wildlavender

Nói Mơ Hồ

2 bài viết trong chủ đề này

Nói mơ hồ – một nghệ thuật hùng biện

Nhà hùng biện thành công nhờ tài lập luận. Trong không ít trường hợp, dùng những yếu tố mơ hồ khi nói năng lại là phương kế giao tiếp thành công. Tiếng Việt không xa lạ với thủ pháp này, bằng chứng là dân gian có câu “Người khôn ăn nói nửa chừng/Để cho người dại nửa mừng nửa lo” (ca dao), hay “Làm trai cứ nước hai mà nói” (tục ngữ).

Thế nào là ăn nói nửa chừng?

Đó là nói những câu không xác định: ngoài những câu mơ hồ có nhiều cách hiểu còn là những câu không có địa chỉ, ở đó không xác định được các yếu tố ai, ở đâu, khi nào, việc gì.

Có một ông vua hiếu chiến muốn đánh nhau với nước Ba Tư, nhưng không tin lắm vào khả năng chiến thắng. Ông bèn tới cầu ở một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng để xin lời phán của thần linh. Thần phán như sau: “Nếu đánh nhau với Ba Tư, một vương quốc hùng mạnh sẽ bị phá tan tành”. Ông vua ngu ngốc này cả mừng, vội đem quân tiến đánh Ba Tư nhưng đại bại, chỉ mình ông thoát được. Bực tức, ông ta lén gửi thư đến trách thần linh đền nọ đã phán sai với bút danh Người cầu xin tức giận. Ít lâu sau, người coi đền nọ gửi thư trả lời: “Thần linh đâu có nói sai. Chẳng phải là vương quốc mà ông trị vì – một vương quốc hùng mạnh, đã bị phá tan tành đó sao!”

“Một vương quốc hùng mạnh” là cụm từ không có địa chỉ: vương quốc nào vậy? Từ một và những từ chỉ số lượng sẽ làm danh từ đi sau nó thành không xác định. Các đối tượng trong truyện cổ tích không xác định nên người ta dùng từ một: Ngày xưa có một ông vua, có một mụ phù thuỷ trong một khu rừng; ở một làng nọ có một ông lão, có một chàng trai, có một gia đình… Thế là câu “Một vương quốc hùng mạnh sẽ bị phá tan tành” thành mơ hồ. Nếu Ba Tư thua thì câu của thần linh vẫn đúng!

Dùng những từ ngữ trống rỗng, không có thông tin đích thực cũng là cách nói nước đôi. Có người hỏi Pistalos, một nhà giáo dục học nổi tiếng người Thuỵ Sĩ, rằng: “Ngài có thể nhận ra một đứa trẻ lớn lên sẽ thành người thế nào không?” Pistalos trả lời: “Đương nhiên rồi. Một bé gái lớn lên sẽ thành một phụ nữ. Một bé trai lớn lên sẽ thành một đàn ông”.

Câu trả lời trên dù không trúng ý người hỏi, nhưng người ta không thể bắt bẻ được. Trong ngoại giao, người ta hay dùng cách trả lời này, những ngôn từ trống rỗng vĩ đại.

Nói nước đôi để thoát hiểm

Đó là trường hợp né tránh bằng từ ngữ lẫn lộn lớp, loài của đối tượng. Khi nói “Trâu là loài nhai lại” thì trâu chỉ lớp, tức là tập hợp các con trâu. Còn “Nhà anh chín đụn, mười trâu” (ca dao) thì trâu chỉ một phần tử của tập hợp các con trâu.

Nhiều từ ngữ vừa được dùng để chỉ tập hợp, vừa chỉ phần tử của một tập hợp. Theo cách này, Lưu Đường đã trả lời được câu hỏi khó của vua Càn Long: “Chín cửa kinh thành, mỗi ngày đi ra bao nhiêu người và đi vào bao nhiêu người?” Tài thánh cũng không biết chính xác được, nên Lưu Đường né tránh: “Bẩm hai” – “Sao lại chỉ có hai người?” – “Thưa thánh thượng, thần không nói hai người mà là hai loại người: một là nam và một là nữ” – “Vậy thì một năm đẻ ra bao nhiêu và chết đi bao nhiêu người?” – “Muôn tâu thánh thượng, cả nước Đại Thanh mỗi năm đẻ một và chết đi 12” – “Cứ vậy rồi sẽ hết người hay sao?” – “Thần nói trên lý số sinh tử. Ai sinh vào năm Ngọ thì mang tuổi Ngọ. Nên thần nói là mỗi năm sinh một. Ai chết vào giờ nào thì cũng không thoát khỏi 12 con giáp. Nên thần nói là mỗi năm chết 12!” (theo Triệu Truyền Đống).

Cài bẫy mơ hồ để bảo vệ công lý

Chuyện kể rằng ở một làng nọ, một nhà giàu có con là Lý Chính Tần từ nhỏ đã đính hôn với tiểu thư họ Trang. Sau một đám cháy, họ Lý mất sạch cơ nghiệp, thế là Trang tiểu thư lại đi đính thân với tú tài họ Tiền giàu có. Họ Lý lên kiện Bao Công. Bao Thanh Thiên khuyên cô gái họ Trang nên giữ lời ước cũ, nhưng cô không chịu. Thế là Bao Công đành lập mẹo khi xét xử: tạo tình huống để cô gái nói câu mơ hồ rồi ông giải thích theo ý mình. Bao Công làm như sau: đưa ba người ra công đường và bắt tú tài họ Tiền, Trang tiểu thư và Lý Chính Tần theo thứ tự quỳ một hàng dọc. Ông nghiêm trang nói với Trang tiểu thư: “Trên công đường không nói chơi, cô muốn lấy tiền phu hay hậu phu cho cô chọn. Nhưng đã chọn rồi thì không được chữa lại, phải lập bằng cớ ngay”. Trang tiểu thư ngẩng đầu nhìn, thấy phía trước là tú tài họ Tiền, bèn đáp: “Tiểu nữ xin lấy tiền phu”. Bao Công cười lớn. Sau khi tiểu thư nọ ký vào văn bản vừa lập về lời của tiểu thư, ông nói: “Trang tiểu thư rốt cuộc là người hiền huệ, không tham giàu, vẫn muốn lấy người chồng trước”. Tiểu thư lúc này mới vỡ lẽ: tiền phu không phải là người đàn ông phía trước như cô hiểu mà là người chồng trước! Thật ra, nếu cô gái nọ có nói muốn lấy hậu phu thì Bao Công cũng có thể xoay sang: “Trang tiểu thư muốn lấy người đàn ông phía sau”(!)

GS TS Nguyễn Đức Dân

sgtt.com.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tiếng Việt có mơ hồ, thiếu chính xác?

Trong bài này tôi chỉ đề cập tới hiện tượng mơ hồ – một câu có ít nhất hai cách hiểu, chứ chưa bàn tới kiểu người khôn ăn nói “nửa chừng”, hay làm trai cứ “nước hai” mà nói. Thứ tiếng nào cũng có những câu mơ hồ. Tiếng Việt không là ngoại lệ.

Đã từng có quan niệm “tiếng Việt là thứ tiếng của thi ca…”

Đã từng có quan niệm “tiếng Việt là thứ tiếng của thi ca, tiếng Anh ­– thứ tiếng của thương mại, tiếng Pháp – thứ tiếng của ngoại giao”. Quan niệm xưa cũ này vừa khen lại vừa chê tiếng Việt: một thứ ngôn ngữ nhiều hàm ý thích hợp với đặc thù “ý tại ngôn ngoại” của ngôn ngữ thơ ca, nhưng cũng chính vì thế mà thiếu chính xác, mơ hồ trong diễn đạt.

Ngôn ngữ nào cũng mơ hồ

Hẳn bạn biết không ít truyện cười do có những câu không biết hiểu thế nào cho đúng. Nghe câu “Ba về làng hỏi vợ” quả là chúng ta không biết Ba về làng để cầu hôn hay xin ý kiến bà xã.

Năm 1969, trong một quyển sách nghiên cứu về ngữ pháp tạo sinh trong tiếng Anh, R. Jacobs và P. Rosenbaum đã chỉ ra câu tiếng Anh sau đây có sáu cách hiểu: “The seniors were told to stop demonstrating on campus”. Còn Iu. Aprexjan, nhà ngôn ngữ học Nga trong quyển sách Những quan niệm và phương pháp của ngôn ngữ học cấu trúc hiện đại xuất bản năm 1966 đã đưa ra một câu tiếng Nga có tới… 32 cách giải thích khác nhau kia đấy! Theo phép chuyển tự chữ Nga sang chữ Latinh câu này như sau: “Splochenie rabochikh brigad vyzvalo osuzhdenie tovarishcha ministra” (sự hợp nhất – của công nhân – của các đội – đã gây ra – sự phán xét – của đồng chí – của bộ trưởng).

Có sự mơ hồ do những từ đồng âm. Khi ông thầy bói gieo cho bà lão móm tính chuyện đi bước nữa một quẻ “Lợi thì có lợi (nhưng răng không còn)” ấy là ông đã chơi chữ trên hai từ lợi đồng âm. Số lượng từ đồng âm trong nhiều ngôn ngữ lớn gấp nhiều lần so với tiếng Việt. Tiếng Hàn chẳng hạn. Trong tiếng Hàn có rất nhiều từ gốc Hán. Tiếng Hán có bốn thanh, còn tiếng Hàn thì không. Mà chữ Hàn là thứ chữ ghi âm. Thế là rất nhiều từ Hán cùng vần khác thanh khi vào tiếng Hàn liền trở thành những từ đồng âm. Người Hàn đọc chữ Hàn nhiều khi cũng chẳng hiểu đích thực nghĩa. Ví dụ: có nhiều tiếng Hàn phát âm là sung nên khi viết từ Samsung công ty này đã phải chữ Hán tinh vào sau chữ sung để người đọc hiểu rằng Samsung là tam tinh. Logo của Samsung là ba ngôi sao.

Giữa các ngôn ngữ tự nhiên có những kiểu mơ hồ giống hệt nhau.

Mơ hồ ở cấp độ cụm từ. Một cụm từ có thể dùng thể hiện nhiều kiểu quan hệ ngữ pháp khác nhau. Đây là hiện tượng mơ hồ ngữ pháp. Khi viết “sự phê bình truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan” chúng ta đã tạo ra một cụm từ mơ hồ. Người đọc không biết nên hiểu là “Nguyễn Công Hoan viết bài phê bình các truyện ngắn” hay “người ta phê bình các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan”. Tương tự danh ngữ tiếng Anh the shooting of the hunters, tiếng Pháp le tir des chasseurs hoặc tiếng Nga strel’ba okhotnikov đều có thể hiểu là sự bắn là của người đi săn mà cũng có thể hiểu là sự bắn người đi săn.

Mơ hồ ở cấp độ câu. Lấy câu so sánh làm ví dụ. Khi viết: “Tôi cũng thích trà như càphê” thì trà và càphê là hai đối tượng mà tôi thích như nhau. Khi viết: “Tôi cũng thích trà như anh” thì trà là đối tượng mà cả anh và tôi đều thích. Còn câu “Tôi cũng thích cô ấy như anh” chấp nhận cả hai cách giải thích nên nó thành mơ hồ. Hoặc là cô ấy và anh là hai người mà tôi thích như nhau. Hoặc là tôi và anh thích cô ấy như nhau. Trong tiếng Pháp và tiếng Anh, lối so sánh này cũng mơ hồ y hệt như vậy.

Có thể dẫn ra hàng loạt kiểu mơ hồ giống nhau giữa các ngôn ngữ tự nhiên. Tuy nhiên, ngôn ngữ nào cũng có những kiểu mơ hồ đặc thù. Cách đây hơn 50 năm, nhà văn hoá Phan Khôi đã “kiểm thảo đại danh từ” tiếng Việt. Theo ông, nó rắc rối quá. Vào một nhà lạ chẳng biết xưng hô thế nào với từng người cho phải phép, cho hợp với quan hệ tôn ti của họ trong gia đình ấy. Nhưng chính vì cách xưng hô khá tinh tế và mang màu sắc tôn ti, trọng – khinh, thân – sơ… này mà số lượng những câu mơ hồ liên quan đến lớp đại từ sở hữu ở tiếng Việt ít hơn hẳn so với các tiếng Nga, Anh, Pháp – những ngôn ngữ có lớp đại từ trung hoà về sắc thái nghĩa.

Vì sao nói tiếng Việt chính xác?

Nghe câu “Ba về làng hỏi vợ” quả là chúng ta không biết Ba về làng để cầu hôn hay xin ý kiến bà xã.

Nếu thiếu từ ngữ diễn đạt những khái niệm mới thì chúng ta vay mượn. Điều này đã và đang xảy ra với mọi ngôn ngữ. Vấn đề còn lại chỉ là khả năng diễn đạt chính xác của tiếng Việt. Tuy có những hiện tượng mơ hồ, nhưng phần lớn khi đặt trong tình huống giao tiếp cụ thể, hiện tượng mơ hồ đều mất đi. Hãy lấy hai câu khác nhau đúng một phụ âm cuối: “Chú tôi bị Mỹ bắn trong lúc đi càn” và “Chú tôi bị Mỹ bắn trong lúc đi cày”. Về lý thuyết hai câu này đều mơ hồ: Mỹ hay chú tôi đi càn/đi cày? Nhưng trong thực tế không có chuyện “Mỹ đi cày” ở Việt Nam nên câu sau là rõ ràng.

Hơn nữa, tiếng Việt có những phương thức diễn đạt chính xác và rõ ràng nội dung cần thông báo. Đó là phương thức dùng dấu câu, dùng trật tự từ, dùng từ hư, từ đồng nghĩa, thay đổi cấu trúc câu… Một ví dụ: “Ba đã biếu thầy giáo chủ nhiệm lớp bảy quyển sách mới mua hôm qua”. Nếu muốn nói rõ “bảy quyển sách” chứ không phải là “Thầy giáo chủ nhiệm lớp bảy”, và đây là “sách mới” chứ không phải là “mới mua” thì chỉ cần thêm hai dấu phẩy: Ba đã biếu thầy giáo chủ nhiệm lớp, bảy quyển sách mới, mua hôm qua. Nếu muốn nói là “biếu hôm qua” chứ không phải “mua hôm qua” thì chỉ việc đảo trật tự: Hôm qua ba đã biếu thầy giáo chủ nhiệm lớp, bảy quyển sách mới mua. Nếu muốn nhấn mạnh tới mới mua thì hãy dùng cách thêm/thay từ: Hôm qua ba đã biếu thầy giáo chủ nhiệm lớp, bảy quyển sách vừa mới mua.

Thực tế, chúng ta đã và đang dùng tiếng Việt để diễn đạt chính xác những văn bản quan trọng về ngoại giao, quân sự, thương mại, luật pháp… Tiếng Việt có đầy đủ khả năng diễn đạt chính xác những điều cần bộc lộ.

Bài này chưa bàn đến cách khai thác hiện tượng mơ hồ trong ngôn từ nghệ thuật.

GS.TS Nguyễn Đức Dân

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay