Thiên Đồng

Phong tục, tập quán, tín ngưỡng

6 bài viết trong chủ đề này

Tục ăn trầu xưa & nay 11:51' 29/08/2005 (GMT+7)

Tục ăn trầu đã đến với dân gian ta từ thời vua Hùng dựng nước, được lưu lại qua một câu chuyện tình không vui của đôi anh em cùng huyết thống và cô thôn nữ hiền lành. Một thắm thiết muộn màng, nhưng từ đây mãi mãi bên nhau, với “trầu xanh, vôi đỏ, cau vàng” trong sự tích trầu cau.

Posted Image

Đôi ta sang một con đò

Nhìn quanh vắng khách trao cho miếng trầu

Miếng trầu là đầu câu chuyện

Với tổ tiên ta, miếng trầu đã trở thành một nghi lễ thân mật để mở đầu một giao tế, một dịch vụ. Phong tục nước Việt ta xưa, miếng trầu luôn đi đôi với lời chào:

Tiện đây ăn một miếng trầu

Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là

Quí nhau mời trầu, còn ghét nhau thì "cau sáu bổ ra thành mười". Đặc biệt, xưa kia, "miếng trầu là đầu câu chuyện" giao duyên giữa đôi trai gái:

Posted Image

Trầu vàng nhá lẫn trầu xanh...

Lân la điếu thuốc miếng trầu

Đường ăn ở dễ chiều lòng bạn lứa

Trầu vàng nhá lẫn trầu xanh

Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.

Mời trầu mà không ăn thì trách móc nhau rằng "chiếu trải không ngồi":

Đi đâu cho đổ mồ hôi

Chiếu trải không ngồi trầu để không ăn.

Thưa rằng bác mẹ tôi răn

Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

Khi đã quen biết nhau, trai gái mượn miếng trầu để tỏ tình:

Từ ngày ăn phải miếng trầu

Miệng ăn môi đỏ dạ sầu đăm chiêu.

Một thương, hai nhớ, ba sầu

Cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi.

"Có trầu, có vỏ, không vôi" thì làm sao cho môi đỏ được, khác chi "có chăn, có chiếu không người nằm chung".

Cho anh một miếng trầu vàng

Mai sau anh trả cho nàng đôi mâm.

Yêu nhau chẳng lấy được nhau

Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già.

Posted Image

]Cho anh một miếng trầu vàng

Chỉ có "ba đồng một mớ trầu cay" nhưng không vì thế mà trầu bị rẻ rúng, ngước lại: "miếng trầu nên dâu nhà người".

Ngày nay ít ai ăn trầu nữa, nhưng theo phong tục khi gả chồng, ăn hỏi xong thì gia đình mang cau trầu sang biếu hàng xóm, bà con nội ngoại để báo hỷ. Miếng trầu, quả cau ngày nay trở thành tục lệ, tình tự dân tộc. Trầu cau là "đầu câu chuyện", là biểu tượng cho sự tôn kính, thường dùng trong các lễ hội, khi quan hôn tang tế... nên têm trầu cũng đòi hỏi phải có mỹ thuật. Lễ cưới phải có trầu têm cánh phượng, có cau vỏ trổ hoa...

Ăn trầu thì mở trầu ra

Một là "thuốc độc" hai là mặn vôi.

Đó là tính thận trọng của các cụ ta xưa trước tập tục bỏm bẻm nhai trầu. Người được mời trầu, trước khi ăn đều mở ra coi. Xem vôi nồng nhiều ít. Còn "thuốc độc" thì... có lẽ cũng chỉ nói cho vui vậy thôi chứ trầu cau cũng là một ràng buộc đáng yêu:

Đôi ta sang một con đò

Nhìn quanh vắng khách trao cho miếng trầu

Trầu cau nên thuốc, nhưng cũng dễ chuốc bệnh

Posted Image

Ăn trầu với cau đưa tới ung thư

Theo kinh nghiệm dân gian trầu có nhiều công dụng trị bệnh. Lá trầu hơ nóng, đắp lên rốn có thể trị được đau bụng, no hơi, ợ chua và sôi bụng. Vò nát lá trầu, bọc trong túi vải, nhúng nước sôi dùng nước này đánh gió rất tốt, trừ cảm mạo, ho thời tiết. Nấu lá trầu làm nước tắm có thể trị được ghẻ ngứa, rôm sẩy... Ngậm nước lá trầu trong miệng có thể làm giảm nguy cơ viêm răng lợi, nhờ hóa chất polyphenol tiêu diệt được vi khuẩn. Lá trầu không có chứa những thành phần giúp làm sạch da khi pha vào cùng với nước tắm. Lá trầu không có tác dụng khử trùng rất tốt, giúp cho cơ thể trở nên mát mẻ, sảng khoái.

Có trầu thì phải có cau. Cau có vài chất tannin và alkaloid. Theo Đông y, cau có tính thông đại trường, hạ khí, được các cụ dùng để trị chướng khí, tả hạ, sát trùng. Uống hạt cau để trừ giun sán. Vỏ cau lợi tiểu... Nhai trầu cho thấy các cụ của ta xưa rất ít bị hư răng.

Posted Image

Nhưng ăn trầu cũng có vài rủi ro. Vôi có thể làm phỏng niêm mạc miệng; nước trầu cay nồng khiến lệch lạc vị giác; tuyến nước bọt, niêm mạc miệng và cuống họng liên tục bị kích thích có thể gây ra các chứng ung thư.

Tháng 8.2003, tổ chức y tế Liên Hiệp Quốc đã công bố kết quả nghiên cứu: ăn trầu vẫn đang thịnh hành ở một số quốc gia Đông Nam Á và một vài nơi khác. Đặc biệt, giới trẻ một vài nơi lại "tập tễnh" nhai trầu. Báo cáo xác định: ăn trầu với cau đưa tới ung thư miệng, cuống họng. Hàng năm trên thế giới có 390.000 trường hợp ung thư miệng thì đến 228.000 ca xảy ra ở Đông Nam Á.

Riêng ở VN, nghiên cứu của nhóm bác sĩ bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đưa ra tại hội thảo Phòng chống ung thư, cho thấy tỷ lệ nữ ăn trầu mắc bệnh ung thư nướu răng khá cao (chiếm 62% số bệnh nhân nữ). Điều đó chứng tỏ thói quen ăn trầu có thể là tác nhân liên quan đến tỷ lệ này. Đây cũng là điểm khác biệt làm tăng tỷ lệ nữ giới bị ung thư nướu răng ở nước ta, cũng như các nước châu Á nói chung so với các nước phương Tây.

V.T

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bữa cơm gia đình, nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam17:59' 13/08/2007 (GMT+7) Posted ImageBữa cơm gia đình Việt Nam thường có 3 món, được chế biến với nhiều vị, đủ chất, rất cân bằng âm dương, vừa ngon vừa lành… Chính vì vậy mà rất nhiều người thích ăn cơm thường ở nhà như thế, bữa ăn làm người ta rất dễ chịu vì hợp khẩu vị và không "nặng bụng" như khi đi ăn tiệc.

Văn hoá gia đình đã đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong văn hoá Việt Nam, tạo nên những nét độc đáo của văn hoá Việt Nam, đặc biệt trong phong tục, thường gọi là gia lễ, gia phong, cũng như trong cuộc sống như văn hoá giao tiếp, văn hoá ăn uống...

Tại Nam Bộ suốt thời chế độ thuộc địa Pháp, chịu ảnh hưởng rất nhiều văn hoá Pháp, xuất hiện cơm đĩa, song vẫn có “cơm phần” hay “cơm gà-men”, nấu cơm tháng, đưa tới tận nhà, thường có 3 món: canh, kho, xào như những bữa cơm gia đình. Cấu trúc bữa cơm ít nhất gồm 3 món: món thứ nhất là mặn tức các loại kho: như thịt, cá, tôm, đậu, củ… Món thứ hai là xào hay luộc với đủ loại từ rau, củ, quả với thịt, cá, trứng… Món thứ 3 là canh, đủ loại từ rau, quả củ với cá, thịt, đậu…

Với cấu trúc món ăn như thế, thường xắt thành miếng nhỏ, vừa mặn như kho hay nhạt như canh hoặc xào, thuận lợi cho việc ăn tập thể hơn là cá nhân riêng rẽ, rất khó chia thành phần riêng (rations). Món ăn lại ít thịt, chủ yếu là rau và cơm, nên thường người ta nói bữa cơm Việt Nam là “cơm rau” hay “cơm canh”. Đặc biệt món canh rất độc đáo, hầu như trên thế giới chỉ có người Việt Nam có cách ăn canh chan vào cơm. Thường các nước Tàu Tây có món súp hay nấu ăn riêng, hay bỏ một thức ăn nào đó vào súp hay cháo.

Bữa cơm Việt Nam còn không thể thiếu các loại mắm nước hay cái hay dưa, cà.

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương!”

Món ăn như thế nhiều vị, nhiều chất; rất cân bằng âm dương, vừa ngon vừa lành, ít gây tật bệnh… Chính vì vậy mà khi ăn cơm thường gia đình như thế, người ta rất dễ chịu, không nặng bụng như khi đi ăn cơm nhà hàng hay ăn tiệc.

Bữa cơm gia đình Việt Nam còn rất ấm cúng, trò truyện thân mật. Mọi người mời nhau, nhường nhịn nhau. "Học ăn, học nói, học gói, học mở". "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng!". Ăn uống cũng là bài học, là nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc!

Hầu như những tinh hoa của văn hoá ăn uống Việt Nam vẫn còn ở trong các gia đình, bởi chỉ sau 1975, mới nở rộ những món ăn Việt Nam trong những nhà hàng lớn hay những tiệc cưới. Việt Nam không có truyền thống làm nhà hàng. Tại Việt Nam trước đây các nhà hàng hầu hết đều là nhà hàng Tàu hay Tây và hầu hết các đầu bếp tại nhà hàng trước cũng như bây giờ vẫn được đào tạo theo kiểu đầu bếp Tây, Tàu, Nhật…

Trong thời đại công nghiệp hiện nay, ai lúc nào cũng vội vã, bận rộn và có thời khoá biểu riêng, tiệc tùng thường xuyên được mời. Trong gia đình các thành viên ít khi gặp nhau, chứ đừng nói hàng ngày lại có dịp ăn cơm gia đình như trước nữa. Nhiều gia đình lớn đã mất đi cái nếp nhà. Những cô gái trẻ không còn thích chuyện nữ công gia chánh. Tại học đường cũng không quan tâm đến dạy nữ công gia chánh như trước nữa. Có nguy cơ nhiều món ăn độc đáo trong gia đình bị thất truyền.

Dù rồi đây Việt Nam sẽ chuyển sang công nghiệp hoá, song dân số phần đông một thời gian dài nữa vẫn sống ở nông thôn và dĩ nhiên nền văn minh nông nghiệp lúa nước này vẫn còn tồn tại, văn hoá gia đình vẫn còn chỗ đứng.

Ngay từ bây giờ chúng ta cần phải có kế hoạch sưu tầm những món ăn từ những gia đình có truyền thống lâu đời về nghệ thuật ăn uống. Nếu được, nên xây dựng một web sites 3.000 món ăn Truyền thống Việt Nam. Những quê hương nổi tiếng như Kinh Bắc, Thăng Long – Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Huế, Quảng Nam, Biên Hoà, Bình Dương, Gia Định, Mỹ Tho, Gò Công, Sa Đéc, Cần Thơ, Hà Tiên, Rạch Giá… đều có những món ăn độc đáo, đặc sắc của Việt Nam. Cần giữ gìn bữa ăn gia đình như giữ một nét văn hóa quý báu của đời sống.

(Nguồn VOV)

Share this post


Link to post
Share on other sites

NGƯỜI XƯA NHẮN GÌ QUA CÂU TỤC NGỮ:

"Gái thương chồng đương đông buổi chợ..."

11:26' 24/05/2007 (GMT+7)

"Gái thương chồng đương đông buổi chợ; trai thương vợ nắng quái chiều hôm" là một câu tục ngữ (TN) ý vị. Vậy mà mãi tới giờ, giới nghiên cứu ở ta vẫn chưa nhất trí được với nhau về cái nghĩa đích thực của câu trên. Tại sao lại xảy ra tình trạng đó? Và làm thế nào để trả lời thoả đáng cho câu hỏi: người xưa muốn nhắn gửi gì cho con cháu qua câu tục ngữ ấy?

Posted Image

Trước khi trả lời mấy câu hỏi đó, có lẽ chúng ta nên cùng nhau đọc lại lời diễn giải từng được trích dẫn nhiều nhất ở ta: lời diễn giải của sách Kể chuyện thành ngữ tục ngữ do GS Hoàng Văn Hành cùng các cộng sự biên soạn khá công phu và đã được in đi in lại nhiều lần kể từ ngày ra mắt tới nay. Theo sách trên, người xưa muốn nhắn gửi cho hậu thế ba điều:

(1) "Phản ánh sự chênh lệch, bất bình đẵng trong quan hệ yêu thương vợ chồng. Tình cảm người phụ nữ bao giờ cũng đậm đà, đầy đặn, mặn mà như buổi chợ đương đông, bởi ngoài lí do giới tính ra, người phụ nữ còn chịu sự ràng buộc của tam tòng tứ đức. Ngược lại, tình thương yêu của người con trai đối với vợ thường nhạt nhẽo, thoáng qua, ví như nắng quái chiều hôm le lói một lát rồi tắt ngấm khi mặt trời lặn;

(2) Phản ánh mức độ khác nhau trong tình yêu vợ chồng. Người con gái luôn luôn thương yêu chồng bằng tình yêu đậm đà, mặn mà, đầy đặn khác nào đương đông buổi chợ. Còn tình cảm của người con trai chỉ đôi lúc nhưng mãnh liệt như cái nắng quái chiều hôm vậy. Nắng quái chiều hôm tuy ngắn ngủi nhưng sức nóng, sức cháy bỏng của ánh nắng xiên khoai này thật là ghê gớm;

(3) Nói về tính chất biểu hiện tình thương vợ chồng. Khi đã thương yêu chồng, tình cảm của người con gái được thể hiện ra bằng sự hoạt bát, vui nhộn như đương đông buổi chợ. Và người chồng chẳng khó khăn gì trong việc tìm hiểu tình cảm của vợ đối với mình. Ngược lại, chàng trai thâm trầm hơn trong tình yêu. Thậm chí, có khi tình yêu thương của chàng được thể hiện cả bằng sự cáu gắt, khắt khe, nghiệt ngã như nắng quái chiều hôm".

Tiếc thay, lời diễn giải ấy đã không được đông đảo bạn đọc đồng tình lắm vì họ cho rằng nó để lộ hai điểm cần tránh khi diễn giải TN. Thứ nhất, nó quá thiên về miêu tả, một điều hết sức xa lạ đối với TN, vì TN, như ai nấy đều biết, là thể loại sáng tác dân gian chỉ quen đưa ra những nhận định súc tích (như Chó treo; mèo đậy – Vàng gió; đỏ mưa – Nhà gỗ xoan; quan ông nghè, v.v và v.v.) hoặc những lời khuyên nhủ cô đọng (như Chị ngã em nâng – Ăn đấu trả bồ – Ra đường hỏi già; về nhà hỏi trẻ: Yêu trẻ trẻ đến nhà; kính già già để tuổi cho – Ăn cây nào rào cây ấy, v.v. và v.v.), chứ rất ngại đi sâu vào những miêu tả chi li. Thứ hai, có lẽ các tác giả đã nhầm khi coi câu TN này như một câu so sánh (tức Gái thương chồng NHƯ đương đông buổi chợ; trai thương vợ NHƯ nắng quái chiều hôm), mặc dù trong câu chẳng hề có một từ NHƯ nào và cũng chẳng hề có một dấu hiệu hình thức nào đòi hỏi phải diễn giải như thế cả.

Lối diễn giải nhầm lẫn đó, đến lượt mình, còn đẩy người diễn giải tới chỗ phải mắc thêm một sơ suất nữa: buộc họ phải xử lý hai ngữ đọan "đương đông buổi chợ" và "nắng quái chiều hôm" như là bổ ngữ chỉ phương thức/bổ ngữ chỉ mức độ cho vị từ thương. Do đã lỡ xử lý thế rồi, nên họ đành phải gán cho những ngữ ấy nhiều ý nghĩa mà mấy ngữ này vốn không có và cũng khó lòng có được trong bất cứ ngôn cảnh nào.

Sự khiên cưỡng lộ liễu ấy như thầm nhắc chúng ta: chớ có đi tiếp trên con đường các tác giả ấy đã đi. Nghĩa là đừng nên coi câu TN trên như là câu so sánh, mà nên xử lý nó như là câu tỉnh lược, một dạng câu còn thông dụng hơn câu so sánh gấp hàng trăm lần.

Nếu xử lý như thế thì câu có thể được viết lại như sau: "Gái thương chồng [thì phải hành xử ra sao để bày tỏ được tấm lòng yêu thương ấy ngay cả lúc] đương đông buổi chợ ; trai thương vợ [thì phải hành xử ra sao để bày tỏ được tấm lòng chính mình ngay cả lúc] nắng quái chiều hôm".

Đến lúc này thì việc cần làm chỉ còn là đi tìm những biểu thức ngôn từ [linguistic expression] súc tích nhưng có thể diễn đạt thoả đáng cho những phần bị tỉnh lược vừa nêu. Vì đề tài mà câu TN đề cập là tình thương yêu vợ chồng nên biểu thức thích hợp hơn cả có lẽ là : NÊN HẾT LÒNG VỚI CHỒNG / NÊN HẾT LÒNG VỚI VỢ.

Bây giờ, ta hãy thử điền hai biểu thức ấy vào những phần đã tỉnh lược rồi kiểm định xem câu có ổn không. Kết quả thu được khá khả quan : "Đã thương chồng thì người vợ nào cũng NÊN HẾT LÒNG VÌ CHỒNG ngay cả khi đang buôn may bán đắt ; đã thương vợ thì người chồng nào cũng NÊN HẾT LÒNG VÌ VỢ ngay cả khi đang phải khổ sở với cái nóng quái ác lúc chiều hôm".

Đó chắc hẳn là điều mà người xưa muốn nhắn gửi cho con cháu. Nói khác đi, ông cha chúng ta muốn khuyên chúng ta rằng: đã yêu nhau thực lòng thì hãy hết lòng vì nhau ngay cả trong những tình thế khó mà tỏ bày được tấm lòng yêu thương kia.

N.Đ.D

Share this post


Link to post
Share on other sites

"Ra về nhớ nước giếng khơi

Nhớ điếu ăn thuốc nhớ cơi ăn trầu

Ra về giã nước giã non

Giã người giã cảnh, kẻo còn nhớ nhung".

....

".....Ta về để lại đắng cay

Ta về xin được nắm tay cô mình

Nhìn nhau cho mắt tự tình

Chạm nhau cho đã thân hình luyến êm

Mượn ngày lới rộng ban đêm

Cho xun xoe lẫn lời em van cầu

Trầu xanh quấn ngọn thân Cau

Giếng trong đầy nước miệng gầu khát chao

cứ hôn hôn mãi má đào

cứ dâng dâng mãi biết bao ái tình

..."

(trích: Xin anh về ngủ...-st)

Nhắc đến Trầu nhớ bà ngoại ngày xưa. Bà ngoại ăn trầu nhiều đến mức bị sạn vôi ở mắt. Cứ hết rồi lại tích mới. Đi chích mấy lần. Giờ bà đi xa rồi. Không còn ngồi têm trầu để ai ăn nữa.

Nhân bài của Lạc Tướng giới thiệu, Phoenix tặng thêm Lạc tướng bài này:

TRẦU CAU (Sưu tầm)

Ăn trầu là phong tục cổ truyền của người Việt. Tương truyền có từ thời Hùng Vương và gắn liền với một câu chuyện cổ tích nổi tiếng: Chuyện Trầu Cau.

Với người Việt Nam, trầu cau là biểu hiện của phong cách, vừa là thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo. Miếng trầu là đầu câu chuyện. Với thôn dân Việt Nam, miếng trầu thắm têm vôi nồng cùng cau bổ tám bổ tư , vỏ chay rể quạch luôn là sự bắt đầu, sự khơi mở tình cảm. Miếng trầu làm người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Và với các nam nữ thanh niên xưa thì nó là cội nguồn để bắt đầu tình yêu, bắt đầu câu hát, để vào với hội làng hội nước.

Cây cau thẳng, dây trầu mềm, khắp xứ sở Việt Nam đâu mà không thấy, hàng cau phía trước bên bể nước mưa và giàn trầu trong mỗi ngôi nhà nơi thôn dã luôn là biểu hiện của sự thái bình. Trong Nam có 18 thôn vườn trầu, tổng diện tích hàng trăm cây số vuông. Ngoài Bắc, dọc các thôn xóm ven sông Hồng, ngày xưa tới đâu mà chẳng nghe câu hát:

"Ru con con ngủ cho rồi

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.

Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,

Mua cau Nam phố, mua trầu chợ Dinh."

Và ở miền Trung, đâu đâu cũng thấy thấp thoáng bóng cau bên cạnh bóng dừa và văng vẳng đâu đây câu hát:

"Bồng em mà bỏ vô nôi,

Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu,

Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,

Mua cau Bát Nhị, mua trầu Hội An."

Sách xưa thì ghi: "Ăn trầu làm thơm miệng, hạ khí, tiêu cơm" những vật dụng cho việc ăn trầu hôm nay vẫn thấy, đó là cơi trầu (gắn liền với câu: đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu), là dao bổ cau (gắn liền với câu: mắt sắc dao cau), là chiếc âu trầu, là bình vôi, chìa vôi, ống vôi, là khăn, là túi đựng trầu. Nhà giàu còn đựng được tráp trầu, khay trầu sơn màu khảm trai rất đẹp. Như thế đủ thấy trầu cau gắn liền với sinh hoạt của nông thôn ta chặt chẽ và lâu đời biết dường nào. Trầu dùng tiếp khách hàng ngày, như bát chè xanh, như điếu thuốc lào. Trầu làm sính lễ trong đám hỏi, trầu thay cho thiệp báo, thiệp mời trước ngày hôn lễ, trầu có mặt trong mỗi cuộc vui buồn của làng quê, Xuân đến, Tết về, trầu cau còn là quà tặng. Thơ Nguyễn Khuyến có câu:

"Kiếm một cơi trầu sang biếu cụ

Xin đôi câu đối để mừng ông."

Hơn thế, trầu cau còn là đồ cúng lễ, ngày giỗ. Dân gian có câu "Sửa cơi trầu, đĩa hoa dâng cụ" để tưởng nhớ tổ tiên, để ghi nhớ công ơn nuôi nấng sinh thành của bậc tiền nhân. Trầu cau gần gũi với sinh hoạt của người Việt như thế nên hiển nhiên nó cũng trở thành hình tượng của văn học dân gian. Sự tích Trầu Cau là một câu chuyện bi ai mà thắm đượm nghĩa tình với hình tượng khó quên cây cau-người chồng, dây trầu-người vợ và hòn đá (vôi)-đứa em trai chồng... Rồi đến cả trăm câu ví, câu đố, ca dao, ngạn ngữ, tục ngữ dân gian mà tập trung nhất là những bài, những câu của trai gái nói, hát với nhau gọi là những câu hát trao duyên, câu hát mời trầu. Hát mời trầu có tới hàng trăm câu hát khác nhau nhưng câu nào cũng nói tới trầu, cau, vôi, vỏ hoặc nói về cái tài của người bổ cau, têm trầu. Câu hát mời trầu cũng là câu hát bày tỏ lòng mình. Bên cạnh những "vôi nồng", "miếng trầu cánh phượng", "cau bổ bốn bổ ba", là những "trầu giải yếm giải khăn", "trầu loan, trầu phượng, trầu tôi trầu mình" là những "trầu tính trầu tình", "trầu nhân, trầu ngãi"... để rồi thành "trầu mình lấy ta", "trầu nên vợ nên chồng". Tục ăn trầu còn gắn với phong tục nhuộm răng đen để có những má hồng răng đen tiêu biểu của cái đẹp con gái thuở nào. Người thôn nữ má hồng răng đen, một thuở đã trở thành hình ảnh làm si mê biết bao chàng trai, như câu ca xưa:

"Mình về mình nhớ ta chăng

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười

Năm quan mua lấy miệng cười

Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen."

(Suu tầm )

TỤC ĂN TRẦU CỦA NGƯỜI HÀ NỘI (nguồn: www.vovnews.vn)

Đây là một nét đẹp văn hoá của dân tộc, được dùng trong những ngày lễ, Tết hoặc trong những dịp lễ ăn hỏi, cưới xin của mỗi người dân Việt Nam ....

Người Hà Nội vốn nổi tiếng sành ăn, sành mặc, Hà Nội là nơi chắt lọc những tinh hoa, nét đẹp của mọi miền để tạo nên nét đẹp cho riêng mình. Nét đẹp của Hà Nội thể hiện ngay cả trong tục dùng trầu - một phong tục mà theo truyền thuyết có từ thời Hùng Vương dựng nước (qua sự tích Trầu Cau mà người Việt Nam hầu như ai cũng biết.

Trước kia, người Hà Nội từ 13 tuổi trở lên là biết ăn trầu. Theo sứ giả nhà Nguyên vào đời Trần, ở Thăng Long, 61 phố phường đều trồng rất nhiều cau và trầu không. Người Hà Nội trước đây có câu:

Mua vôi chợ Quán, chợ cầu

Mua cau Nam Phố, mua trầu chợ Dinh

Chợ Cầu, chợ Quán là các chợ lẻ, chợ phụ dọc đường, Nam Phố là tên cũ của phố Hàng Bè bây giờ, nơi xưa bán rất nhiều cau tươi, cau khô. Chợ Dinh gần dinh quan phủ Phụng Thiên (quãng phố Phủ Doãn và Ngõ Huyện bây giờ). Ngày nay, người Hà Nội ít ăn trầu hơn trước nên không còn những phố bán trầu mà tập trung phần lớn ở những chợ một số ít được đem bán rong. Người Hà Nội rất công phu trong cách chọn trầu. Cau ngon phải là cau bánh tẻ, không già, không non, vừa tới hạt (nửa màu, nửa hạt). Người sành ăn thường kén mua cau Đông ở tỉnh Hải Hưng (cũ). Từ tháng 8 có thêm cau miền Nam nhưng người ta ít ăn vì loại cau này nhiều hạt không ngon. Mua trầu phải chọn lá hơi ánh vàng, nhỏ, dày, tươi. Ngày trước có trầu không làng Chả ngon nổi tiếng vì lá nhỏ, vừa thơm vừa cay, để có được lá trầu như vậy người làng Chả ngày đó trồng trầu cũng rất công phu, dàn trầu không phải được trồng trên đất trồng gừng. Ngày nay người Hà Nội ăn trầu Hưng Yên, vào dịp lễ hỏi người ta mua trầu Tây Sơn vì lá to đẹp. Người sành ăn trầu chọn vôi xứ Đoài - Sơn Tây.

Têm trầu cánh phượng - Nghệ thuật của người Hà Nội

Bộ đồ ăn trầu của người Hà Nội gồm có: cơi đựng trầu bằng đồng hoặc quả trầu sơn khảm xà cừ, ống vôi chạm bạc, ống nhổ bằng đồng thau đựng quết trầu. Những cụ già ăn trầu còn có thêm cối giã trầu bằng đồng chạm trổ khá tinh vi chỉ bỏ vừa miếng trầu, miếng cau, vỏ để giã. Dao bổ cau phải sắc để bổ cau cho đẹp và hạt không bị vỡ. Cũng chỉ là "Quả cau nho nhỏ, lá trầu xanh" nhưng cách ăn trầu của người Hà Nội rất duyên dáng, họ ăn trầu không những làm đỏ môi, răng đen mà còn tạo nét môi cắn chỉ rất đẹp, Người ta không cho cả cau, trầu và rễ vào cùng một lúc mà ăn từng thứ một. Cau được nhai dập mới cho trầu vào và sau cùng là rễ quệt thêm một ít vôi, khi ăn người ta thường lấy tay quệt ngang miệng, lâu dần tạo thành nét môi cắn chỉ. Người xưa ăn trầu còn là để bảo vệ hàm răng của mình, chất chát của trầu cau làm cho lợi răng co lại ôm sát lấy chân răng, làm hàm răng cứng chặt lại không lung lay. Còn trong y học cổ truyền người Việt Nam xưa đã dùng trầu cau như một thứ thuốc chống bệnh sốt rét rừng một khi vào rừng sâu săn bắn hoặc xuống biển mò ngọc trai, săn bắt đồi mồi... Người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung xưa kia coi việc têm trầu là một nghệ thuật. Qua cử chỉ têm trầu, ăn trầu để phán đoán phong cách, tính nết cũng như nếp sống của con người. Chính vì lẽ đó, khi đi xem mặt nàng dâu tương lai, nhà trai đòi bằng được cô gái ra têm trầu, trước là để xem mặt cô dâu, sau là để xem cử chỉ têm trầu của cô gái mà phán đoán tính nết. Miếng trầu têm vụng về là người không khéo tay; miếng trầu nhỏ miếng cau to là người không biết tính toán làm ăn; miếng trầu quệt nhiều vôi là người hoang phí không biết lo xa...

Ngày nay, ở Hà Nội hầu như chỉ những người trên 60 tuổi mới ăn trầu cho nên Hà Nội không còn cảnh mời trầu như A.de Rovodes - một người Pháp nói về việc ăn trầu của người Thăng Long thế kỷ XII: "Họ có tục đem theo một vài túi con đầy trầu cau đeo ở thắt lưng, họ để mở trong khi qua lại phố phường để mời bạn bè. Khi gặp họ bắt đầu chào hỏi nhau, rồi mỗi người lấy ở trong túi của bạn một miếng trầu để ăn". Tuy nhiên, quan niệm "miếng trầu là đầu câu chuyện" của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung vẫn được áp dụng ở những dịp hiếu, hỉ. Ngày Rằm, mồng Một hoặc các ngày lễ Tết hoặc trong những dịp lễ ăn hỏi, cưới xin của các gia đình Việt Nam vẫn không thể thiếu miếng trầu quả cau trên bàn thờ tổ tiên.

Trầu cau chỉ là một thứ nhai chơi, tuy đơn sơ nhưng lại có nhiều ý nghĩa trên lĩnh vực y học, tâm lý xã hội... dùng trầu cau còn là một truyền thống văn hoá của dân tộc. Ngày nay, không mấy ai ăn trầu nhưng nét đẹp đó vẫn được gìn giữ và áp dụng trong cuộc sống của người dân./.

Huy Ngân

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ngày xuân kể chuyện ăn trầu
Nguồn: http://www.nhandan.com.vn

Posted Image

ND - Tục ăn trầu xưa kia từng là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt và cư dân vùng Đông Nam Á nói chung. Tuy nhiên, số người ăn trầu hiện nay đang ngày càng giảm dần, và tục ăn trầu đang dần mất đi.

Ở Bình Ðịnh, thời trước hầu như ai cũng ăn trầu. Vì thế nghề lái trầu đã giúp Biện Nhạc (Nguyễn Nhạc) gây dựng nên cơ nghiệp của Nhà Tây Sơn.
Hồi ấy, con trai, con gái tới tuổi thành niên thường bắt đầu ăn trầu. Thuở mới về làm dâu, mẹ tôi chưa biết ăn trầu, nhưng vì được ông nội tôi khuyến khích (ông nội tôi rất nghiện trầu, nhưng cha tôi thì không ăn vì ông sợ) nên bà đã ăn thử rồi nghiện luôn đến giờ. Vì nghiện trầu nên nhà nào cũng trồng một vài cọc trầu và cây rễ trong vườn. Dây trầu bò lên cây cau, cây dừa hoặc cây bồ ngót tàu. Cây rễ cao, lá thuôn dài, cành suông. Khi ăn, người ta chặt cành, bóc vỏ đánh thành nài (như nài cày, nhưng nhỏ hơn) rồi đem thui lửa, phơi khô dùng dần. Nếu hôm nào đi chợ quên mua rễ, người ta hái nụ hoa chim chim ăn tạm thay rễ. Chim chim là loại cây như dú dẻ, hoa thơm, trái hình rẻ quạt như nhánh chuối, nhưng rất nhỏ, hạt to, khi chín mầu đỏ, ăn có vị ngọt.
Khi ăn trầu, người ta dùng vôi quết nhẹ lên mảnh lá trầu tươi đã cắt xéo, gập lại cho vôi nằm ở giữa rồi bỏ vô miệng nhai. Vôi ăn trầu là vôi chín mầu đỏ hồng, hay trắng. Ăn trầu nhất thiết phải có vôi, không có vôi, trầu không đỏ, không nồng, vị nhạt như nước ốc, bởi thế mới có câu ca dao: Có trầu, có vỏ không vôi - Có chăn có chiếu không người nằm chung.
Ðể có miếng trầu ngon, thì ngoài cách têm trầu cho đẹp, cho khéo, còn phải biết cách quệt vôi sao cho vừa ăn. Nếu quệt nhiều, miếng trầu cay xé, quệt ít thì không đủ nồng: Tội tình thiếp lắm chàng ơi - Trầu ăn không đỏ vì vôi quệt già. Ðể tăng thêm vị đậm đà, nhiều người còn dùng thuốc rê (lá thuốc xắt thành sợi nhỏ), vo thành viên nhỏ như viên bi, lăn qua lăn lại tạo cảm giác ngon miệng. Những khi hết thuốc, mẹ tôi thường lấy đỡ vài điếu thuốc Nam Dương tháo ra xài tạm, nhưng bà bảo không ngon bằng thuốc rê.
Các loại trầu, cau, thuốc, rễ đựng trong cơi trầu (mẹ tôi gọi là cão trầu) bằng tre, nhỏ xinh như chiếc rá gạo bây giờ. Chiếc cơi trầu cũng đi vào ca dao bằng lời tỏ tình rất dễ thương của chàng trai trẻ: Ước gì anh hóa ra cơi - Ðể cho cơi đựng cau tươi trầu vàng - Ước gì anh cưới được nàng - Mai sau anh trả lại nàng đôi mâm. Ngày nay cơi trầu được thay bằng rổ nhựa, tuy tiện lợi nhưng ít thẩm mỹ hơn nhiều. Ngoài cơi trầu, còn có đãy trầu. Khi đi ra ngoài, thì có đãy trầu bằng vải luôn dắt theo người, gặp ai cũng lấy ra mời như người ta mời thuốc lá bây giờ. Các ông, các bà không có đãy trầu thì bỏ vào hai túi áo vạt hò, áo bà ba, để khi ra đồng có cái ăn đỡ thèm. Vì thế túi áo ai cũng sẫm mầu cổ trầu, đặc biệt là hai ngón tay trỏ và tay cái.
Miếng trầu đã trở thành vật giao duyên khá độc đáo của các chàng trai cô gái: Yêu nhau trao một miếng trầu - Giấu thầy giấu mẹ trao sau bóng đèn, hoặc: Ðêm trăng thiếp mới hỏi chàng - Cau tươi ăn với trầu vàng xứng không? - Trầu vàng nhá với cau xanh - Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.
Người già răng yếu, khi ăn trầu dùng "ống xoáy trầu" nghiền cho dập trầu cau, rễ trong xoáy trước khi dùng. "Ống xoáy" làm bằng gỗ, sau bằng đồng, thời đánh Mỹ làm bằng vỏ đạn đại liên to bằng ngón chân cái, cưa bớt phần ngọn, còn phần đáy cao độ ba bốn phân. Ðể có cây giã trầu, người ta cắt một đoạn thép gai dài bằng cây bút bi đập dẹt một đầu, đầu kia uốn vòng tròn để dễ cầm và xỏ dây cột vào đáy ống xoáy cho khỏi thất lạc. Sau khi trầu, cau, rễ được bỏ vào ống xoáy, người ăn trầu dùng cây sắt chọt vào ống cho dập trầu, làm mềm rễ.
Người ăn trầu thường nhuộm răng đen, với cách nhuộm này mà mẹ tôi cũng như nhiều cụ khác trong thôn giữ được hàm răng đen bóng trong hơn nửa thế kỷ. Các cụ quan niệm răng càng đen càng đẹp, nhưng càng về sau, tục ăn trầu giảm dần, chỉ còn những bà cụ già. Vì thế, tục nhuộm răng càng về sau càng mất dần, và khi văn hóa phương Tây du nhập thì không còn ai nhuộm răng và cũng ít người ăn trầu, chỉ lại vài cụ bà đã trên bảy tám mươi tuổi như mẹ tôi. Nhuộm răng ăn trầu là một nét độc đáo của không chỉ người Bình Ðịnh, mà trong quá khứ, nó đã trở thành một sản phẩm văn hóa mang đậm sắc thái của phong cách Á Ðông.

MAI THÌN

Share this post


Link to post
Share on other sites

Có một câu chuyện này Phoenix thấy khá mới mẻ. Giới thiệu lên đây để mọi người cùng tham khảo.

Sự tích:

Ăn Trầu Ngắt Đuôi (st)

Thuở ấy, ở xóm kia có chàng thanh niên và cô thiếu nữ rất xứng đôi vừa lứa. Cha mẹ của đôi bên đều bằng lòng kết tình thông gia nhưng chưa nói cho con mình biết.

Vì quá yêu nhau, hằng đêm cô thiếu nữ lén mở cửa phòng rước cậu trai vào tình tự. mãi đến gà gáy hừng đông, cậu trai mới ra về. Cứ như vậy ngày này qua tháng kia.

Buổi nọ, trước khi về, cậu trai ao ước được ăn một miếng trầu. Nhìn trong khay thấy hết trầu, cô thiếu nữ liền chạy ra vườn hái lá đem vô, têm vôi, mời chàng. Dè đâu miếng trầu nhai chưa dập chàng nọ ngã lăn, trào đờm rồi chết. Hoảng hốt nàng tri hô lên. Quan chạy lại khám xét tử thi, thấy nhiều đốm đỏ loang khắp mình.

Thế là cô nọ bị bắt giam để xét hỏi vì tội bỏ thuốc độc giết người. Cô cứ một mực kêu oan. Cuộc tra tấn kéo dài, lần lần cô trở nên ốm o gầy mòn, gần chết trong ngục.

May sao, có ông quan Án đi qua. Quan Án hỏi cô:

- Đầu đuôi tự sự như thế nào? Mi phải khai rõ.

Cô nọ nói sự thật. Nghe xong, vị quan suy nghĩ, gật đầu. Ông đi ra ngoài vườn xem từng lá trầu trên nọc. Ông chú ý: mấy lá ở sát gốc đều dính một chất gì nhớt ngay chót đuôi lá, giống như là con ốc, con sên bò qua nhả nước miếng.

Nhưng không thấy con ốc, con sên nào cả!

Ông quá tức trí, ra lệnh đào dưới đất, ngay nọc trầu đào thật sâu, bỗng nghe tiếng khò khè. Rõ ràng là con thuồng luồng nằm khoanh trong hang. Dân chúng chạy tứ tán.

Ông quan nói:

- Con thuồng luồng này hàng đêm lén bò lên mặt đất để kiếm nước uống. Vì quá khát nước, nó phải liếm mấy giọt sương đọng ở chót đuôi mấy látrầu gần mặt đất. Nọc con thuồng luồng dính lại trên lá nên giết người. Cô gái này bị hàm oan.

Chòm xóm nhìn nhận lời vị quan nọ là chí lý, tài trí như Bao Công thuở trước. Từ đó về sau, trước khi têm trầu, ai nấy đều ngắt chót đuôi lá vì sợ nọc con thuồng luồng. Bây giờ, giống thuồng luồng không còn nữa nhưng thói quen của con người hãy còn...

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay