Thiên Sứ

NHÂN VIỆC ÐI TÌM TÁC QUYỀN MỘT BÀI VĂN CỔ

1 bài viết trong chủ đề này

NHÂN VIỆC ÐI TÌM TÁC QUYỀN MỘT BÀI VĂN

CUNG ÐÌNH THANH

Nguồn anviettoancau

Bài văn nói ở đây là bài Ðông quân, một trong chín bài trong Cửu Ca, là một phần trong tập Sở Từ do Khuất Nguyên sáng tác (1). Sở Từ cùng với Kinh Thi được coi là hai bản văn mở đầu cho lịch sử văn học Trung Hoa. Kể từ Tư Mã Thiên giới thiệu Sở Từ trong Sử Ký, lịch sử văn học Trung Hoa không có đời nào là không có tác giả phê bình, giới thiệu Sở Từ, mà phần thường là phê bình bằng những lời tán tụng vô cùng trang trọng, vô cùng khâm phục về văn phong trác tuyệt cũng như về tư cách thanh cao và lòng yêu nước, yêu dân của Khuất Nguyên (2).

Ðông Quân nói riêng, và những bài trong Sở Từ nói chung, có một vai trò vô cùng đặc biệt, không những đối với tộc Hoa trong lịch sử văn học Trung quốc, mà đối với tộc Việt, cũng giữ một địa vị sinh tử, tối ư quan trọng.

Sự quan trọng của nó đối với tộc Hoa là điều hiển nhiên, bởi hơn hai ngàn năm nay, suốt chiều dài văn học sử Trung quốc, không đời nào không có những học giả hàng đầu phê bình, giới thiệu, đề cao, tô điểm thêm hào quang cho Sở Từ. Nó đã trở thành niềm hãnh diện chung của người Trung Hoa vì là một áng văn cổ bậc nhất trong lịch sử văn học nhân loại, đã có được vẻ hoành tráng, trau chuốt, huy hoàng đến như vậy. Nhưng nói rằng nó còn có vai trò tối ư quan trọng, vì có liên quan đến sự sống còn của tộc Việt thì hình như từ trước đến nay chưa ai nói như vậy. Bởi, muốn nói như thế, phải chứng minh được bài Ðông Quân nói riêng, và Sở Từ, mà trong đó Ly Tao giữ vai trò chính yếu, nói chung, không những chỉ phản ảnh văn hóa Việt, mà còn để cảnh báo sự tiêu vong phải đến với Ðại tộc Bách Việt nếu những người có trách nhiệm không kịp thời thay đổi tư tưởng, lề lối sống, cũng như tư duy điều hành đất nước. Sự cảnh báo đó đã không được nghe theo. Khuất Nguyên, tác giả những bài văn, cũng là những lời cảnh báo nói trên, sau chót, đã phải lấy cái chết của mình bằng cách nhẩy xuống sông Mịch La tự vận như một lời báo động cuối vùng (3)! Và quả như lời cảnh báo của Khuất Nguyên: 55 năm sau cái chết của tác giả Sở Từ (278 năm trc CN), tổ quốc ông, nước Sở, bị Tần diệt (223 năm trc CN) kéo theo sự tiêu vong của các nước tộc Việt khác như Ngô, Ðông Việt, Mân Việt, Nam Việt, Ðại Lý... đến nay chỉ còn lại vài ba nhóm trong Ðại tộc may mắn thoát nạn tiêu vong.

Ðiều mà hẳn đã có người nghĩ đến, nhưng chưa ai nói tới ấy chính là mục đích của người viết loạt bài này.

Xin cứ coi đây như khúc dạo đầu, nhằm đặt vấn đề chủ quyền của bài Ðông Quân. Từ đó - với những bài kế tiếp sau - xin hãy lần theo dấu chân của lịch sử, và với những bằng chứng rõ ràng, cụ thể, chúng ta sẽ cùng ôn lại bài học tiêu vong của Ðại tộc Việt để cùng nhau chắt chiu những kinh nghiệm, trân quí những chỉ dạy của tổ tiên hầu dùng làm chất liệu để đối phó với mối đe dọa tiêu vong như áng mây đen đang dần dần xuất hiện, có thể nguy hại đến sự sống còn của đất nước chúng ta.

Ðể đạt mục đích ấy, ta thử tuần tự bàn về:

- Tiểu sử và tâm sự Khuất Nguyên.

- Thời đại Khuất Nguyên

- Giải mã bài Ðông Quân

TIỂU SỬ VÀ TÂM SỰ KHUẤT NGUYÊN

Mở đầu mục Khuất Nguyên liệt truyện trong Sử Ký, Tư Mã Thiên đã viết: "Khuất Nguyên tên là Bình, cùng họ với vua nước Sở (họ Mị). Bình làm chức Tả Ðô đời Sở Hoài Vương, học rộng, nhớ lâu, thấy rõ lẽ trị loạn, thạo việc giấy tờ. Vào cung thì cùng vua bàn tính việc nước, ban bố các mệnh lệnh, ra ngoài thì tiếp đãi khách khứa, ứng đối với chư hầu. Nhà vua rất tin dùng"(4).

Ông sinh năm 343 trước CN, đời Sở Tuyên Vương thứ 27, mất năm 278 trước CN, đời Sở Uy Vương thứ 66.

Như trên đã nói, kể từ Tư Mã Thiên giới thiệu Khuất Nguyên trong Sử Ký, suốt chiều dài lịch sử văn học Trung Hoa từ Vương Dật, Ban Cố, Chu Hy, Lưu Hiệp, Lưu Hướng, Dương Hùng, Hồng Hưng Tổ, Vương Thế Chiêu ... đến Lương Khải Siêu gần đây, đều hết lời khen ngợi văn tài của Khuất Nguyên. Duy tâm sự của tác giả Sở Từ thì ít người, rất ít người hiểu rõ. Thường người ta cho ông vì bị thất sủng, uất ức mà trầm mình tự vẫn. Sự hiểu lầm như vậy có thể do chủ ý của các vương quyền Trung Nguyên, như ta sẽ bàn ở sau; nhưng rõ ràng nhất, có lẽ vì ảnh hưởng nhận xét của những sử gia có uy tín như Tư Mã Thiên (145 năm trc CN): "Mình tin mà bị ngờ vực, mình trung mà bị chỉ trích, làm sao khỏi oán thán! Khuất (Bình ) Nguyên viết Ly Tao là do oán thán mà ra vậy, hay như Ban Cố (tác giả Tiền Hán Thư): "Khuất Nguyên lộ tài khoe mình, tranh giành với bọn thấp kém của nước đang lâm nguy để xa rời bọn sàm tặc. Vì thế đã bao lần cầu xin Hoài Vương, oán ghét Tử Lan, Tử Tiêu, sầu thân khổ tứ cố nói xấu bọn ấy, Quá uất ức giận dỗi, bèn nhẩy xuống sông mà chết (5).

Bóng dáng quá lớn của những sử gia này quả đã có những ảnh hưởng quyết định đến sự phẩm bình của các học giả đời sau, không chỉ ở Trung Hoa, mà ở cả trên đất nước Việt Nam chúng ta nữa. Ta sẽ thấy, như sẽ được chứng minh sau này, những lời phẩm bình về các danh nhân Việt Nam từ Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, đến những người có lòng với đất nước gần đây, đều mang ít nhiều cái não trạng nô lệ vào hai nhà phê bình lớn kể trên. Nhưng đó là chuyện sẽ bàn đến sau. Nhận xét Khuất Nguyên vì bị thất sủng mà trầm mình không những chỉ đưa đến sự hiểu sai lạc ý nghĩa cao đẹp của việc ông quyên sinh mà còn có ý đồ xuyên tạc sự thực lịch sử với hậu ý đánh lạc hướng ý chí nuôi lòng khôi phục sự tự chủ của Ðại tộc Việt. Chúng ta biết ông đã cảnh báo nước Sở đang lâm nguy, có thể bị tiêu vong từ khi ông viết thiên Thiên Vấn trong Ly Tao. Suốt thiên Ly Tao, mà chúng tôi xin được đề cập tới trong bài kế tiếp, Khuất Nguyên dùng đủ mọi lý lẽ để báo động nguy cơ có thể bị tiêu vong này. Nhưng càng cảnh báo, càng hô hào thì càng bị sa lầy: trên vua thêm ghét, dưới các đồng liêu dèm pha, còn dân chúng thì thờ ơ, lãnh đạm. Cuối cùng, khi không còn trông vào hi vọng nào, ông đã viết trong thiên Tổng Kết Ly Tao mang tên "Loạn như sau:

"Di hĩ tai! Quốc vô nhân mạc ngã tri hề! Hựu hà hoài cố đô?

Kỷ mạc túc dữ vi mỹ chính hề, ngô tương tùng Bình hàm chi sở cư!

Câu trên ý nước không còn ai biết đến (nghe lời cảnh báo) mình, câu dưới ý không còn người đủ tài để cùng mình cứu nước, thì còn ở vào đâu, (sống làm gì)?

Rồi bình thản, an nhiên tự tìm cái chết dưới dòng nước lạnh.

Dịch Quân Tả, tác giả viết văn học sử Trung Hoa có uy tín đời nay, là một trong những học giả rất hiếm hoi hiểu được tâm sự của ông. Có lẽ vì là người cùng quê ở Hồ Nam, có con sông Mịch La nơi Khuất Nguyên đã trầm mình, nên Dịch Quân Tả hiểu được thâm thúy nhất về lý do cái chết của Khuất Nguyên: "Ði cũng không được, ở lại cũng không xong, tâm trạng giằng co mâu thuẫn đó đã dày vò ông, làm cho ông không thể không đi đến chỗ chết (6).

Bài học Khuất Nguyên đã cho ta biết những chỉ dấu gì báo hiệu một đất nước sắp tiêu vong?

Chỉ dấu của một đất nước suy vong là khi có một trong các hiện tượng như khi người lãnh đạo hoang dâm, u tối (hôn quân vô đạo), khi các cột trụ quốc gia sẵn sàng vì ích riêng mà hi sinh quyền lợi đất nước (mãi quốc cầu vinh), khi dân chúng ươn hèn, bạc nhược, thờ ơ với thế sự. Một khi tại một nơi, trong một thời, quốc gia có đủ cả ba hiện tượng trên, đất nước ấy ắt khó tránh bị tiêu vong. Ðó chính là trường hợp của nước Sở thời Khuất Nguyên: vua Sở Hoài Vương tin nịnh thần (Cận Thượng), sủng ái quí phi (Trịnh Tụ), đã mê gái đẹp lại tham cả đất đai mầu mỡ (công chúa nước Tần - đất Thượng Vi 600 dặm); bọn đại thần sẵn sàng thông đồng với ngoại bang (Cận Thượng nhận hối lộ của Trương Nghi); dân chúng thì thờ ơ, lãnh đạm với việc nước ...

Nói cho cùng, cái chết của Khuất Nguyên cũng không phải là hoàn toàn vô ích dù rằng sau cái chết của ông, nước Sở vẫn bị mất, tộc Việt trên đất nay là Trung quốc vẫn bị tiêu vong, nhưng lời cảnh báo cùng với sự hi sinh của ông chưa hẳn là đã hoàn toàn bị rơi vào quên lãng. Bằng cớ là hàng năm, hậu duệ Việt tộc ở khắp mọi nơi vẫn kỷ niệm ngày ông mất bằng ngày Tết Ðoan Ngọ mùng 5 tháng 5, bằng các cuộc đua thuyền như để gợi nhớ ngày dân chúng đua nhau bơi thuyền trên sông Tương đến tận hồ Ðộng Ðình để tìm lại xác ông. Lòng hoài niệm này phải chăng là một đốm lửa âm ỉ nơi thâm sâu của hồn Việt nhớ đến lời cảnh báo đất nước có thể bị tiêu vong của ông?

THỜI ÐẠI KHUẤT NGUYÊN (343 - 278 trc CN)

Thời đại Khuất Nguyên là thời đại quan trọng bậc nhất, khúc quanh lịch sử của vận mệnh Ðại tộc Bách Việt trên sân khấu chính trị Ðông Á.

Sự thất bại của Khuất Nguyên trong việc bảo vệ Sở khỏi Tần thôn tính cũng là sự thất bại trong việc gìn giữ độc lập cho các quốc gia của Ðại tộc Bách Việt khỏi bị tiêu vong trước sự bành trướng của Tần, Hán.

Hãy lấy năm Tần Thủy Hoàng tóm thâu Lục quốc, thống nhất Trung nguyên (221 trc CN) làm cái mốc, và tạm gác việc bàn đến sự phân bố các sắc dân ở cổ đại Trung quốc trong chương sau. Ở đây, chỉ xin vắn tắt về những triều đại kế tiếp nhau đầu tiên được coi như đã xuất hiện ở Trung nguyên, cho đến khi nước Sở bị mất.

Trước thời Tần, cổ sử Trung Hoa ghi những triều đại chỉ có trong huyền thoại như :

- Tam Hoàng : Nữ Oa

Phục Hi (2852 - 2737)

Thần Nông (2737 - 2695)

- Ngũ Ðế : Hoàng Ðế (2695 - 2595)

Ðế Cốc (2595 - )

Ðế Chính ( - 2356)

Ðế Nghiêu (2356 - 2255)

Ðế Thuấn (2255 - 2205)

Kể từ Tam Ðại là : Hạ (2205 - 1766), Thương (1766 - 1123), Chu (1123 - 225) mới coi như bắt đầu thời kỳ hữu sử. (Các học giả Tây phương chỉ công nhận có sử từ đời Thương). Tuy nhiên đến đời Chu, cũng chưa có một nước có thể được gọi là Trung Hoa (7). Những triều đại từ Chu trở lên chưa hẳn đã có tổ chức chặt chẽ, có kỷ cương, mà có thể chỉ do đời sau tô vẽ thêm ra. Bằng cớ là đầu đời Tây Chu, Trung Nguyên còn có đến gần một ngàn (1000) nước, mỗi nước có tên riêng, hoàn toàn tự trị, chỉ ràng buộc lỏng lẻo với nhà Chu trên danh nghĩa. Sang thời Xuân Thu (770 - 475 trc CN) chỉ còn hơn 100 nước, có 14 nước tương đối lớn, trong đó mạnh nhất là Tần, Tấn, Tề, Sở. Ðến cuối thế kỷ thứ 7 trước CN, có thêm hai nước là Ngô và Việt nổi lên ở hạ du Trường Giang tham gia vào cuộc tranh bá ở Trung Nguyên. Kế tiếp nhau ta thấy xuất hiện:

- Hoàn Công nước Tề làm bá từ 685 đến 643 trước CN

- Tương Công nước Tống làm bá từ 643 đến 638 trước CN

- Văn Công nước Tấn làm bá từ 638 đến 632 trước CN

- Trang Công nước Sở làm bá từ 632 đến 597 trước CN

- Mục Công nước Tần làm bá từ 659 đến 631 trước CN

- Câu Tiễn nước Việt làm bá từ 473 trước CN (8)

Vào đầu thời Chiến Quốc (475 - 221 trc CN) nước Tấn bị chia ba thành Hàn, Triệu, Ngụy, do đó bị suy yếu đi và rút lui dần khỏi cuộc tranh hùng. Ðến cuối thời Chiến Quốc, nghĩa là vào thời đại Khuất Nguyên, chỉ còn ba nước là Tề, Tần và Sở thực sự tham dự vào cuộc tranh chấp làm chúa tể Trung Nguyên. Cái thế chân vạc giằng co này là bối cảnh xã hội thời Khuất Nguyên. Bởi có ba nước là Tề, Tần, Sở sức mạnh ngang nhau nên khó phân thắng bại, lại thêm bốn nước nhỏ là Yên, Triệu, Hàn, Ngụy, tuy sức yếu hơn, nhưng lúc ngả theo bên này, lúc nghiêng về bên kia, do đó cuộc chiến xẩy ra liên miên, càng ngày càng khốc liệt. Dân Trung nguyên lầm than, khổ ải vì chinh chiến, dường như không có lối thoát. Chính lúc này, thuyết Hợp Tung của Tô Tần ra đời. Với sự vận động bên trong của Khuất Nguyên, Tô Tần (cùng với Khuất Nguyên) đã đưa sáu nước đến Hợp Tung cùng chống nhau với Tần mà Tô Tần là người cầm đầu Hợp Tung kiêm làm Tể Tướng sáu nước. Kết quả, như sự ghi nhận của Tư Mã Thiên trong Sử Ký "Quân Tần không dám ra cửa Hàm Cốc nhòm ngó trong 15 năm (9). Nhưng cái thế cầm chân nhau cũng không thể kéo dài mãi được. Nếu lúc đó Sở Hoài Vương biết nghe theo kế của Khuất Nguyên, liên kết với Tề cùng diệt Tần thì nước Sở của tộc Bách Việt đã có cơ làm chủ Trung nguyên. Tiếc thay! Hoài Vương không có chí lớn, lại u mê, tăm tối, đúng như nhận xét của Tư Mã Thiên: "Hoài Vương vì không biết phân biệt kẻ trung thần cho nên ở trong bị Trịnh Tụ mê hoặc, ở ngoài bị Trương Nghi lừa dối, rút cục ruồng bỏ Khuất Nguyên mà tin Ðại phu Thượng quan, Lệnh doãn Tử Lan. Rút cuộc, quân thua, đất bị cắt mất 6 quận, chết bỏ xác ở Tần làm trò cười cho thiên hạ (10).

Và cũng vô phước thay cho tộc Việt, đúng lúc đó Tần có vua giỏi nghe theo kế Trương Nghi áp dụng thế Liên Hoành phá thế Hợp Tung. Tuy nhiên, vua Tần không chỉ có ý muốn phá sự Hợp Tung mà còn muốn thôn tính sáu nước, nên hoành ước cũng bị bãi bỏ. Kết quả Sở bị diệt năm 223 trước CN. Trước đó Hàn (230 trc CN), rồi Triệu (228 trc CN) đã bị Tần thôn tính, và sau đó Yên (222 trc CN) và Tề (221 trc CN) cũng cùng chung số phận. Tần gồm thâu Lục quốc, thống nhất Trung nguyên, lập ra nhà nước quân chủ đầu tiên ở Trung quốc. Vua Tần tự xưng Tần Thủy Hoàng đế, "chia nước làm 36 quận, thống nhất pháp độ, hình thành xích thốn, xe cùng đi một đường, sách cùng chung một lối văn (11). Khi quyền hành đã vào trong tay, nước Tần thuộc nòi Hoa Hán, đã ra sức tiêu diệt tiềm lực của nòi Bách Việt. Vì vậy, dù dân Bách Việt đã mau chóng nổi lên theo Hạng Võ diệt Tần nhưng tinh hoa lãnh đạo sau 15 năm dưới sự cai trị tàn bạo của Tần đã bị hao mòn, nên rốt cuộc lại bị thua về tay Lưu Bang. Sau hơn 400 năm cai trị của nhà Hán, giai cấp lãnh đạo Bách Việt phần bị diệt, phần rút về Nam hòa nhập với nước Văn Lang của nòi Lạc Việt, chờ đợi vận hội mới. Bởi vậy, đến thời Tam Quốc, cư dân Bách Việt vẫn còn nhớ nước cũ, nhưng không có người chỉ huy nên mọi cuộc nổi dậy tuy vẫn đông bạt ngàn nhưng chỉ như đám giặc cỏ, sử Trung quốc gọi là "giặc Khăn Vàng, chẳng còn thể xoay chuyển được thếâ cục. Lịch sử đã sang trang. Phải chờ một vận hội mới. Và đó là chuyện sẽ bàn tới ở phần sau.

Qua vài nét phác thảo trên, ta có thể mường tượng thấy cuộc chiến tranh liên miên ở Trung quốc hàng mấy ngàn năm, không phải rối mù như ta thường thấy ghi trong cổ sử Trung Hoa, mà hết sức rõ rệt, ít nhất là vào những năm cuối thời Chiến Quốc. Lúc này, nó hiện ra như sự tranh chấp giữa Tần và Sở để làm chủ Trung nguyên, và qua Tần và Sở, là sự thư hùng giữa hai Ðại tộc Hoa Hán và Bách Việt. Hiểu như vậy, ta mới thấy vai trò của Khuất Nguyên quan trọng đến bực nào đối với sự tồn vong của Ðại tộc Bách Việt.

GIẢI MÃ BÀI ÐÔNG QUÂN

Việc giải mã những bài văn trong Sở Từ của Khuất Nguyên có thể đánh tan lớp hỏa mù được bủa vây cả mấy ngàn năm, hầu hi vọng có thể tìm được ít nhiều sự thực, nhờ vậy có thể biết được phần nào những chiến đấu cam go của Khuất Nguyên và những tâm sự ông muốn gửi lại cho hậu thế. Sự tìm kiếm này được tiến hành tuần tự qua ba bước sau:

- Ngôn ngữ học

- Dân tộc học

- Khảo cổ học

Riêng về di truyền học, xin để dành lại cho các chương kế tiếp.

Và trước hết xin lấy bài Ðông Quân làm đối tượng giải mã.

Ngôn ngữ học

Câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là Khuất Nguyên đã viết Ly Tao nói chung và bài Ðông Quân này nói riêng, vào lúc nào? Ở đâu? Và bằng thứ tiếng gì? Xin hãy nghe chính Dịch Quân Tả trình bày như sau: "Quê hương chúng tôi ở huyện Hán Thọ, tỉnh Hồ Nam, tức nằm bên cạnh hồ Ðộng Ðình thuộc vùng sông Nguyên, sông Tương. Ðó là nơi ngày xưa Khuất Nguyên đã phóng lãng hành ngâm. Khuất Nguyên có viết câu: Triệu phát Uổng chử, Tích túc Thần Dương (Sáng đi từ bãøi Uổng, chiều đến Thần Dương). Thần Dương tức tên xưa của huyện Hán Thọ. Uổng chử tức là bãi của sông Uổng, thuộc huyện Thường Ðức ngày nay. Thường Ðức cách Hán Thọ hơn 80 dặm. Vì thế nói sáng khởi hành mà chiều đến nơi trú ẩn. Cách thành Hán Thọ độ 5 dặm có con sông nhỏ gọi là Thương Thủy và một thị trấn tương truyền cũng là di tích của Khuất Nguyên. Ðó chính là nơi Thương lãng thủy mà ông đã ngâm (12).

Và: "Khi chúng tôi lấy tư cách người Hồ Nam để bàn về Ly Tao, dùng giọng Hồ Nam để đọc Ly Tao (trong Sở Từ), chúng tôi tự cảm thấy có một sự thích thú lạ lùng (13).

Ðến đây, ta đã có thể trả lời được hai câu hỏi: "ở đâu? (huyện Thường Ðức, Hồ Nam) và "vào lúc nào? ((khi bị phóng lãng) Khuất Nguyên sáng tác bài văn này. Nhưng câu hỏi "bằng thứ tiếng gì? mà Dịch Quân tả nói ở trên, (giọng Hồ Nam) thì hình như chưa là câu trả lời thỏa đáng. Thôi thì đành phải mượn ý kiến của Hoàng Bá Tư đời Tống để gợi ý: "Khuất Tống (Nguyên) chư tao đều viết Sở ngữ, tá Sở từ, kỷ Sở địa, danh Sở vật, cho nên gọi là Sở Từ (14).

Vấn đề như vậy là đã rõ tuy chưa hết khó. Rõ vì Khuất Nguyên viết văn bằng tiếng nước Sở, dùng thuần Sở ngữ, Sở từ, Sở vật, Sở địa trong bài văn của mình. Bản văn chúng ta có ở trang bên chỉ là dịch lại bài viết bằng tiếng nước Sở của Khuất Nguyên ra tiếng Hán thời nay mà ta thường gọi là chữ Nho và phiên âm bằng tiếng Hán Việt, cũng theo giọng ngày nay chứ không phải bằng chữ Hán hơn 2000 năm trước, càng không phải chữ và giọng Sở hơn 2000 trước! Và cái rõ này cũng là nguyên ủy của cái khó, bởi tìm biết giọng Hồ Nam ngày nay, chúng tôi đã phải mầy mò nhiều tháng với sự giúp đỡ của nhiều bằng hữu (15). Còn nghiên cứu để biết giọng Hồ Nam ngày nay khác với giọng Hồ Nam của nước Sở thời Khuất Nguyên, nhất là để biết chữ nước Sở thời ấy viết như thế nào thì hiện chưa thể có cách gì để tìm biết được. Chỉ biết rằng, theo những nhà ngôn ngữ học có uy tín nhất hiện nay, tiếng Sở cũng thuộc ngữ hệ Nam Á (Austro-Asiatic) như tiếng các dân thuộc Ðại chủng Bách Việt khác, và như tiếng Việt hiện đại của chúng ta ngày nay! (16). Cũng phải nói ngay rằng quan niệm cho đa số các dân tộc không phải là Hoa Hán ở phía Nam Dương Tử Giang đều xử dụng ngữ hệ Nam Á mới chỉ được các nhà ngôn ngữ hàng đầu ngày nay đồng thuận, đặc biệt từ 1976 khi hai học giả Mei Tsulin và J. Norman công bố những khảo cứu của mình về ngôn ngữ thời cổ ở Nam Trung quốc (17).

Cùng một quan điểm tương tự, trong một quyển sách mới xuất bản năm 2003 gần đây, quyển Theo dấu các văn hóa cổ, GS Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện Khảo Cổ Hà Nội cũng đã phát biểu: " ... các bộ lạc Phùng Nguyên, cái lõi để hình thành dân tộc Việt, những người Nguyên Lạc Việt, đã nói ngôn ngữ nào? Theo tôi, họ nói một phương ngữ của ngữ hệ Nguyên Nam Á nhưng chịu ảnh hưởng rất lớn của hai ngữ hệ Nguyên Thái và Nguyên Malayô-Pôlynêdi (18). Ðây cũng là quan điểm của E. G. Pulleyblank và ông đã trình bầy một cách rất thuyết phục quan điểm của ông trong hội nghị Berkeley năm 1977 về nguồn gốc văn minh Trung Hoa mà chúng tôi có trích dẫn nhiều đoạn trong bài này (19). Riêng chúng tôi cũng đã nói đến diễn tiến sự tranh luận của các nhà ngôn ngữ học trên thế giới về vấn đề này tại chương 10 quyển Tìm về Nguồn gốc Văn Minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học nên ở đây xin không nói thêm nữa. Chỉ xin văn tắt kết luận rằng quan điểm cho người nước Sở nói một thứ tiếng cùng ngữ hệ như người Việt Nam hiện nay, ngữ hệ Nam Á (Austro-Asiatic), là quan điểm đã được các nhà ngôn ngữ học hàng đầu ngày nay trong đó có W. Meacham, C. Higham, Johana Nichols, S. Oppenheimer, W. G. Solheim II cùng chia xẻ (19A).

Dân tộc học

Sở thuộc Bách Việt.

Khuất Nguyên là người thuộc một dòng cổ, có thể là Âu cũng có thể là Lạc Việt. Ðiều đó là sự thực, có lẽ không cần bàn cãi thêm. Xin hãy nghe chính lời nói của vua nước Sở là Sở Hùng Cừ: "Ta là man di không cùng hiệu thụy với Trung quốc (20). Xin hãy nghe thêm ý kiến của các sử gia Nhật và Hoa nói về sự liên quan giữa Sở với Việt: "Xét người Việt lập được cơ nghiệp ở bán đảo Trung Ấn là có uyên nguyên chứ không phải việc ngẫu nhiên, bởi vì người Việt Nam là giống cường đại nhất trong Bách Việt [&...] Nước Sở xuất hiện khoảng 10 thế kỷ trước Công Nguyên là do dân tộc Việt Nam kiến lập [...]. Sử Ký chính nghĩa viết: Nam Việt và Âu Lạc đều lập họ. Lại Dẫn thế bản viết: Việt, họ Mị, cùng tổ với Sở. Sách xưa gọi là đồng tính, đồng tổ, tức là cùng một chủng tộc. Vả lại theo lịch sử Việt, người Việt xưa, phía Ðông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Ðộng Ðình, Nam tiếp với nước Hồ Tôn (Lâm Ấp) thì Sở bỏ đi sao được (21).

Bấy nay còn có người bị lấn cấn, nghi ngờ là bởi họ tự đặt mình vào mâu thuẫn không có lối thoát. Ðó là mâu thuẫn giữa một mặt người ta không quên huyền thoại Hồng Bàng mở nước với chuyện Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ từ năm 2879 trước Công Nguyên (22) mà, cương vực phía Bắc đến tận hồ Ðộng Ðình; mặt khác lại giới hạn lịch sử trong cương vực hiện tại của nước ta, cương giới phía Bắc chỉ giáp đến Quảng Ðông, Quảng Tây của Trung quốc! Bởi thế, các nhà sử học Việt gần đây thường tỏ ra lúng túng:

- Có khi phải phủ nhận huyền thoại, cho chuyện Hồng Bàng "không chắc là chuyện xác thực (23).

- Có khi phải "cắt bớt lịch sử đi cho vừa với cái "khung làm sẵn phủ nhận truyền thuyết lập quốc 2879 trước Công Nguyên mà chỉ nhận sự ra đời của nhà nước Văn Lang vào khoảng thếâ kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, nghĩa là vào khoảng đời Trang Vương nhà Chu (698 - 681 trc CN) (24). Sự hợp tác giữa hai tộc lớn của Ðại chủng Bách Việt là Âu và Lạc để chống sự xâm lấn của bạo Tần cũng bị thu hẹp lại bằng cách phủ nhận vai trò đại diện tộc Âu của Thục Phán và chỉ cho ông đóng vai trò một tù trưởng nào đó trong vùng rừng núi Cao Bằng.

Cái mâu thuẫn, "cái vòng kim cô đã tròng lên đầu các sử gia Việt Nam đó nay đã bắt đầu được các nhà khoa học viết sử mới tìm cách tháo gỡ. Bằng cớ là gần đây đã bắt đầu xuất hiện những bài nghiên cứu muốn kéo huyền thoại về với chính sử bằng cách giải thích sử liệu cũ dưới nhãn quan khoa học mới (xin xem Nguyên Nguyên, loạt bài viết về Hùng Vương, có bài giới thiệu trong số này và Lê Văn Ẩn trong Thời Báo số Xuân Ất Dậu 2005 và số 386 ngày 26/04/05). Nếu còn vấn đề phải bàn luận thêm ở đây thì chính là vấn đề mà các sử gia Nhật (Nhân Thôn Thành Doãn) và Hoa (Hứa Văn Tiền) vừa nêu ra ở trên. Và đó là điểm mà ta phải nhờ đến khảo cổ, ở đây là Trống Ðồng, để góp phần giải mã bài Ðông Quân của Khuất Nguyên.

Khảo cổ học : Trống Ðồng

Ở trên ta đã nói Khuất Nguyên là người Cổ Việt, viết Sở Từ bằng Sở ngữ, một nhánh của ngôn ngữ Nam Á, cũng là ngôn ngữ Việt, với nhiều dẫn chứng của ngôn ngữ học. Và nếu bấy nhiêu vẫn chưa đủ, ở đây xin viện dẫn thêm chứng cớ của khảo cổ học, nói về mối tương quan khắng khít của trống đồng Ngọc Lũ với bài Ðông Quân. Ðể sự kiện bớt rườm rà, rối rắm, chúng tôi xin trình bầy vấn đề thứ tự theo ba bước:

- Bước một : Văn Hóa Ðông Sơn, mà Trống Ðồng là biểu trưng, là văn hóa của người Lạc Việt.

- Bước hai : Trống đồng Ngọc Lũ là sản phẩm của người Lạc Việt mà con cháu là người Việt nước Việt Nam hiện nay và là tài sản duy nhất chỉ có người Việt mới có. Xin nhấn mạnh: chỉ nói trống Ngọc Lũ.

- Bước ba : Người sáng tác ra bài Ðông Quân và người chế tác ra trống đồng Ngọc Lũ có lẽ cùng thuộc một tộc người, có thể cùng một tổ tiên.

Bước Một :

Khi chiếc trống đồng đầu tiên tìm thấy ở Ðông Sơn (Việt Nam) năm 1924, những người tiếp cận với những chiếc trống đồng hoành tráng này, biểu trưng cho một nền văn hóa cao độ cổ thời, không tin rằng đó là sản phẩm do tổ tiên người Việt chế tác ra. Ðiều này cũng dể hiểu bởi lúc đó Việt Nam bị mất chủ quyền về nước Pháp. Ngay cả cái tên nước Việt Nam cũng không có trên bản đồ thế giới, con dân nước đó đang sống cuộc đời nô lệ, lam lũ, nghèo khổ, nên chẳng lấy làm lạ nếu họ, những học giả kia, không tin tổ tiên những người cùng khổ như thế lại có nền văn minh sớm và cao đến như vậy! Ta không thể trách họ được dù những nhà học giả này không thể tránh được tiếng "ngạo mạn do S. Oppenheimer tặng cho họ (25), cũng không tránh được tiếng đã dùng kiến thức thời "nữ hoàng Victoria và "cũ rích, lỗi thời như nhận xét của W. G. Solheim II (26).

Về điểm này chúng tôi đã trình bầy tạm đủ tại chương 7, Trống đồng Ðông Sơn, trong Tìm về Nguồn gốc Văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học từ trang 161 đến 194 nên xin không nói lại ở đây. Chỉ xin mượn ý kiến của hai học giả, một của Trung Hoa là La Hương Lâm và một của Việt Nam, Hà Văn Tấn, đương kim Viện trưởng Viện Khảo cổ Hà Nội, coi như tiếng nói có thẩm quyền nhất:

- La Hương Lâm: "Ðặc điểm nổi bật của văn hóa các tộc Việt Cổ là nghề đúc trống đồng của họ dùng cho mục đích lễ nghi. Lạc Việt, một nhánh của tộc Việt, đã thuần thục nghề này đến mức trống đồng có khi được coi như trống đồng Lạc Việt (27).

- Hà Văn Tấn: "Văn hóa Ðông Sơn là văn hóa của người Lạc Việt mà như ta đã biết, người Lạc Việt là tổ tiên của người Việt hiện đại, cho nên cái kết luận hiển nhiên và chặt chẽ có thể rút ra được là chủ nhân văn hóa Ðông Sơn chính là chủ nhân của người Việt hiện đại (28).

Bước hai :

Nếu chủ nhân Văn Hóa Ðông Sơn cũng là tổ tiên người Việt hiện đại thì trống đồng Ðông Sơn tiêu biểu cho Văn Hóa Ðông Sơn cũng tiêu biểu cho văn hóa người Việt hiện đại.

Trong trống đồng Ðông Sơn, trống Ngọc Lũ là cái tiêu biểu nhất cho Văn Hóa Ðông Sơn, bởi nó cùng với Hoàng Hạ và Sông Ðà là ba cái thuộc nhóm trống đồng sớm nhất cùng tìm thấy trên đất Việt Nam ở vùng châu thổ sông Hồng (29). Ngày nay, không còn ai tranh cãi về chủ quyền trống đồng loại này. Ngay từ những ngày Trung Hoa còn quyết liệt tranh đấu chủ quyền trống đồng với Việt Nam vào các thập niên 70, 80 thế kỷ trước, người ta không bao giờ tranh giành chủ quyền trống Ngọc Lũ mà luôn luôn công nhận, dù mặc nhiên, đó là trống đồng của Việt Nam, có lẽ vì trống đồng này được tìm thấy trên đất Việt Nam, được lưu giữ trong viện bảo tàng Việt Nam. Hồi ấy, lý luận phía Việt Nam cho rằng trống đồng thuộc tác quyền Việt Nam vì ở Việt Nam, người ta tìm thấy những trống đồng lớn nhất, đẹp nhất, cổ nhất mà Ngọc Lũ là cái tiêu biểu nhất. Trái lại, phía Trung Hoa lý luận ngược lại, cho rằng theo lẽ thường, những sản phẩm càng về sau càng tốt hơn, càng đẹp hơn bởi người chế tác lúc đầu vì chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm làm ra thường nhỏ bé, xấu xí hơn. Ngọc Lũ cũng như Hoàng Hạ, Sông Ðà tại Việt Nam là những trống lớn và đẹp, theo lập luận phía Hoa, mặc nhiên phải được hiểu đã được chế tạo sau những trống Vạn Gia Bá ở Trung Hoa, nhỏ và xấu hơn. Lý luận như vậy không phải là không hợp lý theo lẽ bình thường. Nhưng họ không biết trống đồng không phải là sản phẩm bình thường. Bởi trống đồng không phải chỉ là một dụng cụ âm nhạc mà còn là một dụng cụ để điều binh khiển tướng trong lúc lâm trận, để ra hiệu lệnh trong thời bình, để thờ ở đền đài làm vật thiêng, làm chứng cho lời thề của quần thần trung thành với vua, với nước vào đầu năm, có thể còn có vai trò một quyền trượng hay một vương miện của triều đình Phong Châu ban cho các triều đình khác trong vùng Ðông Nam Á, như ý kiến của Loofa- Wissowa (xin xem ý kiến của Loofa-Wisscova và chú thích 37 ở dưới). Ðừng quên rằng Phong Châu, kinh đô Lạc Việt vẫn là nơi phát xuất, là đất tổ, là cái nôi của tất cả các tộc Việt trong Ðại tộc Bách Việt. Xin xem lại những phát minh mới đây, kể từ GS Chu về di truyền học. Như đã trình bầy nhiều lần, theo khảo cổ học, theo cổ dân tộc học, cổ ngôn ngữ học hay di truyền học, các dân Bách Việt đã từ đồng bằng Sundaland, từ đồng bằng sông Hồng cổ phân tán đi các nơi. Ðến nay, di truyền học vẫn còn xác minh được sự thực ấy. Và vì vậy, một khi đã chế tạo được trống đồng đủ tiêu chuẩn biểu trưng cho quyền lãnh đạo tối cao như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Ðà thì sự chế tạo những trống khác có lẽ chỉ để biểu trưng cho những quyền lực thấp hơn, cho những nhu cầu khác nhỏ hơn. Do đó không cần hay không được phép chế tạo những trống lớn, đẹp như vậy nữa. Ðây là điểm mà ngay Lăng Thuần Thành cũng không để ý nên có thể đã có sơ sót trong nhận định như được trình bày ở đoạn sau. Nói một cách rõ hơn: chỉ có duy nhất một trống đồng Ngọc Lũ chứ không có cái phó bản. Cũng chỉ có ba trống đồng cùng loại có hoa văn đẹp tương tự là trống Hoàng Hạ, Sông Ðà và Vienne, nhưng hoa văn cũng không hoàn toàn giống như hoa văn trống Ngọc Lũ. Có lẽ vì không rõ điều này nên Lăng Thuần Thành đã đem hoa văn trên trống Ngọc Lũ của văn minh sông Hồng để chú giải bài Ðông Quân và mới ung dung kết luận trống đồng (nói chung chung, không chỉ riêng trống Ngọc Lũ) là của dân Bộc Lão (cũng thuộc chủng Việt) chế tạo mà Cửu Ca (Ðông Quân có trong đó) là nhạc chương của dân Bộc Lão thời xưa. Kể ông cũng đã cách mạng và công bình lắm khi trả chủ quyền bài ca và trống đồng cho dân Bộc Lão, khác các tác giả cổ điển Trung Hoa nhận vơ tất cả đều của Tầu. Tuy nhiên, từ Việt (Bộc Lão) ở Hồ Nam, Hồ Bắc với Việt ở châu thổ sông Hồng cũng có nhiều khác biệt, nhất là cái Việt Bộc Lão ấy, nay đa số đã thành Tầu cả rồi.

Phải phân biệt được rạch ròi, sự tương quan giữa nội dung bài ca Ðông Quân với hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ, trống Ngọc Lũ chứ không phải bất cứ trống đồng nào khác như sẽ được phân tích ở bước ba dưới đây, mới thấy được hết mối liên hệ của nước Sở thời Chiến Quốc với gốc gác của Ðại tộc Bách Việt thuộc Văn hóa Hòa Bình ở đồng bằng sông Hồng Cổ như thế nào.

Bước Ba :

Bước ba muốn nói lên sự tương quan một cách lạ kỳ giữa trồng đồng Ngọc Lũ và bài ca Ðông Quân. Chỉ có thể có một giải thích là tác giả bài Ðông Quân và nghệ nhân chế tác ra trống đồng cùng thuộc một nền văn hóa, hơn thế nữa, có thể cùng một gốc tích, một quê hương, một tổ quốc. Hay cũng có thể nói như Lê Mạnh Thát: "Nếu Cửu Ca quả do Khuất Nguyên ghi lại thì chúng ta có thể nói là có nguồn gốc Việt Nam một cách khả chứng và ngay cả khi chúng không do Khuất Nguyên ghi lại, nguồn gốc ấy cũng có thể chứng thực một cách không chối cãi (30).

Và trong hoàn cảnh văn bản hiện có, chỉ xin so sánh bài Ðông Quân đã dịch sang tiếng Hán mà ta có ở trên với hoa văn trống đồng Ngọc Lũ, qua bốn cặp hoa văn nổi bật nhất:

Thứ nhất: Hình đập vào mắt ta đầu tiên là hình vòng tròn có những tia sáng tỏa ra xem có vẻ như hình mặt trời nằm giữa tâm trống đồng (xem h.1), đã được Khuất Nguyên diễn tả qua mấy câu mở đầu bài Ðông Quân một cách tuyệt vời:

Ðôn (thôn) tương xuất hề Ðông phương

Chiếu ngô hạm hề phù tang

Phủ dư mã hề an khu

Dạ hiệu hiệu (kiểu kiểu) hề ký minh

Vừng hồng xuất hiện Ðông phương

Tỏa bầu ánh sáng phù tang chói ngời

Ngựa thuần dong ruổi một hơi

Màn đêm tan biến mặt trời quang minh (31)

Posted Image

Chữ Ðông Quân, theo tự điển Bác Nhĩ, có nghĩa là mặt trời. Hình mặt trời không những chỉ có ở giữa mặt trống đồng Ngọc Lũ, mà còn thấy xuất hiện ở hầu hết trống đồng tìm được cho đến ngày nay. Sự hiện hữu của hình mặt trời như vậy hẳn phải có một ý nghĩa đặc biệt nào đó trong đời sống tinh thần của tộc dân làm ra nó. Bài Ðông Quân cho biết đây là một nghi lễ đón thần mặt trời, vậy đã giải thích rõ sự thiêng hóa mặt trời nơi trống đồng. Ðiều này cũng dễ hiểu, bởi mặt trời là gốc của thời tiết: nắng, mưa, bão tố, hạn hán hay lũ lụt ... Dân tộc Việt lấy nghề nông làm gốc, mà kết quả của nghề nông là tùy thuộc vào nguồn nước, tức vào thời tiết, vào mặt trời. Vậy nếu tộc Việt lấy mặt trời làm trọng, thiêng hóa mặt trời, thờ mặt trời (xin nhấn mạnh: chỉ nói dân Cổ Việt) thì cũng là chuyện dĩ nhiên phải có vậy.

Trong đoạn này, và cả trong suốt bài Ðông Quân, chỉ có một chữ là chữ mã (con ngựa) không thấy có hình xuất hiện nơi trống đồng. Ðây là điểm ta sẽ bàn kỹ ở phần sau.

Thứ hai: Hòa tấu âm nhạc đón thần mặt trời, được Khuất Nguyên diễn tả bằng bốn câu như sau:

Căng sắt hề giao cổ

Tiêu chung hề dao cư

Minh trì hề xuy vu

Tư linh bảo hề hiền khoa

Bửu Cầm dịch:

Chuông khoa trống giục gần kề

Dặt dìu đàn sáo đê mê lòng người

Lê Mạnh Thát dịch:

Ðàn nhanh hề trống đánh

Gõ chủy hề nhịp rung

Sáo vang hề khèn thổi

Nhớ linh bảo hề đẹp hiền (32)

Trong bốn câu này ta thấy tất cả có sáu thứ nhạc cụ cặp từng đôi với nhau là:

- Sắt (đàn sắt) với cổ (trống)

- Chung (chuông) với cừ (cái chày)

- Trì (sáo thổi ngang) với vu (cái khèn)

Cả sáu nhạc cụ này đều thấy có trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Hoa văn trên trống đồng diễn tả sự hòa tấu này bằng bốn đồ hình đối xứng với nhau. Thứ tự quay theo kim đồng hồ từ trên xuống dưới, ta thấy: đồ hình thứ nhất là một dàn trống đồng, mỗi trống đặt trên một kệ, trên có bốn người đánh trống theo tư thế ngồi, mỗi người cầm một cây dài "nện vào mặt trống. Xin lưu ý lối đánh trống đồng này khác với đánh trống da, hai tay cầm dùi đánh vào mặt trống như ta thường thấy ngày nay. Ðối diện bên kia cũng có một dàn trống bốn cái, nhưng chỉ ba người ngồi còn một người nện trống theo tư thế đứng quay lưng lại. Vậy trống đồng là nhạc cụ thứ nhất (xem h.2 - 2B). Nhạc cụ thứ hai là đàn sắt đi cặp với trống trong câu: Căng sắt hề giao cổ, thấy hiện diện trên đồ hình hai, kề ngay theo dàn trống. Ðó là một hoa văn như hình một căn nhà mái cong. Trên mái nhà có con chim đậu, ở trong có hai người ngồi. Phía đối diện bên kia cũng có căn nhà tương tự tuy trên mái có những hai con chim quay đuôi vào nhau. Chúng tôi có cảm tưởng hình như hai người này đang ngồi tấu một loại nhạc cụ kiểu đàn sắt như ta còn thấy ở người Dayak đảo Bornéo ngày nay (xem h.3 - 3B).

Posted ImageThis image has been resized. Click this bar to view the full image. The original image is sized 527x382 and weights 24KB.Posted Image

Chúng tôi không nhìn ra trong bốn người ngồi đánh trống lại có một người gẩy đàn sắt như giải thích đã được GS Bửu Cầm ghi lại trong Tập san Sử Ðịa số 25 theo giải thích của Lăng Thuần Thành. Kế tiếp là đồ hình thứ ba có vẻ như hai người đang đứng giã gạo theo kiểu chày đứng, rất phổ thông trong cổ thời và đến nay còn được kế thừa ở những tộc dân miền núi như ở các bản Mường. Cái chày này hình dáng như cây cột, Hán tự gọi là cự. Ở bản Mường Việt Nam còn có lối hòa tấu âm nhạc dùng chày và trống gọi là "xử cổ hợp nhạc, vậy cự đây cũng là một loại nhạc cụ. Nhạc cụ này là nhạc cụ thứ ba thấy có hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ cũng được mô tả trong bài Ðông Quân (xem h.4 - 4B). Nhạc cụ thứ tư là cái chuông trong câu: Tiêu chung hề dao cự, được biểu lộ trên mặt trống đồng, bên cạnh cái "cự: cách một người hình như hai tay đang tung một con chim bay lên, là một đồ hình trông như một căn nhà bên trong có người đang dùng một tay hình như để đánh vào một dàn chuông. Phía đối diện cũng có đồ hình một căn nhà tương tự, nhưng hình người lúc này không phải dùng một tay mà dùng cả hai tay đánh hai bên dàn chuông, thoáng trông như một người đang mở cửa (xem h.5 - 5B).

Posted ImageThis image has been resized. Click this bar to view the full image. The original image is sized 508x361 and weights 21KB.Posted Image

Cũng có những giải thích khác nữa, nhưng ở đây chúng ta chấp nhận giải thích đây là cặp hợp tấu thứ nhì giữa chuông và chày cùng phụ hòa với cặp hợp tấu thứ nhất là đàn và trống đã nói ở trên. Hai nhạc cụ sau cùng được diễn tả trong câu: Minh trì (thược) hề xuy vu. Trì là ống tiêu hay sáo và vu là cái khèn. Theo sách Dĩ Nhã (Bửu Cầm gọi là Nhữ Nhã) (33): "ống trì làm bằng tre, dài 1 thước 4 tấc, chu vi 3 tấc, có 1 lỗ ở trên chừng 1 tấc 3 phân, gọi là hoạch xuy lớn, thứ nhỏ dài 1 thước 2 tấc (xem h.6). Còn vu (có tên khác là sinh) làm bằng quả bầu khô và những ống tre hay ống nứa ghép lại, là loại nhạc khí phổ thông của người Cổ Việt (có tên gọi là khèn). Trên mặt trống đồng, kế bên đồ hình đánh chuông là đồ hình những người thổi khèn và sáo như hình ta thấy kế bên (xem h.7).

Posted Image

Thứ ba: Nếu cặp hai đã cho ta thấy sự tương đồng khít khao giữa hình họa trên trống đồng và câu thơ trong Ðông Quân thì hoa văn và câu thơ ở cặp ba này không những chỉ nói lên sự thống nhất ở hai thể loại văn hóa khác nhau mà còn nói lên nét độc đáo chỉ thấy ở văn hóa Cổ Việt. Nói một cách khác, theo nhận xét chung của các nhà cổ học Ðông phương, chỗ nào có những hình người mặc áo, đội mũ lông chim vũ như chim bay đúng như câu "Hiên phi hề thúy tằng đã được Vương Dật giải thích: "Những người nhảy (đồng bóng) khéo uốn lượn thân thể mình như đương bay lượn, giống như chim phỉ thúy đang bay lên vậy thì chỗ ấy chịu ảnh hưởng văn hóa Bách Việt, hay chính là Bách Việt.

Hoàn (hiên) phi hề thúy tằng

Triển thi hề hội vũ

Ư¨ng luật hề hợp tiết

Linh chi lai hề tế nhật

Thanh vân y hề bạch nghê thường (34)

Lê Mạnh Thát dịch:

Phất phới hề ác thúy

Trình thơ hề nhảy cùng

Ðúng luật hề hiệp điệu

Linh thần đến hề che trời

Áo mây xanh hề xiêm ráng trắng

Bửu Cầm phỏng dịch:

Loan bay phượng liệng chơi vơi

Múa theo tiết tấu nhạc hài thi ca

Dáng ai thanh nhã hào hoa

Xiêm y gợn nét, vân ba dịu dàng

Quí vị hãy quan sát thực kỹ đoàn vũ công giữa dàn trống và dàn chuông, một bên 6 người, một bên 7 người. Hình như đứng đầu là một người không đội mũ lông chim Phải chăng là người điều khiển(?). Họ đang vũ với một dáng điệu thanh thoát, không biết có phải muốn nói lên ý nghĩa của chuyện thần thoại "con Rồng cháu Tiên? (xem h.8 - 8B)

Thứ tư: Ðề cập đến một chuyện khác đã được Khuất Nguyên diễn tả như sau:

Cử trường thỉ hề xạ Thiên Lang

Thao dư hồ hề phản luân giáng (hàng)

Viễn bắc đẩu hề chước quế tương

Soạn dư bí hề cao đà tường

Yểu minh minh hề dĩ đông hành

Lắp tên quyết bắn Thiên Lang

Cầm cung nhắm nẻo tây phương tống thần

Vin sao bắc đẩu tần ngần

Chước hồ rượu quế là lần tiễn đưa

Xe thiêng một thoáng lửng lơ

Ðông phương thẳng lối mịt mờ bóng đêm (35)

Xin nói ngay rằng đoạn văn trên được phản ảnh không phải trên mặt mà trên tang của trống đồng Ngọc Lũ. Hình người bắn tên đứng ở trên một cái bục cao, mặt quay về hướng tây, hướng mặt trời lặn. Trên dây cung không có mũi tên, chắc cung thủ đã bắn rồi. Bắn cái gì? Khuất Nguyên đã nói rõ: Cử trường thỉ hề xạ Thiên Lang? Vậy Thiên Lang mang ý nghĩa gì? Trước hết, nó là tên sao thuộc phận dã nước Tần, nước đối địch và là tử thù với Sở. Bởi vậy đã có người giải thích xạ Thiên Lang là diệt Tần. Giải thích như vậy cũng có cái lý của nó nhưng không hợp với mục đích bài văn này, một bài văn mang ý nghĩa tôn giáo, cử hành lễ tiễn mặt trời. Theo truyền thuyết, muốn tiễn mặt trời lặn về phương tây được yên ổn thì phải diệt con Thiên Lang còn gọi là Thiên Cẩu (con sói trời) chỉ lăm le nuốt mặt trời, để tảo trừ chướng ngại hầu tiễn Thần (mặt trời) đi được an toàn. Thần ra đi bằng phương tiện gì? Trong hình thuyền trên trống đồng có một con vật bốn chân như chó, nhưng không phải chó vì mắt lồi và hình như có sừng. Ngưới ta giải thích đó là con đà trong câu Soạn dư bí hề cao đà tường. Phải chăng đó là linh vật để thần có thể cưỡi bay về phương đông? (xem h.9)

Posted ImageThis image has been resized. Click this bar to view the full image. The original image is sized 519x380 and weights 27KB.Posted Image

Rõ ràng ta thấy không có gì có thể giải thích bài Ðông Quân rõ và sống động hơn bằng hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ, và ngược lại. Ta không loại trừ hoa văn trên trống đồng còn có thể mang những ý nghĩa khác, nhiều tầng ý nghĩa, nhưng ở đây, ta chỉ nói đến sự tương quan giữa trống Ngọc Lũ và bài Ðông Quân, đến ý nghĩa tế thần, ý nghĩa tôn giáo mà hai loại hình văn hóa tiêu biểu cho Ðại tộc Bách Việt đã cùng biểu lộ. Và tưởng có thể kết luận mà không sợ cho là khiên cưỡng rằng: Ðông Quân và Sở Từ phát xuất từ cùng một nền văn hóa, có cùng một quê hương. Trống Ngọc Lũ của Việt Nam, phản ảnh văn hóa Việt, mà điểm phát xuất là từ đồng bằng sông Hồng có kinh đô tinh thần, kinh đô tín ngưỡng tôn giáo là Phong Châu. Bài Ðông Quân và Khuất Nguyên tưởng không thể không có cùng quê hương đó!

Thảng còn có người phản bác: trong bài Ðông Quân có nói đến một con vật không thấy xuất hiện trên trống đồng Ngọc Lũ: con ngựa (mã) ứng với câu: Phủ dư mã hề an khu. Ðiều này Lăng Thuần Thành đã trả lời giúp chúng ta. Ông đã mượn báo cáo trong Việt Tuyệt Thư số 8 tờ 1b 7-9, theo đó Câu Tiễn nói: "Người Việt ... đi nước mà ở núi, lấy thuyền làm xe, lấy chèo làm ngựa, đi như gió mạnh, về thì khó theo, quyết đánh không sợ chết, ấy là tánh của người Việt. Vậy trong câu thơ trên, ta có thể giải thích "phủ mã là vẫy nhẹ mái chèo, "an khu là thuyền từ từ rời bến. Thực tế, dân ở vùng sông Nguyên, sông Tương bên hồ Ðộng Ðình, nơi Khuất Nguyên sáng tác bài Ðông Quân, khi xưa, cũng như người Việt ở khắp mọi nơi gần sông nước, từ thời xưa đến nay thường vẫn cử hành nghi lễ tôn giáo bằng thuyền, chứ không bằng ngựa xe. Giải thích của Lăng Thuần Thành tưởng có thể đáp ứng được phản bác trên vậy.

Ngoài trống đồng Ngọc Lũ, ta cũng còn có thể có những chứng cớ khác để chứng minh bài Ðông Quân nói riêng, Sở Từ nói chung, và tác giả của nó, Khuất Nguyên, có lẽ thuộc văn học sử Việt Nam. Một trong những chứng cớ đó là chứng minh bài Ðông Quân có sự tương đồng toàn triệt với bài Việt Ca đã được sử Trung hoa công nhận là bài ca bằng chữ viết hoàn chỉnh của người Việt, và đã được Lưu Hướng ghi lại trong Thất Uyển, có lưu trong bí các của Hoàng cung nhà Hán (xem chú thích 30). Chuyện này xin được trình bầy chi tiết hơn trong một dịp khác.

Ở những chương sau, chúng tôi sẽ có dịp trình bầy vào chi tiết huyền thoại Kinh Dương Vương để cùng các tác giả khác làm sáng tỏ vấn đề nguồn gốc dựng nước của người Cổ Việt. Ðại tộc Bách Việt, từ miền Nam, bành trướng lên Bắc, chiếm địa bàn đại lục Trung nguyên trước. Nhưng rồi vì lý do này hay lý do khác, mãi đến nay vẫn chưa biết hết, tộc Việt đã bị tộc Hoa đánh bại, bị tiêu vong hay đồng hóa phần lớn và phần còn lại đã rút về Nam. Chỉ xin nói ngay ở đây rằng trước sự thôn tính và áp lực của nòi Hoa Hán, cũng còn nhiều tộc Việt hiện vẫn lang thang, chưa lập được một nước mới như người Dao (Yao), người Mèo (Miao), người Choang, người Lô Lô ... Những tộc may mắn hơn đã có một quốc gia để xây cuộc đời mới là Thái Lan, Lào, Cao Miên, Miến Ðiện, Mã Lai. Riêng trường hợp Việt Nam thì hình như có hơi khác. Việt Nam đã lập quốc từ gần năm ngàn năm trước. Vì vậy vẫn tự hào là nước có trên 4000 năm văn hiến. Cho dù trong thời đại cực thịnh của nòi Việt ở Trung Nguyên, nhiều tinh hoa Việt đã di lên phương Bắc để lập ra các nước gốc Việt hùng cứ một thời như Sở, Ngô, Ba Thục, Ðông Việt, Mân Việt, Nam Chiếu ... Nhưng phần gốc, cốt lõi tinh hoa vẫn ở lại nơi châu thổ sông Hồng có kinh đô Phong Châu cổ kính. Y¨ kiến do Loofs-Wissowa gợi lên, được Hà Văn Tấn diễn lại trong Theo dấu các văn hóa cổ tưởng rất đáng được quan tâm và được nghiên cứu. Y¨ kiến đó như sau: "Trống đồng được coi như là vật tượng trưng cho quyền lực hợp pháp. Loofs-Wissowa cho rằng có quyền uy tôn giáo đã tồn tại nơi nào đó ở phía Bắc bán đảo Ðông Dương mà hợp lý nhất là ở Bắc Việt Nam. Quyền uy tôn giáo đó không nhất thiết có quyền lực chính trị. Ông cho rằng quyền uy đó gần giống với giáo hoàng ở phương Tây. Theo ông có thể tưởng tượng rằng đã có những sứ bộ phái đoàn do các tù trưởng bộ lạc ở nhiều vùng Ðông Nam Á gửi đến miền Bắc Việt Nam để được ban những chiếc trống đồng, mà với chúng, họ có thể làm vua hợp pháp (36).

Khảo cổ học những ngày rất gần đây đã tìm thấy ở vùng đất thiêng này dấu vết của sự cư trú lâu đời không dưới 4000 năm trước với đời sống văn minh khá cao. Vấn đề này cần được khai triển và nghiên cứu thêm. (Xin xem phần Phụ chú từ trang 504 trong Tìm về Nguồn gốc Văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học).

Hơn 4000 năm văn hiến là một sự thực, không chỉ là huyền thoại, càng không phải là một hội chứng. May mắn thay Ðại tộc Bách Việt đã không hoàn toàn bị tiêu vong bởi kẻ thù truyền kiếp. Ở khắp mọi nơi trong thế giới này, không nơi nào không có bóng dáng của hậu duệ nòi Việt. Và chỉ cần ý thức được nhiệm vụ khó khăn nhưng cao cả của dòng giống mình, nhất định tộc Việt sẽ có ngày dựng lại cơ đồ.

Nay quay lại thời Chiến Quốc, thời quyết định của Ðại tộc Bách Việt. Trong cuộc tranh chấp với Tần, gốc nòi Hoa Hán, đại diện tộc Bách Việt là Sở, nếu thắng thì có thể đã làm chủ Trung nguyên. Sở là con chim đầu đàn của các nước tộc Việt, không những vì Sở nước rộng, người đông mà còn vì kinh tế của Sở phát triển nhất, quân sự của Sở hùng mạnh nhất (nên được gọi là Cường Sở). Mặt khác, biên giới của Sở tiếp giáp với Tấn ở phía Bắc, Tần ở phía Tây, đều là những nước mạnh và những trung tâm văn hóa đầu não của nòi Hoa Hán. Không may, sau khi đạt đến cao điểm của sự phồn vinh, Sở sớm bị hủ hóa, vua thì xa hoa tửu sắc, các quan chỉ biết nịnh bợ gièm pha, mưu cầu phú quí, còn dân thì bạc nhược, thờ ơ với thế sự. Trong bối cảnh phải tranh giành một sống một chết với nòi Hoa Hán, mà sống như vậy, hậu quả đương nhiên phải đưa Sở đến mất nước. Có điều người ta không thể ngờ rằng con chim đầu đàn của tộc Việt ấy, sau khi nước mất, lại bị đồng hóa với nòi Hoa Hán và bị tiêu vong mau như vậy! Sự đồng hóa triệt để đến nỗi những hậu duệ đồng tính như người Việt ngày nay đa số không còn biết người Sở ngày xưa cũng là tổ tiên mình! Ðiều mà những học giả ngoại quốc như Pulleyblank lại nhận thấy một cách tỏ tường (37).

Vài niên đại có ý nghĩa cần lưu ý: Khuất Nguyên mất năm 278 trước Công Nguyên thì ba năm sau (275 trc CN) Sở mất đất Yên Lăng, bốn năm sau (274 trc CN), Sở mất đất Dĩnh là kinh đô của Sở, nên phải dời đô về Thọ Xuân (nay là tỉnh An Huy). 55 năm sau (223 trc CN) Tần diệt Sở và cũng chỉ hai năm sau (221 trc CN) Tần diệt nốt Yên và Tề, thống nhất Trung nguyên, đưa tộc Hoa Hán lên ngôi chủ tể Trung quốc.

Trương Quang Trực, sử gia hàng đầu của Trung quốc trong thế giới tiếng Anh đã đưa ra một nhận định hết sức vơ vào nhưng cũng hết sức thông minh không dễ bác khước là: "All local cultures in prehistoric China that, in their entirely or in large part, became part of the historical Chinese civilization.

Và: "Before Chin unification, the ancient Chinese were but one of the local peoples of China. After, the Chinese were to become the people of China (38).

Có thể hiểu nhận định trước của Trương Quang Trực mang tính cách văn hóa cho rằng mọi nền văn hóa địa phương trong thời tiền sử ở Trung Hoa, hoặc toàn bộ, hay phần lớn, đã trở thành một bộ phận của nền văn minh Trung quốc. Về nhận định thứ hai mang tính dân tộc học, nhưng thực là nhận xét chính trị, rằng "trước khi nhà Tần thống nhất, người cổ ở Trung Hoa gồm nhiều sắc dân ở các địa phương khác nhau, nhưng sau khi Tần thống nhất, người Trung Hoa ngày nay đều trở thành công dân của Trung quốc. Tuy nhiên, trong trường hợp Sở Từ (trong có bài Ðông Quân) nói riêng, và nhiều tài sản văn hóa của Sở nói chung thì hình như có vấn đề. Nước Sở đã mất, người dân Sở ở lại nếu muốn sống thì phải thành dân Trung Hoa như Trương Quang Trực đã nói và những tài sản của Sở nói chung đã trở thành tài sản của Trung quốc. Nhưng nếu trong trường hợp đã có những con dân nước Sở trốn chạy khỏi sự thống trị của Trung quốc, về với những người đồng tộc khác của họ ở quê cũ. Họ đã hợp cùng những người chú bác, anh em tại quê nhà dựng được ngọn cờ độc lập, thành lập được một nước có chủ quyền riêng. Câu hỏi đặt ra là: Vậy ai sẽ là sở hữu chủ của bài văn Ðông Quân, của Sở Từ, của tài sản tinh thần nước Sở cũ đây?

Người Sở ở lại nay đã trở thành người Hoa, đã mất quốc tịch Sở, quốc tính Việt, hay người Sở trốn chạy sự xâm lăng của một tộc dân khác, trở về quê cũ cùng bà con anh em nơi quê hương gốc, lập lại nước của mình và vẫn giữ nguyên quốc tính Việt?

Câu trả lời xin để nhường cho Quí vị.

Lời cuối của bài này tôi muốn nói thêm là khi nghiên cứu về cổ sử nước nhà ta cần phải để ý đến sự thực này: ngày xưa, ngay cả trong thời độc lập tự chủ Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn, sĩ tử nước ta đi thi phải làm một bài luận về Bắc sử tức về sử Tầu, mà không phải thi sử Việt là sử nước mình. Tất nhiên cũng không bắt buộc phải học sử Việt vì học cũng chẳng để làm gì. Tại sao lại có hiện tượng kỳ quặc ấy? Chỉ có thể có một trong hai câu trả lời: bởi người Việt mình kể cả các bậc minh quân, lương tể đều rất khờ dại, hay bởi bị áp lực của Tầu. Quí vị có tin rằng tổ tiên mình khờ dại đến mức đó không? Bởi vậy chúng ta không lấy làm lạ sĩ tử chúng ta càng về sau càng tệ. Tất nhiên tôi nói sĩ tử đây là sĩ tử theo lối học lối thi ngày xưa. Trong hoàn cảnh như vậy mà bảo phải căn cứ vào văn bản, vào những chứng cớ dễ dàng tìm thấy được một cách biểu kiến để bàn về cổ sử, về văn minh cổ nước mình và luận công, tội tiền nhân thì e khó tìm ra sự thực và nhất là cũng không công bằng. Chúng tôi xin phép nói lại điều đã nói nhiều lần: văn minh Cổ Việt là văn minh chìm, chìm vì một phần những tinh hoa của chúng ta đã bị tiếm đoạt, bị xóa nhòa mất rồi, phần khác vì tổ tiên chúng ta đã phải đem giấu kín những gì còn lại như thuốc giấu, võ giấu, binh thư, sách lược càng phải giấu và về mọi mặt khác cũng vậy. Ðến nỗi những của báu đem giấu mãi bị thất thoát phai nhạt dần, chính con cháu bây giờ muốn tìm ra cũng không phải là chuyện dễ.

Ðường về văn hóa, về cội nguồn dân tộc quả là đường không đơn giản, đúng như tác giả Nguyên Nguyên, một người đã có học vị tiến sĩ khoa học của Tây phương đã nói "có thể đưa đến tẩu hỏa nhập ma như chơi (xin đọc bài "Truyền thuyết Âu Cơ và dư âm tiếng Việt trong Bách Việt trong số này) hay như GS Trần Ngọc Ninh đã phát biểu trước đây mà Tư Tưởng đã có dịp đăng lại thì: "Trời ơi là xa mà hình như là không có đường nữa!

Bởi vậy, trên con đường tìm về cội nguồn, nếu có ai sai sót điều gì thì xin hãy bảo cho nhau biết, để người nọ đỡ người kia, có thêm bạn đồng hành, thêm niềm tin và thêm sức mà đi tới nữa.

CUNG ÐÌNH THANH

Chú thích của tác giả:

1 - Dịch Quân Tả, Văn học sử Trung quốc, bản dịch Hoàng Minh Ðức, nxb Minh Tâm, Saigon, 1975, trg 156.

Cửu Ca: - Ðông hoàng thái miếu

- Vân trung quân

- Tương quân

- Ðại tư mệnh

- Thiếu tư mệnh

- Ðông quân

- Hà bá

- Sơn quỷ

- Quốc thương

- Lễ hồn

2 - Tư Mã Thiên, Sử Ký, bản dịch Nhữ Thành, nxb Văn học, Hà Nội, 1988, in lần thứ 9, trg 543.

"Thơ Quốc Phụng mê sắc mà không dâm, thơ Tiểu Nhã oán trách mà không loạn. Như Ly Tao thực là gồm được cả hai [...]. Nó nêu rõ tầm quan trọng của đạo đức, nguyên nhân làm nước nhà trị loạn, không có chuyện gì không nói đến.

"Văn ông ngắn gọn, kín đáo, chí ông trong sạch, nết ông thanh cao; tuy nói những điều vụn vặt nhưng ý nghĩa rất rộng, việc nhắc đến tuy gần nhưng nghĩa thì xa. Chí ông trong sạch nên nói đến các hoa thơm. Nết ông cao cho nên dù chết cũng không được dung nạp. Ông thoát khỏi cái thế giới bùn lầy, như con ve bỏ xác ở nơi dơ đục, để cất mình ra khỏi đám bụi trần, chẳng để cho đời làm dơ bẩn. Thật là "ở bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Suy cái chí ấy thì ông có thể sánh với mặt trăng mặt trời vậy.

3 - Dịch Quân Tả, sđd,

"Vương Thế Chiêu viết Khuất Nguyên truyện cho rằng yếu chỉ của Thiên Vấn xoay quanh bốn chữ Hưng, Phế, Thành, Bại. Cuối thiên Thiên Vấn, Khuất Nguyên viết "Ngô cáo đồ ngao dĩ bất thường, hà thí thượng tự dư, trung các di chương! (ta bảo cho các bậc hiền thần nước Sở biết rằng nước nhà đang lúc khuynh nguy, sợ khó được trường tồn. Ta nào dám lấy lòng trung với vua để được rạng danh với hậu thế!)

4 - Tư Mã Thiên, sđd, trg 542.

5 - Dịch Quân Tả, sđd, trg 154.

6 - Dịch Quân Tả, sđd, trg 165-166.

7 - Will Durant, Lịch sử Văn minh Trung Hoa, bản dịch Nguyễn Hiến Lê, nxb Văn Hóa Thông Tin, Việt Nam, 2000).

8 - Nhiều tác giả, Lịch sử Việt Nam tập I, nxb Ðại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, trg 132.

9 - Tư Mã Thiên, sđd, trg 391.

10 - Tư Mã Thiên, sđd, trg 546.

11 - Hồ Thích, Triết học sử Trung quốc, bản dịch Hoàng Minh Ðức, nxb Khai Trí, Saigon, 1969, trg 721.

12 - Dịch Quân Tả, sđd, trg 163.

13 - Dịch Quân Tả, sđd, trg 163.

14 - Dịch Quân Tả, sđd, trg 163.

15 - Ở đây xin cảm ơn Anh Nicolas Nguyễn.

16 - E. G. Pulleyblank, The Chinese and Their Neighbors in Prehistoric and Early Historic Times, Part four, Tribe and State, The Origins of Chinese Civilization, Uiniversity of California Press, Berkeley and Los Angeles, 1983, p. 440.

"This kind of linguistic evidence supports the conclusion that the people of ancient Yueh were linguistically related to the people of modern Vietnam and that the extension of the name from one to the other was based on the recognition of genuine identity. Most likely Wu was also Austro-Asiatic.

17 - E. G. Pulleyblank, tlđd, p. 438.

"Fortunately, there is some direct linguistic evidence to support the hypothesis that a language of Austro-Asiatic type, like Vietnamese, was spoken in the Yueh regions of coastal China. This has been pointed out by Mei and Norman (1976).

18 - Hà Văn Tấn, Theo dấu các văn hóa cổ, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003, trg 491.

19 - E. G. Pulleyblank, tlđd, p. 411-466.

19A - S. Oppenheimer - Eden in the East, sđd.

"The simplest explanation is that Austro-Asiatic. area and the original Austric homeland was long the coast of Vietnam where Austro-Asiatic tongues are still dominant today. It may be even further south on the old sunda continent.

As presiously mentioned, the only remaining clue to the identity and language of the first-rice growers in this part of the world (Sakai cave dwellers of Southern Thailand 9260 - 7620 years ago. Surin Pookajorn) come from the present day Austro-Asiatic speaking.

The so-called Hoabinhians the Pre-Neolithic inhabitants of Indo-China from at least 10.000 years ago, are usually thought to have been ancestors of Austro Asiatic spakers and are presumed to have learnt their agricultural skills thousands years later by diffusion from Early Neolithic culture, further North in China (trg 68 - 69).

"& Austro-Asiatic are spoken by most Vietnamese and Combodians, Laotians, Mons and a Scattered trail of isolated groups round Thailand, Burma, Bangladesh, and through to the Manisaid tribes of central and east India. Where, when and how they came to be split up geographically like this are questions that may hold a key to the Southeast Asian farming revolution (trg 130).

"& As previously mentioned, the only remaining clue to the identity and language of the first-rice growvers in the part of the world (represented by the Sakai cave dwellers of Southern Thailand) comes from the present day A.A. speaking (trg 128).

20 - Tư Mã Thiên, sđd, q. 40 - Sử thế gia, tờ 3b.

21 - Hứùa Văn Tiền viết ở bài Dịch giả tự trong bản dịch quyển An Nam thông sử - nguyên tác của sử gia Nhật Bản Nhan Thôn Thành Doãn, do Tân Hoa ấn loát công ty ở Hương Cảng ấn hành, 1957, trg 34, trích theo GS Bửu Cầm, Sử Ðịa tạp chí số 25, nxb Khai Trí, Saigon 1973, trg 73-74.

22 - Ngô Sĩ Liên, Ðại Việt Sử ký Toàn thư, tập I, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983, phần Ngoại kỷ, từ trg 15.

23 - Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, in lần thứ sáu, nxb Tân Việt, Saigon, 1958, trg 25.

24 - Nhiều tác giả, Lịch sử Việt Nam tập I, sđd, trg 103.

25 - S. Oppenheimer, Eden in the East, Phoenix, London, 1998.

26 - O. Janse, Archaeological Research in Indochina, V&I 1947, Vol III, 1956.

B. Karlgren, The Date of the Early Dongson Culture, The Museum of the Easter Antiquitin, No 14, 1942.

R. Heine-Geldern

W. G. Solheim II, Southeast Asia and the West Science Vol 157, No 3791, 1967, p. 902.

27 - La Hương Lâm, Trống đồng của người Lạc Việt, trong quyển Bách Việt Nguyên lưu dữ Văn hóa, Ðài Loan, Trung Hoa thư cục xuất bản 1955, trg116, 128-136.

28 - Hà Văn Tấn, sđd, trg 472.

29 - Hà Văn Tấn, sđd, trg 687-688.

30 - Lê Mạnh Thát, Lịch sử âm nhạc Việt Nam, Từ thời Hùng Vương đến thời Lý Nam Ðế, nxb Tp Hồ Chí Minh, 2001, trg 71.

"Tiếng Việt như vậy không chỉ hiện diện như một ngôn ngữ của giống người Việt, mà còn như một ngôn ngữ có chữ viết hoàn chỉnh để cho Lưu Hướng chép lại nguyên văn cùng bản dịch "tiếng Sở của nó có từ một văn bản nào đó trong bí các của Hoàng cung nhà Hán (Lê Mạnh Thát, sđd, trg 95).

Hơn thế nữa, sau khi so sánh kỹ lưỡng bài Ðông Quân và bài Việt Ca, căn cứ vào bản dịch chữ Hán của hai bài ca ấy, tác giả Lịch sử âm nhạc Việt Nam đã nhận thấy có sự giống nhau về cú pháp, về ngôn từ, cũng như về ý tưởng, giống nhau đến nỗi ông đã phải lạc quan kết luận: "Chỉ một bài ca tiếng Việt xưa nhất với 5 câu dịch chữ Hán mà ta đã thành công phần nào trong công việc truy nhận một số những liên lạc giữa bài ca được xác nhận là của người Việt và Cửu Ca như đã thấy (của Khuất Nguyên) (Lê Mạnh Thát, sđd, trg 72).

31 - Bửu Cầm, Tập san Sử Ðịa số 25, thg 1-3/1973, trg 49-80.

32 - Lê Mạnh Thát, sđd.

33 - Hình như từ trước đến nay mới có hai người đem Sở Từ (bài Ðông Quân) đối chiếu với trống đồng, mỗi người do một động lực riêng. Người thứ nhất là Lăng Thuần Thành, GS Ðại học Ðài Loan, lấy trống đồng để chú giải bài Ðông Quân, một điều mà trước nay chưa ai làm, vì người ta chỉ lấy sách giải sách dưới cái tên "Ðồng cổ đồ văn dữ Sở Từ Cửu Ca. GS Bửu Cầm, Trường Ðại học Văn Khoa Saigon đã đem bài trên giới thiệu với độc giả Việt Nam trên Tập san Sử Ðịa số 25 (1973) với sự "góp thêm những ý kiến, những nhận xét và những chú thích của chúng tôi (chữ của GS Bửu Cầm).

Ðây là những tài liệu biên khảo nghiêm túc. Học giả họ Lăng đã đúng khi nói trống đồng đã tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới chứ không chỉ tìm thấy ở Việt Nam, nhưng đã sai khi nói nó khởi nguyên ở vùng đất quanh vùng đầm Vân Mộng (hai tỉnh Hồ Bắc - Hồ Nam), càng sai hơn nữa khi ông không để ý trống Ngọc Lũ (cả trống Hoàng Hạ và Sông Ðà) là trống có hoa văn phản ảùnh bài Ðông Quân của Khuất Nguyên và là những trống duy nhất có các hoa văn này, lại chỉ tìm thấy ở châu thổ sông Hồng tại Việt Nam.

Người thứ hai là Lê Mạnh Thát, viết trong Lịch sử âm nhạc Việt Nam, sách xuất bản tại Saigon năm 2001, nhưng hình như in lại một ấn bản (hay luận án?) đã có từ 1969, theo lờùi Tựa, ở Madison, Wisconsin, Hoa Kỳ. Khác với Lăng Thuần Thành, ông làm công việc dùng hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ để tìm hiểu cổ nhạc Việt Nam.

34 - Bửu Cầm, Tập san Sử Ðịa số 25, Saigon, 1973, trg 63.

35 - Xem chú thích 35.

36 - H. H. E. Loofs-Wissowa, The distribution of Dongson drums, Some thoughts, Wiesbaden, Steiner, 1983, p.410-417.

Hà Văn Tấn, sđd, trg 706.

37 - E. G. Pulleyblank, tlđd, trg 427.

"Through Chu became Chinese in language and eventually took its place among the contending Chinese states, there is abundant evidence that originally it was considered and considered itself to be Man origin.

38 - Trương Quang Trực (Kwang Chih Chang), The Atchaeology of Ancient China, New Haven, Com. 1968.

[/b]

Share this post


Link to post
Share on other sites