Thiên Sứ

Cảm ơn Sơn Tinh! Cảm ơn Hà Nội!

3 bài viết trong chủ đề này

Cảm ơn Sơn Tinh! Cảm ơn Hà Nội!

08/10/2010 17:15:15

Posted Image- Nghe tin nước lụt ở Tân Hóa rút, ai đó nói: “Này chàng Sơn Tinh vẫn cứu được dân nhỉ? Chị nhớ “nói” với Quảng Bình đừng phá núi đá nữa.... Và nhớ cảm ơn Sơn Tinh".

1. Lại nhớ ngọn lèn (núi đá) ở xã Tân Hóa trận lụt năm 2007. Một người già vừa rời núi đá về làng cười nhẹ tênh: “Bầy tui (chúng tôi) không chết mô (đâu). Bao nhiều đời nay, cứ lụt là chạy vô lèn thôi. Cả trâu, bò cũng thế, cứ thấy nước lên là chúng tự động chạy vô lèn, không cần người giục giã gì...”.

Người dân ven sông Gianh quê tôi cứ mùa lũ là nhìn lên lèn đá. Bà nội tôi bảo: Thấy nước lên là làng đánh trống mõ thật to rồi lùa trâu bò vô lèn. Lâu rồi quen: trâu bò nghe đánh trống, đánh mõ là tự động tránh vô đấy. Ngày xưa đạn, bom, chạy giặc cũng cũng thế...”.

Posted Image

Hà Nội, trái tim của cả nước.

Ừ, nhớ thủa nhỏ tôi đã men theo những con đường mòn bé tí tẹo lên lèn hái củi. Đã tìm những hang đá sẵn để bảo với bà nội: “Lụt to, tra (gác gỗ) không còn chỗ trú thì trèo lên đó ở....”.

Giờ, mỗi lần về quê, tôi lại nhìn lên lèn.

Làng quê mỗi ngày một giàu lên. Nhà cao hơn. Những nhà máy xi măng mọc lên “gặm” dần từng ngọn lèn. Nhiều lần giật mình tự hỏi, không biết người quê mình còn nhớ chuyện “vô lèn”.

2. Hôm nay, sau gần 5 ngày màn trời, chiếu đất, đói khát, các hộ dân xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đang dần dần di chuyển khỏi hang đá.

Không ai bị chết vì đói, vì rét.

Posted Image

Cảm ơn chàng Sơn Tinh của miền Trung

Đó là sự can trường phi thường của những con người bao đời quen tựa lưng vào núi đá.

Đó là kết quả của những nỗ lực trợ giúp của cấp Đảng, Chính quyền huyện, tỉnh, Trung ương và đặc biệt của “các chú bộ đội” (Quân khu 4).

TIN LIÊN QUAN

Đó là kết quả của những nỗ lực kết nối thông tin từ nơi hang sâu cùng cốc này với cộng đồng của giới truyền thông mà trong đó, Đài truyền hình Quảng Bình cùng những cộng sự của họ ở Đài huyện Minh Hóa có thể coi là điển hình, là tiêu biểu.

Nhưng công cứu sống 650 hộ dân (gồm 3.500 nhân khẩu) ở Tân Hóa, công lớn nhất thuộc về lèn (núi đá), mà trong đó không thể không kể tới những cái hang....

Lại nhớ câu văn trứ danh trong bài “Cây tre Việt Nam” của nhà văn Thép Mới: “Rừng che bộ đội. Rừng vây quân thù...”. Vâng! Giờ đây, đâu đó trong hang đá rộng nhất của dãy Trường Sơn vẫn còn lưu dấu vết của Bệnh viện 559 (Bệnh viện của Binh đoàn Trường Sơn thời chống Mỹ). Nơi đó, đã từng che chở và cứu chữa cho những thương binh đánh Mỹ, trong đó không ít người con Hà Nội.

Cảm ơn lèn, chàng Sơn Tinh của miền Trung!

3. Cũng ngày hôm nay, Hà Nội công bố hủy bắn pháo hoa tại 29 điểm để dành tiền cứu trợ miền Trung. Nhiều người dân hớn hở “hoan hô” Hà Nội.

Cách đây 6 ngày, hôm đầu tiên trận lụt ập đến miền Trung, Hà Nội đã chuyển ngay 5 tỷ đồng ủng hộ. Người ta thấy, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị đã có một cách hành xử xứng tầm với vị thế của một vị lãnh đạo của TP Hà Nội bước sang tuổi 1000: Tổ chức buổi quyên góp ngay tại “thủ phủ” của Thành ủy Hà Nội.

Có lẽ chưa bao giờ sự tri ân của cả nước với miền Trung được thể hiện một cách đặc biệt như đợt này.

Thêm một lần tinh thần can trường của người dân miền Trung được khích lệ để họ bền gan hơn nơi đầu sóng ngọn gió của biển Đông.

Cảm ơn Hà Nội!

4. Hôm nay, có bạn đọc gọi điện tới tòa soạn: “Tôi lên Hà Nội để xem pháo hoa. Bây giờ ngừng rồi biết xem gì bây giờ?”.

Rồi anh tự trả lời: “Nhưng thế này thì đành nhịn xem pháo hoa vậy. Vì miền Trung”.

Lương Bích Ngọc

===================

Lời bình của Thiên Sứ:

Bởi vậy, những luận chứng "pha học" để xây nhà máy xi măng thì rất hùng hồn. Nhưng tiếc thay! Nó lại không có một tính hợp lý toàn diện.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ðứng dậy sau lũ

Thứ Bảy, 09/10/2010, 09:25 (GMT+7)

TT - Bức ảnh với dòng chú thích “Những cánh tay trổ mái nhà kêu cứu ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khi canô cứu nạn đi qua” (Tuổi Trẻ ngày 7-10) đã gây ấn tượng đặc biệt với bạn đọc.

Đến với “2 cánh tay” kêu cứu

Ngày 8-10, sau ba ngày chụp bức ảnh này, PV Tuổi Trẻ đã ngược dòng nước tìm lại người trong ảnh và nghe được câu chuyện thoát chết đầy cảm động. Hai cánh tay đó là của hai anh em ruột.

Posted Image

Bức ảnh cảm động với hai cánh tay kêu cứu của hai anh em Khánh và Linh trong phóng sự ảnh ngày 7-10-2010 của Tuổi Trẻ

Posted Image

Nước lũ vừa rút, hai anh em Khánh và Linh phải ra đồng giăng lưới kiếm cái ăn cho cả nhà - Ảnh: Hữu Khá

Sáng 6-10, chúng tôi cùng lên chiếc canô lao từ xã Sơn Trạch qua xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Đi tìm “hai cánh tay” kêu cứu

Khi đi qua một ngôi nhà bị nước ngập lút chỉ còn nóc, đoàn cứu nạn phát hiện trên mái nhà có hai cánh tay yếu ớt vẫy trong mưa kêu cứu. “Cứu người như cứu hỏa”, nhưng ngặt nỗi canô không thể cập vào căn nhà này vì gặp vô số vật cản. Để cứu được người bị nạn, đoàn đã quyết định quay canô lại một nhà dân có bè tre gần đó giao mì gói, nước và chỉ dẫn cho những người trong nhà này đến cứu.

Suốt hai ngày vật lộn với lũ, những cảnh tang thương cứ dồn dập hiện lên, nhưng hình ảnh hai cánh tay yếu ớt trên mái nhà mù mịt trong màn mưa cứ ám ảnh chúng tôi. Liệu người trong ảnh có sống sót qua cơn lũ dữ?

Sáng 8-10, chúng tôi trở lại vùng lũ Sơn Trạch, vừa đi vừa hỏi thăm có ai biết ngôi nhà trong ảnh ở đâu. Người ta chỉ về làng Cù Lạc nhưng người làng không thể nào nhận diện được ngôi nhà. Làng xóm sau khi lũ rút đã khác hẳn với biển nước mênh mông trong các bức ảnh. Đi hết làng Cù Lạc cũng đành chịu. Không bỏ cuộc, chúng tôi tìm qua làng Bắc Giang, xã Hưng Trạch cạnh đó. May mắn sao, chúng tôi đã tìm ra đúng ngôi nhà cần tìm.

Hai cánh tay huơ lên trong mưa lũ kêu cứu là của hai anh em ruột: Nguyễn Văn Khánh (15 tuổi) và Nguyễn Thị Thùy Linh (8 tuổi). Nhà đã hết sạch thức ăn nên sau khi nước vừa rút, Khánh và em gái đã ra đồng kiếm cá. Ông Nguyễn Văn Khanh, cha của Khánh và Linh, bảo: “Lũ rút rồi nhưng gạo cơm không còn. Thương con mấy ngày ni phải nhai sống mì gói nên hôm ni tui phải chạy xuống thị trấn mua ít gạo về nấu. Còn hai đứa nhỏ và vợ tui ra ruộng thả tay lưới kiếm chút thức ăn. Cả hai anh em chúng nó đều đang đi học nhưng lũ làm ướt hết sách vở nên chắc phải nghỉ học”.

Posted Image

Hai em Khánh và Linh trên cánh đồng ngập nước ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Cả ngày lặn lội trên đồng chỉ kiếm được một con cá nhỏ Ảnh: Hữu Khá

36 giờ đói rét trên mái nhà

Chiều 4-10, thấy con nước dữ dằn quá, ông Khanh đã đưa vợ và con nhỏ đi lánh nạn ở nhà bà con. Chập tối, khi ông cùng hai đứa con còn ở lại nhà là Khánh và Linh vừa ăn xong mấy vắt cơm nguội thì nước đã lên quá cao, không thể chạy đi đâu. Ông Khanh đưa hai con lên sàn gỗ trên mái nhà (người địa phương gọi là cái tra). Chăn màn đã ướt hết, ông chỉ kịp trùm chiếc áo cho hai con nhỏ và lấy túi nilông cho chúng chui vào đỡ lạnh.

Trong khi đó, nước mỗi lúc càng lên nhanh. Chỉ trong phút chốc nước đã ngập đến sát sàn gỗ. Trong lúc nguy cấp này, ông Khanh phải để hai con ở nhà một mình vì ông phải bơi qua xóm bên sơ tán cha mẹ già. Lo cho cha mẹ già xong, ông Khanh định quay về ngay với con nhưng dòng lũ chảy xiết quá, ông đành bó chân nhìn về nhà mình mà ruột nóng như lửa đốt.

Khánh nhớ lại: “Trước khi đi cứu ông bà nội, ba bồng hai anh em con lên ngồi trên sàn gỗ sát mái nhà nhưng áo con ướt hết. Chờ mãi vẫn không thấy ba về. Bé Linh lạnh quá run cầm cập. Đến nửa đêm khi thấy nước đụng đến chân, bé Linh sợ quá ôm con khóc thét lên. Con la lên kêu cứu nhưng trong đêm tối không ai nghe hết. Con gào được một lúc thì không còn hơi nữa nên nằm lăn ra”.

Gặp chúng tôi, bé Linh vẫn chưa hết hoảng sợ sau hai ngày đêm sống trên mái nhà. Giọng bé run run: “Con khiếp quá chú ơi. Đêm đó con khát quá, lại sợ chết nữa. Nước lên thêm chút nữa là anh em con chết rồi”. Chỉ có hai đứa nhỏ trên nóc nhà trong đêm tối đen đó, mưa gió bốn bề cùng nước lũ chảy xiết.

Rạng sáng, nghe tiếng động, hai anh em Khánh và Linh đẩy mạnh viên ngói và nhìn ra ngoài. Khi thấy một chiếc thuyền chạy qua, Khánh liền đưa tay vẫy kêu cứu nhưng không ai nghe thấy. “Đến gần trưa con nghe tiếng máy rù rù của chiếc canô nên bảo em con cùng thò tay ra kêu cứu. Vậy là một lát sau có người chống bè đem thức ăn tới cho hai anh em con. Người này bảo nước lũ đang rút và dặn anh em con ngồi yên tại chỗ chờ ba về”.

Sau hai ngày một đêm không về nhà được, ông Khanh tưởng sẽ không gặp lại con nữa. Khi về đến nhà nhìn thấy hai con đang nhai gói mì của đoàn cứu trợ, ông Khanh chỉ biết ôm con khóc nức nở.

HỮU KHÁ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cháu chào chú Thiên sứ!!

Cháu xin chúc mừng chú và Trung tâm đã thành công giúp Đại lễ thành công tốt đẹp.

Cháu thiết nghĩ nếu người dân Việt Nam ai cũng có trách nhiệm như chú thì tốt biết mấy....

Chúc Chú và đại gia đình lyhocdongphuong luôn mạnh khỏe, sáng suốt và bồi dưỡng được nhiều người tài giúp ích cho đời.

Kính chú!

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay