Thủy Tiên

Tình yêu đồng

1 bài viết trong chủ đề này

Tình yêu đồng

Nguyễn Việt

Trích Heritage Fashion

Posted Image

Người Đông Sơn từ hơn hai ngàn năm nay đã từng tạo dựng tình yêu nồng cháy của mình - Một tình yêu mà hơi ấm còn lan tỏa đến tận ngày nay.

Cặp đôi là bản chất có tính động vật nhằm duy trì nòi giống. Nhưng trong lịch sử loài người hiện tượng cặp đôi không phải lúc nào cũng giống nhau mà nó cũng có lịch sử phát triển riêng của nó. Quan sát hiện tượng cặp đôi từ loài vượn người, các nhà khoa học nhân văn đều cho rằng ngay từ buổi đầu hình thành, người vượn đã cặp đôi đối ngẫu – cơ sở tự nhiên của hệ thống gia đình một vợ một chồng sau này. Hiện tượng quần hôn được nhiều nhà nghiên cứu xã hội xác nhận như là hiện trạng phổ biến của các cộng đồng cư dân nguyên thủy chỉ nhằm ám chỉ sự không ràng buộc về mặt pháp luật, tín ngưỡng đối với hiện tượng cặp đôi đối ngẫu, khi xã hội loài người chưa xác lập những quy chế riêng cho hôn nhân đối ngẫu. Trong trạng thái đó, hoạt động tính dục không là hiện tượng bị cấm đoán hoặc phê phán theo quan điểm đạo đức. Mãi đến mấy ngàn năm lại đây, khi chế độ phụ hệ được xác lập rồi nhà nước ra đời với vai trò thống trị giới của đàn ông thì luật lệ hôn nhân đối ngẫu và quan niệm đạo đức xã hội mới được xác lập – mà trước hết nhằm bảo vệ quyền lợi của đàn ông với sản phẩm hấp dẫn của mình là những người phụ nữ.

Chính vì vậy, trong một xã hội còn “thuần phục chất phác” của thời Hùng Vương, như nhận xét của Sử gia Nho sĩ Ngô Sĩ Liên, tình yêu khác giới với những biểu đạt khác nhau của bộ phận sinh dục được tôn trọng là phô bày trên những đồ vật quý giá mang tính biểu tượng cao nhất của xã hội, như trên thạp đồng, trống đồng…, được thờ cúng để cầu mong cho sinh sôi nảy nở của lúa của khoai, của trâu bò, gà lợn và của vạn vật.

Trên tâm điểm của mặt trống đồng quý giá nhất thời Hùng Vương, như trống Ngọc Lũ, Miếu Môn các sinh thực khí nam, nữ được thể hiện lồng trong nhau đặt xen kẽ giữa những cánh sao tỏa ánh mặt trời, như thể đang tạo mưa móc xuống thấm đẫm thế giới người và muôn thú ở bên dưới đang tiến hàng nghi lễ mong cầu sự sinh sôi nảy nở.

Trên nắp chiếc thạp đồng Đào Thịnh nổi tiếng, dưới ánh sáng chói lòa của mặt trời ở chính giữa là những băng chim Lạc bay ngược chiều kim đồng hồ. Và nổi cao gần rìa nắp thạp là bốn cặp tượng trai gái đang trong tư thế giao duyên.

Posted Image

Một cán dao găm Đông Sơn khác lại thể hiện một tượng đôi có hai đầu, phần thân gắn liền làm một theo kiểu áp lưng vào nhau. Tượng nam cao lớn hơn tượng nữ. Trang phục cũng như mô tả khá sinh động của bộ phận sinh dục xác nhận đó là cặp tượng một nam một nữ. Tình yêu của đồng đã được người thợ làm khuôn sắp thể hiện bằng việc nhập phần thân dưới sát làm một và chân hai người cũng chỉ có một đôi với hai bàn chân quặp vào trong (h3).

Một tượng đồng Đông Sơn khác cũng thể hiện đôi nam nữ quấn xoắn vào nhau bởi một đôi tay ôm vòng lưng. Chỉ có phần đầu được làm tách. Phần thân dưới và chân gắn thành một khối. Điểm khác so với tượng đôi nêu trên là cặp đôi này úp mặt vào nhau và đôi tay lồng lưng vào nhau được thể hiện bởi một thủ pháp nghệ thuật vô cùng cao siêu và độc đáo. Điều đặc biệt nữa là cặp tượng này rất tinh xảo và nó chỉ nhỏ bằng đầu một chiếc đũa. Tượng được dùng như tây cầm của một chiếc trâm cài đầu hẳn là dành riêng cho một nữ quý tộc Đông Sơn rất đa tình (h2, 5, 6, 7).

Posted Image

Tại địa danh có tên dễ sợ là “Khe Quỷ” ở Yên Bái, người ta phát hiện một cặp tượng đồng mang phong cách tượng Đông Sơn. Người nghệ sĩ xưa thể hiện rất sinh động người đàn ông với thân thể cường tráng ngồi bên cạnh người phụ nữ mảnh dẻ. Tượng đúc khỏa thân với bộ phận sinh dục nam và nữa được khắc họa sinh động mang tỷ lệ lớn hơn so với bình thường (h1).

Cặp tượng độc đáo nhất có lẽ là đôi tượng cùng tìm được ở địa điểm Đông Sơn (Thanh Hóa). Năm 1977 lần đầu tiên ảnh pho tượng nam được Giáo sư Diệp Đình Hoa và Giáo sư Chử Văn Tần giới thiệu một cách rụt rè trên tạp chí Khảo cổ học. Đó là một bức tượng đồng nhỏ cao chừng 10cm làm bằng khuôn sáp đẹp đến mức chúng tôi không dám tin rằng chúng thuộc tổ hợp di vật Đông Sơn. Pho tượng khỏa thân thể hiện một thanh niên tóc xoăn miệng nhô như người Châu Phi, chân tay và thân vuốt thon mảnh trong khi bộ phận sinh dục được tôn vinh bất chấp quy luật cân đối của nghệ thuật tạo hình (h4). Sự thận trọng khi công bố bức tượng này của các giáo sư là hoàn toàn có lý. Bởi vì, bức tượng này không hề có bất kỳ đặc trưng nào của nghệ thuật Đông Sơn. Tuy nhiên, một điều bất ngờ đã xảy ra vào năm 1987, đúng 10 năm sau khi công bố bức tượng nam. Đó là việc một ông già người làng Đông Sơn (Thanh Hóa) nơi phát hiện bức tượng nói trên mang đến viện khảo cổ học Hà Nội một bức tượng thứ hai hoàn toàn tượng tự về kích thước và phong cách nghệ thuật khỏa thân với pho tượng nam phát hiện trước đó. Điều kỳ thú ở chỗ, đó là một nửa của thế giới còn thiếu: một pho tượng nữ. Cũng với mái tóc xoăn ngắn, miệng nhô, nhưng mang một bộ ngực nữ tính rất rõ rệt và đôi tay mới được thể hiện tuyệt vời làm sao: tay trái vắt lên che mặt trong khi tay phải duỗi xuôi như che đậy phần dưới hở hang của mình. Tôi đã lồng hai chiếc tượng rời vào làm một và có thể khẳng định vị trí người con gái nằm trọn trong vòng tay cong và chiếc chân trái quắp nhẹ của người con trai.

Hơn 20 năm nay, tôi đã mang hình ảnh và cả khuôn tượng mẫu này đi giới thiệu và thăm hỏi ở rất nhiều bảo tàng và các trường đại học Âu, Mỹ, Nhật, Úc, nhưng đến giờ nguồn gốc của chúng vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, nhờ những thành tựu khảo cổ học, chúng tôi tin rằng người Đông Sơn đã mua cặp tượng này từ những thương nhân nào đó đến từ phía nam và tôn thờ cặp tượng này như cách họ đã từng tạo ra và tôn thờ sự phồn thực của những bức tượng Đông Sơn khác.

Đồng thau chỉ có thể nóng chảy ở 1000oC và ở nhiệt độ đó người Đông Sơn từ hơn hai ngàn năm nay đã từng tạo dựng tình yêu nồng cháy của mình – một tình yêu mà hơi ấm còn lan tỏa đến tận ngày nay.

Share this post


Link to post
Share on other sites