PhươngHồng

NgỒi ThiỀn ĐỂ NÂng Cao HiỆu QuẢ CÔng TÁc VÀ TĂng CƯỜng SỨc KhỎe

5 bài viết trong chủ đề này

NGỒI THIỀN ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC VÀ TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE

Lương y VÕ HÀ Thử nhìn xuống một hồ nước. Khi mặt hồ yên tĩnh, trong xanh ta dễ dàng nhìn rõ được mọi vật dưới đáy. Trái lại, khi làn nước gợn sóng, hình ảnh sẽ bị phản chiếu lệch lạc. Bộ não con người cũng giống như vậy. Khi tinh thần yên tĩnh, tập trung, tâm trí sẽ sáng suốt. Trái lại, khi có tạp niệm xen vào hoặc lúc lo âu căng thẳng, sự phán đoán sẽ kém chính xác. Sự căng thẳng sẽ làm mệt bộ não, cơ thể tiêu phí nhiều năng lượng mà việc giải quyết công việc lại kém hiệu quả. Một sinh viên thiếu tập trung sẽ khó tiếp thu bài giảng. Một công nhân đứng máy lơ đểnh sẽ dễ mắc tai nạn lao động. Một nhà nghiên cứu mà tinh thần không ổn định sẽ khó có thể hoàn thành công trình của mình. Ngoài ra, trong điều kiện phát triễn của nền văn minh công nghiệp với tính cạnh tranh cao, con người luôn phải đối mặt với nhiều loại áp lực thì việc phải gánh chịu stress làm giảm sức đề kháng và dễ dẫn đến nhiều bệnh tật là điều đáng lo ngại. Từ những thực tế nầy nhiều người đã tìm đến với thiền.

THIỀN LÀ GÌ?

Nói một cách đơn giản, thiền là những phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng để làm đúng công việc mà chúng ta muốn làm và đang làm. Đặc biệt thiền giúp điều chỉnh lại tình trạng mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh do quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng gây ra.

Có nhiều phương pháp thiền khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là giúp người luyện tập có thể tập trung chú ý vào một điểm ở trong hoặc ngoài cơ thể, vào một đề tài, một hình ảnh hoặc một câu "chú" nhất định nhằm đưa cơ thể tiến dần vào tình trạng nhập tĩnh khi tâm không còn bất cứ ý niệm nào.

CÁC BƯỚC THÔNG THƯỜNG CỦA MỘT LẦN NGỒI THIỀN

1. Chuẩn bị: Trước khi ngồi thiền, cần hoàn tất các công việc thường nhật trong ngày để tư tưởng khỏi vướng bận; Tắm rửa sạch sẽ, nới lỏng quần áo; Chọn một nơi yên tĩnh, thoáng mát, không có ruồi muỗi.

2. Tư thế: Có thể chọn tư thế ngồi xếp bằng thông thường, ngồi bán già hoặc ngồi kiết già. Lưng thẳng, cằm hơi đưa vào để cột sống được thẳng. Đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên. Hai bàn tay buông lỏng đặt trên hai đùi hoặc đan chéo nhau để trước bụng, miễn sao hai tay cảm thấy thoải mái, dễ giãn mềm cơ bắp là được.

Tư thế kiết già (thế hoa sen), đặc biệt thích hợp cho việc ngồi thiền: Ngồi xếp bằng tự nhiên, dùng hai bàn tay nắm bàn chân phải từ từ gấp chân lại và đặt bàn chân lên đùi trái, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời. Kế tiếp dùng hai bàn tay nắm bàn chân trái gấp lại, đặt bàn chân trái lên đùi phải, kéo nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên trời.

Các đạo sư Yoga cho rằng vị thế khóa nhau của hai chân trong tư thế kiết già sẽ tạo sức ép lên hai luân xa ở dưới cùng của cơ thể, khiến dòng năng lượng có khuynh hướng đi lên để nuôi dưỡng các trung tâm lực dọc theo cột sống và kiểm soát toàn bộ hệ thần kinh. Những thí nghiệm khoa học về Yoga cho thấy chỉ cần ngồi tư thế hoa sen, dù ta không cố gắng tập trung tư tưởng, vẫn có một sự thay đổi ở sóng não từ nhịp Beta khoảng 20 chu kỳ mỗi giây xuống nhịp Alpha khoảng 8 chu kỳ mỗi giây. Nhịp Alpha là tình trạng sóng não của một người đang trầm tĩnh và minh mẫn. Điều nầy có nghĩa là tự thân tư thế kiết già đã có công năng làm êm dịu thần kinh chưa kể đến những cố gắng khác của việc ngồi thiền.

Posted Image Kết quả trên cũng phù hợp với những lý luận của y học cổ truyền khi biết rằng ở thế kiết già, xương mác ở cẳng chân trái đã tạo một sức ép khá mạnh lên đúng vị trí huyệt Tam âm giao ở chân phải (huyệt Tam âm giao ở chỗ lõm bờ sau xương chày, trên mắt cá chân trong khoảng 6cm). Như vậy, trong suốt thời gian ngồi kiết già, huyệt Tam âm giao sẽ được kích thích liên tục. Tam âm giao là huyệt giao hội của 3 đường kinh âm: Tỳ, Can và Thận nên tác động kích thích này sẽ có tác dụng "thông khí trệ", "sơ tiết vùng hạ tiêu" và điều chỉnh những rối loạn nếu có ở những kinh và tạng có liên quan, đặc biệt là tác dụng "Dưỡng âm kiện Tỳ" và "Sơ Can ích Thận" mà các thầy thuốc châm cứu đều biết khi tác động vào huyệt này. Những người có dấu hiệu căng thẳng thần kinh, những bệnh nhân "Âm hư hỏa vượng" hay gặp các cơn bốc hỏa về chiều và những phụ nữ đang ở tuổi mãn kinh sẽ dễ dàng cảm nhận được hiệu quả khi ngồi vào thế kiết già. 3. Giảm các kích thích giác quan: Một trong những yếu tố quan trọng để dễ nhập tĩnh là không bị các kích thích bên ngoài quấy nhiễu. Người xưa gọi là "bế ngũ quan".

Trên thực tế, những quan sát qua điện não đồ cho thấy chỉ cần nhắm mắt để loại bỏ thị giác là đã giảm được 50% các kích thích từ bên ngoài. Do đó, nên nhắm mắt lúc ngồi thiền. Khi nhắm mắt chỉ cần khép hờ để bảo đảm không có sự căng cơ ở vùng mặt.

4. Giãn mềm cơ bắp: Ngày nay, khoa học đã biết rất rõ tác động qua lại giữa 2 yếu tố thần kinh và cơ. Khi thần kinh căng thẳng, trương lực cơ bắp cũng gia tăng. Ngược lại, nếu điều hòa trương lực cơ bắp ở mức thư giãn thì thần kinh cũng sẽ được ổn định. Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này khi quan sát một người đang giận dữ. Khi tức giận, gân cổ nổi lên, cơ bắp căng cứng, bàn tay nắm chặt...; đó là lúc thần kinh quá căng thẳng. Ngược lại, hãy nhìn một người đang ngồi ngủ gật trên xe. Lúc người này thiếp đi là lúc thần kinh ở mức thư giãn, tâm không còn ghi nhận ý niệm gì cụ thể và cơ bắp cũng giãn mềm nên đầu dễ dàng ngoẹo sang một bên. Vì vậy, trong quá trình hành thiền, việc chủ động giãn mềm cơ bắp sẽ thúc đẩy nhanh quá trình thư giãn, nhập tĩnh.

Trên thực tế, chỉ cần quan tâm giãn mềm cơ mặt và cơ bàn tay là đủ. Điều này căn cứ vào hai quy luật: Thứ nhất, mặt và hai bàn tay là những vùng phản chiếu có các điểm tương ứng với toàn bộ cơ thể, do đó nếu thư giãn được vùng mặt hay hai bàn tay sẽ thư giãn được toàn thân. Thứ hai, theo học thuyết Paplop, khi tập trung gây ức chế thần kinh một vùng hoặc một điểm ở vỏ não (qua hiệu ứng thư giãn) thì sự ức chế này sẽ lan tỏa gây ức chế toàn bộ vỏ não.

5. Tập trung tâm ý: Đây là giai đoạn chính của buổi hành thiền. Như đã nói ở phần trên, thiền chính là sự tập trung tư tưởng vào một điểm hoặc một đề mục duy nhất để dần dần đạt đến tình trạng trống rỗng, không còn vướng mắc vào bất cứ một ý niệm nào. Để thư giãn thần kinh hoặc để chữa bệnh, chỉ cần duy trì tình trạng tập trung vào điểm hoặc vào đề mục tập trung trong một thời gian nhất định là đủ. Điều quan trọng là nên tập đều đặn hàng ngày, mỗi ngày một hoặc hai lần. Lúc đầu, ngồi khoảng 15 phút mỗi lần, dần dần tăng lên. Sau một thời gian, khi não bộ đã ghi nhận thói quen thiền thì việc ngồi vào tư thế, nhắm mắt, việc đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên hoặc ám thị giãn mềm cơ bắp sẽ hình thành nên những phản xạ có điều kiện để đưa người tập vào trạng thái thiền định.

Về điểm để tập trung tư tưởng, một vị trí ở vùng bụng dưới mà nhiều trường phái thường chọn làm điểm tập trung khi ngồi thiền là huyệt Đan điền, cách dưới rốn khoảng 3cm. Nên tập trung vào điểm này vì nhiều lẽ.

Theo y học cổ truyền, "thần đâu khí đó". Do đó, khi tập trung vào một điểm ở vùng dưới cơ thể thì khí và huyết sẽ lưu chuyển về phía dưới, làm nhẹ áp lực ở vùng đầu, dễ dẫn đến nhập tĩnh.

Đan điền còn gọi là Khí hải hay Khí huyệt, ngụ ý là nơi "luyện thuốc", là "bể chứa khí". Đan điền là một huyệt quan trọng trong việc luyện dưỡng sinh của các đạo sĩ, các nhà khí công. Có nhiều trường phái khác nhau và việc tu luyện rất phức tạp. Tuy nhiên, các công phu của đạo gia nói chung và việc phát sinh nội khí để chửa bệnh nói riêng đều dựa vào bí quyết "hồi quang nội thị" hoặc "ngưng thần nhập khí huyệt". Tâm không duyên ra ngoài, hướng đôi mắt vào trong gọi là hồi quang, tập trung thần vào bên trong cơ thể gọi là nội thị. Ngưng thần nhập khí huyệt chính là tập trung tâm ý tại Đan điền để phát sinh nội khí. Lâu dần chân khí được sung mãn sẽ khai thông các kinh lạc bế tắt hoặc bồi bổ cho ngủ tạng để tăng cường sức khoẻ.

Một số người tâm dễ xao động có thể cần một phương pháp kiểm soát tâm chặt chẽ hơn. Trường hợp này, nên kết hợp quan sát hơi thở với việc tập trung tại Đan điền bằng cách quan sát sự phồng lên và xẹp xuống tại bụng dưới. Lúc hít vào bụng dưới hơi phồng lên, lúc thở ra bụng dưới hơi xẹp xuống. Chỉ cần thở bình thường. Không cần quan tâm đến thở sâu hay thở cạn, đều hay không đều. Điều quan trọng ở đây là tập trung quan sát để biết rõ ta đang hít vào hay đang thở ra thông qua chuyển động phồng lên hay xẹp xuống ở bụng dưới. Sở dĩ chọn quan sát hơi thở ở bụng dưới mà không phải ở đầu mũi hoặc ở ngực là nhằm tạo quán tính thở sâu kết hợp với việc phát sinh nội khí ở Đan điền như đã dẫn ở phần trên. Thỉnh thoảng sẽ có những lúc tâm bị phân tán, các tạp niệm xen vào. Điều này là bình thường. Chỉ cần khi nhớ ra hãy tập trung trở lại Đan điền hoặc tiếp tục quan sát hơi thở vào ra là đủ. Lâu dần, những tạp niệm sẽ bớt đi, thời gian tập trung sẽ dài hơn, hơi thở sẽ đều, chậm và nhẹ hơn, cho đến lúc không còn ý niệm và quên luôn cả hơi thở. Nếu thường xuyên đạt đến tình trạng này, có nghĩa người tập đã tiến được một bước rất dài. Không chỉ là không bệnh tật mà còn là sự tự tin, cảm thông và hoà hợp để dần dần đạt đến điều mà người xưa gọi là thiên nhân hợp nhất.

6. Xả thiền: Sau khi ngồi thiền, trước khi đứng dậy cần làm một số động tác để cơ thể hết tê mỏi và khí huyết lưu thông bình thường. Từ từ buông thõng hai chân, xoay người qua lại nhiều lần, xoay ở vùng hông và vùng cổ. Dùng hai tay vuốt nhẹ hai bên sóng mũi từ đầu mũi xuống chót cằm, vuốt ấm vành tai. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho ấm rồi áp vào mắt. Dùng hai bàn tay xoa bóp dọc theo hai chân, từ đùi dài xuống bàn chân. Xoa ấm hai lòng bàn chân.

Việc xả thiền tùy thuộc vào mỗi buổi thiền. Nếu chỉ thiền khoảng 15 phút hoặc khi có công việc cần đứng lên gấp thì chỉ cần co duỗi hai chân và xoay người, hoặc lắc cổ qua lại nhiều lần là đủ.

NGỒI THIỀN CÓ GÂY NGUY HIỂM GÌ KHÔNG?

Một vấn đề cuối cùng mà những người mới tập thiền thường thắc mắc là liệu ngồi thiền có gây nguy hiểm gì không? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào phương pháp và động cơ của việc ngồi thiền. Một số phương pháp thiền có phối hợp với vận khí hoặc có sự hỗ trợ khai mở một số trung tâm lực trong cơ thể nhằm thúc đẩy nhanh quá trình sinh khí và gia tăng nội lực. Các phương pháp này có thể gây những nguy hiểm đi kèm nếu người tập thiếu những kiến thức về khí công, về y học truyền thống hoặc không có đạo sư hướng dẫn để vận dụng và kiểm soát kịp thời nguồn năng lực mới phát sinh. Trái lại, nếu ngồi thiền để đạt đến sự tĩnh lặng trong tâm trí, để thư giãn thần kinh và tăng cường sức khỏe, không vận khí, không bám víu vào bất cứ ảo giác, âm thanh hoặc hình ảnh nào thì không có gì nguy hiểm./.

NHỜ ĂN CHAY VÀ NGỔI THIỀN, MỘT BỆNH NHÂN

UNG THƯ ĐÃ THOÁT CHẾT VÀ BÌNH PHỤC

Bác sĩ Thú y Ian Gawler bị bệnh ung thư xương vào năm 1975. Lúc đó ông vừa đúng 25 tuổi. Ông được đưa vào bệnh viện và kết quả bị cưa mất hết bên chân phải. Một năm sau, bệnh tái phát trầm trọng. Bác sĩ điều trị bảo ông chỉ còn sống sót được trong một thời gian từ 3 tới 6 tháng mà thôi. Trước tình trạng tuyệt vọng đó, ông Gawler không chịu ngồi bó tay và buồn rầu chờ chết mà cương quyết chống chọi với tử thần hầu tìm cho mình một con đường sống. Ông nghiên cứu các phép ăn chay và ngồi thiền của một số giáo phái Đông Phương rồi cương quyết đem ra áp dụng để tự chữa.

Được sự hỗ trợ tinh thần của vợ là Grace Gawler, ông Ian Gawler ăn chay một cách nghiêm chỉnh và đúng cách, đồng thời cũng ngồi thiền một cách thành tâm và chăm chỉ. Kết quả bệnh tình của ông càng ngày càng thuyên giảm rõ rệt và cuối cùng đã hoàn toàn bình phục. Năm 1978, lần xét nghiệm y khoa cuối cùng đã chứng minh ông không còn mang mầm móng gì của bệnh ung thư nữa cả.

Ba năm sau kể từ ngày khỏi bệnh, ông bà Gawler chu du khắp nước Úc, đem những kiến thức và kinh nghiệm của mình để thuyết giảng và khuyến khích những bệnh nhân đồng cảnh ngộ hãy hun đúc lòng tự tin và áp dụng phương pháp tự chữa bằng cách ăn chay và ngồi thiền. Cũng dựa vào những kinh nghiệm của chính bản thân đó, ông Gawler đã cho xuất bản hai quyển sách liên quan tới dưỡng sinh và sức khỏe. Quyển thứ nhất có nhan đề là You can conquer Cancer (Bạn có thể Khống chế Bệnh Ung thư) và quyển thứ hai là Peace of Mind (Tâm Bình An). Được hỏi vì sao ông nghĩ ăn chay và ngồi thiền là phương pháp tốt để trị bệnh, ông bảo: "Ăn chay để cho cơ thể của chúng ta có cơ hội thanh lọc và đào thãi ra ngoài tất cả những độc tố đã tích lũy lâu ngày và gây bệnh cho chúng ta. Thịt vốn có những độc tố và những mầm bệnh không khác gì cơ thể của con người. Do đó chúng ta không nên hấp thụ thêm những gì có thể gây phương hại cho cơ thể. Vả lại ăn chay cũng phải dùng những loại rau quả tươi tốt để bảo toàn phẩm chất thiên nhiên. Nấu nướng cầu kỳ biến các thức ăn chay trở thành thơm ngon cho hạp với khẩu vị cũng làm mất đi rất nhiều các chất bổ dưỡng cần thiết. Tốt hơn hết chúng ta nên dùng các thức ăn chay giản dị, thuần khiết, chưa qua giai đoạn chế biến khoa học và đầy đủ phẩm chất bổ dưỡng theo nhu cầu của cơ thể".

Quan niệm về vấn đề ngồi thiền, ông Gawler bảo: "Sự thiền định không những là một phương pháp tốt khiến cho tinh thần được an ổn mà còn gia tăng sức khỏe, củng cố đặc tính miễn nhiễm của cơ thể và làm cho cơ thể có khả năng bẩm sinh đề kháng lại một số bệnh tật. Việc ngồi thiền đòi hỏi chúng ta phải có lòng tự tin, thành tâm và ý chí cương quyết. Sự ích lợi của việc ngồi thiền giúp chúng ta có cơ hội trở về với trạng thái tĩnh lặng của tinh thần lẫn vật chất. Do đó cơ thể của chúng ta sẽ trở lại vị trí ban đầu còn thanh khiết của lúc sơ sinh:

  • Quân bình thể chất là làm cho chúng ta có một sức khỏe tự nhiên nhờ ở trạng thái thư dãn của các cơ quan và ngũ tạng.
  • Quân bình tinh thần khiến chúng ta có cách suy nghĩ rõ ràng và chín chắn, có khả năng tự chủ và tự quyết định mọi vấn đề một cách nhanh chóng và dứt khoát.
  • Quân bình tâm linh là sự hòa hợp của các bản thể nội tại. Trong lúc ngồi thiền, chúng ta sẽ trực giác được chính mình là ai và từ đó sẽ thấy tâm hồn của mình rất là đơn thuần. Đồng thời lòng vị tha và bác ái càng thêm phát triển. Ngoài ra thể nghiệm trực tiếp trong nội tâm cũng giúp chúng ta củng cố được lòng tin nội tại, saün sàng đối đầu với tất cả mọi thử thách kể cả khi cận kề với cái chết mà mình không thể tránh được.
Năm 1992, ông bà Gawler đã cho thành lập trung tâm điều dưỡng tại Yarra Valley ở về phía Đông và cách thủ phủ Melbourne 70 cây số. Trung tâm này có khả năng cung cấp nơi tạm trú cho một số khách thập phương đến tham khảo và thực tập phương thức dưỡng sinh để trị bệnh. Trung tâm cũng có khu riêng biệt cho các bệnh nhân thực tập ngồi thiền. Đặc biệt bà Grace Gawler phụ trách săn sóc và hướng dẫn các bệnh nhân phụ nữ mắc bệnh nan y tự chữa trị mà phần lớn là những phụ nữ bị bệnh ung thư nhũ hoa. Trung tâm cũng mở các khóa hướng dẫn cách thức nấu ăn chay bổ dưỡng và thanh khiết. Hàng năm trung tâm cũng có tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế về phương pháp chữa bệnh nan y bằng cách ăn chay và ngồi thiền. Đặc biệt trong hai cuộc hội thảo hồi tháng 3 và tháng 9 năm 1997, bàn thảo về đề tài Phương pháp tự chữa bệnh ung thư hiện đang lan tràn trên thế giới.

Ông Gawler bảo thỉnh thoảng cơ quan y tế của chính phủ cũng có theo dõi kết quả của các bệnh nhân đã chữa bệnh ung thư bằng phương pháp ăn chay và ngồi thiền do chính vợ chồng ông chủ trương và điều khiển. Ông bảo chữa bệnh bằng phương pháp này thường không gây ra các phản ứng phụ. Tuy nhiên việc chữa bệnh nan y bằng phương pháp dưỡng sinh không được phổ biến lắm vì chỉ căn cứ trên kinh nghiệm rồi đem ra áp dụng và chờ kết quả, chớ không dựa trên cơ sở khoa học là phân tích, thí nghiệm, chứng minh rồi mới đem ra áp dụng sau. Vì lẽ đó phần đông các chuyên gia y tế đã thờ ơ trước những kết quả tốt đẹp mà phương pháp này đã mang lại khá nhiều ích lợi cho bênh nhân.

Tóm lại thảo luận về vấn đề ăn chay và ngồi thiền theo quan niệm tôn giáo sẽ gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên phương pháp tự chữa bệnh nan y bằng cách ăn chay và ngồi thiền đã đạt được nhiều kết quả khả quan và đã lôi kéo được sự chú ý của khá đông quần chúng Úc. Ngoài trung tâm chữa bệnh nan y bằng phương pháp dưỡng sinh do ông bà Gawler sáng lập ra ở Victoria, tại tiểu bang New South Wales, cũng có một trung tâm điều dưỡng tương tợ do các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng của Hội Sức Khỏe Tự Nhiên (Natural Health Association) thiết lập. Đó là trung tâm Hopewood tọa lạc tại khu vực Blue Mountain.

3 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Chỉ mới ngồi thế bán kiết già tầm chừng khoàng 45-60phut, khi đứng dậy là chân muốn đi cà dẹo rồi. hi hi. Phượng Hồng có vẽ mộ đạo Phật nhỉ.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Chỉ mới ngồi thế bán kiết già tầm chừng khoàng 45-60phut, khi đứng dậy là chân muốn đi cà dẹo rồi. hi hi. Phượng Hồng có vẽ mộ đạo Phật nhỉ.

:D

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đang thiền hay sao mà thức khuya vậy. :D

:D ngồi thiền có phương pháp :D với lại thức khuya để ôn thi bạn ạ :D

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay