Thiên Sứ

Đừng đốt Bằng Tranh Trên đất Mỹ

5 bài viết trong chủ đề này

Đừng đốt bằng tranh trên đất Mỹ

TP - Giữa tháng 1 - 2010,Tiền Phong đăng loạt bài 'Thêm một Đừng đốt bằng tranh', như chiếc cầu nối để cuốn ký họa được gặp lại chủ nhân, người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn. Nhưng câu chuyện lưu giữ cuốn nhật ký trên đất Mỹ 42 năm... vẫn là câu hỏi chưa giải đáp.

Sau nhiều ngày tìm kiếm, nhờ sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao, Văn phòng MIA (Mỹ) tại Việt Nam, Thượng tá Trần Thanh Hằng (cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), báo Tiền Phong đã có câu trả lời, đúng dịp kỷ niệm 35 năm ngày vui Thống nhất.

Posted Image

Ông Ronald Ward gặp tác giả Lê Đức Tuấn tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN, phía sau là sơ đồ trận đánh Chư tan Kra. Ảnh: PV

Kỳ 1: Ký họa bằng tranh qua lời kể của Thiếu tá Mỹ Robert B Simpson

Tháng 11-2009, ông Robert Newberry, Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ (DASD), Giám đốc cơ quan phụ trách vấn đề tù binh và người mất tích của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DPMO), vừa nhậm chức đã sang thăm Việt Nam. Ông có mang theo 56 di vật chiến tranh của quân nhân Việt Nam mà phía Mỹ thu thập được. Số di vật này do hai gia đình cựu chiến binh Mỹ lưu giữ, nay đề nghị trao trả phía Việt Nam.

Ông Robert Newberry cho biết: “Họ lưu giữ từ khi chiến tranh kết thúc và nhờ chúng tôi gửi lại những di vật này cho Việt Nam với hy vọng giúp tìm kiếm người mất tích hoặc an ủi gia đình các quân nhân đó”.

Sau đó, những di vật trên được trao cho Bộ Ngoại giao Việt Nam. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp nhận lại và giao cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ.

Theo lời Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, sau khi trao, tướng Nguyễn Chí Vịnh có dặn: “Phải gắng tìm được thân nhân của những kỷ vật này. Vì đó là những kỷ vật vô giá, có thể chủ nhân của những kỷ vật đã hi sinh nhưng nếu tìm được người thân của họ, đó sẽ là niềm an ủi rất lớn”.

Trong số các kỷ vật trên có một thứ rất đáng chú ý. Đó chính là cuốn sổ được bảo quản rất cẩn thận, sau 42 năm nhưng vẫn nguyên vẹn, chỉ hơi ngả màu, trong đó có những ký họa bằng tranh rất sinh động được vẽ và đề ngày tháng như một cuốn nhật ký. Dưới mỗi bức tranh đều có chữ ký của tác giả là L.Đ Tuấn.

Cùng với cuốn nhật ký là bản phô tô bài báo “Sketches found on dead N. Vietnamese tell story” (tạm dịch Chuyện kể từ cuốn ký họa được tìm thấy trên thi thể của người lính Bắc Việt) của phóng viên Charles Black, đăng trên tờ thời báo the Columbus Enquirer ở bang Georgia, ngày 20 tháng 5 năm 1968. Tác giả bài báo, qua lời kể của Thiếu tá Robert B Simpson (người thu được cuốn ký họa tại Tây Nguyên năm 1968), cho rằng L.Đ Tuấn đã bị thiệt mạng ở khu vực đồi Yên Ngựa, tọa độ YA 939913, thuộc Chư tan Kra.

Ngay sau khi cuốn ký họa được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tiếp nhận, báo Tiền Phong với sự cộng tác của Văn phòng Cuộc vận động sưu tầm kỷ vật kháng chiến đã đăng tải loạt bài Thêm một Đừng đốt bằng tranh. Cũng từ những bài báo ấy, phóng viên đã tìm được tác giả của cuốn nhật ký bằng tranh, người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn.

Ông đã ở tuổi thất thập, hiện sống tại căn hộ 502, Tập thể báo Quân đội Nhân dân, số 4B Lý Nam Đế, Hà Nội. Tuy nhiên, đến lúc này, những thông tin về những người lưu giữ cuốn nhật ký ở phía bên kia bán cầu vẫn bặt vô âm tín, dù Thượng tá Trần Thanh Hằng và phóng viên đã tìm mọi cách liên lạc.

Thượng tá Trần Thanh Hằng cho biết, thời điểm này, có một vị khách Mỹ tìm đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nơi lưu giữ cuốn ký họa. Hình như đã có kế hoạch từ trước nên ông bước thẳng đến khu trưng bày triển lãm Những kỷ vật kháng chiến - Sống mãi với thời gian (triển lãm có trưng bày cuốn ký họa của Lê Đức Tuấn).

Cùng đi với vị khách Mỹ là một cán bộ của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ông giới thiệu vị khách Mỹ là Ronald Ward, Trưởng phòng Giải quyết thương vong thuộc Văn phòng MIA ở Việt Nam.

“Ông Ronald Ward còn có một tên khác là Hòa. Danh xưng này do chính những người bạn Việt Nam đặt cho. Họ đặt như vậy vì tính tình ông rất hiền hòa, nói tiếng Việt rất chuẩn, chất giọng như người Hà Nội”, vị cán bộ Bộ Ngoại giao giới thiệu.

Trong cuộc trò chuyện, ông Hoà nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt. Ông Hoà cho biết: “Tôi rất chăm chú đọc, theo dõi loạt bài viết về cuốn nhật ký bằng tranh và chuyện tìm thấy tác giả của nó trên báo Tiền Phong. Sau khi nghiên cứu loạt bài trên, nói thật, tôi cũng đã tìm cách liên lạc với Thiếu tá Robert Simpson tại Mỹ”.

Posted Image

Từ trái qua, ông Ronald Ward, Thiếu tướng Lê Mã Lương, ông Lê Đức Tuấn, Thượng tá Trần Thanh Hằng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Và lời kể của Robert B Simpson

Ông Ronald Ward kể, sau khi hỏi dò qua khá nhiều đầu mối, ông đã có được địa chỉ mail của Thiếu tá Robert B Simpson. Robert Simpson khẳng định, chính ông là người tặng cuốn ký họa cho tướng Peers (Tư lệnh Sư đoàn 4 Mỹ khi ấy) ngày 26-3-1968, nhưng ông từ chối trao đổi thêm. Robert Simpson nói: “Tôi không phải là người nổi tiếng, không phải anh hùng, không muốn nhiều người để ý, chuyện cũ qua rồi nên tôi không muốn nhắc lại điều gì”. Chỉ đến khi Ronald Ward kể câu chuyện Lê Đức Tuấn, tác giả của cuốn nhật ký bằng tranh vẫn còn sống, thì Robert Simpson đã lặng người.

Khoảng 8 giờ sáng, tôi đi kiểm tra trận địa. Các cộng sự của tôi thu về được một số ba lô, trong đó một chiếc ba lô có cuốn ký họa và một ít chì, mầu nước. Kiểm tra xong tôi nói: Đưa đây, đừng đốt, trong đó có những tin tức tình báo. Sau đó, tướng William R. Peer đáp máy bay đến kiểm tra. Tôi đã tặng ông cuốn ký họa này, trước khi đã lấy 3 bức tranh trong đó để nghiên cứu.

- Thiếu tá Robert Simpson

Rồi ông hồi tưởng lại về cái thời ông còn là sĩ quan tác chiến của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 8, Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ và về trận chiến của đơn vị ông với Trung đoàn 209 Bắc Việt của Lê Đức Tuấn cách đây 42 năm.

Tuy nhiên, những hồi tưởng của Robert Simpson về trận Chư tan Kra (tỉnh Kon Tum) khá mơ hồ. “Đã quá lâu rồi, tôi không thể nhớ được chính xác”. Sau cuộc trao đổi này, để giúp Robert Simpson nhớ lại trận chiến năm xưa, chính ông Ward đã sưu tầm bản báo cáo do Trung tá D.M. Malone, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3/8 Sư đoàn 4 bộ binh soạn thảo, mô tả về trận Chư tan Kra gửi cho Robert Simpson. Nhờ có tài liệu này, Robert Simpson đã nhớ lại toàn bộ trận chiến ở Chư tan Kra, và duyên do ông có được chiếc ba lô, trong đó có cuốn ký họa bằng tranh của Lê Đức Tuấn.

Robert Simpson kể: “Khu vực tác chiến của chúng tôi là một cánh rừng, cây cối mọc um tùm. Khoảng thời gian đó thời tiết ấm áp và ẩm, không có mưa. Vào sáng sớm sương mù dày đặc, hạn chế tầm nhìn chỉ còn 1-2km.

Tình báo của chúng tôi phát hiện sự chuyển quân của đối phương từ tây sang đông, xuyên qua khu vực hoạt động của tiểu đoàn. Đơn vị tham chiến với chúng tôi có hai tiểu đoàn của Trung đoàn 209 Bắc Việt, được pháo binh hỗ trợ. Đơn vị này vừa mới vào chiến trường, được trang bị tốt một cách khác thường. Chúng tôi đã tìm thấy mũ sắt, súng phun lửa, lựu đạn CS và đế cối 82 mm.

Khoảng 1 giờ 15 phút, ngày 26-3-1968, chúng tôi phát hiện Trung đoàn 209 chuyển quân vây quanh căn cứ. Khoảng 3 giờ 20 phút, chúng tôi nghe tiếng nổ của bộc phá ở phía tây, tây bắc vành đai phòng thủ. Khu vực đóng quân của chúng tôi rung lên bởi những tiếng nổ dữ dội, liên tiếp của tiếng mìn ĐH10, súng B41.

Sau khi chọc thủng lớp rào thép gai vành đai phòng thủ, với hỏa lực dày đặc, các mũi cơ động của Trung đoàn 209 nhanh chóng đánh chiếm các công sự của chúng tôi. Bị đánh quá bất ngờ, chúng tôi không kịp trở tay. Đạn cối 60 mm, đạn cối 82 mm thi nhau rót vào cao điểm, tiểu liên AK nổ đanh gọn từng loạt ngắn, tiếng đại liên bắn lên như xé tai, lựu đạn lao vun vút về phía chúng tôi.

Tai tôi ù đặc, mắt hoa lên bởi những quầng sáng của súng phun lửa chạy loằng ngoằng. Tôi không thở được vì khói, tôi chỉ cảm nhận thấy quanh mình lửa cháy đỏ rực, khét lẹt. Trong ký ức của tôi mãi mãi không thể quên được đêm hôm đó.

Cuộc giao tranh diễn ra ở đây rất ác liệt. Đại đội D bị thương vong nặng, cơ số đạn gần hết nên buộc chúng tôi phải rút lui về khu công sự pháo binh. Khoảng 4 giờ, chu vi phòng thủ phía nam và trận địa pháo ở vành đai phía tây bị tấn công lần thứ hai. Đơn vị chúng tôi hỗn loạn, tiếng la hét hòa lẫn trong tiếng đạn nổ.

Nửa tiếng sau chúng tôi được chi viện hỏa lực và pháo sáng. Pháo dù bắn lên bốn phía sáng như ban ngày, mìn định hướng Claymore thổi ngược xuống chân núi, pháo bầy tới tấp dập xuống chân núi, máy bay tiêm kích lao xuống cắt bom, máy bay C130 chở súng máy điên cuồng vãi đạn. Đến 6 giờ 30 sáng, máy bay trực thăng của chúng tôi đổ thêm quân, tái chiếm cao điểm. Tình báo cho biết những người lính Bắc Việt đã rút.

Thanh Hằng - Bá Kiên

-----------------------------------------------------------

Kỳ sau: Bật khóc khi biết tác giả còn sống

Nhờ có sự giúp đỡ của những người Mỹ, chúng tôi đã liên lạc được với bà Penny Peers Hicks, con gái tướng William R. Peers, người đã cất giữ cuốn ký họa suốt mấy chục năm qua. Và Hicks đã bật khóc, khi biết tin Lê Đức Tuấn còn sống.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

'Đừng đốt' bằng tranh trên đất Mỹ-Bật khóc khi biết tác giả còn sống

Kỳ 1: Ký họa bằng tranh qua lời kể của Thiếu tá Mỹ Robert B Simpson

TP - Nhờ sự giúp đỡ của một số cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam và những người Mỹ, chúng tôi đã liên lạc được với bà Penny Peers Hicks, con gái tướng William R. Peers, người đã cất giữ cuốn ký họa suốt mấy chục năm qua. Và Hicks bật khóc, khi biết tin Lê Đức Tuấn còn sống.

Posted Image

Tướng Peers (trái), người lưu giữ cuốn ký họa, thời kỳ tham chiến tại Việt Nam

Tìm con gái tướng Peers

Khi chuyển giao cuốn ký họa của Lê Đức Tuấn cho Việt Nam, ông Robert Newberry, Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, đây là di vật do gia đình cựu chiến binh Mỹ gửi. Ngoài ra, có thêm bài báo (bản photo) “Sketches found on dead N. Vietnamese tell story” (tạm dịch Chuyện kể từ cuốn ký họa được tìm thấy trên thi thể của người lính Bắc Việt) của phóng viên Charles Black, đăng trên báo The Columbus Enquirer ở bang Georgia, ngày 20 tháng 5 năm 1968, viết về câu chuyện này. Dịch bài báo này, hé lộ thêm đầu mối để có thể tìm kiếm thông tin rõ hơn về những người đã cất giữ cuốn ký họa của Lê Đức Tuấn.

Trong cuộc tìm kiếm ấy, nhờ một số cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam giúp đỡ, chúng tôi đã liên lạc được với ông Jack Kull - thuộc Văn phòng Tìm kiếm người Mỹ mất tích. Ông Jack Kull là người biết con gái của tướng William R. Peers.

Posted Image

Tướng Peers và gia đình

Ông Jack Kull cho biết, chính con gái tướng Peers- bà Penny Peers Hicks- đã chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ của Chính phủ Mỹ trong việc trao trả cuốn ký họa này về Việt Nam. Bà Hicks cũng là một họa sỹ.

Từ sự giới thiệu của Jacks Kull, Thượng tá Trần Thanh Hằng, cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã liên lạc được với Penny Peers Hicks. Trong một lá thư phúc đáp, nói chuyện lưu giữ cuốn ký họa của Lê Đức Tuấn, bà Hicks viết:

“Tôi rất vui khi biết cuốn ký họa đã trở về với chủ nhân của nó. Tôi thấy rất tiếc vì đã không trả cho Việt Nam sớm hơn. Cuốn ký họa này tôi và em gái tìm được năm 2002, khi sắp xếp lại những kỷ vật của bố để lại trong một chiếc hòm. Sau đó tôi đã gửi tất cả các thứ trong đó cho Tiến sỹ Troy để ông tìm tài liệu viết về biệt đội của cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ tại Miến Điện trong suốt thế chiến thứ hai.

Posted Image

Bà Hicks

Những bức ký họa vẽ rất nhanh của ông ấy đã phác họa cuộc sống hằng ngày của người lính, bao gồm cả những bức chân dung tuyệt đẹp, tôi đã chia sẻ câu chuyện này với những người thầy và sinh viên của tôi. Tất cả đều ngạc nhiên, sửng sốt trước tâm hồn trong sáng, và tài năng của người lính họa sỹ ấy. Nó thôi thúc tôi phải trả lại nó cho Việt Nam. Tôi bật khóc khi biết ông Lê Đức Tuấn còn sống.

Penny Peers Hicks, con gái tướng Peers

Giới chức và truyền thông Mỹ quan tâm

Câu chuyện về cuốn nhật ký bằng tranh và tác giả Lê Đức Tuấn còn sống mà báo Tiền Phong đăng tải, được nhiều người trong giới chức và quân đội Mỹ quan tâm, tìm hiểu. Ông Jack Kull cho biết, nhân viên phụ trách công chúng của ông Robert Newberry đang dự định đưa câu chuyện này quảng bá trên hệ thống truyền thông Mỹ.

Ngài đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak cũng quan tâm đến câu chuyện và cuốn ký họa của Lê Đức Tuấn. Ông muốn một ngày gần nhất được gặp Lê Đức Tuấn và đề nghị Chính phủ Mỹ đưa một đoàn báo chí, truyền thông Mỹ sang Việt Nam.

Ông Ronald Ward (có tên Việt Nam là Hòa), Trưởng phòng Giải quyết thương vong thuộc Văn phòng MIA Mỹ ở Việt Nam - người liên lạc với ông Robert B Simpson cho biết: Robert B Simpson gửi lời thăm, chúc mừng ông Tuấn. Ông cũng cho biết tờ Thời báo Columbus Enquirer ở Georgia đưa tin tức về sự kiện này tháng 5 năm 1968, sẽ cập nhật những tin tức mới này trên báo.

Theo ông Hòa, đây là câu chuyện rất nhân văn, cần được quảng bá rộng rãi để nhân dân hai nước hiểu nhau, duy trì, mở rộng quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm thống kê đầy đủ nhất có thể được về những người Mỹ và quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh mà Chư tan Kra là một điểm chú ý.

Về phía Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định xây tượng đài tưởng niệm người lính Thủ đô tại núi Chư tan Kra huyện Sa Thầy - Kon Tum, hoàn thành vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chính tại đây hơn 200 người con Hà Nội đã hy sinh trong trận đánh ngày 26-3-1968.

Nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đài truyền hình Việt Nam đã liên lạc với bà Hicks, mời bà sang Việt Nam gặp tác giả cuốn nhật ký bằng tranh Lê Đức Tuấn, giao lưu, trò chuyện cùng khán giả, trong một chương trình Cầu truyền hình trực tiếp. Một cán bộ của đài cho biết, rất tiếc, đến phút cuối, Hicks không thể sang Việt Nam tham dự chương trình, vì bà bị ốm.

Thanh Hằng - Bá Kiên

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

'Nhật ký bằng tranh': Châu về hợp phố

>> Đừng đốt bằng tranh trên đất Mỹ

TP - Hôm nay, tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại sứ Mỹ trao lại ba bức tranh cuối cùng trong cuốn 'Nhật ký bằng tranh' của người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn. Cùng ba bức tranh ấy, Thiếu tá Mỹ Robert B.Simpson, người nhặt được cuốn 'Nhật ký bằng tranh' tại mặt trận Tây Nguyên năm 1968, còn gửi Lê Đức Tuấn bức thư.

Posted Image

Ba bức tranh màu nước của Lê Đức Tuấn được đăng trên báo Mỹ Columbus Enquirer, ngày 20-5-1968, nay được trả lại cho chủ nhân.

Đầu năm 2010, Tiền Phong đăng loạt bài viết về cuốn Nhật ký bằng tranh của người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn. Cuốn nhật ký được phía Mỹ gửi lại Việt Nam, sau hơn 40 năm lưu lạc. Từ cuốn Nhật ký bằng tranh này, báo Tiền Phong đã tìm được tác giả của nó là người lính - họa sỹ Lê Đức Tuấn (ông là thượng tá, nguyên cán bộ Báo Quân đội Nhân dân).

Cuốn ký họa gồm hơn 100 bức tranh, do Thiếu tá Mỹ Robert B.Simpson (sĩ quan tác chiến thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 8 Bộ binh, Sư đoàn 4 Bộ binh của quân đội Mỹ ở vùng Pleiku-Kon Tum) nhặt được năm 1968, trong một lần càn quét.

Theo lời kể của viên thiếu tá này, ông nhặt được ba lô của Lê Đức Tuấn, trong đó có một tập thơ của Puskin, một cuốn sổ ký họa. Sau khi lấy ba bức tranh trong cuốn ký họa gửi về tặng vợ, Robert B.Simpson đã tặng lại cuốn ký họa cho viên Tướng ba sao lục quân Hoa Kỳ William R. Peers.

Sau đó, ba bức tranh này được đăng cùng bài viết trên tờ nhật báo The Columbus Enquirer ở bang Georgia, số ra thứ Hai, ngày 20 tháng 5 năm 1968: “Chuyện từ những bức ký họa của người lính Bắc Việt tử trận” của phóng viên người Mỹ Charles Black.

Posted Image

Trong bài báo, phóng viên Charles Black kể lại, sau khi nhặt được tập nhật ký bằng tranh của người lính Bắc Việt L.Đ.Tuấn, thiếu tá Robert B.Simpson đã lấy ra ba bức tranh mà ông cho là đẹp rồi gửi về khoe với vợ mình như một sự chia sẻ những câu chuyện lượm lặt nơi chiến trường. Vợ của thiếu tá Robert B.Simpson khi đó là một nhân viên Cục thông tin công cộng Fort Benning, thành phố Columbus, bang Georgia, Hoa Kỳ.

Bài báo của Charles Black được đăng kèm ba bức họa chưa phải là đẹp nhất nhưng dễ hiểu của Lê Đức Tuấn với lời dẫn của tòa soạn: “Những khía cạnh khác thường về cuộc chiến tranh được lột tả theo những cách khác nhau, kể cả cái chết của một người lính Bắc Việt cũng được phóng viên quân sự Charles Black báo Columbus Enquirer mô tả trong bài viết này sau khi tập ký họa của người lính Bắc Việt đó được một sĩ quan Mỹ quê ở thành phố Columbus tìm thấy”.

Cuối năm 2009, cuốn ký họa được con gái Tướng William R. Peers, gửi trả lại phía Việt Nam, thông qua Bộ Quốc phòng. Khi báo Tiền Phong đăng loạt bài viết về cuốn ký họa và việc tìm kiếm tác giả, nhiều tờ báo Mỹ cũng thông tin. Thiếu tá Robert B.Simpson, hiện là phóng viên đọc được những thông tin trên, đã tìm lại ba bức ký họa, và nay ông gửi trả lại Lê Đức Tuấn. Kèm theo ba bức ký họa, Robert B.Simpson còn gửi Lê Đức Tuấn một lá thư.

Posted Image

Thư của Robert B.Simpson viết:

Kính gửi ông Lê Đức Tuấn

Ngày 11 tháng 8 năm 2010

Thưa ông, Tôi rất vui mừng gửi lại cho ông ba tờ tranh còn lại nằm trong tác phẩm nghệ thuật do ông sáng tác thời kỳ ông còn là một người lính tham gia huấn luyện và trên đường hành quân vào chiến trường. Tôi vô cùng thích thú được tin cựu chỉ huy của tôi, tướng William R. Peers đã giữ lại được phần chính của tác phẩm nghệ thuật này trong số nhiều kỷ vật đáng giá của ông và con gái ông đã tìm cách trao lại kỷ vật đó cho Việt Nam. Thật tuyệt vời hơn nữa khi được tin ông vẫn còn sống và khỏe mạnh, ngược lại với những gì mà tôi đã nghĩ.

Theo tôi, những người lính, ngoài việc hy sinh cho đất nước và cống hiến hết mình cho sự nghiệp của mình, họ còn chia sẻ cảm giác của những người thân bất chấp ranh giới và chính sách. Trong khi tập trung mọi nỗ lực để đánh bại đối phương trong chiến trận, thì khác với mọi người, họ đã hiểu được nỗi đau và sự hy sinh to lớn thường xảy ra đối với cả hai bên. Những người lính của bất kỳ bên tham chiến nào cũng đều hiểu rằng cái đẹp và sự nhạy cảm hình như sẽ nhanh chóng bị bỏ đi trong chiến tranh.

Chính vì vậy, tôi kính trọng ông vì ông vừa là một người lính đã chiến đấu dũng cảm và đồng thời lại là một nghệ sĩ đã sáng tác một tác phẩm đẹp trong chiến đấu. Chúc cho tác phẩm nghệ thuật của ông, nay đã về lại với ông, sẽ mang lại cảm hứng cho nhiều độc giả có dịp chiêm ngưỡng nó trong thời gian tới.

Kính thư

Robert B. Simpson

Nhật ký bằng tranh sẽ quay lại Mỹ

Hôm nay, Nhà xuất bản Thanh Niên ra mắt cuốn sách Nhật ký bằng tranh của Lê Đức Tuấn. Nội dung sách kể về số phận cuốn nhật ký bằng tranh, hành trình đưa cuốn nhật ký từ Mỹ về Việt Nam sau hơn 40 năm lưu lạc, hành trình tìm tác giả Lê Đức Tuấn. Đặc biệt, lần đầu tiên cuốn sách in toàn bộ hơn 100 bức tranh trong cuốn ký họa, khắc họa hình ảnh, cuộc sống, sinh hoạt của người lính Việt Cộng, trong suốt chặng đường hành quân của người lính- họa sĩ Lê Đức Tuấn.

Trao đổi với phóng viên, ông Mai Thời Chính, Giám đốc Nhà xuất bản Thanh niên cho biết, dù cuốn sách mới xuất bản nhưng chúng tôi đang có kế hoạch tái bản, bổ sung trong thời gian sớm nhất, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Đặc biệt, chúng tôi đang có kế hoạch dịch sang tiếng Anh, để xuất bản, phát hành tại Mỹ.

B.Kiên

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Văn hóa là tinh hoa được tích lũy trong con người, cộng đồng hoặc dân tộc. Nó có sự chọn lọc bởi thời gian. Bởi vậy, sự trân trọng những di sản văn hóa chính là thước đo những giá trị của trí tuệ và khả năng phát triển.

Sự hủy họai những giá trị văn hóa chỉ là hành vi của những kẻ dốt nát. Cho dù nó nhân danh bất cứ một cái gì.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Chào cụ tiến sỹ

Câu chuyện trên cho thấy người Mỹ là một dân tộc rất tôn trọng mọi sự sáng tạo bởi họ rất thực dụng do họ biết rõ thuyết tiến hóa của Đác Uyn là rất đúng, tuyệt đối không có chuyện vài ngìn năm trước lại có các sáng tạo hiện đại hơn bây giờ,nên công trình sáng tạo sau bao giờ cũng tiến bộ hơn trước nên họ rất trân trọng.Mỗi cái do tâm lý thực dụng quá nên cái gì cũng nghĩ cách quy ra tiền cho bản thân,mọi sáng tạo đều đăng ký bản quyền ngay còn dùng hay không là tùy ở quyết định của bô phận quản lý sở hữu trí tuệ và có quy đươc tiền không là do thị trường.Xem ra chỉ có mấy bác khoa học là cộng sản nghĩ ra cái gì cũng chỉ mang phục vu nhân dân, có bác lại còn bỏ tiền túi ra để đi chuyển giao công nghệ nữa chứ vậy thì bao giờ bản thân giầu được.

Kính cụ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay