Thiên Sứ

Phim Tài Liệu Nhật Về Điện Biên Phủ Do Tướng Giáp Dẫn Chuyện

1 bài viết trong chủ đề này

Phim tài liệu Nhật về Điện Biên Phủ do tướng Giáp dẫn chuyện

TUANVIETNAM.NET

Tác giả: Huỳnh Phan Bài

21/06/2010 06:00 GMT+7

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến 56 ngày đêm làm thay đổi thế giới là bộ phim tài liệu dài 50 phút do hãng NDN thực hiện, đã được phát trên đài NHK vào tháng 7.2004 trên toàn nước Nhật, và hai lần qua vệ tinh trên toàn thế giới, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Kỳ 1; Kỳ 2

Điều đặc biệt của bộ phim này là Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là người dẫn chuyện, và lời kể của ông được bổ sung bằng các hình ảnh, lời nói của các nhân chứng.

Sau khi xem lại đĩa phim, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo lời kể của người thư ký, đã nhận xét rằng "đây là bộ phim hay, trung thực, và thể hiện được trọn vẹn diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ".

Để thực hiện được điều này, ngoài các nhân chứng ở Việt Nam, các nhà làm phim NDN đã sang Pháp để gặp những nhân chứng từ phía bên kia trận tuyến. Nhưng điều làm Matsumoto, nhà đạo diễn nổi tiếng về phim chiến tranh của Nhật Bản, cảm thấy hồi hộp nhất là phút giây đầu tiên nhìn thấy Tướng Giáp tại tư gia.

"Một ông già ngoại cửu tuần chầm chậm đi ra phòng khách, từ từ ngồi xuống ghế, và thở rất khó nhọc. Tôi đã thoáng lo sợ, bởi chương trình của chúng tôi dứt khoát phải có cuộc phóng vấn Tướng Giáp", Matsumoto nhớ lại.

"Nhưng chỉ khi câu hỏi đầu tiên được đặt ra, vẻ mặt Lão Đại tướng đột nhiên thay đổi, mắt ông sáng lên, lanh lợi. Giọng nói ông dõng dạc, và đặc biệt ông nhớ đến từng chi tiết mà không cần xem lại giấy tờ gì cả", Matsumoto giải thích về sự chuyển trạng thái từ "lo lắng" đến "ngỡ ngàng" của mình.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể rằng trước khi lên Điện Biên Phủ, ông đã đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Lúc ra về, vừa bắt tay tôi, Bác vừa căn dặn: Chắc thắng hãy đánh, không chắc thắng không đánh", Tướng Giáp kể lại.

Để ngăn chặn sự mở rộng vùng tự do của phía Việt Nam, Pháp đã quyết định xây dựng một cứ điểm "bất khả chiến bại" ở vùng Tây Bắc, cách biên giới với Lào chừng 15 km theo đường chim bay. Cứ điểm Điện Biên Phủ nằm trong một thung lũng bao quanh bởi đồi núi, gồm 45 trận địa bao quanh Sở chỉ huy, với tổng số 16 ngàn quân.

Nghi ngờ chủ trương "đánh nhanh - thắng nhanh", bao trùm trong tất cả chủ huy và binh sĩ Việt Nam lúc đó, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã cho trinh sát ngày đêm nắm lại tình hình Điện Biên Phủ, nhất là việc di chuyển của quân Pháp. Tướng Giáp đã kết luận rằng "đối đầu với quân Pháp mạnh như vậy không thể thắng được, mà chỉ hy sinh vô ích. Ông đưa ra chủ trương mới là "đánh chắc - tiến chắc".

Chiến thuật của vị Tổng tư lệnh là vạch ra là bí mật vận chuyển một số lượng lớn vũ khí ra chiến trường, tấn công bất ngờ, khiến địch trở tay không kịp. Quân lương, vũ khí, và đặc biệt là hơn 20 khẩu pháo 105 ly, chiến lợi phẩm thu được từ quân Pháp và do Trung Quốc viện trợ, đã được đưa lên Điện Biên Phủ, với biết bao công sức, kể cả sự hy sinh tính mạng, của bộ đội và dân công.

Posted Image

Tướng Giáp kể rằng khi quân đội Pháp bắt đầu nghĩ là quân đội Việt Nam chắc không đánh nữa, thì ngày 13.3.1954, ông hạ lệnh tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Mục tiêu đầu tiên là cứ điểm Him Lam. "Kế hoạch tác chiến của Tướng Giáp quả là không thể tin được, vì tất cả chúng tôi đều không nghĩ là địch rất mạnh. Không ai nhìn thấy pháo, và cũng không đoán được chúng nằm ở đâu. Một sĩ quan pháo binh của chúng tôi đã hốt hoảng tự sát. Thật đáng kinh ngạc!", cựu Trung tá Bizon, chỉ huy binh đoàn dù của Pháp ở Điện Biên Phủ, hồi tưởng.

"Chúng tôi không đặt pháo trên đỉnh đồi, mà đặt bên sườn đồi, vì đặt trên đỉnh rất dễ bị lộ. Pháo được ngụy trang và giấu trong hầm, nên quân Pháp không hề nhận ra. Và đến ngày 8.3.1954, tất cả pháo 105 ly đã được bố trí bao vây lấy các căn cứ của quân Pháp", cựu pháo thủ Trần Xuân Luật, người trực tiếp tham gia chiến dịch, giải thích.

Sau một tháng của chiến dịch, quân đội và dân công Việt Nam, với hệ thống giao thông hào của mình, đã bao vây quân Pháp ở một cự ly rất gần, tới mức có thể nhìn rõ mặt nhau. "Công sự cuối cùng đã được đào đến tận đỉnh đồi, nơi đơn vị tôi chốt giữ. Cứ 5 ngàn người ngã xuống thì một vạn người lên thay. Vì vậy, một vạn quân Pháp ở đây có thể bị tiêu diệt hết", cựu trung tá Bizon nói.

Tướng Giáp giải thích: "Chiến thuật đào công sự này là do chuyên gia Trung Quốc giới thiệu, được rút ra qua bài học chiến tranh với Mỹ ở Triều Tiên của Quân Giải phóng Trung Quốc. Tấn công từ hệ thống công sự này bắt đầu phát huy mạnh mẽ tác dụng, và có uy lực rất lớn."

Chiến dịch 56 ngày đêm đã kết thúc với sự đầu hàng của Tướng De Catri. Việt Nam đã chiến thắng!

Nhưng với một cái giá không nhỏ: gần 8000 người đã chết, và gần gấp đôi số đó bị thương, so với 2700 binh sĩ Pháp bị chết và mất tích, 4400 bị thương và 10 ngàn bị bắt làm tù binh.

"Tôi chưa về nhà ngay mà lên ngựa đi báo cáo với Bác Hồ. Bác nói: Mừng chú thắng trận trở về. Nhưng tiếp theo ta còn phải đánh Mỹ nữa", Tướng Giáp nhớ lại.

Bộ phim gần như kết thúc bằng câu nói của Tướng Giáp: "Lúc ta chuẩn bị đánh Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc đều khuyên rằng 'làm sao đánh được Mỹ, các anh bỏ ý định đó đi'. Tôi đã trả lời rằng 'nếu chúng ta đánh theo cách của Liên Xô và Trung Quốc, chắc chẳng chịu được một tiếng đồng hồ. Nhưng theo cách đánh của Việt Nam thì chiến thắng là điều có thể."

21 năm sau, điều đó đã thành hiện thực! Và một năm sau khi thực hiện bộ phim này, Matsumoto lại có cơ hội thực hiện tiếp hai tập phim về chiến tranh Việt Nam, phát trên NHK, nhân kỷ niệm 60 năm kết thúc của Đại chiến thế giới thứ hai.

  • Còn tiếp kỳ 4.......
3 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay