Thiên Sứ

Siêu Dự án Mà Thất Bại Là Có Tội Với Nhân Dân

7 bài viết trong chủ đề này

Anh chị em quan tâm thân mến.

Gần đây, những nhà khoa học và những người quan tâm sôi nổi bàn về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Hầu như tất cả các báo mạng và báo giấy đều có những bài bình luận và ý kiến về dự án này. Bài dưới đây trên Bee.net. Dưới bài viết có mục góp ý. Nhưng vì tôi thấy khó có thể góp ý một cách hoàn hảo nếu sự góp ý qua dài với dung lượng qui đinh. Nên tôi đưa vào đây để anh chị em tham gia.

------------------------------------------------

TS Lê Công Thành:

Siêu dự án mà thất bại là có tội với nhân dân

30/05/2010 14:58:36

Posted Image - Nên chọn thời điểm xây dựng tuyến đường sắt cao tốc sao cho hợp lý. Với cách làm hiện nay chi phí dự án là quá đắt và các nhà khoa học trong nước có thể góp sức để làm giảm chi phí này. Chưa có bất cứ tiền lệ nào trên thế giới ghi nhận về một nước nghèo như Việt Nam mà lại đầu tư vào một dự án như thế này.

Thiết kế đường sắt cao tốc không phải là quá khó

* Tôi xin được hỏi thẳng, theo anh Việt Nam có nên xây dựng đường sắt cao tốc hay không?

Quan điểm cá nhân tôi là nên xây. Nhưng thời điểm nào thì nên đánh giá lại. Có vẻ họ đã đưa ra con số dự báo về lưu lượng hành khách, nhu cầu vận tải hơi quá lạc quan. Việc đánh giá sơ bộ thời gian hoàn vốn, giá trị thực tại ròng của dự án cho thấy dự án rất khó xây dựng trong niên hạn gần.

* Theo anh những con nào số mà dự án đưa ra là chưa xác thực?

Theo tôi thì con số hơn 55 tỷ USD mà dự án này đưa ra là chưa đủ cơ sở. Đó là con số mà phía nhà thầu Nhật đưa ra. Mình cần những đánh giá độc lập khác nhau. Không nên bị ảnh hưởng bởi quan điểm của các chuyên gia Nhật.

Ví dụ như chỉ ở khâu tư vấn thiết kế, trong đề án ghi là chi 4 tỷ USD. Nhưng nếu để các nhà khoa học trong nước làm, thực hiện định mức chi phí tư vấn riêng, cùng với sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài thì chỉ cần 500 triệu USD là ổn.

* Nhưng vấn đề ở đây là chất lượng. Có thể 4 tỷ USD kia đắt nhưng lại xắt ra miếng khi họ so sánh chất lượng giữa chuyên gia trong nước và chuyên gia ngoài nước?

Đúng là cũng có những sự chênh lệch nhất định. Nhưng vấn đề đó mình khắc phục được. Thiết kế đường sắt cao tốc không phải là quá khó.

Về phần đường, nhiều chi tiết trên đường các cán bộ khoa học kỹ thuật trong nước có thể nghiên cứu sản xuất được. Cầu cạn xưa nay mình đã làm rất tốt. Ngành hầm mình xây dựng ít hơn, nhưng trong quá trình xây dựng, các chuyên gia Việt Nam cũng làm rất tốt. Tôi biết có những sự cố, các chuyên gia Việt Nam xử lý được khi chuyên gia nước ngoài bó tay.

Rẻ hơn một nửa nếu...

Nếu giao nhiệm vụ làm được sắt cao tốc cho các nhà khoa học trong nước, liệu giá thành có rẻ hơn?

Tôi nghĩ là sẽ rẻ hơn khoảng một nửa so với con số nhà thầu đưa ra hiện nay. Chi phí quản lý dự án, tư vấn, xây dựng cơ sở hạ tầng, có thể giảm rất đáng kể. Các thiết bị, thông tin tín hiệu, điện, đầu máy toa xe có thể gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, có chính sách đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, bố trí cán bộ... Hơn nữa, nếu tổ chức tốt quá trình xây dựng, chi phí còn rẻ hơn nữa.

Được biết, nhiều nước có tiềm lực kinh tế, chất xám, nhân lực rất mạnh nhưng họ cũng chưa xây dựng đường sắt cao tốc. Vậy chúng ta "có gì" trong tay để quyết định đầu tư vào dự án cả trăm tỷ đô này?

Đức, Pháp, Nhật có đường sắt cao tốc nhưng họ sử dụng công nghệ của họ nên chi phí không quá cao. Trung Quốc có chính sách nhập khẩu công nghệ hợp lý nên có thể hạ giá thành xây dựng. Dự án xây dựng đường sắt cao tốc ở Việt Nam, kinh phí ban đầu là 56 tỷ USD và phát sinh có thể lên đến hơn 100 tỷ USD khiến nhiều người hãi hùng. Đó là vì chúng ta phải nhập khẩu hoàn toàn. Chúng ta không có gì cả ngoài tiền... đi vay.

Nếu Việt Nam muốn xây dựng tuyến đường sắt này thành công với giá rẻ thì cần huy động các nhà khoa học trong nước. Chất xám chúng ta bỏ ra càng nhiều thì chi phí càng giảm đi. Vì bản thân các nhà khoa học Việt Nam có nhiều người tâm huyết, được Nhà nước trả lương để nghiên cứu, kể cả khi được trả lương không cao so với thế giới, nhưng mặt bằng chung nền kinh tế ở Việt Nam là như thế.

Posted Image

TS Lê Công Thành: “Đường sắt cao tốc chắc chắn phải làm nhưng phải cân nhắc thời điểm xây dựng”.

* Anh nghĩ rằng các nhà khoa học của chúng ta hiện nay có thể làm chủ được bao nhiêu phần trăm trong dự án này?

Nếu được đầu tư tốt cho các nhà khoa học, tôi tin rằng phần hạ tầng có thể đảm nhận 100%. Có thể gia tăng tỉ lệ nội địa hóa phần thiết bị và phương tiện. Phát huy tối đa nguồn lực của đất nước thì sẽ giải quyết được rất nhiều nhiệm vụ đặt ra.

20 năm nữa mới hợp lý * Theo anh, thời điểm để Việt Nam xây dựng đường sắt cao tốc vào lúc nào là hợp lý?

Tôi cho rằng phải bắt đầu chuẩn bị từ giờ để 20 năm nữa Việt Nam bắt đầu tiến hành xây dựng ĐSCT. Chỉ cần thực hiện đầy đủ các bước thiết kế, lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia cũng phải mất từ 5 - 10 năm. Hơn nữa, khi đó tổng thu nhập đầu người không dưới 5.000USD/năm thì tiến hành xây dựng là hợp lý.

* Thời điểm đó mình có thể làm chủ hoàn toàn không?

Chắc chắn là sẽ làm chủ tốt hơn rất nhiều. Mà nói thẳng là nếu 20 năm nữa mình muốn xây thì ngay từ bây giờ, mình đã phải bắt đầu những công việc cụ thể rồi.

* Nếu ngay tại thời điểm này mình có thể tự thiết kế đường sắt cao tốc không?

Có. Nếu mời thêm cố vấn là các chuyên gia nước ngoài chắc chắn sẽ làm được.

* Địa hình Việt Nam có gây trở ngại gì trong việc xây dựng đường sắt cao tốc?

Địa hình Việt Nam dễ xây dựng hơn của Nhật rất nhiều. Không có động đất. Chỉ có đoạn miền Trung địa hình tương đối khó, ở hai đầu thì không có vấn đề gì.

Siêu dự án mà thất bại là có tội với nhân dân

* Tôi nghe nói tiền đầu tư trong các dự án ODA thì nước đầu tư sẽ lấy lại khoảng 2/3?

Đúng.

* Nghĩa là nếu mình tự làm, dùng nguồn tiền trong nước đầu tư sẽ chỉ mất 1/3 so với số tiền mà đơn vị nhà thầu đưa ra trong dự án?

Nói dân dã một chút thì đúng vậy. Nó chính là vấn đề tiền lưu thông ở đâu. Nếu một nước nào đó đầu tư cho Việt Nam thì có đến 70 - 80% nguồn tiền lưu thông trong nội bộ nước họ. Các khâu từ tư vấn, thiết kế giám sát, thẩm tra, các nhà thầu xây lắp chính... đều của người ta. Do vậy mà 70 - 80% tiền chạy trong nội bộ nước người ta chứ không chuyển sang Việt Nam. Về bản chất, dòng tiền đưa vào Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20 - 30% tổng chi phí dự án.

* Vậy có thể nói mình nghèo thì đành phải chịu! Hay mình đang chơi ngông, tiêu hoang?

Nói thế cũng không đúng. Có thể ở mức độ thấp thì mình không hiểu hết được ý tưởng của các nhà lãnh đạo. Vì người ta có trực giác riêng. Nếu trực giác đúng thì kéo đất nước đi lên rất nhanh. Ngược lại thì...

* Anh thấy dự án này có quá sức với Việt Nam không? Đã có tiền lệ nào trên thế giới xây dựng đường sắt cao tốc trong điều kiện kinh tế như ở Việt Nam không?

Tất cả những nước có đường sắt cao tốc khi họ bắt tay xây dựng đều có mức thu nhập cao hơn hẳn nước mình.

* Theo anh, tỷ lệ thành công và thất bại của dự án là như thế nào?

Mình không có quyền nói đến thất bại. Siêu dự án mà thất bại là có tội với nhân dân. Các nhà khoa học, quản lý thực hiện các dự án chỉ được phép thành công. Xây dựng đường sắt cao tốc chắc chắn phải làm nhưng phải cân nhắc về thời điểm xây dựng.

* Vâng. Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện thẳng thắn này. Tôi cũng như anh rất mong các nhà khoa học trong nước được góp sức mình vào sự phát triển chung của đất nước.

Bộ môn Đường sắt của trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội là nơi duy nhất trong cả nước đào tạo về chuyên ngành xây dựng đường sắt. Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc là chủ đề đang rất được các giảng viên trong bộ môn quan tâm.

Nguyên Tô (thực hiện)

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

TNC có ý kiến ạ.

-Giao thông phát triển là sự kiện tốt, phát triển giao thông là ý tưởng đúng.

-Siêu dự án phải có siêu chuyên gia thiết kế, không nên tiết kiệm khâu thiết kế (sinh lực quân của dự án; để rồi sau này phải sửa đi sửa lại hoặc phải chấp nhận những hạn chế nhất định).

-Siêu dự án thì nên làm theo cách thức làm hết sức mình (và không được làm quá sức), nếu tính trước được rằng làm xong mà vẫn còn sức thì không phải lăn tăn gì.

-Nước Mỹ cũng có lịch sử về sự đột phá phát triển giao thông (đường thuỷ) và có kết quả thành công.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Posted (đã chỉnh sửa)

(TS Thành béo hàng ngày giảng bài bùn ngủ ghê gớm mà sao trả lời phỏng vấn hay vậy nhỉ? :))

Dự án này xét ra hơi "lạc quan" quá! Cái ngành đường sắt nước nhà từ lúc khai sinh đến nay chưa năm nào có lãi, nay lại rước thêm 1 đống nợ vào người làm chi 0 bít! Cứ để tiền mà cải tổ lại ngành (thay khổ đường, nâng cao chất lượng toa xe, nâng cao chất lượng dịch vụ....) có phải tốt hơn 0? :lol:

Xét 1 yếu tố đơn giản nhất là cầu vận tải thì cái dự án này lỗ nặng! Vì ĐSCT chỉ khả thi khi nó nối liền các thành phố có từ 1 triệu dân trở lên. VN mình có được mấy thành phố như vậy ta?

(Phóng viên chụp cái ảnh "Lâu rồi chúng em mới vui như thế" là có ý chi nhỉ? :()

Edited by NDK
1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Chuyên gia WB luận về đường sắt cao tốc Trung Quốc

Cập nhật lúc 06:21, Thứ Tư, 02/06/2010 (GMT+7) ,

Trong khi dân số không ngừng mở rộng, Trung Quốc đã đặt mục tiêu phát triển mạnh mạng lưới đường sắt cao tốc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đi lại của người dân. Chuyên gia John Scales đưa ra những quan điểm về tương lai đường sắt cao tốc tại nước này.

"Siêu dự án" và trách nhiệm của Quốc hội

Trung Quốc đã lao vào một chương trình mở rộng đường sắt quốc gia lớn nhất từ thế kỷ 19. Một phần của chương trình này sẽ là xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc mà khi hoàn thành sẽ trở thành mạng lưới lớn nhất thế giới.

Posted Image

Đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thiên Tân

Câu hỏi quan trọng đặt ra là: Kế hoạch đường sắt cao tốc có được nhìn nhận trong nội dung phát triển kinh tế? Thậm chí nếu đường sắt cao tốc ở một quốc gia đang phát triển tìm thấy một thị trường hành khách sẵn sàng trả giá cao, thì lợi ích mà chính nó mang lại bởi một cuộc hành trình nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn sẽ không có nghĩa rằng, lĩnh vực này giành được sự chú tâm phát triển trong ngành công nghiệp vận tải nói chung.

Trên thực tế, nếu xem xét câu hỏi theo khía cạnh trên, có thể nói rằng, đi tàu nhanh là cách tiêu dùng xa hoa. Nó chỉ phù hợp với một nhóm người ở các nước đang phát triển - những người tự coi mình cao hơn số đông người nghèo, những người tập trung nhiều hơn vào sự phát triển của thế giới.

Nhưng cách nhìn này có thực sự hợp lý? Theo quan điểm của các định chế phát triển tài chính như Ngân hàng Thế giới thì câu trả lời là “không”. Và dĩ nhiên, nó cũng không phải là cách nhìn được áp dụng khi hệ thống đường sá thông thường chật cứng người được thay thế bởi mạng lưới tốc độ cao hơn, chất lượng tốt hơn.

Về khía cạnh hoạt động, tuyến đường sắt cao tốc dĩ nhiên cung cấp tốc độ đi lại nhanh hơn cho người sử dụng. Nhưng nó có thể “giải phóng” các tuyến đường hiện có cho các phương tiện vận chuyển khác và ảnh hưởng tới các mô hình liên quan đến nhau. Những thay đổi căn bản về khả năng tiếp cận và độ linh hoạt sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế quốc gia cũng như khu vực.

Về khía cạnh tài chính, quyết định dồn mọi nguồn đầu tư công cộng vào đường sắt cao tốc sẽ chắc chắn làm trệch hướng các nguồn đầu tư khác vào cơ sở hạ tầng vận tải hoặc bên ngoài lĩnh vực vận tải.

Hơn nữa, tính ổn định tài chính dài hạn của đường sắt cao tốc có thể là một vấn đề nghiêm trọng với ngân sách quốc gia. Việc phân phát tài nguyên và ngân sách trong vận tải rõ ràng là rất quan trọng với phát triển kinh tế.

Đường sắt cao tốc cũng sẽ có tác động lớn với môi trường và xã hội với những kết quả tích cực hay tiêu cực. Chắc chắn một con tàu cao tốc sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn, sản sinh nhiều khí thải nhà kính hơn một con tàu hành khách tốn nhiều thời gian hơn trên cùng một lộ trình.

Nhưng nếu hệ thống đường sắt cao tốc đủ sức hấp dẫn hành khách, hút họ từ hệ thống đường bộ hay hàng không, thì về lâu dài, nó có thể giảm lượng khí thải carbon nói chung của toàn bộ hệ thống giao thông vận tải. Nó cũng sẽ giảm bớt các vụ tai nạn đường bộ, tránh “đụng độ” với những phương tiện đi lại tư nhân.

Ví dụ, Nghiệp đoàn Đường sắt quốc tế dẫn giải rằng, một con tàu cao tốc có thể vận chuyển lượng hành khách gấp tám lần so với một máy bay ở cùng khoảng cách, sử dụng tương đương khối lượng năng lượng và phát sinh lượng khí thải nhà kính (tính trung bình trên mỗi hành khách) lại chỉ bằng ¼ máy bay.

Để thành công, một hệ thống đường sắt cao tốc mới cần được xây dựng trong những hành lang - nơi công suất đường sắt đã được khai thác tối đa, và rất cần tới một khả năng vận chuyển mới. Cũng cần có sự thực thi chặt chẽ về quản lý và kỹ thuật xây dựng để đảm bảo nguồn vốn và chi phí bảo trì sẽ không “tăng dần đều” vượt quá khả năng cho phép, tính toán số hành khách sẵn sàng trả chi phí cao khi sử dụng dịch vụ.

Một hành lang quốc tế thích hợp có thể là tuyến đường kết nối hai thành phố lớn cách nhau 100 -500km (Seoul - Busan: 420 km, Rome - Milan 514 km, London - Paris 495km), nhưng cũng có thể là hành lang dài hơn và các thành phố cách nhau 200 - 300km (Tokyo - Osaka 700 km, Bắc Kinh -Thượng Hải 1.300 km và Bắc Kinh - Quảng Châu 2.100 km).

Trung Quốc có những hành lang vận chuyển hành khách nhộn nhịp với những thành công từ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, chấm dứt tình trạng “nút cổ chai” trong phát triển.

Nhưng khi nhiều mạng lưới vận chuyển chính được hoàn thành và mở rộng tại các hành lang nhu cầu đi lại thấp hơn, nước này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn từ lượng hành khách đi lại. Khi ấy, chính mạng lưới đường sắt cao tốc sẽ tạo ra gánh nặng nợ nần mới cho ngân sách.

(Tác giả John Scales là điều phối viên lĩnh vực vận tải của Ngân hàng Thế giới tại Bắc Kinh. Bài viết được trích từ một báo cáo của Ngân hàng Thế giới về đường sắt cao tốc).

  • Thái An (Theo ChinaDaily)

Nhận xét của Thiên Sứ (Không phải bình luận):

Những nước giàu và dự trự quốc gia lớn mới làm đường sắt cao tốc. Bản thân việc đó đúng hay sai, có giá trị thúc đẩy kinh tế và phát triển xã hội hay không chưa bản.

Nhưng Việt Nam - nếu không phải là nước duy nhất - thì cũng là một trong vài nước nghèo đi vay tiền để làm đường sắt cao tốc.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Không biết lỡ có tội với nhân dân rồi thì sẽ bị phạt ra sao nhỉ? Kiểm điểm hay là chuyển sang ngành khác lấy công chuộc tội tiếp?

Với cái kiểu làm dự án hết chôn đường xuống lại đào đường lên như ở bển thì tui e xác xuất thành công khiêm tốn lắm. Chi bằng khỏi làm cho khỏi sợ có tội.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Posted (đã chỉnh sửa)

Về dự án này có một vấn đề rằng, TNC phát biểu :

Một nước nghèo đi vay tiền một nước giàu để làm một cái lớn hơn cùng loại ở nước giàu.

-Điểm này mà cho rằng vô lý thì cũng có khối cái lý để nói. Và nó cũng là một sự gây ra cái thấy, đã có cái thấy theo hướng lùi thì hẳn là sẽ tác động lùi.

-Cũng có thể ngược lại.

-Gây ra cái thấy "tiến" với những điều kiện cơ bản đơn giản đã có, xong rồi cứ thế mà nhìn theo cái thấy tiến ấy thì đó là cách nhìn ở một góc độ cũng không phải là hẹp. Theo hướng này thì thuộc cách thức chung "ok mọi lúc mọi nơi" vì thấy đầu ra đầu vào rõ ràng, vấn đề còn lại quyết định hoàn thiện hoàn thành thì mang tính "bên trong vấn đề", "bên trong vấn đề" đó là chuyên gia thiết kế và chất lượng thi công, hai khâu này mà kém thì cái thấy "tiến" sẽ hỏng nặng.

Vấn đề lại có thể ví dụ:

Có hai ông là hàng xóm, một ông giàu, một ông nghèo. Ông giàu ở nhà lầu 3 tầng, ông nghèo ở nhà cấp 4. Vấn đề bắt đầu là ông nghèo vay được tiền của ngân hàng và ông ấy xây một ngôi nhà 5 tầng, cái này thì thực tiễn không có gì phải nghĩ ngợi nữa. Song ở đây có thể thấy theo cách khác nhau, hoặc thấy nghịch lý, hoặc thấy đó là lẽ dĩ nhiên theo sự phát triển đột biến.

Edited by Tâm Nghiên Cứu USB

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đến giờ này có thể khẳng định chính phủ VN đã cam kết với Nhật bản về việc xây dựng tuyến đường tàu cao tốc Hà nội - TP Hồ Chí Minh dùng công nghệ Shinkansen của nước này. Ít nhất Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã thông báo cho phía Nhật về quyết định này trong tháng 12/2009 và tháng 4/2010. Bản tin của AFP cho biết Tổng công ty Đường sắt VN đã cử chuyên gia sang Nhật học hỏi công nghệ từ năm ngoái cho thấy quyết tâm của VN với dự án này. Có ý kiến cho rằng VN buộc phải chọn công nghệ Shinkansen của Nhật dù chưa chắc đã tối ưu (chỉ chở được hành khách chứ không vận được tải hàng hóa) vì chỉ có Nhật mới đồng ý cho VN vay vốn (thông qua ODA song phương hoặc cofinance với WB/ADB).

Tất nhiên có thể giả định phía Nhật đã được thông báo về quyết định đầu tư và chọn công nghệ Shinkansen của chính phủ VN nhưng điều này vẫn phải chờ QH VN phê chuẩn. Đây là thông lệ quốc tế bình thường, các chính phủ có thể có cam kết quốc tế trước khi được QH phê chuẩn và cam kết đó chỉ có hiệu lực sau khi QH đồng ý. Nhưng điều không bình thường là chính phủ VN đã không giải thích điều này cho QH và dân chúng rõ. Đến giờ này chính phủ vẫn chỉ xin QH phê chuẩn chủ trương đầu tư mặc dù trên thực tế đã quyết định chọn công nghệ/đối tác và có lẽ đã thu xếp nguồn tài trợ từ vốn ODA của Nhật.

Tạm bỏ qua "uẩn khúc" giữa hai nhánh hành pháp và lập pháp của VN, bản thân ý tưởng của dự án có một số điểm cần bàn. Đầu tiên là lý do của việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối hai thành phố lớn nhất này. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đó là vì các phương tiện vận tải khác không tải nổi nhu cầu đi lại của người dân trong vòng vài chục năm tới giữa HN và HCMC. Nhưng trong tường trình của Bộ trưởng Bộ giao thông Anh, Andrew Adonis, sau khi ông đi khảo cứu và học hỏi kinh nghiệm làm đường sắt cao tốc từ 5 nước, lý do phổ biến nhất ở các nước là sự quá tải của hệ thống đường sắt nội đô hiện tại như trường hợp của tuyến Tokyo-Osaka hay Paris-Lyon. Khi đường sắt nội đô quá tải thì tầu cao tốc sẽ là đường ống hút một lượng lớn hành khách ra vào thành phố nhanh chóng, giảm tải cho các phương tiện giao thông hiện có. Hà nội và TP HCM chưa có đường sắt nội đô, là phương tiện giao thông căn bản nhất của các đô thị hiện đại. Xây dựng metro/đường sắt nội đô có lẽ là những dự án cần thiết hơn nếu muốn cải thiện giao thông công cộng và giảm bớt kẹt xe, tai nạn giao thông ở hai thành phố này.

Thứ hai, hầu hết các tuyến đường sắt cao tốc trên thế giới, dù đã được xây dựng lâu năm như ở Nhật hay vẫn còn trên kế hoạch như ở Mỹ đều chỉ có chiều dài trong trên dưới 100 đến 600km. Lý do là ngắn quá người dân sẽ chuộng các phương tiện đường bộ khác, còn dài quá người ta thích đi máy bay hơn. Khoảng cách tối ưu cho một tuyết đường sắt cao tốc được khuyến cáo trong khoảng 300-800km, tùy vào tác giả (xem ở đây và đây). Ngoài ra các tuyến đầu tiên và thành công nhất ở các nước đều nối giữa các đô thị mật độ dân số rất cao (Tokyo-Kobe-Osaka - 17.3 triệu dân, Seoul-Incheon - 20.1 triệu, Beijing-Tainjing - 20 triệu). Tuyến HN-HCMC có thể thỏa mãn điều kiện tổng dân số hai đầu đủ lớn, tuy nhiên độ dài hơn 1500km sẽ là một thách thức lớn vì nhiều hàng khách sẽ chọn máy bay. Còn nếu tập trung khai thác hai tuyến HN-Vinh (319km) và HCMC-Nha Trang (448km) thì dân số của hai đầu Vinh và Nha Trang lại quá ít. Số người đi du lịch/nghỉ mát có thể tăng nhưng khó có thể có đột biến.

Trước những năm 80, giá vé tàu Shinkansen trung bình bằng 80-90% giá máy bay. Nhưng kể từ thập kỷ 90, giá tàu cao tốc giảm dần vì bị máy bay cạnh tranh dữ dội sau khi Nhật tự do hóa một số qui định quản lý hàng không nội địa và nâng cấp sân bay Haneda ở Tokyo. Hiện tại giá vé tuyến Tokyo-Osaka chỉ còn bằng 66% giá vé máy bay nhưng số lượng hành khách đã dậm chân tại chỗ từ thập niên 90, tất nhiên có một phần vì kinh tế suy thoái. Do vậy tuyến HN-HCMC dự kiến giá vé bằng 75% vé hàng không thương mại sẽ rất rủi ro và có nguy cơ không cạnh tranh được với hàng không nội địa, nhất là hàng không giá rẻ. Nếu chính phủ mở cửa cho các hãng hàng không quốc tế khai thác thị trường nội địa, giá vé máy bay sẽ còn giảm xuống nữa. Như vậy có thể dự đoán rằng sau khi tuyến HN-HCMC đi vào hoạt động, để có hiệu quả và đủ tiền trả nợ chính phủ sẽ phải có chính sách bảo hộ bằng cách hạn chế hàng không phát triển, một hình thức đánh thuế gián tiếp vào người tiêu dùng.

Thứ ba là vấn đề vốn đầu tư. Bài báo của AFP có nhắc đến chi tiết chính Nhật đã khuyến cáo VN về khả năng 56 tỷ USD sẽ không đủ cho dự án này. Họ có kinh nghiệm xương máu về việc này: tuyết đường sắt cao tốc đầu tiên Tokyo-Osaka đã bị đội dự toán lên gấp đôi, từ 541 triệu USD lên hơn 1 tỷ USD sau 5 năm xây dựng. Điều này đã buộc Chủ tịch và Phó chủ tịch JNR, chủ đầu tư dự án, từ chức vào năm 1963 và không đến dự lễ khánh thành tuyến đường này 1 năm sau đó. Nhưng đấy chưa phải là kỷ lục, tuyến Seoul-Busan đã vượt dự toán bốn lần, từ 5.8 nghìn tỷ won lên 22 nghìn tỷ. Hầu hết các tuyết đường sắt cao tốc trên thế giới đều bị vượt dự toán. Điều đáng nói là dù chi phí xây dựng vượt xa dự toán nhưng nhiều tuyết đường không đạt được số lượng hành khách như thiết kế (như các tuyến đường của Hàn quốc, Đài loan và ngay cả ở Nhật). Hệ thống Shinkansen của Nhật bị thua lỗ quá nặng dẫn đến chính phủ phải bán lại cho tư nhân với giá rẻ (tính giá bán theo cashflow chứ không theo cost of construction), gián tiếp đội chi phí cho dự án lên thêm một lần nữa. Ở thời điểm cổ phần hóa hệ thống Shinkansen năm 1987, JNR lỗ tích lũy 28 nghìn tỷ yen, trong khi giới đầu tư chỉ phải trả 9 nghìn tỷ, nghĩa là chính phủ gánh 19 nghìn tỷ lỗ (tương đương 119 tỷ USD, bằng 5.5% GDP Nhật thời điểm đó).

Cả Bộ trưởng Võ Hồng Phúc và Bộ trường Hồ Nghĩa Dũng đều viện dẫn việc Nhật khởi công xây dựng tuyết đường sắt cao tốc đầu tiên từ những năm 50, chỉ vài năm sau chiến tranh, với vốn vay của World Bank và phải đến năm 1995 mới trả hết nợ. Thực sự Nhật chỉ vay 80 triệu USD của World Bank, chưa đến 15% tổng dự toán của tuyến Shinkansen đầu tiên (541 triệu). Vào thời điểm đó, GDP của Nhật xấp xỉ 40 tỷ USD, nghĩa là chi phí cho dự án chỉ vào khoảng 1.4% GDP. Trong khi đó dự án đường sắt cao tốc HN-HCMC có tổng dự toán 56 tỷ USD, hơn 50% GDP hiện tại của VN và có lẽ sẽ vay nước ngoài (ODA của Nhật) không dưới 50%, vượt xa dự án Tokyo-Osaka của Nhật. Nếu chi phí cho tuyến HN-HCMC bị đội lên gấp đôi dự toán, bằng GDP cả năm của VN, liệu VN có xoay xở được vốn để bù đắp phần vượt trội quá lớn này không? Ngay cả nếu dự án được thực hiện trong 20 năm, trung bình một năm sẽ cần khoảng 5 tỷ USD, gấp 5 lần số trái phiếu chính phủ phải trầy trật lắm mới phát hành được hồi đầu năm. Liệu credit rating của VN sẽ bị đánh tụt xuống đến mức nào? Ảnh hưởng ra sao đến các dự án khác cần vay vốn?

Cũng cần nói thêm rằng mặc dù Nhật khởi công dự án Tokyo-Osaka chỉ hơn 10 sau chiến tranh, nhưng Nhật có nền tảng công nghiệp và công nghệ khá tiên tiến ở thời điểm đó, ít nhất trong lĩnh vực đường sắt. Nhật đã tự xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên từ năm 1870, đến trước Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã có gần 20 nghìn km trên khắp nước. Ý tưởng xây dựng đường sắt cao tốc ở Nhật có từ năm 1938 và năm 1940 chính phủ Nhật đã khởi công xây dựng tuyến đầu tiên giữa Tokyo và Shimonoseki với vận tốc dự kiến 200km/h nhưng bị hủy bỏ vì chiến tranh. Nhật đăng cai Olympic 1964, cùng năm với tuyến Shinkansen đầu tiên, chứng tỏ tiềm lực kinh tế của Nhật đã rất mạnh. Với trình độ công nghệ, tiềm lực kinh tế, và có lẽ cả năng lực điều hành hiện tại của VN đều kém xa Nhật ở thời điểm đó, việc hai bộ trưởng nói trên so sánh sự thành công của tuyến Shinkansen Tokyo-Osaka với dự án HN-HCMC là rất khập khiễng. Nói theo cách ví von của nhà báo Nguyễn Vạn Phú, không phải người Mỹ phóng được phi hành gia lên mặt trăng 40 năm trước có nghĩa là VN có thể và cần phải làm như vậy vào năm 2020, hay thậm chí 2050.

Như đã đề cập đến trước đây, quyết định đầu tư một dự án dù của tư nhân hay nhà nước đều phải căn cứ vào hiệu quả (kinh tế/tài chính) và những rủi ro có khả năng xảy ra. Với những dự án lớn của nhà nước còn cần xem xét ảnh hưởng vào kinh tế vĩ mô, ví dụ ảnh hưởng vào nợ công, vào tổng đầu tư công (có crowd-out đầu tư tư nhân không), vào lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại, tỷ giá..., nhất là với một dự án có tổng đầu tư tới 50% GDP. Ngoài ra một dự án có mức độ dàn trải rộng cả về không gian và thời gian như vậy, những rủi ro về môi trường và an ninh quốc gia còn hệ trọng hơn. Tôi không xổ toẹt dự án này nhưng muốn những người có trách nhiệm phải nghiên cứu kỹ hơn trước khi quyết định. Xin QH không phê duyệt trong kỳ họp này, hãy thuê một tư vấn độc lập (không phải từ Nhật) đánh giá lại báo cáo tiền khả thi, chi phí chắc chắn rẻ hơn nhiều so với số nợ mà các thế hệ tương lai sẽ phải trả.

Trích: Giang Lê

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay