treo650

TrÁi ĐẤt CỦa ChÚng Ta

3 bài viết trong chủ đề này

Màu xanh nước biển đang nhạt dần

Các nhà khoa học vừa đưa ra cảnh báo, màu xanh của các đại dương trên thế giới đã nhạt đi hơn 40% kể từ năm 1950 tới nay. Tốc độ nhạt màu đang diễn ra ngày càng nhanh hơn do biến đổi khí hậu.

Nhà nghiên cứu Boris Worm và các đồng nghiệp thuộc Trường Đại học Dalhousie của Canada cho biết, màu xanh của nước biển nhạt đi do hầu hết sinh vật phù du thường sống trên bề mặt các đại dương, thực phẩm nuôi sống của các loài sinh vật biển, đã giảm mạnh do sự nóng lên của lớp nước bề mặt các đại dương.

Biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ của các đại dương lên 0,2°C trong thập kỷ qua đã đẩy nhanh sự phân tầng nước với quy mô rộng hơn trên các đại dương. Tiến trình này đã làm mất dần môi trường sống của các sinh vật phù du ở độ sâu 100-200m dưới mặt nước.

2 hiểm họa nữa làm suy kiệt nguồn phù du sinh vật là sự xuất hiện ngày càng nhiều, diện tích ngày càng lớn các khu vực chết với lượng oxy hòa tan quá thấp, không thích hợp với sự sống trên các đại dương và tình trạng các đại dương ngày càng bị acid hóa do mỗi ngày phải hấp thụ tới 30 triệu tấn khí thải CO2.

Bão từ có thể đổ bộ trái đất

Các nhà khoa học trên thế giới, trong đó có Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cho hay các trận phun trào cực lớn trên khắp bề mặt mặt trời sẽ tạo ra trận bão từ cực mạnh, có thể đổ bộ vào trái đất trong ngày 3 và 4/8.

Các hiện tượng phun trào diễn ra trong hai ngày qua đã được một số vệ tinh ghi lại, trong đó có Đài quan sát Solar Dynamics của NASA. Nhiều nhà khoa học khác cũng thấy một quầng sáng khổng lồ trên một khu vực của mặt trời có kích cỡ bằng trái đất, được ký hiệu là điểm đen 1092, và điều này khiến họ đặt giả thiết có một đợt phun trào lớn hơn trên bề mặt của quả cầu lửa.

Vụ nổ đó hướng thẳng về trái đất, tạo ra cơn bão từ cực mạnh lan ra đến 150 triệu km trong khoảng không vũ trụ.

Các nhà khoa học ước đoán nó sẽ tiến về trái đất vào cuối ngày 3/8, phá hủy hệ thống từ trường tự nhiên bảo vệ hành tinh. Họ cảnh báo hiện tượng này mạnh đến nỗi có thể phá hỏng các vệ tinh, mạng lưới điện và viễn thông trên khắp thế giới.

NASA gần đây cũng cảnh báo nước Anh sẽ bị mất điện trên diện rộng và các tín hiệu truyền thông sẽ bị gián đoạn trong thời gian dài.

“Hai vụ nổ đồng thời ở các điểm khác nhau trên bề mặt mặt trời hướng về trái đất là điều rất hiếm gặp - Tiến sĩ Lucie Green làm việc tại Phòng thí nghiệm khoa học không gian Mullard cho hay - Hiện tượng này xảy ra khi các khối từ trường khổng lồ trong bầu khí quyển của mặt trời mất cân bằng và lực hấp dẫn của Mặt trời không đủ sức giữ chúng nữa. Nó giống như khi ta thả tay sau khi kéo căng sợi dây thun, nó sẽ bị bắn đi”.

Bà Green cho rằng, cả hai vụ nổ dù hướng đến trái đất nhưng có vận tốc khác nhau. Điều này sẽ tạo cơ hội lý tưởng cho các nhà khoa học quan sát các hiệu ứng lớn và kéo dài như ánh sáng ở bán cầu bắc thuộc các vĩ độ thấp.

Trước đó, các nhà khoa học cũng cảnh báo một cơn bão từ cực mạnh sau khi mặt trời “thức giấc” và bước vào thời kỳ hoạt động mạnh khoảng năm 2013.

(Theo Telegraph)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Có than hoạt tính, không lo nhiễm khuẩn ?

Trước thực trạng môi trường ô nhiễm, con người đổ xô đi tìm mọi phương cách để “cứu” mình. Than hoạt tính được tôn sùng là một trong những “vị cứu tinh” như thế.

Than hoạt tính – mác bảo đảm bán được hàng

Một sản phẩm có than hoạt tính được công chúng chuộng và mua ồ ạt là khẩu trang, nhất là khi có thông tin về dịch SARS, về nạn cúm A/H1N1 hoành hành. Dọc các phố, những biển hiệu “Khẩu trang sợi hoạt tính”, “Khẩu trang than hoạt tính” nhan nhản. Tất cả đều cố gắng trưng ra thế mạnh của mình là… có than hoạt tính. Người mua cũng theo đó gửi niềm tin vào những nơi có “tín hiệu” được bảo đảm an toàn này.

Người bán chỉ cần bắt đúng tâm lý của khách hàng, thích loại nào chiều loại đó. Không ít người chỉ biết chung chung là “loại ấy là tốt nhất rồi vì có than hoạt tính”.

Lợi bất cập hại

PGS.TS. Phạm Văn Nho (Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng Trường ĐH khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Khi sử dụng than hoạt tính để loại bỏ các chất độc hại cần xem xét, chất đó có được hấp thụ bởi than hoạt tính hay không? Và khối lượng sử dụng có đủ lớn để hấp thụ hay không? Chứ không phải cứ than hoạt tính là hút được tất cả chất độc hại, vi khuẩn, vi rút như mọi người vẫn lầm tưởng”. (Cơ chế bảo vệ của than hoạt tính: các chất độc trong môi trường bị lớp than hoạt tính hấp thụ, giữ lại đó nên không xâm nhập vào khoang miệng).

Tuy nhiên, không thể phủ nhận khả năng hấp thụ tốt của than hoạt tính (và vật liệu hoạt tính nói chung) bởi nó có diện tích bề mặt rất lớn so với khối lượng chung. Khả năng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là diện tích bề mặt. Diện tích bề mặt càng lớn, khả năng hấp thụ càng cao. Than hoạt tính là vật liệu rẻ tiền, có thể hút được một số chất có trong môi trường nước, môi trường không khí.

Tuy nhiên, cũng nên biết là: Không phải tất cả mọi chất đều được hút bởi than hoạt tính và khả năng hút là có hạn. Khi than hoạt tính đã bị bão hòa thì hoàn toàn không còn tác dụng gì.

Có thể khẳng định, về mặt thực tiễn, khẩu trang có than hoạt tính là vô tác dụng, không khác khẩu trang thường. Không phải vì than hoạt tính không thể hấp thụ mà khối lượng sử dụng nó trong khẩu trang quá ít nên rất nhanh chóng bị bão hòa. Thậm chí còn lợi bất cập hại khi vi khuẩn, vi rút tích tụ ở đó, sinh sôi nảy nở mạnh do hơi nước từ hơi thở người là môi trường thuận lợi. Đó là chưa kể đến tâm lý của nhiều người là đeo khẩu trang có hoạt tính rồi thì cứ “vô tư”, không thay đổi khẩu trang thường xuyên, lại càng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn trú ngụ, sinh sôi.

Còn đối với các vật dụng khác có sử dụng than hoạt tính thì có tác dụng nhất định đối với một số chất nó có thể hút được. Nhưng cũng không nên quá… tôn vinh nó, ỷ lại vào nó mà bàng quang với các nguy cơ nhiễm khuẩn. Điều đó rất nguy hiểm vì như vậy sẽ phó thác sức khỏe của mình cho than hoạt tính mà không tìm cách khác để bảo vệ mình.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Báo động băng tan trên Everest

Các nhà khoa học đã lên tiếng báo động tình trạng tan băng ở đỉnh Everest sau khi so sánh những bức ảnh chụp tại cùng một địa điểm trên “nóc nhà thế giới” vào năm 1921 và 2010 và phát hiện một lượng lớn băng ở đây đã biến mất.

Hội châu Á (AS) đã sắp xếp để nhà leo núi David Breashears chụp ảnh Everest ở đúng địa điểm mà nhà leo núi người Anh George Mallory chụp năm 1921.

“Ảnh chụp đã phát hiện một thực tế đáng chú ý: băng trên dãy Himalaya đang biến mất”, thông cáo của AS nói. “Lượng băng tan rất lớn, ở mức báo động chỉ trong 89 năm”.

“Các sông băng trên cao là nguồn cung cấp nước cho sông Hằng, Brahmaputra, Salween, Irrawaddy, Mekong, Dương Tử, Hoàng Hà. Đây là những con sông nuôi sống hàng triệu con người. Nếu băng vẫn tan chảy theo tốc độ hiện nay, nhiều trong số các sông băng này sẽ bị thu nhỏ đáng kể vào giữa thế kỷ này”

Theo BBC

Giải pháp xử lý chất thải hạt nhân

Năng lượng nguyên tử sẽ là một phần quan trọng trong tương lai của một thế giới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra, chúng ta sẽ xử lý thế nào với lượng “chất thải” được tạo ra?

Các quốc gia phát triển và đang phát triển đều theo đuổi những dự án nhà máy điện hạt nhân, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về năng lượng. Trong khi đó, nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt và góp phần gia tăng sự ô nhiễm môi trường do lượng phát thải khí độc hại ra môi trường xung quanh: nước, đất, không khí và sinh vật...

Tuy nhiên, quá trình xử lý trong các lò phản ứng hạt nhân tạo ra những sản phẩm phụ, chất thải hạt nhân có phóng xạ, là yếu tố gây đau đầu các nhà khoa học và quản lý. Hiện tại mới chỉ cách xử lý duy nhất là... chôn cất chất thải trong hầm mỏ, kho chứa.

Lượng tích trữ chất thải hạt nhân ngày càng là gánh nặng với các quốc gia. Ở Pháp, kể từ khi lò phản ứng hạt nhân thực nghiệm đầu tiên được vận hành năm 1949 đến nay, các chất thải đã dồn đống. Trong vòng 40 năm, 58 lò phản ứng của Pháp đã cho ra hơn một triệu m3 chất thải. Đến năm 2020, con số ước tính sẽ lên đến hai triệu. Các chất thải này tồn tại rất lâu, dưới dạng phóng xạ trong ít nhất trong 30 năm, nhưng cũng có thể đến cả … hàng trăm nghìn năm.

Thực tế ở Mỹ còn đáng ngại hơn. Theo Viện Năng lượng Hạt nhân Mỹ (DOE), hiện nay có khoảng 60.000 tấn nhiêu liệu qua sử dụng đang đợi được tiêu hủy, trong khi hàng năm các nhà máy năng lượng quốc gia vẫn thải ra thêm thêm khoảng 2 000 tấn phế liệu nữa.

Thậm chí, nếu công việc xây dựng kho chứa chất thải ở núi Yucca vẫn tiếp tục thì tới đầu những năm 2020, khi công trình hoàn thành, rác thải hạt nhân của quốc gia chắc chắn sẽ vượt quá khả năng tiếp nhận 70.000 tấn của kho chứa.

Các nhà khoa học trên toàn thế giới đã đưa ra những giải pháp khác nhau nhằm đối mặt với vấn đề xử lý chất thải hạt nhân, tuy nhiên mọi cách làm đều chưa hiệu quả. Điều này cũng nhắc nhở việc phát triển công nghệ hạt nhân.

Dưới đây là 7 giải pháp đối mặt với vấn đề chất thải hạt nhân và những rủi ro từ chúng:

Đưa vào không gian

Nỗi lo về chất thải hạt nhân sẽ tan biến và không thể gây hại cho con người nếu chúng ta có thể đưa chúng vào hệ mặt trời, hay “thả” vào mặt trời. Nhưng nếu các vụ phóng tàu để đưa ra các chất thải hạt nhân vào không gian thất bại, hậu quả sẽ khôn lường như thế nào?

Khi tàu phóng rơi xuống các đại dương, phát nổ trên vùng thượng quyển… hậu quả với con người, sinh vật trên trái đất là khôn lường. Do đó, việc đưa chất thải ra ngoài vũ trụ cần được cân nhắc.

Thậm chí, giả sử việc phóng ra ngoài không gian thành công theo đúng lộ trình và an toàn, rất có thể một ngày nào đó, những chất thải đó có thể quay trở lại.

Chôn sâu trong lòng đất

Việc chôn chất thải hạt nhân xuống sâu dưới lòng đất là một lựa chọn ưa thích của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nó sẽ được chôn như thế nào là câu hỏi gây ra sự tranh cãi.

Giải pháp chôn sâu vẫn là một dự tính trên giấy, mô tả việc đưa chất thải vào trong những chiếc hộp thép rồi chôn sâu hàng km dưới bề mặt trái đất. Một lợi thế của việc chôn chất thải là có thể khoan chúng gần các lò phản ứng hạt nhân, giúp giảm khoảng cách để vận chuyển những chất thải “nguy hiểm cao độ” xuống nơi chôn lấp.

Tuy nhiên, các nước đều vấp phải vấn đề liên quan đến lựa chọn địa điểm chôn lấp chất thải, những nguyên tắc tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn cho môi sinh khu vực đó…

Chôn lấp dưới đáy biển

Phần lớn đáy của các đại dương đều cấu tạo từ lớp đất sét dày và nặng, một nguyên liệu hoàn hảo để hấp thụ phóng xạ của các chất thải hạt nhân phát ra. Biện pháp này được nhà hải dương học Charles Hollister, thuộc Viện Hải dương Woods Hole khởi xướng vào năm 1973. Việc lưu giữ chất thải hạt nhân dưới đáy biển được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1986.

Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm với việc lưu trữ, đó là phải thực hiện khoan các giếng ngầm sâu dưới đáy biển. Thảm họa tràn dầu Deepwwater Horizon là lời cảnh báo đối với các hoạt động khoan, khai thác dưới đáy biển.

Bên cạnh đó, còn nhiều tranh cãi trong các diễn đàn đa phương của các quốc gia phát triển hạt nhân nói riêng và toàn cầu về vấn đề xử lý chất thải hạt nhân ra biển. Vì vậy, giải pháp chôn lấp dưới đáy biển cần sự xem xét bằng các thỏa ước quốc tế nhằm đem lại lợi ích chung.

Chôn lấp ở vùng hút chìm

Khái niệm vùng hút chìm còn lạ lẫm với nhiều người. Đây là thuật ngữ trong địa chất học, là nơi diễn ra quá trình hội tụ biên giới giữa các mảng kiến tạo: một mảng kiến tạo di chuyển xuống dưới mảng kiến tạo khác, sau đó bị chìm xuống dưới lớp vỏ trái đất. Tỉ lệ sự hút chìm khoảng vài cm mỗi năm (trung bình từ 2-8 cm).

Về mặt lý thuyết, việc chôn lấp chất thải hạt nhân ở vùng hút chìm sẽ đưa những thùng chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng dọc theo đai băng chuyền giữa các mảng kiến tạo và đi vào trong lớp vỏ trái đất.

Tuy nhiên, giải pháp này gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia cũng như sự tham gia của nhiều bên liên quan, giống như dự án chôn lấp dưới đáy biển.

Chôn dưới sông băng

Việc đặt các quả cầu chất thải hạt nhân xuống các phiến băng ổn định, để nó chảy xuống bên dưới, sau đó sẽ được các lớp băng khác cô đặc lại. Chất thải có thể được bảo quản vĩnh viễn bên dưới các lớp băng dày hàng chục m. Tuy nhiên, ý kiến này sớm bị loại bỏ. Lý giải cho việc bác bỏ, là lo ngại việc dịch chuyển các mảng băng cũng như hiện tượng biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.

Hiện nay, đỉnh Quelccaya ở Nam Peru, đỉnh núi băng nhiệt đới lớn nhất thế giới, có tốc độ tan chảy khoảng 60 mét mỗi năm, tăng gấp 10 lần so với tốc độ tan băng của những năm 1960.

Cất giữ trong đá nhân tạo

Lựa chọn tốt nhất và hiện thực nhất hiện nay là việc cô lập các chất thải phóng xạ trong các loại đá tổng hợp nhân tạo sau đó chôn xuống dưới lòng đất. Cách này sẽ ngăn chất thải phóng xạ và làm nhiễm độc đất, đá và nước xung quanh.

Các nhà khoa học đã phát triển loại đá nhân tạo (synroc) từ những năm 1970 nhằm lưu giữ những chất thải hạt nhân có mức phóng xạ lớn. Các loại đá được thiết kế khác nhau phụ thuộc vào loại chất thải riêng biệt, dựa trên công thức cho phản ứng nước-ánh sáng cũng như hàm lượng chất plutonium.

Một giải pháp tương tự là sử dụng vật liệu gốm nano trong bảo quản và lưu giữ chất thải phóng xạ. các nhà khoa học Australia dùng sơn với sợi gốm nano được làm từ oxit của titan để sơn lên bề mặt các bể hay thùng lớn bằng thép, được dùng để chứa chất thải phát sinh trong quá trình khai thác các chất phóng xạ và nước thải trong quá trình làm mát lò phản ứng.

Vật liệu gốm nano có ưu điểm là rất bền và có thời gian tồn tại lâu hơn các ion chất phóng xạ, có khả năng bẫy các ion dương của chất phóng xạ và giữ chặt chúng mãi trong đó. Chỉ cần quét một lớp sơn mỏng cỡ nano mét (một phần tỷ mét) sẽ tăng độ an toàn lên rất nhiều.

Rút ngắn chu kỳ bán rã

Hiện, một số nhà khoa học đang tính tới việc giảm chu kỳ bán rã của các chất thải phóng xạ, qua đó, xử lý nhanh chóng các chất này, thay vì tìm cách chôn chúng ở đâu đó và chờ chúng phân rã hết. Máy Laser Vulcan là một thiết bị ra đời từ ý tưởng đó. Máy có thể tạo ra các xung điện mạnh và ngắn, một triệu tỷ Watts, bắn vào một cục vàng nhỏ, tạo ra đủ bức xạ gama để đánh bật các neutron đơn lẻ khỏi chất thải phóng xạ như Iodine 129.

Iodine129 là một trong nhiều đồng vị phóng xạ được tạo ra khi Uranium bị đốt trong lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, các nhà khoa học đánh giá, máy Laser sẽ không giải quyết triệt để vấn đề chất thải xong nó giảm độ mức độ phóng xạ.

Phương pháp này mới chỉ thực hiện trong phòng thí nghiệm và chỉ có khả năng áp dụng ở giai đoạn xử lý ban đầu của chất thải hạt nhân.

Tái chế chất thải hạt nhân

Uranium được sử dụng trong lò phản ứng hạt nhân chỉ lấy được 5% năng lượng trong khi các nhà máy điện nguyên tử vẫn chưa thể tái sử dụng nhiên liệu này. Nguyên nhân là do dạng phổ biến nhất của Uranium, ion uranyl rất khó phân tách từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng.

Các nhà khoa học ở ĐH Edinburth (Scotland) đã nghiên cứu sáng chế ra phân tử mạch vòng, có khả năng “ăn” phần lớn các ion khi tiếp xúc với chất uranyl. Nhờ vậy, cấu trúc của uranyl sẽ bị suy yếu giúp thanh nhiên liệu đã cháy dễ dàng phản ứng với các chất có khả năng để tách lọc hơn ra khỏi chất thải, không gây ô nhiễm môi trường.

40 năm nữa, châu Âu sẽ dùng năng lượng hồi phục

Các nhà vận động môi trường của Tổ chức Hòa bình Xanh và Hội đồng Năng lượng Tái tạo châu Âu vừa đưa ra kết luận: “Vào năm 2050, hầu hết nguồn năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ là nguồn năng lượng có thể hồi phục lại”.

Theo nghiên cứu của 2 tổ chức này, 27 quốc gia thuộc khối EU có thể sẽ không còn tồn tại các nguồn năng lượng thực tế như than đá, dầu hỏa, năng lượng hạt nhân… và phụ thuộc vào các nguồn năng lượng như gió, mặt trời, năng lượng địa nhiệt và năng lượng sinh học.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng 92% các nguồn năng lượng của EU sử dụng sẽ đến từ nguồn năng lượng có thể phục hồi, 8% nguồn năng lượng còn lại sẽ có thể là dầu dùng cho tàu hoặc máy bay. Một sự thay đổi lớn như vậy có thể cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khu vực EU đến 95%. Các nhà môi trường khẳng định, họ sẽ tiết kiệm cho các nền kinh tế châu Âu đến 19 tỷ EUR (20,05 tỷ USD) một năm cho chi phí nhập khẩu dầu và khí đốt.

Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Anh (BP) đã đưa ra báo cáo gây “sốc” khi cho rằng trữ lượng dầu mỏ hiện nay chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của thế giới trong vòng hơn 30 năm nữa. Theo báo cáo của BP, trữ lượng hiện nay có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng đến cuối năm 2040.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay