wildlavender

NHÀ MÌNH CÓ SẴN ! ĐỪNG TÌM KIẾM !

3 bài viết trong chủ đề này

"Nhà mình có sẵn, đừng tìm kiếm"22/04/2008 08:27 (GMT + 7)Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông có nói đến khái niệm “nhà mình có sẵn đừng tìm kiếm”. Nhìn những chuyện đang diễn ra trước mắt, chợt giật mình tìm xem cái mình đang có sẵn? Ngó qua ngó lại mới hay cả xã hội đang bỏ quên rất nhiều cái có sẵn quý giá nhất của mình. Phải chăng nền giáo dục đã bỏ quên cái đẹp, tính thiện, lòng nhân, lòng trắc ẩn?

Posted Image

Anh đào hồng khoe sắc... (ảnh: VNN)

Từ chuyện lễ hội hoa anh đào Nhật Bản ở Việt Nam...

Người Nhật có lễ hội hoa anh đào truyền thống, thể hiện cả một triết lý thưởng hoa, hiểu hoa và tôn kính hoa. Có thể nói lễ hội hoa anh đào của Nhật đã làm cho cả thế giới tốn không ít giấy mực để bàn luận về nó. Bởi người Nhật yêu hoa, hành xử với hoa và nâng những giá trị đó trở thành “Đạo”.

Người Nhật ý thức việc nâng cao nhận thức thẩm mỹ cho dân chúng nước mình từ những hành vi văn hóa tưởng chừng như đơn giản nhất qua cách yêu cái đẹp, chăm sóc cái đẹp và biến cái chưa đẹp trở nên đẹp. Đó là cái gia tài văn hóa vô giá mà người Nhật hãnh diện và muốn chia sẻ niềm vui đó với bạn bè thế giới.

Trong sự hãnh diện và muốn chia sẻ ấy, người Nhật nhiệt tình đem cái đẹp tinh tế và triết lý thưởng hoa đến với người Việt. Chắc hẳn trong lúc “gieo duyên” ấy, người Nhật cũng phải tìm thấy nét đẹp nào đó trong nền văn hóa chúng ta.

Và phải nói, dẫu chưa yêu hoa đến mức thành “Đạo” như người Nhật thì trong văn hóa người Việt, yêu hoa cũng là những nét văn hóa phổ biến. Tuy nhiên, người Việt chưa thể nâng tầm mức yêu hoa, yêu một loài hoa đặc thù trở thành triết lý và cụ thể hóa nó thành lễ hội.

... Đến cách ứng xử của một số người Việt ở HN trong lễ hội hoa anh đào

Posted ImageAnh đào trắng kiêu hãnh (Ảnh: VNN)Với hơn hai trăm cây anh đào đầy hoa được chiết cành và chuyển từ Nhật sang, người Việt đã lần đầu tiên được thưởng hoa anh đào trên mảnh đất của mình. Cái tình đó của người Nhật thật đáng trân trọng.

Đáng tiếc, người Nhật hữu tình còn chúng ta thì vô ý. Sự vô ý thể hiện qua cách ứng xử văn hóa rất thấp, bởi chưa đầy hai tiếng đồng hồ sau nghi thức thưởng hoa, nhiều người Việt trẻ (thế hệ kế tục sự nghiệp của người đi trước) nhào vô “bức tử” hoa anh đào một cách thản nhiên như đi vào khoảng trống.

Quả đúng như vậy, vì đó là một khoảng trống văn hóa quá lớn mà mấy thập kỷ nay, nền giáo dục của chúng ta vẫn chưa thể lấp đầy.

Dù biết cái đẹp chỉ nhất thời và nhanh chóng úa tàn, nhưng người Nhật còn tìm thấy cả nét đẹp tiềm ẩn trong sự úa tàn ấy, nên họ rất thích ngồi dưới những cội hoa anh đào không chỉ ngắm những bông hoa đang khoe sắc mà còn thưởng thức những cánh đào rơi rụng một cách tự nhiên. Có cả một triết lý sinh tử trong thưởng hoa chứ không phải chuyện “giỡn chơi” thương mại đình đám đâu.

Những người Việt trẻ ngày hôm ấy không những biết quá ít nguyên tắc ứng xử tối thiểu mà còn biết quá ít về văn hóa của người khác. Một sự khập khiễng trong văn hóa qua đó đã được chẩn mạch và cần phải tiến hành bốc thuốc ngay để chữa trị.

Vì nó đã trở thành kinh niên trong ứng xử văn hóa từ phong thái đi đứng, chào hỏi, nói năng, ăn uống, học hành, lễ tiết của đa số người Việt trẻ suốt nhiều năm nay, khi những từ “kinh tế thị trường”, “toàn cầu hóa” với toàn những mặt trái đầy thủ đắc, thực dụng đang xâm chiếm họ.

Có thể nói những từ “xấu hổ”, “vô cùng xấu hổ” được nhắc tới nhiều nhất trong mấy ngày qua. Người Việt trẻ nào sẽ thay lời xin lỗi, như một nguyên tắc cần thiết trong ứng xử: xin lỗi là biết cái lỗi trước và chừa cái lỗi sau không tái phạm?

Posted Image"Nhánh hoa này do một bạn gái trẻ hái được và cho mình khi mình xin được chụp lại

hình (cây xơ xác hết rồi mà). Mình đã cảm ơn nhưng trong lòng còn do dự lắm.

Nếu như những người như bạn ý không hái thì hoa vẫn còn cho người đến xem."

- Trích blog Tamianh

Nhắc đến chuyện bình chọn hoa của người Việt

Hơn một năm trước, trên báo Tuổi Trẻ có đăng bài viết về việc làm sao người Việt có một loài hoa để tôn kính và xem đó là quốc hoa. Một sự thăm dò ý kiến cũng đã được báo Tuổi Trẻ đưa ra. Cho đến ngày chấm dứt cuộc thăm dò ý kiến, hoa sen vẫn dẫn đầu với đa số bình chọn (theo sơ đồ hiển thị trên tuoitreonline), bên cạnh hoa mai, hoa đào và tre (tre xếp vào với hoa là khiên cưỡng).

Đúng như tác giả bài báo giải thích, chúng ta đã lấy hoa sen làm biểu tượng trên máy bay của hãng hàng không Việt Nam. Nếu chúng ta không kịp thời lấy hoa sen làm quốc hoa thì sẽ có nước lấy mất, vì hoa sen vẫn chưa có nước nào chú ý tới. Tuy nhiên, sự việc trên cũng dần dần chìm vào góc khuất thông tin và chẳng đánh động được gì đến những người quản lý văn hóa tại Việt Nam.

Hoa sen có những đặc tính có thể nâng lên tầm triết lý, nếu người Việt quan tâm, bởi chúng ta có thể bắt gặp nó trong nhiều kiến trúc, điêu khắc, thẩm mỹ, văn chương của dân tộc. Và bởi nó hàng ngày vẫn nở khắp trên các làng quê Việt Nam tượng trưng cho một vẻ đẹp thanh khiết và cao quý.

Nhưng muốn có một triết lý về hoa thì phải có nhiều tầng lớp yêu hoa, chăm sóc hoa như yêu và chăm sóc chính bản thân mình, bằng không tất cả chỉ là những mơ ước hão huyền, mò trăng đáy nước.

Bỏ quên và đang chờ phát hiện

Trước khi đến thăm Việt Nam, Thủ tướng Nhật có gửi một thông điệp đến chính phủ Việt Nam, nhấn mạnh đến những yếu tố tương đồng văn hóa và cùng có một nền triết lý của đạo Phật Đại thừa. Sự giao lưu văn hóa chính là để khẳng định thêm và gắn bó hơn những nét tương đồng ấy.

Ngôn ngữ ngoại giao dù có khách sáo thì cũng gợi ra những suy nghĩ, liên hệ, song những gì thực tế diễn ra trên đất nước Nhật và những gì thực tế đang diễn ra trên đất nước chúng ta, có thể nói “sự tương đồng” là một khái niệm lạc quan tếu.

Không nói đến những quốc nạn tham nhũng đang hoành hành, tệ nạn xã hội gia tăng một cách đáng sợ, mà chỉ nhìn người dân đi đứng, nói năng, ứng xử là sẽ thấy trình độ văn hóa của một dân tộc.

Tranh nhau giành đường để đi, đụng chạm đến nhau là cãi lộn, đánh đấm. Hàng xóm láng giềng thì mạnh ai nấy sống. Chỉ vì cái xe để vô tình trước cửa nhà mình, chỉ vì vài giọt nước tưới cây nhà bên hắt sang, chỉ vì chó mèo phóng uế ra ngõ, chỉ vì trẻ con nô đùa hơi lớn tiếng, chỉ vì vài cọng rác... là hàng xóm có thể từ mặt nhau, thù ghét nhau.

Không có đủ nhà vệ sinh công cộng đã đành, ngay cả khi có nhà vệ sinh công cộng thì nhiều người vẫn thản nhiên tiểu tiện bất cứ ở đâu trên đường đi. Người ngồi trên xe tùy ý khạc nhổ, vứt rác xuống đường. Hội hè đình đám ở bất cứ đâu, xong việc là để lại sau mình một bãi rác khổng lồ.

Các công ty thay nhau quảng cáo sản phẩm còn phần rác thì để đường phố gánh chịu. Có vô số những chuyện “đau mắt” như vậy xảy ra khắp trong ngõ xóm, đường phố. Chúng ta chỉ còn biết ngồi chờ để phát hiện những hình ảnh đẹp mắt hơn, người hơn.

Trong bài phú Cư trần lạc đạo, Trần Nhân Tông có nói đến khái niệm “nhà mình có sẵn đừng tìm kiếm”, nhằm chỉ Phật tính, cái vốn tâm linh thường được thể hiện qua thái độ văn hóa của chúng ta. Nhìn những chuyện đang diễn ra trước mắt, chợt giật mình tìm xem cái mình đang có sẵn?

Ngó qua ngó lại mới hay cả xã hội đang bỏ quên rất nhiều cái có sẵn quý giá nhất của mình. Phải chăng nền giáo dục đã bỏ quên cái đẹp, tính thiện, lòng nhân, lòng trắc ẩn?

Đặt một câu hỏi lớn như vậy sẽ có người cho rằng quá bi quan, nhưng cứ nhìn hình ảnh những người trẻ được ăn học đàng hoàng nhảy vào “bức tử” hoa anh đào mới thấy hết sự bẽ bàng của một nền văn hóa ứng xử.

Gia tài văn hóa Việt Nam có không ít những bài học cao đẹp về cách làm người, nhưng với những gì mà thực tại xã hội đang diễn ra, nhớ đến chuyện Đức Phật thí dụ về những người có viên ngọc quý trong túi áo nhưng vẫn phải đi ăn mày, mà cảm thấy không có gì đáng buồn hơn.

Hành vi ấy là kết quả của một lối suy nghĩ, dù chỉ qua một hiện tượng nhỏ của một nhóm người trong lễ hội hoa anh đào Nhật Bản tại Hà Nội vừa rồi, hay cảnh người trẻ tranh nhau bức phá những chiếc nón lá trong tác phẩm nghệ thuật sắp đặt trên con đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc sông Hương thơ mộng tại Festival Huế 2006... chính là lời cảnh báo về lối ứng xử văn hóa được giáo dục có rất nhiều vấn đề cần phải sớm xem xét lại.

  • Thường Trung (Theo Văn Hóa Phật Giáo số 52)
Tuần Vietnamnet.

Share this post


Link to post
Share on other sites
Phoenix nghiên cứu về Văn hóa doanh nghiệp. Đọc bài này buồn quá chị wildlavender ơi!

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nguồn: http://www.vietimes.com.vn

Vặt hoa anh đào và những chuyện nhiều nước mắt Thứ năm, 10/4/2008, 07:00 GMT+7 Tôi đã có mặt trong đám đông nhốn nháo, xô đẩy, đè lên nhau để hái những cành hoa anh đào hôm ấy. Tôi đã dúm dó khi nhìn những ánh mắt vui sướng, những cú nhẩy cẫng hân hoan của đồng bào mình, từ học sinh, sinh viên đến giảng viên đại học khi họ cầm trên tay những cành anh đào héo hắt.

Posted Image

Anh đào trong Lễ hội - Ảnh: VNN

Trong khi người ta đang tung hô cho những chiến dịch bầu chọn thắng cảnh Việt Nam lọt vào những kỳ quan thế giới, thì chính những kỳ quan đó đang trở nên nham nhở vì sự vô ý thức của chính chủ nhân của chúng. Nếu có một dịp nào đó đi thăm những hang động của Hạ Long, đến Phong Nha - Kẻ Bàng hay trở về cội nguồn Đền Hùng, bạn sẽ thấy ken đặc trên bề mặt những hang động, đền chùa các dòng chữ vẽ nguệch ngoạc. Nào là lớp 8A1, 9C2, khoa Lý ĐHSP X, Khoa Kinh tế ĐHKH Y, H yêu L, T mãi mãi nhớ A…

Một lần, khi đến thăm Bảo tàng dân tộc Việt Nam trên đường Nguyễn Văn Huyên, tôi thấy trên mặt chiếc trống cổ được tìm thấy ở Hưng Yên cũng chi chít những dòng chữ ghi lại bằng bút tẩy trắng. Một du khách người Pháp đã hỏi đi hỏi lại tôi, bà không hiểu những chữ viết đó có phải dấu tích của người Việt cổ để lại không? Tôi đã chết đứng vì không dám trả lời bà, đó chẳng phải là một dấu tích lịch sử, mà chỉ là cách ghi lại “dấu ấn” của một số những bạn trẻ đang được coi là tương lai của đất nước Việt Nam. Đến những khu di tích, lễ hội khác, hành động nhổ nước bọt, phỉ kẹo cao su, ngồi lên bia tiến sĩ, leo lên tượng rùa, voi, hái lá, bẻ cành, hái hoa làm kỷ niệm của các “nam thanh nữ tú” đã không phải là chuyện hiếm.

Tôi không biết nên gọi tên những hành động kiểu này của giới trẻ là gì, một bản năng hồn nhiên, một sự a dua theo đám đông, một cách chơi trội để khẳng định, hay là một sự xuống cấp về ý thức và văn hóa đã đến mức báo động? Nhưng tôi dám chắc rằng, nếu cỗ máy thời gian quay ngược lại mười đến hai mươi năm trước, cái chết của một con cá, con mèo, thậm chí cả một con dế mèn cũng khiến chúng phải khóc ròng. Lúc ấy, chúng còn là những đứa trẻ, mà trong thế giới của trẻ con, thiên nhiên, con vật chính là thế giới thiêng liêng, diệu kỳ, chứa đựng bao bí ẩn để khám phá, chứa đựng bao yêu thương để nâng niu, sẻ chia. Thời gian cứ trôi dần qua, không hiểu có một điều nào đó đã tàn phá tâm hồn một đứa trẻ biết nhỏ lệ trước nỗi đau của một cái cây trở thành một người lớn lạnh lùng, vô cảm, sẵn sàng bẻ gãy từng cành hoa bằng sức mạnh của cơ bắp?

Thời thơ ấu, khi đọc cuốn truyện Totochan - cô bé bên cửa sổ, tôi đã nhớ mãi những dòng tự sự của tác giả về ngài hiệu trưởng Kobayasi - người đã dạy cho con gái mình tình yêu thiên nhiên bằng cách dẫn cô đến một cây cổ thụ, chỉ cho cô biết các cành lá đung đưa trong gió như thế nào. Ông cũng nói cho cô biết mối quan hệ giữa lá, cành và thân cây; lá cây đung đưa khác nhau là tuỳ theo tốc độ của gió.

Họ đứng im quan sát những hiện tượng như vậy, và khi không có gió họ cứ đứng ngửa mặt lên trời, kiên trì đợi chờ một làn gió thoảng đến. Không những họ chỉ đứng để quan sát gió mà còn quan sát cả những dòng sông. Hai cha con họ đã thường ra bên bờ con sông Ta-ma gần đó để ngắm nhìn nước chảy và họ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi làm những chuyện đó.

Sau này, tôi đã gặp lại những bài học rất đỗi dung dị, giản đơn mà tràn đầy ý nghĩa đó trong những cuốn sách, bộ phim, tài liệu về giáo dục thiên nhiên của trẻ em phương Tây. Ngay từ mẫu giáo, nhà trường đã thường xuyên tổ chức những chuyến đi picnic, dã ngoại đến tham quan những công viên quốc gia, rừng nhiệt đới, những buổi cắm trại ngoài trời để học về thiên nhiên. Lên đến cấp một, cấp hai, chúng đã tự tổ chức những chuyến tham quan đến các danh lam thắng cảnh, kỳ quan thiên nhiên của hàng trăm quốc gia, với sự khuyến khích ủng hộ nhiệt tình, thậm chí “thả cửa” của chính phụ huynh và nhà trường.

Trong những chuyến đi này, lũ trẻ phải thu thập những mẫu cây, ngọn cỏ về làm thí nghiệm, tự quan sát, chụp ảnh, tìm hiểu các vấn đề của tự nhiên theo những chủ đề mà chúng yêu thích. Ý thức giữ gìn tự nhiên qua các hành động cấm vứt rác, không dẫm lên cỏ, không vặt hoa, bẻ cành không chỉ được giáo dục sinh động, cụ thể trong nhà trường mà còn được triển khai thành những chiến dịch lớn của đất nước được cả cộng đồng tôn trọng.

Trong lúc đó, bao quanh những trường học ở các đô thị lớn Việt Nam là một khung cảnh nhộn nhạo của những hàng game, quán nước, cửa hàng quần áo, phố xá ồn ã còi xe, dày đặc khói bụi đến khó thở. Phía sau những bức tường bao quanh trường học thành một pháo đài kiên cố là một khuôn viên chật hẹp được chia năm xẻ bảy thành những sân chơi xập xệ, thiếu thốn trầm trọng cây xanh và một không gian cho những đứa trẻ hít thở.

Những giờ “Tìm hiểu tự nhiên” được “phân biệt, đối xử” như một môn phụ ít cả về thời lượng lẫn chuyên môn giảng dạy. Các chuyến tham quan dã ngoại ngày càng ít đi thay vào đó là những giờ học nặng nề của toán, văn, ngoại ngữ lên ngôi như một thứ giá trị thời thượng của xã hội..

Tình yêu thương con người, lòng nhân ái bao dung, cách đối xử tôn trọng giữa con người với con người, giữa con người và tự nhiên không thể nhồi nhét bằng những mớ kiến thức hàn lâm, nặng nề, khô cứng. Đáng tiếc, đó lại là một sự thật đang diễn ra hàng ngày trong những giờ giáo dục công dân của các trường học hiện nay.

Một nhà xã hội học nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh đã từng phân tích: “Người ta chỉ, và chỉ có thể dạy bằng chính con người (nhân cách) của mình”. Một môi trường không cần nhiều lời nói nhưng tác động mạnh mẽ đến cá nhân. Gương của người lớn không chửi thề, không gây gổ, không dối trá, không vô ý thức với tự nhiên… sẽ làm cho các em tuân thủ một cách dễ dàng mà không cần kêu gọi, nhắc nhở.

Thế những, với cách cách người lớn đang hành xử trong các trường học, từ chuyện thầy cô đánh học sinh, nhận tiền cho điểm đến các cách luồn lách, chạy chọt, chà đạp lên nhân phẩm để đạt quyền chức, tiền bạc đầy rẫy ngoài xã hội đã và đang ảnh hưởng một phần không nhỏ đến sự phát triển nhân cách và tâm hồn của những người trẻ.

Và hành động xông vào bẻ cây, hái hoa, lấy trộm đèn lồng trong lễ hội hoa anh đào vừa qua không chỉ là một thói quen bột phát mang tính “bầy đàn” tự nhiên của loài người. Đó chỉ là hệ quả khởi đầu của quy luật “gieo gió gặt bão” khi mà văn hóa, sự tôn trọng, yêu thương, bao dung giữa con người với con người, con người với tự nhiên bị chà đạp, dìm xuồng trước những lợi ích tiền bạc trước mắt.

Người dân Philippines đang thay đổi ý thức, cách ứng xử và hành động của mỗi thành viên trong xã hội bằng “Mười hai điều bé nhỏ bạn làm cho Tổ quốc”, từ cấm xả rác bừa bãi , nói “không” với hàng lậu, đóng thuế đầy đủ, tuân thủ pháp luật, tuân thủ giao thông, tôn trọng cảnh sát giao thông, công an, nhân viên hành chính…đến việc đóng góp cho một quỹ từ thiện hoặc nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi. Đất nước nhỏ bé đó sẽ lớn lên bằng những điều giản dị như vậy.

Còn Việt Nam? Giá như các cấp chính quyền, Đoàn Thanh niên đến các cơ quan truyền thông cùng phối hợp thực hiện một cuộc vận động lối sống đẹp hiệu quả như cuộc vận động cho Vịnh Hạ Long thành kỳ quan thiên nhiên thế giới thì hàng triệu cú click bầu chọn sẽ thành hàng triệu những hành động “cải tạo” hình ảnh về một đất nước và con người Việt Nam ấn tượng trong lòng nhân loại.

Đó mới là thứ kim cương không nhạt màu cùng thời gian!

Sơn Khê (Vietimes)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay