Posted 14 Tháng 9, 2008 Thờ cây là tín ngưỡng có tính tối cổ phổ biến khắp các châu lục, trên thế giới cho đến ngày nay. Nó là biểu hiện sự gắn bó mật thiết giữa con người với sinh thái tự nhiên. Ở mỗi quốc gia, vùng miền, hội giáo ý nghĩa việc thờ cây có những nội dung khác nhau. Ý nghĩa thờ cây giữa phương Đông và phương Tây cũng có nhiều nét khác biệt. Phật giáo thờ cây bồ đề như một sự tôn kính hình ảnh của đức Thích Ca ngồi tu hành và cây bồ đề - nơi Đức Phật ngộ là biểu tượng của tư tưởng và lòng đại từ bi. Ở Châu Âu, cây thông cây tùng được Cơ đốc giáo thờ để trừ ma quỷ. Người Ai Cập thờ cây cọ Người La Mã và Hy Lạp thờ cây linh sam Người Đức thờ cây sồi Người Chàm có tục thờ dừa, thờ cau. Trong văn hóa Việt Nam, tục thờ cây cũng rất phổ biến và sự tôn kính đã đi vào tiềm thức chưa phai của dân Việt. "Đẻ đất đẻ nước của người Mường Việt nhắc đến cây si. Người Mường coi cây si như một loại cây cội nguồn Người Việt có hẳn chuyện Mộc tinh trong Lĩnh Nam chích quái. Người Việt thờ mẫu thượng ngàn và thờ cây đa, cây gạo ở mọi làng quê, đình chùa, miếu mạo. Nhiều gia đình ở Miền Bắc giờ vẫn giữ tục thờ mía và ngày tết (được coi là loại cây đặc sản từ thời Hùng Vương) Người Dao thờ cây đa, cây sấu Người Nùng, người Mường, Người Dao có hẳn lễ mở cửa rừng với bàn thờ thần cây sau những ngày xuân. ..... Lúa gạo được coi là loại cây lương thực được tôn vinh truyền thống. Sản phẩm từ nó luôn được đưa vào vật phẩm thờ của người Việt trong các nghi lễ cúng tế nông nghiệp. Đối với người Việt, cây cối là loại sinh thể đặc biệt, có đời sống trực giác tâm linh y như con người; có năng lượng phát ra và tương tác được với năng lượng của con người. Vì vậy, cây cối được người Việt sử dụng trong phép điều hòa môi trường sống (phong thủy) như là những nội dung chủ đạo (cùng đá, nước, núi, phương hướng..). Mặt khác, cây còn được coi là nơi trú ngụ của các vị thần linh hay ma quỷ. Dân gian người Việt có câu: "Thần cây da, ma cây gạo, cú cáo cây đề". "Cây thị có ma, cây đa có thần" "Ở cho phải phải phân phân Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa" Nhớ lúc 9 tuổi, có lần Phoenix mơ thấy gặp quỷ ở gốc cây đa, tỉnh dậy sững sờ mất mấy tiếng chưa hoàn hồn. Cây đa này nằm trên con đường đi học hàng ngày. Trưa hoặc chiều đi về, Phoenix với nhóm bạn thường hay trèo lên nghịch ngợm hái búp đa để thổi hoặc hái quả để ăn. Lần đó mơ thấy cùng nhóm bạn đi chơi, thấy cái cửa ở gốc cây tò mò chui vào. Bên trong hốc cây là một căn hầm rộng, xếp sắp vật dụng như cái bếp. Mấy đứa loay hoay tò mò rồi đi kiếm đồ ăn. Gặp một bà lão bảo chờ nấu món rất ngon, mấy đứa rất hý hửng. Đến lúc bà ta bê chiếc nồi bốc khói nghi ngút lên bàn thì mấy đứa tranh nhau mở ra. Ai ngờ, khi bà ấy múc thức ăn đặt ra đĩa thì là một bàn tay quỷ, móng vuốt dài đen ngòm và đầy lông lá. Hết hồn, cả đám chạy thục mạng. Lần đầu tiên trong đời Phoenix biết cảm giác thế nào gọi là "chạy bán sống bán chết". Nào ngờ chạy muốn quỵ cái chân mà bỗng dưng thấy có tay ai tóm lấy sau lưng áo. Quá hoảng, Phoenix vùng vẫy, quẫy đạp cực lực. May quá nhờ vậy mà tỉnh giấc. Tim đập thình thịch. Ngồi trọn luôn đến sáng. Đến cả vài tháng sau cũng không đi đường ấy tới trường. Chuyện trên là chuyện mơ. Mà bắt nguồn từ chính câu: "cây đại có ma, có đa có thần" nghe lỏm được từ người lớn. Chuyện thật 100% cho đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn nhớ cảm giác kinh khiếp lúc ấy B) Nói chuyện hồn cây, ở miền Bắc có tục hái trầu phải hát xin; muốn hồng ra trái phải diễn trò đánh gốc, roi muốn ra nhiều quả phải bứt lá; cay buồng trổ đầu không được bứt hái vì mất trái..... Tục trò chuyện với cây cối rất phổ biến (y như người Việt có tục nói lời hóa kiếp trước khi giết một con vật sống). Đây là một chủ đề rất hay chưa có nhiều công trình nghiên cứu. Rất hy vọng qua topic này chúng ta có được nhiều tài liệu để tham khảo. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 Thế Ứng Xử Của Người Việt Với Cây Và Hoa --- Trần Quốc Vượng --- Thời đại nào cũng cần cây, để thỏa mãn mọi nhu cầu phức tạp của con người. Từ thời đại nông nghiệp, ngoài cây cỏ tự nhiên đã có cây trồng - cây tự nhiên được thuần hóa, thuần dưỡng hóa, được văn hóa hóa... Cây và cây trồng để ăn (làm thức ăn). Cây và cây trồng để mặc (làm nguyên liệu may quần áo). Cây và cây trồng để ở (làm vật liệu kiến trúc, bàn ghế, giường phản, làm hàng rào, lũy). Cây và cây trồng để đi lại (để đan thuyền nan, đóng thuyền gỗ, ghe bàu đi sông đi biển). Và cây và cây trồng để ngắm, để chơi, gọi là Cây cảnh. Con người không chỉ sống để ăn - ngủ... Con người có năng lực biểu tượng hóa - cũng là văn hóa hóa - đã biến cây thành biểu tượng với mọi nhu cầu Chân - thiện -mỹ. Biểu tượng của Tre Trúc - như lời thơ Hán Việt trên một tranh dân gian - là Tiết tháo, vô tư: Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết Đáo lăng vân xứ dã hư tâm (chưa ra khỏi đất đà có tiết cao vút mây mờ vẫn tâm không) Sen là một biểu tượng của Trong sạch, thanh cao: Trong đầm gì đẹp bằng sen Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng. Nhị vàng, bông trắng, lá xanh Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. "Phật ngự trên tòa sen" là sự nghệ thuật hóa, tôn giáo hóa của biểu tượng Sen trong trắng thanh tao. Ở Trung Hoa cổ, từ thời đại Kinh thi đến thời đại Đường thi và sau này nữa, đào, đào hoa là biểu tượng người con gái đẹp. Đào chi yêu yêu Chước chước kỳ hoa Chi tử vu qui Nghi kỳ thất gia (Cây đào xinh xắn, mơn mởn sắc hoa, nàng đi lấy chồng, êm ấm cửa nhà). Một tiếc nuối "em đã có chồng..."? Khứ niên kim nhật thử môn trung Nhân diện đào hoa tương ánh hồng Nhân diện bất chi hà xứ khứ Đào hoa y cựu tiếu Đông phong (Năm trước ngày này tại cửa này Hoa đào cùng với mặt người ánh tươi Người đi đâu biệt mất rồi Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông Đấy là tư duy liên tưởng Hoa - Người. Người - Hoa, đã có ảnh hưởng lớn đến thi ca Việt Nam, đến Nguyễn Du - Kiều. "Vẻ chi một đóa yêu đào..." đến tử vi - tướng số "Số đào hoa" "Kiếp đào hoa". Người con gái: "Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu". Với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, cái thanh lịch kẻ Chợ được biểu tượng bằng nhài, bằng mai: Chẳng thanh cũng thể hoa mai Dẫu không lịch sự cũng người Thượng kinh. Chẳng thanh cũng thể hoa nhài Chẳng lịch cũng thể con người Tràng An. Rồi nào là: Ngát thơm hoa sói, hoa nhài Không khéo thợ thầy Kẻ chợ (Hà Nội) Yêu người trồng hoa "vừa đảm vừa xinh" và yêu luôn cả "hoa nàng" hay ngược lại "nàng Hoa": Phiên rằm chợ chính Yên Quang Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua! Ai trong chúng ta mà chẳng biết người ta, từ lâu lắm rồi thích đặt tên con gái bằng tên các loài hoa "Hoa Mai Lan Lý mặn mà cả tư", đến người giúp việc là gái thì cũng vẫn là "con sen, con nhài" đối ứng với gia nhân là nam thì dùng quả "thằng cam, thằng quít". Từ trước Công nguyên (xem Hán thư, Nam phương thảo mộc trạng...) ở Giang Nam, người ta quý quất, nhà trồng nhiều "quất" coi như có nhiều nô bộc, do vậy quất được gọi là "mộc nô". Có hiểu vậy mới hiểu vây mới hiểu được câu thơ của vua Trần Thánh Tông nước ta vịnh cảnh Thiên Trường (Nam Định) (xem Thơ văn Lý Trần tập II): Bách bộ sinh ca cầm bách thiệt Thiên hàng nô bộc quất thiên đầu. (Trăm tiếng chim ca trăm tiếng sáo Nhìn hàng nô bộc quất nghìn cây) PGS. TS Trần Lâm Biền đã có bài viết rất hay về không gian tâm linh quanh cây cối. Nhà văn Tô Hoài cũng có cùng ý tưởng như vậy: Cây cao bóng cả, đại / cổ thụ đểđược "thiêng hóa", đã thành tục ngữ: Thần cây Đa, ma cây Gạo, cú cáo cây Đề. Không ai trồng Đa, Đề trong sân cửa nhà tư gia. Không nhà nào trồng Gạo đầu cổng ngõ. Đa trồng ở đình, ở đầu làng. Đề trồng ở chùa với ý niệm "Bồ đề" (Giác ngộ thành Phật - Buđha). Cây Đại (Chăm-pa) thường thấy ở đền. Cây Si (khi) "cây Vũ trụ" trong các ánh mo Mường. Trong tâm thức dân gian người Tày, người Kinh, người miệt biển cây Xương Rồng xua đuổi tà ma. Xương Rồng được trồng làm hàng rào không phải chỉ vì xương gai của nó. Chuyện "cổ thụ thiêng" vẫn lưu truyền trong tâm thức người Việt, từ Hà Nội đến Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh: Cây có tuổi thọ gấp bao nhiêu đời người "sống lâu thế phải tại sao chứ" (Tô Hoài). Và thế là "cây có hồn": Tục thờ Cây là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tín ngưỡng dân gian ấn Độ, tín ngưỡng dân gian toàn nhân loại. Và tự nhiên hình thành câu ví: Nguyễn Tuân, Văn Cao... là những bậc "đại thụ" trong làng văn nghệ Việt Nam! Và Việt Nam xưa - coi Cây cũng như Người "Trông cây lại nhớ đến Người" (Đỗ Nhuận và dân gian xứ Nghệ). Và có tục Khảo cây vào ngày Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 ta. Chính tôi đã được nghiệm sinh tục khảo cây từ tấm bé. Nhà bà nội tôi có trồng cây Hồng xế ngoài sân, cây này mấy năm không ra quả. Ngày tết Đoan Ngọ, buổi sớm mai, bà tôi gọi thằng nhỏ lên dặn dò câu gì đó, nghe xong nó trèo tót lên cây Hồng. Dưới gốc cây, bác phó Nghiễm, người nhà lực lưỡng của bà tôi cầm chày gỗ nện vào gốc Hồng: - Hồng! Trên cây thằng nhỏ đáp: - Dạ! Bác phó: - Sao mày chậm ra quả thế? Chát! chát! Thằng nhỏ: - ối! ối! Đau quá! Con xin ông! Bác Phó: - Năm nay mày phải ra quả nhớ! Nhớ chưa? Thằng nhỏ: - Vâng! vâng! con xin nhớ ạ! Một màn "hài kịch cây trồng!" mọi người cười vui. Năm ấy Hồng ra quả thật. Bố tôi, một kỹ sư canh nông thời Tây thuộc địa bảo: - Đấy là ma thuật trồng cây (magie de culture). Ma thuật cũng là công nghệ (Technologie). Đấy là để "kích thích" cây trồng! "Thiêng". Và "Giải thiêng". Và "Giữ thiêng". Giáo sư Từ Giấy và Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã từ kinh nghiệm dân gian châu thổ Bắc Bộ: - Nhất canh trì (ao) Nhì canh viên (vườn) Ba canh điền (ruộng) - Thứ nhất thả cá... mà hình thành ra công thức VAC, sau còn gọi là hệ sinh thái VAC hay RVAC (Ruộng - Vườn - Ao - Chuồng). Tôi đã viết về ba loại hình vườn bắc -trung - nam của một Việt Nam: Vườn miền bắc: ngang hàng thẳng lối tương đối trong một hệ sinh thái phồn tạp (đa canh) có rào, có dậu, kề ao - dù có như "vườn Bùi" của cụ Tam Nguyên Yên Đổ ở Bình Lục - Hà Nam: Ao sâu nước cả khôn chài cá Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà Cải chửa ra hoa, cà chửa nụ Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa... (Đây là quãng thời gian ngoài Giêng - Hai) Vườn miền trung: cái tự nhiên và cái nhân vi vẫn gần gụi, đan cài vào nhau. Vườn miền nam: Với công nghệ "lên líp (liếp) trồng cây" và có chuyên canh đặc sản ở "miệt vườn". Có một nền "văn minh miệt vườn" (chữ của cụ Sơn Nam) ở Nam Bộ. Chỉ nói riêng vườn miền bắc: qua thí dụ nhà bà tôi, một nhà khá giả nhà quê xứ Nam Hạ Nam Hà: Khuôn viên nhà bà tôi rộng chừng một mẫu hơn (nhà quan lớn Tam Nguyên Yên Đổ có 9 sào vườn và một mẫu ao). Có nhà ở và nhà thờ. Không có tục cắm hoa trong nhà cả tháng cả năm như ngoài Kẻ Chợ ( đây là một "ảnh hưởng Tây", ông bà tôi coi là "dã man" vì hoa chóng héo, phí công người trông!) Tô Hoài nói đúng: ngay ở Kẻ Chợ, phong tục cành đào Tết không phải là lối chơi thời cổ. Bàn thờ, án thư, bàn nước không có chỗ cho hoa đào (Bắc) hay mai vàng (Nam). Chỉ có "hoa cúng", bày trong đĩa đặt trên bàn thờ tổ tiên ban thờ Thần Phật, ngày mồng Một, ngày Rằm, ngày Tết. Cái cốt lõi giữa ban thờ là "mâm ngũ quả" bày trên mâm bồng sơn son. "Nải chuối xanh quả bưởi - bòng, quả Phật thủ (bàn tay Phật), cam quýt chẵn đôi, chẵn chục. ở miền nam, bà con có phần "chơi chữ", bầy quả dừa ("vừa"), quả đu đủ ("đủ"), quả soài ("sài" "vừa đủ sài" như mong ước)... Hai bên ban thờ là hai cây mía tím to, được gọi là "mía ông vải", "gậy chống ông vải" để cả ngọn, mà nhà nhân học - văn hóa giải mã là biểu tượng của sự phồn thực. Nhà - Hiên - Sân - Vườn: mô hình nhà khá giả ở châu thổ Bắc Bộ. Dưới sân, trước hàng hiên, nhà ông bà tôi cho trổ gạch trồng ít cây hoa: ngâu, mộc hai bên con sấu ở bậc thềm, rồi hồng, ròi đào phai, rồi mai... Trong sân giáp vườn, là đỗ quyên, là quất, là sói, là nhài. Rồi vườn giáp sân, là cây tùng, cây bách, cây vạn tuế cầu mong ông bà tôi sống lâu thượng thọ. Mà lạ thay, cây này chết, thì ông bà tôi cũng lần lượt lánh đời... Đó hoàn toàn là những cây cảnh. Tôi mơ màng nhớ tới căn nhà ức Trai - Nguyễn Trãi bên bờ sông Tô cận kề Kẻ Chợ: - Hé cửa, đêm chờ hương quế lọt - Quét hiên ngày lẹ bóng hoa tan. Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện cùng tôi đã phục dựng căn nhà Nguyễn Trãi từ thơ văn Nguyễn Trãi nhập dịp kỷ niệm 600 năm danh nhân văn hóa (1380-1980). Cửa số, là hệ thanh gỗ, kéo lên, xập xuống, không phải là cửa chớp - cửa kính kiểu nhà Tây. Hiên - sân nhà ông tôi, là "vang bóng một thời" - thời đại ức Trai. Như nhà cụ Tú Lan làng Mọc, phụ thân nhà văn Nguyễn Tuân... Ở ngoài vườn cây ăn quả, thì thong dong trước sân là hàng cau. Người nông dân dậy sớm, khi trời còn tối đất, đứng ở hiên nhìn lên ngọn cau thấy phớt sáng là biết thời gian. Nhiều khi dưới hàng cau hay ở ngay đầu hồi đàng Đông, bà con nhà quê dựng giàn trầu. Bà tôi già, lại sang, nên thích ăn lá trầu vàng. Song cũng có khi trời đã tối mà trong ang đồng đựng trầu của bà tôi đã hết, bà tôi phải lọ mọ ra đầu hồi hái ít lá; vừa hái bà tôi vừa lẩm nhẩm mấy câu cầu khấn. Bà bảo: Đêm, trầu không cũng đi ngủ như người, mình hái vài lá thôi cũng phải xin vì đánh thức nó, nhiều khi nó giận, héo rũ cả giàn! Bố tôi thì giải thích: Đêm có sương, hái lá, còn cuống tươi, sương muối ngấm vào thân trầu, có thể hại cả cây trầu! Ven bờ rào, chỗ ít nắng, bà tôi cho trồng bưởi, mít, ổi. Bố bảo: Cây có vỏ da trơn là loại á nhiệt - ôn đới, không cần nắng nhiều. Nhãn vỏ sù sì, đích thị cây nghiệt đới, phải trồng chỗ thoáng để hoa nhãn "phơi mầu" mới sai quả; nhãn lại cần nước, nên trồng dọc bờ ao bờ đầm bờ trũng. Cam quýt chanh trồng vườn trên ao, đánh vun ụ gốc to, sai quả. Trên cành cam quýt, nuôi ít tổ kiến vàng để nó diệt loài sâu đục thân cây cam quýt hút nước ngọt. Sau này, tôi đọc trong sách Nam phương thảo mộc trạng của Kế Hàm đời Tấn, thấy từ thế kỷ 3 "Người Giao Chỉ" (Việt cổ) đã áp dụng kỹ thuật này cùng kỹ thuật chiết cành vào mùa Xuân: Cái hoa Xuân nở, cái lá Xuân xanh Ai muốn chiết cành, hãy đợi mùa Xuân! Dùng kiến diệt sâu, dùng côn trùng diệt côn trùng được người Mỹ xem là kỹ thuật nông nghiệp hiện đại, áp dụng ở Mỹ - Canada từ 1850! Thuở bé tôi cũng từng tận mắt xem bố tôi ghép cây: Chặt ngang thân bưởi "bánh tẻ". Dùng dao nhỏ sắc, tách tước ra một miếng vỏ tươi hình chữ nhật, bỏ đi. Lấy ở thân cam chỗ có mấu mầm, cũng khéo léo tách tước ra một miếng vỏ vừa y diện tích vỏ tước trên thân bưởi, đem ghép vào vừa khít, lấy lạt buộc trên dưới chỗ mầm quanh thân bưởi. Nhựa sống bưởi dâng từ gốc lên nuôi mầm cam, ít lâu sau mầm đâm nhánh, bà tôi sẽ có cây cam thân bưởi, quả to hơn mà ngọt cũng như cam! Cũng không ai trồng bụi chuối trước cửa nhà mà thường trồng sau nhà, đầu hồi nhà, chỗ nẻo vắng quanh vườn. Chuối trổ buồng năm một, chặt buồng thì cũng chặt luôn cây chuối, thái lõi cho lợn ăn (người cũng có thể ăn nõn chuối non - đấy là món "loóng" của người Mường - người Huế mà Phó Giáo sư Từ Chi đã phát hiện sự tương liên giữa ẩm thực Mường - ẩm thực Huế (hay ăn rau dại bán ở chợ Đông Ba). Gốc chuối "mẹ" để nguyên, sẽ đẻ ra thân chuối con, cứ thế, cứ như thế như thế, cả đời... Vườn sau nhà bà tôi trồng xoan; quanh bờ ao trồng tre, sung, bòng, nhót, ổi. Đầy trên lũy tre là các tổ chim cò, vạc. Vạc đi ăn đêm, tối bà tôi nghe tiếng vạc, chép miệng "Kêu như vạc", sáng sớm về tổ lại chãng chọe nhau, đú đởn với nhau lại "kêu như vạc" rồi mới ngủ ngày. Da diết thương nhớ cảnh: Cái cò mà đi ăn đêm Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao... "Thân cò lặn lội" là thân người dân cày đầu đội nón mê, lưng khoác áo tơi lá, chân đất lấm bùn lầy... Người dân nghèo ngày trước ít trồng hoa. ở nông thôn, nhà "có máu mặt" mới trồng bụi sói, bụi nhài. Nên nói thành thật, như Tô Hoài là cây hoa, cây cảnh nảy sinh từ cung vua, phủ chúa, dinh quan lớn, nhà phú hộ mà nhất là ở chốn phồn hoa thị thành. Song xin chớ nên quên: Đình - Đền - Chùa - Miếu... ngày trước là những trung tâm văn hóa - tôn giáo (tôn giáo cũng là văn hóa) thì cũng là những trung tâm trồng cây cổ thụ, rồi cảnh hóa những cây cổ thụ đó (si, sanh, đa...) và trồng cây hoa, cây quả, cây thuốc chữa bệnh... Và chính từ Đền - Chùa mà nhiều giống cây có nguồn gốc ngoại sinh, qua giao lưu văn hóa - được hội nhập vào bộ cây giống Việt Nam rồi truyền bá ra Dân gian. Trên tạp chí Châm cứu Sông Bé (1994), thạc sĩ Lê Thị Liên và tôi đã công bố việc phát hiện tấm bia "Tế bệnh điền" thời Trần Minh Tông (1314 - 1328) ở chùa núi Dục Thúy (Non Nước - Ninh Bình), nói rõ các chùa thời Trần được vua cấp ruộng trồng cây thuốc chữa bệnh cho dân. Sau đại thắng Bạch Đằng (1288) Hưng Đạo đại vương lui về Kiếp Bạc, trồng cây hoa, cây thuốc chữa bệnh cho dân. Hai dải núi Nam Tào, Bắc Đẩu chầu vào đền Kiếp Bạc gọi là Dược Sơn và cho đến nay làng có đền Kiếp Bạc nổi tiếng đó vẫn mang tên Dược Sơn. Những nhà nghiên cứu văn học, Phật học đều nhớ bài thơ "Cáo tật thị chúng" hay tuyệt vời của thiền sư Mãn Giác (1052 - 1096) có liên quan đến các cây hoa, cây mai nhà chùa trồng đời Lý: Xuân khứ bách hoa lạc Xuân đáo bách hoa khai Sự trục nhãn tiền quá Lão tòng đầu thượng lai Mạc vị xuân tàn hoa tận lạc Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. (Xuân đi trăm hoa rụng Xuân tới trăm hoa cười Trước mắt việc ruổi mãi Trên đầu già đến rồi. Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua hiên trước một cành mai!) "Nhất chi mai" thanh quý biết bao. Trồng Hoa để thưởng ngoạn, để liên tưởng, để triết lý về lẽ sinh tử, về cuộc Đời! Đại thiền sư Giác Hải cũng tư duy với Hoa và Bướm: Xuân lai hoa điệp thiện tri thì Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ Hoa điệp bản lai giai thị huyễn Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì. (Xuân sang hoa bướm khéo quen thì Hoa bướm cần ưng theo hạn kỳ Bản lai hoa bướm đều huyền ảo Hoa cười bướm lượn bận lòng chi). Cũng ở thời Lý, theo Sử chép (Sử nói ở bài này chủ yếu là nhắc đến bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư), triều đình nhà Lý đã có cả một vườn thượng uyển là Hoa lâm (Rừng hoa nay thuộc Mai Lâm - Đông Anh, Hà Nội), cũng gọi là Hoa Viên (Vườn hoa) ở đó có đền thờ tổ tiên nhà Lý (theo lời truyền miệng dân gian ở Mai Lâm, đây là quê mẹ Lý Công Uẩn - Huyền tích khác nói bà mẹ họ Phan này người Đình Sấm - nay thuộc xã Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh). Ta nên nhớ trại Hàng Hoa - Ngọc Hà nổi tiếng Hà Nội có ngôi đình nổi tiếng đã được xếp hạng thờ Hoa nương (nàng Hoa) tương truyền là người thời Lý, 9 tuổi đã theo cha đi đánh giặc lập công (Xem Hoàng Đạo Thúy Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Hội văn nghệ Hà Nội, 1969). Tôi cho rằng từ thời Lý, vùng Ngọc Hà đã có làng Hoa của kinh thành Thăng Long và dân làng Hoa thờ bà chúa Hoa - Hoa nương - làm nữ thần bảo hộ của làng mình. ở đó đến đầu thời Lê (xem sử chép, 1516) đã tồn tại chợ Hoàng Hoa (Hoàng Hoa = Hoa Cúc). Lý - Trần - Lê theo Sử chép Thăng Long có phường Yên Hoa (đời Nguyễn đổi gọi là Yên Phụ) ở đó và ở Mai Dịch đều có cánh đồng Bông (trước thế kỷ 18 người Bắc gọi Hoa là Bông như người Nam hiện nay), có phường Kim Hoa (đời Nguyễn đổi là Kim Liên) có đầm sen (nay là công viên Bảy Mẫu (Thống Nhất). Chợ Hoa Thăng Long ngày trước chủ yếu là bán hoa cúng ngày Một, ngày Rằm (phiên Rằm chợ chính Yên Quang; Yêu Hoa anh đợi hoa nàng mới mua). Nhưng ở thị thành ngày trước, không loại trừ việc bán cành hoa để cắm lọ độc bình ở những nhà khá giả, quyền quý. Ca dao dân gian Kẻ Chợ có câu: Trách người quân tử bạc tình Yêu hoa rồi lại bẻ cành bán rao. Đó là nhân một hiện tượng hiện thực (bẻ cành hoa đem bán) mà triết lý về nhân tình thế thái. Cũng như cụ Đặng Tiến Nam, Tô Hoài, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường suy đoán rằng các vườn hoa là khởi nguyên tự các nhà vương hầu quý tộc Lý, Trần. Các nhà sử học ta hầu như chưa có một công trình nào viết về lịch sử nghệ thuật trồng hoa, thưởng hoa (họ còn mải viết "đại sử" về chiến tranh, kinh tế, xã hội). Bộ mặt điền trang - thái ấp Lý, Trần, nào ai đã biết rõ. Theo một cách tiếp cận lịch sử qua thơ văn (mà người Mỹ gọi là Intellectual History), ta có thể hình dung được ít nhiều. Xin hãy đọc ít bài thơ của đại tư đồ Trần Nguyên Đán đời Trần, ông ngoại Nguyễn Trãi (Xem Thơ văn Lý, Trần. Tập III). Bài 1: Cửu nguyệt hữu nhân lai phỏng đồng tái (Tháng chín có người đến thăm nhà, cùng làm thơ) Trích: Kích hạ nhiêm nô xiết cảnh linh Xuất môn hỷ tiếp tử khâm thanh Tự ngu cố thác hoa mê viện Tập tĩnh thời quan thảo mãn đình... (Dưới cửa kính, người gia nô rậm râu giật chuông báo hiệu. Ra cửa mừng đón khách áo xanh, Vui ngắm cảnh hoa đầy cả viện. Quen yên tĩnh, thường xem cây cỏ đầy sân). Bài 2: Thu nhật (Ngày thu): Lâm lưu mao xá bản phi quynh Tiểu phố thu thâm hứng chuyển thanh. Mai tảo cúc phương hiền tử đệ Tùng thương trúc sấu lão công khanh... (Ngôi nhà tranh bên sông khép cánh cửa ván, Trong vườn nhỏ giữa mùa Thu, cảm thấy rất thú vị, Mai nở sớm, cúc đưa hương: đệ tử người hiền, Thông xanh, trúc gầy, bậc công khanh già) Bài 3: Cửu nguyệt tam thập nhật dạ hữu cảm (Cảm xúc đêm 30 tháng Chín): ... Vãn cúc tảo mai tân phú quý. Thanh đăng hoàng quyển cựu sinh nhai. (Cúc muộn, mai sớm là phú quý mới, Đèn xanh, sách vàng là nghiệp nhà xưa). Xem thơ Băng Hồ và các tác giả khác, có thể hình dung được cái mà Sử không chép. Thời Lý đã có vườn thượng uyển ở phía Tây Cấm thành ("Hướng Tây cấm chi danh viện" - Văn bia chùa Đọi, 1121). Đời Trần cũng vậy. Bài thơ họa vần "Ban yến cho những người đỗ tiến sĩ ở điện Quan Đức" của nhà vua của Băng Hồ có câu: Cấm uyển tân tình thụ ảnh tà... (Trong vườn cấm, nắng mới lên, bóng cây nghiêng). Bài họa thơ nhà vua "Tháng chín ngắm cúc" nêu rõ: Vụ tẩy yên hoa mãn cấm thành Hoàng hoa thời tiết hảo thu thành Hàm sương ngọc nhị kình thiên trọng ánh nhật kim ba chiếu hạm minh... (Sương mù tan, khói và hoa đầy cả cấm thành, mùa hoa cúc trong tiết thu đẹp, nhị ngọc ngậm sương nặng trĩu vươn lên. Bông vàng nhuốm nắng rực rỡ trước hiên...). Tôi đã về thăm Tức Mặc - Thiên Trường nhiều lần, dò tìm cung điện xưa, dòng sông cũ, vườn cây - hoa của thượng hoàng Trần thuở trước và đã viết bài cho tạp chí Sinh vật cảnh nói về làng Hoa xứ Nam. Phạm Sư Mạnh (nửa đầu thế kỷ 14) đại quan đời Trần, nổi tiếng văn học, có 2 bài thơ ghi lại việc hầu vua về Thiên Trường. Bài 1: ... Hải thành thổ cống bao cam quất (Thành vùng biển, đồ cống có cam, quất) Bài 2: ... Lưỡng ngạn tân sương kim quất quốc (Sương mới đôi bờ đất quất vàng) Quất thành Nam, cũng như đỗ quyên, cho đến nay còn nổi tiếng. Nguyễn Phi Khanh, con rể Trần Nguyên Đán, phụ thân Nguyễn Trãi, khẳng định trong thơ Thiên Trường có vườn ngự uyển của thượng hoàng: Bài 1: Thiên Trường thí hậu hữu cảm (Cảm xúc sau khi thi ở Thiên Trường) ... Đông phong ngự uyển, hoa rung động Tế vũ càn khôn liễu sắc tân. (Gió Đông (gió xuân), trong vườn ngự uyển, dáng hoa lay, Mưa nhỏ đầy trời, nhành liễu xanh non). Đến Tức Mặc Thiên Trường ngoại thành Nam Định hôm nay, tôi vẫn thấy thôn Liễu Nha (quê Trần Lê Văn) và cùng anh hồi tưởng bến Liễu của dòng sông Châu thời Trần năm nao, ngày nào..." ngạn thụ đông tây kỳ phất lược" (Cây cối đông tây cờ lật phật); "Liễu phố tam thu vũ, Quân bồng bán dạ thanh" (Mưa thu trên bến Liễu, Thánh thót rỏ mui thuyền); "Biển chu bạng liễu quá tiền khê" (Thuyền men rặng liễu lướt khe đi)... Để khẳng định thời Lý Trần, các đấng quân vương quý tộc đều có Hoa viên, tôi xin dẫn thêm một chứng trong Lĩnh Nam chích quái (viết lại năm 1501), truyện Hà Ô Lôi: Nhà quận chúa Trần bên bờ sông Tô có cả một vườn hoa đua sắc, Hà Ô Lôi giả xin làm một chân cắt cỏ, vào vườn cắt sạch cả cỏ cả hoa để bị bắt giữ và tìm cách hát ca để gụi gần Quận chúa. Đầu thời Lê, ở Thăng Long, nhà các quan đều trồng hoa là điều Sử chép chắc chắn: Năm Kỷ Dậu (1429), tháng Ba, ngày 20, vua hạ lệnh: "Cho đô tổng quản và quản lĩnh các đạo cùng các quan viên ở các phường trong kinh thành biết rằng: Hiện nay đất của các công hầu bách quan đều có phần nhất định, phải nên trồng cây, trồng hoa và rau đậu, không được bỏ hoang...". ở trên, ta đã nhắc đến nhà ức Trai bên bờ sông Tô mà bạn ông, tiến sĩ Lý Tử Tấn gọi là "Biệt khai thành thị nhất lâm tuyền" (Giữa nơi thành thị, mở riêng một cõi lâm tuyền) Trên mảnh đất được vua chia: Cung dư tịch địa bán trăn tinh (Hơn cung đất hẹp nửa đầy gai) Đất cày gõ ải, lảnh ương hoa. Nguyễn Trãi đã cho dựng nhà - vườn, theo tả lại của bạn ông là Nguyễn Mộng Tuân: Nhất điều thủy lãnh tri Tam quán Tứ bích gia bần phú lục kinh Mai ảnh nguyệt niên lai giáng trướng Hà hương phong đệ tống sơ linh. (Một dòng nước lạnh, nhà quan Tam quán, Bốn vách nghèo xơ, chỉ toàn sách vở Trăng võ bóng mai lên trướng đỏ Gió đưa hương sen vào song thưa) Cũng theo Lý Tử Tấn, nhà ức Trai có giậu trúc: Khánh lai trúc ngoại hữu trà yên (Khách đến bên giậu trúc có khói trà). Đọc thơ Nguyễn Trãi, ta thấy ở thế kỷ 15 Thăng Long - Đại Việt có các loại cây - hoa được chuộng sau đây: Mai - Cúc - Trúc - Tùng - Lan (sau gọi là tứ quý: Mai - Lan - Cúc - Trúc) - Đào - Mẫu Đơn - Thiên Tuế - Mộc - Nhài - Sen - Hòe - Đa già - Dương... (Xem Quốc âm thi tập trong Nguyễn Trãi toàn tập, 1969). Đến thời Lê Trịnh thì việc chơi hoa - cây cảnh đã được Phạm Đình Hồ nêu rõ trong Vũ trung tùy bút: "Buổi ấy, bao nhiêu loài trân cầm dị thú, cổ mộc, quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, chúa đều sức thu lấy không thiếu một thứ gì... Bọn hoạn quan cung giám lại thường nhờ gió bẻ măng ra ngoài dọa dẫm. Họ dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt khướu hay, thì biên ngay hai chữ: "Phụng thủ" vào. Đêm đến các cậu trèo qua tường thành lẻn ra đem tay chân sai lính đến lấy phăng đi rồi buộc tội đem giấu vật cung phụng để dọa lấy tiền...! Như vậy, ta có quyền nói, từ ngàn năm nay nước ta có truyền thống văn hóa chơi - thưởng Hoa - Cây cảnh." Nguồn: http://www.suutap.com Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 Tâm Linh Cây Cỏ & Con Người Nguyễn Mộng Khôi Giữa thập niên sáu mươi, nhà Bác học Cleve Backster chế ra máy Dò Nói Dối, người Mỹ gọi là Lie Detector hay Polygraph, máy này có thể phát hiện những thay đổi về mạch đập, những bất thường của nhịp thở ..v..v... mà Backster cho rằng do tinh thần căng thẳng, không giữ được bình tĩnh khi người bị thẩm vấn có những điều uẩn khúc, những chuyện muốn dấu diếm. Cơ quan Trung Ương Tình Báo( CIA) dùng Lie Detector để điều tra những nghi can. Họ thấy máy này đem lại kết quả tốt nên năm 1986 Backster được CIA mời ra cộng tác và sau đó được cử làm Giám Ðốc Trường Huấn Luyện Dò Nói Dối và Sở Nghiên Cứu Backster(Polygragh Instruction School and The Backster Research Foundation)ở San Diego California. Từ đó, tên tuổi Ông được nhiều người biết đến, nhưng Ông chỉ thật sự nổi danh và được các khoa học gia thế giới cảm phục khi ông tình cờ tìm ra thảo mộc có tâm linh hay là cây cỏ có khả năng biết được ý định của con người. Một buổi sáng được nghỉ, Ông ngồi ngắm những chậu hoa, những chậu cây trong nhà, như một nhân duyên, Ông chú ý đến một cây có lá to và dày như lá đa trong một chậu cảnh, đã một tuần không được tưới nước, đất khô, thân cây cũng khô. Ông bổng nẩy ra ý định: - Thử cắm hai đầu dây của một điện kế(galvanometer) cực nhậy vào cái lá rồi tưới nước vào gốc cây. Nước dần dần lên thân và lá, nhưng cây kim điện kế vẫn đứng im. Rồi một ý nghỉ khác đến với Ông: - Hay là thử đốt chiếc lá này xem sao? Ông chỉ mới có ý nghĩ đốt chiếc lá tức thì kim điện kế bỗng nhẩy lên như bị điện dật. Ông tự hỏi, chẳng lẽ Ông nhìn lầm? Chẳng lẽ lá cây đọc được tư tưởng của Ông mà biểu lộ phản ứng sợ hãi hay sao? Nghĩ như vậy Ông làm thử lần thứ hai. Tay cầm hộp quẹt như sắp sửa đốt chiếc lá, nhưng Backster tự nhủ sẽ không đốt; thì điện kế cũng không nhúc nhích. Lần thứ ba ông nhất định sẽ đốt chiếc lá. Lúc đó trong phòng lặng gió kim điện kế đột nhiên nhẩy mạnh. Nhìn chiếc lá bị đốt một phần Backster thấy sung sướng trong lòng vì sự tình cờ mà biết được linh tính lá cây. Sự khám phá này làm Ông thích thú hơn là phát minh ra máy Dò Nói Dối hồi ba thập niên trước. Ông muốn công bố ngay cho mọi người biết. Nhưng Ông kịp ngừng lại, thái độ đúng của nhà khoa học là phải thử nghiệm đầy đủ, khách quan để không đưa tới kết luận sai lầm, thiên kiến và chủ quan... rồi, Ông định phát triển, nghiên cứu sang nhiều loài thảo mộc khác. Có tới 25 loại cây cỏ được nghiên cứu gồm nhiều loại lá, loại quả và loại củ. Sau những cuộc nghiên cứu thận trọng của Ông và các cộng sự viên. Ông chính thức công bố rằng: - Cây cỏ có trực giác tâm linh Chúng không có mắt, tai, mũi, miệng; không có óc; không có thần kinh hệ... thì cái biết của chúng hẳn phải khác với cái biết của con người. Con người có giác quan nhưng không có trực giác tâm linh như chúng. Dù một bác sĩ tâm lý giỏi cũng không biết được ý định của một kẻ điên khùng sắp đốt nhà mình. Suy nghĩ như vậy làm cho Backster phấn khởi Ông mở rộng cơ sở nghiên cứu và càng khám phá ra những điều mới lạ. Từng mảnh lá tách rời cũng phản ứng như nêu ở trên và người ta gọi là Phản Ứng Backster. Nhà Sinh thực vật(biologist) Ingo Swann, theo dõi cuộc nghiên cứu của Backster và viết trong quyển The Real Story(chuyện có thật). Quyển sách được phát hành ngày 15-11-1998 trong đó có đoạn: - Sự nghiên cứu(của Backster) khởi đầu chỉ là một khám phá hầu như tình cờ vào năm 1996 là thực vật có khả năng nhận thức và tự động đáp ứng những xúc cảm mạnh thuận theo ý chí con người ... những cây cỏ của bạn, biết là bạn đang nghĩ gì.(His research started with the 1996 almost accidental rediscovery that plants are sentient and respond to the spontaneous emotions and strongly express intentions of relevant humans... Your plants know what you are thinking). Phản ứng Backster còn đi sâu xa hơn và cho biết thêm là cây cỏ phản ứng không phải trước những mối nguy do con người tạo ra, mà cả những bất trắc, không tạo ra bằng ý định. Một con chó bất thần bước vào phòng, một người vốn ghét cây cỏ đi tới cũng làm điện kế nhẩy. Những cử động của một con nhện tiến đến, cũng gây phản ứng cho cây. Ông Backster đã làm thí nghiệm và chứng minh những điều đó trước các sinh viên trường Ðại Học Yale(Hoa Kỳ) trong trường hợp trên, một khi có người tới đuổi nhện và ngay trước khi nhện chạy đi kim điện kế đã hạ xuống. Y như là trước khi nhện chạy thì cái quyết định rút lui của nó đã được cây tiếp nhận. Cây đã thấy hết nguy hiểm và không phản ứng nữa. Một cuộc thí nghiệm khác chứng minh rằng khi sống cạnh nhau, cây để ý canh chừng nhau sợ bị quấy rầy nhưng khi có một động vật tới gần, mối nguy gần hơn cây cỏ quay sang canh chừng động vật. Những điều còn làm cho chúng ta kinh ngạc là cây có trí nhớ và tình cảm. Chúng nhận biết những kẻ chuyên phá hoại hoặc những người hay chăm sóc chúng. Ông Charles A. Lewis trong quyển Ý Nghĩa Của Cây Cỏ Trong Ðời Sống Chúng Ta(The Meaning of Plants in our Lives) viết: - Sự say mê nghiên cứu về những liên kết giữa cây cỏ với tâm trí con người mà những tương tác làm tăng thêm hạnh phúc ở ngoại cảnh và môi trường có tác động đến đời sống con người(Fascinating research can lead to enhanced well-being and an appreciation of the environment). Một gia đình an vui, hạnh phúc, cây cỏ trong nhà cũng tươi tốt. Khi người chăm sóc cây cối, cái tương tác tâm linh giữa Cây và Người làm cho cả hai đều khỏe mạnh hơn. Ðó là lý do tại sao những cây mọc gần nhà thường tốt hơn những cây mọc xa. Vậy chúng ta hãy nâng niu, trân trọng từng cọng cây chiếc lá. Hãy dành một chút thì giờ để chăm sóc cây cỏ và vườn tươi(lawn and garden) sức khỏe chúng ta có thể nhờ đó mà tốt hơn. Ngược lại những người thường xuyên chặt phá cây cối thường gặp điều kém may mắn hay nhuốm bịnh là vì khi cây bị xâm phạm, phản ứng tâm linh yếu ớt của cây đánh vào thủ phạm. Mỗi lần một ít, lâu dần người đốn cây sẽ bị bệnh nặng. Có thể người xưa sống an vui, hạnh phúc vì cái thú Ðiền Viên chăng? Các nhà sinh thực học thế giới rất hứng thú đang theo dõi công cuộc nghiên cứu của Backster, hiện đã có 7000 nhà bác học yêu cầu Ông thông báo cho biết kết quả nghiên cứu kèm theo các tài liệu khoa học. Những máy móc tối tân hơn được Ông thâu nhận, nhất là những máy ghi các nhịp luồng điện. Và cuộc nghiên cứu được tiến hành với kế hoạch tinh vi, được ghi chép đầy đủ. Các tài liệu được thu thập và xếp loại cẩn thận. Nếu Backster chứng nghiệm được Tâm Linh Cây Cỏ thì kỹ sư Kirlian đã chụp được hào quang của chúng. Kirlian, tên đầy đủ là Semyon Davidovich Kirlian(1900-1980) sinh tại tỉnh Krasnoda, xứ Amenia nước Nga. Năm 1939 Ông cùng vợ là Valentina đã phát minh ra máy Chụp Hào Quang gọi là Kirlian Electrophotographic Camera(gọi tắt là máy Kirlian). Ông bà này đã áp dụng từ trường của điện vào thuật chụp hình của sinh thực vật (Bio Electrography ). Một tấm ảnh chụp chiếc lá của máy Kirlian hiện ra như một thế giới điểm sáng. Chung quanh nó là hào quang(Corona ). Những tia lửa nhỏ màu ngọc lam, màu da cam, phát ra từ trung tâm và đi xa theo những kinh xác định. Không phải chỉ lá mới có hào quang. Cây càng lớn, càng già, hào quang càng rực rở và Trường Sinh Lực( bio field) càng mạnh. Trường Sinh Lực (TSL) chính là sức mạnh vô hình của thảo mộc. Có những tiều phu vừa đốn xong một đại thụ bỗng lăn đùng ra chết. Có thể người này đã chặt phải một linh mộc có TSL quá mạnh. Trong tín ngưỡng nhân gian ta, có tục thờ cây đa. Bên gốc đa già, thường có một cái miếu nhỏ, đặt bát hương, những chiếc bình vôi, để hương khói cho Thần Linh. Do kinh nghiệm của cha ông truyền lại thì cây lớn có Thần lớn. cây nhỏ có Thần nhỏ: - Thần cây đa, ma cây gạo. Trong kho tàng văn chương bình dân, ta còn thấy những câu tục ngữ xưa, có ý răn đe, những người chặt cây, phá rừng. Ðó là nghề nguy hiểm nhất: - Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá. Nhờ sự khám phá về năng lực sinh học và hào quang của thảo mộc. Một số khoa học gia người Nga thực nghiệm rằng, rau cỏ (vegetable) nào có hào quang càng sáng thì càng nhiều bổ dưỡng ẩm thực. Họ nói: - Hào quang của rau cỏ giảm bớt khi bị nấu chín. Những tấm hình Kirlian cho thấy rau sống có hào quang chói sáng hơn rau luộc. (A Kirlian photogragh of a raw vegetable shows a brighter and more defined corona than a cooked one). Nhiều bác sĩ Tây Phương gần đây cũng đồng ý và viết thành sách. Họ khuyên chúng ta nên dùng thực phẩm tươi. Một tờ báo ở Thụy sĩ ca ngợi bác sĩ Bircher Benner: - Bác sĩ Bircher Benner, người đổi mới những bữa ăn điểm tâm không nấu chín thức ăn trong dưỡng đường của ông ở Thụy sĩ. Ông khuyên rằng thức ăn tươi luôn dùng trước bữa ăn đã nấu nướng, Ông tin chắc thức ăn tươi làm kích thích hoạt động điện của tế bào, vì vậy tăng cường sinh lực cũng như toàn bộ tiêu hóa được tốt hơn( DR. Bircher Benner innovator of Swiss Muesli for use in his clinic in Switzerland, advised that raw food always be taken first, before cooked meal. He believed that raw food stimulate the electrical activity of cells thereby enhancing the vitality as well as improving the rohole digestive process) Ðộng vật cũng có trường sinh lực và tác động mạnh mẽ tới con người. Trong tạp chí y khoa Health Care số 2-2000 có ghi những điều đáng chú ý giữa con người và vật nuôi làm cảnh(Pet) như sau: - Những người yêu thích súc vật và nuôi làm cảnh trong nhà như: Chó, mèo, chim, cá, gà ..v..v.. thường có sức khỏe tốt hơn và sống lâu hơn. Những bệnh nhân bị áp huyết cao, bệnh đau tim, bệnh trầm cảm(depression) cũng lợi lạc hơn những người không nuôi một động vật nào. Các cuộc thử nghiệm của một số bác sĩ Tâm Bệnh Lý (Psychologist) Mỹ và Úc cho biết số người bị tắc mạch máu đã giảm đi hai lần và số người có chất mỡ (cholesterol) cao trong máu sẽ giảm đi nếu chủ nhà có nuôi vài con pets Nhóm khoa học gia thuộc viện đại học U. S. C Tiểu Bang California còn đi xa hơn trong lãnh vực nầy. Họ bảo bệnh Alzheimer dường như phục hồi trí nhớ và cả đến nạn nhân của tử thần AIDS cảm thấy lạc quan và tỏ ra yêu đời hơn khi họ được làm chủ một con vật mà họ ưa thích. - Con người cũng có Trường Tâm Linh, Trường Sinh Lực như thực vật và động vật. Kirlian đã chụp hình bàn tay và ngón tay đều có hào quang, giống như hào quang của chiếc lá. Hào quang nấy bước đầu cho biết về tình trạng sức khỏe của các sinh vật rồi tới tâm trạng của các sinh vật đó. Khi sức khoẻ hoặc tâm trạng thay đổi thì hào quang đó đổi thay theo. Nhiều bác sĩ người Nga khẳng định và viết trong sách Y Học của họ ... Trong quá khứ, hình chụp Kirlian được dùng vào nhiều mục liên quan tới diện mạo, thần sắc của sức khỏe và tâm/ sinh lý. Hình ảnh thật rỏ ràng trong sự tiên đoán những hiện trạng bệnh tật như nhiều hình thức Ung Thư, những bệnh về Bướu, Phong thấp, Xưng khớp Xương, bệnh Thần Kinh, bệnh Suy Nhược v..v... Họ tin chắc hình chụp Kirlian có thể tiên đoán những bệnh từ lúc khởi đầu ngay trước khi có những triệu chứng phát hiện nó là một dụng cụ rất ích lợi để đoán trước bệnh(... Kirlian photograghy has been used in the past for a variety of purpose relating to psycho/physiological aspects of health. It has been clearly shown to be effective in diagnosing conditions such as the various forms of cancer, Cystic, fibrosis, Rheumatoid, Arthritis, Schizophrenia, Depression and Others. It is believed that Kirlian photography can predict the onset of disease prior to symptoms showing, making it a useful tool in early diagnosis) Một số thống kê mới đây cho thấy rằng, người độc thân mau chết hơn người có gia đình. Ban đầu các nhà y học đánh giá là do vấn đề sinh hoạt tình dục. Nhưng ngay cả những người độc thân có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân cũng vẫn chết sớm. Người ta lại cho rằng khi có gia đình ổn định, con người được chăm sóc tốt hơn nên sức khỏe cải thiện hơn. Thật ra đó chỉ là lý do phụ, lý do chính là tình thương yêu chân thật của vợ chồng đã tạo ra Năng Lực Tâm Linh( hay TSL) làm cho khoẻ hơn. Những huyệt đạo (sensitive points of body) trong khoa châm cứu (Acupuncture) Ðông y hình như có liên quan đến vùng Không Gian Tâm Linh của con người. Ðến ngày nay Tây y đã công nhận huyệt đạo là có thật. Khi châm cái kim hoặc kích thích vào một huyệt đạo thì nó có tác dụng lên cơ thể. Ðiển hình nhất là Châm (punctuare) gây Tê (numb) trong giải phẩụ Y học Tây Phương phải dùng thuốc tê để làm tê liệt các thần kinh rồi mới mổ xẻ. Các nhà châm cứu Ðông Y chỉ việc châm một số huyệt vào phần cơ thể là họ có thể giải phẩu bình thường. Các tác dụng cụ thể của huyệt đạo buộc các Bác Sĩ Tây Y phải công nhận là có huyệt đạo. Nhưng nó nằm ở đâu thì không ai thấy. Các Bác Sĩ Tây y lấy dao mổ ra, họ không thấy gì ở trong và cũng không thấy một sự liên hệ của Huyệt Ðạo đó với các thần kinh chung quanh, Huyệt Ðạo Hoàn Toàn Không nhưng mà tác dụng của nó thì Có Thật và các huyệt đó nối nhau thành một hệ thống huyệt đạo (Ðường của những huyệt). Trong cơ thể con người có nhiều đường. Ðường Kinh Nhâm đi từ môi dưới xuống trước hậu môn. Ðường Ðốc Kinh đi từ hậu môn tới đỉnh đầu rồi đi về phía môi trên. Còn có Ðường Kinh khác như là Túc Thái Dương, Bàng Quang Kinh.. v..v... những hệ thống kinh Huyệt này chứng tỏ một cách chắc chắn rằng Cơ Thể Nầy Ngoài Cấu Trúc vật Chất, Còn Có Một Cấu Trúc Tâm Linh Vô Hình rất là thật mà qua các Huyệt mình mới hiểu được nó. Qua những sự nghiên cứu của Backster, Swann, Lewis, Kirlians... chúng ta rút ra một hệ luận, không gian tâm linh tuy vô hình nhưng có tác dụng. Những ý nghĩ thầm kín của chúng ta vẫn lặng lẽ tạo nghiệp. Ðối với những người hiểu luật Nghiệp Báo, hiểu rỏ sức ảnh hưởng của Tư Tưởng và môi trường chung, họ sẽ giữ tâm hồn để không bị nhiễm bẩn bởi các dòng tư tưởng ác trong không gian, đồng thời họ chân thành cầu nguyện cho mọi người đều tốt đẹp, họ thường rải tâm từ bi đến muôn loài, từ con người, con thú đến tận cây cỏ lá hoa. Nguồn: camxahoc.vn Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết: Một kỳ tài “Giải Phóng Môi Sinh” Hà Nhân Văn Bão tố, nóng lạnh, núi lở, biển dâng, động đất v.v… đều ngoài tầm tay của con người, do một Mẹ Thiên nhiên. Hội Ðịa Lý quốc gia Hoa Kỳ, xuất bản tập sách với nhiều hình ảnh quí giá, nhan đề “Sức mạnh của Thiên nhiên” (Powers of Nature – NGS, Wash, DC., 199 pp, với những hìnhảnh tuyệt đẹp và sống động). Cuốn sách quí giá trên lôi cuốn độc giả thật mê say và kỳ thú, từ sự thay đổi dáng hình của trái đất với lục địa và biển cả cách đây 200 triệu năm rồi 135 triệu năm, 65 triệu năm cho đến trái đất ngày nay. Dù là tay vô thần triệt để, trước sóng thần tsunami ở ÐNÁ và bão Katrina ở Hoa Kỳ cũng phải cúi đầu kinh khiếp trước sức mạnh của Mẹ thiên nhiên. Từ ngàn xưa, ta có thể nói một cách đầy tự hào và hãnh diện: Tổ tiên ta đã biết thờ kính Mẹ Thiên nhiên qua Ðạo Mẫu VN , xuất phát từ đời vua Hùng. Ngày nay, HNV tôi có thể nói mà không sợ quá đáng, khiên cưỡng hay đề cao: Tiến sĩ Mai Thanh Truyết là “đệ tử” của đại đạo Thiên Nhiên, môi sinh và môi trường. Nói được như thế là HNV tôi đã sưu khảo và đã nghe cả trăm bào viết và nói của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết và đài RFA trong nhiều năm qua. Nói một cách tâm linh, hẳn là bà Chúa Thượng Ngàn (Ðạo Mẫu) và Mẫu Thoải (Thủy Tiên Thánh Mẫu) chắc sẽ thưởng công cho nhà khoa học lỗi lạc này. Trận giá lạnh kinh khủng ở Việt Nam hiện nay từ miền Trung đến Thượng du miền Bắc, DO ÐÂU? Tất nhiên là do Mẹ Thiên Nhiên, ngoài tầm tay của Nhà nước CSVN. Hơn nửa thế kỷ mới có một trận rét và giá buốt khủng khiếp như thế, kéo dài cả tháng; 54.000 trâu bò và gia súc chết! Nhưng ở mặt khác, rất khoa học, lại do con người VN đã tiếp tay với Mẹ Thiên Nhiên. Về Một Nhà Khoa Học Môi Sinh Việt Nam Nhà khoa học Mai Thanh Truyết đã liên tiếp lên tiếng về môi sinh và họa phá rừng ở Việt Nam trên đài Á Châu Tự Do (RFA) và trên báo. Tôi sưu tầm được gần 30 bài báo thật giá trị, phong phú và cô đọng của TS Mai Thah Truyết, quê ở Tân Phú Thượng, tỉnh Hậu Nghĩa cũ, đậu Tiến sĩ “Cơ cấu hóa học hữu cơ”, ÐH Pháp quốc (Chimie Organique Structurale), cựu Trưởng khoa Hóa Học ÐH Sư Phạm sàgòn, Giám đốc Học vụ ÐH Cao Ðài, Tây Ninh, chuyên gia Nghiên cứu Y sinh hóa ÐH Y Khoa Mineapolis. Với cách nói và hành văn của TS Truyết rất nhẹ nhàng, bình dị, dễ hiểu, có thể nói rất Việt Nam và rất miền Nam với hàng chục năm ông nói và viết về môi sinh, môi trường, thiên nhiên, rừng cây, ô nhiễm. Ông đã đem lại ơn ích rất lớn quê hương Việt Nam. Theo dõi báo chí trong nước, có hàng tá bài nói và viết của TS Truyết đã được sao chép lại gần như nguyên văn đăng vào mục khoa học trên nhiều báo ở Hà Nội và Sàigòn như SGGP, Hà Nội Thanh Niên, Tuổi Trẻ… Nếu đã nghiên cứu về Ðạo Mẫu Việt Nam và khoa học Môi sinh hiện đại, t sẽ thấy TS Truyết quả là một gạch nối giao lưu và phản ảnh truyền thống trọng kính Mẹ Thiên Nhiên , núi rừng và sông biển của ông cha ta xưa. việt Nam có tục thờ CÂY mà học giả Pháp , LM thừa sai L. Cadière đã trình bày khá cặn kẽ: “Le Culte des Arbres” – (BEFEO T.XVIII, 1918). Bà Chúa Thượng Ngàn trong Ðạo Mẫu Tứ Phủ là bà nữ thần coi rừng cây lớn, phải làm lễ cúng bà, phải trồng 6 cây nhỏ để gọi là “trả lại bà Chúa”. Trước ngày Chùa Hương mở hội, phải làm lễ cúng bà Chúa gọi là xin bà cho mở cửa rừng núi ở bìa rừng Bình-Trị-Thiên thường dựng miếu thờ Bà Rú hóa thân bà Thượng Ngàn coi núi rừng. Năm Bính Ngọ (1126), vua Lý Nhân tông ban chiếu chỉ: “Cấm dân chúng mùa Xuân không được chặt cây” (Ðại Việt Sử ký toàn thư, Q.II, tr. 24a). Thập niên 1990, Âu Mỹ hốt hoảng trước họa môi sinh và Thiên nhiên bị tàn phá, Âu Mỹ nhất loạt nói lên cao trào bảo vệ và Giải phóng Môi sinh, Môi trường. Ðặc san khảo cứu khoa học Dedalus của Hàn Lâm Viện Nghệ thuật và khoa học Mỹ ấn hành số đặc biệt, trên 300 trang với chủ đề “THE LIBERATION OF ENVIRONMENT” (Giải phóng môi trường – Dadalus, Summer 1996, vol. 125, no.3). Giáo sư K.M. Meyer-Abich, giảng dạy Triết học Thiên nhiên: Tiến đến một nền Triết học Sinh học Trung đạo (tạm dịch) (Humans in Nature: Toward a Physiocentric Philosophy- Báo đã dẫn, tr. 213-232). Qua công trình nghiên cứu, nói trên đài RFA và viết trên báo của TS Truyết, quả thực ông là một chiến sĩ cách mạng môi sinh trong cuộc giải phóng môi trường mà ông nhắm hẳn về quê hương Việt Nam. Với những bài khảo cứu, đại loại như “Năng lượng methanol”, “Tế bào năng lượng” và môi sinh ở Việt Nam, có thể tập trung thành một bộ sách mấy trăm trang. Nếu giới lãnh đạo CSVN biết lắng nghe, thiết nghĩ đại họa môi sinh ở Việt Nam đâu đã đến nỗi thê thảm như ngày nay. Trận rét kinh khủng này nếu năm 1945 có thể giảm bớt độ giá rét đi rất nhiều vì rừng cây núi đồi chưa trơ trụi, vì còn cây đa cổ thụ, còn lũy tre làng che chở. Hà Nhân Văn 3/2008 Nguồn: http://www.hinhtran.com Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 Trích: Người Việt, rừng và nạn phá rừng Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski* Nguồn : Tạp chí Thời Đại Mới Người Việt, rừng núi và nạn phá rừng I. Các tín ngưỡng gắn liền với núi rừng Cũng như người Hán, người Việt tin rằng mỗi ngọn núi đều có một vị thần cai quản, gọi là sơn thần hay thần núi. Vị thần núi nổi tiếng thiêng liêng nhất mà phần đông người Việt đều biết qua truyền thuyết Sơn Tinh-Thuỷ Tinh là thần núi Tản Viên hay Ba Vì ở tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội chừng 60 km về phía Tây. Nhiều làng ở đồng bằng sông Hồng và ngay cả ở vùng Thanh Nghệ thờ thần Tản Viên làm thành hoàng. Mẫu Thượng Ngàn (mặc áo xanh) đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng hầu bóng Tam Phủ hay Tứ Phủ. Cũng như Mẫu Thuỷ hay Mẫu Thoải (mặc áo trắng), bà được nhiều đền nhỏ thờ riêng hơn Mẫu Thượng Thiên (mặc áo đỏ, bà thường được đồng hoá với chúa Liễu Hạnh). Ở xã Ðường Lâm (Hà Tây) chẳng hạn, điện thờ Mẫu Thượng Ngàn được xây trên một ngọn đồi của làng Cam Lâm, còn đền thờ Mẫu Thoải thì được xây ở làng Hà Tân bên cạnh sông Hồng, trong khi ở tiền đường của chùa Mía hay Sùng Nghiêm (Ðông Sàng) thì lại thờ cả Tam Toà Thánh Mẫu. Theo Léopold Cadière, tục thờ Mụ Rú trong một ngôi đền ở Quảng Trị tương ứng với tục thờ người khai canh đầu tiên ở địa phương này trước đây vốn là một khu rừng, và vẫn tiếp tục bảo vệ đất đai cho dân làng chống lại sự xâm chiếm của các làng bên cạnh. Cũng theo ông, Mụ Rú là tên địa phương của Bà Mộc trong tín ngưỡng Ngũ Hành, bên cạnh Bà Hoả và Bà Thuỷ, cũng được thờ trong ngôi đền nói trên. Trong số các thú vật sống ở rừng, người Việt sợ và trọng nhất voi và cọp nên gọi chúng là Ông. Họ tin rằng khi sống lâu năm cọp cũng có thể thành tinh như rắn. Mặt khác người Việt cũng tin là những người chết hay cảm thấy ngạt thở trong khi ngủ là vì bị ma mộc đè: ma mộc ở trong một cây gỗ dùng làm cột hay sườn nhà. Cũng nên nhắc đến tục thờ các cây cối linh thiêng: cũng giống như ở Trung Quốc, đó là các thứ cây "uy nghi nhờ cành lá sum sê và nhờ sống lâu năm. Khi già đi, chúng trở thành linh thiêng và siêu nhiên hoá ; người ta tin là chúng có được một quyền lực siêu việt" (H. Doré, Cadière, 1992). Như vậy, các cây cổ thụ có thể thành tinh, nhưng thông thường thì chúng là nơi trú ngụ của của thần hay yêu, tinh, ma, quỷ, như một câu tục ngữ đã khẳng định: "Thần cây da, ma cây gạo, cú cáo cây đề". Ở Huế và Quảng Trị, L. Cadière đã kiểm kê các loại cây linh thiêng có ma, quỷ và nhất là con tinh ở: cây bồ đề, cây sanh, cây da, cây bàng, cây sung, cây giáng châu. Ông còn nhắc trường hợp của một cây mun và một cây gõ (hay gụ), cả hai đều già đến mấy trăm năm nên không ai dám chặt vì sợ bị thần cây hay thần sống trong cây vật chết. Cũng theo L. Cadière, các người tiều phu chẳng bao giờ dám đốn một cây gỗ trên đó có cây quả hộp hay hộp ma (một loại dương xỉ biểu sinh sống bám vào thân hay cành của các cây to) mọc vì sợ thần sống trong cây báo thù. Phân tích các đặc tính mà các loại cây nói trên có chung với nhau, ông nhận xét là tất cả đều có lá "xanh sẫm, dày và mạnh mẽ", một dáng vẻ độc đáo hay lạ lẫm và thường là rất già. Tục thờ cây được biểu hiện bằnh nhiều cách: vài cây hương cắm bên gốc cây hay trên cành, vài thứ đồ mã, các bình vôi bị vỡ hay có miệng bị bít kín nằm chất chồng dưới gốc cây. Ðôi khi một bàn thờ khá tử tế hay một cái miếu nhỏ được dựng sát gốc cây: tất cả tuỳ thuộc ở quyền lực linh thiêng của các vị thần. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 Trích: Hà Nội - Văn hóa và Phong Tục -Lý Khắc Cung CÂY ĐA Xung quanh Đền Bà ở làng Ỷ La, Tuyên Quang có mấy cây đa khổng lồ nổi cộm lên như những ngôi nhà lầu nối tiếp nhau. Chúng đan kết lại với nhau bằng những chùm rễ phụ bạt ngàn, bao la. Chúng đu đưa trước gió như những chiếc võng treo thờ ở các đền Mẫu, phủ Mẫu. Đây là hình tượng gợi ý cho các bà mẹ thời xa xưa làm ra lưới bắt cá, tết võng và làm nghề dệt vải Thạch vải. Thạch Sanh ngày xưa có một túp lều tranh dưới gốc cây đa. Ông Bụt nhân từ cũng từ những cây đa hiện ra. Cây đa bề thế, bệ vệ, to cao vời vợi. Các cành cao thả dài xuống đất rồi lại sinh ra rễ mẹ, rễ con, bền vững và đầy sức sống. Cây đa yêu đời, đẹp đẽ và nó tượng trưng cho sự phồn sinh và tuổi thọ Biểu tượng của " Hội những người cao tuổi thế giới" được thể hiện qua hình ảnh một cây đa cổ thụ. Cây đa trần trụi với vẻ nguyên thuỷ, có những điều ẩn chứa, có những điều rối rắm và huyền ảo. Nó tượng trưng cho sự trống trải, cho sức mạnh vật lý và địa lý. Nó thu hút vào mình những tia sét, những dòng điện trường. Những đêm mưa to gió lớn, cây đa đã chống chọi lại với gió bão, dũng cảm phi thường. Cây đa xòe tán xanh và rộng ra để che nắng, che mưa cho mọi người. Nó che chở cho mọi người. Nó là cây mẹ, làm cho con người yên tâm với nụ cười, nước mắt, hướng về vĩnh cửu. Người ta gọi cây đa làng, cây đa huyện, cây đa bãi, cây đa bến sông, cây đa xóm, cây đa chợ v.v… Cây đa là điểm ghi nhớ, điểm đánh dấu nổi bật, đại diện cho một nơi chốn đáng được lưu ý. Cây đa chứng kiến những thăng trầm của các lớp người, trong tín ngưỡng dân gian, có tục thờ cây đa. Bên gốc đa thường có một cái miếu nhỏ đặt bát hương, những chiếc bình vôi để hương khói cho thần cây đa: “Thần cây đa, ma cây gạo”… Chàng và nàng gặp gỡ hẹn hò, thề thốt với nhau bên gốc cây đa. Họ bảo: “Có cây đa biết mối tinh đôi ta”. Cây đa tha thiết và thiêng liêng: "Trăm năm, đành lỡ hẹn hò…Cây đa bến cũ, con đò năm xưa”? Cây đa cũng là nhân vật, là thành viên của xóm làng: "Giếng nước, cây đa tiễn chàng trai ra trận"! Cây đa là hình ảnh cao đẹp, là cả một bức tranh hoành tráng gắn bó với mái đình, chùa, miếu, giếng thơi v v… dựng nên cả một thế giới tinh thần bền vững cho mọi người từ khi còn trẻ thơ cho đến lúc về già. Cây đa tượng trưng cho vẻ đẹp quê hương. Nó góp thêm màusắc, âm thanh cho làng quê êm đềm. Nó vẫy gọi những đàn chim nhiều màu đến hội tụ, làm tổ rỉa quả đa chín. Và thỉnh thoảng vào những buổi đẹp trời từ những cành đa nhằng nhịt, tung ra những trận mưa chim. Người ta nhìn lên mặt trăng huyền ảo, thấy những nét đậm nhạt mà nghĩ ngay ở nơi đó có hình ảnh cây đa và chú cuội. Thế rồi cái huyền thoại ấy ăn sâu vào lòng người: "ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ". Ngày xưa, ở trên thân cây đa thường có những tờ cáo thị, yết thị. Thời kỳ cách mạng xuất hiện những tờ hiệu triệu đồng bào sản xuất, chiến đấu, đoàn kết… Người quan họ có bài "Lý cây đa” nổi tiếng. Đó là một bài hát rất hay nói về anh trai làng đi đến gần gốc đa, nhìn thấy cô gái thắt lưng xanh mà đem lòng yêu mến… Sau một ngày làm việc vất vả buổi chiều mát mẻ, người ta thường tụ tập nhau bên gốc đa. Họ uống chè vối hút thuốc lào rồi kể chuyện với nhau, bàn bạc và bình luận về cuộc sống. Đôi khi, bên quán nước nhỏ cạnh gốc đa có đôi vợ chồng xẩm kéo nhị, hát lên bài "Anh khoá" làm bâng khuâng cả đám đông người nghe. Nhà nghiên cứu người pháp M. Colami đã viết hẳn một cuốn sách về cây đa ôm tảng đá tại làng Thanh Khê huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị. Cây đa Tân Trào là hình ảnh quê hương cách mạng mùa thu không bao giờ phai mờ trong tâm trí người Việt nam qua câu thơ "Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào". Người Hà Nội thường hay nhắc đến cây đa Cổ thụ nổi tiếng: cây đa nhà Bò. Xưa kia, ở ngay cạnh nó là nhà đúc tiền. Bây giờ có một nhà hộ sinh. Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, cây đa cũng gánh chịu trên mình đầy những vết thương chiến tranh. Cây đa cửa quyền ở phố Hàng Bông có những chuyện kể quái dị kiểu Liêu trai chí dị. Chuyện kể rằng cứ chập tối, thỉnh thoảng có những cô gái rất đẹp ngồi trên những chiếc xe tay có người kéo, đi thăm các cây đa quanh vùng Hà Nội rồi biến mất lúc nào không biết. Ngày hôm sau, người phu xe sẽ rất đắt khách. Cây đa chùa Hai Bà ở Đồng Nhân phải cần đến hơn mười sải tay mới ôm xuể. Cây đa ở làng Vân Hồ có hàng trăm rễ rủ xuống đất như một chiếc mành mành lớn, đeo trên mình hàng trăm chiếc bình vôi cổ kính và những bát hương lập lòe ánh lửa và khói ở quanh nhà Bác cổ (nay là Viện Bảo tàng lịch sử) có 6 cây đa lớn. Gần Hồ Tây, quãng đầu Thuỵ Khuê có cây đa gọi là cây đa cô Son bên cạnh miếu cô Son. Đó là nơi xưa kia anh khoá Hồng và cô Son gặp nhau và chia tay nhau. Cây đa chùa Bà Đanh nguy nga như một lâu đài. Tại phố Quán Thánh có ba cây đa chụm lại gần nhau, rợp bóng cả một khu phố. Người ta dựng ngay cạnh đó một quán cà phê gọi là quán cà phê Quán Thánh người ta cũng thường nhắc đến cây đa làng Lủ, cây đa sông Tô Lịch, cây đa Hàng Gai v.v… Những vị cao tuổi uyên thâm, đức độ, được mọi người tôn kính gọi là các vị cây đa cây đề. Lại có cả những cụm từ cửa miệng như: cúng cháo lá đa, trạch đẻ ngọ đa, con nhà sãi chùa đi quét lá đa, cậy thần phải nể cây đa. Cây đa là một vẻ đẹp, là biểu tượng, là hình ảnh sinh động của làng quê Việt nam. Nó góp Phần làm cho văn hoá làng xã thêm đậm đà, lấp lánh. Nguồn: http://vnthuquan.net Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 Một số hình ảnh cây đa ở Việt Nam Cây đa Tân Trào Cây đa và cây đề ở đền thờ quận công Hoàng Công Chất Cây đa và cây duối làng Cổ Tiết - Quỳnh Xá Đền Mẫu Hoa Dương - Phố Hiến Cây duối cổ thụ - Đống Điện, làng Đó/ An Phú, xã Quỳnh Hải. Cây gạo đình làng Xuân Mỹ, An Ấp _Phạm An Phú Cây đa làng Mông Phụ - Đường Lâm Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 Cây đa-biểu tượng truyền thống của làng quê Việt Nam if Từ bao đời nay, mỗi người Việt đều coi mái đình, cây đa như một biểu tượng của làng quê truyền thống. Ý nghĩa biểu tượng đầu tiên của cây đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Không phải ngẫu nhiên mà những bậc cao niên, những người đã có nhiều thành tựu ở một lĩnh vực nào đó thường được đồng nghiệp và xã hội coi là "cây đa, cây đề", biểu tượng cho sức làm việc quên mình, dẻo dai, cho sự tích lũy kiến thức phong phú. Cũng với ý nghĩa trường tồn ấy, cây đa xuất hiện trong ca dao như một nhân chứng của thời gian, chứng kiến những sự đổi thay của con người, của đất trời, đôi khi là cả một vòng đời người: Trǎm nǎm dầu lỗi hẹn hò Cây đa bến cũ con đò khác đưa. Cây đa cũ, bến đò xưa Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ Hầu như làng quê truyền thống nào ở Bắc Bộ cũng có những cây đa cổ thụ được trồng thường ở đầu làng, cuối làng, giữa làng và ở bên cạnh các di tích. Cuộc sống sinh hoạt của làng diễn ra sôi động xung quanh gốc đa. Với người dân quê, gốc đa là nơi bình đẳng nhất, không có sự phân biệt ngôi thứ: Không tiền ngồi gốc cây đa Có tiền thì hãy lân la vào hàng Gốc đa là nơi trẻ nhỏ nô đùa, thỏa thích nhặt búp, hái lá, chơi những trò chơi dân gian. Gốc đa cũng là nơi dân làng ngồi nghỉ chân sau những giờ lao động mệt nhọc, trước khi về làng hoặc đi khỏi làng. Gốc đa còn là nơi hẹn hò của trai gái: Em đang dệt vải quay tơ Bỗng đâu có khách đưa thơ tới nhà Hẹn giờ ra gốc cây đa Phượng hoàng chả thấy thấy gà buồn sao. Không chỉ có vậy, cây đa làng Việt còn là biểu tượng tâm linh của con người. Trong làng, cây đa có mặt ở nhiều vị trí khác nhau nhưng hầu như nó không vắng bóng ở các di tích, đặc biệt là đình chùa. Tục ngữ có câu: "Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề" Hay: "Cây thị có ma, cây đa có thần" Cây đa xanh tốt tỏa bóng làm cho các di tích trở nên linh thiêng hơn, con người khi bước đến di tích cũng cảm thấy được thư thái hòa đồng hơn với thiên nhiên. Cây đa được coi là nơi ngự trị của các thần linh dân dã và các linh hồn bơ vơ. Cây đa nào càng già cỗi, càng xù xì, rậm rạp thì càng gắn bó với thần linh. Gốc đa ở các di tích thường được dân chúng thắp hương chung để tỏ lòng tôn kính các vị thần linh dân dã hoặc cầu cho những linh hồn bơ vơ về nương nhờ lộc Phật không đi lang thang quấy nhiễu dân làng. Như vậy, cây đa luôn là biểu tượng đẹp với hầu hết các ý nghĩa chuẩn mực của biểu tượng: vừa hiện hữu, vừa tiềm ẩn, huyền bí, vừa mang hơi thở cuộc sống, vừa mang đậm yếu tố tâm linh. Phải chǎng chính sự kết hợp này đã tạo nên biểu tượng cây đa có sức sống bền lâu trong vǎn học dân gian, vǎn thơ bác học và trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Theo hanoi.vnn Nguồn: www.raovat.com Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 [color="#006400] TRIẾT LÝ CÂY ĐA Th.S. Nguyễn Ngọc Thơ (Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) Đã đăng trên Tạp chí Phong cách sống (Lifestyle) số tháng 4/2008 Từ lâu rồi, Đông Nam Á được thế giới biết đến như một xứ sở đa chủng tộc, đa văn hóa song lại có chung những yếu tố văn hóa cốt lõi như nghề nông nghiệp lúa nước, lối sống nông thôn, tín ngưỡng mẫu hệ, niềm tin vật linh, sùng bái phồn thực v.v.. Trong số các biểu tượng văn hóa đặc sắc chung của cả vùng, ta không thể không kể đến biểu tượng cây đa (tên khoa học banyan tree, thuộc chi ficus). Chẳng biết tự bao giờ cây đa đã trở thành một hình ảnh không thể phai mờ trong tâm tưởng mỗi người con Việt Nam. Trong tiềm thức, cây đa sum suê nơi đầu làng, sừng sững trong gió mát đêm xuân và hiên ngang trong sắc vàng nắng hạ, luôn vươn mình ngạo nghễ với thời gian dù cả dân tộc đã trải qua bao bước thăng trầm của thời cuộc. Không ai biết người Việt đã bắt đầu trồng và yêu quý cây đa tự bao giờ, chỉ biết rằng cây đa cùng với bến nước và mái đình sớm đã trở thành bộ ba biểu tượng sinh động của văn minh làng xã nước nhà. Cũng từ đấy, cây đa đi vào văn học dân gian, vừa gần gũi, mộc mạc, vừa thoát tục, thánh khiết. Có hai vị trí trồng cây đa, một ở cổng làng và một ở ngoài đồng (hay ven đường). Cây đa đầu làng được sánh đôi cùng giếng nước, cả hai được ví như biểu tượng phồn sinh của trời cha và đất mẹ. Theo luật ngũ hành, cây đa được trồng phía bên trái sân đình, còn giếng nước tọa lạc ở phía đối diện. Cả hai ôm lấy một khoảnh sân đình vừa đủ rộng cho dân làng sum họp mỗi dịp hội hè. Nếu như giếng nước là biểu tượng nữ tính (nơi giữ lại giọt nước – giao tử - của trời cha gieo xuống lòng đất mẹ để vạn vật sinh sôi), thì cây đa lại là biểu tượng nam tính. Nhìn từ xa, cây đa in lên trời xanh với dáng vẻ hiên ngang quân tử, sừng sững một cách oai vệ. Hơn thế, cây đa còn mang nét đặc thù của riêng mình, từng chùm rễ mọc tít ở trên cành đung đưa lơ lửng trên không, khi tiếp đất sẽ trở thành các nhánh thân phụ bao trùm cả một khoảng không gian rộng lớn quanh thân. Nhiều cây đa già cỗi, thân chính đã mất, sự sống vẫn cứ tiếp diễn thông qua các thân phụ như thế. Nói một cách hình tượng, từng nhánh rễ (thân phụ) của cây đa được ví như những chiếc sinh thực khí của trời cha, xuất phát từ cành (nối với trời) trổ xuống cắm sâu vào lòng đất mẹ, tạo nên thế giao hòa đất – trời, mẹ - cha, âm – dương cho vũ trụ tiếp tục cuộc hành trình. Giữa cánh đồng bao la, thoáng hiện đó đây vài bóng cây đa xanh ngát, trong cái nắng hè chói chang, bóng cây đa sẽ là thiên đường cho khách đi đường nghỉ mát, gặp gỡ làm quen. Một quán nước sơ sài được dựng lên để phục vụ ẩm khách. Cũng từ gốc đa ven đường này, nhiều mối tình đã nảy nở, đơm hoa kết trái để tình yêu và hạnh phúc dâng tràn. Ấy vậy, chính cái sum suê của cây đa đã biến nó từ “thiên đường giữa nắng hè” thành “chốn u linh tịch mịch” khi màn đêm buông xuống. Bơ vơ giữa đồng, cây đa đón từng làn gió đêm lùa về, từng cành đa khua vào nhau, phát ra những âm thanh “kẽo kè kẽo kẹt”, cứ như các bà các cô đang đánh võng ở trên cành. Những đêm trăng về, ánh sáng chiếu xuống từng chùm lá non, làm phản chiếu những tia màu xanh, đỏ, vàng giữa màn đêm u linh, càng làm cho không gian trở nên tịch mịch. Quanh gốc đa ven đường, người ta có thể đếm đến hàng chục miếu thờ lớn, nhỏ san sát nhau, trong đó có ngôi miếu to nhất dùng để thờ thần cây đa (Đại thụ linh thần). Cạnh đó là các miếu thờ vong linh của những người vô gia cư chết bờ bụi, chết vì bệnh tật, chết bất đắc kỳ tử v.v.. Dân gian tin rằng những vong linh này khó siêu thoát nên cần lập miếu thờ để dân làng an tâm sinh sống. Xen lẫn trong đám rễ cây, những chiếc bình vôi cũ kỹ cũng được mang ra thờ. Theo niềm tin, những chiếc bình vôi đã qua sử dụng, đến lúc miệng bình đã bị vôi đông kín thì trở nên “linh thiêng” nên được các bà mang ra gốc đa thờ, gọi đó là “ông bình vôi”. Chính người chủ quán nước dưới gốc đa có kiên nhẫn lắm thì cũng chỉ nán lại được một thời gian như trong câu “Có quán tình phụ cây đa, Ba năm quán đổ cây đa vẫn còn” Đêm, chó cắn nhát gừng ở đầu làng, trong nhà các cụ bảo con cháu mình: “các bà, các cô về thăm làng đấy!”. Bởi thế dân có câu "Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề". Cây đa đôi khi còn được dân gian thần thánh hóa bằng cách gán cho nó đặc tính thần thánh, như có thể chữa trị bệnh trong Sự tích chú Cuội. Lấy cây đa làm trung tâm, trong tứ phương đông, tây, nam, bắc thì hướng đông lại đặc biệt được coi trọng. Theo ngũ hành, hướng đông là hướng của mặt trời mọc, hướng của hành Mộc, hướng của sự sống tương lai nên cần được bảo vệ. Chính vì thế, trước khi đi chữa bệnh làng xa, chú Cuội có dặn vợ rằng “Có đái thì đái bên tây, đừng đái bên đông cây dông lên trời!”. Mọi hành động xúc phạm đến linh hồn cây đa đều bị trừng phạt, như chính vợ chú Cuội đã phải trả giá cho sự cả gan của mình: mất cả chồng lẫn cây! Vậy đó, cây đa vừa gần gũi song cũng lắm nét linh thiêng, thần bí. Không riêng gì ở Việt Nam, các dân tộc Đông Nam Á khác cũng trân trọng sự hiện diện của cây đa. Trong văn hóa Thái, Khmer vốn cũng có quan niệm vạn vật hữu linh nên cây đa cổ thụ được ví là cây thần, thường được trồng quanh các đền, chùa, miếu, mạo nhằm làm tăng thêm nét uy nghiêm, linh thiêng của không gian. Đặc biệt hơn, trong văn hóa Mã Lai đa đảo, cây đa còn được hiểu là biểu tượng của sự che chở, của sự sống, sự phồn sinh và thịnh vượng. Câu chuyện sáng thế là một ví dụ điển hình. Xưa, Thượng đế vì chán cảnh quả đất xám xịt nên đã tạo ra vạn vật như cây cối, muông thú trên đó rồi ngắn nhìn. Vạn vật tranh nhau mà sống, song không có loài vật nào có đủ túi khôn để cai quản hết thảy các loài vật khác. Nghĩ thế, Thượng đế dùng đất sét trộn máu của mình, nặn nên hình tượng một người đàn ông, rồi thổi hơi thở của mình vào miệng, nhờ thế cơ thể đất sét hắt xì và sống dậy. Ngài đặt tên chàng là Adam. Adam sinh sống cùng muông thú, chàng dùng trí khôn của mình để cai quản. Ngày qua ngày, cuộc sống trở nên vô vị, Adam buồn bã. Thượng đế nghĩ cánh giúp chàng. Lợi dụng lúc Adam ngủ say, Thượng đế đã lấy bớt một chiếc xương sườn của chàng, nhào với đất sét và máu của mình để tạo nên cơ thể người phụ nữ rồi đặt tên là Ivi (Ivi trong tiếng Đông Nam Á cổ nghĩa là xương sườn). Thượng đế cho Ivi đi theo sống cùng Adam. Hai người đã tìm đến sống ngay dưới tán cây đa chằng chịt rễ. Lần lượt những đứa con của họ ra đời. Thượng đế rất thương con cháu của mình nên quyết định trao cho họ thông điệp bất tử. Thượng đế vốn vô hình nên không thể xuất hiện trước mặt con cháu để trao tin, Ngài giao trọng trách ấy cho một con quạ. Quạ đi tìm Adam và Ivi. Khi bay đến ngọn cây đa, quạ bắt đầu thấy đói bụng, nhìn quanh thì thấy có một con rắn vắt vẻo trên cành, miệng đang thưởng thức một miếng mồi ngon. Với bản tính tham lam, quạ và rắn đã thỏa thuận với nhau, quạ trao cho rắn thông điệp bất tử, còn rắn nhường cho quạ miếng mồi. Kết quả, rắn là loài vật đặc biệt, khi trưởng thành đến một mức độ nhất định lại lột da sống tiếp, còn loài quạ bị Thượng đế trừng phạt, trở thành biểu tượng của cái chết, của điềm gở, và rằng loài người bằng mọi cách phải xa lánh nó. Bởi thế, người Đông Nam Á rất có ác cảm với loài quạ, họ tin rằng ở đâu có tiếng quạ kêu là ở đó sẽ có điều xui xẻo. Lần thứ hai, Thượng đế giao trọng trách ấy cho một con vật hiền lành: con thỏ. Song, giống như quạ, thỏ không thể cưỡng lại được sự hấp dẫn của những củ cải to mọng nên một lần nữa thông điệp bất tử bị thất truyền. Thỏ bị Thượng đế xẻ môi trên để trừng phạt. Vậy là sau hai lần cố gắng, Adam, Ivi và con cháu của mình không gặp may mắn. Đến lúc này, Thượng đế nghĩ rằng có thể đó là số phận của loài người, rồi Ngài bỏ đi nhã ý cho loài người bất tử, vì thế con người ai cũng đều phải chết sau mỗi trăm năm. Con cháu Adam, Ivi ngày một đông đúc, chúng di tản về các nơi để tìm thức ăn, lâu dần biến đổi giọng nói và màu da, tách biệt nhau để hình thành các dân tộc khác nhau trên trái đất. Theo nhà nghiên cứu Stephen Oppenheimer, thần thoại sáng thế này về sau được truyền đến Lưỡng Hà, Trung Đông, tại đó nó đi vào văn hóa Do Thái rồi đi vào Kinh Thánh trong truyền thống Ki-tô giáo phương Tây. Ngày nay, hễ mỗi lần hắt xì, người phương Tây lại bảo “God bless you!” (Thượng đế ban phúc cho bạn!) như một chứng tích của thần thoại sáng thế gốc gác Đông Nam Á này. Sự sống sẽ mãi tiếp diễn. Khát vọng sống và vươn lên sẽ mãi tiếp diễn. Và rằng cây đa sẽ vẫn mãi là biểu tượng văn hóa đặc sắc trong đại gia đình Đông Nam Á nông nghiệp truyền thống. Tài liệu tham khảo: Toan Ánh: Làng xóm Việt Nam, NXB TP.HCM 1999 Trần Ngọc Thêm: Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB TP.HCM 2001 Stephen Oppenheimer: The Eden in the East – the drowned continent of Southeast Asia, Pheonix 1998. Nguồn: http://www.vanhoahoc.edu.vn[/color] Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 Trích: Linh thiêng Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn "..........Khu trung tâm Nghĩa trang nằm trên một ngọn đồi cao 32,4 mét, Đài tưởng niệm (Đài Tổ quốc ghi công) bằng đá trắng cao vút uy nghiêm, rỗng ruột và khuyết ba mặt, thể hiện nỗi mất mát vô cùng. Sát sau Đài tưởng niệm, cân đối hài hòa như có bàn tay nghệ nhân sắp đặt là một cây bồ đề. Đây là cây bồ đề tự mọc. Nghĩa trang khánh thành được 6 tháng, vào tháng 10/1977 đột nhiên mọc lên cây bồ đề này. Và dường như sợ có người nhầm lẫn mà nhổ đi, cây bồ đề lớn rất nhanh, chẳng mấy đã vươn cành lá um tùm, che mát Đài tưởng niệm. Anh ái dừng chân dưới gốc bồ đề nói: “Chúng tôi đã tìm hiểu, trong vòng bán kính khoảng 10 cây số xung quanh đây không hề có bồ đề”. Cây bồ đề trở thành cây thiêng của Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn....." Nguồn: vietbao.vn Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 Đổ xô cúng vái 'cây thiêng' 3 gốc Cảnh bát nháo phía trước cây 3 gốc. Ảnh: Thanh Niên Những đoàn người tấp nập lên đỉnh Gia Lào, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) để đốt đồ dưới cây Đa 3 gốc. Hoạt động mê tín dưới gốc "cây thiêng" đang diễn ra nhộn nhịp. Trên đường ghé cây "thiêng", một người phụ nữ tên Nga hành nghề bán nhang đèn, đồ cúng không ngớt lời quảng cáo: "Ai có đức tin, lòng thành, cúng thần hậu hỉ thì cầu gì được nấy ngay. Nhiều người được sơn thần cho toại ý làm ăn khấm khá, tai qua nạn khỏi lên đây cúng trả lễ lớn lắm!". Thấy bóng dáng du khách, đội ngũ cò nhang đèn lập tức sán lại chèo kéo, mời mọc mua lễ vật cúng sơn thần và kể hàng loạt chuyện linh thiêng của cây ba gốc. "Cây thiêng" núi Chứa Chan là một cây đa cổ thụ cao khoảng 50m, thân cây được hình thành từ 3 gốc rễ chụm lại. Kính, thợ sơn giải nghệ đang sống bằng nghề bán chim phóng sinh quả quyết: "Hồi trước, vùng này toàn cây đại thụ nhưng sau đó bị sơn tặc đốn hạ cả rồi. Cây 3 gốc là cây đại thụ cuối cùng của vùng. Lẽ ra nó cũng chung số phận với ngàn cây khác nhưng do dáng quá độc và nhất là ai đưa lưỡi cưa vào đều gặp điềm xúi quẩy nên đều ngán". Cò cúng, người bán nhang đèn, bán chim phóng sanh, thậm chí người khấn thuê, đốt lễ vật... chen chúc nhau ở khu vực "cây thần". Một "cò cúng" dọa nhóm 3 người phụ nữ: "Tùy vận, tùy hạn, tùy cung, tùy số mà chọn lễ vật, khấn, lạy cho phù hợp. Nhiều người vô tâm vô ý, khấn bừa, cúng bừa đã bị vật chết rồi đó!". Để thuận tiện cho việc cúng kiếng, người ta đã tiến hành xây gạch bao quanh gốc cây da. Nhang đèn, bánh trái các loại vung vãi khắp nơi. Sau mỗi phần đồ bị đốt, bà quản gốc cây da không ngần ngại đề nghị khách hành hương bồi dưỡng chút ít tiền công đốt đồ. Một người phụ nữ gầy tong nhiệt tình chỉ dẫn người mới đến: "Cúng giải hạn cho người 30 tuổi phải sắm đủ mâm lễ 30 món, mỗi lần khấn thuê giá thấp nhất 5.000 đồng". Theo một người dân lâu năm ở đây, cây 3 gốc 1 ngọn thực ra là một cây đa sống ký sinh lâu năm trên thân cây đại thụ, hút hết dưỡng chất của cây này mà thành. Nhiều năm qua, lợi dụng sự mê tín thái quá của khách hành hương mà người cò cúng, khấn thuê phịa đủ thứ chuyện quỷ ma hòng lừa mị. (Theo Thanh Niên) Nguồn: www.vnexpress.net Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 Cây gạo trong văn hóa tâm linh Việt Nam [/size] --- không rõ tác giả --- Đồng Văn Một sáng đầu hè râm mát, mấy anh em chúng tôi đến thăm chùa Bút Tháp nơi có pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhân đã từng làm ngẩn ngơ nhiều khách quốc tế. Đang chăm chú ngắm gác chuông khối vuông vức hai tầng tám mái với cả hệ thống đầu đao cong cong vênh lên, đăm đắm chiêm ngưỡng đoá sen khổng lồ lúc nở gợi mở nơi đất Phật thanh tịnh, bỗng có tiếng "bụp" của một vật nhẹ rơi, tôi như sực tỉnh trở về với thực tại; anh bạn cùng đi bảo: Hoa gạo rơi đấy, nó kia kìa. Tôi đã được xem nhiều hoa, kể cả lúc nó rụng, dù rã ra từng cánh hay rơi cả bông, nó đều buông nhè nhẹ, thậm chí còn là là bay để rồi đậu khẽ xuống đất, không để ý thì chẳng ai hay. Vậy mà hoa gạo rụng lại gây sự chú ý ngay. Tôi nhặt bông gạo cầm trên tay, nó to bằng búp sen này. Anh bạn tôi khi nhìn nó rơi, thấy vạch một đường sáng từ trên nền trời cao xuống đất, khá nhanh, như sao đổi ngôi. Tôi bỗng ngước nhìn lên ngọn cây, sừng sững chừng 15-20m, lấm tấm nơi đầu cành những bông hoa sáng đỏ như bầu trời sao, cũng từng tầng từng lớp. Phải chăng đó là chốn hư không, nơi siêu thoát của các linh hồn? Anh bạn tôi lại bảo đây là không gian thiêng, vậy cây gạo là bát hương khổng lồ đấy, mỗi bông hoa là đầu một nén hương đang cháy. Ý nghĩ nào cũng hay hay, tôi trở lại ngắm bông gạo trên tay và giật mình nhận ra nó chính là bát hương nhỏ xinh. Này nhé, đài sen năm cánh cứng dày xoè dựng đứng, lại bóng láng như tráng men da lươn, từ đó lại xoè ra năm cánh đỏ như những tai bát hương, bên trong dựng đứng năm bó nhị vây quanh một bó ở giữa cứ như những bó tăm hương. Có nhẽ chỉ cây gạo, hoa gạo mới cho ta cảm giác cụ thể về cái ĐẸP và vẻ THIÊNG. Và tôi nhớ đến câu nói ở cửa miệng người già: "Thần cây đa, ma cây gạo". Người già đi dự lễ tang bảo là đi đám ma, đi đưa ma; và khi nói đến sinh thời của người đã mất thì bảo là hồi mồ ma. Vậy ma là chỉ người khuất núi, chẳng thế mà người miền núi thờ ma tổ tiên. Thế thì "ma cây gạo" hẳn là chỗ nương tựa của người thân ở thế giới bên kia - nhất là các cô hồn. Hẳn thế nên nhiều người thường thắp hương ở gốc những cây gạo già. Đơn sơ thế thôi, nhưng nhân đạo biết bao! Chăm sóc quá khứ thì hiện tại sẽ được tương lai nâng niu. Không như gốc đa thờ thần phải xây miếu. Và tôi chợt nuối tiếc cây gạo đại thụ phải mấy trăm tuổi ở góc sau Văn Miếu Hà Nội cứ đầu hè lại thắp sáng một mảng trời, và xa xưa trên cành cao thường thu hút quạ về đậu và làm tổ, vì thế người Pháp viết về Văn Miếu gọi đó là "ngôi đền quạ" (Le temple des corbeaux). Người xưa giải thích quạ là kim ô, là thiên sứ báo trước điềm trời. Cây gạo lá thưa, nhiều chim đậu hót, nhưng không kín đáo nên chỉ có quạ làm tổ thôi, và như thế cây gạo mang tư cách là cây vũ trụ. Cũng chính vì thế mà trong lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, khi dựng đàn lễ, người ta chôn chắc bốn cột liên kết với nhau thành hình vuông, trong mỗi cột lồng một cây tua, ở giữa chôn cây nêu và bao giờ cũng phải trồng một cành gạo thẳng to bằng cổ tay, sau đó buộc trâu vào cây nêu và tiến hành các nghi lễ đâm trâu; một thầy cúng đọc lầm rầm những lời cầu giàng phù hộ, và người ta tin rằng những lời thiêng đó sẽ theo hồn trâu leo qua cây gạo là trục vũ trụ lên tầng trên. Thế mà vài mươi năm trước, vì hương hoa của thập phương ngày đêm không ngớt mà cây gạo ở Văn Miếu Hà Nội bị chặt oan! Nội thành Hà Nội còn hai cây gạo ở bờ hồ Hoàn Kiếm, thì cây gạo ở trước đền Ngọc Sơn ốm o rồi chết. Tuy không cứu được nó, nhưng để cây gạo ở trước "Nhà đèn" không phải lẻ loi, công ty Công viên và cây xanh Hà Nội đã mang một cây gạo nhỏ từ Hà Tây về trồng thế chỗ. Dù sao hiện nay những người Hà Nội biết đến cây gạo bờ hồ, cứ phải ra các đền chùa ở ngoại thành và các tỉnh lân cận mới được chiêm ngưỡng nó và chiêm nghiệm tâm linh dân tộc! Lại nhớ người Ba Na có tục chị em nào ngoại tình thì bị buôn làng trói vào cây gạo và đánh trăm roi. Hình phạt này không chỉ để gai gạo cùng với đòn roi hành hạ thân xác mà còn là toà án tinh thần cáo với ma và Giàng. Gốc gạo có nhiều vấu to nổi khối và do đó có nhiều hốc, người xưa quan niệm đó là nơi hồn ma trú ngụ, thân gạo thẳng lại có gai được xem là những nấc thang để hồn ma trèo lên các tầng cao mà hòa nhập vào vũ trụ. Cây gạo đôi khi trồng ở ven đê, ven lộ vừa để người sống mở quán hàng nước, vừa để cô hồn bơ vơ có chỗ nương tựa. Nhưng gạo thường được trồng ở sân bãi của đền chùa, tức những không gian thiêng, ngoài những ý nghĩa đã nêu, còn để các hồn ma được nương bóng Thần, Phật mà mong siêu thoát. Cây gạo lá thưa ít bóng mát, gỗ gạo nhẹ xốp không tiện để đóng đồ dùng, có nghĩa giá trị thực dụng - kinh tế không đáng kể. Nhưng các làng quê đều rất quan tâm đến việc trồng cây gạo để góp phần vào diện mạo văn hóa làng mình. Trong tư duy liên tưởng của người Việt, tên cây gạo còn gợi đời sống cơm no, và quả gạo khi nở bung ra những túm bông trắng có thể thu gom làm chăn gối, nhưng cơ bản là gợi áo ấm, "cơm no, áo ấm" là "hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ" của người nông dân, vậy mà bao đời chỉ là hoài vọng, đến nay mới thành hiện thực. Vì quả gạo nở ra bông, nên cây gạo có tên Hán Việt là miên thụ (cây bông), và Tây Nguyên gọi là cây pơ-lang. "Hoa mộc miên", "hoa pơlang" đã được các nhạc sĩ thổi hồn thành những bài ca đắm say, da diết, tung bay... Đi sâu vào tư liệu dân tộc học và móc nối suy tư, chúng ta có các cảm nhận trên. Dù sao vẫn là chủ quan. Nhưng sử cũ đã ghi rất rõ cả nghìn năm trước dân tộc ta coi cây gạo là cây thiêng, cây vũ trụ, là thiên sứ mang thông điệp của Trời báo điềm lành cho dân cho nước: Đầu thế kỷ X, Cao Biền cắt yểm long mạch nước ta, thì năm 936 thiều sư La Quý An đã trồng cây gạo ở chùa Minh Châu đất Cổ Phát (còn gọi Diên Uẩn) để trấn trị lại, và đọc kệ nói rõ khi nào cây gạo có hình rồng leo thì đến ngày Thổ (tức Mão - thỏ, mèo) tháng Thử (tức Tý = chuột) năm Kê (tức Dậu = gà) sẽ có vua sáng lập ra vương triều nhà Lý. Đầu thế kỷ XI quả nhiên cây gạo đó bị sét đánh để vết lại như hình rồng leo và cũng là bài sấm thi khẳng lại chuyện xưa. Sau đó quả nhiên vào mùng 2 tháng Tý (tháng 1 tức tháng thứ 11 âm lịch) năm Kỷ Dậu (1009), Lý Công Uẩn (Ông họ Lý người làng Diên Uẩn) lên ngôi hoàng đế, lập vương triều Lý, mở ra kỷ nguyên Đại Việt rạng rỡ. Vì làng Diên Uẩn có cây gạo bị sét đánh nên đổi tên là Đình Sấm, là Dương Lôi (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh), hiện còn đền thờ bà Phạm Thị Ngà là thân mẫu vua Lý Thái Tổ và đình có đủ ngai, sắc thờ tám vua nhà Lý (Lý Bát Đế), hàng năm vẫn mở hội kỷ niệm ngày sinh Lý Công Uẩn (12 tháng 2 âm lịch). Nguồn: vanbutl.9.forumer.com Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 CÂY LANH – BIỂU TƯỢNG TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN H’MÔNG TS. Trần Hữu Sơn Biểu tượng là một đơn vị cơ bản của văn hoá, văn hoá là một tập hợp hệ thống các biểu tượng. Do đó nghiên cứu văn hoá cần coi trọng nghiên cứu biểu tượng. Giải mã được các biểu tượng, tìm hiểu được các biểu tượng là tạo được chìa khóa mở cánh cửa bản sắc văn hoá các dân tộc. Văn hoá dân gian tộc người Hmông giàu bản sắc, xuất hiện nhiều hệ thống biểu tượng đặc thù như biểu tượng về hệ thống cây (có các biểu tượng cây tre, cây lanh, cây thuốc phiện, cỏ tranh, ngải cứu, cây ngô, cây kê, cây quả bầu...) biểu tượng về hệ thống loài vật (con gà, con trâu, con ngựa, con lợn, con hổ, con chó...) Hoặc biểu tượng về đồ vật như cây khèn, cái ô, tù và, cái giường... Các biểu tượng trên có tần số xuất hiện nhiều trong lễ nghi, tín ngưỡng phong tục tập quán và văn học dân gian. Trong chuyên đề nghiên cứu này, chúng tôi tập trung giải mã một số biểu tượng tiêu biểu như cây lanh, cây tre, con gà, con lợn. I. Biểu tượng cây lanh 1. Cây lanh (chaoz mangx) thuộc họ gai mèo, có tên gọi khác là cây “áma”. Đây là loại cây lấy sợi làm vải mặc của người Hmông. Biểu tượng tấm vải lanh đã được Bùi Xuân Tiệp giải mã, đồng thời cũng được Lê Trung Vũ phân tích. Nhưng các tác giả chủ yếu giải mã biểu tượng lanh trong lễ hội Gầu Tào và dân ca Hmông. Trong chuyên đề này chúng tôi tìm hiểu biểu tượng cây lanh phản ánh trong các loại hình văn hoá Hmông. Nhưng điều quan trọng hơn là nhằm phân tích các chức năng của biểu tượng cây lanh (và các sản phẩm của lanh) trong đời sống văn hoá Hmông. 2. Nhu cầu quan trọng để duy trì sự sống của con người là nhu cầu về Ăn và Mặc. Cây lanh nhằm đáp ứng nhu cầu mặc của người Hmông. Và từ cuộc sống đời thường, cây lanh trở thành cây thiêng trong tín ngưỡng Hmông. Sợi dây lanh trở thành vật dẫn đường nối thế giới đang sống (thực tại) với thế giới của tổ tiên, thần linh (siêu nhiên). Bất kỳ ngôi nhà của ông thầy cúng “Txir nênhz” (sa man) nào cũng đều phải được trang trí bằng sợi lanh vắt qua các cây tre. Nhà thầy cúng Hmông đơ (trắng) bắc 3 cây tre. Nhà thầy cúng Hmông Si ở xã Suối Giàng Văn Chấn Yên Bái bắc 4 cây tre nhỏ có cả lá, cả gốc. Ngọn tre có lá đặt bên trái bàn thờ, gốc quay về bên phải. Bốn cây tre được buộc ở 4 vị trí khác nhau: một cây bắc ngang phía trên bàn thờ thầy cúng (tha nếnh) một cây bắc ngang phía trên cửa chính, hai cây bắc trên nóc nhà (dưới xa lóc), các cây được nối với nhau bằng 3 sợi lanh. Các sợi lanh này là những dây dẫn đường cho các hồn ma phụ tá thầy cúng từ thế giới siêu nhiên về ngự ở bàn thờ. Đồng thời khi xuất hồn đi tìm hồn ma, hồn của thầy cúng cũng đi theo các sợi lanh sang thế giới bên kia. Sợi sây lanh cũng là sợi dây dẫn đường giao linh hồn của vật dâng cúng cho người chết. Trong lễ tang (ma tươi) người Hmông khi mổ lợn, mổ trâu dâng cúng người chết, gia đình tang chủ phải buộc sợi lanh vào cổ trâu, lợn, nối với cổ tay người chết. Như vậy, vật hiến tế qua cây cầu là sợi dây lanh sẽ sang thế giới bên kia, dâng cho người chết. Thầy sa man muốn nhìn thấy thế giới bên kia, xuất hồn đi vào thế giới siêu nhiên phải có tấm vải lanh đen phủ trên mặt. Tấm vải lanh cũng là phương tiện giúp thầy sa man sang thế giới của ma (thế giới siêu nhiên), chức năng dẫn đường nối hai thế giới thực tại và siêu nhiên được phản ánh trong nhiều nghi lễ cầu cúng chữa bệnh, giải hạn “sàu su, thi su” cầu mùa ... của người Hmông. 3. Lanh còn là vật bảo vệ người Hmông. Hàng năm, trước khi vào mùa phát nương, làm rẫy, người Hmông ở huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An tổ chức lễ cúng bảo vệ hồn những người trong gia đình. Toàn bộ thành viên gia đình phải ở trong nhà khi làm lễ cúng. Thầy cúng lấy sợi dây lanh bôi máu chó buộc xung quanh vách nhà với ý niệm hồn của mọi người được bảo vệ, không gặp tai nạn khi làm nương rẫy. Người Hmông ở xã San Sả Hồ Sa Pa tổ chức lễ giải hạn “Tù sú” lễ “Tù sú” tổ chức theo từng dòng họ. Trong nghi lễ của họ Sùng, người trưởng họ dùng một tấm vải lanh trắng nhúng nước thiêng cúng gà, cầu mong thần linh nhập vào tấm vải lanh và che chở cho các thành viên dòng họ. Kết thúc buổi lễ, trưởng họ dùng kéo cắt vải lanh làm nhiều mảnh phát cho từng hộ gia đình. Các gia đình chôn mảnh vải lanh ở trước cửa nhằm tạo ra bức tường vô hình ngăn chặn ma ác vào nhà. Riêng trưởng họ lại treo tấm vải lanh ở trước cửa chính trừ tà ma cho cả dòng họ. Lanh không chỉ bảo vệ người trong thế giới hiện tại mà còn là thứ vũ khí diệu kỳ giúp linh hồn người chết vượt muôn ngàn thử thách tìm về với thế giới của tổ tiên. Trong “bài ca chỉ đường” (Tang ca – Kruôz cê) linh hồn người chết nhờ có lanh họ mới lên đến thế giới tổ tiên. Trên đường đi, linh hồn sẽ qua núi sâu róm, nhưng nhờ có giống cây lanh, linh hồn đã vượt qua: “Người đi gặp tổ tiên Người sẽ gặp rất nhiều con sâu Sâu to như chày giã gạo Sâu bù xù lông như đầu dê Người Hán có vải lụa làm giày cho người đi Dẫm phải con sâu mà đi Người Hmông không có vải lụa Người Hmông lấy sợi lanh đan thành đôi giày Người dẫm lên đầu sâu Vượt núi sâu róm mà về với tổ tiên” Trên đường đi, linh hồn còn phải vượt qua núi đá rồng, đá hổ. Và cũng nhờ có túm sợi lanh, hồn người đã vượt qua: “Mình sẽ đến nơi đá con rồng, đá con rồng há mồm rộng như hang động Ma ông bà tổ tiên lấy xâu sợi lanh nhét luôn vào mồm đá con rồng Mình cũng nhét sợi lanh vào miệng rồng Khi thấy đá con rồng ngậm mồm rồi mình cười cùng ma ông bà đi. Mình sẽ đến nơi đá con hổ, đá con hổ há miệng rộng như hang đá Ma ông bà tổ tiên lấy xâu sợi lanh nhét luôn vào miệng đá con hổ Mình cũng lấy xâu sợi lanh nhét luôn vào miệng đá con hổ. Khi thấy đá con hổ đã ngậm miệng rồi mình mới cùng ma ông bà mình đi”. Như vậy lanh trở thành hành trang không thể thiếu của người Hmông khi sang thế giới bên kia. Hành trình về với tổ tiên, đầy gian nguy, nhiều thử thách, lắm kẻ thù rình rập, nhưng nhờ có LANH, người Hmông vẫn vượt qua. 4. Lanh là tín hiệu văn hoá tộc người. Người Hmông luôn tự hào về truyền thống sử dụng vải lanh. Trang phục lanh trở thành tiêu chí phân biệt người Hmông với các dân tộc khác. Người con dâu Hmông trước khi về nhà chồng được mẹ đẻ tặng bộ trang phục thêu bằng vải lanh. Và khi về nhà chồng, con dâu có nghĩa vụ tặng bố mẹ chồng trang phục vải lanh. Đây là bộ trang phục bố mẹ chồng sẽ mặc sang thế giới bên kia. Theo quan niệm người Hmông, người chết không mặc trang phục lanh, tổ tiên sẽ không nhận. Vì vậy, ngày nay, người Hmông khi còn sống có mặc vải công nghiệp bằng sợi bông, sợi tổng hợp nhưng khi khuất núi về với tổ tiên phải mặc trang phục lanh. “Tổ tiên có hỏi mình ở trên trần gian về được cái gì đem theo. Thì mình thưa: Con ở trần gian về, cái gì chẳng được Được một chiếc khăn lanh, một chiếc áo lanh Được một chiếc quần lanh, một thắt lưng lanh Một đôi giày lanh, một đôi xà cạp lanh”. Trong bài tang ca Hmông lềnh Sa Pa người Hmông thường nhấn mạnh: “Nữ người Hán biết kéo sợi, kéo ra sợi nhung sợi lụa Nữ người Hán biết dệt thành vải lụa, vải nhung. ... Nữ người Hmông chỉ kéo ra được sợi lanh, sợi đay Nữ người Hmông dệt thành vải lanh, vải đay”. Hoặc: “Nữ người Sã lấy chồng, nữ mặc áo nhung Nữ người Hmông lấy chồng, nữ mặc váy lanh” Trang phục lanh đối với người Hmông là trang phục đẹp nhất. Vải lanh của người Hmông sánh ngang với gấm vóc, lụa điều của người Hán: “Nàng lớn lên ra ngoài Mặc ba bộ áo lanh sánh cùng ba bộ lụa Hán”. 5. Biểu tượng cây lanh xuất hiện trong thơ ca dân gian với tần số cao nhất trong số các biểu tượng về cây lanh. Trong các bài thơ ca giao duyên, thơ ca than thân (tiếng hát làm dâu, tiếng hát mồ côi) do Doãn Thanh sưu tầm có hơn 30 khổ thơ đề cập đến lanh (cây, sợi, guồng). Người phụ nữ Hmông luôn gắn liền với nghề trồng lanh dệt vải, bó sợi lanh như là vật bất ly thân của người phụ nữ. Trên đường đi làm, trên đường đi gặp người yêu, hoặc nghe người yêu hát... người phụ nữ luôn xe lanh, nối sợi lanh. Vì vậy, biểu tượng nổi bật của lanh là biểu tượng về người phụ nữ Hmông: cây lanh là hình ảnh của người phụ nữ, cuộn lanh phản ánh tính cách người phụ nữ, hạt lanh là số phận người phụ nữ... Người phụ nữ lấy chồng tốt thì: ... “Em như cây lanh xanh Mọc ở nơi đất phẳng” - Hoặc lấy phải người chồng không xứng đôi: “Em lấy người chồng không xứng đôi Như hạt lanh nương tra vào bãi ruộng” Biểu tượng lanh xuất hiện trong thơ ca dân gian Hmông (nhất là thơ ca dao duyên) với nhiều ý nghĩa, cung bậc khác nhau của tình yêu, tình vợ chồng như sự thủy chung, niềm hạnh phúc, sự chia lìa, nỗi bất hạnh, giận hờn, trách móc, an ủi..v.v.. Niềm hạnh phúc của vợ chồng là cùng trồng lanh dệt vải, thêu hoa văn: - “Mình ơi! Ví dù ta lấy được mình Mình làm vụ lanh đôi ta mặc lành” - Nỗi thất vọng, than thân như “guồng xa xe chỉ lanh”: “Guồng xa xe chỉ lanh Xe được sợi chỉ xoắn Dù mình biết biến, ta biết hóa Thì cũng như mặt trời ghẹo mặt trăng trên đỉnh non cao” - Niềm khao khát được hạnh phúc, chống trả sự chia lìa: “Giá thân em là sợi lanh, sợi tơ Anh cuốn vào người để sợi cùng anh ở Giá mình em là sợi lanh, sợi chỉ Anh cuốn vào người để sợi cùng anh đi” Thậm chí khi tình yêu bị ngáng trở, nam nữ Hmông sẽ vùng lên như cây lanh nhỏ bé nhưng lật đổ được cây thông, bảo vệ tình yêu: “Cây lanh đổ hất vào cây thông Cây thông đổ nhòa trên mặt đất Đôi ta kết bạn tình hạnh phúc đường này Ta chỉ có đường nói mà không có đường lìa” Như vậy, lanh là biểu tượng đặc sắc của văn hoá Hmông. Từ đời sống thường ngày, lanh đã vào thơ ca trở thành biểu tượng của người phụ nữ, của tình yêu, niềm khát khao hạnh phúc. Biểu tượng cây lanh càng sâu sắc hơn khi cây lanh, vải lanh, sợi lanh được đặt ở vị trí trang trọng linh thiêng. Lanh thành cây thiêng, vật dẫn đường sang thế giới siêu nhiên, lanh là vũ khí thiêng trừ tà Nguồn: www.vanhoalaocai.vn Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 : Những Cây Cổ Thụ Nổi Tiếng Nhất Thế Giới :: Những cây cổ thụ lão niên đó là chứng tích của lịch sử loài người, và chúng đáng được quý trọng vì tuổi thọ. Liệu Unesco có cần phải đưa chúng vào danh sách di sản thế giới chăng? Nhà thực vật học Jean-Marie Pelt khẳng định rằng “những cây cổ thụ là các dấu tích độc đáo đã vượt qua thời gian, mang nặng truyền thuyết và lịch sử”. Thế nhưng những sức mạnh của thiên nhiên đó lại ít được người ta biết đến hơn là các đền đài. Đúng là một sự bất công cho dù chúng có thể chết, bởi vì khi còn sống, chúng cũng được bảo vệ. Cây sồi Marie-Antoinette ở lâu đài Versailles là biểu trưng. Nó đã được cứu sống nhờ một bà hoàng hậu thích nằm nghỉ dưới bóng mát của nó. Bị đốn vào tháng 2.2005 lúc được 324 năm tuổi, thân của nó sẽ được trưng bày gần vườn ươm Trianon. Cách Rouen 50 kilômét, tại Allouville-Bellefosse có một cây sồi khác vẫn còn đứng vững từ thời nhiễu loạn cuối thế kỷ 17. Vào năm 1696, vị linh mục giáo phận địa phương cho khoét một hốc trong thân cây để làm nhà nguyện và phòng ở của một tu sĩ ẩn dật. Nơi đó đã trở thành địa điểm hành hương nguyện cầu Đức Mẹ. Một thế kỷ sau, khi những cái đầu rơi rụng như sung, cây sồi nhà nguyện đó sống sót được nhờ thiên tài của thầy giáo Jean-Baptiste Bonheur. Ông cho đóng tấm biển đề “Đền thờ của Lý trí” lên thân cây. Khi những người cách mạng kéo đến định đốn “cái ổ thuyết giáo” đó, họ đành rút đi khi nhìn thấy tấm biển lý tưởng của cách mạng. Cây El Arbol ở thành phố Tule, Mexico (Ảnh: mexicomaxico) Kích thước những cây cổ thụ đó tương xứng với tuổi tác của chúng. Tại Mexico, trên khuôn viên của thành phố Tule có cây “El Arbol”, một cây tùng bách hơn 2.000 năm tuổi với chu vi gốc đến 58 mét. Trước khi người Tây Ban Nha đến xâm chiếm vào năm 1556, cây tùng bách đó sống giữa khu đầm lầy, nhưng giờ đã khô cạn. Vào năm 1994, nhà chức trách Mehico lo lắng khi thấy cây chết dần. Các khoa học gia nhận định rằng cây bị thiếu nước. Thế là người ta bắt đầu tưới cho cây thường xuyên và du khách không được đến quá gần cây. Tuy nhiên những cây cổ thụ bách niên lại rất yếu ớt, chúng là nạn nhân đầu tiên khi môi trường chung quanh bị hư hại. Tại Morondava trên đảo Madagascar có một con đường trồng những cây baobab khổng lồ tạo nên cảnh tượng kỳ vĩ. Những thân cây thẳng trơn vươn lên trời, tận cùng là một tán lá nhỏ. Người dân Mehico hay nói đùa rằng chúng bị quỷ dữ nhổ đi rồi trồng ngược rễ lên trên. Madagascar có 7 loài trong tổng số 8 loài baobab trên thế giới, nhưng loài baobab ở Morondava đang bị đe dọa bởi nạn cháy rừng và vì dân làng thường lấy vỏ cây lợp mái nhà. Vào tháng 3 vừa qua, hội “Những người bạn của Trái đất” đã đề ra một chiến dịch bảo vệ cây moabi - loài cây lớn nhất trong rừng già châu Phi - mà một số sống đến 2.500 năm. Thổ dân Pygmée xem chúng như là thần rừng và dùng chúng vì các đặc tính trị bệnh, còn người Bantou lấy hạt của chúng để trích dầu. Cây moabi bảo vệ và nuôi dưỡng các bộ tộc ở vùng châu thổ sông Congo. Đồng thời chúng cũng là nguồn lợi: 3/4 số cây moabi được xuất cảng sang Pháp để đóng tủ bàn. Do nạn phá rừng ồ ạt nên cây moabi có nguy cơ tuyệt chủng trong những thập niên tới. Có gần 80% rừng nguyên sinh đã bị con người tàn phá. Những cây thông Bristlecone trong sa mạc White Mountains ở California có tuổi thọ tương đương với các kim tự tháp ở Ai Cập. Chúng được phát hiện vào thập niên 50 trên độ cao 3.000 mét, và 17 cây trong số đó vượt quá 4.000 năm tuổi, và cây “Mathusalem” già nhất thế giới hiện nay đã được 4.771 năm. Vào năm 1964, một sinh viên địa lý học đi lùng tìm một cây già hơn. Do sơ suất nên anh ta làm gãy cái khoan trong một thân cây và cho nhân viên kiểm lâm đốn cây. Sau đó người ta đếm được thân cây đó có đến 4.950 vòng tuổi. Quả là một kỷ lục bị tàn lụi quá nhanh. Cây thông Bristlecone trong sa mạc White Mountains (Ảnh: scotthaefner) Ở Nhật, những cây long não rất thiêng liêng. Chúng mọc trong các đền thờ Thần đạo của những thành phố ven biển. Tại Atami cách thủ đô Tokyo 70 kilômét có cây long não lớn thứ nhì trong nước. Trong thập niên 70 nó đã chịu được một đợt sóng thần, gốc cây khổng lồ của nó chắn lại sự tấn công của bức tường nước cuồng nộ. Từ đó những kẻ tín ngưỡng đổ xô đến để cầu nguyện thần cây và đi quanh gốc cây. Theo truyền thuyết, mỗi vòng theo chiều kim đồng hồ sẽ phù hộ người ta thọ thêm 1 năm tuổi, hay sẽ giảm thọ 1 năm nếu đi ngược lại. Tại một tu viện ở thị trấn cổ Ayatuya cách Bangkok 80 kilômét về phía Bắc có một cây đa mà rễ của nó bao lấy một pho tượng đầu đức Phật. Nhưng ai đã đặt pho tượng vào đấy? Vào thế kỷ 18, quân Miến Điện xâm lăng đã tàn phá khu vực đó, cướp bóc các đền miếu và chặt đầu những bức tượng. Có lẽ một trong số đó đã tình cờ rơi vào gốc cây đa rồi được rễ cây ôm lấy. Một cây sồi được đặt tên là “cây sồi quạ” ở Erle (Đức) có hình dáng rất ghê gớm. Ngày trước đó là nơi đặt miếu thờ thần chim Wotan. Nó nổi tiếng vì vào thế kỷ 13, hoàng đế xứ Westphalie đã lập một tòa án bí mật dưới gốc cây để xử tội những kẻ chống đối. Đến thế kỷ 19, thân cây bị mục ruỗng hoàn toàn. Bên trong đó, bá tước Clèves mở tiệc đãi 20 quan khách. Gốc cây có đường kính 12 mét, và hiện nay cây phải sống dựa vào những giá đỡ. Một cây đa ở Sri Lanka là cây thiêng liêng nhất thế giới. Nó xuất xứ từ chính cây đa mà đức Phật đã ngồi tu vào thế kỷ thứ 6 trước CN. Trước khi cây này chết đi, một công chúa Sri Lanka đã cho chiết cành đem về trồng tại Anuradhapura. Mới đây, phe “Những con hổ Tamil” ở Ấn Độ định cho nổ mìn cây đa mà họ cho là biểu tượng của “sự áp bức của Phật giáo” đó. Cây đa ở Sri Lanka là cây thiêng liêng nhất thế giới (Ảnh: harappa) Tại Madagascar, các rễ cây từ một cây đa duy nhất đã mọc lên thành nhiều cây đa con. Cách đây 200 năm, một trận hạn hán đã đe dọa cả đất nước. Để làm dịu cơn giận dữ của thần linh, các thầy tu đã hiến tế một trinh nữ. Cây đa đã mọc lên từ thân xác của cô gái đó. Cách đây 200 năm, một trận hạn hán đã đe dọa cả đất nước. Để làm dịu cơn giận dữ của thần linh, các thầy tu đã tế lễ một trinh nữ. Cây đa mọc lên từ thân xác của cô gái đó. st Nguồn: triam.forumgogo.com Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 Sự tích cây Kim Giao Truyện cổ tích - Văn học dân gian Ngày xửa ngày xưa, có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết lắm. Người con trai tên là Kim, người con gái tên là Giao. Cả hai đều là con của nhưng gia đình nghèo túng, quanh năm làm thuê, làm mướn, nhưng ai nấy cũng lương thiện và rất tốt bụng. Hai bên bố mẹ rất ưng thuận làm thông gia với nhau. Kim và Giao thề nguyện với nhau sẽ kết bạn trăm năm. Nếu không lấy được nhau thì sẽ ở vậy suốt đời. Mối tình của họ trong như nước suối, sáng tợ như trăng rằm. Ngờ đâu sóng gió nổi lên, giặc phương Bắc kéo sang xâm lấn quê nhà. Quan lại địa phương hèn nhát đánh không lại, giơ tay đầu hàng và cấu kết với chúng bóc lột, vơ vét của dân lành. Kim theo trai tráng trong làng gia nhập nghiã quân, chống lại bọn cường hào và kẻ thù xâm lược. Không may, anh bị giặc bắt được, chúng hành hạ anh thậm tệ và đầy lên một vùng rừng núi hoang vu hẻo lánh. Người ngày nay đặt tên cho vùng này là rừng Cúc Phương, thuộc huyện Hoàng Long. Bị hành hạ khổ sở và nhớ thương gia đình, nhớ thương người yêu quá đỗi, Kim lâm trọng bệnh, không bao lâu thì chàng qua đời. Bạn tù và người dân điạ phương cảm mến, thương chàng đã sống chí tình chí nghĩa, họ đem xác chàng chôn cất cẩn thận giữa rừng, bên cạnh một giòng suối. Người con gái tên Giao từ khi xa người yêu cũng ngày đêm thương nhớ khôn nguôi. Rất nhiều trai làng và cả bọn quan lại, địa chủ giàu có trong làng mê mẩn sắc đẹp của nàng đến gạ hỏi nhưng nàng chẳng chịu một ai, nhất định từ chối tất cả. Nàng xin phép cha mẹ cho mình lên đường đi tìm người yêu. Cha mẹ thương con gái chân yếu tay mềm không muốn cho đi. Nhưng dù cha mẹ khuyên lơn, cản trở, nàng vẫn nhất định ra đi. Ðường xá xa xôi, núi rừng hiểm trở, nàng cứ vừa đi vừa hỏi đường, đóng giả người ăn mày để qua mắt bọn trộm cướp và quan lại. Hết ngày này đến tháng nọ, cuối cùng nàng cũng tìm đến được chỗ mà Kim đã từng bị giam cầm. Nhưng than ôi, khi nàng đến nơi thì người trong làng báo rằng Kim đã chết. Tê dại cả người, nàng lê gót trở lại trong rừng tìm mộ người yêu theo lời chỉ dẫn của họ. Tìm được mộ chàng, nàng ôm lấy vật vã khóc than, nước mắt như mưa. Rồi nàng kiệt sức mà chết. Xúc động trước cảnh tình của hai người, dân trong làng lại đào huyệt chôn nàng sát cạnh mộ của chàng Kim. Hai nấm mộ nằm sóng đôi giữa khu rừng vắng. Một thời gian sau, ở giữa hai nấm mộ mọc lên một thứ cây có thân rất thẳng, dân địa phương chưa bao giờ thấy. Lá cây phía trên có màu xanh thẫm, bóng láng, phía dưới màu trắng bạc. Cây tỏa ra một mùi thơm ngan ngát như mùi trầm quí giá. Người ta đồn rằng cứ đêm về, từ cây ấy vọng ra một thứ tiếng trầm trầm như tiếng người hát, nghe ai oán và buồn vô cùng. Quan lại trong làng tức giận, cho là cây có ma, cho người đến đốn đi. Trong lúc đứng xem quân lính chặt, bọn chúng bị nhựa cây văng phải vào mặt, về nhà được ít lâu thì hai mắt bị mù. Còn cái cây lạ thì chồi lại bật lên, chẳng bao lâu lại xanh tốt như cũ. Dân làng từ ấy trở đi cho là cây thiêng, bảo nhau không ai được chặt đi. Có lời đồn khi có ai bị cảm cứ đến hái ít lá đem về xông thì sẽ khỏi bệnh. Ðiều kỳ lạ hơn nữa là nếu lấy gỗ cây này chuốt làm đũa, bỏ vào thức ăn có độc, quanh đầu đũa sẽ sủi bọt mầu đen báo cho ta biết. Từ đó, nó trở thành một thứ cây quý vô cùng. Người trong làng đã đặt tên cho loại cây này là cây Kim Giao Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 Lễ hội cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc các dân tộc Việt Nam và được sự hỗ trợ của Dự án phát triển dân tộc Pu Péo giai đoạn 2005-2010, ngày 8/7/2008, Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang phối hợp với UBND huyện Đồng Văn, UBND xã Phố Là tổ chức Lễ hội cúng thần rừng tại thôn Chúng Trải, xã Phố Là (Đồng Văn). Lễ hội cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo có từ lâu đời, tồn tại và phát triển cùng với nhiều thế hệngười Pu Péo; là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, gắn với đời sống triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp như: Thần suối, thần sông, thần núi, thần rừng, thần cây... đã tạo ra sắc thái văn hóa riêng trong đời sống cộng đồng. Lễ hội không những có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên. Hòa đồng cùng thiên nhiên, tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên, coi rừng là bạn, gắn bó với rừng, bảo vệ rừng đã trở thành ý thức chung của cộng đồng người Pu Péo, được thể hiện ở từng gia đình, làng bản và cũng từ đó rừng sinh thủy phục vụ đời sống, sản xuất, cải tạo môi sinh và có giá trị trong thực tiễn cộng đồng. Mỗi khu rừng thiêng được người dân bảo vệ chăm sóc không những mang lại giá trị vật chất, tinh thần cho cộng đồng làng bản mà còn góp phần bảo vệ, phát triển môi trường sinh thái chung. Trong thời gian một ngày, với không khí tưng bừng, đoàn kết của các dân tộc trong xã, phần lễ đã được các nghệ nhân dân gian dân tộc Pu Péo thực hiện nghiêm túc, đảm bảo những yêu cầu cơ bản theo phong tục tập quán truyền thống của Lễ cúng thần rừng. Phần hội được toàn thể nhân dân trong xã tham gia hưởng ứng sôi nổi. Với những nội dung thi đấu các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, kéo co, đánh yến, chơi “ào”, nhảy cóc đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc trong xã tham gia. Ngoài ra, còn có chương trình múa hát các làn điệu dân ca, hát đối đáp, giao duyên được các nghệ nhân dân gian của xã trình bày, thể hiện được cuộc sống hàng ngày của bà con dân tộc Pu Péo xã Phố Là. Nhân dịp này, đồng chí Mai Ngọc Hướng, Phó Ban Dân tộc tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cúng thần rừng và lãnh đạo huyện Đồng Văn đã trao giải thưởng cho các vận động viên tham gia các môn thi đấu thể thao và các nghệ nhân tham gia Lễ hội. Nguồn: www.archives.gov.vn Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 9, 2008 Cây sấu nghìn năm tuổi ở Lạng Sơn Một nhánh “bạnh vè”cỡ hai người dang sải tay. Bản Nầng, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn có cây sấu cổ thụ tuổi thọ trên dưới nghìn năm, gốc cây to hàng chục người ôm không xuể. Cây sấu này được dân bản đặt miếu thờ và hết lòng gìn giữ, bảo vệ.Bản Nầng - “quê hương” của cây sấu cổĐể đến Bản Nầng, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn phải ngược lên những cua dốc trên những đỉnh núi cheo leo. Từ trung tâm xã lên tới Bản Nầng còn độ chục cây số nhưng nếu đi “xe ô-tô gầm cao” thì cũng mất khoảng nửa tiếng. Cũng may là người dân nơi đây sớm quyết tâm mở mang con đường nên việc lên với Bản Nầng có phần dễ dàng hơn. Bản Nầng ngút ngàn cây xanh, được coi là “rốn hồi” của xã, của tỉnh Lạng Sơn. Cây hồi ở Bản Nầng nổi tiếng lắm, có năng suất cao, hoa đẹp đủ Pét coóc (từ 8 đến 10 cánh to đều nhau), có phẩm chất tinh dầu tốt nhất... Chủ tịch xã Đinh Văn Bé cho biết, Bản Nầng có 25 hộ dân với 125 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Tày và Nùng Phàn Sình sống trên sườn núi, đồi khá cao. Hiện ở Bản Nầng có tới 87 ha rừng hồi, hầu như nhà nào cũng có, nhiều nhà có tới trên ba nghìn cây hồi. Có cây già tới mấy trăm tuổi. Cây sấu cổ ở xứ Lạng. Cây sấu cổ “hóa thần” được bản làng ra quy ước bảo vệ Dưới chân dốc đường dẫn lên Bản Nầng, cây sấu cổ trải qua bao đời vẫn tồn tại trên sườn núi Lùng Pá. Ông Hoàng Lê Minh, Giám đốc xí nghiệp giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc cho biết: “Cây sấu này cao 40 m. Có thể nói cây sấu là một trong những cây già nhất Việt Nam, có thời gian trên dưới nghìn năm tuổi!”. Chúng tôi lách qua những cây leo và thớ đá để vào sát gốc cây. Là người miền rừng nhưng quả thật, tôi ít thấy có cây nào cổ thụ như vậy. Gốc cây chia thành những nhánh to nổi cao, chục người ôm không xuể, sải dài trên mặt đất tạo nên những “bạnh vè” rắn chắc chạy ra tứ phía... Anh Đinh Văn Bé ngước nhìn lên những tán lá khỏa lấp cả một vùng trời râm mát rồi tâm sự: “Cây sấu này năm nào cũng có quả. Chỉ có quả chín rụng xuống dân bản mới nhặt để ăn, chứ không ai trèo lên cây được. Một là do thân cây quá to, hai là sợ “thần cây” trừng phạt. Hằng năm cứ đến dịp mùa thu, lá sấu rụng bớt lộ ra những quả sấu lúc lỉu vàng óng nom rất đẹp mắt !”. Nói rồi anh dẫn tôi đến một cái miếu nhỏ “ngự” bên cạnh. Tiếng gió đưa rì rào bên tai như những khúc nhạc âm u... Tôi được biết, những cây 30 tuổi trở lên, ở nước ngoài người ta đã phải đưa vào danh sách, lập hồ sơ mô tả, lưu giữ và được coi là tài sản quốc gia. Anh Đinh Văn Bé cho biết: Năm ngoái có một số lâm tặc đến dân bản để gạ mua cây sấu cổ với giá gần 40 triệu đồng. Khi ấy, có người góp ý nên cho họ chặt hạ cây gỗ đi bởi cây này chẳng phải của ai, quả sấu thì không hái được, nhỡ mưa to, gió lớn cây đổ xuống sẽ nát hết hoa màu, ruộng vườn... Thế nhưng cán bộ xã cương quyết giữ cây và nói đó là “thần linh” của bản. Cái miếu nhỏ này đêm rằm vẫn đỏ hương nghi ngút. Thế là cây được giữ lại. Thôn bản còn lập ra quy ước bảo vệ cây, không ai được động đến. Sở dĩ bọn lâm tặc “để ý” đến cây sấu bởi đó là cây quý hiếm, thêm nữa, vân gỗ sấu rất đẹp, bền y như gỗ lát, đặc biệt là không nứt nẻ rất thích hợp cho đóng đồ sập gụ, giường tủ... Chúng tôi mỏi cổ ngước nhìn cây sấu. Anh chủ tịch xã cẩn thận đi vòng quanh “mố” cây xem xét có mối mọt gì không. Nỗi lo giữ cây, giữ rừng hiện hữu trên gương mặt người trẻ tuổi đứng đầu một xã vùng sâu, vùng xa. Trên cành sấu có những quả sấu xanh đang ngả vàng. (Tiền phong) Nguồn: www.phiem-dam.com Share this post Link to post Share on other sites