HP74

Tình Ca Biểu Tượng Âm Nhạc Nước Việt?

1 bài viết trong chủ đề này

Posted (đã chỉnh sửa)

"Tình ca" - biểu tượng âm nhạc nước Việt?

Tác giả: Nguyễn Đăng TấnBài đã được xuất bản.: 27/06/2010 09:00 GMT+7

Bài ca xuất hiện như cánh vỗ của loài chim, xoa dịu vết thương lòng người xa cách bởi chiến tranh. Và lại như dòng sữa ngọt, nuôi dưỡng chí khí, lòng yêu nước, yêu đời của dân tộc, của lứa đôi.

Ca khúc bất hủ như nhật ký con tim

Trong cuộc đời mỗi con người, có lẽ chẳng ai không một lần hát Tình ca của Hoàng Việt. Đó chính là nỗi lòng của lứa đôi, của tình yêu và hạnh phúc. Và nhất là khi xa nhau, tình ca như sợi dây tâm tình, là tiếng ngân đồng vọng của người yêu thương gửi đến người yêu thương.

Hiếm có một dân tộc nào như dân tộc Việt Nam. Lịch sử đất nước là lịch sử của những cuộc chiến tranh chống xâm lược bạo tàn. Vì thế, mà, như một lẽ đời, những bài ca xuất hiện như cánh vỗ của loài chim, xoa dịu vết thương lòng người xa cách bởi chiến tranh. Và lại như dòng sữa ngọt, nuôi dưỡng chí khí, lòng yêu nước, yêu đời của dân tộc, của lứa đôi.

Đã có biết bao ca khúc bất hủ như nhật ký con tim.

Người ở hậu phương ngóng chờ người ra trận. Người Nam kẻ Bắc mỏi mắt chờ nhau qua giới tuyến: 'Em ở bên kia bờ giới tuyến; Nhìn sao thao thức mấy đêm rồi", hay "Chiều nay ra đứng trông về; Mắt đượm tình quê đôi mắt đượm tình quê..."

Posted Image

Nhạc sĩ Hoàng Việt và vợ

Cũng không phải chỉ có dân tộc Việt Nam. Trên thế giới nhiều dân tộc cũng có những cuộc chia ly. Ta bắt gặp người con gái Nga chờ đợi người lính Hồng Quân qua bài Đợi anh về của Xi mô nốp: Mưa có rơi dầm dề, ngày có dài lê thê, anh ơi em vẫn đợi, hay bài hát Cachiusa: Lời hát trong vút bay đi ngân qua màn sương mờ, Biết không chàng ơi! Rằng xa xôi em mong chờ...

Dân tộc Nga cũng có một thời mà người lính Hồng Quân hùng dũng bước duyệt binh từ Quảng trường Đỏ tiến thẳng ra mặt trận để mà cứu nguy cho nhân loại trước họa Phát-xít. Và trong những bước chân oai hùng đó, có những người lính Việt. Họ có biết đâu rằng phía sau họ có cả các dân tộc đang chờ, ngay cả những người ở rất xa xôi vẫn chờ.

Mỗi bài hát mang một ý nghĩa, dấu ấn riêng, nhưng ở Tình ca cái riêng quyện chặt vào dấu ấn chung của dân tộc.

Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ ký kết, đất nước chia làm hai miền. Những người con miền Nam tập kết ra Bắc. Họ ra đi để lại đằng sau những mẹ già những người vợ trẻ và cả những mối tình đầu say đắm. Chính trong điều kiện ấy hàng loạt bài hát hay đã ra đời: Câu hò trên bến Hiền Lương, Tình trong lá thiếp, và điển hình nhất là Tình ca của Hoàng Viêt.

Ông là người con của đất Thành đồng. Tập kết ra Bắc, còn vợ ông vẫn ở lại miền Nam. Nỗi đau đất nước bị chia cắt, nỗi đau gia đình ly tán của ông đã như được "hóa thân", được gửi gắm vào trong Tình ca khi ông đang học Trường Âm nhạc Việt Nam (1956). Một lời nhắn gửi cho người vợ yêu thương.

Ngay sau khi ra đời, bài hát là "một tác phẩm thanh nhạc được dư luận đánh giá là bản tình ca hay nhất thời bấy giờ". Tuy nhiên ít mấy ai biết, Tình ca có số phận khá long đong.

Khi ca sỹ Quốc Hương, giọng ca hàng đầu Việt Nam lúc bấy giờ thể hiện Tình ca lần đầu tiên ở Hà Nội, một số người cho rằng ca từ bài hát bi lụy, yếu đuối. Tình ca vì vậy không được tiếp tục phổ biến nữa.

Cũng không riêng Tình ca có số phận long đong mà nhiều bài hát hay cũng lênh đênh tương tự. Đôi khi số phận của một tác phẩm lại phụ thuộc vào nhận thức thẩm mỹ của một vài người - nói như Mác: "Thiếu hiểu biết về nghệ thuật". Cũng có khi sự long đong lại phụ thuộc vào cả hoàn cảnh. Không ai được hát lạc giọng trong một dàn đồng ca...

Tình yêu lứa đôi quện chặt tình yêu Tổ quốc

Tuy nhiên đến cuối những năm 60, bài hát mới được hát lại trên đài phát thanh và trở thành "bài hát trong túi" mỗi người.

Còn nhớ dạo đó khi tạm biệt mái trường theo lệnh tổng động viên, chúng tôi những học sinh sinh viên vẫn còn lãng mạn lắm. Lãng mạn đến mức như nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết "Trong đáy ba lô ai bảo là không có, một đôi ba tiếng chú ve kim".

Nói hình ảnh là thế nhưng trong đáy ba lô nhất định phải có một cuốn sách của bạn gái tặng. Tôi đã đọc được một vài quyển sổ như vậy của đồng đội mình. Và thật kỳ lạ họ đều chép Tình ca. Đó chính là lời dặn dò của những "nàng" sinh viên tặng "chàng" lính trẻ rời mái trường ra trận.

Posted Image

"Qua núi biếc chập trùng xa xa, Qua bóng mây che mờ quê ta..."

Những người lính chúng tôi những lúc sinh hoạt vẫn say sưa hát Tình ca. Có người còn trích cả một đoạn dài gửi về người yêu, nhờ bài hát nói hộ lòng mình: "Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta, Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba, Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra, Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang, Qua núi biếc chập trùng xa xa, Qua bóng mây che mờ quê ta, Tiếng ca đời đời chung thủy thiết tha". Bài hát nói về sự chia ly nhưng không bi lụy mà thật hào sảng. Thật khó có thể tìm được ở đó một lời nào thể hiện sự yếu đuối. Tình yêu đôi lứa bị xa cách bởi chiến tranh, vì vậy cái quyết tâm giành lại tình yêu cũng là cái quyết tâm thắng giặc: "Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu; Đập tan ngay bao đau khổ và chia ly..."

Nhịp bài hát dồn dập, lời bài hát súc tích, nhạc và lời như hỗ trợ nhau, nâng nhau lên. Những ca từ rất giàu hình tượng, lại rất bay bổng. Không hề thấy máu lửa, thấy mùi thuốc súng nhưng lại đậm đặc không khí chiến trường. Những "Thét gào cuộn dâng phong ba, mặt biển sôi ầm vang... cũng là những hình ảnh sôi sục của lòng yêu nước của dân tộc khi bị kẻ thù thách thức.

Bài hát mà âm hưởng chủ đạo là sự quện chặt giữa tình yêu lứa đôi với tình yêu Tổ quốc. Giành lại tình yêu cũng là giành lại Tổ quốc bị chia cắt. Tượng đài tình yêu ở đây chính là tượng đài tình yêu Tổ quốc.

Tình ca xứng đáng được chọn lựa là biểu tượng âm nhạc của nước Việt chúng ta.

Edited by HP74
2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay