Thiên Sứ

Đi Tắt Hướng Nào? Đón đầu ở đâu?

1 bài viết trong chủ đề này

Robot VN: Ngạc nhiên chưa!

04/07/2010 10:30

Posted Image

Hồ Vĩnh Hoàng (bìa phải) cùng nhóm kỹ sư Tosy tại Automatica - Đức 2010

tuổi 29, Hồ Vĩnh Hoàng và những chú robot do Công ty Robot Tosy của anh chế tạo đã gây ngỡ ngàng nhiều chuyên gia từ các cường quốc có trình độ công nghệ cao phát triển tại triển lãm tự động hóa lớn nhất thế giới Automatica - Đức. Dù VN không nằm trong bản đồ công nghệ cao của thế giới nhưng tại triển lãm Automatica 2010 vừa được tổ chức vào tháng 6-2010 ở Đức, những chú robot công nghiệp dịch vụ của Công ty Robot Tosy đã thực sự gây bất giờ cho nhiều chuyên gia đến từ những cường quốc có trình độ công nghệ cao phát triển. Giá rẻ, thông minh, những chú robot của Tosy đã khiến 7 đối tác đến từ Nhật, Mỹ, Đức, Ba Lan... ngỏ ý muốn làm nhà phân phối.

Đam mê công nghệ cao

Sinh năm 1981, Hồ Vĩnh Hoàng từng là đội trưởng đội robocon của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội giành ngôi vô địch cuộc thi Robocon năm 2003, giờ là giám đốc Công ty Robot Tosy. Nhắc đến triển lãm tự động hóa lớn nhất thế giới Automatica, anh tự hào: “Với một dây chuyền “made in VN”, từ thiết kế cho đến hệ thống dây chuyền và các bộ phận như AC servo motor, bộ điều khiển, kết cấu cơ khí, phần mềm, hộp giảm tốc chính xác cao..., có thể xem VN đã tạo nên một cuộc cách mạng về giá trên thị trường robot toàn cầu tại triển lãm này, bởi giá robot của Tosy chỉ bằng 1/4 so với robot đến từ các cường quốc công nghiệp”.

Hoàng tâm sự anh có niềm đam mê khám phá công nghệ từ khi còn nhỏ. Thích các loại đồ chơi công nghệ cao như máy bay, ô tô điều khiển từ xa... nhưng chỉ chơi một thời gian, Hoàng sẽ tháo tung tất cả ra để xem cấu tạo bên trong thế nào.

Niềm đam mê khám phá công nghệ cao ấy cứ lớn dần lên và đến những năm cuối thời học sinh phổ thông, anh đã quyết định phải vào đại học và ra trường sẽ mở công ty chế tạo, sản xuất robot. Có thể với nhiều người, đó là một mơ ước không dễ thành hiện thực nhưng Hoàng bảo vì gia đình anh có truyền thống kinh doanh nên ý tưởng thành lập công ty sản xuất robot và đồ chơi công nghệ cao được mọi người hết sức ủng hộ.

Những ngày đầu tiên vào học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Hoàng đã miệt mài dành thời gian cho việc nghiên cứu chế tạo chú robot bóng điều khiển từ xa có thể lăn, tiến, lùi sang phải, sang trái hay đi lại được trên nhiều địa hình. Mất nhiều thời gian nhưng thành công chỉ ở mức độ “động viên tinh thần”. Tuy thế, Hoàng vẫn không nản.

Với cậu sinh viên này, chính sự khởi đầu ấy đã giúp anh nâng cao nhiều khả năng kỹ thuật điện tử, cơ khí để có thể tự tin nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm khác, đặc biệt trong cuộc thi Robocon 2003. Ở cuộc thi này, Hoàng cùng đồng đội đã giành chức vô địch quốc gia nhờ một trận đấu đầy ấn tượng. Chiến thắng này đã giúp Hoàng một lần nữa thêm quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực chế tạo robot và các loại đồ chơi sáng tạo như đĩa bay Tosy, vòng lửa diệu kỳ...

Khởi nghiệp trong một lĩnh vực đầy mới mẻ, vị giám đốc trẻ măng của Công ty Robot Tosy cùng các đồng nghiệp đã phải đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn về công nghệ, nhân sự, thị trường, vốn, đối thủ cạnh tranh... Hoàng thổ lộ: “Khó khăn lớn nhất của Tosy lúc đó là phải đơn độc đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất robot vì VN chưa có ngành công nghiệp robot, các ngành công nghiệp phụ trợ liên quan cũng chưa phát triển”. Những ngày đầu chưa có thương hiệu, Hoàng phải trực tiếp đi tiếp thị sản phẩm tại các siêu thị, trung tâm đồ chơi. Sau này, khi sản phẩm dần được nhiều người biết đến, anh đã lập các nhóm tiếp thị ở cả hai miền Nam, Bắc, đưa sản phẩm đến các hội chợ và những nơi đông người.

Để có những thành công như hiện nay, Hoàng cho biết anh đã phải tự vạch ra “từng bước đi chính xác” từ ngày còn ngồi trên giảng đường và hy sinh gần như mọi thú vui của tuổi trẻ để thực hiện ước mơ lớn của mình.

Phá giá thị trường robot toàn cầu

Cao 1,25 m, nặng 45 kg, robot Topio Dio của Tosy đã thực sự gây nên ngạc nhiên lớn tại triển lãm Automatica. Topio Dio có 3 bánh xe di chuyển, 28 bậc tự do tương đương với các khớp, có thể vận hành từ bất cứ nơi nào và dịch chuyển tới bất kỳ đâu nhờ một thiết bị điều khiển không dây hoạt động qua mạng internet, camera tích hợp và máy dò chướng ngại vật.

Với hình dạng con người, robot này rất có tiềm năng trong việc giao tiếp, được sử dụng như người phục vụ bàn kiêm bartender thân thiện cho các nhà hàng, khách sạn. Topio Dio có khả năng thay thế con người để giải quyết những công việc trong những khu vực nguy hiểm như phun hóa chất, bưng bê ở vùng nhiễm xạ hay nhiều trường hợp cứu nạn khác.

Không chỉ gây bất ngờ lớn vì robot VN được sản xuất ở mức độ công nghệ rất sâu nhờ các kỹ sư VN tự viết phần mềm phức tạp cho nó trong khi nhiều tập đoàn lớn vẫn phải mua phần mềm từ các công ty khác, Topio Dio cùng với các robot ở nhóm công nghiệp của Tosy, như Parallel robot, Scara robot, Arm robot và robot đánh bóng bàn quen thuộc, còn mở ra cuộc cách mạng về giá với mức chỉ bằng 1/4 so với những robot có tính năng tương đương trên thị trường thế giới.

Hồ Vĩnh Hoàng hào hứng: “Parallel robot của Tosy chỉ có giá 5.500 USD, trong khi sản phẩm tương đương cùng loại của Adept là 45.000 USD, của Fanuc là 33.000 USD. Chính vì giá cả hợp lý nên chỉ trong vòng 4 ngày tại triển lãm ở Đức, đã có 7 đối tác đến từ các nước công nghệ cao muốn làm nhà phân phối các sản phẩm của Tosy”.

Posted Image

Robot của Tosy trình diễn tại triển lãm tự động hóa lớn nhất thế giới ở Đức vào tháng 6-2010 - Ảnh: Thủy Hàn

Nhanh chóng nắm được xu hướng mới, Hoàng cho biết thời gian tới, anh và Tosy sẽ tập trung vào sản xuất robot công nghiệp giá rẻ. Hoàng bảo chính giá thành cao của robot công nghiệp hiện nay là yếu tố khiến các nhà sản xuất phải cân nhắc kỹ lưỡng và hạn chế trong ứng dụng vì mức đầu tư rất lớn. Chỉ khi được sản xuất với giá rẻ, robot công nghiệp mới có thể xuất hiện rộng rãi trong các nhà máy. Chính vì thế, đây là một thị trường rất tiềm năng và đang còn bị bỏ ngỏ.

Với mục đích đưa sản phẩm đến mọi nơi, thay đổi cách sống, cách làm của con người, Hoàng chia sẻ: “Sau triển lãm Automatica 2010, tôi cùng các kỹ sư của Tosy tập trung phát triển các loại robot dịch vụ để phục vụ cho yêu cầu thị trường trong tương lai. Robot công nghiệp Tosy đang được ứng dụng trong nhà máy sản xuất đồ chơi của công ty và từng bước đưa vào các nhà máy sản xuất của VN”. Ở tuổi 29, Hoàng còn rất nhiều hoài bão lớn. Không chỉ dừng lại ở sản xuất, chế tạo robot, chàng kỹ sư trẻ này còn muốn mở rộng kinh doanh sang cả nhiều lĩnh vực khác như cơ khí chính xác, lắp rắp mạch in, đúc và luyện kim...

Kỳ vọng vinh danh VN

Để tồn tại và phát triển, nhiều công ty phải chấp nhận gia công thuê cho các công ty khác nhưng Tosy thì không. Hoàng tâm sự: “Ngay từ những ngày đầu tiên thành lập Công ty Robot Tosy, tôi đã xác định sứ mệnh của mình là tạo dựng một thương hiệu robot và đồ chơi công nghệ cao, góp phần mang hình ảnh của VN ra quốc tế và thay đổi VN trên bản đồ công nghệ thế giới. Vì vậy, Tosy tập trung cho việc tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Tosy mà không gia công thuê cho các công ty khác”.

Trong năm 2010, tổng đơn hàng xuất khẩu đĩa bay Tosy (sản xuất dựa theo “nguyên lý boomerang”, vũ khí săn bắt chim, thú của thổ dân châu Úc, có khả năng bay xa hàng trăm mét và quay trở lại chỗ người chơi khi không ném trúng mục tiêu; khi phóng lên không trung vào buổi tối sẽ tạo thành các cung đường sáng rực rỡ đẹp mắt) đã lên đến 700.000 sản phẩm.

Trong đó, chỉ riêng thị trường cực kỳ khó tính là Nhật Bản đã lên đến 100.000 chiếc. Hoàng cho biết để Tập đoàn Tatara Tomy, nhà phân phối đồ chơi hàng đầu của Nhật hiện nay, đồng ý làm nhà phân phối cho Tosy tại nước này, công ty của anh đã bỏ ra hàng chục ngàn USD để thực hiện các lần kiểm tra sản phẩm cực kỳ gắt gao, nghiêm ngặt của Tập đoàn Tatara Tomy.

Hồ Vĩnh Hoàng bộc bạch: “Tất cả các rào cản kỹ thuật, chất lượng của những nước tiên tiến đều được Tosy đáp ứng. Tại cuộc triển lãm đồ chơi lớn nhất thế giới diễn ra tại Nuremberg - Đức hồi tháng 2-2010, Tosy đã ký được 10 hợp đồng đưa đồ chơi VN đi Ý, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Pháp... Ngoài VN, hiện Tosy đã có bằng bảo hộ thương hiệu tại Mỹ, Đức và đang chờ cấp bằng tại 50 quốc gia khác.

Theo Yến Anh / NLĐ

-------------------------------------

Nhời bàn của Thiên Sứ:

Theo tôi đây chính là những công nghệ của thế giới tương lai. Nếu muốn "đi tắt, đón đầu" thì đây chính là cơ hội đầu tư. Còn đầu tư vào "đường sắt cao tốc" thì chán hẳn. Về năng lượng trong tương lai cũng sẽ không phải thủy điện và điện than.

3 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay