Posted 6 Tháng 9, 2010 “Nhất Sĩ” trong tứ đại phú . Những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ở Sài Gòn nổi lên bốn nhà cự phú, giàu có nức tiếng. Họ không chỉ giàu nhất Sài Gòn mà còn là giàu nhất Nam Kỳ lục tỉnh và cả giàu nhất Đông Dương. Bởi thế mới có câu Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Định (*) truyền tụng cho đến mãi ngày nay. Trước hết, chúng ta hãy "tiếp cận" với nhân vật được xếp hạng "số một": Huyện Sĩ. Tượng bán thân Ông Huyện Sĩ. Ngày nay, nếu có dịp đi qua góc đường Tôn Thất Tùng - Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM), bạn sẽ thấy tọa lạc ở đây là một nhà thờ uy nghiêm, cổ kính. Đó là nhà thờ giáo họ Chợ Đũi, tuy nhiên dân gian vẫn quen gọi là Nhà thờ Huyện Sĩ nhằm tưởng nhớ người đã bỏ 1/7 gia sản của mình ra để xây dựng và cung hiến, dần dần tên gọi "Nhà thờ Huyện Sĩ" trở thành tên gọi chính thức của ngôi thánh đường này. Tiểu sử của Huyện Sĩ đến nay vẫn còn khá giản lược nhưng di sản và tiếng tăm của một dòng họ "trâm anh thế phiệt" đến nay vẫn lưu truyền. Huyện Sĩ tên thật là Lê Phát Đạt (1841-1900), thuở nhỏ có tên là Sĩ. Ông sinh tại Cầu Kho (Sài Gòn) nhưng quê quán ở Tân An (Long An) trong một gia đình theo đạo Công giáo, tên thánh là Philipphê. Do vậy, ông được các tu sĩ người Pháp đưa sang du học ở Pénang (Malaysia). Ở đây, Sĩ được học các ngôn ngữ: La Tinh, Pháp, Hán và quốc ngữ (chữ Việt mới sơ khai), rồi do trùng tên với một người thầy dạy nên Sĩ đổi tên thành Lê Phát Đạt. Khi về nước, Lê Phát Đạt được Chính phủ Nam Kỳ bổ dụng làm thông ngôn, rồi làm Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (từ năm 1880). Tuy nhiên, dù đã đổi tên nhưng bà con lối xóm vẫn gọi ông bằng cái tên cúng cơm: Sĩ. Theo học giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa (NXB TP.HCM, 1991) thì cái sự "lên hương" của Lê Phát Đạt chẳng qua là... ăn may: "Tương truyền buổi đầu, Tây mới qua, dân cư tản mác. Pháp phát mãi ruộng đất vô thừa nhận, giá bán rẻ mạt mà vẫn không có người đầu giá (chú thích: "Hồi Tây qua, nghe nói lại, những chủ cũ đều đồng hè bỏ đất, không nhìn nhận, vì nhận e nỗi quan và triều đình Huế khép tội theo Pháp. Vả lại, cũng ước ao một ngày kia Tây bại trận rút lui. Chừng đó ai về chỗ nấy, hốp tốp làm chi cho mang tội... Không dè bởi đất không ai nhìn, nên Pháp lập Hội đồng Thành phố, Ủy ban Điền thổ rồi đưa nhau đi khám xét từng vùng. Đến chỗ nào địa thế tốt, thì những ủy viên bản xứ nhận là của mình: "Ùy" (Oui) một tiếng! Đến chỗ nào nẻ địa thì lắc đầu, tiếp theo nói "Nông" (Non) cũng một tiếng! Chung quy chỉ học hai tiếng "Ùy", "Nông" mà có ông lập nghiệp truyền tử lưu tôn. Trận bão năm Giáp Thìn (1904), đất Gò Công bỏ hoang vô số kể, ai đủ can đảm chịu ra mặt đóng thuế thì làm chủ chính thức, mà có ai thèm đâu..."). Thế rồi, nài ép ông, ông bất đắc dĩ phải chạy bạc mua liều. Nào ngờ vận đỏ, ruộng trúng mùa liên tiếp mấy năm liền. Ông trở nên giàu hụ, trong nhà có treo câu đối dạy đời: "Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách/Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ". Tương truyền ngôi nhà lầu đồ sộ của Huyện Sĩ tại Tân An (nằm gần ngã ba sông Tân An và Bảo Định) được cất trên thế đất hàm rồng nên gia đình ông trở nên giàu có, danh vọng bậc nhất thời đó. Nhiều tài liệu nói rằng khi đang xây nhà thờ Chợ Đũi (tức nhà thờ Huyện Sĩ), theo yêu cầu của giáo dân vùng Bảy Hiền, người ta đã cắt bớt một gian giữa của nhà thờ này để lấy tiền đó xây nhà thờ Chí Hòa; con trai của Huyện Sĩ là kỹ sư Lê Phát Thanh cũng bỏ tiền ra xây nhà thờ Hạnh Thông Tây (góc Quang Trung - Lê Văn Thọ, Gò Vấp). Tất cả những ngôi nhà thờ này đều xây trên đất của Huyện Sĩ. Ngày nay, nếu đi bằng xe máy từ nhà thờ Huyện Sĩ đến nhà thờ Hạnh Thông Tây phải mất gần một tiếng, đủ thấy "lãnh thổ" của Huyện Sĩ mênh mông chừng nào. Không chỉ có thế, các con của Huyện Sĩ như bà Lê Thị Bính (mẹ của Nam Phương hoàng hậu), Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân... đều là những đại điền chủ có rất nhiều đất đai ở Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ và Đồng Tháp Mười... Riêng trưởng nam của Huyện Sĩ là Lê Phát An được vua Bảo Đại phong tước An Định Vương, là người duy nhất trong lịch sử Nam Kỳ thuộc hàng dân dã, không là "hoàng thân, quốc thích" được lên ngôi vị cao quý nhất của triều đình (vương, công, hầu, bá, tử, nam - NV). Năm 1934, nhân dịp gả cô cháu gái về Huế làm Hoàng hậu, Lê Phát An đã tặng cho Nguyễn Hữu Thị Lan 1 triệu đồng tiền mặt để làm của hồi môn (1 triệu đồng lúc bấy giờ giá vàng khoảng 50 đồng/lượng, vị chi món quà này tương đương 20.000 lượng vàng - NV). Gia đình Nguyễn Hữu Hào (cha của Nam Phương hoàng hậu, rể của Huyện Sĩ) giàu hơn Bảo Đại. Trong đời làm vua của mình, vị hoàng đế thích ăn chơi Bảo Đại xài tiền của vợ nhiều hơn của hoàng gia. Nam Phương Hoàng Hậu (cháu ngoại của Huyện Sĩ) Huyện Sĩ mất năm 1900, hai mươi năm sau vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài cũng tạ thế. Người ta đưa xác hai ông bà vào chôn ở gian sau cung thánh nhà thờ Huyện Sĩ như một nhà mồ... Người viết đã may mắn quen biết với một người là thành viên của Hội đồng giáo xứ nhà thờ Huyện Sĩ nên đã nhờ ông dắt vào tận nơi (đây là khu vực đặc biệt, không phải ai muốn vào cũng được). Phía bên trái là tượng bán thân bằng thạch cao của ông Huyện Sĩ, kế đến là phần mộ bằng đá cẩm thạch được trang trí hoa văn (nghe nói là chôn nổi). Trên mộ là tượng toàn thân của ông Huyện Sĩ (cũng bằng đá cẩm thạch) nằm kê đầu lên hai chiếc gối, đầu chít khăn đóng quay mặt về phía cung thánh, mình mặc áo dài gấm có hoa văn rất tinh xảo, hai tay đan vào nhau trước ngực, chân đi giày. Phía bên phải, ở những vị trí đối xứng là tượng bán thân của vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài (1845-1920), rồi đến mộ và tượng toàn thân của bà: búi tóc, cũng nằm kê đầu lên hai chiếc gối, hai tay nắm trước ngực, mặc áo dài gấm, chân mang hài. Phía trong cùng còn có tượng bán thân của con trai và con dâu của ông bà là Lê Phát Thanh (bên trái) và Đỗ Thị Thao (bên phải)... Đứng bên phần mộ của những con người đã từng có một thời giàu có và tiếng tăm nhất nước này, mới thấy kiếp người phù sinh. Tuy nhiên, phải thừa nhận phần mộ có tạc tượng của ông bà Huyện Sĩ xứng đáng là công trình nghệ thuật tuyệt tác. Hà Đình Nguyên. nguồn thanhnienonline. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 6 Tháng 9, 2010 “Nhì Phương” trong tứ đại phú Tổng Đốc Phương (ảnh qua tư liệu) Cho đến nay, vẫn còn nhiều người nhầm lẫn Tổng đốc Phương là danh tướng Nguyễn Tri Phương lừng lẫy. Thực ra chính cái hàm tổng đốc đã khiến nhiều người ngộ nhận... Tổng đốc Phương tên thật là Đỗ Hữu Phương sinh năm 1841 tại Chợ Đũi (Sài Gòn), cha ông là Bá hộ Khiêm (gốc Minh Hương) lấy con gái của một quan tri phủ ở Nam kỳ gốc Quảng Nam. Đỗ Hữu Phương biết chữ Hán và nói được một ít tiếng Pháp. Sau khi Pháp chiếm đại đồn Kỳ Hòa (1861), ông nhờ Cai tổng Đỗ Kiến Phước dẫn đến giới thiệu với Tham biện hạt Chợ Lớn là Francis Garnier (là viên đại úy Pháp sau này đã tấn công và chiếm thành Hà Nội do Nguyễn Tri Phương chống giữ. Chỉ ít lâu sau đó, y cũng đền tội do bị quân Cờ Đen phục kích ở Ô Cầu Giấy, Hà Nội). Bước đầu, Garnier cho Đỗ Hữu Phương làm hộ trưởng (bấy giờ Chợ Lớn gồm 20 hộ). Từ đó, Đỗ Hữu Phương cộng tác đắc lực cho Pháp, nhất là trong việc dọ thám và kêu gọi những lãnh tụ nghĩa quân ra hàng. Tuy thế, Phương rất khôn ngoan, chỉ trực tiếp tham gia vài trận cho người Pháp tin cậy như trận đánh vào lực lượng Trương Quyền (con của Trương Định) ở Bà Điểm và truy nã ông này đến tận Bến Lức (tháng 7.1866). Ba tháng sau, Đỗ Hữu Phương và Tôn Thọ Tường đi Bến Tre chiêu dụ hai con trai của Phan Thanh Giản (Phan Tôn và Phan Liêm). Tháng 3.1868, ông xuống Rạch Giá dẹp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực. Nghĩa quân chống trả quyết liệt, Phương suýt chết... Nhờ đó Đỗ Hữu Phương được cất nhắc lên các chức vụ: Tri huyện, Tri phủ rồi Đốc phủ sứ Vĩnh Long (tháng 7.1868)... Từ năm 1872, Đỗ Hữu Phương được chỉ định làm ủy viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn, rồi trở thành phụ tá Xã Tây Chợ Lớn (1879). Thời gian giữ các chức vụ này, Đỗ Hữu Phương thường ngầm làm trung gian để giới thương gia người Hoa “đi đêm” (hối lộ) cho các viên chức khác, nhờ đó ông giàu lên mau chóng. Cơ ngơi, sản nghiệp “nứt khố đổ vách”, uy danh đến nỗi quan Toàn quyền Paul Doumer khi vào Nam công cán cũng ghé vào nhà Đỗ Hữu Phương thăm và dự tiệc thết đãi. Có lẽ nhờ dịp này mà quan toàn quyền ban đặc ân cho Phương được khẩn trưng một sở đất ruộng lên đến 2.223 mẫu tây. Học giả Vương Hồng Sển viết trong Sài Gòn năm xưa: “Sự nghiệp (của ông Phương) trở nên đồ sộ nhứt nhì trong xứ, phần lớn do tay phu nhân Trần thị gây dựng. Bà giỏi tài đảm đang nội trợ, một tay quán xuyến trong ngoài, làm của đẻ thêm ra mãi, lại được trường thọ, mất sau chồng...”. Chính bà vợ của Tổng đốc Phương đã bỏ tiền ra xây trường Collège de Jeunes files Indigènes, tức trường Áo tím (Gia Long) mà bây giờ mang tên trường Nguyễn Thị Minh Khai (nằm trên đường Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM) và cúng dường trùng tu một ngôi chùa khác. Tuy nhiên, những “việc thiện” này không đủ khỏa lấp “thành tích” của Đỗ Hữu Phương trong quan hệ với Thủ khoa Huân. Nguyễn Hữu Huân và Đỗ Hữu Phương vốn là bạn từ thời thơ ấu. Ông Huân sinh năm 1830 và đỗ đầu khoa thi Hương năm Nhâm Tý (1852) nên được gọi là Thủ khoa Huân. Khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (có Định Tường quê ông) thì ông cũng giống như nhiều sĩ phu khác: tham gia kháng Pháp. Ông từng sát cánh chiến đấu bên các lãnh tụ nghĩa quân Trương Định, Vũ Duy Dương (tức Thiên hộ Dương), Âu Dương Lân... Năm 1864, ông bị Pháp bắt và kết án khổ sai, đày đi Cayenne (thuộc địa của Pháp tại Nam Mỹ). Ở tù được 5 năm, Thủ khoa Huân được Pháp ân xá nhờ Đỗ Hữu Phương bảo lãnh và xin chứa chấp ở trong nhà để giám sát, đồng thời đề nghị phía Pháp cho ông Huân làm giáo thụ dạy các sinh đồ vùng Chợ Lớn để lôi kéo họ về phía Pháp. Lợi dụng hoàn cảnh, trong suốt 3 năm, Thủ khoa Huân đã bí mật liên lạc với các Hoa kiều trong Thiên Địa hội, họ mua một thuyền vũ khí để chuẩn bị khởi nghĩa nhưng việc vỡ lở, Thủ khoa Huân trốn khỏi nhà Đỗ Hữu Phương về Mỹ Tho cùng với Âu Dương Lân tiến hành khởi nghĩa lần thứ ba (1872). Hai năm sau, Đỗ Hữu Phương và Trần Bá Lộc đưa quân Pháp truy bắt Thủ khoa Huân. Ông chạy thoát, nhưng 3 tháng sau thì bị Pháp bắt. Ngày 19.5.1875, Pháp cho tàu chở Thủ khoa Huân xuôi dòng Bảo Định về Mỹ Tịnh An và hành quyết ông lúc 12 giờ trưa (Âu Dương Lân sau đó cũng bị Trần Bá Lộc bắt sống và xử tử)... Cụ Vương Hồng Sển bình: “...Tiếng rằng “hiền”, là hiền hơn hai ông kia (Trần Bá Lộc, Huỳnh Công Tấn), chớ xét ra một đời mâu thuẫn: lấy một tỉ dụ là đối với Thủ khoa Huân. Che chở cũng y (Đỗ Hữu Phương), đem về nhà bảo đảm và cấp dưỡng cũng y, mà rồi bắt nạp cho Tây hành hình cũng y nốt...”. Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam thì Đỗ Hữu Phương được Pháp thưởng Tam đẳng bội tinh, triều đình Huế phong hàm tổng đốc. Trước năm 1975, Sài Gòn có đường Tổng đốc Phương ở quận 5, sau này, đổi thành đường Châu Văn Liêm. Người viết có quen với chị H. là chủ một khách sạn ở đường Phạm Viết Chánh gần bùng binh Ngã sáu (TP.HCM). Qua vài lần tiếp xúc mới biết chị là dâu của dòng họ Đỗ Hữu. Chị H. còn đưa người viết đến Đỗ Hữu từ đường (còn gọi là đền Bà Lớn, nằm trên đường Điện Biên Phủ, P.1, Q.3, TP.HCM). Ngôi từ đường này được xây cất từ năm 1904, dùng làm nơi an táng và thờ cúng của dòng họ Đỗ Hữu. Ngôi từ đường hơn 100 tuổi này nay đã xuống cấp trầm trọng nhưng không được tu sửa bởi có sự tranh chấp với địa phương. "Chị H. còn cho người viết xem gia phả của dòng họ Đỗ Hữu. Cuốn gia phả rất dày, tên Việt chen lẫn tên Tây (ông Đỗ Hữu Phương nhập quốc tịch Pháp từ năm 1881), có cả ảnh những thế hệ con cháu mang hai dòng máu Pháp -Việt. Ở phần những người con của Tổng đốc Phương, có Đỗ Hữu Chẩn (đại tá Quân đội Pháp), Đỗ Hữu Trí (chánh án), Đỗ Hữu Vị (đại úy không quân và là người Việt Nam đầu tiên lái máy bay chiến đấu, tham gia Thế chiến thứ nhất trong quân đội Pháp). Con gái: Đỗ Thị Nhàn có chồng là Hoàng Trọng Phu (con Hoàng Cao Khải) là Tổng đốc Hà Đông, gia phong Thái tử Thiếu bảo, Hiệp biện đại học sĩ. Và Đỗ Thị Dần có chồng là Lê Nhiếp, Tri phủ Vinh Tường (Vĩnh Yên)…" Hà Đình Nguyên Share this post Link to post Share on other sites
Posted 6 Tháng 9, 2010 Nguyễn Tri Phương và tam Xường, tứ Định Francis Ganier. Ở bài viết về nhân vật “nhì Phương”, chúng tôi đã nêu vấn đề nhiều người hay nhầm lẫn Tổng đốc Phương là danh tướng Nguyễn Tri Phương. Sau đây, xin lược ghi tiểu sử của Nguyễn Tri Phương và thân thế của 2 nhân vật “tam Xường, tứ Định”... Vị đại thần can trường Nguyễn Tri Phương sinh năm 1800, người tỉnh Thừa Thiên, làm quan qua 3 đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông từng giữ chức tổng đốc ở Nam kỳ lục tỉnh: An Hà (An Giang, Hà Tiên), Long Tường (Vĩnh Long, Định Tường), Biên Hòa và Gia Định, rồi làm Kinh lược sứ Nam kỳ... Khi quân Pháp xâm chiếm nước ta, ông được triều đình Huế cử làm Tổng chỉ huy quân đội triều Nguyễn chống lại quân Pháp ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873). Năm 1860, ông lập đại đồn Kỳ Hòa (thực ra là Chí Hòa nhưng người Pháp đọc trại thành Kỳ Hòa) ở Gia Định để chống quân Pháp. Đại đồn thất thủ, ông bị thương, em trai ông là phò mã Nguyễn Duy tử trận. Trong suốt 10 năm sau đó, Nguyễn Tri Phương là Khâm mạng Đại thần chuyên lo đánh dẹp giặc giã ở Bắc kỳ. Năm 1873, nhân có chuyện tranh cãi giữa tay lái buôn Jean Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa) với quan nha nhà Nguyễn ở Bắc kỳ, soái phủ Nam kỳ là đô đốc Dupré cử đại úy Francis Garnier ra Bắc trên hai pháo hạm với khoảng 200 quân. Tiếng là ra Bắc để điều đình nhưng khi tới nơi, Garnier đưa tối hậu thư buộc Nguyễn Tri Phương giao thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương không trả lời. Đêm 19, rạng 20 tháng 11 năm 1873, Garnier đánh úp thành Hà Nội. Gươm giáo không thể địch lại súng ống và cả đại bác nên chỉ hơn một giờ giao tranh, quân Pháp đã treo cờ Tam tài trên vọng lâu thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, con trai ông là phò mã Nguyễn Lâm tử trận. Quân Pháp chữa vết thương cho ông nhưng ông phun thuốc ra, tuyệt thực gần một tháng rồi mất, thọ 73 tuổi. Thi hài ông và con trai được đưa về quê an táng. Đích thân vua Tự Đức viết văn tế khóc chung ba vị công thần Nguyễn Lâm, Nguyễn Duy và Nguyễn Tri Phương. Tam Xường “oai thấu trời” Nhân vật được xếp hạng ba về sự giàu có thời Sài Gòn - Chợ Lớn mới hình thành là bá hộ Xường. Ông tên thật là Lý Tường Quan, tự Phước Trai, gốc người Minh Hương (tức những Hoa kiều trung thành với nhà Minh, không chịu thần phục nhà Thanh và sang tị nạn ở nước ta), theo đạo Công giáo và gia nhập Việt tịch với tên thường gọi là Xường. Ông Xường được theo học trường thông ngôn nên thông thạo tiếng Pháp và tiếng Hoa, được chính quyền Pháp ở Sài Gòn trọng dụng. Để biết các thầy thông ngôn thời đó (bây giờ gọi là thông dịch viên) “oách” như thế nào, hãy xem một đoạn trong Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển: “Xưa thầy “thông ngôn” oai lắm: chức làm “interprète” khi “đứng bàn ông Chánh” (thông dịch viên của Tham biện chủ tỉnh) thét ra khói, khi “đứng bàn ông Phó”, làm tay sai và thông dịch viên cho Phó tham biện, hét ra lửa. Ngày sau thầy thông ngôn có đủ năm làm việc thì được (làm) một (nhiệm) kỳ nữa rồi được bổ làm Huyện, lên Phủ, rồi Đốc phủ sứ, làm Chủ quận, đại diện cho quan Pháp trong một vùng, “oai thấu trời”, “oai hơn ông ghẹ”!” (ông Sĩ - Lê Phát Đạt cũng đi lên từ ngạch thông ngôn rồi được phong hàm “huyện”, nên người dân gọi là Huyện Sĩ). Quan phục của Nguyễn Tri Phương do quân Pháp lấy được khi chiếm thành Hà Nội, được trưng bày tại Bảo tàng Quân sự Les Invalides - Ảnh: tư liệu Giàu có và oai phong như vậy nhưng đến năm 30 tuổi, bá hộ Xường từ bỏ địa vị mà nhiều người mơ cũng không có được ấy để bước vào thương trường. Lĩnh vực kinh doanh mà ông nhắm đến là dịch vụ cung cấp lương thực, thực phẩm (lúa gạo, thịt cá...) cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Gặp thời điểm xuôi chèo mát mái, lại biết khôn khéo lấy lòng các quan Tây để được họ che chở, nâng đỡ, chẳng mấy chốc bá hộ Xường trở thành nhà trọc phú quyền uy, nhất là trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm lúc bấy giờ. Dinh thự của ông nguy nga bề thế, tọa lạc trên đường Gaudot (nay là đường Hải Thượng Lãn Ông) nhưng sau khi ông qua đời, tài sản của ông bị con cháu ăn xài, phung phí hết. Trước năm 1975, mộ của ông vẫn còn ở Gò Vấp, nhưng nay không tìm ra dấu tích. Tứ Định phất nhờ thời Người xếp hạng tư là bá hộ Định, tên thật Trần Hữu Định. Xuất thân là chủ tiệm cầm đồ (hóa ra thời ấy đã có dịch vụ “cầm, cắm”), rồi được chính quyền Pháp cho làm Hộ trưởng (bấy giờ, Chợ Lớn là một tỉnh riêng biệt gồm 20 hộ, độc lập cùng với tỉnh Gia Định) kinh doanh đất đai, xuất nhập khẩu vải sợi. Ông phất lên nhanh chóng nhờ biết nắm thời cơ những lúc hàng khan hiếm. Trần Hữu Định có biệt thự ở nhiều nơi, và cũng như bá hộ Xường, danh xưng bá hộ Định (hoặc Hộ Định) là do dân Chợ Lớn thấy ông giàu có nên gọi như vậy. Sau khi ông mất, con cháu không biết giữ của, tiêu xài và xóa sạch vết tích của nhà cự phú này. Năm 1960, trong tác phẩm Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển mô tả cơ ngơi của Trần Hữu Định như sau: “Nhà ở khoảng giữa đường Trần Thanh Cần, gần dốc cầu Palikao một đầu và chợ Quách Đàm một đầu. Ngôi nhà năm căn trệt chạm trổ thật khéo, cột cẩm lai bóng ngời ngó thấy mặt; trong nhà từ cái bàn, cái ghế, cái đôn sành đều có vẻ cũ xưa. Mấy năm trước chính mắt tôi còn thấy làu làu vững chắc tuy khuỷnh vườn sân trước đã bị cắt xén sát mặt tiền nhường chỗ làm thềm và đường cái mở rộng nên lấp kênh. Gần đây, vì đất chợ cao giá nên tuy nhà lập làm phần hương hỏa mà con cháu đã bán và dỡ đi. Thay vào đó là một dãy phố lầu tiệm buôn khách trú. Phần hoa lợi tuy có thêm, nhưng thiệt hại về cổ tích từ đây và cứ theo đà này, đô thành Sài Gòn ngày một mất dần những dấu vết xưa...”. Hà Đình Nguyên Share this post Link to post Share on other sites
Posted 6 Tháng 9, 2010 Trần Trinh Trạch - thân phụ của công tử Bạc Liêu Nhà Hội đồng Trạch ở Bạc liêu. Sau đây là những nhân vật được xếp vào hạng “tứ”. Họ tuy không sinh trưởng tại Sài Gòn - Chợ Lớn nhưng dân gian vẫn cho rằng câu “nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ...” bao gồm cả khu vực Nam Kỳ lục tỉnh (tứ Trạch, tứ Hỏa). Trần Trinh Trạch (1872-1942) do từng là thành viên của Hội đồng Tư mật Nam kỳ (Conseil Preivé), nên thường được gọi là Hội đồng Trạch. Ông cũng gốc người Minh Hương, tổ tiên ông theo Trần Thượng Xuyên vào Cù lao Phố (Biên Hòa - Đồng Nai) lập nghiệp rồi phiêu dạt về ấp Cái Dầy (xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), Trần Trinh Trạch được sinh ra tại đây. Nhà nghèo, ông đi làm mướn cho một địa chủ đã nhập quốc tịch Tây. Theo lệ thời đó, con cái của dân “Tây tịch” phải đi học tiếng Pháp và thế là Trần Trinh Trạch được mướn đi học thế cho con địa chủ. Nhờ vậy (có chữ nghĩa) nên sau này Trần Trinh Trạch được bổ làm công chức ở Tòa Bố (tòa hành chánh) tỉnh Bạc Liêu. Ông cưới người con gái thứ tư của Bá hộ Bì (Phan Hộ Biết), người có ruộng đất nhiều nhất tỉnh Bạc Liêu. Được cha vợ chia cho một sở đất riêng và giúp vốn để ông mua thêm nhiều ruộng đất khác nên ông mau chóng phất lên. Nhờ kiến thức hiểu biết về luật pháp khi còn làm việc ở Tòa Bố nên lần lượt thu mua tài sản, đất đai của những địa chủ thất vận. Ngay cả sau khi Bá hộ Bì chia ruộng đất cho các con, dâu rể khác thì do máu mê cờ bạc họ lại cầm cố tài sản cho chàng rể thứ tư để ông này lần lượt thâu tóm... Hồi đó, ở xứ Bạc Liêu, ai được ông Hội đồng Trạch mời tới nhà chơi đều... vừa mừng vừa lo. Mừng là đâu phải ai cũng dễ kết thân với một gia tộc quyền thế bậc nhất này, còn lo là sợ phải... đánh bạc. Là một tay cờ bạc sành sỏi, Hội đồng Trạch thường tổ chức đánh bạc trong nhà, ai không có tiền ông bảo gia nhân mở két bạc, đưa cho cả xấp bạc, kèm theo câu nói nhẹ hều: “Lấy tiền của ông mà chơi, tính toán gì, miễn khách vui là gia chủ mừng !”. Vậy đó, nhưng rồi đã có biết bao nhiêu đất đai, ruộng vườn được “sáp nhập” vô gia sản của Hội đồng Trạch từ hình thức “được” vay tiền để đánh bạc. Theo nhiều tài liệu thì Hội đồng Trạch có 70.000 mẫu ruộng, gần 100.000 mẫu ruộng muối (toàn tỉnh Bạc Liêu có 13 sở muối thì riêng ông Trạch có 11 sở). Tuy sống trên núi tiền nhưng vợ của Hội đồng Trạch không ăn được thịt cá, hễ đụng đến các món này thì bà ói ra mật xanh, mật vàng nên suốt đời bà chỉ “nước mắm kho quẹt... muôn năm !”. Ông Trạch lại sống cần kiệm và rất chung thủy với vợ (ngược hẳn với cậu con trai Trần Trinh Huy ăn chơi bạt mạng, với danh xưng “Công tử Bạc Liêu” nổi như cồn). Ngoài hai dãy phố lầu ở Bạc Liêu, ông Trạch còn có một dãy phố lầu ở đường La Grandière ở Sài Gòn (nay là đường Lý Tự Trọng). Ông được xem là một trong những đồng sáng lập ngân hàng đầu tiên do chính người Việt Nam sáng lập và điều hành, đó là Ngân hàng Việt Nam, trụ sở đặt tại Sài Gòn (1927), do ông làm Chánh hội trưởng. Ở Sài Gòn ông còn hiến tiền để xây một bệnh viện nhưng vì những lý do “trời ơi” mà việc xây dựng cứ bị trì hoãn. Xin đọc một bài báo có tựa là Ông Trần Trinh Trạch không chịu... do cụ Phan Khôi viết trên báo Thần chung (Sài Gòn) số 186 ra ngày 1 và 2.9.1929: “Nhắc lại năm kia ông Trần Trinh Trạch là một nhà triệu phú Nam kỳ, có bỏ ra một số tiền 100.000$ để lập một cái nhà thương cho người An Nam... Món tiền 100.000$ ấy đã nộp cho thành phố Sài Gòn rồi, bây giờ chắc nó nằm trong nhà băng... Từ ông Trần làm việc nghĩa, chẳng những hạng dân nghèo ở thành phố cứ nghĩ sau này mình đau sẽ có chỗ nằm mà cám ơn ông; cho đến các người quyền quý sang trọng, nhứt là quan Thống đốc Nam kỳ, ông Đốc lý Sài Gòn cùng các ông nghị viên, ai nấy đều nức nở khen ông Trần là người hiếu nghĩa. Khen thì khen, nhưng làm thế nào cho có một cái nhà thương cất lên tại Sài Gòn thì không ai chịu làm... Chẳng lẽ ông Trần Trinh Trạch đã chịu mất tiền rồi, còn bắt ổng phải nai lưng ra cất lấy nhà thương nữa!... 100.000$ mà dựng một cái nhà thương thì được, song đã có nhà thương thì mỗi năm tiền tiêu phí ở trong phải hết sáu chục ngàn, mà số tiền ấy không biết lấy ở đâu, nên người ta toan dẹp lại, không cất nhà thương nữa... Nghe chừng như toan đem 100.000$ của ông Trần Trinh Trạch mà đóng giường và sắm đồ vặt cho các nhà thương khác... Thiên hạ đồn rằng ông Trần Trinh Trạch không chịu làm như vậy. Mà ổng không chịu là phải chớ. Ông cúng tiền để cất nhà thương chớ chẳng phải để sắm giường sắm chõng chi hết !... Cứ thẳng mà nói, nếu món tiền ấy bởi thành phố tới tịch nhà ông Hội đồng Trạch mà lấy, thì thành phố muốn làm gì thì làm. Song cái này là của ông cúng ra lập nhà thương và thành phố đã nhận lấy thì phải lập. Bằng không lập nhà thương thì phải trả lại cho ổng là phải. Đem một số tiền to mà làm không nên công việc gì thì sau còn ma nào dám cúng cho thành phố nữa! Thế rồi đừng trách nhà giàu An Nam sao có bủn xỉn !”. Ông Trạch mất tại Sài Gòn năm 1942 vì bệnh suyễn. Con trai út của ông là cậu Tám Bò (Trần Khương Trinh) nghĩ ra một “chiêu độc”: xác ông Hội đồng được đeo kiếng đen, đặt ngồi ngay ngắn trong chiếc xe hiệu Chevollet đưa về Bạc Liêu. Khi đến địa phận tỉnh này, tá điền hai bên đường cứ cúi đầu cung kính vì ngỡ ông Hội đồng đi thăm ruộng. Đến khi gia tộc phát tang mới bật ngửa. Linh cữu ông Trạch quàn ở dinh thự của ông bên sông Bạc Liêu (xây năm 1919 - nay là khách sạn Bạc Liêu), rạp che từ mặt tiền nhà cho tới mé sông. Đám tang kéo dài bảy ngày, bảy đêm. Bất kỳ ai đến cũng được đãi ăn tử tế, tá điền đến viếng và để tang được cho một cắc (tương đương một giạ lúa)... Hà Đình Nguyên Sau khi Hội đồng Trạch mất, bà vợ sống cô độc giữa một tòa nhà đồ sộ. Chịu hết nổi, bà sang Pháp ở với cô Hai Lưỡng (con đầu của “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy với bà vợ lớn). Cô Hai Lưỡng lấy một viên quan người Việt nhưng sau ly dị rồi qua Pháp lấy một viên thị trưởng. 5 năm sau khi qua Pháp, bà Hội đồng Trạch qua đời, viên thị trưởng người Pháp tẩm liệm bà trong một chiếc quan tài có nắp bằng kính và thuê máy bay chở về an táng tại cố quận. Lần đầu tiên một chiếc quan tài có nắp đậy bằng kính xuất hiện ở Việt Nam. Dân Nam kỳ lục tỉnh đổ xô về cái xứ Cái Dầy (Bạc Liêu), cố dòm cho được khuôn mặt của bà Hội đồng được dồi phấn rực rỡ hiển hiện sau tấm kính. Quả là chuyện hy hữu! 2 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 7 Tháng 9, 2010 Từ xưởng đúc tiền đến Tràng Tiền Plaza: Bài 1 - Những người đàn bà đúc tiền 05/09/2010 23:06 Chiếc đồng hồ đếm ngược đang dần xích lại giờ khắc khai mở Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thanh Niên mời bạn đọc cùng quay ngược trở lại quá khứ qua những câu chuyện về vùng đất thiêng ngàn đời của dân tộc. Ngay sau khi lên ngôi lấy hiệu là Gia Long (năm 1802), chuyển kinh đô từ Thăng Long vào đất Thuận Hóa và đổi tên Thăng Long là Bắc thành, Nguyễn Ánh đã cho lập xưởng đúc tiền ngay tại Thuận Hóa vào năm 1803. Tuy nhiên, việc vận chuyển tiền từ Thuận Hóa ra Bắc thành để trả lương cho Tổng trấn Bắc thành cùng các quan, binh lính đồn trú ở Lạng Sơn và các tỉnh thành khác ở miền Bắc mất quá nhiều thời gian do đường sá xa xôi, lại không an toàn. Vì thế năm 1808, vua Gia Long đã cho lập xưởng đúc tiền Gia Long Thông bảo trên đất thôn Tràng Tiền nên có tên gọi là Tràng Tiền (hay Trường Tiền). Tràng Tiền xưa thuộc đất làng Cựu Lâu, huyện Thọ Xương. Dân chúng ở thôn này hiền lành, chất phác, sinh sống chủ yếu bằng việc bắt tôm cá ở hồ Lục Thủy mang vào bán cho dân làm nghề thủ công trong kinh thành. Sở dĩ vua Gia Long cho lập tràng đúc xa Bắc thành vì đất đai ở đây rộng rãi, đường sá thuận tiện và từ đây vào trong thành cũng thuận tiện. Tuy nhiên, xưởng đúc này không lớn bằng xưởng ở Thuận Hóa. Mỗi một cỡ tiền, vua Gia Long ra chỉ dụ gửi 1.000 đồng mẫu ra xưởng đúc Tràng Tiền để đúc. Mẫu tiền đầu tiên đúc ở tràng đúc này có đường kính 5 phân 5 ly, mỗi quan nặng 2 cân 4 lạng. Tháng giêng năm Giáp Tuất, tức năm Gia Long thứ 12 (1814) bắt đầu đúc tiền kẽm nặng 7 phân. Lúc này ở Bắc thành có hai người là Triều Hiền Chu và Chu Vĩnh Cát xin tự mua kẽm đúc tiền và cứ 130 quan kẽm, Chu và Cát chỉ đổi lấy 100 quan tiền đồng. Quan tâu lên và được vua Gia Long chấp thuận. Vì triều đình ở xa, để có một người chịu trách nhiệm, vua Gia Long giao Hiệp Tổng trấn Lê Chất chịu trách nhiệm trước vua làm theo mẫu Bộ Hộ từ Thuận Hóa đưa ra. Đồng thời, vua Gia Long cũng cho phép người dân có kẽm được mang đến đúc ở Tràng Tiền. Khi thành tiền, cứ 125 quan tiền kẽm đổi được 100 quan tiền đồng. Tiền mỗi quan phải đúng cân đúng lạng, nếu thiếu từ 15 đồng trở xuống thì cho nộp phụ phí, còn thiếu 16 đồng trở lên thì hủy luôn, không dùng. Nếu pha với chì bị phát hiện thì lập tức bị chém đầu. Xưởng Tràng Tiền không được phép dùng kẽm phế mà phải dùng kẽm lấy ở Thái Nguyên. Đúc mỗi một trăm đồng tiền, tiền công thợ là 8 đồng 2 phân 4 ly 2 hào 5 hốt. “Chết làm Thành hoàng làng Mơ” Triều đình trả công thấp, đám thợ không đủ nuôi vợ con nên thông đồng với nhau và với lính gác để ăn cắp tiền. Do ăn chia không đều, tin lọt đến tai Cai cơ Trương Văn Minh, đại sứ của Cục Bảo tuyền. Trương Văn Minh đã đích thân xuống kiểm tra. Ông này cho cân số tiền đã đúc thấy không khớp với số đồng và kẽm mà triều đình cấp đã ra lệnh điều tra nhưng không tìm ra kẻ chủ mưu cũng như người lấy cắp. Sợ nếu tiếp tục dùng thợ đúc là đàn ông thế nào cũng lại có chuyện thông đồng giữa thợ và lính gác nên Trương Văn Minh cho đám thợ đàn ông nghỉ việc và tuyển toàn phụ nữ. Trương Văn Minh báo cáo với triều đình là phụ nữ sức có yếu, vóc có nhỏ so với đàn ông nhưng họ thật thà hơn nên xin tuyển đàn bà con gái. Triều đình chấp thuận bản tấu của Minh. Tiếp đó Trương Văn Minh còn cho phép lính gác có quyền khám xét tất cả thợ đúc khi rời khỏi xưởng. Thế là hết giờ làm việc, chị em qua cổng về nhà đều bị lính gác kiểm tra, có lính lợi dụng sờ nắn ngực. Các cô chưa chồng đỏ mặt, còn những phụ nữ có chồng ức nổ cổ nhưng cũng không dám kêu. Chính vì thế Bắc thành có câu: Thứ nhất làm lính Tràng Tiền Thứ nhì được cúng quan hiền Kẻ Mơ Hoặc: Sống làm lính gác Tràng Tiền Chết làm Thành hoàng làng Mơ Câu thơ thứ hai liên quan đến câu chuyện về một vị quan trấn ở đất Mơ. Vị quan này thanh liêm và hiền lành nhưng lại có tật là... thích chị em. Tương truyền vị quan này đột tử, hồn thường hay hiện về trêu chọc người dân, nhất là chị em phụ nữ. Vì thế, dân kẻ Mơ quyên tiền xây đền thờ ngài, xây xong dân đi qua không bị trêu chọc, đùa bỡn nữa. Sáng sáng, chị em vùng Mai Động, Hoàng Mai, Tương Mai... (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) gánh rau đi bán ghé vào đặt quả cau lá trầu, thắp một nén hương khấn vái để buôn may, bán đắt. Sau đó chị em... vén váy cho ngài xem. Ngày 25.1.1875, Tổng thống Pháp thông qua sắc lệnh phát hành tờ bạc Đông Dương. Tuy nhiên, lúc này quân Pháp vẫn chưa chiếm được Hà Nội nên các tỉnh đàng trong tiêu tiền Đông Dương nhưng ngoài Bắc vẫn tiêu tiền Gia Long Thông bảo. Pháp ép nhà Nguyễn đóng cửa các xưởng đúc tiền ở Thuận Hóa và cả xưởng Tràng Tiền vào năm 1882. Xưởng đóng cửa để hoang cho đến khi khu vực phía nam hồ Hoàn Kiếm được quy hoạch. Năm 2000, đơn vị thi công Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza trong lúc đào móng đã phát hiện ra khá nhiều loại tiền Gia Long Thông bảo, Gia Long Cự bảo cùng xỉ đồng và dấu tích cả lò nấu đồng. Nguyễn Ngọc Tiến Bài 2 - Nhà Godard không dành cho người Việt 06/09/2010 23:20 Nhà Godard đầu thế kỷ XX - Ảnh: Tư liệu Nhận thấy cơ hội làm ăn, Liên hiệp Thương mại Đông Dương và châu Phi (viết tắt là LUCIA) đã bỏ tiền mua lại đất của chủ trước ở Tràng Tiền để xây trung tâm thương mại Godard vào năm 1901. Người dân Hà Nội quen gọi là nhà Godard. Ngôi nhà của Tây Ngay sau khi chiếm được hoàn toàn Hà Nội năm 1883, quân Cờ đen cũng không quấy nhiễu nữa, Công sứ Hà Nội là Bonnal đã bắt đầu nghĩ đến quy hoạch khu vực hồ Hoàn Kiếm. Năm 1884, kiến trúc sư Ernest Hébrard được giao thực hiện công việc này. Hébrard đã quy hoạch nhiều thành phố thuộc địa của Pháp. Bonnal ủng hộ triệt để Hébrard và ngầm ra lệnh cho lính ban đêm phóng hỏa đốt hết nhà lá ở Cầu Gỗ, Hàng Bè. Lửa cháy mấy ngày làm tiêu tan hàng nghìn ngôi nhà. Trước phản ứng dữ dội của người dân và cả tờ Tương lai Bắc Kỳ (một tờ báo bằng tiếng Pháp) nên Bonnal không dám cho thực hiện hành vi phá hoại tài sản của dân nữa. Ngày 26.12.1886, Bonnal ra lệnh trong một năm phải phá bỏ hoàn toàn nhà lá và thay vào đó là nhà xây ở phố Hàng Thêu (Hàng Trống hiện nay), phố Paul Bert (từ Nhà hát Lớn đến hết phố Hàng Khay hiện nay). Xưởng đúc Tràng Tiền bỏ hoang. Song đường Tràng Tiền là con đường chính để quân lính Pháp đi từ Hoàng thành (nơi lính Pháp đóng quân) về Đồn Thủy (Bệnh viện 108 hiện nay) ngày càng trở nên quan trọng, vì thế đám sĩ quan Pháp về hưu có tiền, thương nhân từ Pháp qua đến đây mua đất của xưởng đúc Tràng Tiền. Đất trên trục đường đắt như vàng và lên giá vùn vụt. Đến năm 1885, khu vực này có một quán giải khát có ga, một tiệm bánh mì, một cửa hàng kim khí, một cửa hàng bán văn phòng phẩm. Lúc này tại Hà Nội không kể binh lính thì số người Pháp qua đây kinh doanh, sinh sống đã lên đến 1.500 người. Godard là tòa nhà hai tầng, tầng dưới cao 6m, tầng trên 5m. Diện tích mặt bằng xấp xỉ 4.500m2. Sàn tầng một lát đá thấm thủy khổ lớn để hạn chế nước vào ngày nồm. Trần trát vôi rơm, sàn tầng hai bằng gỗ lim. Mái bằng khung thép uốn thành vòm, dưới vòm cũng trát vôi rơm, trên lợp bằng miếng tôn nhỏ hình chữ nhật. Xung quanh là cửa kính để lấy ánh sáng. Từ tầng một lên tầng hai có bốn cầu thang bậc gỗ, lan can bằng thép có hoa văn và trụ cầu thang bằng đồng đúc. Godard có ba mặt phố, phía bắc là Tràng Tiền, phía nam là Hai Bà Trưng và phía tây là Hàng Bài. Ba cửa chính ra vào có dòng chữ tiếng Pháp "không dựng xe ở đây" bằng đá trắng gắn chìm trên vỉa hè. Vỉa hè rất cao so với mặt đường để phòng ô tô có lao lên sẽ bị chặn lại, đảm bảo an toàn tính mạng cho người đi bộ. Vỉa hè bo bằng đá đen chôn sâu dưới đất hơn một mét để phòng ô tô đâm vào sẽ không đổ gãy. Vì sao Godard không xây cao? Đơn giản vì chính quyền thời đó không cho phép các công trình quanh hồ Gươm xây quá cao, họ sợ hồ Gươm sẽ lọt thỏm trong các khối nhà và như thế làm mất vẻ đẹp thơ mộng của khu vực này. Nhưng tại sao dân số Hà Nội đầu thế kỷ XX chỉ hơn 10 vạn người ta lại xây Godard lớn như vậy? Người Việt không được phép bước vào Việc xây dựng nhà Godard là bước ngoặt cho thương mại Hà Nội vốn trước đó chỉ có các chợ truyền thống. Nếu trước kia chợ họp theo phiên và chỉ bán nông sản, đồ thủ công, lương thực... sản xuất tại Hà Nội hay các vùng lân cận hoặc bán một số mặt hàng từ các tỉnh phía nam Trung Quốc mang qua thì Godard bán đủ các loại hàng hóa tiêu dùng gồm: vải vóc các loại, quần áo, giày dép, nước hoa, giường nằm, ghế... đến bơ, pho mát, bánh mì, bia... nhập từ Pháp, Ấn Độ, Hồng Kông hay các nước thuộc địa của Pháp như Algérie, Maroc. Tuy nhiên, trong hàng chục năm đầu thế kỷ XX, khách đến Godard chủ yếu là lính, sĩ quan, công chức Pháp và vợ con họ cùng một số ít người Việt giàu có. Thậm chí thời kỳ đầu ngay cả những người Việt giàu có cũng không được phép bước chân vào. Phu kéo xe tay chờ khách cũng không được phép đỗ trên phố Tràng Tiền, Hai Bà Trưng hay Hàng Bài mà phải đỗ ở Hàng Khay, nếu thấy khách Tây vẫy mới kéo xe chạy lại. Năm 1909, nhà hàng này xảy ra cuộc đình công. Nguyên nhân là chủ nhà hàng kiểm tra thấy mất hàng hóa đã ra lệnh cho nhân viên bảo vệ người Ấn Độ hằng ngày lục soát từng người bất kể nam hay nữ. Sáng ngày 6.5.1909, không thấy một số thông ký đi làm, chủ nhà hàng đã thuê ngay người khác và chiều hôm đó cuộc đình công xảy ra để phản đối việc thay nhân viên không báo trước và lục lọi vô cớ. Để làm mới, cứ hai hay ba năm, viên quản lý lại cho quét vôi tường trong và ngoài, sơn hết các khung cửa gỗ và cửa kính. Do thời gian sơn sửa, quét vôi rất lâu, có khi phải mất cả tháng nên người ta phải chọn phường sơn vôi giỏi để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Dân sơn, vôi làng Phương Liệt (nay là phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) bao giờ cũng là ứng cử viên đầu tiên và dĩ nhiên không thể ai khác ngoài cai Phảng, người có uy tín trong giới xây dựng thời đó. Khi sơn cửa, nước sơn của quân ông cai Phảng bao giờ cũng mịn hơn và không có vết bởi họ không dùng chổi lông nhập từ Pháp sang mà dùng nhánh cây đót bó lại. Còn khi họ quét vôi trần nhà Godard thì việc mua bán ở dưới vẫn diễn ra bình thường, vôi không rơi một giọt bởi họ có bí quyết khi lọc vôi, pha màu, đặc biệt là chọn cây đót để bó thành chổi. Nước vôi sánh nhưng không đặc nên bám tường và khi khô rất mịn. Những năm 1920, khi các mặt hàng tơ lụa bán ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Gai... không còn đắt khách, nhiều chủ cửa hàng đã chuyển sang bán giầy Tây, âu phục, nước hoa... thì nhà Godard hết độc quyền và họ bắt đầu cho người Việt ra vào tự do... Năm 1940, lính Nhật vào Việt Nam kéo theo hàng hóa Nhật với quạt máy, đồ sứ, và đặc biệt là món kem que thì Godard cũng vơi dần khách. Năm 1950, lo sợ thất bại của thực dân Pháp ở Việt Nam, chủ nhà hàng Godard đã chia lô bán cho thương nhân Việt. Có rất nhiều nhà tư sản Hà Nội bỏ tiền mua, trong đó mua nhiều nhất có nhà tư sản Đức Minh - người nổi tiếng với bộ sưu tập tranh của các họa sĩ tên tuổi như: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn... Điều này đã đặt một dấu chấm cho việc thống trị thương mại của các chủ người Pháp hơn nửa thế kỷ ở Hà Nội. Nguyễn Ngọc Tiến 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites