wildlavender

Nếu không có đạo Phật, Thái Lan không còn là Thái Lan nữa

2 bài viết trong chủ đề này

Nếu không có đạo Phật, Thái Lan không còn là Thái Lan nữa

Thứ hai, 22/9/2008, 07:00 GMT+7

Như người ta thường nói, cùng với Vua, đạo Phật là một chất keo gắn bó Thái Lan thành một dân tộc. Phật tử chiếm gần 95% dân số nên đạo Phật được coi như quốc đạo của nước này. Một học giả nước ngoài nhận xét: “Nếu không có đạo Phật, Thái Lan không còn là Thái Lan nữa”. Một tôn giáo khi du nhập vào nước nào cung xảy ra sự tiếp biến. Nó thay đổi ít nhiều để hoà nhập và thích nghi với nền văn hoá địa phương. Bởi vậy đạo Phật ở Thái Lan có sự pha trộn giữa thuyết vạn vật hữu linh (animism). đạo Bàlamôn với những yếu tố cơ bản của Phật giáo .

Posted Image

Posted Image

Posted Image

Posted Image

Chùa Thái thật đa dạng - Ảnh: Internet

Lịch người Thái dùng chính thức là Phật lịch, cùng ngày với công lịch, nhưng cộng thêm 543 năm. Phải chăng đây cũng là một nét dung hoà tôn giáo ?

Hình ảnh thường gặp nhất ở Thái Lan là các chùa chiền, những ngôi chùa kiểu Thái rất đặc trưng và dễ phân biệt với hai nước láng giềng khác cũng là “đất Phật” - Lào và Myanmar. Hầu như làng nào cũng có ngôi một hoặc vài ngôi chùa, nhưng đi trên đường, ta vẫn thấy những ngôi chùa mới, đang xây dựng. Thăm Thái Lan, chùa là nơi du khách không thể không đặt chân đến trong các tour du lịch. Bất cứ tỉnh nào trong 76 tỉnh của Thái cũng có vài Wat (chùa) nổi tiếng. Các dân tộc khác sống ở Thái như người Hoa, người H’Mông, người Miến (Myanmar), người Khmer cũng có chùa của riêng mình. Có chùa tượng Phật đúc bằng vàng ròng nặng 4 tấn, hoặc chế tác từ ngọc bích (emerald) nguyên khối. Lại có chua toàn bằng gang, toàn bằng gỗ, hay toàn bằng đá …

Tôi đã đọc một tài liệu cũ, thống kê năm 1959, Thái có khoảng 21.380 ngôi chùa, thì trong một tập sách nhỏ tôi vừa mua tại chùa Wat Doi Suthep (Chiang Mai), xem để giết thời giờ trong lúc chờ mưa tạnh, vô tình được biết năm 1990 đã có 29.002 ngôi chùa. Như vậy chứng tỏ việc đúc tượng xây chùa vẫn là việc làm thường xuyên: trong 31 năm, người Thái có thêm 7.782 ngôi chùa mới. Con số thống kê mới nhất chắc chắn còn nhiều hơn thế nữa.

Ghé vào một ngôi chùa nhỏ ở một ngôi làng ven Chiang Mai (mà tôi quên không ghi lại tên), hỏi vị sư trụ trì rằng: Làng có vẻ chưa sung túc lắm (trước đó khoảng một giờ, tôi cũng rẽ vào nhà một nông dân ở ven đường, bà con với người lái xe chúng tôi thuê để xem họ sống như thế nào), sao lại xây chùa khang trang đến vậy. Vị sư cưòi hồn hậu, giải thích: :Người Thái chúng tôi là thế: lo việc chùa trước, việc nhà sau. Họ có thể bằng lòng chấp nhận cuộc sống thiếu thốn chứ không chịu để chùa tượng đổ nát.

Posted Image

Lên đường đi khất thực - Ảnh: Internet

Posted Image

Nhận cơm - Ảnh: Internet

Chùa có vị trí quan trọng, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân. Không chỉ là nơi thờ Phật, nó còn là một trung tâm sinh hoạt văn hoá, tinh thần của mọi người. Các ngày lễ lớn, hội hè đều tổ chức ở chùa. Nhiều chùa có thư viện để mọi người đến đọc sách. Và một hiện tượng chắc Thái Lan là một đặc trưng: “nơi nào có chùa, nơi ấy có trường”. Nhà chùa là một thành phần tích cực của hệ thống giáo dục, nhất là đối với trẻ ở giai đoạn đầu của việc học hành và cấp tiểu học. Trẻ được nuôi ăn, phát sách vở, giấy bút, Người dân rất tín nhiệm gửi con cái vào chùa vì giáo lý của đạo Phật toàn dạy điều hay lẽ phải. Thấm nhuần những điều đó từ thủa ấu thơ, nên tinh thần của đạo Phật có ảnh hưởng lớn đến tâm lý và tính cách của người Thái trong quan hệ giữa người và người: hiền hậu, nhường nhịn, bao dung, có lòng vị tha, thật thà và mến khách.

Không những tin tưởng giao con em mình cho chùa mà từ lâu thành một phong tục: người ta gửi gấm vào chùa tro bụi và linh hồn của tất cả những người đã khuất. Cho nên trong nhà riêng, ngoài những bức ảnh kỷ niệm, không nhà nào có bàn thở tổ tiên và những người thân khác đã chết. Các Việt kiều nhớ tục lệ bên nhà, những ngày giỗ chạp sau khi tụng kinh cho người thân ở chùa thường cũng làm vài mâm, anh em con cháu sum họp đông đủ để tưởng nhớ các bậc tiền bối ở thế giới bên kia.

Chùa còn là nơi nuôi nấng trẻ mồ côi, người già yếu không nơi nương tựa. Chùa rộng mở vòng tay đón bất cứ người nào, kể cả sống đến trọn đời. Chùa Wat Phrabatnampo ở Lopburi, cách Bangkok 110 km là địa chỉ để các bệnh nhân AIDS gửi tấm thân tàn, sống với nhau những ngày cuối cùng của cuộc đời oan trái.

Tôi đã đến thăm nhiều ngôi chùa Thái, kể cả những ngôi chùa vùng sâu vùng xa. Có lẽ do định kiến chủ quan, mà tôi cứ thấy đối với mình chúng xa lạ thế nào ấy. Chúng vàng choé một màu, kiến trúc quá cầu kỳ, đường nét quá chỉn chu, chạm trổ quá tinh xảo, ốp những miếng kính màu, kính phản quang sáng loá, ánh điện lung linh, khiến chúng trở nên lộng lẫy, rực rỡ, hào nhoáng, sang trọng, giống như một cô thiếu nữ dù đã đẹp sẵn nhưng vẫn quá lạm dụng phấn son. Tôi có cảm giác như đó là những mô hình bày trong tủ kính nơi phòng khách được phóng to ra mà thành.

Đặc biệt là những ngôi chùa lớn, niềm tự hào của người Thái và được ghi trong chương trình của hầu hết các tour du lịch. Cứ vài phút, chiếc xe buýt của Công ty du lịch lại đỗ xịch, một đám đông máy ảnh lăm lăm trên tay toả xuống. Đứng trước chúng, du khách thường sững sờ trước sự vĩ đại, hoành tráng (và … sặc sỡ), khâm phục bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, kiên nhẫn của những người thợ thủ công rất mực tài hoa. Quả thật là nơi lý tưởng để chụp ảnh, quay phim và … mua đồ lưu niệm. Không hề thấy bóng những bà cụ già chân chất mộ đạo, những Phật tử có nỗi đau đến tìm nơi an ủi hoặc chỗ dựa về tinh thần trước những biến cố quan trọng nào đó của cuộc đời. Nườm nượp trong dòng người là những du khách toàn người nước ngoài, những chàng trai râu tóc hippy, những cô gái nõn nà, tóc vàng, mắt xanh đầy hiếu kỳ, đang săm soi, “khám phá” phương Đông.

