Thiên Sứ

Cùng Gs Nguyễn Quang Riệu "lang Thang Trên Dải Ngân Hà"

1 bài viết trong chủ đề này

Cùng GS Nguyễn Quang Riệu "lang thang trên dải Ngân Hà"

22/11/2010 13:25:01

Posted Image- "Những đối tượng thiên văn rất xa xôi và vũ trụ rộng vô biên làm cho các nhà thiên văn ý thức được sự nhỏ bé của con người" - Nhà thiên văn, GS Nguyễn Quang Riệu chia sẻ với độc giả Bee.net.vn trong cuộc giao lưu trực tuyến chiều 22/11.

GS Nguyễn Quang Riệu sinh ngày 15/6/1932 tại Hải Phòng. quê làng Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Tây cũ)

Hiện GS.TS Nguyễn Quang Riệu là Giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp (nơi đã từng có gần 20 nhà khoa học được nhận giải Nobel và huy chương Fields).

Từ năm 1976, GS Nguyễn Quang Riệu thường dành thời gian về Việt Nam, tham gia phát triển và phổ biến ngành thiên văn vật lý và ngành vật lý môi trường.

Ông viết những cuốn sách về thiên văn bằng tiếng Việt: Vũ trụ phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại, 1995; Lang thang trên dải Ngân Hà, 1997; Sông Ngân khi tỏ khi mờ - Les Reflets du Fleuve d’Argent (song ngữ Việt Pháp), 1998; Bầu trời tuổi thơ, 2002; Những con đường đến với các vì sao, 2003 (cùng một số tác giả) “muốn gợi lên sự quyến rũ của vũ trụ và kể lại những hoạt động nghề nghiệp của một nhà khoa học”.

Và như ông tự nhận chỉ viết bằng tiếng Việt, giảng bài bằng tiếng Việt “mới diễn tả được những tình cảm sâu sắc”, “được tham gia vào công việc duy trì tiếng Việt trong khoa học”.

Nhà thiên văn ý thức được sự nhỏ bé của con người

Nguyễn Khắc Việt - Nam 34 tuổi - TP.HCM:

Với công việc của một nhà thiên văn tại đài quan sát, đôi khi hàng ngày hàng giờ đều chăm chú theo dõi các vật thể trên bầu trời trong một thời gian dài, xin GS cho biết ngoài đam mê thì những động lực nào giúp các nhà thiên văn học luôn sẵn sàng cho những công việc khó khăn trên?

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Ngoài niềm đam mê, các nhà nghiên cứu khoa học cần phải có đức tính kiên nhẫn trước rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, phải có một hành trang khoa học tương đối đa dạng để khắc phục những tình huống ngoài dự đoán.

Quỳnh Linh - Nam 20 tuổi:

50 năm nghiên cứu thiên văn học, kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất?’

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Trong quá trình hoạt động khoa học của tôi, có nhiều thăng trầm. Mỗi khi phát hiện được một hiện tượng thiên văn là một dịp làm cho tôi phấn khởi và ghi lại trong trí óc những kỉ niệm khó quên.

Posted Image

GS Nguyễn Quang Riệu (thứ hai, từ phải) tham gia cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả Bee.net.vn chiều 22/11

Như Lý - Nữ - Hà Nội:

Thưa GS, nhà khoa học vũ trụ khác gì nhà khoa học nghiên cứu các ngành khác?

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Các nhà khoa học vũ trụ không khác gì với các nhà khoa học các ngành khác. Theo tôi, những đối tượng thiên văn rất xa xôi và vũ trụ rộng vô biên làm cho các nhà thiên văn ý thức được sự nhỏ bé của con người. Từ đó, làm nảy ra đức tính khiêm tốn.

Hồ Hải Huyền - Nữ 22 tuổi - TP.HCM:

Xin GS giải thích hiện tượng "siêu ánh sáng", một hiện tượng đi ngược lại với tiên đề của Einstein về vận tốc ánh sáng, và liệu tới nay và triển vọng trong tương lai, có thể có bằng chứng trực tiếp cho sự tồn tại của "sóng hấp dẫn" hay không?

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Không có một vật thể nào có trọng lượng mà có thể chuyển động nhanh hơn ánh sáng. Tuy nhiên, trong vũ trụ, các nhà thiên văn quan sát thấy: một số thiên hà phun ra những tia vật chất với tốc độ đo được lớn hơn tốc độ ánh sáng. Đây chỉ là một hiện tượng ảo. Thực ra những tia vật chất phun ra với vận tốc xấp xỉ tốc độ ánh sáng. Nhưng tốc độ đo được thực ra là thành phần tốc độ chiếu lên nền trời mà người ta có thể chứng minh là tốc độ thực sự của những tia vật chất tuy là chuyển động rất nhanh nhưng không vượt qua tốc độ ánh sáng.

Posted Image

GS Nguyễn Quang Riệu.

Sóng hấp dẫn đã được tiên đoán là có dựa trên thuyết của Einstein. Các nhà vật lý đã làm ra những thiết bị để phát hiện sóng hấp dẫn. Nhưng cho tới nay chưa có kết quả. Bởi sóng hấp dẫn tương tác rất yếu với vật chất. Các nhà thiên văn vô tuyến phát hiện được sóng hấp dẫn phát ra bởi những cặp sao Neutron khi chúng quay xung quanh nhau.

Đỗ Đặng Tứ - Nam 31 tuổi - Tuyên Quang:

Mới đây các nhà thiên văn phát hiện hai bong bóng khổng lồ ngay giữa Ngân Hà? Phải chăng đây là hiện tuợng phun trào của hố đen, thưa GS?

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Hai bong bóng khổng lồ xuất phát từ trung tâm Ngân Hà được phát hiện trên bước sóng có năng lượng cao chứ không phải trong vùng khả kiến. Những kết quả quan sát đầu tiên cho thấy, có khả năng đây là những hoạt động của lỗ đen trong trung tâm Ngân Hà làm các khối khí ma sát vào nhau để phát ra những bức xạ đó.

Nguyễn Bảo Hân - Nữ 19 tuổi - TP.HCM:

Cháu được biết GS cũng như các nhà thiên văn vô tuyến sử dụng kĩ thuật vô tuyến thăm dò từng lớp khí quyển của Mặt trời. Từ bề mặt của Mặt trời tới những lớp ở độ cao trong tầng khí quyển (vành nhật hoa) thì nhiệt độ tăng từ 6000K tới hàng triệu K, xin GS cho biết nguyên nhân của hiện tượng này?

Posted Image

"Bong bóng khổng lồ có thể do những hoạt động của lỗ đen trong trung tâm Ngân Hà"

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Bề mặt mặt trời có nhiệt độ khoảng 6000 K. Nhưng vành nhiệt hoa có nhiệt độ hàng triệu K do những hệ sóng trong khí quyển mặt trời tăng tốc những hạt như Electron lên tốc độ cao.

Ngô Kiến Hào - Nam 30 tuổi - TP.HCM:

So với khí quyển trên Trái đất thì môi trường giữa các sao lạnh và loãng hơn rất nhiều nên không thuận lợi cho quá trình tổng hợp các phân tử, vậy nguyên nhân chính nào mà các nhà khoa học lại vẫn phát hiện các phân tử hữu cơ trong môi trường này (có phải là tia tử ngoại và các tia năng lượng cao, bức xạ phát ra từ các ngôi sao làm nhiệm vụ này hay không thưa GS?). Nếu thế, xác suất các tia bức xạ này có thể phân hủy các phân tử vừa tạo thành có lớn hay không ạ?

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Môi trường giữa các sao đúng là lạnh và loãng, dường như không thích hợp với sự tổng hợp phân tử. Tuy nhiên, các phân tử có khả năng hình thành trên những hạt bụi cùng với ảnh hưởng của những tia tử ngoại. Đây là một ngành hóa học thiên văn đang được phát triển.

Đỗ Đặng Tứ - Nam 31 tuổi - Tuyên Quang:

Xin GS cho biết quan điểm của ông về khả năng tồn tại một nền văn minh khác trong dải Ngân Hà?Có nhiều nhà thiên văn nói rằng, khi tìm kiếm sự sống ngoài trái đất, loài người nên chú ý tới những hành tinh có màu xanh dương? Giáo sư có thể giải thích điều này không?

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Quá trình tiến hóa của nền văn minh là một quá trình lâu dài và rất phức tạp. Do đó, không xác định được số nền văn minh trong dải Ngân Hà, tuy có vô số những hành tinh trong đó.

Nếu các sự sống ngoài trái đất cũng tương tự như những sự sống trên trái đất thì có khả năng tồn tại trên những hành tinh có vỏ rắn, có khí quyển và nước. Trái đất của chúng ta được gọi là hành tinh màu xanh bởi vì biển trên trái đất cũng có màu xanh và chiếm một diện tích lớn.

Nguyễn Ánh Tuyết - Nữ 36 tuổi - TP.HCM:

Xin GS nói một chút về nguyên tắc dùng phương thức giao thoa để ánh sáng sao trong việc tìm kiếm các hành tinh bên ngoài hệ Mặt trời.

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Nguyên tắc giao thoa là môn quang học sử dụng nhiều chiếc kính hoạt tương tác với nhau và tạo ra những vân giao thoa tối và sáng. Chúng ta chỉ cần chỉnh hệ giao thoa để một vân tối hướng về phía ngôi sao và che ánh sáng của ngôi sao và hướng một vân sáng vào hướng của hành tinh để ánh sáng của hành tinh thoát ra ngoài. Như vậy, ánh sáng yếu ớt của hành tinh không bị lóa bởi ánh sáng của ngôi sao. Do đó, hành tinh được phát hiện dễ dàng.

Tinh thần nghiên cứu khoa học là phải phục thiện

Posted Image

"Tôi có sai!"

Hồng Ninh - Nữ - 26 tuổi - Hà Nội:

Có bao giờ GS Nguyễn Quang Riệu "sai" không ạ?

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Có chứ. Người xưa vẫn nói "Nhân vô thập toàn". Trong những kết quả tôi đã công bố, đôi khi, vẫn có nhiều thiếu sót mà sau đó tôi phải bổ sung cho công trình hoàn thiện. Tinh thần nghiên cứu khoa học là phải phục thiện.

Hoàng Hải - Nam - Vũng Tàu:

Chào GS ạ. Cháu rất thắc mắc về tên của GS: "Riệu" chứ không phải "Diệu". GS có thể giải thích tại sao GS lại có một cái tên lạ như thế được không ạ?

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Cố GS, học giả Hoàng Xuân Hãn cũng đã từng thắc mắc và đã viết trong lời bạt của cuốn sách "Vũ trụ- phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại" của tôi về sự độc đáo của cái tên Riệu. Chính ra, tên khai sinh của tôi phải viết là "Diệu". Nhưng người nhân viên hành chính TP Hải Phòng hồi đó đã dùng chữ R để viết giấy khai sinh cho tôi. Có lẽ, người nhân viên đó đã không phân biệt hai chữ R và D.

Tuy nhiên, tôi rất cảm ơn người nhân viên viết nhầm tên tôi thuở nào. Bởi vì, ở nước Pháp, chữ "Dieu" có nghĩa là ông trời. Thật là hú vía!

Lê Quang Tiến - Nam 19 tuổi - Huế:

Là một nhà khoa học, đặc biệt là ở lĩnh vực Thiên văn học, giáo sư có tin vào Chúa Trời không?

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Gia đình tôi có truyền thống Phật giáo. Nhưng cách tiếp cận các hiện tượng trong khoa học không nhất thiết mâu thuẫn với niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, tôi nghĩ, không nên lẫn lộn hai lĩnh vực tôn giáo và khoa học.

Huy - Nam 53 tuổi - Hà Nội:

- Giáo sư có nói, viết bằng tiếng Việt, giảng bài bằng tiếng Việt mới thể hiện được tình cảm. Trên thực tế, nhiều nguời lại "kêu" tiếng Việt khó trong diễn đạt các vấn đề khoa học. Tiếng Việt không thật chính xác như tiếng Pháp hay tiếng Nga, về phương diện ngữ pháp. So với tiếng Anh (và các tiếng Nga, Pháp ...) tiếng Việt thuộc hệ đa âm, khá dài dòng. Việc vay mượn từ tiếng Trung nhiều khi không phải là giải pháp. Từ "tổng hợp" trong tiếng Việt có tới vài từ trong tiếng hệ latin. Từ "vấn đề" trong tiếng Việt sang tiếng Anh có thể là" question, problem, issue .... Vậy tiếng Việt có thể giúp biểu hiện tình cảm. Nhưng có gây khó khăn khi thể hiện lý trí và tư duy khoa học kỹ thuật trong thiên văn học không? Xin cảm ơn!

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Tiếng Việt cũng đủ từ ngữ để diễn tả những vấn đề khoa học. Theo tôi, cần phải phát triển và duy trì Tiếng Việt trong lĩnh vực khoa học. Tiếng Việt có rất nhiều từ tiếng Trung, do có sự tương đồng văn hóa giữa hai nước, kể cả với Nhật Bản. Nếu ta loại trừ những từ này thì không còn bao nhiêu từ để diễn tả.

Quan trọng phải đào tạo các nhà thiên văn có kiến thức sâu rộng

Hoàng Văn Việt - Nam 25 tuổi - TP.HCM:

Xin GS cho biết vai trò của những nhà thiên văn chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư hiện nay trong việc phát triển thiên văn, sự khác nhau giữa 2 đối tượng này? Hiện ở VN vai trò này như thế nào? Ở VN, không thuận lợi cho quan sát nghiên cứu thiên văn khả kiến, vậy có nên xây dựng các đài quan sát thiên văn vô tuyến và đào tạo nhân lực đáp ứng đủ trình độ phát triển ngành khoa học này không?

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Nhà thiên văn chuyên nghiệp cần phải sử dụng những kính thiên văn lớn và những thiết bị thu tín hiệu có đủ độ nhạy để nhìn sâu vào trong vũ trụ.

Tuy nhiên, vai trò của những nhà thiên văn nghiệp dư cũng rất cần thiết , đặc biệt là để phát hiện những hiện tượng phù du xảy ra trên bầu trời. Họ là những người đam mê thiên văn học và thường tham gia phát hiện được những hiện tượng xuất hiện đột xuất như sao chổi hay những thiên thạch.

VN là một nước ở vùng nhiệt đới có độ ẩm và nhiệt độ cao, không thuận lợi cho công việc quan sát trong vùng khả kiến (vùng ánh sáng nhìn thấy được) bởi vì hơi nước ngăn cản ánh sáng truyền qua khí quyển. Trái lại, sóng vô tuyến vũ trụ có khả năng truyền qua khí quyển trái đất, mặc dù độ ẩm cao, thậm chí cả khi có mưa.

Theo tôi, hiện nay VN đã có một nhóm các nhà thiên văn trẻ đã được đào tạo ở Paris đồng ý cộng tác với nhau để nghiên cứu vũ trụ trên bước sóng vô tuyến.

Thiên Y Tú - Nam 27 tuổi - Số 3, đường 3/2, phường 11, quận 10, TP.HCM:

Kính thưa GS, theo góc độ của thiên văn học, GS có thể cho ý kiến về tình hình bão lũ ngày càng biến động bất thường ở nước ta hiện nay?

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Trái đất là một thiên thể trong vũ trụ. Những thiết bị dùng để nghiên cứu thiên văn cũng có thể được dùng để thăm dò khí quyển trái đất nhằm tiên đoán khí tượng và khí hậu. Đa số các nhà khoa học đều chấp nhận: khí quyển trái đất đang bị hâm nóng bởi chất thải công nghiệp có khả năng làm tăng những biến động thất thường của thời tiết.

Nhưng để tiên đoán chính xác những biến động thất thường của thời tiết vẫn vượt qua khả năng của các nhà khí tượng.

Dũng Trịnh - Nam 25 tuổi:

Ngành thiên văn có phải là ngành kén người theo và học không ạ? GS có nghĩ ...đây là một ngành dành cho người giàu và nước giàu?

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Làm thiên văn phải có những thiết bị đắt tiền và dường như chỉ được dành cho những nước có nền kinh tế phát triển. Ngay ở những nước phát triển, đôi khi, ngành thiên văn vẫn được coi là một ngành khoa học xa vời.

Ở những nước đang phát triển như VN, ngay từ bây giờ không cần phải xây những kính thiên văn lớn. Cộng đồng các nhà thiên văn thế giới là một cộng đồng không có biên giới. Nếu bất cứ nhà thiên văn nào có những phương án quan sát vũ trụ độc đáo và khả thi, có thể đề xuất xin thời gian quan sát với những thiết bị thích hợp trên thế giới. Điều quan trọng là phải đào tạo các nhà thiên văn có những kiến thức sâu rộng và có thể thuyết phục được hội đồng khoa học Quốc tế phân phối thời gian quan sát thiên văn.

Phạm Văn Cường - Nam 56 tuổi - CHLB Đức:

Cháu là Cường (con ông Uyển - Lai Xá). Xin được hỏi chú một câu hỏi ngắn gọn như sau: Việc hai năm qua do biến đổi khí hậu bất thường mà Việt Nam cũng nằm trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất... Nhưng do công tác dự báo khí tượng thuỷ văn của VN chưa tốt nên thuờng dự báo sai (như hồi tháng 11/2009 và tháng 10/2010 ở các tỉnh miền Trung là ví dụ).

Vậy với đánh giá của chú (một GS TS đầu ngành của thế giới về Viễn Thám) thì Việt Nam cần khắc phục tình trạng này như thế nào? Như cháu biết ở Thái Lan (gần VN) họ đã lập được bản đồ biến đổi khí hậu từ truớc 1975... nên họ luôn ứng phó tốt hơn VN về thiên tai. Như vậy VN có nên đầu tư cho lĩnh vực này một cách thích đáng để giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra hay không?. .

PS: Cháu vừa post lại ở Bee.net bài về chú (bài phỏng vấn này cháu đã xem ở SGTT... nhưng đến nay vẫn thấy thời sự nóng hổi) nên đã post lại cho bà con xem (ở Blog Gocomay -yahoo-360-Plus)

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Chào anh Cường. Rất vui được nói chuyện với anh! Công việc dự báo thời tiết rất phức tạp. Bởi vì phải dùng những mô hình, trong đó, phải có những tham số liên quan đến khí quyển do những trạm quan trắc cung cấp. Muốn tiên đoán chính xác những hiện tượng thời tiết, phải đặt càng nhiều trạm càng tốt. Đây là một vấn đề không dễ dàng được giải quyết trong một sớm một chiều. Sự cộng tác với các trạm quan sát nước ngoài cũng giúp chúng ta làm tăng sự chính xác của công tác dự báo.

Phan Diệu Hạnh - Nữ 14 tuổi - An Giang:

Cho cháu hỏi để trở thành 1 nhà thiên văn học thì mình phải học tập như thế nào ngay từ bây giờ? Hiện tại cháu đang là học sinh lớp 8 và cháu uớc mơ trở thành nhà thiên văn học nhưng cháu không biết bắt đầu học từ đâu và như thế nào ạ? Vì ngày mai cháu đi đến truờng nên không thể giao lưu đuợc, GS Nguyễn Quang Riệu có thể trả lời câu hỏi của cháu về email đuợc không ạ. Cháu rất mong có câu trả lời để có thế học tập ngay từ bây giờ, email của cháu đây ạ: peun_miss_lovefriends@yahoo.com.Cháu không có số điện thoại nên cũng không thể tiện liên lạc, mong các chú thông cảm. Cảm ơn các chú và GS Nguyễn Quang Riệu a! Cháu chân thành học hỏi và biết ơn!

- GS Nguyễn Quang Riệu:

Muốn trở thành một nhà thiên văn học, cần phải có một hành trang vững chắc về vật lý. Bởi vì, vũ trụ là một phòng thí nghiệm khổng lồ, trong đó có rất nhiều hiện tượng lý hóa. Ngay từ bây giờ, cháu nên trau dồi và học hỏi môn vật lý để sau này có thuận lợi - nếu muốn trở thành nhà vật lý thiên văn.

LTS: Do thời gian có hạn, GS Nguyễn Quang Riệu rất tiếc vì chưa thể trả lời hết các câu hỏi của độc giả Bee.net.vn. GS Nguyễn Quang Riệu gửi lời chào thân ái tới tất cả các độc giả và hẹn một dịp gần nhất sẽ tiếp tục giải đáp các thắc mắc còn lại (Bee.net.vn sẽ cập nhật phần trả lời này). Xin chân thành cảm ơn quý vị độc giả đã tham gia và theo dõi cuộc giao lưu trực tuyến!

Ảnh: Loan BB

Posted Image

Share this post


Link to post
Share on other sites