wildlavender

Từ Tượng Vua Lý ở Hà Nội đến Tượng Bồ Tát Quảng Đức ở Tp Hồ Chí Minh

2 bài viết trong chủ đề này

Từ tượng vua Lý ở Hà Nội đến tượng Bồ tát Quảng Đức ở Tp Hồ Chí Minh.

Tượng cao trong một không gian thoáng rộng, dáng hùng vĩ và nét mặt quắc thước nhưng vẫn đậm nét đôn hậu vương giã. Tuy không có dữ kiện lịch sử để xác định khuôn mặt của nhà vua ra sao nhưng, theo tường tượng chủ quan của tôi, điêu khắc gia đã lột tả được hình ảnh hùng tráng mà nhân hậu của vị vua sáng lập ra triều Lý. Nhất là vị vua đó đã có viễn kiến nhân văn để thiên đô từ Hoa Lư về Thăng Long cách đây sắp được 1000 năm.

Posted Image

Tượng LÝ THÁI TỔ-HÀ NỘI

Chỉ đáng tiếc, và buồn, một điều: Ngoài phần khắc tên “Lý Thái Tổ” và năm sanh và năm mất “974 – 1028” dưới chân tượng, trong toàn bộ quần thể kiến trúc to lớn và trang trọng đó của tượng đài, không có một bảng chỉ dẫn nào ghi chú xem “ông” Lý Thái Tổ nầy là ai ? Có công gì với tổ quốc mà được tạc tượng ghi ơn tại địa điểm thanh lịch nhất của thủ đô Hà Nội nầy. Lẽ dĩ nhiên ai cũng còn đọng lại trong trí nhớ của lớp Sử thời trung học vài nét chấm phá mơ hồ về vị vua xuất thân từ cửa nhà chùa nầy. Nhưng thi xong là … hết, trừ ra sau đó chọn ngành Sử làm niềm đam mê hay lẽ kiếm sống thì lại là chuyện khác. Đối với khách du lịch nước ngoài thì lại cả một vấn đề. Cuốn cẩm nang du lịch Lonely Planet nổi tiếng thì chỉ ghi vài dòng ngắn ngủi mà nội dung không biện giải được lý do tại sao một ông vua “cũng thường thôi” mà lại được dân ta ngưỡng mộ tôn thờ đến thế.

Ở nước ngoài, thiên hạ cũng … lung tung ! Tại thủ đô Paris bên Pháp, trước cổng chính vào đại học Sorbonne, dưới chân tượng bán thân của nhà tư tưởng Auguste Comte, ta cũng chỉ thấy khắc tên ông rất đơn giản mà thôi, thậm chí không có cả hai mốc thời gian “1798 – 1857” thường phải có nữa. Ngồi trong quán cà phê La Sorbone đối diện, nhấm nháp ly expresso, nhìn khuôn mặt trầm tư của ông, tôi không ngờ ông là một trong những cha đẻ của một bộ môn mà ngày nay có hàng triệu người theo đuổi: Khoa xã hội học.

Trong khi đó thì tại thủ đô Washington DC bên Mỹ, trong quần thể đài tưởng niệm Lincoln Memorial, điêu khắc gia Daniel Chester French đã tạc một bức tượng của vị tổng thống giải phóng dân nô lệ Abraham Lincoln bằng cẩm thạch trắng cao hơn 6 mét, và trên mặt tường làm phông cho bức tượng có khắc một câu ghi nhớ ơn ông: “Trong ngôi đền nầy cũng như trong tâm tưởng của nhân dân mà vì họ ông đã cứu lấy tổ quốc, niềm tưởng nhớ đến Abraham Lincoln thì được tôn thờ muôn đời” (In this temple as in the heart of people for whom he saved the Union, the memory of Abraham Lincoln is enshrined forever). Ngoài ra, chính phủ còn cho khắc trên tường bài diễn văn Gettysburg ngắn và bài diễn văn nhậm chức nổi tiếng của ông (vốn là hai áng văn chính luận rất nhân bản và cao cả nói lên lý tưởng nhân đạo và triết lý trị nước của ông).

Ta không theo Tây mà cũng không theo Mỹ, cứ thấy đúng thì ta làm. Cho nên “hà tiện” chi mà không làm một văn bia (với thiết kế truyền thống hay hiện đại gì cũng được) với nội dung cô đọng nhưng đầy đủ, ghi lại những thông tin cốt lõi và đặc sắc nhất của cuộc đời vua Lý, vừa để giúp đồng bào ôn lại Sử nước nhà vừa để khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

* *

*

Cách đây đúng 45 năm, vào ngày 11/6/1963 (tức ngày 20/4 nhuận năm Quý Mão), Bồ Tát Quảng Đức đã tự thiêu trong tư thế kiết già ở giữa ngã tư hai đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư hai đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám thuộc Quận 3, Thành phố HCM), trước hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử, đồng bào Sài Gòn và các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước.

Bồ Tát Quảng Đức đã an nhiên tự tại nằm xuống để Ngài trở nên đại hùng đại bi đứng dậy. Nhân dân yêu chuộng công lý và tự do khắp nơi trên thế giới rúng động. Sáu tháng sau, một chế độ độc tài giáo trị đã bị nhân dân miền Nam đứng lên dõng dạc khước từ bằng một tiếng “Không” âm vang bát nhã.

Posted Image

Mẫu tượng Bồ tát Quảng Đức được chọn

Trước sự hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức cảm động và đã có câu đối kính viếng Hòa thượng như sau:

Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt.

Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà.

(Theo Phạm Hoài Nam. Bồ tát Thích Quảng Đức, ngọn đuốc xả thân vì Đạo pháp và Tổ quốc. Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 30-5-2005).

Trong khi đó thì tại Sài Gòn, giữa vòng vây dày đặc của các cơ quan mật vụ của chế độ Diệm, một nhà thơ hiền lành nhưng “uy vũ bất năng khuất”, vốn được xưng tụng là thi bá của nền văn học miền Nam thời bấy giờ là thi sĩ Vũ Hoàng Chương, đã xúc động đến tận tâm can mà xuất thần sáng tác ra bài thơ còn lưu truyền muôn thuở:

Lửa từ bi

Lửa! Lửa cháy ngất tòa sen!

Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ, quỳ cả xuống.

Hai vầng sáng rưng rưng,

Đông Tây nhòa lệ ngọc,

Chắp tay đón một mặt trời mới mọc.

Ánh Đạo Vàng phơi phới đang bừng lên, dâng lên ...

Ôi đích thực hôm nay trời có mặt,

Giờ là giờ hoàng đạo nguy nga,

Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt,

Nhìn nhau: tình huynh đệ bao la l

Nam mô Đức Phật Di Đà,

Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?

Thương chúng sinh trầm luân bể khổ,

Người rẽ phăng đêm tối đất dầy,

Bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây,

Gọi hết Lửa vào xương da bỏ ngỏ

Phật pháp chẳng rời tay.

Sáu ngả luân hồi đâu đó,

Mang mang cùng nín thở,

Tiếng nấc lên từng nhịp bánh xe quay,

Không khí vặn mình theo, khóc oà lên nổi gió,

Người siêu thăng ... giông bão lắng từ đây ...

Bóng Người vượt chín tầng mây,

Nhân gian mát rợi bóng cây bồ đề.

Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc,

Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi.

Chỗ Người ngồi, một thiên thu tuyệt tác,

Trong vô hình sáng chói nét từ bi.

Rồi đây.. Rồi mai sau... Còn chi?

Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát,

Với thời gian, lê vết máu qua đi ...

Còn mãi chứ, còn Trái Tim Bồ Tát,

Gội hào quang xuống tận chốn A Tỳ.

Ôi ! Ngọn lửa huyền vi ...

Thế giới ba nghìn, phút giây ngơ ngác,

Từ cõi vô minh Hướng về cực lạc,

Vần điệu thi nhân chỉ còn là rơm rác,

Và cũng chỉ nguyện được là rơm rác.

Thơ cháy lên theo với lời kinh,

Tụng cho nhân loại hòa bình,

Trước sau bền vững Tình Huynh Đệ này.

Thổn thức nghe lòng trái đất,

Mong thành quả phúc về cây.

Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật!

Đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt,

Tình thương hiện tháp chín tầng xây.

Vũ Hoàng Chương

(Sài Gòn, 15-7-1963)

Từ hai đầu đất nước xa xôi, cách nhau gần 10 thế kỷ lồng lộng, hai Phật tử Việt Nam là Lý Công Uẫn và Bồ Tát Quảng Đức, một tăng một tục, đã nắm chặt tay nhau để nói chỉ một lời, làm chỉ một chuyện: Xả thân cho chúng sinh, hy sinh vì dân tộc.

Được biết Sở Thông tin Văn hoá Tp HCM và GH PGVN đang trong tiến trình hoàn tất khu tượng đài kỹ niệm Bồ Tát Quảng Đức, tôi mạo muội đề nghị thêm vào quần thể kiến trúc nầy hai “văn bia”: Một là hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và một là bài thơ Lữa Từ bi của cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Có lẽ chử đen khắc trên hai tảng cẩm thạch trắng, nằm riêng rẽ tự nhiên nhưng hòa điệu với thiết kế chung là đẹp và ý nghĩa nhất.

Việc làm nầy có nhiều ý nghĩa, mà có lẽ ý nghĩa rõ nét nhất là dân ta có nét văn hóa riêng: Uống nước nhớ nguồn.

Tháng 6/2008

Nguyễn Kha

nguồn giacngo.vn

5 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Lê Văn Tám: Lửa Bất Diệt

Sau một loạt bài về anh hùng nhỏ tuổi Lê Văn Tám trên tuần báo văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, được bạn đọc xa gần hết lòng ủng hộ, nhiều người như được sống lại với những kỷ niệm không phai mờ về tấm gương vì nước quên thân của người anh hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước.

Ông Đỗ Văn Xuyền, sinh năm 1937, một nhà nghiên cứu chữ Việt cổ có rất nhiều thành công của nước ta hiện nay kể lại :

- Năm 1945 – 1947, một đoàn bộ đội đến ở nhà tôi tại thôn Duyên Hà, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Năm ấy tôi đã 9 - 10 tuổi rất yêu quí các anh bộ đội và vô cùng ham đọc sách báo. Tôi thường lân la làm quen và mượn sách báo của một anh cán bộ đại đội. Trong số báo mượn được có tờ “Quân Bạch Đằng” – tờ báo của quân khu ba. Tôi còn nhớ tờ báo in trên giấy xấu, mực đen, riêng chữ “Quân Bạch Đằng” in bằng mầu xanh cô ban. Anh cán bộ đại đội chỉ cho tôi một bài thơ in ở trang nhất bảo tôi đọc. Tôi không nhớ tên tác giả, nhưng bài đó tôi còn nhớ như sau :

Lửa bất diệt

Buổi trưa ấy Sài Gòn rung ý hận

Nghiến răng nghe rầm rập tiếng chân thù

Anh đứng khoanh tay lòng hồi hộp đợi chờ

Giờ cứu nước, giờ đây giờ cứu nước!

Anh nhìn xuống áo quần xăng đẫm ướt

Mùi xăng dầu ngây ngất chí hiên ngang

Ngoài miệt xa phơi phới ánh sao vàng

Từng nhịp sống từ Cầu Ông vọng lại

Mỗi tiếng súng là mỗi người trẻ tuổi

Cũng như anh ngã xuống cũng như anh

Lòng lâng lâng dâng nước mảnh hồn xanh

Anh rạo rực trong anh sao nóng quá?

Anh châm lửa người anh mang cánh lửa

Anh băng băng xông tới giữa kho dầu

Ánh lửa hồng mỗi lúc một dâng cao

Bay loang loáng khắp kho dầu loang mãi

Lưỡi lê giặc vụt chìa ra cản lại

Anh hiên ngang trong ngọn lửa vinh quang

Lũ giặc hèn lùi lại rợn kinh hoàng

Mắt xanh lét trừng trừng đầu sẽ lắc

Ôi cuồng nộ là mưu đồ xâm lược

Mộng thực dân – sợi khói thoảng bay tan

Vì lửa ai anh dũng đã thiêu tàn

Chúng điên hận nhìn anh run mũi súng

Tiếng súng nổ cây người anh đổ xuống

Lửa người anh đã gặp lửa hồn anh

Phơi phới lên ngọn lửa sáng đô thành

Và sán lạn một trời Nam đỏ rực

Nơi máu lửa đang ghi hồn dân tộc

Tám mươi năm uất hận phút này đây

Lửa người anh bén cháy mọi lòng trai

Lan cháy mãi trong lòng dân đất Việt

Lửa người anh! Lửa người anh bất diệt! ”

Tôi hỏi :

- Vẫn biết ông là người có trí nhớ tuyệt vời, nhưng sao lúc đó mới 9, 10 tuổi mà ông nhớ bài thơ đến như vậy.

Ông Đỗ Văn Xuyền mỉm cười :

- Anh phải biết rằng lúc đó phong trào học tập tấm gương anh hùng Lê Văn Tám rộ lên ở khắp mọi nơi. Tôi còn nhớ lúc đó trong một đêm liên hoan văn nghệ quân dân, có một anh bộ đội quê ở huyện Thụy Anh nói dấu ngã thành dấu hỏi. Khi anh ngâm: “Mắt xanh lét trừng trừng đầu sẻ lắc” làm mọi người cười ầm lên. Ban tổ chức phải lên đính chính lại: “Đầu sẽ lắc, chứ không phải đầu chim sẻ lắc”!

Tôi tò mò :

- Thưa ông, rất mong ông lượng thứ, thời gian quá lâu rồi, bài thơ này ông nhớ có chính xác không?

Ông Đỗ Văn Xuyền độ lượng :

- Thế hệ chúng tôi ngày ấy vô cùng tin tưởng vào sự thành công của cách mạng. Phong trào học tập tấm gương anh hùng Lê Văn Tám nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Chúng tôi chuyền tay học thuộc lòng bài thơ đó và mãi sau này vẫn thường ngâm mỗi khi có dịp, vì vậy tuy thời gian đã lâu, có câu có thể không đúng với nguyên bản, nhưng bài thơ cơ bản như vậy đấy. Trầm ngâm giây lát, ánh mắt ông Đỗ Văn Xuyền chợt sáng lên :

- Anh biết không, chỉ mấy năm sau, vào năm 1955 trong bài “Cửu Long Giang ta ơi”, nhà văn Nguyên Hồng viết :

Mười sáu tuổi xanh

Em Ðuốc Sống đốt mình phá tan kho giặc

Võ thị Sáu vùng răng cắn chặt

Giữ trung trinh cho đến phút cuối cùng

Ðạn giặc xuyên lỗ chỗ ngực măng non

Ðỏ thắm nụ cười

Chào Bác Hồ và Việt nam bất diệt.”

Mấy năm gần đây tôi có nghe nhiều ý kiến cho rằng anh hùng Lê Văn Tám không có thật. Nói thật lòng, đó là những ý kiến thiếu trung thực, không có căn cứ. Trong lịch sử nước ta đã từng có Thánh Gióng, vốn là nhân vật lịch sử có thật có công trị thủy, sau này được nhân dân ta tôn vinh trong công cuộc đánh giặc Ân. Nhiều nước cũng có những nhân vật lịch sử nhuốm mầu huyền thoại. Nhưng khi đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân và trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, thì tại sao phải mất nhiều tâm sức và giấy mực tranh luận về nhân vật đó, nhất là anh hùng Lê Văn Tám là nhân vật có thật, sự kiện anh tẩm dầu vào người quyết tử đốt kho xăng của giặc là có thật, bây giờ vẫn có nhiều nhân chứng còn sống và minh mẫn. Xét một góc độ nào đó, những ý kiến phản biện ấy còn là sự thiếu tôn trọng lịch sử, chưa biết trân trọng những hy sinh vô tư, không vụ lợi của những người anh hùng vì nước quên thân.

Người viết bài này còn biết chắc chắn rằng, nhà văn Sơn Tùng cũng thuộc một bài thơ về anh hùng Lê Văn Tám và ông chuẩn bị viết về vấn đề đó trong những ngày tới.

02 tháng 3, 2010

Trần Vân Hạc

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites