phoenix

Văn-Minh Nước và Hàng-Hải Thời Cổ của Việt-Nam

2 bài viết trong chủ đề này

Văn-Minh Nước và Hàng-Hải Thời Cổ của Việt-Nam

(Nước, Yếu-tố Văn-hoá Căn-bản của Dân-tộc)

Bài Tựa Cuốn Sách

Môi-trường đời sống thay đổi luôn luôn, nền văn-hoá dân-tộc cũng thay đổi. Tìm hiểu sự liên-hệ giữa môi-trường sinh-sống và nền văn-hoá của tổ-tiên ta trong quá-khứ là một việc làm thật cần-thiết.

Sách này trình-bày các đặc-tính của dân ta qua khía-cạnh hàng-hải. Việc nghiên-cứu cho thấy rằng dân-tộc Việt là giống dân tiên-phong của nhân-loại trong các sinh-hoạt hàng-hải.

Câu phát-biểu này có vẻ như chủ-quan hay giả-tưởng?

Khi cuốn sách này sắp hoàn-thành, có một người hỏi chúng tôi ý-tưởng như vậy có quá lớn lối không? Thú thực, chính chúng tôi đã từng tự hỏi mình như vậy. Cách đây bốn thập-niên,[1] khi chúng tôi khởi đầu việc nghiên-cứu đề-tài này, các tài-liệu liên-hệ đến cổ hàng-hải trong thư-viện Việt-Nam còn quá ít ỏi. Theo cách quản-lý sách vở thời đó, các tài-liệu loại này thường để riêng lẻ nên dữ-liệu xem ra không mấy giá-trị. Một số kiến-thức thu-thập được mới chỉ là những giả-thuyết, đang được kiểm-chứng.

Tuy vậy, dần theo thời-gian, trong những dịp di-chuyển đó đây, chúng tôi góp nhặt thêm nhiều tài-liệu mới và chứng-cớ về cổ hàng-hải Việt-Nam cứ tăng dần. Tổng-hợp lại, chúng tôi nhận thấy rằng thành-quả về hàng-hải của tiền-nhân chúng ta thật vĩ-đại. Dân ta đáng được kể là đi đầu trong mọi phát-minh về vận-chuyển[2] đường thủy thời cổ. Cuốn sách này ra đời nhằm trình-bày những kết-quả nghiên-cứu đó.

Sinh-sống tại một ngã tư quốc-tế, dân-tộc Việt có nhiều sinh-hoạt về văn-hoá thật là độc-đáo. Trong buổi bình-minh của nhân-loại, người Đông-Nam-Á mà trong đó đáng kể nhất là người Việt-Nam, đã đi đầu trong các sinh-hoạt hàng-hải. Nhiều phát-minh thời cổ về hàng-hải mới tìm thấy hồi gần đây đã được xác-nhận là của các dân-cư sinh-sống trong vùng Biển Đông. Theo một số nhà khoa-học, những công-trình này thật là vĩ-đại, những thành-tựu về vận-chuyển đường thủy đã thực-sự đóng góp rất nhiều cho văn-minh của nhân-loại.

Nhiều người trên thế-giới nghĩ rằng Việt-Nam nói riêng, hay Đông-Dương nói chung, là sản-phẩm của sự giao-tiếp giữa hai nền văn-hoá lớn Trung-Hoa và Ấn-Độ. Tuy vậy hai nền văn-hoá này chỉ mới xâm-nhập nước ta chừng hơn 2,000 năm trở lại đây. Nếu đem so-sánh với số tuổi của các nền văn-minh “nước” Hoà-Bình/Đông-Sơn khởi-sự từ mười mấy ngàn năm về trước thì văn-minh của cả hai nơi Trung-Hoa và Ấn-Độ đều muộn hơn rất nhiều.

Du-khách đến Việt-Nam để biết gì?

Hiển-nhiên, cả hai nền văn-minh Trung-Hoa và Ấn-Độ đã không bao giờ tiến-triển được đến cực-điểm tại nước ta.

Nếu du-khách muốn coi sự tiến-bộ của văn-hoá Trung-Nguyên và Khổng-giáo, họ sang Trung-Hoa.

Nếu du-khách muốn xem sự huy-hoàng của văn-hoá Ấn-giáo và Phật-giáo, họ sang Ấn-Độ.

Nếu du-khách muốn chiêm-ngưỡng những kiến-trúc vĩ-đại, họ sẽ thất-vọng vì người Việt-Nam vốn ảnh-hưởng “văn-minh nước” trọng nhân-bản, không bao giờ phí sức cho bất kỳ một công-trình xây cất nào quá tốn kém tài-nguyên và sinh-mạng con người.

Những điều đáng kể ở Việt-Nam là những sinh-hoạt đặc-thù Việt-Nam. Những nét văn-hoá này đã ra đời trước khi có Khổng, có Phật; chúng đẹp đẽ vô cùng và cũng đi trước thời-kỳ người Trung-Hoa và người Ấn-Độ xuất-hiện trên bán đảo Đông-Dương.

Một trong những nét đặc-thù Việt-Nam mà chúng tôi muốn giới-thiệu trong cuốn sách này là hàng-hải và văn-hoá liên-quan đến nước. Các sinh-hoạt của dân ta ngày xưa, ở ngoài biển, trong sông, trên mặt nước, dưới lòng nước, cạnh bờ nước đã tạo thành một thứ văn-hoá mà chúng ta có thế gọi là “Văn-hoá nước”

Trong đời sống Việt-Nam thời cổ, văn-hoá “nước” bao la như Biển Đông, bát ngát trải dài vượt cả ra ngoài chân trời và tầm hiểu-biết của con người. Theo Bernard Philippe Groslier, biển cả đã gợi ra trong trí óc người dân Đông-Dương cái ấn tượng về nguồn-gốc của muôn loài, một tâm-tưởng đến cả thế-giới trước khi khai thiên lập địa và cũng là nơi quê-hương cho người chết (tức tổ-tiên của họ) trở về.

Trên địa-bàn “nước” này, tiền-nhân chúng ta đã có những phát-minh đầu tiên về ghe thuyền. Bè, thuyền độc mộc, mái chèo, cánh buồm, bánh lái, cây xiếm... là một số nhỏ trong nhiều công-trình sáng-tạo làm tăng-tiến sự tiến-hoá của nhân-loại. Tuy mới thoạt nghe qua, chúng ta có thể nghi-ngờ; nhưng thật sự không phải hoàn-toàn vô-lý vì nhiều ít cũng có dẫn-chứng.

Bên cạnh các phát-minh đó, những màu sắc huy-hoàng của văn-hoá dân-tộc Việt: thờ kính tổ-tiên, nam nữ bình-đẳng, kính người già, giúp đỡ người yếu đuối hoạn-nạn, nặng tình quê-hương, nhân-loại bốn biển là nhà, trọng-nghĩa khinh-tài, không vì lợi mà phù-thịnh, yêu-mến thiên-nhiên, hiền-hoà nhưng can-đảm, kỷ-luật và cũng hiên-ngang như hình-ảnh của người thủy-thủ trước phong-ba, không sợ cả cái chết v.v...

Những nét đẹp của Việt-Nam không thể hiện qua vật chất, tất cả đều nặng về tinh-thần. Nhờ các ưu-điểm và sức mạnh tinh-thần như vậy, quốc-gia ta mới tồn-tại đến ngày nay.

Nhiều người Việt-Nam đã bỏ nhiều thời-giờ, có thể cả đời người, để nghiên-cứu, học-hỏi Khổng, Phật, Lão, Chúa Cứu thế, Kinh Dịch...

Tuy thế, chúng ta cũng cần phải “đầu tư” thêm nhiều nhân-lực và thời-gian để tìm hiểu về nền văn-hoá căn-bản của dân-tộc. Gạt bỏ ra ngoài những lớp sơn ngoại-lai phủ-lấp ở trên, nền văn-hoá bản-địa sẽ hiện ra.

Trong thời niên-thiếu của chúng tôi, một số người “trí-thức tiểu-tư-sản” Việt-Nam, được sinh ra từ những gia-đình “Cửa Khổng, sân Trình” tự cho mình may-mắn. Một số người khác nghĩ rằng phải vào đời “dưới bóng từ bi” hay “trong sự cứu-rỗi của Chúa”... mới là niềm hạnh-phúc. Cho đến nay, có thể thấy rằng điều may-mắn và niềm hạnh-phúc chung của toàn-thể người Việt chúng ta là cùng được thừa-hưởng một nền văn-hoá cổ xưa, thực-sự có tính-chất nhân-bản do tiền-nhân để lại.

Thứ văn-hoá đó mới nghe như lạ-lùng, chúng tôi xin gọi là nền “Văn-hoá Nước”.

Có người chưa từng nghe nói trong cái gia-tài quý-giá này lại chứa đựng một thứ lạ-lùng là nền Văn-hoá Nước.

Văn-hoá này lại rất cổ.

Sau hàng chục ngàn năm sinh-hoạt tự-do, vẫy-vùng trong trời nước Biển Đông, dân Việt đã chế-ngự thiên-nhiên, tạo-dựng nông-nghiệp, phát-triển hàng-hải, mang văn-minh đi khai-hoá khắp nơi, vượt cả hai đại-dương Thái-Bình và Ấn-Độ.

Thật là những khám-phá quý-giá nếu sau này chúng ta tìm lại được toàn-vẹn cái nguyên-lý đích-thực của nền Văn-hoá Nước kỳ-diệu này của tổ-tiên.

Buckminster Fuller, dù không phải là dân vùng Biển Đông, sau khi nghiên-cứu xong luận-án “Cơ-học Chất Lỏng”, đã hết sức thán-phục triết-lý sống của người dân nước, dân thuyền vùng Đông-Nam-Á. Fuller tin tưởng rằng triết-lý “nước” là con đường lý-tưởng nhất và ông còn mong-mỏi rằng vì sự sống còn của nhân-loại trong tương-lai, con người nên noi theo chân-lý “nước” để tiết-kiệm vật-liệu, năng-lượng[3] v.v...

Như các loài di-điểu bay về tổ cũ hay loài cá hồi bơi lại nguồn suối ngày xưa, người Việt chúng ta có Tổ, có Nguồn rất linh-thiêng để trở về. Quốc-gia Việt-Nam được chúng ta gọi là Nước Việt-Nam. Vậy Nước là Quốc-Gia, vớ đầy đủ cả lãnh-thổ, cả dân-tộc. Nguồn-gốc dân ta gắn liền với Nước, tức là địa-bàn Việt-Nam thời nguyên-thủy.

Người Việt-Nam chúng ta không thể nào mãi mãi vô-tình quên-lãng công-trình vĩ-đại của tổ-tiên trên lãnh-vực hàng-hải. Những thế hệ sau này cần bảo tồn, phát huy hay ít nhất cũng phải lưu-giữ, tiếp nối truyền-thống cao-quý ấy.

Chúng tôi thiết nghĩ rằng ngành giáo-dục Việt-Nam nên thêm một phần thuyết-giảng về văn-hoá “nước”, các bảo-tàng-viện Việt-Nam cần thiết-lập nhiều đồ-án trình-bày về khảo-cổ hàng-hải, lịch-sử hàng-hải, triết-lý dân-tộc liên-hệ đến “nước”.

Sách giáo-khoa sử, địa Việt-Nam không thể gọi là đầy đủ nếu không đề-cập đến hàng-hải.

Sách nói về văn-minh Việt-Nam hay văn-minh thế-giới mà không đả-động gì tới văn-minh nước của nhân-loại nói chung và văn-minh nước của dân ta nói riêng thì thật là thiếu-sót.

Một mảnh lớn hồn nước, hồn quê-hương Việt-Nam truyền qua nhiều thế hệ nằm ở đó. Yêu văn-hoá “nước” cũng là yêu nước, thương đồng-bào. Tìm hiểu để thấu-triệt văn-hoá “nước” nhiều hơn, chúng ta yêu Tổ-quốc nhiều hơn, thương dân-tộc hơn.

Sách bàn đến văn-hoá Việt-Nam cần thêm một phần giới-thiệu về sinh-hoạt của dân ta thời tiền-sử mà trong đó những sinh-hoạt sông nước biển cả và những tiến-bộ hàng-hải cần được đề-cập tới.

Nói đến hàng-hải thời cổ, chúng tôi mặc-nhiên đi vào cổ-sử. Theo ông Bình-Nguyên-Lộc thì “lịch-sử cổ-đại ít người để chân tới vì đó là một lĩnh-vực hóc búa, tư liệu quá ít nên phải học quá nhiều môn phụ-thuộc, thành thử chợ ế khách”...[4] Những kiến-thức hàng-hải dẫn-chứng trong cuốn sách này không nhiều, thường chỉ là những chi-tiết lặt-vặt rút ra từ các cuốn sách ngoại-ngữ Anh, Pháp, Đức, Tây ban Nha, Nga, Trung-Hoa...[5]

Trong tình-thế tranh-chấp Hoàng Sa, Trường Sa hiện nay. Thành-tích hàng-hải của tiền-nhân ngang dọc đại-dương chính là những tài-liệu chứng-minh hùng-hồn về chủ-quyền Việt-Nam trên Biển Đông

Trong cảnh tha hương, cùng đồng-bào tìm về nguồn cội, chúng tôi muốn đóng góp thêm ở đây một số ý-kiến mới về giả-thuyết nguồn-gốc dân-tộc Việt-Nam. Chúng tôi không dám quả-quyết những điều trình-bày trong cuốn sách này là hoàn-toàn chính-xác. Để vấn-đề này được thêm sáng-tỏ, xin bạn đọc tiếp-tục thảo luận và nghiên-cứu.

Nền văn học dân-tộc, theo đúng nghĩa phải phản ảnh các sinh-hoạt của dân-tộc ấy. Tuy vậy văn học nước ta đã có một khoảng trống quá lớn về hàng-hải. Ngày xưa, nền văn-hoá “nước” tiền tiến của nhân-loại đã khởi-sự tại vùng quê-hương chúng ta. Cho đến nay, sinh-hoạt sông biển vẫn tiếp-tục quan-hệ đến dân ta biết là nhường nào. Thế nhưng, văn học đã vô-tình lãng-quên.

Thật là buồn khi người nước ngoài đã khám-phá ra khá nhiều chi-tiết về nền văn-minh cổ hàng-hải của ta, mà chính chúng ta thì lại hoàn-toàn không hay, không biết. Kết-quả khảo-cứu chúng tôi trình-bày trong cuốn sách này được coi như viên đá tạm thời dùng lấp bớt khoảng trống văn học lớn lao đó.

Qua những chứng-tích của lịch-sử hàng-hải, chúng tôi tìm ra những niềm tự-hào dân-tộc[6]. Trong lãnh-vực này, thực-sự người Việt-Nam xứng đáng là bậc đàn anh của Trung-Hoa. Không những chúng ta đã đi trước người Trung-Hoa, mà rất có thể chúng ta đã vượt xa mọi dân-tộc khác về các tiến-bộ đã đạt được trong khi sinh-hoạt trên biển.

Chúng tôi mượn lời của Học-giả Trần Trọng Kim đề-tựa cuốn “Việt-Nam Sử-Lược” (in lần thứ nhất, Sài Gòn, 1971; q.1) để chép ra đây như lời trần-tình cùng bạn đọc:

“Bây giờ ta chưa có áo lụa, ta hãy mặc tạm áo vải, tuy nó xấu-xí nhưng nó có thể làm ta đỡ rét. Nghĩa là ta hãy làm thế nào cho những thiếu-niên nước ta ngày nay ai cũng biết đôi chút sự-tích nước nhà, cho khỏi tủi quốc-hồn. Ấy là cái mục-đích của soạn-giả, chỉ có thế thôi. Nếu cái mục-đích ấy mà có thể tới được thì tưởng bộ sách này là bộ sách có ích vậy”.

Sách này viết một đề-tài chưa bao giờ được khai-phá, trong khi đó, chúng tôi không phải nhà văn chuyên-nghiệp lại chẳng phải chuyên-gia nghiên-cứu toàn-thời, nên sự sai-sót không thể tránh khỏi. Kính xin độc-giả lượng thứ cho.

Vũ Hữu San

2005

[1] Sau khi tốt-nghiệp Trường Sĩ-Quan Hải-quân và hoàn-tất việc thực-tập hải-nghiệp, tác-giả có dịp thăm viếng Nhật Bản năm 1963. Khi thấy xứ này có nhiều viện nghiên-cứu hải dương, tác-giả nảy sinh việc tìm kíếm tài-liệu hàng-hải cổ Việt-Nam.

[2] Vào các thập-niên 1950, 1960: khi cán-bộ ngành hàng-hải được khởi-sự huấn-luyện tại Việt-Nam, danh-từ “vận-chuyển” là tên những môn học kỹ-thuật về điều-khiển chiến hạm hay thương-thuyền như vận-chuyển chiến-thuật, vận-chuyển cặp cầu, tách bến…

[3] Naga: Cultural Origins in Siam and the West Pacific” của Sumet Jumsai, Singapore, Oxford University Press, xuất-bản 1988, trang 174

[4] “Nguồn-gốc dân-tộc Việt-Nam” trang 70.

[5] Cuốn sách hoàn-toàn không mang tính “Sử”. Như Cố đạo L. Cadière thường nói: “Chúng tôi không có tham-vọng viết sử, chúng tôi chỉ lôi ra ánh sáng và thu-thập cho thật nhiều tài-liệu vững để dành cho các sử-gia đời sau.”

[6] Phàm đã là một dân-tộc sinh tồn trên hoàn vũ, đã có một cái lịch-sử chính đáng, thì phải gìn giữ những sự vẻ vang trong lịch-sử của dân-tộc mình, nghĩa là gìn giữ lấy những đức tính hay tốt mấy nghìn năm ông cha để lại, khiến cho nước nào, dân-tộc nào đối với mình cũng đem lòng kính trọng. Nói tóm lại, là một cái tính-chất của một dân-tộc đã trải lâu năm kết-tinh lại như hòn ngọc mài không mòn, như sắt nguội đánh không bể thì mới gọi là đạo-đức được. Lời Cụ Phan Chu Trinh (1872-1926).

Nguồn:http://vanhoanuoc.tripod.com

Share this post


Link to post
Share on other sites

Người Việt cổ vốn sống hòa hợp với tự nhiên, ngư dân thường xăm mình để các loài cá dữ không tấn công. Vậy người đã xăm mình để ngụy trang thì tàu thuyền sẽ ngụy trang theo cách nào? Rin86 để ý thấy ngư dân một số vùng tại Việt Nam vẫn giữ tục vẽ mắt cho tàu thuyền để dọa các loài cá dữ và người Hy Lạp cổ cũng vậy. Hình bên là một chiến thuyền Hy Lạp cổ và hình dưới là con thuyền của ngư dân Việt Nam. Posted Image

http://www.armchairgeneral.com/wordpress/w...19_d_VFX_07.jpg

NHỮNG CON MẮT THUYỀN

Posted ImagePosted ImageMắt ghe ở Nha Trang

NHỮNG CON MẮT THUYỀN

Từ cái nhìn uy nghiêm của những hình đầu rồng trang trí trên thuyền buồm lớn phương Tây thời cổ đại cho đến những con mắt hiền lành hai bên mũi những chiếc ghe đánh cá ngày nay ở biển Đông, đâu đâu ngư dân cũng coi con thuyền như một sinh vật sống động gắn bó với con người trên sông nước.

Tại Ai Cập - một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại - người ta đã phát hiện chiếc ghe vẽ mắt thần Orisis có niên đại cách đây hơn 4.500 năm. Còn ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, mắt ghe xuất hiện muộn hơn nhưng chậm nhất cũng đã có từ thế kỷ V trước Công Nguyên. Trong tác phẩm Voiliers d'Indochine (Thuyền buồm Đông Dương) xuất bản ở Sài Gòn năm 1943, J.B.Piétri cho rằng tục vẽ mắt thuyền ở Việt Nam có thể đã tiếp thu từ thuyền bè Ả Rập khoảng thế kỷ II sau Công Nguyên, khi ấy đường hàng hải quốc tế từ vùng Địa Trung Hải đến biển Đông đi qua nước ta đã sớm hình thành.

Ở Việt Nam có nhiều tục lệ được gắn với việc đóng và hạ thủy một chiếc thuyền. Ngày xưa ngư dân quan niệm rằng chiếc thuyền là con rồng đất. Trong khoang thuyền, người ta luôn mang theo một ít nước gọi là thủy hoạt dịch - được coi như linh hồn thuyền. Một khi thuyền đã có linh hồn thì con rồng đất ấy sẽ đạp sóng, cưỡi nước, thuận gió, xuôi buồm mà lướt trên biển cả.

Trong phần trang trí thì khâu quan trọng nhất là vẽ mắt ghe. Ngư dân tin rằng con mắt ấy sẽ giúp cho thuyền tránh khỏi bị thủy quái làm hại, đồng thời giúp họ tìm ra được nơi lắm tôm nhiều cá. Nếu như lúc dựng cột buồm đòi hỏi lễ cúng rất long trọng thì khâu vẽ mắt ghe mang ý nghĩa quyết định vì đây là nghi thức cần thiết để đem lại sự sống cho con thuyền. Trước đó phải coi ngày tốt, giờ tốt mời thợ đến vẽ mắt thuyền, sau đó dùng vải đỏ mới bịt che mắt thuyền lại. Nghi thức này gọi là lễ phong nhãn. Khi thuyền hạ thủy trong tiếng hò dô nô nức đẩy thuyền hòa lẫn tiếng trống, tiếng pháo rộn ràng, bấy giờ người chủ thuyền mới kính cẩn mở tấm vải đỏ che mắt thuyền ra. Nghi thức này gọi là lễ khai nhãn.

Sau những dịp nghỉ tết hoặc mãn mùa vụ, trước khi xuất hành ra biển làm nghề, ngư dân cũng phải vẽ lại mắt thuyền rồi làm lễ cúng xin đưa thuyền xuống nước và cầu sự may mắn cho cả năm.

Thời phong kiến, để tiện việc quản lý ghe thuyền, triều đình quy định màu sắc khác nhau sơn trên mũi ghe cho các tỉnh. Căn cứ vào hình dáng, màu sắc của mắt ghe và cách đóng mũi ghe, ta có thể biết được xuất xứ cũng như phạm vi hoạt động của thuyền bè ở từng vùng. Thuyền từ phía nam Bình Thuận trở ra Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam... có dáng mắt hẹp, đuôi mắt dài, tròng đen, nhãn cầu trắng vẽ trên nền xanh. Thuyền từ bắc Bình Thuận trở vô Sài Gòn, Vũng Tàu, Rạch Giá... có mắt mở to, hình tròn hoặc bầu dục, tròng đen, nhãn cầu trắng vẽ trên nền đỏ.

Kiểu dáng riêng của mắt thuyền phải chăng phản ánh mối quan hệ gắn kết giữa con người với môi trường sống, ở một nơi là dải đất hẹp miền Trung, bị chia cắt bởi các đèo, nằm kẹp giữa núi và biển, và một nơi là vùng đồng bằng Nam bộ mênh mông rộng mở, sông rạch chằng chịt và những cánh đồng lúa chạy hút mắt người. Như vậy, mắt thuyền không chỉ có giá trị trang trí mà còn thể hiện một quan niệm nhân văn chất phác của những con người lao động bé nhỏ luôn phải đối mặt trước những mối hiểm nguy từ người khổng lồ khó tính là biển cả.

(Bài đã in trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 637)

(trích dẫn từ blog nguyễnmannhiên http://blog.360.yahoo.com/blog-IlOpxZM_fLP...?cq=1&p=532)

Share this post


Link to post
Share on other sites