Thiên Sứ

'lũ Miền Trung Có Nguyên Nhân Do Thủy điện'

4 bài viết trong chủ đề này

'Lũ miền Trung có nguyên nhân do thủy điện'

Thứ năm, 21/10/2010, 01:28 GMT+7

Posted Image

Ông Trần Đình Đàn. Ảnh: T.Sơn

"Thiệt hại nặng nề ở miền Trung một mặt do mưa lớn, một mặt do các công trình thủy điện, giao thông làm biến đổi dòng chảy tự nhiên, chậm thoát ra biển", ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên bí thư Hà Tĩnh bày tỏ quan điểm.

> Cận cảnh cuộc sống ở rốn lũ

- Cơ sở nào để ông nhận xét rằng có lỗi của công trình thủy điện, giao thông trong đợt lũ lịch sử tại Bắc Trung Bộ?

- Sau khi hình thành đường Hồ Chí Minh và một số tuyến đường dọc theo khu vực miền núi của Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, việc thoát nước từ trên rừng xuống mất tính tự nhiên. Hiện, quốc lộ 1 nằm giữa vùng giữa đồng bằng và biển được nâng cao, một số tuyến sông làm đê rất cao. Do đó, nước trên đại ngàn chảy xuống bị chặn và không đủ khẩu độ cho nước chảy ra biển.

Trong quá trình làm hồ đập thủy điện, chúng ta không có quy hoạch từ trước nên thấy chỗ nào có điều kiện là địa phương giao chủ đầu tư. Khi làm thủy điện, người ta lại chặt cây, mở đường rộng cả trăm mét... Có những nơi, tỉnh cho diện tích khoảng 200 ha gồm cả đường lẫn khu vực thi công nhưng doanh nghiệp chặt lên đến 300 ha. Trong trường hợp này, vùng đó sẽ mất đi các cây cổ thụ, cây lớn - điều kiện để bảo vệ khu rừng đó khỏi nước lũ.

- Theo như ông nói, có thể hiểu tuyến đường Hồ Chí Minh đang như con đê ngăn nước từ đại ngàn chảy ra biển?

- Trong trận lũ năm 2002, khi đang làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, tôi chứng kiến nhiều đoạn ngập là do đường Hồ Chí Minh. Khi đó, cơ sở hạ tầng của huyện Hương Sơn gần như bị xóa hết. Trường học, trạm y tế, nhà dân... bị thiệt hại lớn. Tôi đã đề nghị Bộ Giao thông và Chính phủ cho mở khẩu độ một số cống nhưng một số nơi mở rồi, lũ lụt sau đó vẫn tràn và xé luôn cống. Điều này chứng tỏ do quy hoạch giao thông.

- Trong kỳ họp trước, một số ý kiến cũng cho rằng lũ ở miền Trung là do thủy điện nhưng Chính phủ đã có quan điểm phản bác. Là người nhiều năm làm lãnh đạo Hà Tĩnh, ông nói gì?

- Tôi không phải là người chuyên về thủy điện và giao thông nhưng là người mắt thấy tai nghe. Khi nước không chảy được theo quy luật tự nhiên, tôi nghĩ rằng thủy điện là lý do.

Đập hồ Kẻ Gỗ có dung tích 320 triệu m3 nước, làm từ năm 1976 nhưng do nằm trên độ cao 32 mét so với mực nước biển nên nếu bị vỡ, cả thành phố Hà Tĩnh sẽ ngập trong biển nước... Nhà nước đã phải gia cố bằng việc làm thân đập tràn, làm thêm cánh cửa xả lũ. Vừa rồi, khi xả nước nhiều ngày liền, thành phố Hà Tĩnh chìm trong nước.

Đập Hố Hô nằm trên đất của Quảng Bình và huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Khi mưa lớn, nước tràn đập, cây ở trên ngàn đổ xuống cũng chặn luôn bờ đập nên bộ đội biên phòng vừa phải lấy kích mở cống vừa phải lấy bớt cây nằm trên mặt hồ. Ở công trình thủy điện này, lúc mất điện, cánh cổng xả lũ không mở nổi. Đó là có yếu tố về con người trong việc quy hoạch.

- Nhiều công trình thủy điện được xây dựng có sự đồng thuận của địa phương. Vậy trách nhiệm của các lãnh đạo địa phương ở đâu khi xảy ra lũ lụt?

- Cá nhân tôi cũng có trách nhiệm vì lúc đó tôi đang là Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh. Hồi đó, tỉnh còn nghèo, người ta vào đầu tư để có nhà máy phát điện và có hồ chứa nước để có nước tưới, nước sinh hoạt. Thế nên ai cũng muốn làm. Bây giờ, cần phải rút kinh nghiệm trong việc quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, phải nghiên cứu cái gì nên làm và cái gì không nên làm.

Posted Image

Đôi vợ chồng ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) đưa con đi lánh nạn. Ảnh: Ngân Giang.

- Theo ông, giải pháp nào để hạn chế thiệt hại bão lũ do công trình thủy điện, giao thông?

- Thiên tai vừa qua một mặt do mưa lớn, một mặt do việc làm thủy lợi, thủy điện, giao thông không lường hết được. Chính phủ cần có đợt tổng kiểm tra, ra soát lại quy hoạch hồ thủy điện và Quốc hội sẽ phải giám sát. Trong đó, phải xem xét lại giữa lợi ích của hồ đập khi có nguồn điện với việc an toàn cho người dân. Thứ hai, cần thiết phải mở khẩu độ của tuyến đường Hồ Chí Minh đi dọc theo triền núi từ Thanh Hóa đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và dọc theo các tỉnh liên quan, để làm cho dòng chảy được tự nhiên.

Những dự án như đập Hố Hô, thủy điện Hương Sơn nếu bị lở thì thiệt hại không thể lường trước được. Theo tôi, có những việc đã làm dở hoặc có quyết định làm rồi nhưng cần thiết thì phải dừng, không thể làm bằng mọi giá. Như đập Hố Hô, vừa rồi mà lở thì hàng chục xã của Hương Khê và một phần của Quảng Bình sẽ trôi hết. Nhưng may mắn là đã được mà bộ đội biên phòng ra ứng cứu kịp thời.

Việt Anh - Tiến Dũng ghi

Share this post


Link to post
Share on other sites

<h1 id="title" class="title">Đáng lẽ lũ không thể "giết" nhiều người đến vậy</h1> 21/10/2010 00:25:54 Posted Image- "Nếu chúng ta chuẩn bị tốt công tác ứng phó với lũ thì cứu hộ không tốn kém nhiều, và cũng không chết nhiều người đến vậy" - PGS.TS Nguyễn Đình Hòe – Trưởng ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN bày tỏ quan điểm với Bee.net.vn.

TIN LIÊN QUAN

Lũ càng trầm trọng do phá rừng, xây thuỷ điện

Trước những thiệt hại nặng nề trong 2 cơn lũ vừa qua tại miền Trung, liệu chúng ta rút ra được những bài học gì về ứng phó với lũ lụt, thưa ông?

Posted Image PGS.TS Nguyễn Đình Hòe. Miền Trung là vùng địa hình nhạy cảm với lũ lụt, nhưng ngàn xưa tới nay vẫn vậy. Tại sao chúng ta không thích ứng được? Vì chúng ta không có chiến lược ứng phó hợp lý.

Các sông ở miền Trung có trung lưu rất ngắn. Cửa sông miền Trung đổ ra biển thường bị roi cát chắn lại gọi là cửa sông dạng khuyết áo. Mùa khô các sông miền Trung thường cạn nước vì động lực từ biển thắng dẫn tới cát chắn lấp các cửa sông. Vậy nên nếu mưa to 100-200mm trong vòng 1, 2 tiếng là có lũ.

Chiến lược ứng phó của chúng ta không hoàn hảo. Năm nào cũng lụt, năm nào cũng chết người. Phải có cách sống chung với nó.

Theo ông hiện nay, ngoài nguyên nhân khách quan do tự nhiên thì lũ lụt xảy ra miền Trung những năm gần đây có lỗi gì ở con người?

Các tỉnh miền Trung phá rừng rất dữ dằn. Cả nước mật độ phủ rừng 45% (mức độ an toàn sinh thái), các tỉnh miền trung Tây Nguyên phải cao hơn, có thể 70-80% để bù cho các nơi khác. Nhưng tiếc thay nhiều tỉnh đưa hẳn chiến lược kinh tế rừng ngay trên đỉnh Trường Sơn.

Mặt khác, khi quy hoạch các hồ đập thủy lợi, thủy điện không tính được hết các mức lũ cao, khi vỡ đập nhiều hồ đập xả lũ làm nghiêm trọng thêm thiên tai.

Đặc điểm miền Trung là rất nhiều thủy điện vừa và nhỏ. Những thủy điện này không có bụng hồ để điều tiết nước cho nên mùa khô tích nước khiến hạ lưu bị hạn. Mùa lũ không tích nước để cắt lũ được. Thậm chí có hồ không có bụng tích nước, cứ có lũ là xả. Nhiều thủy điện không có cửa xả lũ, cứ lũ tràn là xả. Nó làm cho vận tốc dòng nước tăng lên và thời gian ngâm nước tăng lên. Thực tế đó đã chứng minh ở Quảng Nam, ở Phú Yên.

Là người từng đi nhiều địa phương trong vùng lũ lụt, ông thấy người dân ở các địa phương đó có kinh nghiệm ứng phó với lũ lụt như thế nào?

Dân Hội An năm nào cũng có lũ, dân Điện Bàn (Quảng Nam) ven sông Thu Bồn cũng vậy. Ở đó, người ta lấy nilon dày bịt miệng giếng thắt dây cao su vào, đặc điểm miền Trung ngập nhưng không ngập lâu, 1 đến 2 ngày là nước rút, tháo dây, nilon vẫn dùng tốt.

Vùng ven sông ngập lũ ở ven sông Bưởi (Thạch Thành, Thanh Hóa), người dân xây nhà làm gác cao, gác đó mở cửa thông ra đầu hồi, ngoài đầu hồi có cây ăn trái người dân đặt cái xuồng ngay trên đó. Khi lũ lên thì lên thang gác rồi ra ngoài.

Những kinh nghiệm này trong thực tiễn rất quý giá. Nhà nước nên thu thập và phổ biến rộng rãi đến mọi người dân vùng lũ.

Posted Image Hà Tĩnh chìm ngập trong trận lũ lịch sử.

Nên có quỹ bảo hiểm thiên tai

Thường thì khi có thiên tai, chúng ta huy động rất nhanh các tổ chức chính trị, xã hội vào cuộc cứu hộ, cứu trợ. Nhưng việc tính lâu dài để phòng lũ thì lại chưa được quan tâm đúng mức?

Cách quản lý, ứng phó với thiên tai của chúng ta lâu nay là cùng tắc biến. Biến tắc thông hay không thì chưa biết.

Hoạt động cứu hộ cứu nạn là tốt. Nhưng phòng chống thiên tai thì không dừng ở cứu hộ cứu nạn. Việc quan trọng hơn là trước và sau khi thiên tai xảy ra. Trước và sau thiên tai chúng ta làm rất dở nên chạy trong guồng quay bão, lũ thường xuyên.

Cụ thể việc sau khi cứu trợ, nhiều nơi tiền cứu trợ cho dân vẫn chưa dùng hết. Số tiền đó có thể để xây dựng hạ tầng phòng chống thiên tai của cộng đồng. Ví dụ: bỏ tiền ra thuê chuyên gia vẽ bản đồ ngập lũ. Hoặc mua xuồng, thuyền và tập huấn người lái xuồng.

Trong những đợt lũ lụt, hình ảnh lãnh đạo các địa phương không ngại vất vả, nguy hiểm đi vào rốn lũ để đốc thúc cứu hộ, cứu trợ, động viên nhân dân có làm ông xúc động?

Lãnh đạo đi xuống tận hiện trường là đáng hoan nghênh và cần khích lệ, nhưng nếu chỉ làm như vậy là không đủ. Không hề đủ với việc ứng phó thiên tai. Nếu chính quyền chỉ làm việc ấy thôi thì không hoàn thành nhiệm vụ, không thực hiện chức năng của mình.

Đối với nhà quản lý các địa phương, nhất là Chủ tịch, Phó chủ tịch các tỉnh thì quản lý tốt là biến quản lý thành tự quản lý. Nghĩa là trang bị cho người dân vùng lũ các công cụ cần thiết để ứng phó với lũ khi cần.

Lãnh đạo địa phương quản lý tốt làm cho thiên tai dù có xảy ra thì thiệt hại cũng là rất nhỏ. Tức là khâu phòng ngừa trước thiên tai và tái thiết củng cố tăng cường năng lực sau thiên tai mới thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo.

Để sống chung với lũ, có những gợi ý rằng, Nhà nước nên hỗ trợ địa phương xây dựng nhà văn hóa kiêm chức năng nhà cộng đồng lưu trú khi có lũ, mỗi hộ dân có áo phao, xuồng cứu hộ... Nhưng thực hiện ở tất cả các tỉnh miền Trung thì đó là nguồn ngân sách lớn?

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vậy nên mới sinh ra bảo hiểm. Thiên tai cũng vậy, trong quá trình quy hoạch xây dựng phải ứng phó với thiên tai. Xây cầu, làm đường, quy hoạch xác định các khu định cư, hồ thủy điện phải có tính toán khi thiên tai xảy ra để những công trình đó phát huy kịp thời trong trường hợp khẩn cấp

Chúng ta chưa có quỹ bảo hiểm thiên tai. Thiên tai không cứ là lũ lụt, có thể động đất, lốc xoáy…Nếu có quỹ bảo hiểm thiên tai thì không phải ai chi tiền, không phải làm từ thiện nhiều mà do người dân sống trong vùng thiên tai đóng tiền vào để tương trợ lẫn nhau.

Khi dân quá nghèo, không đủ ứng phó thì nhà nước phải hỗ trợ. Hỗ trợ ứng phó trước khi thiên tai xảy ra bằng một số tiền rất lớn cũng ít tốn kém hơn cứu hộ khi thiên tai xảy ra. Nếu chúng ta chuẩn bị tốt công tác ứng phó với lũ thì cứu hộ không tốn kém nhiều, và cũng không chết nhiều người đến vậy.

Xin cảm ơn ông!

Thông Chí (thực hiện)

  Quote

67 người chết và mất tích do mưa lũ

Theo Cổng TTĐT Chính phủ, tính đến 6 giờ sáng 20/10, số người chết và mất tích do mưa lũ đã lên tới 67 người. Trong đó, Nghệ An 16 người chết, Quảng Bình 8 người, Thanh Hóa 1 người, Hà Tĩnh 21 người chết và 21 người mất tích trong đó có 19 người mất tích do xe khách của tỉnh ĐăkNông bị cuốn trôi trên địa bàn Hà Tĩnh.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, trong số 211.259 nhà bị ngập, tỉnh Hà Tĩnh chiếm nhiều nhất với 115.378 nhà.

Hiện Nghệ An vẫn còn 120 xã với 38.029 nhà bị ngập sâu, trong đó có 35 xã bị cô lập; Hà Tĩnh 183 xã với 115.378 nhà bị ngập; Quảng Bình còn 27 xã với 57.320 nhà bị ngập, trong đó có 8 thôn thuộc 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy bị cô lập; Thanh Hóa có 532 nhà thuộc huyện Nông Cống bị ngập.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nhận diện căn nguyên lũ lụt miền Trung

Hậu quả tàn khốc của đợt lũ lụt đối với miền Trung vừa qua thêm một lần day dứt tâm can người dân cả nước nhất là các nhà chuyên môn. Chỉ tính 10 năm gần đây đã có tới hàng chục trận bão lũ lẫn áp thấp nhiệt đới tàn phá miền Trung, cướp đi sinh mạng hàng ngàn người cùng vô vàn tài sản của người dân cũng như hủy hoại môi trường... Ý kiến dưới đây của các nhà chuyên môn sẽ cùng Báo CAND cắt nghĩa vì sao bão lũ miền Trung ngày càng dữ dằn và phải làm gì để người dân khu vực này có thể sống bình an nơi mình đã sinh ra…

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Trưởng ban Phòng, chống lụt bão Trung ương Lê Huy Ngọ: Chủ yếu do thiên tai, nhưng hệ quả đó có yếu tố tác động của con người đối với môi trường

Ông "chống lụt, bão" Lê Huy Ngọ trăn trở nêu vấn đề: Bão lũ miền Trung bao giờ cũng là thách thức lớn với nước ta. Nhưng lần này (đầu tháng 10/2010), ông rất bất ngờ bởi lũ lụt về quá nhanh, lưu lại lâu khác thường và gây hậu quả nặng nề, chết nhiều người và cuốn trôi nhiều tài sản, hoa màu quá. Ngay như trận lũ lịch sử năm 1971, thì thời gian nước lưu lại cũng chỉ một, hai ngày là đồng bào có thể khôi phục để sản xuất. Nhưng đợt này đã cả tuần mà nước chưa rút hết.

Về nguyên nhân trực tiếp, theo ông Lê Huy Ngọ, do đợt này mưa tập trung, mưa với cường độ rất cao tại khu vực miền Trung (từ 1.200mm đến 1.300mm), gần bằng lượng mưa cả năm, nên lũ xuất hiện nhanh và xiết; thứ hai, mưa lớn, lũ dâng vào ban đêm, đèn tắt, điện mất, thông tin cắt, đường sá ngập, khả năng ứng phó của người dân và cứu trợ của lực lượng bên ngoài bị hạn chế gây thiệt hại lớn; lũ lụt tràn về các vùng dân cư từ Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh); Quảng Trạch, Bố Trạch, Minh Hoá… (Quảng Bình) đến các huyện của Thừa Thiên - Huế… đều là vùng bán sơn địa, miền núi, dân cư nghèo nên càng khó đối phó với lũ lụt. Ngoài ra, địa hình vùng này phức tạp, đồng bằng hẹp, địa hình dốc, bị uy hiếp cả từ hai phía: Trước mặt là biển, sau lưng là rừng, lực lượng cứu trợ vào tiếp cận khó khăn…

Ông Ngọ nhấn mạnh, như khi còn tại nhiệm ông từng báo cáo với Chính phủ, trước Quốc hội, trọng điểm đối phó với biến đổi khí hậu là vấn đề phòng chống thiên tai. Đó là vấn đề nhãn tiền, trực tiếp, nhạy cảm nhất là khu vực miền Trung. Ông cảnh báo, lũ lụt miền Trung gần đây xuất hiện với tần suất dày hơn (trước đây 5-7 năm/lần, nay từ 1 đến 2 năm/lần), tính chất khốc liệt hơn, diện ngập rộng hơn (lần này là 9-10 huyện thuộc nhiều tỉnh, thành) và hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn trước.

Nhưng đáng quan ngại chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng lũ lụt miền Trung. Ông Lê Huy Ngọ cắt nghĩa: Rõ ràng, khí hậu, thiên tai có sự biến đổi nhưng càng ngày càng nhận thấy, sự tác động của con người đối với môi trường miền Trung cũng góp phần làm thiên tai thêm trầm trọng. Ông phân tích, an toàn đối với miền Trung trước hết phải nhờ rừng. Rừng giữ nước đầu nguồn, rừng chắn gió bão từ biển, giảm bớt thiệt hại. Vậy mà những năm gần đây rừng bị thu hẹp với ba lý do, một là chúng ta chủ động chuyển mục đích sử dụng rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp, phủ xanh đất trống đồi trọc; thứ hai là các tỉnh phát triển mạnh các khu công nghiệp, khu du lịch, đô thị ven biển, chiếm mất quá nhiều diện tích trồng phi lao ven biển, phá vỡ bức tường thành chặn bão và nước biển một cách tự nhiên; điều ông Ngọ lưu ý nhất chính là phát triển thủy điện nhiều, lấy đi quỹ rừng rất lớn.

Ông Ngọ dẫn ra con số, trên địa bàn 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên những năm gần đây đã phát triển tới 393 dự án thủy điện lớn nhỏ. Mà như ông Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cho biết, chỉ với 25 công trình thủy điện đã và đang triển khai nơi đây, đã lấy đi 15.000ha rừng tự nhiên. Con số này rất đáng quan tâm, vì lợi ích kinh tế từ thủy điện không thể không tính tới yếu tố môi trường, phòng chống lụt bão nhờ rừng. Mặt khác, khi duyệt dự án thủy điện, xây hồ thủy lợi, dự án nào cũng có đánh giá tác động môi trường, trong đó nêu rõ hồ thủy điện, thủy lợi có tác dụng tích nước, làm chậm lũ. Trên thực tế không hoàn toàn như vậy. Họ tích nước chủ yếu vì mục đích sản xuất điện, chứ có mấy khi chủ động xả nước trong hồ để chờ lũ, đón lũ và cắt lũ. Bởi thế, nguy cơ vỡ đập tràn, nước lớn từ thủy điện tác động vào lũ miền Trung càng gay gắt. Đập thủy điện Hố Hô (Quảng Bình) vừa qua là một minh chứng.

Ở góc độ khác, đầu tư lớn vào phát triển giao thông miền Trung là rất có ý nghĩa. Nhưng việc nâng cao nền nhiều con đường, từ 2-3 thậm chí tôn cao 4m, mà không chú ý mở khẩu độ thoát lũ khiến những con đường đó lại trở thành đập ngăn nước mỗi khi lũ về.

Ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT): "Nguyên nhân chính là do mưa lớn trên diện rộng với cường độ mưa lớn. Ngoài ra, đó chính là sự ảnh hưởng của mặt đệm, ảnh hưởng của điều tiết các hồ chứa, ảnh hưởng của lòng dẫn và khả năng tiêu thoát lũ ở hạ du"

Thực tế, trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hiện có 79 hồ chứa nước thủy lợi (tính riêng hồ có dung tích trên 5 triệu m3) với tổng dung tích trữ gần 2,4 tỷ m3, 27 hồ chứa thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý có tổng dung tích 6,426 tỷ m3 và nhiều hồ chứa nước vừa và nhỏ khác do các công ty ngoài EVN quản lý.

Việc xây dựng các hồ chứa nước đã gây ngập hàng chục ngàn hécta diện tích rừng do lòng hồ chiếm chỗ, và rừng bị chặt phá để xây dựng hành lang lưới điện, đồng thời làm mất đi hàng chục nghìn hécta thung lũng là nơi tập trung nước và giữ nước mưa tạm thời, có tác dụng điều tiết làm chậm lũ trên sông chính, tăng nhanh quá trình tập trung nước và tốc độ chảy truyền trên lưu vực gây cường suất lũ lên lớn và đỉnh lũ cao. Đây là nguyên nhân quan trọng góp phần làm mất đi nhiều diện tích rừng đầu nguồn, suy thoái thêm thảm thực vật. Ông Nguyễn Xuân Diệu nhấn mạnh: "Việc phát triển thủy điện hiện nay chưa đi đôi với công tác quản lý.

Ông Côn Din, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã A Vao (Đakrông, Quảng Trị): Lụt càng ngày càng trở nên dữ dằn hơn do con người chặt phá, đào bới tan hoang rừng núi

Ông Din cho biết, từ những năm 90 đến nay, vùng rừng già, núi đá ở A Vao, nằm đầu nguồn sông Đakrông đã bị ngàn vạn con người từ khắp nơi đến chặt cây, đào núi tìm vàng. Hậu quả không chỉ có môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng mà lụt lội ngày càng trở nên dữ dằn hơn do cây bị mất, đất không còn khả năng giữ nước; khe suối bị bồi lấp, lệch dòng, nước tràn lên khu dân cư và tạo ra nhiều hầm hố, vực sâu...

Năm nay chưa xảy ra lũ lớn nhưng người dân A Vao vẫn mất ăn mất ngủ vì thiên tai ở đây ngày càng trở nên rất bất thường, đặc biệt là tình trạng lũ ống và lũ quét.

Tiến sĩ Trần Tiến Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình: Rừng bị tàn phá, sông, đồng không kịp thoát lũ

Dãy Trường Sơn chạy dọc theo bờ biển, nên đồng bằng ở miền Trung rất hẹp. Miền Trung lại có nhiều sông tương đối lớn, như sông Lam ở Nghệ An, sông Ngàn Sâu ở Hà Tĩnh, sông Gianh ở Quảng Bình, sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, sông Hương ở Thừa Thiên - Huế… chính sông, suối nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn, trong khi đó lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh gây ngập lụt. Những năm gần đây, các cửa sông lại hay bị bồi lấp làm cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng. Cũng như nhiều nơi khác trong nước, rừng ở các tỉnh miền Trung đang bị tàn phá một cách nghiêm trọng. Hiện nay diện tích rừng chỉ còn khoảng 42%.

Các cuộc nghiên cứu và điều tra nhiều nơi đã chứng minh rằng nguyên nhân hàng đầu của lũ lụt là có quá nhiều mưa xảy ra trong một thời gian ngắn ngủi, và việc phá rừng có thể ảnh hưởng quan trọng đối với lũ lụt trong các lưu vực hạn hẹp như ở miền Trung. Lượng nước lũ ở một vùng có nhiều cây cối sẽ ít hơn lượng nước lũ từ một vùng trơ trọi. Điều thiệt hại rất lớn mà bà con nông dân phải mất nhiều năm mới khắc phục được là một lượng cát khổng lồ trôi theo lũ đã lấp sâu nhiều hécta ruộng lúa dọc 2 bên bờ sông và hạ lưu

Share this post


Link to post
Share on other sites

Sống thảm, chết thảm vì “bức tử” rừng

17/11/2010 19:39:01

Posted Image - Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn chưa thống kê chính xác được mức thiệt hại cụ thể của những lũ vừa qua tại miền Trung. Và nêu chỉ tính riêng Hà Tĩnh, con số thiệt hại ước tính đã lên đến gần 50 người chết và khoảng 5.300 tỷ đồng.

TIN LIÊN QUAN

Thiên tai có bàn tay con người

Thiệt hại về người và của ở miền Trung do những cơn lũ dữ vừa qua là rất lớn. Không biết đã có bao nhiêu tài sản, nhà cửa bị trôi theo lũ. Sau lũ, nhiều người dân phải đối mặt với bao khó khăn chồng chất.

Anh Nguyễn Văn Thụ - một người dân ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc tâm sự: "Quả thực, lũ dữ qua rồi, nguy hiểm cũng đã qua rồi, nhưng có một thực tế là trong thời gian tới, người dân chưa biết phải xoay sở ra sao".

Đau thương hơn cả là vụ tai nạn kinh hoàng lật xe khách trong lũ vào ngày 18/10, khiến cho ai cũng phải xót xa, đau lòng.

Posted Image

Rừng xanh bị chặt phá quá tải. Ảnh tư liệu

Không phải đến bây giờ, khi cùng một lúc hai trận lũ lịch sử ập xuống các tỉnh miền Trung, các nhà nghiên cứu và phía chính quyền mới có cơ sở khẳng định nguyên nhân lũ lụt dữ dội là do nạn chặt phá rừng và lấn rừng làm thủy điện. Trước đó, có rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học cũng như của người dân đã đồng loạt cảnh báo về thảm cảnh “xẻ thịt” rừng già sẽ gây tác hại cho nhiều người dân sống ven bìa rừng, vì thiên tai.

Chỉ cần đi sâu một vài km đường bộ vào rừng, hình ảnh đầu tiên có thể thấy ngay là hàng loạt diện tích rừng tự nhiên đang tươi tốt bỗng nhiên biến thành đồi trọc. Đó còn chưa kể một phần diện tích rừng còn bị lấy đi nhường đất cho các dự án thủy điện, thủy lợi… mọc lên.

Chỉ tính riêng tại Hà Tĩnh, ít nhất có hàng ngàn ha rừng phòng hộ bị thu hồi nhường đất cho các dự án thủy điện, thủy lợi như: Đập Thủy điện Hố Hô, Thủy điện Hương Sơn và Thủy điện Giao An (Hương Sơn)...

Posted Image

Đập Thủy điện Hố Hô sau mùa lũ hung dữ lại trở nên khô cằn

Trong khi đó, tổng công suất của thủy điện Hố Hô chỉ đạt 13MW, chỉ cấp đủ điện cho một vài huyện lân cận, còn các dự án thủy điện còn lại cũng không vượt trội gì hơn. Đó còn chưa kể đến Đại công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang ở huyện Vũ Quang một khi đi vào hoạt động, có đến hàng chục ngàn ha rừng bị chìm sâu trong nước.

Ông Bùi Lê Bắc – Chánh văn phòng PCBL Hà Tĩnh cũng đã từng khẳng định: "Một vài năm gần đây, lũ lụt hoành hành dữ dội ở Hà Tĩnh, nguyên nhân một phần do không ngăn chặn được nạn chặt phá rừng ở các địa phương. Thực tế đã cho thấy thiên tai không chỉ do thiên nhiên gây ra, mà còn có cả bàn tay con người tác động đến rất lớn”.

Có trách là trách ông giời?

Mới đây trong chuyến ngược ngàn lên các huyện miền núi như: Hương Khê, Vũ Quang và Hương Sơn…, xoay quanh câu chuyện lũ, rất nhiều người dân bày tỏ thái độ bức xúc, vì nhiều diện tích rừng bị chính quyền địa phương cấp cho các dự án, mà không được thẩm định, phê duyệt đến nơi đến chốn.

Posted Image

Số gỗ lậu trôi sông trong lũ mà lực lượng kiểm lâm thu về là nhiều vô kể Đành rằng, việc phát triển tổng thể là cần thiết, có tính về lâu, về dài. Tuy nhiên, cũng cần phải thành lập đoàn khảo sát cụ thể, và đánh giá thẩm định chính xác, chứ không nhận định theo cảm quan một chiều.

Ông Trần Xuân Nhị - một người dân ở xã Hương Lâm, huyện Hương Khê không giấu được nỗi bức xúc lâu nay cho biết: “Qua đợt lũ này, mới biết tác hại của nạn chặt phá rừng là rất lớn”.

Tuy nhiên, chính ông Nhị cũng thừa nhận: “Người dân không biết bám vào rừng thì còn biết dựa vào đâu để sống? Lâm tặc chính là những người dân chúng tôi”.

Posted Image

Tuy nhiên, đó mới chỉ là số gỗ cơ quan chức năng tìm thấy được... ? Nhiều cán bộ cơ sở, đặc biệt là lực lượng bảo vệ rừng khi trao đổi với PV cũng có đồng quan điểm đó. Rõ ràng không thể phủ nhận tình trạng diện tích rừng đang từng ngày bị cạn kiệt và bị thu nhỏ. Có một thực tế là đa số người dân sống gần bìa rừng đều lấy rừng làm nguồn sống, cho nên trong mấy năm gần đây, mỗi khi lũ về, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh và mạnh khiến người dân không kịp trở tay.

Một vị lãnh đạo Kiểm lâm Hương Khê cũng phải thốt lên: Hàng năm có nhiều vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm, vì lực lượng này đẩy mạnh công tác truy quét. Tuy nhiên, việc đâu rồi vào đấy. Có chăng là trách ông giời vậy thôi, vì thực tế dân sống gần rừng, không dựa vào rừng thì dựa vào đâu?

Minh San

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay