wildlavender

Nhất quán với triết lý giáo duc vì người nghèo

2 bài viết trong chủ đề này

GS-TS Dương Thiệu Tống: Nhất quán với triết lý giáo dục vì người nghèo

04-09-2008 23:03:58 GMT +7

TỪ NGUYÊN THẠCH

Trẻ em Việt Nam phải được đào luyện trong nền văn hóa của đất nước. “Xã hội ngày càng phân cực giàu nghèo nên không thể bắt phụ huynh nghèo đóng học phí bằng phụ huynh giàu. Đó là mất công bằng trong giáo dục” - GS-TS Dương Thiệu Tống.Tại hội thảo về “Xã hội hóa giáo dục và đào tạo” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức năm 2004, có một ý kiến đi ngược lại suy nghĩ của số đông lúc bấy giờ “xã hội hóa giáo dục là vận động phụ huynh đóng góp nhiều hơn cho nhà trường”. Ý kiến này dẫn số liệu nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy ở Việt Nam, ngoài ngân sách của nhà nước, xấp xỉ một phân nửa chi phí giáo dục là do cha mẹ học sinh đóng góp: 44% ở bậc tiểu học, 49% ở bậc THCS và 51% ở bậc THPT. “Chi phí này là quá nhiều so với thu nhập của phần lớn gia đình công chức hoặc lao động nghèo. Khổ nỗi nhiều nơi người ta cứ vin vào khẩu hiệu “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để thu bừa”. Người phát biểu và lập luận một cách khoa học, xác đáng ấy là giáo sư Dương Thiệu Tống.

Giáo dục cho người nghèo

Những bài viết, những phát biểu của ông bao giờ cũng kèm theo những tài liệu chứng minh. Có những luận điểm rất nhỏ ông cũng kèm theo hàng chục trang tài liệu dẫn chứng.

Thái độ cẩn trọng với công việc ấy đã dành được sự kính trọng không chỉ trong nhà trường mà còn ngoài xã hội, nhất là các nhà giáo thuộc thế hệ ông. Nhưng điều khiến mọi người quý mến ông hơn là tâm huyết của ông dành cho giáo dục. Một nền giáo dục thực tiễn và khoa học, đào tạo những công dân tốt cho đất nước. Một nền giáo dục tạo cơ hội đồng đều cho mọi thành phần xã hội, không phân biệt giàu nghèo. Những bài viết, những phát biểu của ông đều xuyên suốt và nhất quán với triết lý giáo dục ấy - một triết lý giáo dục đứng về người nghèo, vì người nghèo.

Đầu năm học 2007-2008, dư luận rộ lên vấn đề tăng học phí. Ông tâm sự với chúng tôi: “Tôi nghe nói sắp tới học phí các trường phổ thông sẽ tăng hai, ba lần. Ngành giáo dục giải thích tăng học phí vì giá cả tăng nhiều lần, lương tối thiểu cũng đã điều chỉnh nhiều lần, trong khi đó học phí áp dụng từ năm 1998 đến nay không thay đổi, đã tỏ ra lạc hậu. Tôi nghe như thế và lo ngại ghê lắm”. “Thầy lo ngại điều gì?” - chúng tôi hỏi. Thầy Dương Thiệu Tống: “Người dân đã đóng thuế rồi, sao lại bắt phụ huynh đóng thêm học phí khi có con đi học? Nhiều nước trên thế giới họ áp dụng chế độ giáo dục bắt buộc đến lớp 12 kia. Trẻ con đi học không mất tiền. Giáo dục là phúc lợi xã hội”.

Posted Image

GS-TS Dương Thiệu Tống

Môn học công cụ

Nhưng có lẽ điều ông đau đáu nhất là dạy cái gì trong nhà trường? Những thế hệ mai sau có đủ sức gánh vác việc nước?

Theo ông, môn học đạo đức là môn học công cụ, có nghĩa là từ môn học này học sinh tự biết cách mà ứng xử, tiếp thu các môn học khác. Ông nói: “Giáo dục đạo đức không tách rời sự phát triển kinh tế. Ngược lại, chính nó đã trở thành một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế không kém gì các yếu tố sản xuất khác. Yếu tố ấy được các nhà giáo dục trên thế giới gọi là “vốn xã hội”...”. Ông dẫn chứng sự thành công của một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... ắt không phải là do sự phong phú tài nguyên vật chất mà chính là do cái “vốn xã hội” truyền thống mà họ đã được thủ đắc, bảo tồn và phát huy qua môi trường giáo dục.

Ông kêu gọi xây dựng một nền giáo dục nội sinh. “Tôi nhớ hồi trước, rất nhiều phụ huynh phản đối việc lấy trường công xây trường Tây để dạy cho trẻ em Việt Nam. Còn nay phụ huynh lại hãnh diện khi cho con học trường Tây. Trẻ em Việt Nam phải được đào luyện trong nền văn hóa của đất nước chớ, làm sao học trường Tây để lấy bằng Tây được?”.

Dạy chữ, dạy người...

Trong hành động và suy nghĩ của ông luôn ở vị trí một người thầy. Người thầy, theo ông, ngoài nghĩa vụ dạy chữ còn có sứ mạng cao hơn, đó là dạy làm người. Bởi vậy, dạy học không chỉ là một nghề mà còn là một thiên chức. Trong cuốn Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại (Công ty Văn hóa Phương Nam phát hành năm 2003), thầy Dương Thiệu Tống có kể về một người thầy cũ ở Trường Providence (Thiên Hựu, Huế) cách nay khoảng 70 năm với cả lòng tôn kính. “Cách đây hơn hai năm, tại TP.HCM, tôi và một số bạn học đã đến thăm người thầy cũ của mình, người thầy đã dạy nhiều thế hệ học trò cách nay từ 50 đến 70 năm. Đó là một buổi họp mặt rất đặc biệt vì người thầy đã ở tuổi 95 và những học trò thì ai cũng ở tuổi “xưa nay hiếm”. Hơn nửa thế kỷ rồi họ mới gặp nhau. Tình nghĩa thầy trò sao thiêng liêng quá!...”.

Tết năm ngoái, chúng tôi đến chúc Tết ông. Bước vào căn phòng của thầy cảm giác thật bình yên. Vài cuốn sách đọc dở trên bàn, cốc trà nguội, chiếc computer với màn hình nhấp nháy... Cuộc sống của thầy rất đỗi thanh bạch. Đã gần năm nay, thầy không đến thường xuyên các hội thảo giáo dục như trước do sức khỏe yếu. “Mỗi lần có các anh chị đến, tôi như sống thêm được mười tuổi” - thầy cười, chòm râu rung rung hồn hậu.

Giáo sư-tiến sĩ Dương Thiệu Tống sinh năm 1925 tại làng Vân Đình, tỉnh Hà Đông. Ông học tiểu học đến tú tài tại Huế.

- 1945: Bước vào nghề dạy học.

- 1957: Đỗ cử nhân Luật khoa (Đại học Luật Sài Gòn); tốt nghiệp Luật quốc tế và Bang giao quốc tế tại University College of Wales (Anh).

- 1963: Thạc sĩ giáo dục tại Ohio University (Mỹ).

- 1968: Tiến sĩ giáo dục tại Columbia University (Mỹ).

- 1984: được phong giáo sư.

- Nguyên Hiệu trưởng Trường Quốc học (Huế), Trường trung học kiểu mẫu Thủ Đức (thuộc Đại học Sư phạm Sài Gòn). Giáo sư diễn giảng tại Đại học Sư phạm Sài Gòn. Phó khoa trưởng Văn Khoa, Đại học Vạn Hạnh. Sau 1975, cán bộ giảng dạy đến năm 1990 thì về hưu.

Do tuổi cao sức yếu, ông mất ngày 3-9-2008, thọ 84 tuổi. Linh cữu giáo sư-tiến sĩ Dương Thiệu Tống được quàn tại nhà tang lễ TP, số 25 đường Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM. Lễ động quan lúc 7 giờ ngày 6-9-2008, an táng tại Nghĩa trang TP.HCM (Củ Chi). Ban biên tập, cán bộ, công nhân viên Báo Pháp Luật TP.HCM xin thành kính chia buồn cùng tang quyến.

nguồn phapluattp.com

Share this post


Link to post
Share on other sites

GS-TS Dương Thiệu Tống: Nhất quán với triết lý giáo dục vì người nghèo

Hơ! Thế mà Thiên Sứ tôi lại cứ tưởng mục đích giáo dục là để duy trì và phát triển nền văn minh chứ! Hóa ra không phải. Cứ như ông Dương Thiệu Tống phát biểu thì giáo dục cũng như việc từ thiện nhẩy?!

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay