wildlavender

Lũ Lụt: Nhân Quả Trớ Trêu

3 bài viết trong chủ đề này

Lũ lụt Nhân Quả Trớ Trêu !

Posted Image

Tấm ảnh gợi nhiều xúc cảm trong lòng bạn đọc.

Posted Image

Vào Tuổi Trẻ Online, tôi cứ mãi bị ám ảnh bởi hai bức ảnh, đều được chụp từ những ô ngói được dở ra. Một tấm chụp đôi bàn tay trẻ thơ vẫy kêu cứu, đầy hy vọng trông chờ. Tấm ảnh kia chụp đôi mắt của 2 người già nua, mệt mỏi và tuyệt vọng.

Lũ lụt ở miền Trung gần đây hình như không còn là lũ lụt thông thường nữa mà đã thực sự là những cơn đại hồng thuỷ. Con người đang co rúm lại dưới sự thịnh nộ cực độ của thiên nhiên.

Sau trận lũ kinh hoàng năm 2009, nhiều nhà dân ở bờ bắc sông Thạch Hãn bỗng nhiên trở thành triệu phú do gỗ lậu theo nước lũ ào về, vướng lại trong vườn, mắc kẹt lại trên những bãi bồi. Toàn là gỗ có giá trị, súc nào súc nấy to lừng lững. Gỗ lấp đầy ao hồ, khúc sông cạn, cả mấy cái hố bom sâu hoăm hoắm.

Rừng lẽ ra chắn lũ cho đồng bằng thì lại bị cuốn trôi vô vọng và bi thảm. Mùi của gỗ lụt thật kinh khủng, như mang theo cả sự thối rữa của những cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn.

Thuyết nhân quả quả là trớ trêu. Có những kẻ phá nát rừng bây giờ đang là những triệu phú, những doanh nhân thành đạt, những mô hình làm ăn giỏi.

Trong lúc đồng bào đang tuyệt vọng đói khát giữa nước lũ thì có thể những kẻ gieo gió vẫn đang ăn chơi thoải mái. Những người dân lam lũ đáng lẽ ra được gặt gái những vụ mùa bội thu thì lại phải gặt bão từ những cơn gió họ không hề gây ra.

Án ngữ ngay đầu làng tôi là một khu rừng quanh năm rậm rịt. Ba tôi lý giải cái tên rú Cấm là có ý ngăn cấm không do dân chặt cây. Dân làng chỉ được phép vào rú nhặt lá, mót những nhành củi khô. Đến giờ lệ làng vẫn vậy. Dân làng vẫn sợ câu “tham của rừng rưng rưng nước mắt”.

Liệu có thể nói với nhau rằng “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” khi những cánh rừng đầu nguồn bị đã bị đốn trụi, loang lổ; khi những con sông đầu nguồn đã bị khoét tung toé để đãi vàng và ngay cả những rễ cây cũng bị trục lên để làm những bộ bàn ghế cầu kỳ vô cảm?

Lê Thuý Hằng (Giao Điểm)

nguồn giacngo.online.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

Cội nguồn căn nguyên là đây! Nhân duyên của người miền trung sao nghiệt ngã?

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bão lũ: Phép thử cho niềm tin và lòng vị tha.

Ngay trong lúc cả nước đang quặn lòng hướng về khúc ruột miền Trung, người góp của, người góp công, người gửi những lời cầu nguyện tốt đẹp nhất cho đồng bào của mình, thì đâu đó trong những cuộc hội thảo, hội nghị, đại hội… này nọ, qua thông tin đại chúng, người ta vẫn thấy tràn ngập những lẵng hoa tươi hết sức lãng phí.

Những lẵng hoa ấy chẳng đáng gì so với mất mát to lớn của người dân vùng lũ, nhưng chỉ một chút ý thức về điều đơn giản đó thôi cũng đủ gây dựng cho xã hội một niềm tin rằng, con người luôn biết đặt sự nặng nhẹ vào trong đời sống ứng xử, để không thể vui cười chúc tụng nhau trước nỗi đau còn chưa nguôi ngoai của người khác.

Cơn lũ thứ nhất đổ về miền Trung đúng vào dịp cả nước đón mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhiều người đã phải đặt ra câu hỏi về vấn đề giữa “lũ” và “lễ”. Và nếu không có vụ nổ mấy công-ten-nơ pháo hoa thì không biết 29 điểm bắn pháo hoa có được huỷ bỏ để dành số tiền đó ủng hộ đồng bào mình đang chịu cảnh tang thương bởi lũ lụt hay không? Cũng trong lúc đó, người ta chào đón biết bao nhiêu công trình kỷ lục. Nhưng có một “công trình kỷ lục” đó là lòng từ bi hỷ xả của con người trong suốt ngàn năm ấy đang rất cần mỗi người đầu tư tôn tạo lại.

Posted Image

Nhiều người còn chưa hết những ưu tư về các giá trị dân tộc trong suốt nghìn năm, khi nó đang được người ta đua nhau thể hiện một cách phung phí thì cơn lũ lịch sử thứ hai lại chồng tang thương lên mảnh đất miền Trung. Có người gọi đó là phép thử cho niềm tin, sự sáng suốt và cả lòng tốt của con người. Và cho dù muộn, nhưng quyết định huỷ 29 điểm bắn pháo hoa cũng nhận được nhiều sự đồng tình của người dân. Thực tế, có bao nhiêu những thứ lý thuyết to tát đang được phổ biến sâu rộng hơn thời xưa, nhưng hình như con người lại vẫn đang phải sống trong cảnh nghèo lương tâm, nghèo lòng tốt…

Posted Image

Câu chuyện bi thương về chuyến xe định mệnh trong lũ dữ cuớp đi một lúc 21 sinh mệnh đã gây xúc động mạnh trên khắp các phương tiện thông tin. Muôn người như một đều mong người dân vùng lũ sớm trở lại cuộc sống bình thường, mong rằng không phải chứng kiến thêm những cảnh tang thương mất mát như thế. Cũng lúc đó, một cuộc lễ cầu siêu cho những người tử nạn diễn ra gần nơi xảy ra tai nạn. Hình ảnh của vị tăng sĩ với một đàn tràng giản dị đơn sơ đã sưởi ấm lòng những gia đình có người thân vắng số. Thông tin không cho biết tên các vị tăng đó là ai, cũng chẳng có một cuộc phỏng vấn nào như thường thấy để những người thi ân nói thao thao về lòng tốt, nhưng chỉ cần một vài hình ảnh giữa mênh mông nước lũ đã gây dựng niềm tin của nhiều người. Không biết có yếu tố tâm linh thấu tỏ nào không mà ngay trong buổi chiều hôm nay, qua thông tin mọi người được biết các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy chiếc xe gặp nạn. Lòng từ bi thương xót chính là tình người, một thứ tình người đầy trắc ẩn và nhạy cảm với chúng sinh, đồng loại đã nhanh chóng được đáp lời.

Posted Image

Cũng vì những băn khoăn không dứt về những ứng xử chậm chạp và thiếu nhạy bén đối với đồng bào, mà nhiều người đã cùng cất lên tiếng nói “thương người như thể thương thân”, “cứu người như cứu mình”, để mong sao mỗi người hãy nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, nuôi dưỡng tình thương yêu, để đồng bào mình dù có gặp cảnh nguy khốn cũng biết nương dựa vào đó mà mau vượt qua khó khăn, vươn lên sống một cuộc đời đáng sống.

Tình người chỉ được được thổi bùng mãnh liệt khi người ta cảm nhận hết được nỗi đau “tay đứt ruột xót”, “máu chảy ruột mềm”. Đó cũng là niềm tin yêu ở thời buổi mà thói thờ ơ vô cảm đang ngày một phổ biến trong đời sống ứng xử.

Nhường cơm sẻ áo, gửi một chút năng lượng bình an, chắt chiu một ít tình người gửi đến đồng bào mình trong lúc này sao không phải là những “đại hội” niềm tin của toàn dân tộc?

Nguyễn Mai Sơn (Điểm Nhìn)

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ngày mưa Sài Gòn, nghe người con Phật Hát thương miền Trung.

Mấy ngày nay, trời Sài Gòn âm u, mưa dầm không ngớt. Có lẽ trời đất phương Nam muốn chia sẻ với miền Trung nghèo khó với cơn lũ của chu kỳ 60 năm lặp lại.

Tang thương nối tiếp đau thương, nước mắt người dân vùng rốn lũ đã tuôn theo dòng nước hung bạo, xuôi đổ về khơi, nên đã khô hằn đôi gò má sạm nắng cháy gian nan.

Mấy ngày nay trời Sài Gòn âm u, mưa dầm không ngớt.

Ngồi trong căn nhà nệm ấm chăn êm mà nghe chạnh lòng tê buốt khi nhớ về Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đang oằn mình trong lũ dữ! "Đất cày lên sỏi đá" mà "Trời hành cơn lụt mỗi năm", những câu hát xưa không bao giờ cũ, cứ "hoành hành" theo bao nỗi khổ, lo toan của kiếp người miền Trung quê hương tôi.

http://mp3.zing.vn/mp3/nghe-bai-hat/bau-oi...e.IW6E0O67.html

Ôi miền Trung yêu thương

Khi cơn lũ đi qua

Nhà em thơ không còn, nên âm thầm héo hon.

Khi nước lũ dâng lên, mang bao niềm đau thương

Đời người sao vô thường

Xót xa tình quê hương..h..h..h..h..

Cùng nhau sẻ chia bao đắng cay, tay trong tay qua gian khó

Hạt thóc chia đôi: Nỗi đau còn một nửa

Niềm vui chia đều: Hạnh phúc nhân đôi .

Ôi thương sao lá lành đùm lá rách (bis)

Đơn giản một điều thôi (bis)

Bầu ơi! Bầu ơi! Thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn.

Mấy ngày nay trời Sài Gòn âm u, mưa dầm không ngớt. Chợt nghe bài hát "Bầu ơi thương lấy bí cùng" vang lên da diết khiến lòng tôi se lại. Những trang mạng nhaccuatui, Baamboo, Zingmp3 thường khi là nơi ghé của tôi để tìm tư liệu và thư giãn. Sáng nay tất cả như đổi khác, nhường chỗ cho bài hát này vang lên.

Khi ngồi viết những dòng cảm xúc này, bài hát ấy vẫn đang được mở bên tai.

Một bài hát mới, rất mới của những người con Phật thân thương. Tác giả là anh Nguyên Hùng, người thể hiện là anh Nguyên Tuệ. Tuy là không chuyên nhưng chứa đựng đầy ắp trong tác phẩm là cả một tấm lòng đại từ của con nhà Phật, đã nhanh chóng hòa nhịp nỗi đau với miền Trung thân yêu.

Dưới màu áo lam Gia đình Phật tử Đức Tâm, hai anh có lẽ luôn đi trước trong công tác từ thiện, nên một bài hát tiên khởi này đã nhanh chóng chiếm ngự khắp mọi trái tim. Khi tôi nghe được bài này trên Zingmp3 thì đã là con số ngấp nghé 2.500!

Giai điệu thong thả mà cứng cỏi, da diết mà dứt khoát, nghĩa tình thấm đậm.

Vâng! Đơn giản một điều thôi – Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Chỉ với tiếng đàn Guitar và trống Zambo, đủ để giai điệu nhân văn muôn thuở này đi sâu vào lòng người trong những tháng ngày nặng trĩu, vọng hướng nghĩa tình thấm đậm đến đồng bào miền Trung ruột thịt.

Rất cảm ơn Nguyên Hùng và Nguyên Tuệ đã cống hiến cho lòng người một thông điệp tràn đầy nghĩa tình. Có thể các anh đàn chưa hay, hát chưa giỏi nhưng với nghĩa cử và tấm lòng bi mẫn của mình, các anh đã khơi dậy màu xanh của giàn bí, giàn bầu với trăm ngàn tay quăng bám chặt, thương lấy, bảo vệ và đùm bọc lẫn nhau.

Mấy ngày nay trời Sài Gòn âm u, mưa dầm không ngớt, ngồi nghe bài hát này mà khóe mắt ướt cay, mắt luôn dõi ra phía trời xa, nơi đó có mẹ, có em, có anh đang gồng mình trong lũ dữ!

Đơn giản một điều thôi:

Bấu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. l

Dương Kinh Thành

nguồn giacngovn

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay