wildlavender

Bùn đỏ Có Thể Gây Ung Thư

2 bài viết trong chủ đề này

Bùn đỏ có thể gây ung thư

Với công suất 600 ngàn tấn alumin/năm, hai nhà máy thải ra khoảng 1,2 triệu tấn bùn đỏ/năm, tương đương 810.000m3. Lấy tuổi thọ nhà máy tối thiểu là 30 năm thì tổng lượng thải sẽ là 24,3 triệu m3. Nếu diện tích dành cho hồ bùn đỏ của mỗi nhà máy theo quy hoạch là 100ha, với giả thiết chia thành bốn lô để lần lượt xây dựng bốn hồ chứa bùn đỏ với quy mô 1.000 x 250m, thì mỗi hồ phải tích chứa đến hơn sáu triệu m3, lớn hơn nhiều lần so với hồ của Hungary, nguy cơ rủi ro rất lớn.

Nhân Cơ, Gia Nghĩa cũng như Tân Rai, Bảo Lâm ở mức cao địa hình khoảng 600 – 700m so với mực nước biển, đều là đầu nguồn của hệ thống sông Đồng Nai. Trong trường hợp có sự cố, dòng thác bùn đỏ từ Nhân Cơ lập tức theo sông Dăk Nông đổ về sông Đa Dâng, tức sông Đồng Nai, còn từ Tân Rai theo các suối đổ vào sông La Ngà. Cả hai dòng bùn đỏ đều hướng về hồ Trị An, nơi cấp nước cho các nhà máy nước của Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM, hàng triệu người dân hứng chịu nước ô nhiễm, đó là chưa kể thảm hoạ sinh thái trên tuyến Dăk Nông, Lâm Đồng về xuôi.

Về ảnh hưởng trực tiếp đối với con người từ thảm họa bùn đỏ tại Hungary, các nhà hoạt động nhóm bảo vệ môi trường Hungarian Friends of the Earth cho rằng: “chẳng ai có thể sống được tại những ngôi làng này trong 10 năm tới, dù đã được dọn dẹp sạch bùn”. Theo các chuyên gia, nồng độ cao chất thạch tín và thuỷ ngân có trong bùn đỏ có thể gây ung thư nếu phát tán trong không khí và vào hệ thống hô hấp của con người. Bộ trưởng Môi trường của Hungary cũng thừa nhận bùn đỏ chứa một số kim loại nặng có khả năng gây ung thư với người tiếp xúc và cảnh báo người dân đeo mặt nạ tránh hít bụi độc.

HTN – Kim Dung.

Sgtt.0nline

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

THẢM HỌA BÙN ĐỎ Ở HUNGARY. Hệ lụy từ sai lầm của chính quyền.

Bảy người thiệt mạng, 1 người mất tích, hơn 150 người bị thương phải đưa vào viện, trong đó có nhiều người bị bỏng nặng do hóa chất, nhiều làng mạc, thị trấn chìm trong bùn đỏ và ít có khả năng tái thiết, một con sông bị bức tử và hơn 1.000 héc-ta đất canh tác bị hủy hoại với tổng thiệt hại lên tới 50 triệu USD - đó là hậu quả sơ bộ của việc hơn 1 triệu m3 bùn đỏ bị tràn khỏi một hồ chứa khổng lồ cạnh thành phố Ajka (cách Budapest chừng 164 km về phía Tây Nam) thứ Hai vừa qua.

Cơn lũ bùn đỏ

Rạng sáng thứ Bảy, chính phủ Hungary lại thông báo về khả năng bùn có thể tiếp tục bị tràn khỏi bể chứa tại một mảnh vỡ khác, lần này sẽ đậm đặc hơn, do đó, lũ bùn sẽ chậm hơn, nhưng độ lan tỏa lớn hơn và cũng nguy hiểm hơn. Các khu cư dân bị đe dọa đã thực hiện các biện pháp cư dân cần thiết và trước mắt, chính phủ Hungary đã huy động một lực lượng cứu hộ đủ để tiến hành di chuyển cho tối đa là 3.000 người, trong trường hợp cấp bách.

Yếu tố trách nhiệm được đưa ra từ những ngày đầu, nay lại nổi cộm với tuyên bố của thủ tướng Orbán Viktor ngay tại hiện trường tai nạn, theo đó, những thủ phạm sẽ phải chịu một cách đối xử khác, toàn toàn không như thông lệ “giơ cao đánh khẽ”, bởi “một kỷ nguyên mới đã bắt đầu”.

Nhưng, thảm họa tràn bùn đỏ tại Hungary có thể tính trước và khắc phục được không? Yếu tố con người có vai trò như thế nào trong vấn đề bảo vệ môi sinh, nhất là trong trường hợp các doanh nghiệp lớn, được Nhà nước “cưng chiều”? Những câu hỏi ấy khộng dễ trả lời, vì một lý do đơn giản: cần trở lại quá khứ để tìm hiểu hiểm họa bùn đỏ - “sản phẩm phụ” trong quá trình chế biến bauxite ra alumina (oxit nhôm) - tại Hungary, từng là “cường quốc” trong khối XHCN trên khía cạnh này.

Sản xuất alumina cho Liên Xô

Công nghiệp chế biến quặng bauxite khởi đầu tại Hungary từ những năm 20 thế kỷ trước và đạt tầm vóc lớn trong thời kỳ Thế chiến thứ Hai, khi Hungary phải cung cấp các nguyên liệu chính cho nền công nghiệp quốc phòng của Đức. Dạo đó, Hungary có một trữ lượng bauxite ở tầm thế giới và sau năm 1945, bauxite được coi là “báu vật” duy nhất còn lại của quốc gia này.

Trên cương vị một đất nước bại trận trong Thế chiến, Hungary đã phải ký kết một số thỏa thuận hết sức bất lợi với Liên bang Xô-viết trên tinh thần “bồi thường chiến tranh”. Thập niên 60, hàng năm, nước Hung phải sản xuất và chuyên chở theo định mức một lượng bauxite và alumina nhất định sang Liên Xô để sau đó, phải nhập khẩu lại nhôm từ “Ông anh cả”. Ngoài ra, những kim loại quý hiếm như titan, crom... chế biến được từ bauxite cũng được cung cấp miễn phí cho Moscow.

Bằng cách ấy, Hungary đã miễn cưỡng trở thành niềm tự hào của khối XHCN về khai thác quặng bauxite, sản xuất và luyện alumina. Cho đến giữa thập niên 80 thế kỷ trước, Hungary luôn thuộc những quốc gia hàng đầu thế giới về sản lượng bauxite được khai thác hàng năm, thậm chí có lúc còn giữ ngôi vị thứ 7.

Bãi chứa chất thải công nghiệp

Đi vào chi tiết, trong nhiều thập niên, lượng bauxite khai thác tại các mỏ ở Hungary - ngoài một phần chở thẳng sang Liên Xô - đa phần được chuyển đến hệ nhà máy trong nước để luyện thành alumina bằng công nghệ Bayer.

Từ alumina, có thể dùng điện phân để tách thành nhôm nguyên chất. Tuy nhiên, quá trình đó cần một lượng điện năng đáng kể mà nếu thực hiện tại Hungary sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế. Do đó, Liên Xô nhận phần luyện nhôm, để lại cho Hungary công đoạn cực nhọc và nguy hiểm: chế biến alumina và xử lý lượng rác thải khồng lồ - theo ước tính thì cứ 1 tấn alumina lại phát sinh chừng 1,5 - 2 tấn bùn đỏ.

Cuối thập niên 90, mối quan hệ với Liên Xô trong kinh tế đứt đoạn, bản thân nước Hung không còn lý do để phát triển công nghiệp chế biến bauxite, một mặt, vì trữ lượng bauxite đã thuyên giảm rất nhiều, phải khai thác sâu dưới mỏ, mặt khác, vì thời giá của bauxite trên thị trường thế giới sụt giảm rõ rệt, với sự xuất hiện của những mỏ bauxite khổng lồ tại Nam Mỹ.

Được giải thoát khỏi bổn phận với Liên Xô, cho đến những năm 90 thế kỷ trước, hệ các nhà máy chế biến bauxite tại Hungary chỉ hoạt động cầm chừng, có lúc tưởng chừng sẽ bị đình chỉ như nhiều ngạch công nghiệp khác ở nước này. Di sản của một thời hoàng kim còn lại là hàng chục triệu tấn bùn đỏ trữ trong các bể chứa rải rác ở nhiều vùng, như một trái bom tấn có thể nổ bất cứ lúc nào.

Lơ là yếu tố môi trường

Năm 1995, trong quá trình tư hữu hóa, Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.) được thành lập từ các cơ sở chế biến bauxite, alumina và nhôm trước đó. Trong vòng 15 năm qua, doanh nghiệp này đã phát triển thành một trong những cơ sở công nghiệp hàng đầu của Hungary.

Các đồng sở hữu của MAL Zrt. được liệt vào Top những doanh nhân giàu nhất Hungary, có mối quan hệ rất tốt với chính giới và các đối tác trong và ngoài nước - cựu Thủ tướng Gyurcsány Ferenc, khi còn là một thương gia có hạng, cũng có thời từng làm ăn với MAL Zrt.

Chủ yếu nhờ MAL Zrt., công nghiệp chế biến bauxite của Hungary đang thoi thóp, lại tiếp tục hoạt động, dù không ở mức như trong các thập niên trước. Chính quyền Hungary, thấy MAL Zrt. là một tập đoàn tiềm năng, tạo dựng công ăn việc làm cho người lao động, đã ưu tiên doanh nghiệp này dưới nhiều hình thức: tạo điều kiện để MAL Zrt. có thể mua điện rẻ, xây dựng các cơ sở ở nhiều nơi...

Nhưng sai lầm lớn của chính giới Hungary trong 20 năm qua, là đã bỏ qua yếu tố môi trường và không tạo dựng khung pháp lý cùng những án lệ để có biện pháp trừng phạt thật nặng những sai phạm ảnh hưởng đến môi sinh. Lượng bùn đỏ đọng lại từ nhiều thập niên không được đặt dưới sự quản lý và theo dõi sát sao của chính quyền. Các bể chứa được xây dựng ngay gần khu dân cư, thậm chí gần những nguồn nước và sinh thái quan trọng như con sông Danube, chảy qua hàng chục quốc gia và rất nhiều đô thị lớn.

Cả doanh nghiệp và chính quyền đều không nghĩ đến khả năng, một thảm họa như vừa qua lại có thể xảy ra!

Hiểm họa khó tránh khỏi

Điều khiến cho MAL Zrt. có thể chủ quan trước hiểm họa, có lẽ một phần vì họ tin vào sức mạnh kỹ thuật. Các bể chứa bùn đỏ tại Hungary, trước nay, đều được thiết kế và xây dựng tuân thủ những quy định đương thời. Gần 1 tuần sau sự cố tràn bùn, Ban lãnh đạo Tập đoàn Nhôm Hungary vẫn tuyên bố: họ không thể biết tại sao lại có tấn thảm kịch này, bởi lẽ các cuộc kiểm tra kỹ thuật đều loại trừ khả năng đó.

Biểu tượng của sức mạnh”

Giám đốc điều hành, đồng thời là một trong những chủ sở hữu của Tập đoàn, ông Bakonyi Zoltán không phải không có chút lý nào khi tuyên bố trước báo giới ngay tại hiện trường tai nạn: vách chắn bùn với độ cao 30 – 40 m, bề rộng 40 – 50 m, nơi rộng nhất là 65 m, là “biểu tượng của sức mạnh”, của sự chắc chắn. Cũng như, theo ông, tai họa sinh thái này chỉ có thể là sự đồng lõa bất hạnh của những yếu tố thiên nhiên, nói cách khác, có “bàn tay của Chúa Trời”!

Truyền thông Hungary bình luận, bản chất vấn đề ở đây, bên cạnh yếu tố kỹ thuật và con người, có lẽ là bởi chính quá trình sản xuất và chế biến từ bauxite ra alumina, cũng như công nghệ cất giữ bùn đỏ - với trình độ và khả năng kỹ thuật hiện tại - luôn hàm chứa những hiểm họa khôn lường cho tính mạng con người và hệ sinh thái.

Cho dù có thể đặt hệ bể chứa ở những nơi hoang vắng, không có người qua lại, nhưng bùn đỏ ở dạng ướt vẫn có thể hủy hoại cả hệ sinh thái và môi trường tại đó. Còn bùn ở dạng khô, không chảy thành dòng lũ, vẫn có thể bị gió cuốn đi rất xa, xâm nhập hệ hô hấp vẫn gây bệnh tật và ung thư cho con người. Giải pháp thay thế công nghệ thải bùn “ướt” bằng công nghệ “khô”, trên nguyên tắc giảm một số rủi ro, nhưng làm chi phí tăng vọt, không chắc là sự lựa chọn thực sự của các doanh nghiệp trong hoàn cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng hiện nay.

Đó là con chưa nói tới chuyện, tầm nhìn đương thời - cả trên bình diện chính sách, quản lý lẫn khoa học - vẫn chưa thể vượt quá được tầm thời gian 40 - 50 năm, những nguy hại khôn lường của bùn đỏ và chất thải công nghiệp còn đó, không ai dám đoan chắc được tương lai. Xuất phát từ suy nghĩ đó, không ít ý kiến trong công luận Hungary đề xuất việc đình chỉ hoàn toàn chế biến bauxite.

Trong vụ tràn bùn vừa qua, cho đến nay, dường như xã hội Hungary đã đồng thuận trong cái nhìn về sự hiểm nguy tiềm ẩn trong ngành công nghiệp chế biến alumina, chính giới nước này cũng đã có quyết tâm chính trị để giải quyết hợp lý vấn đề này. Xét trên khía cạnh lạc quan ấy, thảm họa môi sinh hiện tại không phải là không để lại những bài học bổ ích và đáng suy ngẫm.

H. N.

Pháp Luật TP HCM

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay