Posted 15 Tháng 9, 2008 THỬ LÝ GIẢI MỘT SỐ TẬP TỤC TRONG DÂN GIAN ( Kính báo cáo Sư phụ Thiên Sứ - như món quà Trung thu muộn ) I - BỎ NHỎ Một tối nọ tôi được anh B, người anh con bác kéo qua nhà chơi. Chị B mới sinh cậu con trai được gần 1 tháng. Hai anh em tính bàn chuyện tổ chức đầy tháng cho cháu. Vừa về tới cổng đã nghe tiếng thằng cu con khóc ngằn ngặt trong nhà. Chị dâu thì bồng thằng bé đi cùng khắp nhà trên xuống nhà dưới mà nựng, mồ hôi toát ra như tắm. Còn bác gái ( bà nội của bé ) tay cầm tờ báo đốt lửa hơ hoắng khắp nhà. Ông anh vứt xe nhào vô, cuống qúyt : « Bé bị sao, hay cho đi viện ”. Bà nội cháu lườm một cái và nói : « Anh cứ để đấy cho tôi, chả phải nhà thương bệnh viện gì sất hết » Còn ong anh tôi cứ cuống lên không biết đường nào mà lần.Tôi kéo cô con gái lớn của anh ra hỏi : “Nhà mới có khách phải không con”. ” Vâng ! chập tối có mấy cô ở cơ quan ba cháu ghé chơi thăm mẹ và em cháu” À ra thế lại chạm vía rồi đây. Không biết cô nào mà vía dữ thế nhỉ ? Khoảng muơi phút sau, thằng bé hết khóc và và chịu ngủ. Hai anh em kéo nhau lên gác làm bình trà ngồi tác dóc. Lúc sau bác gái lên theo. Bà ngồi thuyết cho ông anh một hồi :- Tôi đã bảo với anh rồi. Cháu tôi lúc còn trong cữ, không phải phiền anh cho báo cho người lạ đến thăm. Các anh các chị có muốn chúc tụng gì nhau, thì mời ra quán nhậu. Còn muốn thăm hỏi thì để hết cữ. Đấy chiều nay, cái cô H, cô K cơ quan anh đến chơi đấy. Người đâu mà vô ý vố tứ, cứ khen lấy khen để thằng bé . Mà mấy cái cô trông đẹp đẽ, thanh tú thế mà cái vía nó dữ vậy. Làm thằng bé khóc hết nước mắt. Tôi đốt lửa mà muốn bỏng tay, nó mới yên. Nặng vía như mấy cô này sáng ra có mua mở hàng cho ai thì người đó ế đến chiều. Các anh là lãnh đạo mà bố trí cái người này đi giao dịch hay khởi việc mới thì việc đó rồi cũng chẳng ra sao, không vướng này thì cũng mắc nọ. Các anh cứ đừng tưởng giám đốc với tổng giám đốc, học bằng này bằng nọ là đã biết hết việc đời đấy phỏng. Không biết nhìn người, dùng người cho nó chính thì có mà …..Đợi bà cụ đi xuống. Anh B mới khều tôi hỏi : - Anh thì chả tin mấy cái chuyện này lắm. Lúc nãy thằng cu khóc quá mình cũng sốt ruột, hỏi mẹ nó thì mẹ nó bảo không có biểu hiện gì bất thường ( chị dâu tôi vốn là bác sĩ ) mà không hiểu tại sao nó dữ khóc thế. Không biết bà cụ làm thể có tác dụng thật hay chó ngáp phải ruồi. Bữa nay bị vố thế này, bữa tới đầy tháng bà cụ không cho tổ chức rình rang gì đâu. Chắc anh em mình phải đổi gió thôi. Mà bà cụ lại lôi chuyện cơ quan của mình vào nữa chứ . Trong tổ chức công việc của cơ quan thì anh không dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến gia đình. Nhưng với cô H anh đang cất nhắc lên làm trưởng phòng kinh doanh, còn cô K là trợ lý của anh. Toàn là đối tượng thân cận, mà bà cụ có ấn tượng như vậy rồi, biết đâu lại tác động đến chị chú nữa. E là lúc nào không ý tứ dễ làm thất thố đến người ta. Rắc rối quá. Thấy chú cũng lọ mọ nghiên cứu về lý học, chú có ý kiến gì về việc này. !?Lúc đó tôi cũng không có gì để giải thích cho anh hơn là : Ngày xưa các cụ quan niệm và làm như thế. Anh em trao đổi thêm một chút rồi kết thúc câu chuyện.Ra về rồi mà lòng cứ băn khoăn mãi : Hồn và Vía là cái gì mà có lúc rắc rối và nghiêm trọng vậy nhỉ.Nhớ ngày tôi còn nhỏ. Mỗi sáng mồng một Tết , Mẹ tôi đều nhắc và cấm : Không được vào nhà ai chơi vào buổi sáng như những ngày thường. Khi đó chỉ biết đơn giản như vậy và tuân lệnh. Sau này lớn lên một chút biết chuyện xông nhà xông đất đầu năm. Tôi mới hỏi Mẹ: Tại sao Mẹ lại cấm con như vậy. Bà bảo : Tại mày nặng vía, mồng một đầu năm sơ ý mà đến “xông” đất nhà người ta, năm đó nếu gia đình người ta có chuyện gì xấu hay làm ăn trục trặc người ta chửi cho. Là do năm tôi lên 6 tuổi . Sáng mồng một Tết năm đó, theo thói quen hàng ngày tôi chạy thẳng sang nhà bà hàng xóm để chơi với lũ con cháu bà ta như thường ngày. Rồi chả hiểu nhà hàng xóm đó làm ăn làm sao. Nhưng bà cụ già chủ nhà thì cứ mỗi chiều, đều ra sân chửi đổng vọng sang. Ban đầu cha mẹ tôi cũng không biết. Sau thấy lạ quá , bèn đem chuyện đó hỏi một người hàng xóm khác. Họ mới cho biết. Bà cụ kia chửi mỗi chiều không phải chửi đổng đâu. Mà là chửi cái thằng tôi, vía nặng sáng mồng một Tết lại chạy vô “xông” nhà người ta , làm gia đình người ta làm ăn không được. Và cha mẹ tôi đã phải nghe chửi cả một năm thay tôi. Thế mới cay nghiệt chứ. Lại còn chuyện mua mở hàng mỗi sáng sớm. Mẹ tôi bảo : Ba và Mẹ tôi rất được nhiều người bán tạp hoá gần nhà nhờ mua mở hàng buổi sáng. Họ gặp mẹ tôi đều nhờ, sáng mai có đi làm thì ghé mua mở hàng giúp, vía ông ấy may măn bán hàng đắt lắm. Do hay mua mở hàng lên ông bà hay mùa được đồ rẻ. Vì ai nỡ bán đắt cho ân nhân bao giờ. Đôi khi tôi cũng được thơm lây, vì chiều về bà hàng hay gọi lại cho cái bánh hay vài cái kẹo và nhắn nhủ : Về nói với Mẹ mai ra mua mở hàng cho bà nhé.Còn riêng cái thằng tôi thì bị Mẹ cấm tịt chuyện mua mở hàng cho ai đó, vì nặng vía. Bởi vậy thời còn niên thiếu, khi biết mình có “thế mạnh” này, vì lý do nào đó mà tôi ghét bà hàng nào, thì sáng hôm đó tôi dậy thật sớm , khều vài hào trong con lợn đất tiết kiệm tiền mừng tuổi và hùng dũng đến mua mở hàng của bà đó để “ trả thù”.Chả biết có tác dụng gì không nhưng lúc đó lấy làm khoái chí lắm. Sau này lớn lên, có ý thức tôi thường tránh mua mở hàng cho ai đó buổi sáng. Rồi thói quen này dần dà tự nhập vào vô thức cho đến tận bây giờ. Ngày xưa nhà tôi có nuôi chó mèo cái ( Nên sẽ có cảnh chó đẻ và mèo đẻ). Hồi đó gần nhà tôi có bà L, bà này tính hơi " đồng bóng" - (vui giận bất thường ). Có 2 lần, khi con mèo nhà tôi sanh, thì bà ta tới chơi. Sau khi bà ta về là có chuyện : Con mèo mẹ cắn cổ chết hết mấy mèo con. Nó còn gầm gừ hung tợn như một con hổ đói. Mẹ tôi bảo đó là do bà L " vía" dữ quá. Những người vía dữ đến nhà có chó mèo mới sanh, chó thì thì tha con dời ổ. Mèo thì nhẹ cũng vậy, nặng thì nó cắn cổ mấy con con chết tươi - các cụ bảo là chạm ví mèo ăn thịt con!!!?Điểm qua những chuyện trên, tôi lẩn mẫn dò tìm hồn và vía là cái gì mà nó “gớm” thế. Tìm lại trong ngôn từ sinh hoạt đời thường thì Hồn – Vía xuất hiện kha khá. Dò tim trên mạng Internet, ở một số nơi có kiến giải về Hồn và Vía nhưng tôi thấy chưa thoả đáng cho lắm và e có nhầm lẫn hoặc bị hiểu “nghiêng đi một góc” . Càng lần mò vào thì càng phát giác ra nhiều điều thú vị trong ngôn ngữ và tập tục dân gian xung quanh Hồn - Vía. Tự coi như một sự thử giải mã. Trước là một sự đóng góp nho nhỏ cho sinh hoạt thường kỳ của Trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương. Sau là sự góp vui cho đến các thành viên đang sinh hoạt trên diễn đàn vanhienlacviet.org lúc tửu hậu trà dư.Trong quá trình biên soạn ít nhiều có những sơ xuất về kiến thức. Phần nữa là do bận “cày cuốc” mưu sinh lên thời gian đánh máy và biên tập có nhiều hạn chế . Do vậy không thể tránh khỏi những thiếu sót về ngữ pháp, văn phạm….Rất mong được các bậc tri túc vui lòng chỉ giáo.CÔNG MINHTháng 8 năm Mậu Tí .Viết trong không khí chưa đến trung thu mà bánh trung thu được bày bán rầm rầm ngoài đường từ đầu tháng 7 âm lịch. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 15 Tháng 9, 2008 HÔN VÀ VÍA I - "HỒN" VÀ "VÍA" TRONG ĐỜI SỐNG :Theo phong tục Việt Nam, người xưa quan niệm người ta sinh ra có thể xác thì có hồn vía, đàn ống ba hồn bảy vía, đàn bà ba hồn chín vía. Trẻ sơ sinh khi có người vía dữ tới thăm thì khóc không thôi, có khi phát sốt phát rét. Trong trường hợp này, người nhà phải đốt vía. Có khi vì quá sợ hãi bất thần như bị ngã, bị kinh động… đứa trẻ có thể bị mất vía, hoá ra ngớ ngẩn, lúc ngủ hay giật mình. Muốn đứa bé trở lại bình thường, phải làm lễ chuộc vía. Một số nơi khi gia đình có người chết, trước khi nhập quan phải cử người nhà cầm áo người chết leo lên mái nhà đi lối đằng trước hú vía : “ ba hồn bảy vía ông … ở đâu, về với con “ hay “ Ba hồn chín vía bà … đâu, về với con. Đoạn trèo xuống lối đằng sau, cầm áo ấy phủ lên thây. Một phần có ý cầu cho người ấy sống lại. Phần để kiểm tra lần cuối xem đã đúng là chết thật chưa, thì mới cho tiến hành thủ tục tẩm liệm. Trong tản văn NGUYỄN VIẾT CHỘP của nhà thơ Trần Đăng Khoa, có miêu tả rất sinh động hình ảnh này “….Ông cụ thân sinh lão Chộp có đến 5 người con, ba trai, hai gái, trong cứ đều thau tháu, đẹp như tranh vẽ. Chúng chỉ bị đậu mùa nhì nhằng. Vậy mà rồi ai ngờ, chúng cũng lại cướp công cha mẹ, chúng theo nhau đi hết. "Hú ba hồn chín vía cái Gái ở đâu thì về...". "Hú ba hồn bảy vía thằng B… Khoăm ở đ âu thì về với chị, với em nhớ...". "Hú ba hồn chín vía...". Đêm nào, làng cũng cồn lên những tiếng hú hồn như thế. Tiếng hú eo éo, rờn rợn trên những tán cau, bụi chuối đen ngòm, vọng từ cổng đồng vào đến từng ngõ xóm tối sẫm, hun hút mưa phùn gió bấc và rông rốc tiếng chó sủa, rồi lại từ ngõ xóm vòng ra ngoài cổng đồng. Những người đàn bà lớn tiếng, cả hơi đều được sung vào đội quân hú hồn. Thỉnh thoảng cũng có đứa tỉnh lại. Ấy là hồn chưa đi xa, chưa bị lú đường, còn nghe được tiếng hú gọi mà lần về nhập vào xác. Còn nhiều đứa hồn đã lìa, mà không kịp gọi ngay là coi như đi đứt. Chúng đã bị Giời bắt. Bà đồng Hỷ khoát tay quả quyết vậy.”Đấy là thời xưa còn thời nay thi sao.? Thỉnh thoảng trong giao tiếp chúng ta thường bắt gặp những câu chuyện nói về những đúa trẻ mới sinh. Một số người có câu cửa miệng là “trộm via” như : “ trộm vía thằng bé, nó ngoan lắm bác ạ” hay “ trộm vía con bé, chứ nó giống mẹ như đúc da cứ trắng bóc như trứng gà bà ạ “. Trong giao tiếp hay bắt gặp câu đe nẹt : Liệu hồn , giờ hồn, liệu cái thần hồn..... VD: Cô giáo bảo học sinh : " các cô các cậu đi về lớp đi, còn đứng đó láo nháo làm mất trật tự thì cứ liệu " hồn " đấy ! " Còn chuyện đốt vía thì đủ kiểu : Đốt vía dữ cho trẻ nhỏ như câu chuyện đã kể ở trên. Trên webtretho có một topic của các bà mẹ trẻ trao đổi về chuyện đốt vía cho con, một nick tên là S.. có lời tâm sự rất “thú vị ” : “ Mình cũng (định) chả tin vụ này đâu nhưng mà mấy lần con nó khóc dữ quá, dỗ thế nào cũng không được, gọi điện cho đứa bạn cũng có con nhỏ, chồng lại là bác sĩ nhi, nó bảo: không đói, bỉm sạch thì chả có gì phải lo, cứ đốt vía, hơ, hóa ra chồng là bác sĩ nhi mà vợ vẫn đốt vía khi con khóc đấy. Mình làm theo, cu cậu nín thật, chắc 1 phần cũng tại nhìn thấy lửa lạ lạ nên mải tập trung vào chuyên môn nhìn quên mất chuyên môn khóc “Nếu có thời gian rảnh, vào các buổi sáng thử rảo qua các chợ, chúng ta dễ bắt gặp cảnh các bà, các cô cầm tờ báo đốt lửa hua hua khắp gian hàng của mình. Họ đốt vía người mở hàng hoặc người vào trả giá rồi không mua, khiến cửa hàng của họ bị ế ẩm. Trong văn học chúng ta cũng dễ bắt gặp thành ngữ kinh hồn bạt vía hay hồn xiêu phách tán, hồn vía lên mây ….. để miêu tả cái sự hoảng sợ của con người. “Đánh trận một hồn xiêu phách tánĐánh trận hai tan tác chim muôngTrận ba thân thể … trần truồng ” (ý là không còn mảnh giáp ) Hồn vía đôi khi còn được sử dụng ví von như cái tinh tuý của một người, một đối tượng nào đó “ Những câu thơ vừa nhặt nhạnh được trên đây theo tôi là những "câu thơ hồn vía" của Lê Khánh Mai. Và tôi tin rằng đó là những câu thơ hay của Lê Khánh Mai và của thơ hiện nay ” - T.V.S(TC Sông Hương số 155 tháng 01/2002)“ Trong những năm tháng xa quê, Tấn vẫn luôn lưu giữ hình ảnh Nhuận Thổ với vẻ đẹp tươi sáng của tuổi thơ hay chính là lưu giữ hình ảnh quê hương. Nó là vùng sáng quê hương, hồn vía quê hương” – ( Trường trung học cơ sở thái thịnh - Chào mừng các thầy cô về dự hội giảng giáo viên giỏi năm học 2006-2007- Giáo viên thực hiện: Phạm Thị Linh- Cùng Tập thể : Học sinh lớp 9A Mục kiểm tra bài cũ )Vây hồn vía hay hồn phách là gì mà gớm ghê thế nhỉ ?*/ Theo Đào Duy Anh trong "Việt Nam văn hóa sử cương", (xuất bản 1938), Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Tháp (tái bản năm 1998) , thì : Hồn là cái linh phụ vào phần khí của người, là phần khinh thanh, người ta chết thì bay lên không; còn phách là cái linh phụ vào phần hình của người, là phần trọng trọc, khi người ta chết thì tiêu xuống đất. Đàn ông có ba hồn phụ vào tam tiêu và bảy phách (vía) phụ vào thất khiếu, đàn bà thì có chín phách (vía) phụ vào cửu khiếu. Và chú thích: + Tam tiêu là miền miệng trên dạ dày gọi là thượng tiêu, miền giữa dạ dày gọi là trung tiêu, miền trên bàng quang là g ọi l à hạ tiêu. + Thất khiếu là bảy cái lỗ trên mặt: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, và miệng. + Cửu khiếu là thất khiếu với hai khiếu: lỗ sinh thực khí và hậu môn*/ Theo Hoàng Quốc Hải "Văn hóa phong tục", Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2005. chương "Việc tang việc hiếu" ghi rằng: Theo quan niệm cổ xưa, con người có 7 lỗ (thất khiếu) để hấp thụ vật chất, tinh thần mà trưởng thành. Bảy lỗ đó là : hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng. Đàn bà có thêm lỗ vú và lỗ sinh dục để đẻ và nuôi con. Khi hết chức năng sinh đẻ lại trở về thất khiếu (Phật giáo phân biệt các động vật cao cấp, hễ đã có cửu khiếu (9 lỗ) đều có thể tu Phật. Vì vậy, trong lịch sử có Tôn Hành giả gốc từ con khỉ. Cửu khiếu trong trường hợp này kể cả đàn ông và đàn bà tính theo thế ổn định : 2 lỗ tai, 2 lỗ mắt, hai lỗ mũi, miệng, lỗ sinh dục, lỗ bài tiết). */ Còn có quan niệm cho rằng con người ta, cả đàn ông và đàn bà, được coi là có chín cửa (cửu khiếu) để giao hòa với đại vũ trụ. Khi sống, cả 9 khiếu đều đóng hay mở theo những thời điểm phù hợp để con người hòa hợp được với đại vũ trụ, nhưng khi chết thì cả chín khiếu phải đóng lại để hồn có thể thoát ra từ trên đỉnh đầu lên trời (trở về với đại vũ trụ hay siêu thoát), tức là giúp cho hồn không bị siêu tán (tản mạn, phân tán), nhằm sau này có thể đầu thai trở lại làm người. Đàn ông được coi là dương, có tính chất thăng (lên cao) nhiều hơn nên phần hồn có lẽ tập trung ở phía trên nhiều hơn so với đàn bà là âm có tính chất giáng (trầm lắng) nhiều hơn. Do vậy, theo quan niệm của người xưa, khi người ta chết, đối với nam chỉ cần đóng 7 khiếu trên để hồn có thể bốc lên. Bảy khiếu của đàn ông đều ở phần trên của cơ thể nên đôi khi gọi là thất khiếu dương, còn đối với nữ phải là cả 9 khiếu, trong đó có 2 khiếu ở phía dưới (khiếu âm). */ Có cách giải thích nữa là : Xưa nay, người bình dân chỉ quan niệm giản đơn rằng, người ta sống là do có tinh thần tức là “hồn vía” nhập vào thể xác. Khi hồn vía lìa khỏi xác thể thì cũng là lúc con người từ bỏ thế giới này mà về nơi “chín suối” với tổ tiên. Tất cả cái tinh anh khí phách của người đàn ông hợp thành ba hồn bảy vía, còn tất cả cái khôn ngoan tháo vát ở người đàn bà hợp thành ba hồn chín vía. Chính vì thế, ở dân tộc Kinh, mỗi khi có người ốm “thập tử nhất sinh” hoặc bị tai nạn “bất tỉnh nhân sự”, tính mạng bị đe dọa thì người ta thường trèo lên mái nhà hoặc chạy ra ngã bảy, ngã ba mà vừa đi về và vừa gọi hồn vía người bị nạn để mong cho họ đừng “bỏ đi” xuống “suối vàng”. Hoặc giả, nếu họ có chết thì hồn khỏi bị lạc đường, bơ vơ dễ sa vào bàn tay bọn ma quỷ “vô lại”, làm công cụ để hại người lương thiện. Sự gọi hồn ấy, tuỳ theo người bị nạn là nam hay nữ mà gọi ba hồn bảy vía hay ba hồn chín vía.Đồng bào dân tộc thiểu số cũng có quan niệm về hồn vía như trên, có điều hồn vía được phân biệt thêm là có vía lành, vía dữ. Khi chết, vía lìa khỏi xác và hồn đi sau cùng. Người Tày, Nùng không gọi hồn như người Kinh, người ta tổ chức hát then, cúng tế để gọi hồn người chết về.Nhưng nguyên do của ba hồn bảy vía và ba hồn chín vía là ở đâu? Tại sao đàn ông lại chỉ có “bảy vía” mà đàn bà lại “chín vía”?Đó là những câu hỏi không dễ giải thích ngọn ngành, chỉ biết rằng từ xưa người Việt đã có quan niệm và xử sự như vậy.Tìm về với tôn giáo, chúng ta thấy sáng rõ được nguồn gốc của quan niệm trên. Thật ra, đó là xuất phát từ quan điểm duy tâm của Đạo Giáo. Theo kinh sách của Lão Tử, hồn là cái linh, thuộc vào phần khí của con người, phách (vía) là cái linh, phụ thuộc vào phần hình của con người. Hồn là phần khinh thanh (nhẹ) phách là phần trọng trọc (nặng). Vì vậy, khi nguời ta chết, hồn bay về trời, còn phách thì tiêu xuống đất theo thể xác. Hồn thì tồn tại mãi mãi, phách và xác thì sẽ tiêu tan. Đàn ông và đàn bà đều có ba hồn phụ vào tam tiêu (tam tiêu là ba miền thượng tiêu là phần trên dạ dày, trung tiêu là miền giữa dạ dày và hạ tiêu là miền trên bàng quan), song chỗ khác nhau giữa đàn ông và đàn bà là: Đàn ông có ba hồn và bảy phách phụ vào thất khiếu (thất khiếu là bảy lỗ trên mặt: hai mắt, hai tay, hai mũi và miệng), còn đàn bà có ba hồn và chín phách phụ vào cửa khiếu là thất khiếu + lỗ sinh dục và hậu môn). Quan niệm về hồn vía ở trên, không ai khác, chính là do các bậc nho học truyền bá và ảnh huởng sâu rộng trong dân gian đến mức người ta chỉ còn biết cái ngọn của nó và tin theo, làm theo.*/ Theo Bạch Liên trong bộ “ Con người là ai xuống cõi trần làm chi “ Nhà xuất bản Tùng thơ năm 1949 lại phân con người gồm có Xác thân, cái hồn, cái vía,cái phách,cái trí . Trong đó cái Vía và cái Phách được mô tả như một trường sinh học bao phủ xung quanh con người …….*/ Trong cuốn "Bí Ẩn Sau Cõi Chết " ông Ðoàn Văn Thông có giải thích và ghi chú tại sao "nam thất nữ cửu," nghĩa là đàn ông chỉ có bảy vía mà đàn bà lại có đủ chín vía? Nếu ta chấp nhận theo ý nghĩa xưa - không hẳn đúng với sinh lý học (physiology) hay giải phẫu học (anatomy) ngày nay vì lẽ dễ hiểu khoa học chính xác chỉ mới có 5, 10 thế kỷ gần đây - những khí hay hơi, hay vía, hay phách phải thoát ra từ những lỗ (chữ Nho là khiếu) thì con người có cửu khiếu, chín lỗ hổng, đó là: hai mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, một miệng, một lỗ tiểu, và một hậu môn. Vậy tại sao nam chỉ có bảy và nữ lại đến chín? Nơi đây một lần nữa, ta coi chừng ý nghĩa của từ và lối dùng từ (với nhiều nghĩa tương đồng) của văn hóa Trung Hoa (và Việt Nam), chẳng hạn khi dùng số 5, có khi 5 không phải là số lượng, 1, 2, 3, 4, 5, mà có thể là thổ, đất hay trung tâm v.v... và chẳng có gì nghịch lý (theo lối suy nghĩ này) là 10 cũng là thổ v.v... Với thời gian và thói quen, người ta dùng lầm chữ này qua chữ khác, như khi nói nam, ta dịch ra là đàn ông, nói nữ dịch ra là đàn bà, phụ nữ, quên là trong bối cảnh nhất định, nam là dương, nữ là âm. Thay vì nói: nam bảy vía, nữ chín vía; ta đặt lại: bảy vía dương, chín vía trong đó có hai vía âm, chúng ta có thể hiểu "câu thai" ấy. Nói người đàn ông không cò và lỗ thì thật là nghịch lý đời, nhưng ta có thể chấp nhận: có thất khiếu thuộc dương vì ở trên đầu (phía trên), vì hướng lên (mắt, tai, mũi, miệng) và hai khiếu kia thuộc âm (không phải chỉ thuộc phụ nữ) là ở dưới thấp, hướng xuống dưới. Một nhà nghiên cứu Dịch học tạm thời chấp nhận giải thích trên. Cũng có thể có những lối giải thích khác rõ ràng và thực tế hơn. (Theo giải thích của học giả Cung Giũ Nguyên). Những cách giải thích trên theo tôi chỉ mới miêu tả hiện tượng dân gian, còn thiếu sót và đơn giản trong cách giải thích. Lại có những phần lại tự “đặt” vì mục đích khác. Vậy hồn vía hay hồn phách là gì ?Tại sao nam ba hồn bảy vía, nữ ba hồn chín vía ?Tại sao lại có thành ngữ : Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh ?Tại sao lại nói ” trộm vía” và chạm vía ?Tại sao lại là đốt vía chứ không phải rửa vía ?Tại sao lại có Hồn Xiêu Phách tánTại sao lại nói to gan lớn mật và ngược lại là nhát gan ?Tại sao có thành ngữ thần hồn nát thần tính ?Và nhiều abc khác ....CÔNG MINH Share this post Link to post Share on other sites
Posted 15 Tháng 9, 2008 II – HỒN VÍA ( PHÁCH ) !!! Xuất phát từ Đạo gia (Đạo Lão ) Đạo của những người tu tiên. Khái niệm hồn phách xâm nhập cuộc sống dân gian. Vía chính là Phách theo cách gọi của người Việt. 1/ Hồn vía (phách) là gì ? Tại sao nam ba hồn bảy vía, nữ ba hồn chín vía ? Đạo gia quan niệm con người ta khi còn sống có thân (xác) trú trong thân xác đó có thần, hồn, phách, ý và trí. Vụ Thành Tử chú ”Thái Vi Linh Thư ” viết : Người ta hồn có ba, là : Sảng Linh 爽 靈, Thai Quang 胎 光, và U Tinh 幽 精. Mỗi tháng cứ ngày mồng 3, 13, 23 là hồn lìa thân xác đi chơi, phải biết phép nhiếp hồn. Tam hồn Phách có bảy, là: Thi Cẩu 尸 苟 Phục Thỉ 伏 矢, Tước Âm 雀 陰, Thôn Tặc 吞 賊, Phi Độc 非 毒, Trừ Uế 除 穢, và Xú Phế 臭 肺. Mỗi tháng các ngày Sóc 朔 (Mồng 1), Vọng 望 (15) Hối 晦 (30), là phách lưu đãng, giao thông với quỉ mị, cần phải biết phép hoàn phách. Thất phách Hồn là Dương thần, Phách là âm thần cư trú trong cơ thể con người. Sách Nội kinh nói : “ Hồn Phách đầy đủ mới thành hình người ”. Tiết Bạch Sinh chú : “ Khí và hình thịnh thì hồn phách thịnh; Khí và hồn suy thì Hồn Phách suy. Hồn là sự rạng rỡ của Phách, Phách là gốc gác của hồn. Phách là âm chủ về tiếp nhận và cất trữ, nên Phách có thể ghi nhận sự việc. Hồn thì dương chủ về sử dụng, nên Hồn có động tác và phát huy. Cả hai Hồn và Phách không thể xa lìa nhau. Tinh tụ thì Phách tụ; Khí tụ thì Hồn tụ, tạo thành cơ thể con người. Đến khi tinh kiệt thì Phách giáng, khí tán thì Hồn rong chơi bên ngoài ( thân thể ) mà không biết nơi nào …” Chu Tử nói : “ Không có Hồn thì Phách không thể tự tại, khiến người ta đa tư lự. Hồn nóng Phách lạnh, Hồn động Phách tĩnh “ Và như giải thích của Đào Duy Anh : Hồn là cái linh phụ vào phần khí của người, là phần khinh thanh, người ta chết thì bay lên không; còn phách là cái linh phụ vào phần hình của người, là phần trọng trọc, khi người ta chết thì tiêu xuống đất. Ngoài ra trong Tiên học diệu tú của Lý Lạc Cầu đã cho đến 10 thuyết khác nhau về hồn phách. Tuỳ theo mỗi ngữ cảnh cụ thể mà khái niệm hồn phách khác nhau. Tóm lại có thể hiểu nôm na là : Hồn và Phách( Vía) là hai dạng thần thể cư ngụ trong thân xác con người ta. Khi còn sống Hồn Phách còn, khi chết đi Hồn bay lên( thăng) phiêu du đâu đó. Còn Xác thân và Phách thì tiêu tan. Vì vậy trong dân gian mới có hiện tượng lên đồng gọi hồn, cầu hồn người chết chứ không có gọi phách, cầu phách người chết bao giờ. Từ khái niệm Hồn có ba (Sảng Linh, Thai Quang, và U Tinh) và Phách có bảy ( Thi Cẩu, Phục Thỉ, Tước Âm, Thôn Tặc, Phi Độc, Trừ Uế, và Xú Phế ) mới nói người ta có ba hồn bảy vía l à như vậy . Một thuyết nữa là theo Chu Tử toàn thư nói : “ Hồn thuộc Mộc, Phách thuộc Kim” cho nên nói tam hồn thất phách là vì đó là độ số của Mộc và Kim? Còn nói Nam có ba hồn và bảy vía do phụ vào thất khiếu, Nữ có ba hồn và chín vía do phụ vào cửu khiếu. Thì dò tìm trong các tài liệu về Đạo gia chưa thấy khái niệm như vậy. Giả thuyết được đặt ra là. Các đạo sĩ phần đa ( hầu như toàn bộ) là nam giới, nên họ chỉ khám phá con người nam giới. Còn con người của nữ giới bị bỏ ngỏ. Và các cụ nhà ta phát giác ra điều này ? Theo nhận định của người viết thì người xưa có nhầm lẫn ở chỗ này. Trên cái thân con người có Cửu khiếu ( 2 mắt, 2 lỗ tai, 2 lỗ mũi , 1 miệng, lỗ sinh dục và hậu môn ) đó là cửa ngõ của ngũ tạng và thân thể giao thông với bên ngoài. Vụ Thành Tử chú : “ Thái Vi Linh Thư “ đọan về hoàn Phách như sau : Vào nửa đêm các ngày mồng một và rằm của mỗi tháng , 7 Phách lêu lổng bên ngoài thân ta, chơi bời với bọn qủy mị . Cách kiểm soát, chế ngự và gọi Phách về ( hoàn Phách) là vào những đêm đó phải nằm ngửa , duỗi chân, hai bàn tay che bít hai lỗ tai và để các ngón tay tiếp xúc với gáy, bế hơi thở 7 lần, gõ răng vào nhau 7 lần, tập trung tư tưởng vào đầu mũi. Luồng khí trắng lớn bằng hạt đậu nhỏ , rồi lớn dần dần che kín thân thề trên dưới 9 lần. Khí này bỗng nhiên biến thành 2 con rồng xanh ở 2 mắt và hai cọp trắng ở 2 lỗ mũi, tất cả đều hướng ra ngoài. [ và khí này cũng] biến thành con chim đỏ ở trên tim hướng ra ngoài cửa miệng người ta …….. Sao lại như vậy ? Do Hồn là Dương, Phách là âm. Theo quy luật Âm thăng Dương giáng lên Phách ( Vía) khi muốn xuất nhập ra ngoài cơ thể phải thông qua 7 khiếu bên trên. Chứng kiến một người ở trạng thái Hồn xiêu Phách tán sẽ thấy : Thân thể đờ ra, hai mắt thất thần trợn ra không chớp hoặc nhắm tịt lại đồng tử không động đậy, mồm miệng há hốc hoặc ngậm cứng ngắc, hai lỗ mũi trơ ra như không thở hoặc thở rất yếu, tai ù điếc đặc chẳng nghe thấy gì ( nhiều người quật ra mà y học gọi là ngất xỉu ) Với người nam chỉ có như vậy. Còn đối với người nữ có một biểu hiện nữa là hai núm vú teo cứng và thâm lại. Cách quan niệm 9 vía của người Nữ do phụ thêm 2 khiếu bên dưới ( lỗ sinh dục và hậu môn ) không thuyết phục bằng quan niệm thất khiếu cộng 2 núm vú ( mặc dù là nhầm lẫn ). Vì thứ nhất người nam cũng có 2 khiếu đó ( mà nam mới đúng là 9 lỗ, còn nữ đúng ra là 10 lỗ chứ không phải là 9 ) Thứ 2 theo qui luật âm thăng dương giáng , nếu khi Phách mà tán xuống dưới, đó là ngược qui luật thì chỉ có chết. Chu tử Toàn Thư nói :” Lúc người ta sắp chết hơi nóng đi lên gọi là Hồn thăng. Còn dưới thân thể dần dần lạnh, đó là Phách giáng” Người chết thân xác lạnh từ chân lạnh dần lên, bởi vậy các cụ ta xưa nói sống từ trên sống xuống, chết từ dưới chết lên là như thế. Do từ xưa Đạo giáo( Đạo Lão) dù vào nước ta nhưng không xâm nhập nhiều vào đời sống nhân dân. Những người biết đến đạo Lão thường là phần nhiều các bậc Nho học vậy. Ý tứ của Nho thì thâm xa, nhân dân dễ hiểu một cách phập phù. Từ đó dẫn đến những nhầm tưởng từ biểu hiện , từ hiện tượng dễ quy hành bản chất, nên nhầm giữa “cửa ngõ lưu thông” và biểu hiện lúc Phách tán như nói ở trên mà cho rằng 7 vía của nam là phụ vào thất khiếu bảy vía của nữ phụ thuộc vào thất khiếu + 2 núm vú là như vậy. Riết rồi thành thói quen rồi thành "thật" là như vậy. Thậm chí có quan điểm cho là : Bảy vía chính là bảy trạng thái Thất tình ( hỉ nộ ái ố ....) của con người. ??? Giống như ở thời nay, người dân ta quen miệng hay gọi tất cả những xe gắn máy đều là xe HonDa. Là vì xe gắn máy hiệu Honda có một thời kỳ quá phổ biến và quen thuộc trong đời sống nhân dân. Và tất cả xe hiệu Yamaha hay Suzuki đều được gọi là xe HonDa tuốt. Ở miền nam Việt Nam, có một thời kỳ người dân gọi bia là La-zde. Bởi vì hãng bia nhãn con cọp hiệu Lareu vào miền nam đầu tiên và rất phổ biến hồi đó. Người ta không gọi cái thứ dung dịch quyến rũ đúng tên là bia mà là la-zde. Lâu dần thành quen “chiều nay anh em ta đi lai rai vài chai Laser …..Sài Gòn đỏ hử ” !!! Theo tôi thì ngừơi ta Nam như Nữ chỉ có 3 Hồn Và 7 Vía thôi. CÔNG MINH Share this post Link to post Share on other sites
Posted 15 Tháng 9, 2008 2/ Tại sao nói là ba chìm, bảy nổi : Thành ngữ ba chìm , bảy nổi thường được dùng để chỉ (ví) tình trạng, hoàn cảnh không ổn định, vất vả, lên xuống ( thăng trầm) của con người hay một đối tượng nào đó. Có lời giải thích ba chìm bảy nổi là : Ba và bảy là hai số đếm. Khi tham gia tổ hợp, chúng biểu tượng số lượng không phải một, cũng không phải ba hay bảy cụ thể …. Vậy tại sao không là năm chìm bảy nổi hay bốn chìm sáu nổi ….? Cũng là số lượng không phải là một, cũng là không phải là bốn hay sáu cụ thể ? Thật ra đây là ẩn ngữ cho trạng thái âm dương của Hồn Vía ( Phách) mà thôi. Như đã nói ở trên 3 Hồn là Dương – Dương giáng( trầm), nên gọi là 3 chìm. 7 Phách là âm – Âm thăng, nên gọi là nổi. Xem bức tranh minh hoạ sau ta sẽ thấy rõ ẩn ý đó Tam hồn thất phách Rồi cũng do cách quan niệm nam 7 vía , nữ 9 vía như đã phân tích ở trên lên mới có trạng thái : chín lênh đênh nữa ( lênh đênh là nửa chìm nửa nổi ) Phải chăng vì cái chín lênh đênh này mà người xưa có trường hợp kiêng kỵ : Khi xuất hành rất kiêng trường hợp ra ngõ gặp gái. ? “ Xui quá! Sáng nay ra ngõ gặp gái chả được cái việc gì” Không phải là ngày xửa ngày xưa nữa, mà ngày nay không thiếu người trước khi xuất hành ra khỏi ngõ đi xa, đều phải cử người nhà ra chông chừng khi nào không thấy đàn bà con gái xuất hiện trưíơc ngõ mới hú lên gọi người trong nhà bước ra. Rõ : Ba chìm, bảy nổi chín lênh đênh ??? ( còn tiếp) Share this post Link to post Share on other sites
Posted 16 Tháng 9, 2008 3/ Tại sao lại phải ”trộm vía” khi nói về trẻ con. Thế nào là chạm vía ? Trong tập tục kiêng kỵ dân gian, chê đứa bé xấu xí thi người ta thường tránh vì lý do tế nhị và lịch sự. Còn khen ngợi những cái tốt của đứa trẻ, nhất là trẻ sơ sinh người ta thường tránh (kiêng) khen trước mặt chúng thậm chi trước mặt bố mẹ chúng. Nếu buộc phải nói hay lỡ nói thì người ta dùng kèm câu « trộm vía ». Ví dụ : - Nói trộm vía chứ thằng cu nó ..............!!! Sao không nói là ” trộm hồn” mà lại là ” trộm vía” ? Theo Chương Lễ Tế ký ( trong Lễ Lý) nói : ” Khí là sự thịnh vượng của thần. Phách là sự thịnh vượng của qủy. Khí tức ý của hồn, cổ nhân thường hợp Hồn và khí làm một để nói ” Bởi vậy trong hình minh hoạ hồn phách của bộ Hùynh Đình Kinh (dẫn ở trên) mô tả 3 hồn là những hình người đạo mạo, nghiêm túc. Còn 7 phách là một lũ « đầu trâu mặt ngựa » hình thù cổ quái. Hồn xuất khỏi xác chỉ ngao du. Phách xuất khỏi xác thì lưu đãng, giao thông với quỉ mị. Cũng sách Lễ ký trong Chương Lễ Tế Nghĩa nói : ” Tri giác của con người thuộc Hồn, hình thể con người thuộc Phách ” Với tính hồn là dương thì giáng nên trầm ổn . Phách là âm thì thăng nên linh động. Như vậy có thể hiểu hồn có tính chín chắn, nghiêm túc … khó bị tác động. Còn phách thì lông bông,hời hợt … dễ bị tác động và còn thích tác động. Nói 7 Phách là thất tình (Hỷ - Nộ - Ái - Ố - Ai – Lạc - Dục ) là chưa đúng. Nhưng 7 Phách thích( muốn, dựa theo) thất tình thì phù hợp hơn. Bởi thế nên phần hồn khó ”chạm”, phần Phách thì dễ ”chạm” hơn. Nên chỉ chạm vía chứ không có chạm hồn. • Chạm vía là thế nào ? Là những trường hợp không thuận lợi, không hay xảy cho một đối tượng ( thường là người hay con chó con mèo…. như nói ở trên, ngoài ra còn có vật nữa ) khi có sự xuất kiện của người có vía dữ (vía nặng). Người ta ai thì cũng có vía rồi, nhưng ở một số người do bản chất cá nhân, hay do ảnh hưởng bởi môt vấn đề sức khoẻ nào đó cái Vía nó (dễ ) ” hung” lên, ”cuồng” lên bốc lên hăng hơn cả bản chất của nó. Trong môi trường nhạy cảm, hay trước môt đối tượng nhạy cảm, sức phản kháng yếu ( như trẻ sơ sinh, mèo chó mới đẻ, người chuẩn bị đi xa….) thì cái Vía ”hung” đó sẽ tác động không hay lên đối tượng thông qua Khí ( trường khí môi trường) , khiến đối tượng thấy khó chịu từ đó khiến đối tượng biểu hiện hoặc phản ứng bằng cách khóc thét ( trẻ con sơ sinh) ; mất khả năng kiểm soát trở lên hung bạo ( mèo mẹ cắn chết mèo con) hoặc chấp nhận sự thất bại ( hũ tương ) – Trong tập tục kiêng kỵ dân gianm, các cụ xưa thường không cho phụ nữ đến kỳ kinh vào tương ( bỏ đỗ tương lên men vào hũ ngâm thành tương hột, tương bần…) vì nếu như vậy chắc chắn các hũ tương đó đều bị thối. Ngoài ra người phụ nữ đến kỳ bẩn người còn bị kiêng nhiều việc khác nữa. Có thể là do người phụ nữ khi ở thời điểm này, cái Vía ( phách) trong người có sự biến động theo xu hướng tiêu cực. Từ đó khi tham gia vào các việc có tính nhạy cảm, cái Vía đó dễ làm hỏng việc. • Trộm vía : Do cái tính Vía ham vui, lông bông … như vậy nên trẻ con khi còn nhỏ Hồn, Ý và Trí chưa đủ lớn mà kiểm soát, chế ngự cái Vía. Khi người lớn khen ngợi thì : 1 – Cái vía dữ của người lớn dễ theo đó mà phát ra ”trường khí ” xấu tác động lên chúng. 2 - Bản thể cái Vía trong chúng (đứa bé) lại “ rạo rực ” lên trước cái khen ngợi đó. Tất cả hai yếu tố đều làm ảnh hưởng đến sự ổn định của đứa trẻ. Khiến nó khó chịu, khó ở, khó mau ăn chóng lớn …. Đúc rút từ các biểu hiện trong đời sống dân gian kết hợp với kiến thức Đạo giáo, người xưa thường kiêng khen điều gì hay ở những đứa trẻ. Hoặc có nói thì phải kèm " trộm vía' ( ý là nói lén, nói trộm, nói sau lưng.) Ngày nay, chuyện nói « trộm vía » vẫn khá lưu hành. Người miền Nam hay nói “ngược” khi khen ngợi trẻ con như : trông ghét thế, dễ ghét không. Thiết nghĩ ngoài cách nói lái, thì đây là cách nói tránh cũng hay. Thậm chí nhiều người dù khen , chê gì không biết nhưng cứ nói đến trẻ nít đều dùng trạng ngữ « trộm vía » còn rất kỹ lưỡng. Là vì ngày nay sinh sản hạn chế , trẻ con qúi như vàng (Ấy chết, nói trộm vía qúi như …ứt mới đúng :) ) 4/Tại sao lại là đốt vía chứ không phải rửa vía ? ( còn nữa ) Share this post Link to post Share on other sites
Posted 16 Tháng 9, 2008 4/Tại sao lại là đốt vía chứ không phải rửa vía ? Như lý giải ở trên, nhà có trẻ sơ sinh, sau khi có người vía "dữ" tới thăm bị chạm vía, thường khóc không thôi, có khi phát sốt phát rét. Trong trường hợp này, người nhà phải đốt vía. Hay những người buôn bán, vào đầu buổi sáng, nếu có người "nặng" vía mua mở hàng, hay vào hỏi han trả giá rồi đi. Để tránh bị ế ẩm suốt ngày đó, người chủ hàng cũng thường đốt vía. Tại sao không rửa mà lại đốt ? Chu Tử toàn thư nói : “ Hồn thuộc Mộc, Phách thuộc Kim” . Theo Ngũ hành sinh khắc muốn khắc chế Kim thì phải dùng Hoả. Bởi vậy muốn đuổi vía dữ, vía xấu thì tất phải dùng lửa. Bởi vậy mới có hiện tượng đốt vía chứ không phải là rửa vía. Theo dân gian, phép đốt vía cho trẻ khi bị chạm ví dữ như sau : Đơn giản thì dùng một mồi lửa hơ hơ khắp khu vực. "Truyền thống" hơn thì dùng 1 miếng nón lá cũ rách, 1 miếng giẻ quần hoặc gấu quần rách, bôi vào ít vôi tôi. Rồi quấn lại với nhau mà đốt. Tay khua mồi lửa đuổi vía đi, miệng thì đọc chú vài lần : "Đốt vía đốt vái, con giai đốt ..ái, con gái đốt ..ồn, ba hồn chín vía. Vía lành thì ở, vía dữ thì đi. Còn thắc mắc gì, tao thì tao …. đốt. Đốt vía đốt vái … " Có thể do quan niệm : Nón rách, giẻ quần và vôi tôi là những thứ cũ, bẩn và có tính khắc sát. Kết hợp với lửa cháy phừng phừng khiến vía dữ kinh hãi mà bỏ đi. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 16 Tháng 9, 2008 Tại sao lại nói Hồn xiêu Phách tán...? Share this post Link to post Share on other sites
Posted 16 Tháng 9, 2008 Anh Công Minh có đề tài này rất hay. Chờ anh post tiếp. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 17 Tháng 9, 2008 Cám ơn Phoenix đã quan tâm theo dõi. Do nay mai phải đi công tác xa. Ngày về tôi sẽ tiếp tục với những phát hiện khác nữa. Công Minh Share this post Link to post Share on other sites
Posted 17 Tháng 9, 2008 Cám ơn Phoenix đã quan tâm theo dõi. Do nay mai phải đi công tác xa. Ngày về tôi sẽ tiếp tục với những phát hiện khác nữa. Công Minh Phoenix cũng đang bận nhưng rất mong anh post tiếp để đón đọc. Kính anh sức khỏe! Share this post Link to post Share on other sites