wildlavender

Người Thương Mãi Nón Cổ Làng Chuông

1 bài viết trong chủ đề này

Người thương mãi nón cổ làng Chuông

Từ chiến trường trở về quê nhà khi chỉ còn một chân, ông không ngờ rằng mình lại lao vào một cuộc chiến nữa. Trải qua biết bao gian khổ, nhiều lúc tưởng chừng không đủ sức đi tiếp nhưng rồi sức mạnh của ý chí và tinh thần quả cảm của ông đã giúp cho cuộc khôi phục nghề nón thúng quai thao cổ truyền thắng lợi.

Về làng Chuông, người ta nói đến nghệ nhân Phạm Trần Canh với một niềm khâm phục xen lẫn tự hào. Âu có lẽ bởi tình yêu và đôi bàn tay tài hoa khéo léo của nghệ nhân già ấy đã góp phần làm sống lại nét đẹp cho những chiếc nón cổ làng Chuông thủa nào.

Rơi nước mắt vì làng nón

Chúng tôi cho xe chạy dọc con đê xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội để được ngắm nhìn những nõn lá cọ được phơi nắng trắng triền đê. Làn nắng vàng rọi xuống từng bó lá, một mùi hương dìu dịu lan tỏa khắp không trung, đẩy lùi đi ký ức của một thời nón đau thương.

Người làng Chuông không biết ai là ông tổ của nghề nón, chỉ nghe tổ tiên kể lại chiếc nón ra đời và gắn bó với mảnh đất Chuông giàu văn hóa tự thủa nào. Những chiếc nón trắng đặc trưng của làng từ thời phong kiến đã từng được dùng cung tiến hoàng hậu, công chúa trong cung cấm.

Nghệ nhân Phạm Trần Canh kể lại rằng, cách đây chừng ba thế kỷ, làng Chuông vẫn làm nón, nhưng là nón cổ. Nón cổ dày, cũng làm bằng lá, nhưng nan và vành rộng, chủ yếu dùng để che nắng cho các bà, các chị khi đi làm công việc đồng áng. Không chỉ có che nắng, mà còn có bộ đôi là nón và tơi để che mưa.

Hơn thế nữa, Nón Chuông đẹp dáng lại bền, được dùng là kỷ vật tạo ra vẻ dịu dàng của bao cô gái bước lên xe hoa về làm dâu nhà chồng. Cả xứ Bắc Kỳ không mấy nơi là không biết tới nón làng Chuông.

Trong sâu thẳm ký ức của người nghệ nhân già vẫn còn nhớ đến những năm tháng chiến tranh kéo dài làm xóa nhòa trong trí nhớ mọi người về cách làm nón quai thao tinh xảo một thời. Người dân làng Chuông lúc đó, phần thì li tán, phần chết vì bom đạn, đói kém, số còn lại cũng chỉ duy trì cách làm nón thông thường.

Ông Canh thủa ấy mới 16 tuổi đã phải nén đau thương cho những chiếc nón cổ đang dần tan biến cùng lửa đạn chiến trường để vác ba lô tham gia vào Vệ quốc đoàn làm liên lạc cho trung đội 27, tiểu đoàn Đống Đa.

Khi hòa bình lập lại thì những nghệ nhân già nhất trong làng cũng mất đi, không kịp truyền lại nghề cho con cháu. Từ đó, chẳng ai còn biết cách làm nón cổ truyền ra sao nữa.

Posted Image

Miệt mài với đường kim mũi chỉ. Ảnh Tự Lập

Một chân đi tìm nón cổ

Năm 1954, với thương tật 2/4, cụ Canh trở về nơi đã sinh ra mình cùng người vợ quê gốc Nghệ An. Về làng thấy chẳng còn ai biết làm nón cổ, ông xót xa khi chứng kiến cái nét đẹp của quê hương đang dần mai một, vậy là ý chí không ngại gian khổ của "anh bộ đội Cụ Hồ" đã thôi thúc cụ khôi phục tinh hoa làng nghề.

Những dòng ký ức của tuổi ấu thơ tràn về, cái thời lên 9, lên 10, ông đã được người mẹ của mình cho xem làm các mẫu nón cổ truyền sao mà đẹp đến thế. Rồi có ngày, một số đoàn văn công, đoàn quan họ đã tìm về làng để đặt làm những chiếc nón cổ, nón thúng quai thao làm phục trang biểu diễn càng làm cho ông quyết tâm khôi phục lại nghề khâu nón cổ truyền.

Từ đó, ông bắt đầu cuộc hành trình làm "sống lại" chiếc nón cổ quê mình. Chỉ còn một chân vậy mà ông đã gắng rong ruổi khắp chốn, đến các vùng Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình... tìm mua những chiếc nón thúng quai thao, nón dân tộc Thái cũ.

Vất vả lắm, vì cầu phà nhiều, mỗi khi xuống bến phà khổ lắm. Đi cái chân gỗ lại phải dắt cái xe xuống bến phà khó và khổ vô cùng. Nhưng ngày nào chưa tìm ra, là ngày đó còn ăn không ngon, ngủ không yên.

Cả tháng lăn lộn khắp các tỉnh để dò hỏi, nghe ngóng hễ ở đâu có nón là ông Canh lại mày mò đến hỏi mua cho bằng được. Có những đợt thời tiết thay đổi, vết thương tái phát, phần còn lại của chân phải bị thương nhức buốt ông đã nghĩ đến chuyện ra về tay trắng. Nhưng ông lại nhìn cái chân và nghĩ: "chẳng nhẽ mình đã tàn lại còn bị phế ư?". Rồi bàn chân ông lại tiếp tục bước trên những nẻo đường xa quê.

Tìm khắp chốn, rồi rui rủi thế nào ông lại về Hà Nội, vào một ngôi chùa ông đã tìm thấy chiếc nón cổ. Sau đó, ông ra chợ Đồng Xuân và nhờ một người phụ nữ mua hộ. Sư chùa biết được tấm lòng của ông nên đã không lấy tiền. Nhưng ông vẫn dấu bà nhà trả 30 ngàn cho người mua hộ nón.

Ông vui sướng mang về tháo rời ra để nghiên cứu kích cỡ, kiểu dáng, cách khâu rồi ghi chép lại một cách tỉ mỉ. Bằng trí nhớ của mình, ông hình dung lại cách làm nón mà ngày xưa bà nội từng làm.

Posted Image

Ngoài những chiếc nón truyền thống, ông Canh còn khôi phục cả những chiếc nón của người Hoa.

Ảnh Tự LậpMang tinh hoa trở lại

Những ngày đầu, chưa quen, kim đâm loạn xạ, khắp người chỗ nào cũng có vết trầy xước của tre nứa và kim đâm. Thấy ông đánh vật với những đường kim mũi chỉ, không ăn, không ngủ; lo lắng cho sức khoẻ của bố, các con ông đều khuyên ngăn, nhưng ông một mực không chịu. Ông tự nhủ: "Đời lính Cụ Hồ, đánh giặc khó vậy còn làm được, thì có gì không làm được...

Sau một thời gian kiên trì, mày mò, ông cũng hoàn thành được chiếc nón quai thao - nón ba tầm. Cuối cùng cái nghề nón cổ xưa của ông cha đã trở lại. Ông mừng lắm, rồi ông bật khóc như một đứa trẻ.

Có lẽ ai cũng nhận ra rằng, những chiếc nón cổ dường như bị "bỏ rơi" do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường. Hơn thế nữa, làm nón cổ, đòi hỏi nhiều công đoạn công phu tỉ mỉ mà lợi nhuận lại không cao, cho nên nó dần chìm vào quên lãng là điều rất dễ dàng.

Làm nón cổ công phu và phức tạp từ khâu làm lá, lắp lá vào rồi khâu nón, cạp nón cho đến trang trí... Tất cả đòi hỏi người thợ phải thật kiên trì, khéo léo để chiếc nón tròn, khít, mịn từ mép lá đến đường kim mũi chỉ.

Làm ra được một chiếc nón quai thao phải mất 3 ngày, đòi hỏi người thợ bỏ ra nhiều công sức và thời gian gấp mấy lần những chiếc nón bình thường. Một chiếc nón quai thao muốn hoàn thành phải trải qua 6 công đoạn, mỗi công đoạn có những cái khó khác nhau.

Những chiếc lá cọ chở từ Phú Thọ về sẽ được đem đi phơi nắng chừng 3 ngày. Khi lá cọ đã chuyển từ xanh sang trắng và khô lại, chúng sẽ được cắt ra, độ dài tuỳ thuộc vào đường kính vành nón định làm. Trong công đoạn đầu tiên này và cũng khó nhất là việc là lá bằng lưỡi cày nung nóng, làm cho lá thẳng ra.

Một chiếc nón quai thao cổ thường ghép bằng 4 lọn lá, phía bên trong mặt nón được ghép bằng những mảnh vải đỏ hoặc vàng trải phẳng, chỗ buộc quai nón được đan bằng những sợi chỉ nhiều màu sắc...

Với sự cần mẫn và lòng yêu nghề, cuối cùng, ông đã hoàn thành những chiếc nón quai thao, nón ba tầm đầu tiên. Những chiếc nón cổ được hồi sinh trở thành phục trang quen thuộc của các đoàn nghệ thuật và là một vật dụng trang trí nghệ thuật trong các ngôi nhà.

Nhưng ông lại sợ một ngày nào đó khi ông ngã xuống, chiếc nón quai thao ấy lại thất truyền một lần nữa. Vì thế, ông đã mở lớp dạy làm nón miễn phí cho người dân quanh vùng. Không phân biệt nam nữ, già trẻ, chỉ cần có một tấm lòng yêu nghề, muốn giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống là ông dạy liền. Tính đến nay cũng đã có gần 100 người theo học.

Giờ đây, ở cái tuổi "cổ lai hy", sức khỏe hạn chế đi nhiều nhưng nghệ nhân Phạm Trần Canh vẫn không ngừng sáng tạo. Ngày ngày, ông vẫn cần mẫn với công việc làm nón. Ông còn phục chế lại nhiều mẫu nón cổ khác như nón dân tộc Thái, nón chóp dứa, nón lá già ghép sóng, nón Hồng Kông...

Với nghệ nhân Phạm Trần Canh duy trì nghề làm nón cổ không chỉ góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam. Mà ông còn giúp cho giới trẻ nhận ra rằng để tinh hoa làng nghề mai một là có tội với ông cha.

Tác giả: Tự LậpBài đã được xuất bản.: 27/06/2010 06:00 GMT+7

Tuànvietnamnet

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites