nhanqua

Mùa Báo Hiếu

2 bài viết trong chủ đề này

Mùa báo hiếu

21/08/2010 10:57 Đức Minh

Tháng bảy Âm lịch về, khi những hương sắc đầu thu đã miên man trải dài khắp phố thì cũng là khoảng thời gian mọi người hướng về miền tâm linh nhiều hơn. Đến độ trăng tròn là ngày lễ Vu Lan, mùa báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên, đây cũng là bổn phận thiêng liêng của mỗi người con.

Cũng theo tín ngưỡng truyền thống của người Việt thì rằm tháng bảy là ngày các tội nhân ở cõi âm được tha tội bởi vậy, các gia đình thường bày mâm cúng ngoài trời, đốt vàng mã và cầu cúng cho họ với mong muốn trong ngày này không ai phải đói khát, khổ sở. Các cửa chùa đều rộng mở, phân phát cơm chay cho mọi người, trẻ mồ côi, người nghèo, kẻ hành khất, những người sống lang thang khắp nơi đều được hưởng lộc Phật...

Ngày lễ Vu Lan, mọi người đến chùa để cầu xin sức khỏe cho cha mẹ còn sống và an lành cho cha mẹ đã mất. Nếu như ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và người đó sẽ tự hào vì may mắn được còn mẹ. Còn nếu mất mẹ sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được cài hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất.

Khi nghe ca khúc Bông hồng cài áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, chúng ta sẽ có những cảm xúc thật khó tả "Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ...". Những cảm xúc ấy dẫn ta về tuổi thơ với vòng tay ấm áp, bao bọc của mẹ, mẹ đã tần tảo một sớm hai sương, lam lũ vất vả để con có cơm ăn, áo mặc rồi đến ngày con khôn lớn chợt ngoảnh đầu nhìn lại thấy tóc mẹ đã bạc màu thời gian, đôi tay đã chai sần. Mẹ ơi, đi qua cả một quãng đời vụng dại mới biết trăn trở khi ánh mắt hằn dấu vết thời gian của mẹ vẫn dõi theo bước chân trên đường đời của con.

Mỗi mùa Vu Lan đến là một ngày chúng ta nhớ mẹ hơn, nhưng cũng hạnh phúc và ấm lòng biết bao khi được cài bông hoa màu hồng trên áo. Dẫu ánh mắt mẹ vẫn còn nét lo âu khi dõi theo mỗi bước con đi nhưng con còn có mẹ, những lúc yếu lòng nhất, trắc trở nhất, con luôn có mẹ ở bên để lắng nghe và chia sẻ.

Ngày Vu Lan, cũng không ít những bông hoa màu trắng cài trên áo, những khuôn mặt đượm buồn và thoáng đâu đó những giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Thầm chúc cho những ai còn hạnh phúc được cài bông hồng đỏ trên ngực áo mùa Vu Lan, mong rằng hãy yêu quý thương yêu cha mẹ, hãy gìn giữ, nâng niu và chăm sóc cha mẹ. Đừng để khi cha mẹ không còn mới hối hận vì khi cha mẹ còn đã không làm hết chữ hiếu. Lúc đó thì đã quá muộn rồi.

Trong những ngày này, chợt buồn khi ở nơi này nơi khác, ta vẫn nghe những câu chuyện về cách đối xử của con cái đối với cha mẹ. Thời buổi kinh tế thị trường, có lẽ vì khó khăn quá và mải mê chạy theo nhiều cám dỗ nên người ta cũng xem nhẹ luân lý và đạo đức. Bên cạnh những người con hiếu thảo vẫn còn có những kẻ mà chữ "hiếu" chỉ ẩn khuất, lấp ló chút ít trong lương tâm. Vẫn còn những người con nhẫn tâm đối xử tệ bạc với cha mẹ, đẩy họ ra đường, nhiều người cha, mẹ con cái vẫn còn đó mà phải lang thang đi ăn xin bố thí để sống qua ngày đoạn tháng, những người già có con cái nhà cửa đàng hoàng mà phải ở trong các nhà dưỡng lão với lý do cha mẹ đã già, đã lẫn và không thể chăm sóc..., đủ các lý do được đưa ra nhưng liệu họ có chút mảy may nghĩ đến công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ không? Chắc là không vì nếu nghĩ đến thì cha mẹ phải được chăm sóc và phụng dưỡng cho dù việc ấy chỉ như muối bỏ bể so với công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ với con cái.

"Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"

Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta đã thuộc lòng những câu thơ nói về công cha, nghĩa mẹ sâu nặng như thế. Nước trong nguồn chảy ra thì bất tận và ngọt ngào mát lạnh, tình mẹ dành cho con là vô bờ bến như dòng nước mát trong vuốt ve che chở cho con. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Không có mẹ, chúng ta sẽ thiếu hụt sự yêu thương, nhờ mẹ, chúng ta biết được tình yêu con người và đấy là sự thiệt thòi lớn cho những ai không còn mẹ. Biết bao điều muốn nói về mẹ nhưng dù có nói thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể nói hết và cũng không đáp đền nổi những hy sinh thầm lặng, những yêu thương mà mẹ đã trao cho đàn con của mình.

Truyền thống đạo đức Đông phương luôn coi trọng đạo hiếu. Cho nên mùa Vu Lan không chỉ dành riêng tăng ni và Phật tử tại gia mà còn dành cho tất cả mọi người có dịp nhìn lại bản thân: Cảm nhận thâm ân dưỡng dục của cha mẹ, đạo hiếu được thể hiện không chỉ trong một mùa, mà phải thể hiện suốt cả đời. Một gia đình đề cao đạo hiếu tức là gia đình đó trở thành tế bào lành mạnh của xã hội, là một thành trì ngăn cản mọi tệ nạn của xã hội. Mùa Vu Lan đã đến, cầu chúc cho những ai còn mẹ trên áo mãi cài bông hoa màu hồng và cầu chúc ngày nào cũng là ngày Vu Lan của những ai đang còn có Mẹ.

Theo: Sức khỏe và Đời sống

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

MẸ! Trong tâm tưởng muộn màng con viết, Lời cầu mong còn Mẹ mãi trên đời!

Tôi muốn nói với tất cả những ai đang còn Mẹ, hãy quay về hãy yêu thương không bao giờ đủ vì ngày Mẹ đi xa ta không thể cúi xuống trãi lưng mình ra để cõng Mẹ lên trời. Mẹ đi đâu thế nào ta suốt đời tìm câu hỏi ấy!

3 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay