Thiên Sứ

Hàng "Made in China" và những scandal

6 bài viết trong chủ đề này

Hàng "Made in China" và những scandal

Nguồn: Vietnamnet.vn

10:48' 16/09/2008 (GMT+7)

Hiện tại, vụ sữa bột Tam Lộc Trung Quốc nhiễm hóa chất, khiến hàng nghìn trẻ em sử dụng đã mắc sỏi thận đang là điểm nóng ở Trung Quốc.

Posted Image

Các em nhỏ bị sỏi thận do uống sữa nhiễm độc đang điều trị trong bệnh viện (Ảnh THX)

Vụ bê bối này một lần nữa gợi lại những ký ức về vụ sữa bột giả cách đây bốn năm, làm ít nhất 13 em nhỏ thiệt mạng cũng như hàng loạt các vấn đề về chất lượng sản phẩm xảy ra năm ngoái.

Và đây là một số trường hợp liên quan tới sản phẩm "Made in China"

Sữa bột

- Tính tới sáng qua (15/9), tại Trung Quốc, đã có trên 1.200 em mắc sỏi thận vì uống sữa nhiễm hóa chất độc hại melamine, trong đó có hai em tử vong. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai thế giới về sữa bột trẻ em.

- Năm 2004, ít nhất 13 em đã chết vì suy dinh dưỡng sau khi sử dụng sữa bột giả không có chất dinh dưỡng. Hầu hết các em nhỏ chết vì uống sữa kém chất lượng đều sống tại khu vực ngoại ô thành phố Phúc Dương, tỉnh An Huy. Được biết, loại sữa không dưỡng chất được bán nhiều ở các cửa hàng địa phương. Các bác sĩ cho biết, gần 200 em bé đã bị mắc chứng đầu to - đầu phát triển một cách dị thường trong khi cơ thể ngày càng gầy mòn.

Chất melamine thường được sử dụng trong ngành sản xuất vải, keo dán, đồ dùng gia đình... Giới chuyên gia y tế Trung Quốc cho biết chất này gây ra chứng sạn thận và sau đó sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ở trẻ, thậm chí nếu người trưởng thành sử dụng cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của thận.

Thức ăn cho thú cảnh

- Ít nhất 16 chó mèo đã chết, hơn 100 nhãn hiệu thức ăn cho thú cảnh bị thu hồi tại Bắc Mỹ vào tháng 3 năm ngoái, sau khi phát hiện ra các nhà cung cấp Trung Quốc đã sử dụng hóa chất melamine vào nguyên liệu sản xuất thức ăn cho vật nuôi.

Thuốc đánh răng, xiro giảm ho

- Hai nhãn hiệu thuốc đánh răng Trung Quốc đã bị cấm lưu hành tại Cộng hòa Dominica vào tháng 7/2007 vì chính quyền sở tại lo ngại rằng, nó có thể chứa hóa chất gây chết người diethylene glycol - vốn bị coi là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc lớn chết người tại Panama năm 2006. Ít nhất 100 người ở Panama đã tử vong sau khi dùng xiro giảm ho có hóa chất diethylene glycol từ Trung Quốc.

Diethylene Glycol là một hóa chất công nghiệp được sử dụng trong quá trình tạo ra một số loại nhựa, một số loại thuốc nhuộm, dầu phanh, dầu thủy lực, chất ức chế ăn mòn trong các thiết bị nhiệt...

Diethylene Glycol không thuộc dãy các chất gây ung thư hay biến đổi gien hoặc một số bệnh mãn tính đối với người và động vật có vú, nhưng là chất gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe khi tiếp xúc qua da, mắt, hệ hô hấp và hệ tiêu hóa.

Lốp xe:

- Tháng 6 năm ngoái, Cục Quản lý An toàn giao thông quốc gia Mỹ đã yêu cầu thu hồi 450.000 lốp xe của công ty Hangzhou Zhongce Rubber Co. Ltd - hãng sản xuất lốp xe lớn thứ hai Trung Quốc. Cơ quan này cho biết, các loại lốp xe từ Hangzhou Zhongce Rubber Co. Ltd, thường được sử dụng cho xe thể thao, xe tải và bán tải có thể gây ra nguy cơ gãy ta-lông, làm tăng các vụ tai nạn vì thiếu hoặc mất những lớp liên kết, dẫn đến tình trạng liên kết giữa phần cao su và các vòng sắt trở nên yếu và có thể bị gãy. Nhà sản xuất lốp xe lớn thứ hai Trung Quốc đã phủ nhận mọi vấn đề liên quan.

Đồ chơi:

- Một năm trước đây, nhà sản xuất đồi chơi lớn nhất thế giới, Mattel, đã thu hồi hơn 18 triệu đồ chơi "Made-in-China vì những miếng nam châm trong đồ chơi có thể gây ra nguy hiểm nếu nuốt phải. Chỉ hai tuần trước đó, hãng này đã tuyên bố thu hồi 1,5 triệu đồ chơi sản xuất ở Trung Quốc do lo ngại các sản phẩm này chứa chì hoặc tạo ra từ trường khá nguy hiểm.

  • Kỳ Thư (Theo AP, Reuters, AFP, THX)
Thêm 1 trẻ tử vong, số nạn nhân lên tới hơn 6.200

Nguồn: Vietnamnet.vn

11:36' 17/09/2008 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, sáng nay (17/9), công bố thêm một em bé nữa tử vong và hơn 6.200 trẻ bị bệnh vì uống phải sữa nhiễm độc.

Posted Image

Các bà mẹ đưa con đi kiểm tra sức khoẻ tại một bệnh viện nhi ở Hợp Phì, tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc. (Ảnh: THX)

Bộ trưởng Trần Trúc cho biết, trường hợp tử vong thứ 3 ở tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc. Theo ông, hiện có 6.244 trẻ đã bị bệnh và số ca được chẩn đoán bị "hư thận cấp tính" đã tăng lên 158 em.

Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin, hóa chất melamine đã được phát hiện trong 22 nhãn hiệu sữa bột chứ không phải duy nhất một hãng như dự đoán ban đầu. Theo Tân Hoa xã, Chính phủ Trung Quốc đã gọi đây là vụ "báo động cấp 1" về an toàn thực phẩm và thành lập một nhóm khẩn cấp để giải quyết.

Hãng Sữa Tam Lộc là trung tâm của vụ bê bối này. Tập đoàn đã lên tiếng xin lỗi dân chúng, nói rằng những người cung cấp sữa cho công ty đã tuỳ tiện trộn melamine vào sữa tươi, hóa chất thường được sử dụng trong sản xuất nhựa. Chất này khiến cho hàm lượng protein trong sản phẩm hiện ra.

Thứ trưởng Bộ Y tế Mã Hiểu Vỹ cảnh báo rằng số trẻ bị bệnh vì uống phải sữa bẩn ở Trung Quốc có thể lên tới 10.000 em.

Trước đó, chiều 16/9, Tổng cục Kiểm định Chất lượng quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) cho biết các nhà điều tra nước này đã phát hiện có hóa chất melamine trong 69 lô sữa trẻ em được sản xuất bởi 22 công ty trên khắp cả nước.

Kết quả trên được đưa ra sau khi các cuộc điều tra được tiến hành rốt ráo trên cả nước đối với tất cả các loại sữa đang được bán trên thị trường.

  • Thanh Hảo (Theo BBC, THX)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ngày xưa những năm 90 thế kỷ cũ ở mạn Hà nội Hải phòng có phong trào đi tông lì; dép coỏng của Tàu.

Hồi đó họ đồn Tàu nhét thuốc độc vào trong đế dép bán cho người Việt ta. Nếu đi mãi thì chất độc từ trong phát tiết ra. Bám theo lỗ mồ hôi mà ngấm vào người. Phát bệnh phong tê thấp .. và ..

Bọn Tầm nhìn mới liều mình ( vì dép đó đang là thời thượng khá đắt ) cắt thử mấy đôi ra . Đúng là trong có một thứ bột màu trắng thật. Chả biết có đúng là thuốc độc không nhưng tất cả hùa nhau quảng hết đi. Mặc dù : lòng đau như cắt - nước mắt đầm đìa - vì tiếc tiền.

Đồ Tàu nhiều cái dùng kinh hãi lắm. Ngay cả vụ đồ chơi trẻ con họ xuất sang Mỹ còn có chất độc. Nên các anh chị có con nhỏ hãy cẩn thận trước khi mua đồ chơi cho các cháu.

Qua vụ vụ sữa của cty Ba Lọc trên hy vọng là các quốc gia lân cận anh Tàu ko bị ảnh hưởng. ???

Thôi cũng là hành động : tự thò tay bóp "cái" của mấy anh .

Hé hé . :)

Share this post


Link to post
Share on other sites

53.000 trẻ phải nhập viện vì “sữa bẩn” Cập nhật lại cách đây 43 phút 22/09/2008 15:22

Nguồn: Thanh Niên Online

(TNO) Vụ bê bối sữa nhiễm độc melamine tại Trung Quốc tiếp tục lan rộng với sự thừa nhận của chính phủ rằng số trẻ em ngã bệnh vì loại sữa trộn hóa chất công nghiệp này đã tăng khủng khiếp: ở mức gần 53.000 trẻ.

Posted Image

Xếp hàng đưa con đi khám bệnh ở Trung Quốc - Ảnh: AFP

AFP đưa tin Hồng Kông đã trở thành nơi đầu tiên trên thế giới nằm ngoài Trung Hoa đại lục phát hiện một nạn nhân của sữa nhiễm độc melamine. Đó là một bé gái 3 tuổi bị sỏi thận sau khi uống sữa bột của Trung Quốc. Bé này đã được xuất viện và hiện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Brunei, Bangladesh và Burundi vừa ghi tên vào danh sách các quốc gia cấm nhập khẩu các sản phẩm làm từ sữa của Trung Quốc, trong đó riêng châu Phi cũng đã có 3 nước làm điều này. Còn ở châu Á, trước đó Malaysia và Singapore đã ban hành lệnh cấm.

Một công ty Nhật Bản thì thu hồi hàng ngàn cái bánh bao có sử dụng sữa của Trung Quốc trước mối lo sợ về loại hóa chất công nghiệp độc hại thường được dùng cho ngành sản xuất nhựa này.

Vụ xì căng đan melamine bùng ra cách đây gần 2 tuần, đầu tiên chỉ ở tập đoàn sữa Tam Lộc, nhưng sau đó, chính phủ đã ra lệnh thu hồi các sản phẩm sữa bột, sữa tươi, kem và ya-ua của tổng cộng 22 công ty. Các nhà điều tra Trung Quốc cho rằng một số nhà cung cấp sữa đã pha nước vào sữa, rồi sau đó trộn melamine vào để giả tăng hàm lượng dinh dưỡng của sữa lên.

Chính quyền cho biết hầu hết trẻ em ngã bệnh là do uống sữa của Tam Lộc.

AFP dẫn nguồn từ một số tờ báo Trung Quốc đưa tin rằng vụ gian lận này đã xảy ra từ hàng bao nhiêu năm nay.

Shigeru Omi, Tổng giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm chủ nhật đã đặt vấn đề về chuyện minh bạch thông tin: “Rõ ràng là có vấn đề trong chuyện thông tin từ bên trong. Có lẽ người ta đã biết về vấn đề này rồi và không muốn chia sẻ thông tin”.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phải xuất hiện trên Đài Truyền hình quốc gia để trấn an người tiêu dùng: “Điều chúng tôi muốn làm bây giờ là ngăn chặn điều này xảy ra một lần nữa, không chỉ là với các sản phẩm sữa mà tất cả các loại thực phẩm. Chúng tôi muốn ngăn chặn những sự cố tương tự để mọi người có thể yên tâm mà ăn uống”.

Đoan Nhật

Share this post


Link to post
Share on other sites

"Tẩy chay" sữa nhà, dân Trung Quốc sang Việt Nam mua sữa

Ngọc Bộ - Cao Cường

www.vietbao.vn

Cũng như nhiều cặp cửa khẩu khác, tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu (Lào Cai), nhiều người dân và du khách Trung Quốc đã sang Lào Cai để tìm mua các sản phẩm sữa nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ.

Mới chỉ cách đây chừng một tháng, tại các cặp cửa khẩu thông thương với nước bạn Trung Quốc, các mặt hàng tiêu dùng trong đó có mặt hàng sữa được nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn và đa dạng. Nhưng nay thì ngược lại, do vụ bê bối sữa có chất melamine của Trung Quốc, những ngày gần đây người dân nước này đã đổ xô sang Việt Nam mua sữa về dùng, dù theo nhiều người, nếu chính quyền biết thì họ sẽ bị phạt.

Công khai mua, bí mật mang về

Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc “tẩy chay” với sản phẩm sữa được sản xuất trong nước và đã tìm đến thị trường Việt Nam để tìm mua các sản phẩm sữa ngoại.

Posted Image

Một phụ nữ người Trung Quốc

mua sữa tại 1 cửa hàng ở thành phố Lào Cai - Ảnh: Cao Cường

Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu, trong những ngày qua có một bộ phận người dân Trung Quốc và du khách đã sang Lào Cai để tìm mua các sản phẩm sữa nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ. Do đặc thù ngành sản xuất sữa trong nước Trung Quốc phát triển mạnh nên thị trường Trung Quốc rất ít sản phẩm sữa ngoại nhập, ngoại trừ một số ít sản phẩm sữa liên doanh.

Thống kê của lực lượng biên phòng Lào Cai cho thấy, trong tháng 8/2008, do Lào Cai bị thiệt hại nặng do mưa lũ nên chỉ có 66 ngàn lượt người, trong đó có 14.500 lượt người Trung Quốc xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Trong tháng 9, con số này có dấu hiệu tăng cao hơn, khoảng 80 ngàn lượt, trong đó lượt người Trung Quốc đạt gần 20 ngàn lượt người.

Một cán bộ phụ trách kiểm soát xuất nhập cảnh ở cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết: "Có khá nhiều du khách và cư dân Trung Quốc sang Việt Nam khi trở về chỉ mua sữa bột đóng hộp. Để vượt qua khu vực kiểm soát, nhiều người đã phải khui hộp sữa rồi đổ túi ni-lon giấu trong hành lý hoặc để chung với hàng hoá khác nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện".

Một nhân viên phòng kinh doanh thuộc siêu thị Sài Gòn Mack (phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai) cho hay: "Trước đây, khách hàng là người Trung Quốc qua siêu thị chủ yếu mua cà phê, hạt tiêu, bánh đậu xanh Hải Dương. Nhưng mấy ngày gần đây, họ đã mua thêm sữa. Hầu hết khách Trung Quốc đều mua sữa bột đóng hộp ngoại nhập, mặc dù loại này có giá bán cao hơn khá nhiều so với sữa sản xuất trong nước".

Anh Vũ Văn Khanh, số nhà 076, đường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai là chủ nhân tổng đại lý bán các sản phẩm sữa đóng hộp ngoại nhập tại Lào Cai. Có đến 142 sản phẩm sữa sản xuất tại Mỹ, Anh, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia... có ở đại lý này.

"Người Trung Quốc là khách quen của đại lý từ rất lâu. Nhưng khoảng hai tuần gần đây, khách Trung Quốc đến đại lý tăng đột biến, có ngày đến gần 100 khách mua hàng. Nhờ đó mà doanh thu của đại lý trong tháng này cũng tăng lên đáng kể" - anh Khanh cho biết.

Anh Khanh cũng cho biết thêm, khách Trung Quốc mua sữa tại đại lý của anh chủ yếu là người có thu nhập khá. Họ không mấy quan tâm đến giá bán, nhưng lại rất sành trong việc lựa chọn xuất xứ hàng hoá. Loại sữa được khách Trung Quốc chú ý nhiều trong thời gian này là loại Anfa Grow, MedJhonson loại hộp 1,8kg và 0,9kg do Mỹ sản xuất. Tiếp đến là các loại sữa Milex của Đan Mạch, Friso, Mimax của Hà Lan, Meiji của Nhật Bản, Enlene của New Zealand và XO của Hàn Quốc sản xuất.

Bị phạt vẫn mua

Các khách Trung Quốc là phụ nữ lại thường chọn mua ở Lào Cai loại sữa dành cho trẻ em có nhãn hiệu Lactopri và Phosobec của Mỹ sản xuất.

Posted Image

Khách Trung Quốc mua sữa ngoại tại các cửa hàng ở TP.

Lào Cai ngày càng nhiều - Ảnh: Cao Cường

Anh Khanh còn cho biết, khách hàng là người Trung Quốc đến cửa hàng của anh chỉ mua lẻ, mỗi khách mua 1 hoặc 2 hộp. Lý do là lực lượng biên phòng, hải quan, kiểm dịch thực phẩm, kiểm dịch động vật phía Trung Quốc quản lý rất chặt nguồn thực phẩm nhập khẩu, kể cả hàng lẻ.

Phải mất thời gian khá dài thuyết phục qua thông dịch viên chúng tôi mới có được câu trả lời từ anh Trần Tinh, một du khách Trung Quốc đang chọn mua sữa tại đại lý của anh Khanh. Theo anh Tinh, khác với Việt Nam, khách hàng Trung Quốc không thể mua các sản phẩm sữa do châu Âu, Mỹ sản xuất tại thị trường trong nước vì ngành công nghiệp sữa ở quốc gia này phát triển mạnh.

Trong trường hợp anh Tinh bị hải quan Trung Quốc phát hiện mang sữa từ nước ngoài khi nhập cảnh sẽ bị tịch thu hàng và bị phạt tiền khá nặng. Tuy nhiên, lần này sang Việt Nam anh Tinh vẫn cố mua cả chục hộp sữa do Mỹ và Hà Lan sản xuất cho đứa con trai 3 tuổi của mình, thay cho các hộp sữa trong nước đang bị nhiều người tẩy chay.

Trước đây, không chỉ người dân Trung Quốc tin dùng sản phẩm sữa sản xuất trong nước mà ngay cả nhiều người dân Lào Cai, khách du lịch sang Hà Khẩu (Trung Quốc) vẫn mua, sử dụng mặt hàng sữa Trung Quốc.

Chị Nguyễn Thị Nhung, ở phường Bắc Cường (TP Lào Cai), một người chuyên buôn bán hàng tạp hóa tiêu dùng từ Hà Khẩu về Lào Cai cho hay: "Không chỉ mua các hàng hóa tạp vụ, chị còn mua sản phẩm sữa mang nhãn hiệu Trung Quốc để giải khát và mang về Lào Cai cho một số khách hàng. Sữa Trung Quốc giá vừa rẻ, lại nhiều chủng loại, nhưng kể từ khi nắm được thông tin nhiều loại sữa Trung Quốc có chứa chất melamine thì chị không mua và sử dụng nữa".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi phát hiện ra chất melamine trong một số sản phẩm sữa thì có rất ít người Trung Quốc tìm đến các sản phẩm sữa ngoại nhập. Điều đó chứng tỏ từ trước đây người dân Trung Quốc đã rất tin tưởng vào sản phẩm sữa trong nước sản xuất.

Tuy nhiên, các sản phẩm sữa do các công ty của Việt Nam sản xuất chưa phải là mặt hàng để các cư dân và du khách Trung Quốc tìm đến mua, một mặt do hạn chế về chủng loại, hơn nữa lại chưa có uy tín trên thị trường quốc tế.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ba người chết tại Trung Quốc sau khi tiêm thảo dược

Nguồn: Vietnamnet.vn

12:47' 09/10/2008 (GMT+7)

Ba người ở miền tây nam Trung Quốc đã tử vong sau khi được tiêm dược thảo điều trị. Vụ việc càng làm gia tăng quan ngại về sự an toàn của các sản phẩm "made in China".

Posted Image

Sâm là một trong những loại thảo dược được người Trung Quốc ưa dùng. (Ảnh minh họa: Global-b2b-network)

Những trường hợp tử vong xảy ra ở tỉnh Vân Nam sau khi sáu bệnh nhân được tiêm thảo dược có chiết xuất từ nhân sâm Siberian, một thông báo trên trang web của Bộ Y tế Trung Quốc cho biết.

Trong khi đó, Trung Quốc đang phải vật lộn với những tổn thất về sức khỏe và kinh tế đang ngày một lan rộng từ vụ bê bối sữa nhiễm hóa chất công nghiệp.

Melamine có trong sữa bột đã làm ít nhất bốn em nhỏ tử vong, hơn 54.000 em bị ốm. Hàng loạt nước trên thế giới đều tiến hành lệnh cấm hoặc thu hồi thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bộ Y tế và cơ quan giám sát an toàn sản phẩm Trung Quốc đã yêu cầu dừng tiêu thụ và sử dụng thuốc tiêm chiết xuất từ nhân sâm, được sản xuất bởi công ty Dược phẩm Wandashan có trụ sở tại Hắc Long Giang.

Sáu bệnh nhân được tiêm thuốc đã bị ớn lạnh, ói mửa, và hạ đường huyết. Tân Hoa xã đưa tin, sâm Siberian thường được sử dụng ở Trung Quốc để chữa trị các bệnh tim mạch.

Những năm gần đây, uy tín của những sản phẩm "made in China" đã bị xói mòn trên thị trường quốc tế sau khi xảy ra hàng loạt vụ bê bối liên quan tới an toàn chất lượng.

  • Kỳ Thư (Theo AFP)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Theo đài tiếng nói việt nam :

Sau khi vụ sữa bẩn bùng phát tại TQ làm cả thế giới xôn xao. Thì cách đây 2 tuần cảnh sát Italia bắt được lô hàng giày da xuất phát từ TQ. Trong đó tồn tại dư lượng một loại hóa chất có tính phóng xạ đã bị EU cấm sử dụng từ lâu. Loại độc chất này sẽ ngắm theo lỗ chân lông vào cơ thể người sử dụng và ... tai hoạ.

Tuy sản xuất từ TQ nhưng loại giày này lại được dán nhãn mác Made in Italia.

Vậy quí anh chị nào đi giày hàng hiệu của Ý cứ cẩn thận đấy !

Về hàng hóa made in china thì nhiều vấn đề tồn tại lắm. Cửa ngõ nhập khẩu vào Mỹ và EU vốn cổng cao tường kín thế mà còn bị lọt lưới huống chi các nước đang phát triển.

Hàng " tàu" vào VN ta đến 70-80% theo đường tiểu ngạch đủ thứ hầm bà lằng và nhiều chuyện liên đới.

- Những năm 90 thế kỷ trước có bia chai Vạn Lực buôn qua ta. Ban đầu dân ta hưởng ứng khí thế lắm. Sau nghe nói quí ông quí anh xơi loại này lắm vào thường bị mất bản lĩnh đàn ông. Nên được thời gian thì tịt.

- Rồi các loại hoa quả như táo lê .... được ngâm tẩm hóa chất bảo vệ để cả năm không thối rữa. Nghe bảo ở mạn Biên Hòa có nhà nọ đầu năm mua táo tàu về cúng. Khi biện lễ có một quả rơi xuống gầm giường . Gia chủ quên khuấy đi không nhặt lên. Cuối năm dọn nhà ăn tết. Lôi trong gầm ra quả táo vẫn tươi roi rói.

Lại nghe nói ngoài Hải Phòng có chị nọ sang tàu làm thuê ở cơ sở chế biến hoa quả. Một hôm đột nhiên biến mất. Vì người nước ngoài làm chui lên chủ không tìm kiếm . Đến mấy tháng sau mọi người thấy xác chị ta nổi lên trong bể ngâm táo - vẫn còn "tươi" nguyên. Thế mới kinh chứ.

- Người tàu vốn nhanh nhạy nên vài năm trước họ sản xuất được trứng gà bằng hóa chất - bánh bao nhân cạctông.... để dùng trong nước cũng tạo điều kiện cho báo chí tăng lượng phát hành.

- Năm ngoái thì thức ăn cho chó mèo có tác dụng gây sạn thận và đưa bọn chúng mau lên thiên đàng được nhập vào Mỹ. Rồi đồ chơi cho trẻ con chứa chất độc. Khiến người Mỹ một phen phải gió nhốn nháo cả lên.

- Gần đây ở nuớc ta phát hiện ra các loại sâm tàu - đông trùng hạ thảo tàu đang buôn bán ở thị trường đều được rút hết tinh chất trước khi bán sang ta.

Các quí ông nhà ta muốn dùng sâm tàu với đông trùng hạ thảo để bồi dưỡng tinh lực thì về hãm khoai lang khô mà uống - mua giun quế xào giá đỗ mà ăn còn tác dụng và an toàn vệ sinh thực phẩn hơn nhiều.

Còn ối thứ nữa kể ra có cả ngày chưa hết chuyện. Nhưng không biết có phải sẽ vậy vậy không mà người tàu phải đưa các phòng khám lang băm tàu sang ta "khắc phục" hậu quả ?

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay