phoenix

Tết Trung Thu của người Việt hay Trung Hoa?

12 bài viết trong chủ đề này

Tết Trung Thu của người Việt hay Trung Hoa? Rất mong được mở mang thêm từ các ACE trên diễn đàn. Dưới đây là vài quan điểm:

Tết Trung Thu: Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa

:::Khải Chính Phạm Kim Thư :::

I.Tết Trung Thu

Theo phong tuc người Việt chúng ta, Tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là hôm rằm tháng tám ta. Trong dịp này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng. Nhân dịp tết này, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng, và hát trống quân; trẻ em thì rước đèn, đi xem múa lân, ca hát các bài hát Trung Thu, và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung Thu dưới hình thức một mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo trái cây trong đêm Trung Thu này được gọi là "phá cỗ."

II. Nguồn Gốc Tết Trung Thu

Người Việt ta ăn Tết Trung Thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch là do ta phỏng theo phong tục của người Tàu. Chuyện xưa kể rằng vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng tám âm lịch. Trong đêm Trung Thu, trăng rất tròn và trong sáng. Trời thật đẹp và không khí mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn còn được gọi là Diệp Pháp Thiện. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và du dương với âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu xinh tươi múa hát. Trong giờ phút tuyệt vời ấy nhà vua quên cả trời gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn bàng hoàng luyến tiếc.

Về tới hoàng cung, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian.

Cũng có người cho rằng tục treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám âm lịch là do ở điển tích ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng. Vì ngày rằm tháng tám là ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng nên triều đình nhà Đường đã ra lệnh cho dân chúng khắp nơi trong nước treo đèn và bày tiệc ăn mừng. Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám trở thành tục lệ.

Lại có chuyện kể rằng một vị tướng tên là Lưu Tú ở đời nhà Tây Hán, từ năm 206 trước Tây lịch tới năm 23 Tây lịch, trong lúc quân tình khốn quẫn đã cầu Thượng Đế giúp cho quân lính có đồ ăn để chờ quân tiếp viện. Sau khi cầu Thượng Đế, quân lính tìm được khoai môn và bưởi để ăn. Nhờ đó sau này Lưu Tú mới bình định được toàn quốc và lên làm vua tức là vua Quang Võ nhà Hậu Hán. Ngày mà Lưu Tú cầu được linh ứng là ngày rằm tháng tám. Từ đó nhà vua truyền lệnh cứ đến rằm tháng tám là làm lễ tạ trời đất và thưởng trăng bằng khoai môn và bưởi. Ngày lễ trọng thể vui tươi này được gọi là Tết Trung Thu. Tục lệ này được truyền sang Việt Nam và đã được người Việt sửa đổi để thích hợp với tính tình và phong tục Việt.

Người Hoa và người Việt đều làm bánh trung thu để cúng, ăn, biếu thân bằng quyến thuộc, và đãi khách. Điểm chung kế tiếp là người Hoa và người Việt đều tổ chức rước đèn trong đêm trung thu.

III. Ý Nghĩa Tết Trung Thu

Tết Trung Thu của người Việt có nhiều điểm đặc biệt khác với Tết Trung Thu của người Trung Hoa. Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.

Cỗ mừng trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.

Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Thật là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.

Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho điềm lành. Người Trung Hoa không có những phong tục này.

Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát trống Quân trong dịp Tết Trumg Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình.” Ngày xưa trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát.

Tục hát trống quân, theo truyền thuyết, có từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng. Sau này, điệu hát trống quân đã được Vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) áp dụng khi ngài đem quân ra Bắc đại phá quân nhà Thanh vào năm 1788. Trong lúc quân sĩ rất nhớ nhà, ngài cho một số binh lính giả làm gái để trai gái đôi bên hát đối đáp với nhau trong khi người ta đánh trống theo nhịp ba để phụ họa. Do đó, quân lính vui mà bớt nhớ nhà. Điệu hát trống quân được thịnh hành từ thời Nguyễn Huệ trở đi. Người Trung Hoa không có phong tục này.

Tết Trung Thu mới đầu là tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần Tết Trung Thu trở thành Tết Trẻ Em hay Tết Nhi Đồng, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó. Trẻ em được người lớn chú ý săn sóc như các hội đoàn người Việt hải ngoại đã và đang làm. Các em có dịp vui chơi rước đèn, ca hát, phá cỗ do cha mẹ anh chị bày cho và nhất là có dịp ăn bánh kẹo thả cửa mà không sợ bị quở mắng là “ăn kẹo hư răng.”

Trong dịp Tết Trung Thu, các em ở những lớp Việt Ngữ có dịp được học bài hát “Rước Đèn Tháng Tám” một cách thích thú:

“ Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn kéo quân với đèn cá trắm, đèn thiên nga với đèn bươm bướm. Em rước đèn này đến cung trăng. Đèn xanh lơ với đèn tím tím, đèn xanh lam với đèn trắng trắng. Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu.”

Bài hát “Rước Đèn Tháng Tám” còn hai đoạn nữa, nhưng chúng tôi không nhớ hết để chép vào đây. Lời và nhạc thật là vui tươi, dễ hiểu, và dễ hát. Đa số các em nhi đồng đều thuộc bài này để hát vào dịp Tết Trung Thu. Người Trung Hoa không có sinh hoạt này.

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị v.v. Người Trung Hoa không có phong tục này. Ngoài ra, các thi nhân cũng nhờ có trăng thu mà đã sáng tác bao bài thơ về trăng thu và mùa thu, kể sao cho xiết!

Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của săn sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu. Chúng ta cố gắng duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này.

Chúng tôi xin chân thành tuyên dương các hội đoàn người Việt ở hải ngoại đã và đang tích cực tổ chức Tết Trung Thu hàng năm cho trẻ em có dịp vui chơi để phát triển cả về thể chất, trí tuệ, và tình cảm của con người Việt.

Vai trò của phụ huynh rất là quan trọng trong việc khuyến khích các em tham gia ngày Tết Trung Thu do các hội đoàn tổ chức, và nhất là sự đóng góp tài chánh của quí phụ huynh vào việc tổ chức Tết Trung Thu cho các em lại càng thiết thực hơn.

Trong năm Quý Mùi, 2003, ngày Tết Trung Thu là ngày 11 tháng 9 năm 2003, tức ngày 15 tháng tám năm Quý Mùi.

(Từ Đặc Trưng)

Nguồn:http://tvvn.org/f21/ta-t-trung-thu-ngua-n-ga-c-va-nghae-7441/

(Còn tiếp)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cội nguồn Tết trung thu

Lý Anh

(Trích Thời Báo Toronto số 1424 Sept. 22/2007)

Tết Trung Thu vào rằm tháng Tám âm lịch là ngày tết truyền thống của một số quốc gia ở Châu Á như Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản.

Tính theo âm lich, mỗi năm có 4 mùa : Xuân, Hạ, Thu, Đông, mỗi mùa có 3 tháng. Tháng 8 là tháng thứ 2 của mùa thu, ngày giữa tháng là Rằm tháng Tám được gọi là Tết Trung Thu.

Hàng năm, người dân các nước Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bổn đều làm bánh để ăn Tết Trung Thu, thưởng thức trăng tròn và đoàn tụ với người thân trong gia đình. Bánh Trung Thu của người Việt và người Hoa cùng một loai. Đại Hàn và Nhật Bản làm loại bánh khác.

Cội nguồn Tết Trung Thu

Theo truyền thuyết, Tết Trung Thu có từ vài ba ngàn năm nay. Người Trung Hoa thời cổ đại sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Suốt mùa hè trời nắng ấm, người dân chăn nuôi và săn bắn dễ dàng, đầu tháng 8 lại thu hoạch nông sản phẩm, đến rằm tháng 8 bầu trời xanh biếc, trăng rằm trong sáng, cả nhà vui vẻ đoàn tụ, tượng trưng cho " trời và đất hợp nhất", nên mới có Tết Trung Thu. Thời đó, Tết Trung Thu đơn thuần là ngày lễ cúng thần nông, chỉ có cơm rượu, không có các loại bánh như ngày nay.

Người Trung Hoa cổ đại cho rằng Tết Trung Thu bắt nguồn từ thời Xuân Thu. Tuy vậy, trước đờ Đường văn tự chưa phát triển, sử sách viết về Tết Trung Thu không nhiều lắm. Từ đời Đường trở đi, nhiều nhà thơ hoặc văn nhân viết những bài thơ hay tác phẩm về Tết Trung Thu, người đời sau mới biết được truyền thuyết và tập tục của nó. Từ đó Tết Trung Thu trở thành ngày lễ cố định hàng năm. Tương truyền Đường Thái Tông nằm chiêm bao bay lên cung trăng, được chị Hằng tặng cho "Nghê Thường vũ y khúc". Tết Trung Thu mới thịnh hành trong dân gian. Các triều đại sau Đường như Tống, Nguyên, Minh, Thanh cho đến ngày nay. Tết Trung Thu trở thành ngày Tết của dân tộc Trung Hoa.

Tết Trung Thu lấy mặt trăng làm chủ đề, nên có nhiều truyền thuyết về mặt trăng. Ngày nay các phi hành gia từng đặt chân lên mặt trăng, thấy rõ cảnh hoang dã ớ chốn đó, nhưng truyền thuyết về mặt trăng vẫn in đậm vào tâm khảm ngưởi Trung Hoa hay người Việt Nam, người Đại Hàn và người Nhật Bản. Trong đó chuyện " Hằng Nga lên cung Trăng" được nhiều người thích nhất. Tương truyền rằng thời cổ đại xa xưa có 10 mặt trời xuất hiện, mang tai họa đến cho dân gian. Ngọc Hoàng Thượng Đế biết được tin đó vội sai đại thần Hậu Nghệ xuống phàm, trừ hại cho dân. Hậu Nghệ mang theo bà vợ xinh đẹp là Hằng Nga giáng trần, dùng nỏ thần bắn rơi chín mặt trời. Ngọc Hoàng giận Hậu Nghệ bắn rơi chính người con của ông, không cho trở về thiên đình. Tình cờ Hậu Nghệ được Vương Mẫu cho một lọ thuốc trường sinh bất tử, uống vào có thể bay lên thiên đình. Một hôm nhân lúc Hậu Nghệ đi vắng, Hằng Nga lấy trộm thuốc trường sinh bất tử nuốt vào bụng, thế là biến thành tiên nữ, cứ thế bay lên lẩn trốn trên cung trăng để tránh sự chê bai của các tiên nữ trên trời.

Nhà thơ nổi tiếng đời Đường là Lý Thương Ẩn đã làm bài thơ tả Hằng Nga sau khi ăn trộm thuốc tiên phải trốn trên cung trăng nói lên tâm trạng của những kẻ làm những việc sai trái lúc nào cũng tự trách mình

Hằng Nga

Vân mẫu bình phong chúc ảnh thâm

Trường hà tiệm lạc, Hiểu tính trầm

Hằng Nga ưng hối thâu linh dược

Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm

Dịch nghĩa

Ánh đuốc soi vào tấm bình phong Vân Mẫu

Sông Ngân gần lặn, sao Mai cũng chìm

Hằng Nga hối hận vì uống trộm thuốc tiên

Biển trời xanh biếc đêm đêm phiền muộn.

Dịch thơ

Bình phong Vân Mẫu ánh đuốc soi

Sông Ngân gần lặn, sao Mai rơi

Hằng Nga hối hận trộm thuốc uống

Biển trời xanh lòng thêm nhoi nhói

Đối với người Việt Nam thời cổ đại, Tết Trung Thu được diễn tả trong tục lệ : "Ban ngày làm cỗ cúng tiên, tối đến bày cỗ ngắm chị Hằng". Lễ vật hàng đầu là bánh mặt trăng, ngày nay gọi là bánh Trung Thu, và nhiều thứ bánh nhuộm các màu sắc xanh đỏ tím vàng cũng như hoa quả. Con gái thị thành thì thi tài gọt đu đủ thành các loại hoa, nặn bột làm con giống: Trâu bò, lợn gà, tôm cá trông thật là bắt mắt.

Theo sử sách, Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, từng được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, là một trong những Trống Đồng Đông Sơn có kích thước to lớn, hình dáng cổ kính, tập trung hoa văn phong phú nhất. Tết Trung Thu cũng chính thức được tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Theo "Tang Thương Ngẫu Lục", tác phẩm chữ Hán của 2 nhà văn Việt Nam Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án viết khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, thời vua Lê chúa Trịnh, Tết Trung Thu được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ chúa. P.Giran, học giả người Pháp cũng từng viết trong " Magie et Religions Annamites, Paris: Challamet, 1912" về Tết Trung Thu. Theo ông, rằm tháng 8 mặt trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội mừng trăng.

Theo phong tục Việt Nam, vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bầy cỗ cho các con để đón trăng rằm. Các vị mua và làm đủ các loại đèn lồng thắp bằng nến treo trong nhà hoặc cho các con mang đi rước đèn cùng bè bạn. Cỗ mừng Tết Trung Thu gồm : bánh Trung Thu, các loại bánh kẹo khác, trái cây... nhiều hay ít tùy hoàn cảnh của mỗi gia đình.

Trong văn học nghệ thuật có nhiều tác phẩm thơ ca, hội họa, âm nhạc miêu tả Tết Trung Thu, trong đó có bài thơ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu :

Có bầu có bạn can chi tủi

Cùng gió cùng mây thế mới vui

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng Tám

Tựa nhau trông xuống thế gian cười

Người Đại Hàn gọi Tết Trung Thu là ngày hội Chosuk. Trong dịp vui mừng của ngày hội này, người dân Đại Hàn thường bầy tỏ lòng biết ơn của mình đối với Thượng Đế cho họ được mùa, nên đã nghỉ ngơi vui chơi trong 3 ngày. Trước đây giao thông chưa thuận tiện, vào ngày hội Chosuk, những người buôn bán làm ăn ở thành phố thường về quê nhà thăm bà con họ hàng thân thích, những người sống ở quê nhà thì tổ chức hội hè như người Việt chúng ta đón mừng ngày Tết Âm Lịch. Trước ngày hội Chosuk một tháng, các công ty thương mại lớn ở Đại Hàn thường giảm giá hàng cho khách mua về làm lễ vật tặng nhau. Trong ngày hội Chosuk, người Đại Hàn ăn loại bánh làm bằng bột nếp và đậu xanh trộn với đường, họ gọi là "songpyon". Dịp này thanh thiếu nhi Đại Hàn thích nhẩy bài "Kang Kang Su Vol Lae"

Rằm tháng 8 người Nhật Bản tổ chức ngày hội Hounen Odori (Hounen có nghĩa là hạnh phúc và giầu có, Odori có nghĩa là nhẩy múa). Dịp này họ thường ra sau vườn hoặc ngồi trước cửa ngắm trăng và ăn mừng ngày hội Hounen Odori bằng loại bánh hình cái gối làm bằng gạo (rice dumplins) người Nhật gọi là "Tsukimi dango"

Bánh Trung Thu

Nói đến Tết Trung Thu không thể không nói đến bánh Trung Thu. Tại sao rằm tháng 8 lại có tập tục làm bánh Trung Thu tế lễ hoặc thưởng thức? Bánh Trung Thu bắt nguồn từ loại bánh bột mì thời cổ đại. Cách đây trên 3,000 năm, người dân vùng Triết Giang làm loại bánh ngoài vỏ là bột mì, phía trong là nhân đường để tế lễ. Người thời Hán đưa hạt đào, hạt vừng và đậu phụng từ Tây Vực về, thế là xuất hiện loại bánh ngon hơn, tuy mặt ngoài vẫn bột mì nhưng nhân làm bằng hạt đào, mè hoặc đậu phụng. Về sau, bánh Trung Thu đều được cải tiến qua các triều đại. Đầu thời Minh sử sách có ghi " Mười lăm tháng Tám là Trung Thu" người dân trao tặng bánh Trung Thu để chúc nhau đoàn tụ và có cuộc sống bình yên. Còn có câu chuyện khác là Chu Nguyên Chương cuối thời Nguyên lợi dụng phong tục Tết Trung Thu trao bánh cho nhau, sai quân nhét vào bánh mảnh giấy ghi ngày khởi nghĩa để thống nhất hành động, kết quả tiêu diệt được nhà Nguyên, dựng nên nhà Minh. Từ đó bánh Trung Thu ngoài phong tục còn mang thêm ý nghĩ chính trị.

Ngoài ra bánh Trung Thu còn tượng trưng cho đoàn viên. Phàm là con cháu Tam Hoàng Ngũ Đế (vua Trung Hoa thời cổ đại) dù xa quê hương đến mấy, khi nhìn và thưởng thức bánh Trung Thu cũng không sao quên được cội nguồn và người thân.

Từ ngày có Tết Trung Thu đến nay, bánh Trung Thu được phát triển theo từng giai đọan lịch sử. Bởi vậy người Trung Hoa có câu :

Niên niên Trung Thu minh nguyệt dạ

Tuế tuế nguyệt bính hữu bất đồng

(Năm nào Trung Thu trăng cũng sáng

Tuổi nào cái bánh cũng khác nhau)

Lý Anh

(Toronto 2007)

Nguồn:http://tvvn.org/f21/ta-t-trung-thu-ngua-n-ga-c-va-nghae-7441/

(Còn tiếp)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tết Trung thu bắt nguồn từ Trung Hoa?

Trước tiên xin được nhắc lại với bạn đọc rằng từ Tết là biến âm của từ ‘Tiết’ trong ‘Tiết khí’ mà ra. Ban đầu là dùng để chỉ những lễ đặc biệt của người dân Việt xưa, những dịp này nương theo mùa vụ, còn mùa vụ lại nương theo thời tiết mà thành. Lớn nhất trong năm là Tết Nguyên đán (Xuân) tháng Giêng, hay dân gian còn gọi là Tết cả. Rồi đến Tết Trung thu (Thu) rằm tháng Tám, Tết Đoan ngọ (Hạ) mồng năm tháng Năm, Tết Hàn thực mồng ba tháng Ba….

Thứ hai, Tết Trung thu là của người Việt, tất nhiên không chỉ người Việt, cho dù về sau và hiện nay, các sản phẩm văn hóa gắn liền với sự kiện này đều xuất xứ từ văn hóa Trung Hoa như múa lân (trong Nam)/ múa sư tử (ngoài Bắc), đèn lồng, các câu chuyện về thỏ ngọc và chị Hằng…. khiến gây ra một ngộ nhận rằng tục ăn Tết Trung thu của người Việt bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa. Song đấy là một quy kết nhược tiểu hồ đồ.

Người Việt ăn cái Tết lớn nhất của mình vào tháng Giêng và lấy tháng này (tháng Dần) làm tháng mở đầu trong năm âm dương hợp lịch của mình theo người Hoa, điều ấy thì đã hẳn. Song vấn đề được đặt ra ở đây là trước giai đoạn bắt đầu Hoa hóa trong việc ăn Tết ấy thì người Việt ăn Tết hay tổ chức lễ hội chính của mình vào thời gian nào trong năm? Xin thưa, ấy là mùa Thu.

Tết của người Việt cổ.

Các nhà khảo cổ học đã tìm ra và chứng minh được rằng, Lễ hội lớn nhất của người Việt cổ là vào mùa Thu. Bằng cớ là trên mặt trống đồng in khắc hình ảnh lễ hội, hẳn phải là lớn nhất hoặc/và tiêu biểu nhất nên mới được người xưa chọn khắc lên mặt trống, có thấy hình bông lau, là thứ chỉ nở vào mùa thu. Ở một số nơi tại Đồng bằng Bắc Bộ còn giữ tục ăn Tết Cơm Mới mồng mười tháng Mười, và cả Tết Trùng cửu mồng chín tháng Chín. Nhà văn Vũ Bằng có đề cập tới 2 tết này cùng với hàng loạt tết khác trong tác phẩm nổi tiếng nhất của mình ‘Thương nhớ mười hai’, hồi ức của một nhà văn di cư về đặc sản và những nét văn hóa Bắc Việt men theo 12 tháng.

Mong mỏi quanh năm của người dân Việt cũng là nông dân Việt thời xưa thể hiện trong ca dao là ‘Bao giờ cho đến tháng mười’, cũng tức là thời điểm thu hoạch vụ mùa, vụ chính trong năm, bắt đầu một thời gian có ăn và được ăn no, may ra được mùa thì còn là no ấm cho cả năm đó.

Trăng trong đời sống người Việt.

Người Việt xưa sống bằng nghề nông, thứ nghề phụ thuộc vào thiên nhiên còn hơn là vào con người. Họ phải “Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm…” trước khi trông vào bản thân mình: “Trông cho chân cứng đá mềm’, chỉ ước ao sao cho “Trời yên bể lặng…” rồi “… mới yên tấm lòng” để mà tính chuyện làm ăn. Và trong hàng loạt cái trông đó thì “Trông trời” là việc đầu tiên. Tất nhiên là phải kết hợp cả việc quan sát trời, trăng, sao, mây mà đoán định thời gian và thời tiết. Song họ quan sát kỹ càng nhất vẫn là mặt trăng.

Người Việt có hẳn một bài ca dao tả hình dáng của trăng qua từng ngày một trong tháng: “Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa. mồng ba câu liêm, mồng bốn lưỡi liềm, mồng năm…., mồng sáu thật trăng……”. Rõ ràng trăng là một thứ lịch treo trên trời với người Việt. Ở Việt Nam trước đây, học sinh lớp ba đã được học bài ca dao này. Sau cải cách giáo dục thì nó không còn nằm trong sách giáo khoa nữa nên bây giờ trẻ con thành phố ít em biết. Nhưng ở nông thôn thì chắc vẫn vậy. Cách đây vài năm lúc còn ở Việt Nam, có lần vô tình một cậu sinh viên nói với tôi rằng: “Trong tất cả các bài thơ và ca dao, em chỉ còn nhớ mỗi bài ‘Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa…’ vì ngày bé phải thuộc bài này để còn đi chăn trâu.”

Nông lịch.

Thứ lịch mà người Việt dùng là nông lịch, quen được gọi là âm lịch, thực chất là lịch mặt trăng. Từ ‘tháng’ trong tiếng Việt bắt nguồn từ từ ‘trăng’, cũng như ‘month’ có gốc từ ‘moon’. Trong cái tháng theo lịch mặt trăng đó thì đến bây giờ người Việt vẫn giữ lệ thờ cúng vào hai ngày sóc, vọng tức là ngày đầu tháng và giữa tháng, một ngày mặt trăng mờ nhất và một ngày mặt trăng tỏ nhất, trong quan sát của người trần gian.

Mùa thu lại là lúc tiết trời mát mẻ, khí hậu dễ chịu nhất so với những khắc nghiệt quanh năm. Ngày rằm tháng Tám là khi trăng sáng nhất và đẹp nhất mà việc nông lại đang lúc nhàn. Lẽ nào một tộc người ưa Lễ hội và thường trực ngắm trăng không chỉ để lo công việc làm ăn mà còn là thưởng ngoạn lại có thể bỏ qua thời khắc này mà không tổ chức một cái gì đó, phải đợi cho đến khi người láng giềng phương Bắc, không mấy khi thân thiện, mách nước dùm?

Trăng trong văn hóa Việt Nam và Trung Hoa.

Hiện tượng thờ mặt trăng trước cũng rất phổ biến với người Việt, nhất là những vùng ven biển, nơi cuộc sống của cư dân theo nhịp thủy triều. Giờ còn lưu lại ít nhất là câu chuyện thần thoại về thần Độc Cước cùng đền thờ ngài ở Thanh Hóa và Lễ hội trọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Các nhà nghiên cứu cho rằng câu chuyện đứa bé còn có nửa thân hình trong thần Độc Cước là hình ảnh ám dụ của mặt trăng khi khuyết nhiều hơn khi tròn cũng như sừng trâu trong Hội trọi trâu chính là hình trăng khuyết (lưỡi liềm).

Sau cùng, quan niệm về giới của mặt trăng với người Việt cổ là khác với người Hoa. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã lưu ý tới sự khác biệt về văn hóa giữa các sắc dân căn cứ vào quan niệm của từng tộc người về giới tính của các thiên thể như mặt trăng, mặt trời, sao… Ở Việt Nam cũng đã có hai giáo sư là Kim Định (trong Nam) và Trần Quốc Vượng (ngoài Bắc) cùng dựa vào văn hóa dân gian mà cho rằng mặt trăng trong văn hóa Việt mang ‘giống đực’ còn trong văn hóa Trung Hoa là ‘giống cái’. Người Việt nói: ‘Ông trăng mà lấy bà trời’, hay bài đồng giao: ‘Ông giẳng, ông giăng (trăng). Xuống chơi với cháu. Có bầu có bạn…’ hoặc câu chuyện về: ‘Thằng Cuội ngồi gốc cây đa. Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời…’. Trong khi văn hóa Trung Hoa là câu chuyện Ông Tơ Bà Nguyệt và Hằng Nga…..

Tất cả những điều trên chỉ để nói rằng Tết Trung thu của người Việt đã có từ xưa, có chăng là sau khi tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, khi tự nguyện, lúc cưỡng bức, suốt một thời gian dài trong lịch sử mà người Việt có du nhập một số tập tục cùng những thành tố văn hóa của người Hoa vừa để làm phong phú thêm nhưng cũng có khi là thay thế hẳn những tập tục khác của mình. Thế cho nên đến bây giờ, nhìn dưới con mắt của người phương Tây chẳng hạn, thì Tết Trung thu của người Việt cũng chẳng khác gì với của người Hoa, có khi còn không phong phú bằng.

Nguồn: http://www.radioaustralia.net.au

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nói đến Tết Trung Thu th ai ai cũng biết, nhưng không hẵn ai cũng biết về nguồn gốc c a Tết Trung Thu , Hanhnguyen xin mời mọi người cùng đọc và biết về nguồn gốc c a Tết Trung Thu mà Mình vừa sưu tầm được :

Tết Trung Thu theo âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Đây là ngày tết của trẻ em, còn được gọi là "Tết trông Trăng". Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước... rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi, người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử để các em vui chơi thoả thích. Tết Trung Thu đ có từ thời Đường Minh Hoàng bên Trung Hoa, vào đầu thế kỷ thứ 8.

Nguồn gốc

Tết Trung Thu t i Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng Tám. Nhiều người cho rằng đây là một nét văn hóa du nhập từ Trung Quốc trong thời gian Việt Nam bị phương Bắc đô hộ. Nhà văn Toan Ánh trong quyển "Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam Quyển Hạ" cho rằng: Theo sách cổ thì Tết Trung Thu b t đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chám mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung Thu. Trong ngày tết này, lúc đầu chỉ uống rượu trông trăng nên còn gọi là Tết Trông Trăng.

Ở Việt Nam, ngày tết Trung Thu đ ợc ông Phan Kế Bính diễn tả trong "VN Phong tục": "ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng Nguyệt. Ðầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu các sắc, sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp".

Ý nghĩa

Tết Trung Thu c a người Việt có nhiều điểm đặc biệt khác với Tết Trung Thu c a người Trung Hoa. Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.

Cỗ mừng trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.

Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.

Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho điềm lành. Người Trung Hoa không có những phong tục này.

Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. iệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình". Trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát. Tục hát trống quân, theo truyền thuyết, có từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng.

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị v.v. Người Trung Hoa không có phong tục này.

(st)

Nguồn:http://www.vietnam.tu-freiberg.de

Share this post


Link to post
Share on other sites

Trích: Việt Nhân

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CÁC NGÀY TẾT, LỄ, HỘI

3.- Trung Thu

Trung Thu là Tết sống thứ ba hoàn toàn có tính cách đàn bà. Trước hết đây là lễ đặc biệt thuộc mặt trăng. Vì thế không mừng đúng vào ngày thu phân là 21 tháng 9 dương lịch, mà lại mừng vào ngày 15 tháng 8, thường là cuối tháng 9. Cứ kể ra thì lễ nào cũng gọi được là thuộc mặt trăng vì theo lịch Viễn Đông thì tháng tính theo mặt trăng biểu thị nguyên lý mẹ. Nhưng lễ này còn có thêm hai nét nữa nói lên nguyên lý mẹ là mừng về đêm, nên có tính chất “ lãng mạn “ nhất (it is undoubtedly the most romantic. Festivals 79). Hai nữa là việc tế tự thì do các bà chủ sự. Tai sao lại thuộc các bà? Lý do sâu xa là vì mùa gặt là công các bà. Thời sơ nguyên đàn ông đi săn, đàn bà ở nhà nghĩ ra việc gieo, mà đã gieo thì rồi có gặt, cho nên mọi tết đều có tính chất mẹ hơn cha. Nhưng vì hậu quả của gặt kéo dài hơn nên có lẽ vì vậy mà tết Trung Thu là một tết mừng mùa gặt, mùa tích trữ (thu tàng) thóc lúa nơi buồng các bà, nên là lễ thuộc các bà hơn và vì thế cũng phát xuất bởi vùng Viêm Việt nhất là Phúc Kiến, theo như các sách cổ nói: old texts tell us that the midautum festival originated in Fukien Province. (Festivals 100)

Không hiểu vì từ lúc nào đó thì có một lễ khác gọi là lễ trùng cửu, tuy sau này sáp nhập với Tết Trung Thu nhưng ban đầu là hai Tết khác nhau. Tết Trung Thu hoàn toàn vui vẻ còn trùng cửu thì có mang sắc thái lo âu, xem ra là riêng của dân Việt một dân có nhiều điểm giống với các dân Thái. The festival of “ Double Nine “ belonged to an East Chinese ethnic group, the Yueh. These Yueh were in many respects similar to the Tai. (Festivals 111) Có lẽ vì sự bành trướng của du mục Bắc Phương nên nhiều lần Viêm Việt phải bỏ tất cả để tháo chạy nên lễ trùng cửu tỏ ý lo âu chăng.

Ngoài những lý lẽ trên thì ta còn thêm được một chiều kích siêu hình của tết Trung Thu, tức là sự trùng hợp với các số Lạc Thư mà Lạc Thư biểu thị một nền triết đạt quan như đã trình bày trong quyển Dịch Kinh Linh Thể (bài cuối). Thế mà Lạc Thư có những con số hợp với Tết Trung Thu. Vì Lạc Thư gồm 8 lô với một trung cung, và cộng chiều nào cũng được 15, như vậy là có sự trùng hợp với ý cùng của Tết là ăn mừng mùa màng thu gặt thì Lạc Thư cũng là triết đạt quan thâu thái, vì là biểu hiện nguyên lý mẹ đối với nhà Hà Đồ biểu hiện nguyên lý cha.

Nguồn: http://www.anviettoancau.net

Share this post


Link to post
Share on other sites

TẾT TRUNG THU -Sự tích và nguồn gốc

10:16' 22/09/2004 (GMT+7)

Mừng Trung thu

Tết Trung thu giờ đây đã trở thành ngày hội với mọi gia đình, nhất là trẻ em. Tết Trung thu đến vào rằm tháng Tám, đang giữa độ mùa thu, mùa mát mẻ và đẹp nhất trong năm.

Từ đầu tháng, người ta đã chuẩn bị những cổ đèn muôn màu, muôn sắc, hình thù độc đáo, các đồ chơi của trẻ nhất là hình ông tiến sĩ giấy cùng bánh dẻo, bánh nướng, gọi chung là bánh trung thu để đón Tết. Trẻ em mang những lồng đèn màu sắc sặc sỡ thắp sáng thành từng đoàn dài kéo nhau đi các thôn ngõ để ca hát reo vui dưới ánh trăng. Khi những ngày Rằm cận kề, các đoàn múa lân, múa sư tử rầm rộ với tiếng kèn, tiếng trống, tiếng pháo càng thêm náo nhiệt.

Nguồn gốc tết Trung thu

Theo sách cổ thì Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Đường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Nguyên vào năm đó, đêm rằm tháng Tám trời thật đẹp, trăng tròn sáng tỏ, gió mát hây hây, say cảnh đẹp của trời đất, nhà vua ngự chơi ngoài thành mãi đến trời khuya. Lúc đó, một ông già râu tóc bạc phơ trắng như tuyết chống gậy đến bên nhà vua. Trông người và theo cử chỉ, nhà vua đoán ngay là một vị thượng tiên giáng thế. Ông già kính cẩn chào nhà vua rồi hỏi:

- Bệ hạ có muốn lên cung trăng không?

Nhà vua liền trả lời là có. Vị tiên liền đưa chiếc gậy lên trời, hoá phép ra một chiếc cầu vòng, một đầu giáp cung trăng, một đầu ăn xuống đất. Tiên ông đưa nhà vua trèo lên cầu vòng, chẳng bao lâu đã đến cung trăng. Phong cảnh nơi đây thật đẹp, một vẻ đẹp khác xa nơi trần thế. Có những tiên nữ nhan sắc với xiêm y cực kỳ lộng lẫy, xinh như mộng, đẹp như những bài thơ hay, nhảy múa theo những vũ điệu vô cùng quyến rũ, đủ muôn hồng nghìn tía.

Nhà vua đang say sưa với những cảnh đẹp thì tiên ông đưa nhà vua trở lại cung điện. Về đến trần thế, nhà vua còn luyến tiếc cảnh trên cung Quảng và những giờ phút đầy thơ mộng nên để kỷ niệm ngày du Nguyệt điện, nhà vua đã đặt ra Tết Trung thu. Trong ngày Tết này, người ta uống rượu thưởng trăng nên còn gọi là Tết Trông trăng.

Trăng thu

Trăng với trung thu

Tết Trung thu sơ khởi là Tết Trông trăng nên nói đến Tết Trung thu không thể bỏ qua trăng được. Trăng được in hình trên mặt bánh Trung thu, trăng được vẽ trên mặt đèn đêm rằm tháng Tám. Từ những năm tháng ở tiểu học, học sinh đã được dạy trăng là một hộ tinh của trái đất xoay quanh trái đất, mỗi vòng là một tháng theo âm lịch. Ta thấy được mặt trăng nhờ ánh sáng mặt trời chiếu vào. Tuỳ theo vị trí của trăng với mặt trời và quả đất ta thấy trăng khuyết hay tròn. Khi nào bóng quả đất che kín hết mặt trăng là có nguyệt thực mà người xưa gọi là Gấu ăn trăng. Người xưa đã đem chậu thau, mâm đồng, thanh la, não bạt ra gõ tới khi hết nguyệt thực, tức cho tới khi gấu sợ tiếng gõ ở trần gian phải nhả mặt trăng ra.

Những linh vật ở cung trăng

Trên cung trăng có nhiều linh vật thuộc quyền cai quản của Thái âm thần nữ. Những linh vật này đều hiền từ và ngoan ngoãn, trong số đó đáng kể nhất là con Thiềm thừ và Ngọc thỏ. Con Thiềm thừ là một giống cóc, đầu có sừng bằng thịt, bụng có vệt chữ bát màu đỏ. Tiền thân Thiềm thừ là nàng Hằng Nga, vợ chàng Hậu Nghệ, vua xứ Hữu Cung, có tài thiện xạ bách phát bách trúng. Hậu Nghệ có dịp lên vườn Lãnh Uyển, xin đức Giao trì Vương mẫu ban cho thuốc trường sinh bất tử. Mang thuốc về, Hậu Nghệ không uống ngay mà phải mang quân đi đánh giặc nên cất thuốc vào lò. Ở nhà nàng Hằng Nga ăn trộm thuốc uống rồi sợ quá bay lên cung trăng ra mắt Thái âm thần nữ kể rõ sự tình, cầu xin thần che chở. Thái âm biến Hằng Nga thành con Thiềm thừ đem giấu ở một nơi kín đáo trong cung Quảng Hàn. Hậu Nghệ đi trận về thấy mất cả vợ lẫn thuốc tức giận lắm nên quyết tìm nàng cho bằng được. Thời ấy trên trời có mười mặt trời, ngờ vọ trốn trong những mặt trời này nên Hậu Nghệ đã bắn rơi chín mặt trời nhưng vẫn không thấy vợ. Hậu Nghệ bớt lại mặt trời thứ mười để lấy ánh sáng ban ngày, cũng như chàng không bắn rơi mặt trăng vì ban đêm chỉ có một mặt trăng. Chàng cần ánh sáng ban đêm để đi tìm vợ nhưng vẫn không thấy Hằng Nga. Nàng vẫn biến hình ẩn núp trong cung Quảng cho tới ngày nay.

Con Ngọc thỏ

Trung thu đến với mọi người, mọi nhà

Ngày xưa có lúc mất mùa, người vật đều nhịn đói. Các loài vật khó kiếm thức ăn nên tàn sát lẫn nhau. Loài thỏ yếu đuối, không khí giới tự vệ, không dám thò đầu ra ngoài kiếm ăn. Chúng đành nằm một chỗ kín đáo cùng nhau nhịn đói. Đã đói lại rét, chúng rủ nhau tới một đống lửa do ai đốt sẳn và nằm quanh đống lửa nhìn nhau, mắt con nào cũng ươn ướt heon lệ. Trước tình trạng não nề ấy, một con thỏ vì thương đồng loại đã nhảy mình vào đống lửa tự thui để những con khác có cái ăn cho đỡ đói. Vừa lúc đó, đức Phật đi qua, Ngài thầm khen nghĩa khí của con thỏ nên nhặt nắm xương tàn của nó, hoá phép cho nó thành hình khác toàn bằng ngọc thơm tho và trong sáng, đưa nó lên cung Quảng Hàn và xin cho nó được lưu lại ở đây.

Cây Đan quế

Ngoài các linh vật tại cung Quảng Hàn còn có bóng một cây mà ở trần gian nhìn lên ta thấy hình đen trên mặt trăng. Đó là cây Đan quế tức là cây quế đỏ. Theo sách Trung Hoa, cây này cao 105 mét, gốc lớn vô cùng, đường kính ước vài ba trượng. Cây sống hàng ngàn vạn năm. Gỗ và vỏ rắn như thép. Gốc cây có nhiều vết băm đổ vì quanh năm lúc nào cũng có người cầm búa bổ vào gốc cây. Đó là thằng Cuội nhưng theo người Tàu thì hắn là Ngô Cương. Xưa kia Ngô Cương đã tu tiên đắc đạo nhưng sau làm nhiều điều càn bậy trong chốn tiên cung nên bị đức Ngọc Hoàng nổi giận bắt đày xuống cung trăng, giao cho việc chặt và bóc vỏ cây Đan quế. Vỏ cây Đan quê cứng như thép nên Ngô Cương chặt không nổi. Bởi vậy cho tới ngày nay, Ngô Cương vẫn cố chặt và bóc vỏ cây. Bởi vậy người trần mỗi đêm trông lên lại thấy bóng chàng đang lúi húi ở gốc cây.

Truyện thằng Cuội

Ca dao có câu:

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa

Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời!

Cha còn cắt cỏ trên trời

Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.

Uống rượu trông trăng

Thằng Cuội chính là cái bóng người trên cung trăng mà người Tàu gọi là Ngô Cương và cây Đan quế, chúng ta gọi là cây Đa thần. Thằng Cuội là kẻ “Đi nói dối cha, về nhà nói dối chú”, suốt đời nói dối đánh lừa người. Sau cùng nó đánh lừa được một lão trượng hiền lành nên lão trượng cho nó một cây đa thần có thể dùng lá chữa bệnh người chết sống lại. Lão trượng dặn nó mang về phải luôn luôn tưới cho cây tốt tươi. Cuội nghe lời lão trượng mang cây đa về trồng ở mé Đông và dặn vợ hàng ngày phải tưới nước cho cây. Lão trượng dặn Cuội là cây Đa thần kỵ nước tiểu, trồng cây ở hướng Đông thì mọi người phải đi tiểu ở hướng Tây, bằng không cây sẽ dông lên trời mất. Về nhà Cuội vũng dặn vợ và người nhà: “Có tiểu thì tiểu đằng Tây, chớ tiểu đằng Đông cây dông lên trời”.

Hàng ngày Cuội vào rừng đốn củi, ở nhà vợ Cuội vẫn tưới cây rất chăm chỉ. Cho đến một hôm vì vợ Cuội mải mê công việc khác quên không tưới cây, chợt Cuội về đến ngõ, vợ Cuội mới nhớ ra. Sợ đi múc nước tưới cây chồng sẽ nhìn thấy và mắng nên nàng chạy tới gốc cây vạch váy tiểu vào đó và đã phạm vào điều kiêng. Nàng vừa tiểu vào gốc cây, cây bỗng từ từ nhổ gốc và bay lên trời. Cuội vừa về tới nơi, thấy cây dông lên trời, sẳn có chiếc cuốc trong tay, Cuội liền móc vào gốc cây mong giữ cây lại. Nào ngờ cả Cuội và cây Đa đều bay lên cung Quảng cho tới ngày nay.

Chẳng biết ở trên cung trăng, Cuội có nhìn thấy dưới trần gian và ngắm chúng ta không nhưng hàng năm vào ngày Rằm tháng Tám, mọi người vẫn uống rượu trông trăng và ngắm nhìn Cuội.

Nguồn: nguoivienxu.vietnamnet.vn/

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tết Trung thu xưa và nay

Múa lân, một tiết mục quan trọng trong phần hội của đêm Trung thu Tết (chữ Nôm) chính là đọc chệch chữ tiết (chữ Hán) mà ra. Ở Việt Nam, trong một năm có nhiều cái tết, mỗi tết lại ứng với một mùa, một tiết và mang một ý nghĩa nhất định. Tết Trung thu là một trong 4 tết quan trọng nhất trong năm theo nông lịch cổ, đó là: Một tết đầu xuân (Tết Nguyên đán), một tết giữa thu (Tết Trung thu), đệm giữa là tết vào hè (Tết Đoan ngọ) và tết đầu đông (Tết cơm mới 10-10).

Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở Kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã mô tả.

Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung thu, theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) thì từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng mặt trăng và mặt trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm mặt trăng chỉ sum họp với mặt trời 1 lần 1 tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn tết mừng trăng. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa thu là mùa của thành hôn.

Là một nước nông nghiệp nên Tết Trung thu ở nước ta theo lễ thức nông nghiệp, có cả phần lễ và phần hội. Tinh thần của lễ thức đó trước hết thể hiện ở ý thức của người nông dân đối với mùa vụ. Tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi” (bia chùa Đọi 1121), người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi. Dưới ánh trăng thu, các lão nông uống trà, nhắm rượu, ngắm trăng, thưởng nguyệt, chiêm nghiệm, dự đoán, tiên tri.

“Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám”.

“Tỏ trăng 14 được tằm, đục trăng hôm rằm thì được lúa chiêm”.

Người Việt hiện nay còn giữ được ít nhất hai lễ trong rằm tháng Tám. Đó là lễ cúng trăng (trời đất) và lễ cúng gia tiên trên ban thờ Tổ. Cả 2 lễ đều có những lễ vật tương tự như nhau: Hoa, các loại quả, bánh nướng, bánh dẻo, rượu. Riêng lễ cúng gia tiên có thêm đĩa xôi. Ngoài những sản phẩm nông nghiệp (hoa, quả, rượu, xôi) có 2 loại bánh mà người Việt dành riêng cho lễ cúng rằm tháng Tám là bánh dẻo và bánh nướng, một loại tròn, một loại vuông, phản ánh nhận thức thô sơ của người Việt cổ: Trời tròn, đất vuông. Khi phá cỗ, người ta tin rằng các lễ vật đều mang một ý nghĩa thiêng liêng, ăn uống để tiếp thêm sức mạnh của trời đất, làm cho ta có đủ sức chống lại mọi thiên tai, thiên dịch. Người Việt xưa không mấy khi dùng đèn lồng, trừ rằm tháng Tám người ta đua nhau mua đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn con cóc (thiềm thừ), đèn cá chép... Đó là những vật phẩm biểu trưng nhiều hàm ý. Đèn con thỏ biểu hiện cho mặt trăng (ngọc thỏ). Đèn con cóc (thiềm thừ) biểu thị sự cầu mong mưu thuận gió hòa của cư dân trồng lúa nước theo điển tích “con cóc là cậu ông trời”. Đèn cá chép là bắt nguồn từ tích cá chép vượt vũ môn, cá chép hóa rồng, với ý nguyện cầu mong cho nhân hòa, vật thịnh, con cháu học hành giỏi giang, tấn tới. Một hoạt động không thể thiếu được trong phần hội của rằm tháng Tám, đó là múa sư tử (thực ra là múa lân vì sư tử không có sừng). Người Việt dùng múa sư tử trong nhiều lễ hội với những ý nghĩa biểu trưng khác nhau. Trong cơ cấu của đội múa, có 3 nhân vật: Sư tử, tráng sĩ, ông địa. Sư tử là biểu trưng của trời (thiên), còn tráng sĩ - nhân, ông địa - đất. 3 nhân vật không đối kháng mà luôn tạo ra sự phối hợp hài hòa. Thiên - địa - nhân hòa hợp là ước vọng sâu xa của cư dân lúa nước Việt Nam. Với những người cho là múa lân thì lại có sự giải thích khác. Họ cho rằng lân là con vật cực hiền (nhân thú). Con lân chỉ xuất hiện khi thánh nhân ra đời hoặc thời thịnh trị. Cho nên, múa lân trong ngày Tết Trung thu là cầu mong cho vua sáng, tôi hiền, đất nước thái bình, hưng thịnh. Nó chẳng những thể hiện ở ý thức mà cả trong hành động.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, lễ hội Tết Trung thu ở nước ta cũng có nhiều thay đổi theo thời gian. Song dù thay đổi thế nào thì cái “thần” của nó vẫn còn giữ được, đó là tính chủ thể, sự vui chơi hồn nhiên của trẻ và sự quan tâm của mọi người đối với các em. Ở các xã, phường, trung tâm văn hóa, các nhà trường đã có nhiều hình thức tổ chức phong phú, vừa mang tính chất dân gian, vừa mang tính nâng cao, như: Rước đèn, múa lân, hát đồng dao, vui chơi múa hát theo chủ đề đón chị Hằng Nga, vui Trung thu cùng chú Cuội... đã tạo cơ hội cho các em gặp gỡ, vui chơi, cộng cảm và hưởng thụ nghệ thuật.

Tết Trung thu, một lễ thức nông nghiệp ở nước ta, một cái tết của trẻ mà ở đó các em được phát huy hết đức tính tốt đẹp của mình, được vui chơi thỏa thích, được hòa mình vào trong thiên nhiên kỳ thú và được đắm mình trong vòng tay nhân ái của mọi người. Đó là một lễ hội truyền thống đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, một nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn và phát huy.

Quách Duy Bịch (Hà Tây điện tử)

Nguồn: www.sankhauvietnam.com.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ngày còn nhỏ ở Hà Nội, Phoenix thường được người chú cho đi chơi mỗi khi ngày rằm Trung Thu. Nhà cách Hàng Mã không xa nên Hàng Mã là đích đến và cũng là tâm điểm của dòng người trên phố phường Hà Nội tụ hội. Phố Hàng Mã ngày thường không mấy khi đông đúc nhưng ngày rằm Trung thu thì chen chân không có chỗ bước. Đối với lũ trẻ con như Phoenix thời ấy, ngày rằm Trung Thu ở Hàng Mã như là được dạo chơi trên cung trăng vậy.

Dọc lối đi là những lẵng thiên nga đôi, thiên nga đơn làm bằng bông và bột gạo. Rất nhiều tò he, hình bột nặn đủ màu, đủ dáng. Rôi vương miện, cây dừa, tranh cắt giấy .......

Đèn lồng là thứ nhiều nhất, lung linh nhất và cũng là thứ hầu hết trẻ con ao ước. Đèn làm bằng giấy hoặc làm bằng bóng kính màu xanh, đỏ vàng. Xương đèn làm bằng tre. Có đủ các loại đèn: đèn đẩy, đèn kéo kéo quân, đèn con thỏ đánh trống. Đối với đèn treo thắp nến thì phổ biến nhất là đèn con thỏ, đèn con cóc và đèn con cá.

Trí óc trẻ thơ khi ấy chỉ thắc mắc là sao không có nhiều những con khác mà năm nào cũng chỉ có từng ấy con vậy thôi. Sau này lớn, biết đến con "Thiềm Thừ" mới hiểu vì sao cung trăng gọi là cung thiềm và vì sao rằm trung thu có đèn con cóc, con thỏ, Lớn hơn nữa, những ngày tìm đọc tài liệu về văn hóa Việt Nam càng khâm phục vô cùng ông bà tổ tiên với đời sống dân gian giản dị nhưng minh triết và âm thầm bền bỉ sống mãi với hồn dân tộc.

Người Trung Hoa chỉ có thể mô tả "Thiềm Thừ" to lớn, tốt đẹp, đã sống 8000 tuổi, dưới họng có chữ son trên cung trăng ( Sách Ấu học Tầm Nguyên) mà chẳng thể giải thích thêm vì sao con "Thiềm Thừ" lại gắn với cung Trăng, ngày rằm tháng 8. Và vì sao trẻ em Việt đêm trăng thường hát: "Dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi! Đến ngõ nhà trời, lạy cậu lạy mợ, cho cháu về quê, cho bê đi học, cho cóc ở nhà, cho gà bới bếp"....

[/color]

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tết Trung thu của người Việt cổ là dịp để trai gái trao duyên. Bánh trung thu của người Việt cũng khác hẳn so với bánh trung thu của người Hán. Nếu nói bánh trung thu xuất phát từ văn hóa Hán thì thử hỏi bánh trung thu của người Hán có được tính minh triết như bánh của chúng ta hay không? Riêng ở Việt nam, bánh trung thu bao giờ cũng đi theo cặp bánh nướng và bánh dẻo. Cách đây chừng chục năm bánh trung thu ở miền Bắc vẫn làm theo lối cũ chứ không phải bằng dây chuyền nhập ngoại như bây giờ. Bánh dẻo được làm từ bột nếp trắng tinh khiết đánh với đường, đóng khuôn tròn, không có nhân. Bánh nướng vuông vức, trong nhân thập cẩm mặn ngọt. Một cặp bánh trung thu cũng cân đối âm dương, biểu tượng trời đất, vạn vật. Tết Nguyên đán có bánh trưng bánh dầy thì tết Trung thu có bánh nướng bánh dẻo. Bánh dầy và bánh dẻo cùng trắng tròn, tinh khiết. Bánh trưng và bánh nướng cùng vuông vức. Bánh trưng lấy 5 màu của nguyên liệu để tượng trưng ngũ hành. Bánh nướng lấy nhân thập cẩm để tượng trưng cho vạn vật. Trai gái trao duyên, cùng nhau thưởng bánh tự tay làm, chẳng thú lắm sao.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Trí óc trẻ thơ khi ấy chỉ thắc mắc là sao không có nhiều những con khác mà năm nào cũng chỉ có từng ấy con vậy thôi. Sau này lớn, biết đến con "Thiềm Thừ" mới hiểu vì sao cung trăng gọi là cung thiềm và vì sao rằm trung thu có đèn con cóc, con thỏ, Lớn hơn nữa, những ngày tìm đọc tài liệu về văn hóa Việt Nam càng khâm phục vô cùng ông bà tổ tiên với đời sống dân gian giản dị nhưng minh triết và âm thầm bền bỉ sống mãi với hồn dân tộc.

Người Trung Hoa chỉ có thể mô tả "Thiềm Thừ" to lớn, tốt đẹp, đã sống 8000 tuổi, dưới họng có chữ son trên cung trăng ( Sách Ấu học Tầm Nguyên) mà chẳng thể giải thích thêm vì sao con "Thiềm Thừ" lại gắn với cung Trăng, ngày rằm tháng 8. Và vì sao trẻ em Việt đêm trăng thường hát: "Dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi! Đến ngõ nhà trời, lạy cậu lạy mợ, cho cháu về quê, cho bê đi học, cho cóc ở nhà, cho gà bới bếp"....

Không ít người thắc mắc nhưng hiếm có người trả lời được. Nhiều người muốn tìm câu trả lời lại sa vào cạm bẫy của cổ thư chữ Hán, để rồi tự kết luận rằng cái này là học theo/bắt chước người Tàu. Diễn đàn này thực sự là một nơi rất tốt để chúng ta có thể trao đổi, phổ biến những điều "giản dị nhưng minh triết" của cha ông bao đời truyền lại, để con cháu chúng ta không phải cúi đầu thấy mình nhỏ bé trước bạn bè năm châu.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Diễn đàn này thực sự là một nơi rất tốt để chúng ta có thể trao đổi, phổ biến những điều "giản dị nhưng minh triết" của cha ông bao đời truyền lại, để con cháu chúng ta không phải cúi đầu thấy mình nhỏ bé trước bạn bè năm châu.

HOÀN TOÀN CHÍNH XÁC! :) :lol: :lol:

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay