Công Minh

Đâu phải là truyền thuyết !

5 bài viết trong chủ đề này

Đâu phải là truyền thuyết

Voi 9 ngà - Gà 9 cựa - Ngựa 9 hồng mao .

Một phát hiện mới về gà 9 cựa tại Phú Thọ đăng trên báo Khoa học và đời sống (cơ quan của liên hiệp các hội khoa học Việt Nam) các số ra ngày 12 va 15/04/2008.

Posted Image

Posted Image

Share this post


Link to post
Share on other sites

Chuyện về gà chín cựa em nhớ đã có một bài Phóng sự cách đây lâu lâu. Bài viết về một vùng xa nào đó rất nhiều gà chín cựa. Dân cư ở đây nuôi gà và "thịt" gà ăn đã lâu đời và là chuyện rất bình thường. Đặc biệt mang đi nơi khác nuôi thì nuôi không được.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đi tìm “gà chín cựa” - Nguồn: http://vietbao.vn/Phong-su/Di-tim-ga-chin-cua/40173280/263/

Chủ nhật, 19 Tháng mười một 2006, 04:28 GMT+7 showarticletop("http://vietbao.vn","40173280")[/color][/color] Posted Image

Posted Image

Gà nhiều cựa ở bản Cỏi - Ảnh: N.P.

“Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”, những lễ vật thách cưới mà vua Hùng đưa ra năm xưa tưởng cũng chỉ là truyền thuyết. Vậy mà trong những ngày gần đây, giới khoa học lẫn người dân tỉnh Phú Thọ đang xôn xao về câu chuyện có “gà chín cựa” ở bản Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Thanh Sơn), ngay trên mảnh đất tổ Hùng Vương. Kỳ thú Xuân Sơn

Trên đường vào bản Cỏi, vượt qua dốc Cổng Trời, đến bản Dù, trời tối, chúng tôi đành phải ngủ tạm một đêm tại trạm bảo vệ rừng quốc gia Xuân Sơn. Không ngờ chúng tôi lại gặp giám đốc vườn quốc gia Xuân Sơn Trần Đăng Lâu.

Nghe hỏi chuyện về “gà chín cựa” có phải là giống gà mà ngày xưa Sơn Tinh mang tiến vua Hùng để cầu hôn công chúa Mỵ Nương không, giám đốc Lâu trầm ngâm: “Tất cả truyền thuyết đều xuất phát từ thực tiễn, gà nhiều cựa cũng liên quan đến cái gốc rễ là gà rừng... Rừng núi Xuân Sơn này kỳ lạ lắm: có rất nhiều hang động kỳ thú. Những tên làng, tên núi, tên suối cũng đủ gợi lên sự hấp dẫn như núi Chim Bò, núi Bạc, núi Đứt, động và suối Lun, Lạng, Na, Thang... Vừa rồi chúng tôi đã phát hiện giống cá anh vũ ở hạ nguồn thác Bản Kẹm, loại cá ngày xưa chỉ dùng để tiến vua. Mùa hạ cá anh vũ ngược dòng lên thác núi để đẻ và mùa đông xuôi về ngã ba sông Bạch Hạc để trú đông. Hay loài chuối cô đơn cũng vừa được phát hiện. Trên thế giới loài này được gọi là chuối tuyết hay chuối voi, là một loài cây cảnh đẹp có giá trị, được mua bán khá nhiều ở phương Tây...”.

Bữa cơm tối được dọn ra khá muộn, sương đã phủ dày xung quanh ngôi nhà sàn của trạm bảo vệ rừng. Giám đốc Trần Đăng Lâu lại kể chuyện: Chuyện rằng có một người khách vào thăm bản Cỏi và ngủ qua đêm ở nhà trưởng bản Đặng Vĩnh Phúc. Ông Phúc làm gà đãi khách. Khi đĩa thịt gà được dọn lên, thấy cái chân gà kỳ lạ vì có nhiều cựa, khách chợt nhớ ra lời đồn đãi trên vùng núi cao có giống “gà chín cựa”...

Khi về xuôi, câu chuyện được khách kể lại để rồi “gà chín cựa” bắt đầu lan truyền...

Posted Image

Bây giờ ở bản Cỏi hầu như chỉ còn loại gà có sáu, bảy, tám cựa. Ngoài cựa chính, những cựa còn lại mọc thẳng hàng cùng với cựa chính, chạy dài lên đến phía trên chân gà. Loại gà này lạ là con trống khi “chào đời” có bảy cựa thì lúc nặng hơn 1kg sẽ bắt đầu mọc thêm một cựa nữa. Đặc biệt gà nhiều cựa bay nhảy rất giỏi, muốn bắt chúng phải giăng lưới hoặc chờ đến tối khi chúng về chuồng.

“Gà chín cựa” ở xóm Cỏi Sáng sớm chúng tôi bắt đầu ngược dốc vào bản Cỏi. Bên đường chỗ nào cũng thấy cây trạng nguyên nở đỏ rực. Dòng suối Hang chảy róc rách. Dọc bên suối thanh niên nam nữ đang hì hục vớt đá cuội lên bờ. Hỏi chuyện mới biết họ vớt đá lên để lấy thứ rêu bám trên đá về... ăn: rêu đá nấu canh là món ăn truyền thống của người dân tộc Dao trong bản Cỏi.

Vừa vào đến điểm dạy mẫu giáo và tiểu học là chúng tôi đã thấy “gà chín cựa”, một con gà trống có bộ lông màu đỏ đang nhẩn nha dạo trên đường. Định lại xem và chụp hình thì loáng một cái nó đã nhảy lên dốc phía trên, chạy mất vào phía núi.

Khi tiếp chúng tôi, trưởng bản Đặng Vĩnh Phúc nói trong tiếc rẻ: “Khi tôi lớn lên đã thấy giống gà này rồi. Nó là giống gà của người Dao từ ngày xa xưa, thịt chắc và thơm. Cả xóm chỉ có khoảng bảy hộ nuôi được giống gà này. Có nhiều người mua về xuôi để nuôi nhưng rồi gà cũng chết. Có người mua con trống về làm giống nhưng khi nở ra gà con cũng không có nhiều cựa, vì đây là gà thuần chủng. Chỉ có gà trống nhiều cựa “gặp” gà mái nhiều cựa mới cho ra được giống gà con nhiều cựa”.

Những năm có dịch cúm gà, các loại gà khác trong bản bị dịch chết, riêng những con gà nhiều cựa vẫn sống khỏe mạnh. Không phải đàn gà nào khi nở ra cũng có cựa. “Thông thường chục con thì khoảng ba con không có cựa. Con gà nào có bộ lông màu trắng thường không có cựa, con gà có nhiều cựa thì lại nhiều màu sắc hơn, đẹp hơn”, trưởng bản Phúc cho biết.

Loại gà có đúng chín cựa đã không còn, tuy nhiên với người dân vùng đất Phú Thọ việc gà có nhiều cựa vẫn là “chuyện lớn”, khi mà nó đã gắn liền với truyền thuyết từ ngàn xưa, thuở vua Hùng kén rể.

Và các nhà khoa học cũng không đứng ngoài sự kiện đó...

“Gà chín cựa”: bao giờ danh chính ngôn thuận?

Ngay sau khi có thông tin, nhiều nhà khoa học đã về ngay vùng núi cao này để nhìn tận mắt. Sau khi xem xong, nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Khôi (chủ tịch Hội Chăn nuôi thú y tỉnh Phú Thọ), người được xem là “chuyên gia về gia cầm”, cũng phải thốt lên: “Đúng là mình chưa bao giờ thấy con gà như thế này!”.

Một hội thảo về “gà chín cựa” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Thọ liền được tổ chức. Có ý kiến cho rằng cựa gà chẳng qua là... ngón chân gà. Nhưng ý kiến khác: cựa là cựa, vì chức năng của chân gà là đi, đào, bới. Còn những cái cựa này nằm phía trên chân, không thực hiện các chức năng của chân... Một vấn đề khác: đây là sự biến đổi gen? Không, sự biến đổi chỉ diễn ra ở một vài cá thể chứ không thể biến đổi nhiều như thế... Và cái kết của hội thảo là chưa thể khẳng định đây là “gà chín cựa” mà hội thảo cứ tạm gọi là “gà nhiều cựa”.

“Chúng tôi dự định tiến hành ngay việc nghiên cứu loại gà này trong năm nay”, nhưng ý định ấy của nhà giáo Nguyễn Khắc Khôi lại không thể trở thành hiện thực vì... thiếu tiền. “Nếu không tiến hành nghiên cứu cụ thể và tỉ mỉ, sẽ khó xác định được nguồn gốc của gà, đặc điểm sinh lý, yếu tố di truyền... - nhà giáo Khôi nói - Chắc là phải đợi sang năm, khi có tiền chúng tôi sẽ phối hợp với Viện Chăn nuôi, ĐH Nông nghiệp 1, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm để tiến hành nghiên cứu”.

Cái tên chính thức của loại “gà chín cựa” này các nhà khoa học vẫn còn phải đi tìm. Nhưng có lẽ với người dân, chỉ riêng việc giống gà đặc biệt này đã có từ lâu đời cũng đủ để họ tin rằng giống “gà chín cựa” là có thật, chứ không còn là trong truyền thuyết của người xưa. Và chúng tôi cũng hi vọng đó là giống “gà chín cựa” từ ngàn xưa còn lưu giữ lại. Và nếu đúng vậy, ngày giỗ tổ Hùng Vương mỗi năm sẽ thêm phần long trọng khi có thêm một con vật từ truyền thuyết được dâng lên...

NGUYỄN PHAN - QUỐC HỘI

Share this post


Link to post
Share on other sites

Về Xuân Sơn mới hay gà chín cựa - Nguồn: http://nongdanviet.hnsv.com

TP- Có lẽ người ta vẫn nghĩ gà chín cựa, ngựa chín hồng mao chỉ có ở trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh chứ làm gì có thật. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ lại có giống gà ấy ở trên đời.

Thế mà một lần đến Xuân Sơn (Thanh Sơn, Phú Thọ) tôi đã được đồng bào người Dao đãi thịt gà chín cựa thực sự.

Chúng tôi đi xuyên vườn quốc gia Xuân Sơn dưới mầu xanh ngằn ngặt của bóng núi và mây trời. Bản Cỏi của người Dao nằm lọt thỏm trong vòng vây của rừng già, núi cao và vực sâu.

Mặc dù vừa đi nương về, nhưng đích thân Trưởng bản Đặng Vĩnh Phúc vào bếp nấu cơm thết khách. Bữa tối được dọn ra trong ánh sáng vàng đục của thủy điện gia đình.

Thịt gà ngọt lừ, ngọn đu đủ luộc nhân nhẩn đắng, rượu hoẵng (một loại rượu được ủ bằng men lá rừng theo công thức riêng của người Dao) êm nhưng bốc lửa.

Chủ nhà gắp một chiếc chân gà từ bát canh măng trịnh trọng bỏ vào bát của khách. Mắt tôi như hoa lên bởi chiếc chân gà lạ chưa từng thấy, có tới sáu cái cựa. “Gà quý thế mà bác lại thịt? Phí của quá!” - Tôi thắc mắc.

Ông Phúc nhón một miếng thịt gà đưa lên miệng nhai rồi chiêu một ngụm rượu và nói: “Quý gì, nhà tôi có cả chục con cơ, cần xem xét, nghiên cứu gì cứ ngủ lại đây, sáng ra tôi bắt cho mà xem”.

Vừa bảnh mắt ra, căn nhà đã đầy tiếng gà “quác quác”, táo tác. Chạy ra ngoài sân thì thấy trưởng bản đang quăng chài bắt gà. Mấy con gà to nhanh chân chạy mất, chỉ còn lại một con nhỏ bằng nắm tay.

Tuy bé thế nhưng con gà đã có sáu cựa nhỏ li ti chạy đến tận khuỷu chân. Ông Phúc bảo tôi: “Đây là giống gà truyền thống của dân bản. Điều đặc biệt là không chỉ có gà trống có cựa mà gà mái cũng có cựa”. Cựa của gà mái là những ngón chân nhỏ mọc tới khuỷu chân.

Trong cùng một lứa, cùng một mẹ đẻ ra vẫn có những con gà có nhiều cựa và có con không cựa. Gà nhiều cựa thân hình mảnh dẻ, bình thường hay chạy lên đồi nứa, nương rẫy đào giun, bắt dế, thỉnh thoảng mới nhận được nắm ngô, nắm gạo của chủ nuôi.

Chúng cứ đi ăn từ 4 giờ sáng đến tối thì tự động về chiếc chuồng quây bằng phên nứa, lợp lá cọ, chẳng phải bắt nhốt gì cả.

Được 5 - 6 tháng tuổi, gà trống nặng chừng 7 - 8 lạng, bắt đầu trổ mã, tập gáy. Gà mái nặng chừng 5 - 6 lạng thì đã đòi nhảy ổ và thịt được rồi.

Khả năng bay nhảy của gà nhiều cựa rất giỏi. Trong bờ bụi, chúng lủi nhanh như cuốc và bay lượn như gà rừng. Muốn bắt chúng vào ban ngày chỉ còn cách dùng chài quăng hoặc dùng nỏ mà bắn.

Gà nhiều cựa thường rất hiếu chiến, nhất là những con gà trống. Chú gà lạ nào lớ ngớ đi vào vùng nuôi thả của gà nhiều cựa là bị đánh cho tơi bời, lông, mào tã tượi và chỉ có cách chạy tháo thân.

Giống gà này ít chịu phối giống với các loại gà khác, đưa đi xa thì chẳng biết thế nào lại không sống nổi. Vừa rồi, ông Phúc có cho cô em dì bên Phù Yên (Sơn La) 4 con thì nay đã chết cả.

Gà nhiều cựa thường có ở những con lông màu đỏ; những con màu nâu, màu trắng thường ít có. “Giờ đàn gà của tôi chỉ còn con bảy cựa là nhiều, chú sang nhà ông Lâm xem sao. Ông ấy nuôi gà giỏi lắm” - Ông Phúc khuyên tôi.

Biết ý định của tôi, ông Lâm cứ thần mặt ra rồi chặc lưỡi tiếc: “Giá chú lên đây sớm một tuần có phải tốt không. Tôi vừa thịt con gà chín cựa nặng đến 1,7 kg đãi khách rồi. Giờ chỉ còn chú gà trống này là có tới bảy cựa thôi, tiếc thật”.

Nhà ông Lý Phúc Lâm có tiếng là nuôi lắm gà nhiều cựa ở bản Cỏi. Trước đây, thường xuyên trong chuồng gà nhà ông có từ 60 - 70 con, giờ thì chỉ còn có 30 con trong đó có 1 con gà trống, bốn con gà mái và bảy con gà con nhiều cựa.

Được cái sức chịu đựng do những biến động thời tiết khắc nghiệt vùng cao cũng như các loại bệnh tật của giống gà quý này rất tốt.

Mấy năm rồi, các loại gà khác trong bản bị dịch chết liên miên, tưởng tuyệt chủng cả giống gà nhiều cựa. Ông Lâm hoảng quá mới sơ tán lũ gà nhiều cựa của nhà mình lên trại trên núi Suối Báng cách bản vài cây số và thỉnh thoảng lại đáo lên đó để chăm sóc gà. Nhưng sự lo lắng của ông Lâm là thừa.

Trong khi những con gà thường mặc dù được tiêm thuốc phòng, phun khử trùng mà vẫn chết thì những con gà nhiều cựa của bản sau dịch vẫn sống sót, vẫn khỏe mạnh, mỗi sáng vẫn gáy te te lanh lảnh khắp bản.

Đến lúc ấy ông Lâm mới yên chí gánh gà của mình xuống núi. Giờ trong bản Cỏi có hàng chục nhà nuôi gà nhiều cựa như nhà ông Bàn Văn Hùng, Đặng Văn Quyết... với tổng số hàng trăm con.

Tiếng là bản Cỏi nuôi gà nhiều cựa nhưng cũng chẳng bao giờ gà nhiều cựa lại trở thành hàng hóa ở đây. Phần vì đường xa cách trở, toàn dốc với đèo nên đưa được bu gà ra đến chợ ngoài Xuân Đài thì đúng là một tiền gà, ba tiền công.

Phần vì vào các dịp lễ tết, hay mỗi khi khách hay những hôm tự dưng cảm thấy nhạt mồm, nhạt miệng là họ thịt gà để đưa cay mà chẳng cần để ý xem con gà ấy có nhiều cựa hay ít, quý hay không. Tấm chân tình của người Dao nhiều đời nay mộc mạc, ấm áp là thế.

Ông Từ Anh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ - tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và thích thú với thông tin về giống gà chín cựa mà chúng tôi đem kể.

Theo ông Sơn thì để bảo tồn giống gà quý hiếm ấy nên lồng ghép việc nuôi gà chín cựa vào các chương trình khuyến nông, mô hình trình diễn để kiểm tra năng suất, khả năng thích ứng, khả năng sinh sản, chất lượng thịt.

Nếu có thể mở rộng việc nuôi gà nhiều móng, rất có thể bên cạnh đặc sản lợn lửng, đất tổ còn có cả “gà Sơn Tinh”. Được thế còn gì quý hơn.

Mai Hiên

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nguồn: http://www2.thanhnien.com.vn/Khoahoc/2005/4/4/80791.tno

"Gà chín cựa" là có thật

21:40:20, 28/02/2005

Trong chuyện kể Sơn Tinh, Thủy Tinh, khi công chúa Mỵ Nương đến tuổi cầu hôn, vua Hùng ra điều kiện ai đem lễ vật gồm "voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao" đến trước, vua sẽ gả công chúa. Ba loại dị thú này trước đây chưa ai được thấy. Vậy mà một trong 3 loại dị thú ấy là "gà chín cựa" đã xuất hiện ở một xã vùng sâu của tỉnh Trà Vinh.

Người may mắn sở hữu được con gà chín cựa là ông Võ Văn Thùy, ngụ tại ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè. Ông Thùy, nay đã 60 tuổi, thủng thẳng nói: "Tôi là công an về hưu nên không nói dóc miếng nào, gà chín cựa là có thật, rồi nó đạp mái ấp nở ra một gà con chín cựa nữa". Ông Thùy nhớ lại, mấy năm trước khi cho gà ăn ông mới phát hiện con gà điều tơ mấy tháng tuổi có điểm khác biệt là 2 chân lú cựa tựa như hột bắp và chúng nổi cả giề trong khi gà mẹ lông vàng, gà bố là gà ô nòi từng ăn nhiều "độ" chân cẳng bình thường không có gì khác thường. Thấy lạ ông mới nuôi giữ, canh chừng riết; tới khi gà biết gáy, nặng trên 1,5 kg, cựa lú dài lên thành hàng cả thảy 9 cái ông mới tin là gà chín cựa có thật trên đời. "Tôi đếm chân trái 4 cựa, chân phải 5 cựa mới nói cho gia đình hay. Bà vợ tôi sợ quá trời, bả nói hồi xưa tới giờ nuôi nhằm heo 5 móng, chó 6 ngón ai cũng sợ bởi chúng mang đến điềm xui. Tôi mới cãi, kể lại tích xưa rồi trấn an bảo bà đây là gà từng dâng vua đó, may mắn lắm mới có".

Thấy con gà lạ quá, ông Thùy sợ bị trộm lấy mất nên giấu biệt không cho hàng xóm hay. Ông để ý thấy gà chín cựa bay nhảy, đạp mái, bươi đất cũng bình thường. Mà cũng lạ một điều là gà chín cựa đạp nhiều mái nhưng hầu như trứng nào cũng chỉ nở ra gà thường. Duy chỉ có một con mái tơ nhà ông Bảy Thùy là ấp nở được một con gà chân cũng có chín cựa. Ông Bảy Thùy cũng ít cho gà “xổ” bởi sợ gà đá bị gãy cựa. Chúng tôi đề nghị được xem con gà này và chụp ảnh thì ông Thùy buồn so: "Chú nhắc lại làm tôi thêm buồn, nó bị bệnh vừa chết trong đợt dịch này. Khi phát hiện nó bệnh tôi chăm sóc kỹ lắm, bệnh rề rề gần nửa tháng trời mà không qua. Lúc chết mặt nó còn đỏ au, không tái mét". Anh Tú - cán bộ thú y xã nhớ lại lúc đó ông Bảy cứ lui tới gặp anh hoài để hỏi thuốc trị bệnh cho gà chín cựa. Ông Thùy nói lúc đó ông tiếc quá, tính làm gà tiêu bản nhưng không biết kỹ thuật nên cuối cùng chỉ còn giữ lại cặp chân gà. Chúng tôi đếm chân trái có 4 cựa, chân phải 5 cựa. Mỗi cựa dài khác nhau, mọc nối theo hàng, từ trên xuống dưới cựa càng ngắn dần, có cựa dài 5,5 phân, có cựa 2-3 phân, có cựa 4-6 ly, có cựa móc lại như lưỡi câu, có cựa mới lú cỡ hột bắp.

Vẫn không nản chí, chúng tôi quyết đi tìm tông tích chú gà con chín cựa nêu trên. Anh Quang Thông - phóng viên Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ - người có may mắn quay lại hình ảnh gà bố chín cựa lúc còn sống kể: "Tướng gà bố đẹp nhưng có lẽ do chân 9 cựa khiến nặng nề nên đá đòn hơi chậm. Con bố đẹp mã nhưng gà chín cựa con còn đẹp hơn". Con gà con này ông Bảy Thùy đã cho lại sui gia là ông Út Tường tức Huỳnh Văn Tường, ở ấp Rạch Nghê, xã Thông Hòa, Cầu Kè. Theo lời chỉ của ông Bảy Thùy, chúng tôi đến nhà ông Út Tường. Qua đò sang bên kia sông gặp Út Tường chúng tôi thở dài khi ông Tường buồn hiu đưa chai rượu: "Tiếc đứt ruột chú ơi, nó bị dịch cúm chết rồi. Tôi không biết làm gì hơn là lấy chân gà ngâm rượu cho con cháu có cái để xem sau này". Chân gà này cũng có 5 cựa, nhưng ngược cái là chân phải 4 cựa, chân trái 5 cựa, gà còn tơ nên cựa chưa mọc dài.

Rất tiếc khi cả hai con gà chín cựa đều đã chết, hai cặp chân gà đang lưu giữ chưa được giám định nhưng những thông tin có được về nó cho thấy đây đúng là một loại gà dị biệt.

Cửu Long

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay