: 1934, bản ảnh XXIX.============================Thật tởm với tư duy vong bản của người này. Nhưng tôi sẽ cố gắng đưa hết bài viết của ông ta lên đây để mọi người tham khảo một cách khách quan và sẽ chỉ ra sai lầm dốt nát của người này và những kẻ ủng hộ ông ta. Share this post Link to post Share on other sites