Posted Image

Tranh thủ học bài - Ảnh: Internet

Tôi nhớ về những ngôi chùa Việt nhỏ bé hơn nhiều nhưng thân thương biết mấy với những lối đi nhỏ cỏ mọc lan đầy, những bức tường rêu phong loang lỗ, mái ngói nâu cũ kỹ, một chút mùi ẩm mốc, một chút vẻ u uẩn và thấp thoang bóng những nhà sư ăn mặc nâu sồng ra vào trong những ngày heo may lộng gió. Liệu có phải quan niệm thẩm mỹ của tôi về những ngôi chùa bị ảnh hưởng của chùa Long Giáng trong tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng từng đọc hồi còn nhỏ?

Tôi không hiểu lắm về đạo Phật, nên cho rằng những sự khác nhau về quan niệm, về những nghi thức thờ cúng giữa chùa Thái khác chùa Việt là do xuất xứ từ các tông phái khác nhau. Kiến trúc chùa hai nước khác nhau đã đành, nhưng nét mặt, hình dáng, tư thế và y phục đức Phật cũng khác nhau, các vị bồ tát, “ông Thiện, ông Ác” cũng khác nhau luôn. Chùa Thái không hương khói (tuy cũng thấy bát hương nhưng chỉ lèo tèo mấy chân hương, chắc của những Phật tử các nước khác cắm vào), không vàng mã. Cách chắp tay cách quỳ lạy cũng không giống nhau.

Tầng lớp tăng lữ Thái, hiện nay ước tính lên tới 250.000 người, cũng có những điều khác biệt. Tu hành là khổ hạnh, ở đâu chẳng thế. Song hình như những nhà sư Thái “nghiêm chỉnh” hơn sư các nước khác, tôi nghĩ vậy. Tôi quen một ông bác sĩ người Thái gốc Việt, đang hành nghề thì mẹ gọi về đi tu theo tục lệ. Ông nghe lời mẹ và đã trải qua ba tháng xuống tóc, sống trong chùa kể lại:

- Nếu như ở Việt Nam, việc khất thực chỉ là của một môn phái thì toàn bộ giới tăng lữ Thái sống bằng thức ăn bố thí của thiên hạ.

Sáng nào cũng vậy, cứ 4 rưỡi sáng, các nhà sư bị đánh thức dậy. Họ tụng kinh, thiền một lúc rồi quấn chiếc áo cà sa màu da cam lên đường đi khất thực (tiếng Thái là bintabat). Họ đi chân đất, kể cả những ngày rét thấu xương ở vùng phía Bắc và Đông bắc, ngày nắng cũng như ngày mưa tầm tã, từng người hoặc từng nhóm, xếp hàng một, chậm rãi bước. Những người dâng cơm đã chờ sẵn. Họ cởi giày ra, miệng lẩm bẩm một lời câu nguyện gì đó rồi trút cơm vào bát của nhà sư. Nhà tu hành lạnh lùng, mắt nhìn chằm chằm vào bát (tuyệt đối không được nhìn “thí chủ”) và chẳng nói một lời nào. Nếu ngoài cơm, còn cả thức ăn, hay hoa quả thì một chú tiểu đi theo sẽ mở chiếc “cặp lồng” hoặc túi vải ra nhận tiếp. “Thí chủ” chắp hai tay ngang ngực và đi vài bước giật lùi. Vậy là mình đã làm được một việc công đức, lát thêm một viên gạch trên con đường đến cõi Niết bàn khi qua đời.

Cứ thế, nhà sư đi hết “lộ trình” mình được phân công. Sau chừng một tiếng, trở về chùa, họ góp chung lại, cùng ăn. Mỗi ngày, có người chỉ ăn một bữa, có người ăn hai, kể cả bữa điểm tâm, trừ những nhà sư bị ốm và đang trong thời gian điều trị. Họ ăn trên tinh thần ăn để duy trì sức khoẻ, chứ không phải để thưởng thức cái ngon của một bữa cơm. Quá ngọ, mọi thức ăn đều phải huỷ bỏ, vì họ không bao giờ dùng bữa cơm chiều. Được chúng sinh nuôi sống, mình phải có nghĩa vụ phụng sự chúng sinh, nhà sư tâm niệm.

Của cải riêng của nhà sư là những gì ? Anh bác sĩ tôi vừa nói kể tiếp:

- Tài sản của họ như tôi chứng kiến, chẳng có gì ngoài những thứ quy định từ xa xưa mặc dù cả thế giới đang trong thời đại của xã hội tiêu thụ. Của nả của mỗi người chỉ là ba bộ áo cà sa màu da cam, một giải thắt lưng vải màu da cam đề buộc ngang hông, một miếng vải làm khăn tay, một chiếc bát đựng thức ăn, một chiếc kim vá quần áo và một bộ dao cạo để cạo tóc, râu và lông mày …

Posted ImagePosted Image

Dù sao vẫn là trẻ con - Ảnh: Internet

Tiểu ni cô rất ít khi gặp - Ảnh: Internet

- “Thực thế thôi ư ?” Tôi ngạc nhiên (vì chợt nghĩ đến những nhà sư trẻ ở Hà Nội, cưỡi xe Dream, có khi cả Spacy và bấm nhoay nhoáy chiếc điện thoại di động đời mới nhất).

Anh cười: “Họ còn gì nữa, tôi không biết. Trong ba tháng vào tu trong chùa, chính tôi cũng đi khất thực và chỉ có bấy nhiêu của cải riêng tư. Nhưng tôi tin những vị sư chân chính, đã tự nguyện trở thành bậc chân tu thì đúng như vậy. Và quả thật không quá ít những người không chịu đựng được sự khổ hạnh đã hoàn tục (đấy là chưa kể những người đi tu theo thời hạn, thường là ba tháng, một tháng, một tuần và thậm chí… một ngày). Có điều quan niệm ở Thái rất thoáng, vì đã quen với việc đi tu có thời hạn, mọi người không nghĩ xấu hoặc khinh bỉ nhưng người bỏ dở đường tu (ở ta, hay dùng từ “phá giới” với ý nghĩa không đẹp). Người Thái cho rằng khi nhà sư nào tự thấy mình không kiềm chế được ham muốn, khó giữ gìn được giới luật thì thà trở về cuộc đời thế tục còn hơn vẫn tu hành mà sống giả dối. Những người này còn được kính trọng hơn cả những người chưa một lần xuống tóc”.

Sự kính trọng sư thể hiện rất rõ. Có những gì mắc mứu trong cuộc sống, người dân đến với các nhà sư để giãi bày, tìm những lời khuyên bảo, nghe theo lời hoà giải của họ trong những vụ mâu thuẫn, nếu không thành mới nhờ cậy đến pháp luật.

Một lần, trên xe buýt, người bán vé biết tôi là người nước ngoài nên đã chỉ cho một chỗ ngồi tốt, nhưng khi thấy một chú tiểu, chừng 13 tuổi bước lên, anh ta đã ra hiệu cho tôi đứng dậy nhường chỗ. Một ông già lại phải nhường chỗ cho cậu bé 13 ư ? Nhưng cậu bé ấy lại nhà một đệ tử của đức Thích Ca. Tôi “ngoan ngoãn” làm theo vì tối hôm trước xem Tivi, thấy Thái tử Vajralonkorn, thay mặt vua đi thăm một bệnh viện, ông ta đã chắp tay trước các nhà sư mà những nhà sư này vẫn ung dung tự tại, dửng dưng như không thèm để ý đến ông ta, chẳng một dấu hiệu nào đáp lễ. “Sư còn “quý” hơn vua, người Thái bảo thế.

Nhà tu hành Thái rất … phong kiến – tôi muốn nói đến việc tiếp xúc của họ với phụ nữ. Một buổi sáng tôi chứng kiến một nữ Phật tử đưa cho nhà sư khất thực một nải chuối vàng ươm. Ông ta không dám đưa tay ra nhận mà nâng vạt áo ra đỡ, sau đó mới bỏ vào tay nải. Lại thế này nữa: hôm chúng tôi 3 người, hai nam một nữ gặp một “anh” sư (vì nhà sư này chỉ ngoài 20) tại Vườn hoa ở Doi Tung (Chang Rai). “Anh” nói được tiếng Anh, giới thiệu cho chúng tôi về lai lịch của Vườn. Chia tay, chúng tôi đề nghị chụp ảnh chung và “anh” đồng ý. Vì tôn trọng “anh”, chúng tôi để “”anh” đứng giữa, bên cạnh cô em tôi, hai người đàn ông đứng hai bên. “Anh” xua tay, bảo người thợ ảnh khoan chụp rồi lẳng lặng đứng ra ngoài cùng. Chúng tôi hiểu ý, để cô em tôi đổi chỗ, “anh” mời gật đầu cho chụp.

Người ta bảo những chiếc áo vàng làm nên diện mạo nước Thái. Đúng, nhưng hơi bất công. Áo vàng chỉ dành cho tăng sư, còn ni sư thì áo trắng. Có điều Thái Lan rất ít sư nữ. Ở Bangkok ba tuần, tôi chưa gặp ni sư nào đi khất thực.

Tuấn Hà (Vietimes)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thật tréo ngoe là với một đất nước sùng bái đạo Phật như Thái Lan lại là một quốc gia có một - tôi tạm gọi là - "công nghệ sex tour" nổi tiếng nhất thế giới. Trong các tour du lịch đến Thái Lan đều có chương trình, dù ít nhiều không công khai, tham quan các khu vực có vũ sexy hay "khu đèn đỏ". Du khách ở trong các khách sạn ở Thái Lan có thể cầm remote để xem "kênh đen" (dĩ nhiên phải trả thêm phí) thoải mái, rồi còn có các dịch vụ khác trong KS như : massage body, ... Dù gần đây đã có rất nhiều cố gắng của chính quyền sở tại nhằm thay đổi dần hình ảnh đất nước con người Thái Lan, nhưng đây đó vẫn cho rằng nếu không có các "dịch vụ" đó thì chắc hẳn Thái Lan sẽ không còn là một trong những điểm du lịch nổi tiếng và thu hút du khách nhiều nhất thế giới như hiện nay.

Thực ra, ngược dòng lịch sử một chút, nơi đầu tiên cho sự bùng nổ "sex tour" nổi tiếng ở Thái Lan chính là Pathaya. Vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, Pathaya là nơi phục vụ "giải trí" cho quân đội Mỹ trong cuộc chiến VN, về sau được phát triển rộng rãi, thậm chí theo tôi được biết, do nhu cầu cuộc sống ban đầu khá khó khăn ở các miền quê Thái Lan vào thời điểm đó mà những người phụ nữ lên thành phố phục vụ lính Mỹ dễ kiếm tiền hơn nam giới nên bắt đầu có manh nha chuyển đổi giới tính (hầu hết là từ nam thành nữ) để dễ dàng hơn trong cuộc mưu sinh. Đó chính là một trong những chuỗi lịch sử hình thành của các Tiffany's show (show diễn của những người chuyển đổi giới tính) nổi tiếng ở Pathaya ngày nay mà hầu hết du khách với Pathaya đều không thể bỏ qua chương trình hoành tráng này.

Mặc dù giờ đây người Thái đã nhận ra vấn đề và cố gắng đưa hình ảnh du lịch Thái Lan mang một màu sắc mới (phát triển du lịch văn hóa, cấm người mang quốc tịch Thái đến "khu đèn đỏ", ...), nhưng không thể chối bỏ được rằng : một phần của xã hội Thái đang phải trả giá cho những hoạt động "sex tour" kéo dài trong quá khứ như vậy. Đó cũng chính là một bài học cho những quốc gia đang bắt đầu tiến hành phát triển ngành "công nghiệp không khói" như một trong những mũi nhọn để thu hút ngoại tệ, trong đó có Việt Nam.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay