phoenix

CHỢ QUÊ

1 bài viết trong chủ đề này

Có một thời gian Phoenix làm đề tài nghiên cứu về Di tích Cổ Loa và lịch sử thời Hùng Vương, trong đó có liên quan đến một yếu tố là chợ. Từ điểm này, Phoenix bắt đầu xem xét rộng hơn và nhận thấy "chợ" của Việt Nam có rất nhiều cái đáng nói. Ngoài việc chợ biểu hiện hình thái kinh tế xã hội thì chợ Việt Nam còn là nơi trung tâm giao lưu văn hóa rất sôi nổi.

Rất tiếc, thời gian và việc lưu trữ không cẩn thận đã làm lưu lạc các tài liệu của Phoenix. Topic là tản mạn về chợ quê, để nhớ lại những nét xưa thấm đẫm nguyên lý tâm linh và văn hóa của người Việt.

Giới thiệu một bài viết tổng hợp ban đầu

CHỢ QUÊ MỘT NÉT VĂN HÓA CỦA LÀNG VIỆT

(nguồn:http://www.cinet.gov.vn)

Hoài niệm….chợ quê

Đã từ rất lâu rồi, hình ảnh những cô hàng xén thắt đáy lưng ong quẩy gánh hàng ra chợ như trong văn học của Thạch Lam đã không còn thấy nữa. Những phiên chợ quê xứ Đoài nổi tiếng một thời giờ đây cũng chỉ còn váng vất chút mộc mạc, nét xưa bởi những món ăn dân giã vẫn còn được bà con duy trì nơi góc chợ. Năm tháng qua đi cuốn theo biết bao kỷ niệm và làm mới lên cuộc sống của biết bao con người. Nhưng có lẽ, trong tâm khảm rất nhiều người vẫn còn khắc sâu những hình ảnh êm đềm thân thuộc về một làng quê có những phiên chợ xưa như trong cổ tích…

Phiên chợ quê xưa

Posted Image

Nhắc đến văn hoá làng xã người ta không thể không nhắc tới chợ làng, chợ quê. Quả thật một phần đời sống của những người dân quê được khắc hoạ qua sự phát triển của chợ quê. Chợ là nơi lưu giữ tổng thể những nét văn hoá cũng như tục lệ của người dân nơi đó. Tưởng chừng cái chợ chỉ là sự hiện hữu cụ thể người ta vẫn nhìn thấy, vẫn biết nhưng bản chất văn hoá bên trong của nó thì ít người biết được.

Chợ quê đối với người Việt chúng ta là nơi gói ghém nhiều hình ảnh thân thương, là một nét đặc thù văn hóa dân tộc.

Chợ quê thường nằm trên một mảnh đất rộng, có thể ở vị trí trung tâm hoặc ở làng. Chợ không phải quá lớn mà nó phù hợp với không gian chung của làng. Khách đi chợ cũng như người bán hàng đều là dân trong làng, hoặc ở các làng xung quanh. Sản phẩm ở chợ cũng có đủ thứ, các loại rau quả, các loại thực phẩm, đồ vật. Hầu hết các sản phẩm đó đều là “cây nhà, lá vườn” của người dân quê.

Chính vì vậy chỉ cần nhìn vào chợ quê người ta cũng có thể thấy đời sống kinh tế của người dân trong làng. Hình thành trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp tự cung, tự cấp, chợ làng chính là mô hình thu nhỏ của một nền kinh tế xưa cũ. Song nhìn về góc cạnh văn hoá thì chợ làng giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong tâm thức mỗi người.

Trên những nẻo đường quê, tiếng người còn râm ran chào nhau, gọi nhau và hẹn nhau ngày kia phiên chợ. Mấy đứa trẻ đi đón quà lẽo đẽo theo sau những bà mẹ tay xách nách mang. Hình ảnh chợ quê vẫn luôn thấm đậm sắc màu bình yên và thanh thản.

Chợ quê thường họp rất sớm, nhiều làng chợ họp từ 5 giờ sáng, cũng có làng muộn hơn. Không phải ngẫu nhiên mà chợ được họp sớm như vậy, đó là tính chất công việc, thói quen của người dân quê. Người dân thường đi chợ rất sớm, mua thức ăn cho cả ngày để còn đi làm ruộng, cấy cầy, chăn trâu, chăn bò. Cũng do ảnh hưởng thói quen đó mà chợ làng thường chỉ họp vào buổi sáng và tan rất sớm và khoảng 9 hay 10 giờ thì chợ đã tan. Không phải làng nào cũng có chợ, chợ thường tập trung ở một làng trung tâm của xã. Đó là những chợ làng lớn. Còn nhiều làng, trong các ngõ nhỏ vẫn tồn tại những cái chợ nhỏ được gọi là chợ thôn hoặc chợ xóm.

Ở nhiều vùng quê còn có chợ phiên, chợ phiên cũng chính là một phần văn hoá thu nhỏ của chợ quê. Chợ phiên thường mở theo định kỳ, có chợ một tháng mở một lần, cũng có chợ mấy tháng mới mở một lần. Điều này do quy định cũng như tục quán của mỗi làng. Chợ phiên thường chỉ bán chuyên một mặt hàng nào đó nhưng cũng có khi bán tổng thể các mặt hàng. Sản phẩm của chợ phiên thường phong phú và đa dạng hơn chợ làng ngày thường.

Posted Image

Chợ phiên từ lâu đã thành chốn mưu sinh của nhiều người dân quê, từ chị bán củi đến cô hàng xáo hay bà bán tôm, bán cá... Họ rất hiếm khi vắng mặt ở những vị trí quen thuộc. Thu nhập trong công việc bán buôn dù chỉ mươi mười lăm ngàn đồng, chủ yếu lấy công làm lời, nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống cho những gia đình khó khăn. đặc biệt, có người còn làm giàu được từ chính chiếc lều chợ thân quen.

Chợ không chỉ dừng lại ở việc buôn bán và trao đổi hàng hoá, đây còn là những nét văn hoá làng được thể hiện qua đời sống hàng ngày của người dân quê.

Thông qua hoạt động mua, trao đổi thông tin mà chợ trở thành nơi các phong tục văn hoá khác nhau tìm đến tiếng nói chung. Một phần đời sống của người dân quê được khắc hoạ và thể hiện qua cái chợ làng. Từ tương, cà, mắm, muối, đến vải vóc áo quần, hàng khô, hàng tươi… đều có mặt đầy đủ với nhiều chủng loại phong phú phục vụ nhu cầu sinh hoạt ngày càng khá giả, thịnh vượng hơn của làng quê . Dù còn mang nặng tính tự túc, tự cấp nhưng chợ quê không phải vì thế mà đơn điệu, lạc lõng với thế giới bên ngoài. Người mua, kẻ bán, tất thảy đều xởi lởi, vui vẻ, có khi còn đùa tếu pha trò. Cụ già ngồi bán buồng cau, tiếp thị độc đáo bằng miếng trầu cánh phượng têm rất khéo đặt bên cạnh lát rễ chay và quả cau bổ tư tươi rói, người không biết ăn trầu nhìn cũng thấy hấp dẫn.

Người dân trong làng đã quen với tiếng mời mua hàng của các bà hàng rau, hàng thịt... Tiếng nói chuyện, ở góc nọ, góc kia của chợ, thậm chí cả tiếng chửi nhau của người bán và người mua. Đó là những cảm xúc rất thường nhật, là cái hiện hữu vô hình nhưng lại không thể thiếu. Người dân quê quen mặt hết các bà bán hàng, vì họ chẳng phải ai xa lạ, không là người trong làng thì cũng là người làng khác. Mà có là người làng khác thì cũng trong một xã, họ quen nhau. Vì vậy hôm nay thấy bà bán rau không đi, chị bán thịt vắng mặt người ta lại hỏi thăm nhau.

Những chuyện hàng ngày của mỗi gia đình, mỗi người đều được thông tin qua cái chợ. Người làng đi chợ cũng là dịp để họ gặp nhau, hỏi thăm nhau. Hầu hết câu chuyện chỉ xoay quanh con trâu, mảnh ruộng, chuyện cấy cầy nhà nông.

Posted Image

Nhắc đến chợ làng phải nhắc đến chợ làng những ngày Tết. Chợ làng ngày Tết còn là dịp gặp gỡ của những người xa xứ. Người Việt có một đặc điểm dù đi đâu, làm gì và ở đâu thì hết năm thường về quê ăn Tết. Người xa quê thích nhất được đi sắm tết ở chợ làng, họ muốn mua những nải chuối quê, những quả cau, lá trầu để cúng tổ tiên. Rồi họ đổ nhau đi mua lá dong, lá chuối về gói bánh chưng, bánh gai, mớ rau, củ hành để ăn trong ba ngày tết. Tất cả đều là sản phẩm của những người dân quê.

Chính vì vậy, Chợ quê đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển văn hoá làng. Nó không chỉ tồn tại như một sự việc được tái hiện hàng ngày mà nó còn là một nét văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác.

Những phiên chợ đi vào văn học dân gian Việt Nam tự nhiên như tâm hồn, bản tính người Việt

Posted Image

Đối với những người Việt Nam, những phiên chợ xưa là một phần trong đời sống văn hoá, là một cái gì đó rất gần gũi thân thương. Có lẽ vì thế mà những phiên chợ đi vào văn học dân gian tự nhiên như tâm hồn, bản tính người Việt. Chợ qua ca dao thể hiện sự gắn bó giữa con người với con người, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về sản vật phong phú của địa phương. Đi chợ qua ca dao, du khách mang theo những câu ca mang nặng nghĩa tình để càng thêm quý thêm yêu những cái chợ ở mọi miền đất nước.

Nếu chọn điểm khởi hành từ Kẻ Chợ (Thăng Long - Hà Nội), du khách cái lý là từ nơi đô hội bậc nhất toả đi tìm hương sắc trăm miền. Tất nhiên, trước hết phải thăm thú, khám phá nét văn hoá ở chợ đất kinh kỳ và nổi tiếng nhất ở đất rồng bay, ắt là chợ Đồng Xuân:

Vui nhất là chợ Đồng Xuân

Thứ gì cũng có xa gần bán mua

Cổng chợ có chị hàng hoa

Có người đổi bạc chạy ra chạy vào…

Ngược lên Kinh Bắc, thấy cái sầm uất của vùng đất vừa có truyền thống khoa bảng vừa giỏi làm ăn kinh tế với những thương hiệu đồ gỗ chạm khảm Đồng Kỵ, làng gốm Hương Canh…:

Chợ Giàu bán sáo bán sành

Bắc Ninh bán những nhẫn vàng trao tay

Đình Bảng bán ấm bán khay

Phù Lưu họp chợ mỗi ngày một đông.

Từ Hà Nội, xuôi vào 10 cây số, đến Hà Đông cũ, Hà Tây nay, vùng đất trăm nghề có rất nhiều chợ, mà toàn là chợ nổi tiếng:

Hà Đông có chợ đằng xuôi

Ngỗng vịt cũng lắm đồ chơi cũng nhiều

Chợ Nghè có món bún riêu

Bún cua bún ốc bún tiêu bún gà.

Ngược lên phía Tây, du khách sẽ đến nhiều chợ vùng đất đá o­ng Thạch Thất, Sơn Tây:

Chợ Nủa hàng dậm hàng nơm

Chợ Trôi bán vải, hàng cơm dãi dầu

Chợ Nghệ thì lắm bò trâu...

Còn xuôi xuống phía Nam, đi theo quốc lộ 1, sẽ gặp như cái chợ đầu mối trung chuyển Bắc Nam rất lớn ở Thường Tín:

Xứ Nam nhất chợ Bằng Vồi

Xứ Bắc Dầu Khán, xứ Đoài Hương Canh

Bằng Vồi là tên ghép làng Bằng (xã Bình Vọng) và làng Vồi (xã Hà Hồi),

huyện Thường Tín. Chợ có đủ các mặt hàng, lại có chợ trâu bò lấy nguồn từ Thanh Hoá ra, dưới Thái Bình lên rồi toả đi Hà Nội, Hải Phòng. Đi tiếp đến huyện Phú Xuyên có thể đến chợ mua sản vật vùng đồng chiêm trũng:

Kẻ Dũi mà dủi bán tôm

Có Đường bán mật, Thanh Xuyên bán ngài.

Xuống đến Nam Định, nét văn hoá chợ quê thật quen mà rất độc đáo:

Chợ tỉnh Nam Định vui lắm ai ơi /Quanh năm tứ thời thiên hạ bán mua/ Đủ hàng thịt gạo rau dưa/ Bao loài tôm cá ốc cua thịt gà / Bao nhiêu vải vóc lụa là / Áo quần khăn nhiễu bày ra thiếu gì.

Gần đó còn có chợ Rồng, biểu tượng một thời của thành Nam:

Dù ai buôn đâu bán đâu

Chợ Rồng đệ nhất Tiên Châu thì về

(hoặc: Ai chưa qua thử chợ Rồng/ Biết thành Nam vẫn là không biết gì)

Vào đến miền Trung, đi thăm cố đô Huế, tất nhiên không thể ghé những chợ nổi tiếng như Đông Ba bên cầu Tràng Tiền, đến tận nơi xem chợ Quán, Chợ Cầu… nghìn năm vang vọng trong câu ca dao nay còn họp đông nữa hay không:

Mua vôi chợ Quán chợ Cầu

Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh

Cá tôm mua tại chợ Sình

Triều Sơn bán nón Bao Vinh bán đường

Đến Khánh Hoà, không thể bỏ lỡ dịp thăm chợ Đầm (TP Nha Trang):

Chợ Nha Trang trăm vật trăm ngon

Em vừa vừa cái miệng kẻo chồng con mang nghèo

Và khi vào đến Sài Gòn, nơi có chợ Lớn và hàng nghìn chợ khác, du khách sẽ thấy đây là đất bán mua nhộn nhịp bậc nhất, cảm nhận được nhịp sống đô thành năng động và sức mua bán thương trường rất lớn :

Trà tàu chính gốc Hồng Mao

Trà Huế nhãn nhục hồng đào phơi khô

Chà là chí đến hạt dưa

Phèn xanh phèn trắng phèn chua gội đầu.

Xuôi xuống Hậu Giang, có dịp thăm chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp, một nét riêng có của vùng đồng bằng sông Cửu Long, du khách có thể hoà vào cái không khí cởi mở của người dân nơi đây:

Chèo ghe đi bán cá vồ

Nước chảy ồ ồ chẳng thấy ai mua

Cá lò tho ăn lo chí ngán

Khô sặc rằn đem bán chợ Dinh

Đến Cần Thơ, nghe người Tây Đô kháo nhau:

Chợ Bình Thuỷ bán bánh bao chỉ

Chợ Sài Gòn bán bánh bích quy

Về Thoại Sơn, An Giang vẫn có thể nghe chuyện chợ búa khắp vùng:

Chợ Sài Gòn chà gạo lức

Chợ Bến Lức chà gạo vàng

Chợ Sóc Trăng chà gạo lộn trấu càng

Anh thương em là thương lời nói dịu dàng…

Còn đến TX Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, du khách càng hiểu thêm rằng: Chợ của người Việt không chỉ là nơi bán mua mà còn là nơi ghi dấu bao kỷ niệm, nơi tìm bạn đời, nơi giao lưu, chia sẻ nỗi lòng…:

Chợ Sài Gòn bán đá

Chợ Rạch Giá bán xi măng

Gặp nhau đây mới biết rằng còn

Năm Thìn bão lụt khóc mòn con ngươi

và còn có cả những điều vượt lên sự trao đổi, bán mua: Chợ Sài Gòn còn đương buôn bán / Chợ Vĩnh Long lập quán cầu hiền.

Đến chợ đôi khi là để có cái cớ bày tỏ tâm sự lứa đôi như vùng chợ Giồng, Bến Lức, Long An:

Đèn nào cao bằng đèn Ba Gác

Gái nào bạc bằng gái chợ Giồng

Anh thương em từ thuở mẹ bồng

Bây giờ khôn lớn em lấy chồng bỏ anh.

Thăm chợ đêm ở Giá Rai, Bạc Liêu, lại có thể chia sẻ những điều thầm kín, thanh tao của người ở ngay bên chợ mà tấm lòng không bị ma lực đồng tiền làm hoen ố: Đêm qua chợ sáng trăng rằm / Em đi ngang cửa anh nằm không yên / Thương em chẳng phải vì tiền / Thấy em lịch sự có duyên dịu dàng.

Đến Chợ Lách, Bến Tre, cũng có thể bắt gặp những nét đẹp tình cảm tương tự như thế: Khoan khoan buông áo em ra / Để em đi chợ kẻo hoa em tàn / Hoa tàn thì mặc hoa tàn / Mấy thuở gặp nàng nàng bảo buông ra?

Nền kinh tế thị trường đã khiến nhiều chợ quê đang mai một dần đi, thay vào đó là những phố thị, những chợ lớn và các siêu thị. Nhưng có một điều mà các chợ lớn hiện nay không thể có; đó là tình làng, nghĩa xóm, là bản sắc văn hoá nông thôn. Chợ quê một nét văn hoá đặc trưng và độc đáo của làng quê Việt. Hiện nay chúng ta đang xây dựng và khôi phục văn hoá làng với những phong tục tín ngưỡng của nó. Toàn bộ môi trường không gian, tập tục nhân văn ở các làng, trong đó chợ làng là một đối tượng di sản cần bảo tồn và phát triển, để những phiên chợ làng, chợ quê không chỉ là còn trong hoài niệm.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay