Posted 16 Tháng 9, 2008 10 bảo vật quốc gia HỒNG PHÚC Nguồn: www.tuoitre.com.vn TTCT - Ngoài những giá trị văn hóa - lịch sử - khoa học tiêu biểu, đáng trân trọng là 8/10 bảo vật đều do người dân Quảng Trị tự nguyện tặng cơ quan chuyên môn. Trong mười bảo vật này có năm bảo vật mang phong cách kiến trúc Chăm, còn lại mang phong cách kiến trúc Việt. Trong đó có những bảo vật rất tiêu biểu như tượng tròn Uma Dương Lệ. Khi nghiên cứu pho tượng này, giáo sư Lương Ninh - Viện Khảo cổ học Việt Nam - nhận xét: “Đây có thể là pho tượng tròn vào loại đẹp nhất của nghệ thuật Chăm”. Thạc sĩ Lê Đức Thọ - phó giám đốc Bảo tàng Quảng Trị - cho rằng: “Tượng Nguyễn Ư Dĩ là độc nhất vô nhị tại Việt Nam, những giá trị không đâu có được”. Ông Lê Đức Thọ cho biết 10 bảo vật quốc gia có niên đại sớm nhất 2.500 năm, muộn nhất gần 300 năm. Phù điêu lá nhỉ Trà Liên 1 Có niên đại từ nửa cuối thế kỷ 9, cao 1,21m, dày 20cm, đường kính đáy 1,54m, làm bằng đá sa phiến thạch. Nội dung phù điêu chạm hình thần mặt trời Surya và hai trợ thủ. Thần Surya đứng giữa, đầu đội một Kirita-mukuta hai tầng gần giống mũ của thần Visnu, toàn thân khoác áo dài kẻ sọc dày. Khuôn mặt nghiêm nghị, lông mày rậm, mũi cao, miệng rộng, hai tai đeo đồ trang sức to nặng, hai tay cầm búp sen giơ lên cao. Hai trợ thủ ngồi hai bên phía dưới chân của thần, mỗi vị cầm một cái trượng trên tay, khuôn mặt tươi tắn, miệng rộng, môi dày. Bên dưới phù điêu có hình bảy đầu ngựa tượng trưng cho bảy ngày. Phù điêu lá nhỉ Trà Liên 2 Có niên đại từ nửa cuối thế kỷ 10, cao 1,2m, rộng 2,1m. Nội dung của bức phù điêu thể hiện ở ba mảng. Hai mảng chính thể hiện bởi hai tượng thần Siva và Uma được chạm nổi trong hai khung hình bán nguyệt, một mảng phụ thể hiện hình tượng cây vũ trụ chạm chìm nằm ở phía trên đầu giữa hai mảng chính. Thần Siva ngồi trên một chiếc bệ, dáng thư thái, miệng hé cười, hai cánh mũi nở. Hình tượng Uma ngồi trên bệ cao, nửa thân trên để trần lộ ra hai vú căng tròn, hai cánh tay thon thả, ở cánh tay và cổ tay có đeo vòng trang sức. Bức phù điêu hình bán nguyệt làm bằng đá sa thạch. Bò thần Nan Din Kim Đâu Có niên đại từ thế kỷ 10, cao 0,6x0,35m được đặt trên bệ cao 0,46x0,29m, bằng đá sa thạch. Xung quanh bệ là dải hoa văn hình cánh sen. Bò Nan Din là vật cưỡi của thần Siva và nữ thần Paravati.Bò thần Nan Din Quảng Điền Cao 0,52x0,34m, có niên đại khoảng cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10.Cụm vò bán sứ Đường làng Dương Lệ 5/7 vò còn ngyên vẹn. Vò lớn nhất cao 0,57m, đường kính miệng vò 0,21m, vò nhỏ nhất cao 0,11m. Cả mặt trong và ngoài vò đều được phủ men màu vàng nhạt. Xương gốm tinh có màu trắng sữa. Cụm vò được chế tác theo phương pháp bàn xoay, có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 10. Trống đồng An Khê Có niên đại cách nay 2.500 năm. Trống có tang phình, thân eo, đế thẳng, xung quanh có bốn quai, trống cao 0,26m, đường kính mặt trống 0,30m. Trên mặt trống có hình ngôi sao tám cánh và có sáu vành hoa văn được trang trí các họa tiết. Bản khoán ước làng Phú Kinh Bản khoán ước hình chữ nhật, dài hơn 2m, rộng 0,6m được làm bằng gỗ lim, có niên đại năm 1774. Toàn bộ khoán ước có khắc gần 5.000 chữ Hán ở mặt trước. Nội dung bản khoán ước bao gồm những qui định trong đời sống xã hội như giải quyết vấn đề phân chia ruộng đất, giáo dục, khuyến học, giữ gìn phong thủy, tang ma, cưới xin của làng.Tượng UMa Dương Lệ Pho tượng tròn, cao 0,65m, được làm bằng đá sa thạch, tạc nữ thần đang tọa trên bệ đài. Chân nữ thần đặt chéo lên nhau, hai tay đặt ở phần đùi trong tư thế thiền định. Đây là biểu tượng của thần Uma, vợ hay chính là hóa thân của nữ thần Siva. Tượng Uma có niên đại cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10.Trống đồng Trà Lộc Trống có hình dạng thân thon, đế choãi, tang phình, mặt trống được trang trí hình sao 10 cánh, xen giữa cánh sao là hình chữ V, có bảy vành hoa văn với các họa tiết như vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa, chim mỏ dài có mào, đuôi dài bay ngược chiều kim đồng hồ. Vòng chủ đạo mặt trống có bốn hình thuyền, chân trống choãi có năm vành hoa văn được trang trí hình bò u nổi, hình chấm dải. Trống có niên đại cách nay 2.500 năm.Tượng Nguyễn Ư Dĩ Tượng được đúc dưới thời chúa Nguyễn, cao 0,62m, phần vai rộng 0,30m. Nhân vật được tạc tượng là Nguyễn Ư Dĩ - cậu ruột chúa Nguyễn Hoàng. Nguyễn Ư Dĩ là người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn xây dựng cơ đồ ở Đàng Trong, nhất là thời gian 68 năm của chúa Nguyễn Hoàng đóng dinh ở đất Quảng Trị. Tượng đồng Nguyễn Ư Dĩ được đặt một nơi không an toàn, đã hai lần bị kẻ xấu lấy cắp. Người dân làng Trà Liên, xã Triệu Giang phải dùng máy rà kim loại rà tìm mất mấy ngày, cuối cùng phát hiện bức tượng bị kẻ xấu chôn ở bờ sông Thạch Hãn. Có lẽ kẻ xấu đợi đêm xuống bỏ lên thuyền chở đi tiêu thụ vì bức tượng nặng mấy tạ, không gánh đi xa được. Share this post Link to post Share on other sites