Thiên Sứ

Bài 1: Đời Người Mười Hai Bến Nước Thân Cư Bến Nào ?

1 bài viết trong chủ đề này

TƯ LIỆU THAM KHẢO

Bài này trên trang web cuocsongviet - không phản ánh quan điểm của tôi về cội nguồn Lý học Đông phương. Nhưng có những tư liệu thuộc về tính ứng dụng có thể tham khảo, nên chúng tôi đưa vào đây để cùng quí vị và anh chị em quán xét.

===========================================

BÀI 1: ĐỜI NGƯỜI MƯỜI HAI BẾN NƯỚC THÂN CƯ BẾN NÀO ?

Nguồn Cuocsongviet.com.vn

Khi nói đến Dịch Lý, Tử Vi, Phong Thủy và Tướng Mệnh thì hầu hết người Á Đông chúng ta ai cũng công nhận đó là những khoa học huyền bí rất có giá trị của người Trung Hoa từ hơn bốn ngàn năm về trước. Nói là có giá trị vì những khoa học này tuy gọi là huyền bí nhưng lại rất sát thực với cuộc sống hiện tại và giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong những sinh hoạt hằng ngày. Chẳng hạn, khoa Phong Thủy giúp cho chúng ta khi đang sống trên đời biết chọn lựa, điều chỉnh, sửa đổi cho tốt đẹp hơn căn nhà chúng ta đang ở, cơ sở thương mãi chúng ta đang điều hành, và khi chúng ta buông tay từ giã cõi đời thì cũng biết chọn lựa một nơi để yên giấc ngàn thu. Quan niệm này rất quan trọng đối với người xưa, vì đây không phải cho chính bản thân chúng ta nữa mà cho con cháu chúng ta sau này. Chẳng hạn, vua Gia Long khi còn tại vị, ngài đã đích thân chọn địa điểm để xây lăng cho mình, bởi vậy, những triều vua về sau, tuy không có mấy ai tài giỏi như vua Gia Long, lại thêm lịch sử đã có nhiều biến chuyển, nhưng nhà Nguyễn vẫn kéo dài được hơn 150 năm. Khoa Tướng Mệnh giúp chúng ta biết người, biết ta trong vấn đề dùng người, kết bạn hoặc trong những việc giao dịch hằng ngày rất dễ dàng, chỉ qua một cái bắt tay nhau, đối diện nhau trong vài giây phút hoặc trao đổi với nhau vài câu chuyện mà có thể tránh được cái ân hận “lầm người” như chúng ta thường thấy. Còn thâm sâu hơn, như khoa Tử Vi Đẩu Số cũng giúp cho chúng ta biết mình, biết người một cách tường tận từ những chi tiết nhỏ nhặt cho đến tổng quát cả một đời người...

Những khoa học huyền bí nêu trên tuy có đối tượng khác nhau, nhưng mục đích giống nhau, ví dụ, đối tượng của khoa Phong Thủy là nơi chúng ta ở, lúc sống là nhà, là cơ sở làm ăn, lúc chết là mộ phần, còn đối tượng của khoa Tử Vi Đẩu Số là con người, và cuộc đời của chúng ta, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Còn điểm tương đồng là những lãnh vực mà các khoa này diễn đạt và chi phối trong cuộc sống hằng ngày của một đời người. Chẳng hạn, khoa Phong Thủy chia căn nhà của chúng ta ra làm 8 cung, mỗi cung là biểu tượng một lãnh vực trong đời sống hằng ngày của chúng ta, đó là các cung Quan Lộc, cung Học Vấn, cung Gia Đạo, cung Tài Lộc, cung Địa Vị, cung Tình Duyên, cung Tử Tức và cung Quý Nhân, mỗi cung là mỗi hướng của căn nhà. Khoa Tử Vi cũng diễn đạt đời người qua 12 cung, cung Mệnh, cung Phụ Mẫu, cung Phúc Đức, cung Điền Trạch, cung Quan Lộc, cung Nô Bộc, cung Thiên Di, cung Tật Ách, cung Tài Lộc, cung Tử Tức, Cung Phu Thê, và cung Huynh Đệ. Trong ba bộ môn, Tử Vi, Phong Thủy và Tướng Mệnh, thì Tử Vi là khoa nặng về thiên mệnh hơn cả. Khi nghiên cứu về khoa Tử Vi Đẩu Số, chúng ta sẽ thấy rằng, một người sinh ra đời vào giờ nào, tháng nào và năm nào thì cuộc đời của người này đã được an bài từ giây phút đó. Bởi vậy, chúng ta có thể nói, đời người mười hai bến nước, Thân cư bến nào thì cuộc đời của mình sẽ có sắc thái của bến mà thuyền đời mình đã buông neo. Khi nói khoa Tử Vi chia cuộc sống của một người thành 12 lãnh vực là chúng ta chưa diễn đạt rõ trong 12 lãnh vực này thì lãnh vực nào sẽ nỗi bật nhất trong cuộc đời của người ấy? Khoa Tử Vi diễn đạt điều này bằng cung thứ mười ba, đó là cung Thân. Cung Thân không có một vị trí nhất định trong Thiên Bàn của lá số như 12 cung đã nêu trên, mà vị trí của cung Thân tùy thuộc vào giờ sinh của mỗi người và cung Thân chỉ đóng vào 1 trong 6 cung chính yếu là cung Mệnh, cung Phúc Đức, cung Quan Lộc, cung Tài Lộc, cung Thiên Di và cung Phu Thê mà thôi. Điều này phản ảnh một nhân sinh quan hợp lý của xã hội phong kiến: cuộc đời một người lúc sinh ra đã bị chi phối bởi số mệnh của mình (Thân cư Mệnh hay còn gọi là Thân Mệnh đồng cung), khi ra đời thì bị chi phối bởi xã hội (Thân cư Thiên Di), bởi công danh sự nghiệp (Thân cư Quan Lộc hay Thân cư Tài Lộc), bởi vợ chồng (Thân cư Phu Thê) và bởi phúc đức của chính mình tạo ra hoặc thừa hưởng của ông bà cha mẹ (Thân cư Phúc Đức), chứ không bị chi phối bởi con cái (Tử Tức), anh chị em (Huynh Đệ) hoặc bạn bè hay người ăn người làm của mình (Nô Bộc)... Khoa Tử Vi Đẩu Số cũng cho rằng, trong 13 cung của một lá số thì cung Mệnh và cung Thân là hai cung quan trọng nhất. Cung Mệnh nói lên nét tổng quát cả cuộc đời của người đó và nhấn mạnh giai đoạn khởi đầu của cuộc đời gọi là tiền vận, tức là từ lúc sinh ra cho đến đoạn đời trong khoảng 30 đến 36 tuổi và cung Thân là bức tranh của đoạn đời còn lại hay còn gọi là hậu vận. Bởi sự quan trọng của cung Thân như vậy, cho nên một nguyên tắc căn bản của khoa Tử Vi là: “Thân cư cung nào thì cung đó sẽ là lãnh vực sinh hoạt chính yếu trong cuộc đời của người đó”. Như chúng ta đã nói ở trên, Thân chỉ ở vào 1 trong 6 cung chính và Thân an theo giờ sinh, cho nên những người sinh vào giờ Tý hay giờ Ngọ thì Thân đóng ở cung Mệnh, gọi là Thân cư Mệnh, hay Thân Mệnh đồng cung, những người sinh vào giờ Sửu hay giờ Mùi thì Thân cư Phúc Đức, những người sinh vào giờ Dần hay giờ Thân thì Thân cư Quan Lộc, những người sinh vào giờ Mão hay giờ Dậu thì Thân cư Thiên Di, những người sinh vào giờ Thìn hay giờ Tuất thì Thân cư Tài Lộc và những người sinh vào giờ Tỵ hay giờ Hợi thì Thân cư Phu Thê. Từ ý nghĩa căn bản đó của khoa Tử Vi, khi biết một người sinh vào giờ nào, chúng ta có thể phác họa được một nét tổng quát về cuộc đời của người này sẽ như thế nào, và đó chính là một trong những sự kỳ diệu của khoa Tử Vi Đẩu Số, một trong những khoa học huyền bí của người Trung Hoa đã có từ hơn bốn ngàn năm trước. Và kỳ sau, chúng ta sẽ nói về những nét đặc điểm và ý nghĩa về cuộc đời của những người có số Thân cư Mệnh, hay còn gọi là mẫu người Thân Mệnh Đồng Cung, tức là những người sinh vào giờ Tí, giờ theo đồng hồ là từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng, hay những người sinh vào giờ Ngọ, từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều.

6 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites