phoenix

Xây dựng Hà Nội theo cấu trúc phong thủy?

4 bài viết trong chủ đề này

Nguồn: http:tuanvietnam.net

Xây dựng Hà Nội theo cấu trúc phong thủy?

Posted Image

Mô hình thành phố ven sông đang

gây nhiều chú ý của dư luận

Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết - chỉ là ý kiến riêng của KTS Trần Thanh Vân, để bạn đọc tham khảo.

>> Cao ốc chen nhau - có hợp với văn hóa người Việt?

Tay lái vững ở đâu?

Cách đây gần nửa thế kỷ, trong khi đất nước còn bị chia cắt, sống giữa Thủ đô đầy bom đạn, thi sĩ Xuân Diệu đã làm hai câu thơ bất hủ:

Tổ quốc ta như một con tàu,

Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau

Xuất thân trong một gia đình Nho học, thi sĩ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của cha là một “Cụ Hàn xứ Nghệ ”, không chỉ tinh thông thơ phú mà còn hiểu biết sâu sắc về địa lý Phong Thủy.

Trong một phút thăng hoa, nhà thơ đã vẽ lên bố cục âm dương địa mạch hình chữ S của đất nước Việt Nam. Thật kỳ diệu, nước ta đúng là một con tàu mà Nam bộ nói chung, trong đó Sài Gòn là trung tâm, đã xứng đáng là một đầu tàu. Còn Mũi Cà Mau quả là một mũi thuyền rẽ sóng.

Posted Image

Cấu trúc hài hòa âm dương

Thành phố Hồ Chí Minh đã có 300 năm lịch sử. Nơi đây, khi xưa rộn ràng thuyền buôn từ nhiều nơi trên thế giới lui tới. Ngày nay, các thương nhân đến Việt Nam thì đa số, đầu tiên phải đến TP Hồ Chí Minh.

Sau 32 năm đất nước thống nhất, thành phố Sài Gòn năng động vẫn xứng đáng là một đại thương trường, là đầu tàu, dẫn đầu cả nước đi khai phá nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập.

Tuy vậy, đầu tàu năng động phải khai thác sức gió và vượt sóng, đôi khi bị bập bềnh, chao đảo trước gió to, có thể mất đi sự thăng bằng, vững chãi vốn có trong truyền thống của dân tộc ta. Những lúc đó, ta rất cần tay chèo thật khỏe và tay lái thật vững, để khống chế hành trình chính xác của cả con tàu.

Trong những năm tháng tới, khi nền kinh tế đã hội nhập để cả thế giới tràn vào, thì gió càng to, sóng càng lớn, chắc chắn còn nhiều chao đảo nữa. Vậy đằng sau đầu tàu năng động, rất cần một tay lái vững.

Tay lái vững ở đâu?

Huế - "Vạn đại dung thân"?

Gần 500 năm trước, khi biết dã tâm của người anh rể là Trịnh Kiểm sẽ sát hại cả gia đình mình, Chúa Nguyễn Hoàng đã đi cầu cứu Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Trình nhìn đàn kiến leo trên hòn non bộ rồi phán: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.

Hiểu ý Trạng, Chúa Nguyễn Hoàng đã xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa rồi xây dựng bản doanh luôn trong đó, nhờ đó mà bảo toàn được tính mạng, mở đầu cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh gần 300 năm.

Nhưng “Vạn đại dung thân” khác xa với “Vạn đại bá vương”. Phú Xuân Huế có sông sâu, có núi hiểm, có Chùa Thiên Mụ và núi Ngự Bình che chắn, phù hợp cho một cuộc trốn chạy, thúc thủ.

Nhưng Huế chưa chắc đã phải là nơi lý tưởng để các anh hùng vĩ nhân kinh bang trị vì thiên hạ.

Nhất kinh kỳ, nhì phố hiến"

Manh nha từ thời Tiền Thăng Long, năm 256 tr.CN, Thục Phán An Dương Vương lập nên nước Âu Lạc, đã nhận ra thế cục Phong thủy rất vượng khí của vùng đất này nên đã chọn Cổ Loa để lập Kinh đô. Một ngàn năm Bắc thuộc, tiếp theo là một ngàn năm tổ tiên chúng ta giành giật với phong kiến Phương Bắc vùng đất vô cùng quý hiển có núi Chầu, sông Tụ đi từ Cổ Loa tới La Thành.

Các thầy phong thủy phương Bắc, điển hình là quan đô hộ sứ Cao Biền, đã mất nhiều công tìm kiếm và đã phát hiện ra nhiều huyệt đạo bí hiểm nơi đây.

Tổng cộng họ tìm ra 632 huyệt chính, huyệt phát đế và 1517 huyệt bàng, huyệt phát quan …

Cho đến năm 1010, dưới sự dìu dắt của Thiền Sư Vạn Hạnh, Vua Lý Công Uẩn lên ngôi và đã xác định tâm huyệt Long quyển thủy chính là vùng nước thoáng rộng nhất của sông Hồng nối với Hồ Tây và hệ thống sông hồ lớn nhỏ xung quanh. Đó chính là Hệ Long mạch, tạo nên một dòng lưu thủy cực mạnh, có thể xua tan mọi ám khí, có thể tụ hội Hồn thiêng sông núi.

Khẳng định được phát hiện đó, Vua Lý Công Uẩn đã ban Chiếu dời Đô và đặt tên là Kinh đô Thăng Long (Thăng Long - Rồng quẫy sóng bay lên, là cách nói gọn của hiện tượng Long quyển thủy).

Posted Image

Từ đó, Kinh đô Thăng Long ổn định trường tồn.

Ba triều đại huy hoàng Lý, Trần, Lê, ngự trị dài nhất và đã ghi được nhiều công đức vẻ vang, làm rạng rỡ non sông chính tại đất Thăng Long. Hình ảnh Thăng Long trên bến dưới thuyền, và câu ca dân gian "nhất kinh kỳ, nhì phố hiến" đã nói lên cảnh thanh bình thịnh vượng và giao lưu kinh tế rộng rãi của Thăng Long với trong nước và ngoài nước.

Xây dựng Hà Nội theo cấu trúc phong thủy?

Sáu mươi hai năm qua, trên mảnh đất đầy đau thương và đầy hào khí này, Đảng và Chính phủ ta đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng giặc Pháp, rồi giặc Mỹ và đang xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh. Làm được những việc vĩ đại đó, ta không thể không nhận thấy một điều kỳ diệu rằng, chính tổ tiên chúng ta đã rất sáng suốt từ những bước đi ban đầu và vẫn đang chỉ lối cho ta đi tiếp hôm nay.

Posted Image

Vòng tròn Trung tâm

Hôm nay chúng ta đã có một Thủ đô rộng lớn mà Trung tâm của thành phố trùng khớp với Tâm điểm của cấu trúc Phong thủy Thăng Long, vòng tròn tâm điểm này rộng tới 40 Km2, ôm gọn dấu tích huy hoàng của dân tộc suốt hơn 2000 năm. Luật đê điều đã cho phép chúng ta nghiên cứu khai thác hai bên bờ sông Hồng, Thành Cổ Loa đang được trùng tu tôn tạo, Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ và đang có kế hoạch bảo tồn.

Thủ đô hôm nay muốn thực sự là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, nói khác đi, muốn trở thành tay lái vững để điều khiển con tàu đất nước, thì cấu trúc của Trung tâm Thủ đô phải tuân thủ nghiêm ngặt luật Phong thủy nơi đây: Bờ Nam sông Hồng là Trung tâm Chính trị và Thương mại, bờ Bắc kéo đến Cổ Loa dài 7Km phải là Trung tâm Văn hóa, Lịch sử và Du lịch.

Chính giữa sông, nơi đã có hàng ngàn ha đất bồi, nơi sinh khí vượng nhất, không thể để hoang hóa nhưng cũng không được biến thành đảo bê tông , nơi đây nên xây một Đô thị nổi với nhiều cung điện, đền đài, để nghỉ ngơi di dưỡng tinh thần và khai thác kinh doanh du lịch.

Không gian trong vùng trung tâm này cần thoáng rộng, nước phải lưu thông để duy trì Long quyển thủy, không xây các tòa nhà tháp như các cần ăng ten làm mất Dương khí, không xây khu nhà quá cao quá to và dày đặc như bức tường chặt giữa Hồ Tây và Sông Hồng, cần tái tại hình ảnh của một "Thăng Long trên bến dưới thuyền" và không mô phỏng, sao chép của bất cứ một nơi nào trên thế giới.

Posted Image

Mô hình thành phố ven sông đang gây nhiều chú ý của dư luận

Tất cả các công trình xây dựng ở đây, tất cả các nẻo đường nơi đây phải gắn bó với trục đường đi đến thành Cổ Loa, nơi đó có Am Mỵ Châu, một người con gái rất nhân hậu nhưng đã đắc tội với non sông chỉ vì quá nhân hậu. Không phải vô cớ mà hơn 2000 năm nay dân ta vẫn thành kính dâng hương thờ một bức tượng mất đầu. Hôm nay, bức tượng đó đang ở ngay sát cạnh Trung tâm Thủ đô hiện đại. Điều đó nhắc nhở chúng ta phải mở rộng cửa, phải bắt tay với tất cả bạn bè trên thế giới nhưng vẫn phải cảnh giác với bàn tay Trọng Thủy định ăn cắp nỏ thần.

Ngoài việc khống chế quy họach xây dựng, Thành phố cần có định hướng để phấn đấu lưu thông Dòng lưu thủy tức là lọai bỏ một Tử mạch để tìm lại một Sinh mạch, tích tụ được hồn thiêng sông núi, thì con thuyền đất nước đủ vững vàng để rẽ sóng ra khơi.

  • KTS Cảnh quan Trần Thanh Vân

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nguồn: http:tuanvietnam.net

7 kiến nghị quy hoạch Thủ đô 18/04/2008 09:05 (GMT + 7) người dân thủ đô Hà Nội đóng góp 7 kiến nghị cụ thể về việc quy hoạch vùng Thủ đô trên tinh thần dân bàn, dân biết. Posted Image

Hồ Gươm - biểu tượng của Thủ đô Hà Nội nhìn từ trên cao xuống

Ảnh nguồn: vinaset.com

Từ những năm 70 thế kỷ 20, cùng với cuộc thi sáng tác Quốc ca mới; chúng ta đã định quy hoạch “dời Đô” Hà Nội lên Vĩnh Phúc. Mà trung tâm Thủ đô sẽ ở thị xã Vĩnh Yên và khu vực Bảo Phát (trên đường từ thị xã Vĩnh Yên đi Tam đảo). Nhưng rồi cả việc thay đổi Quốc ca, cũng như việc “dời Đô” đều không khả thi.

Và bây giờ, UBND thành phố Hà Nội đang nghiên cứu đề tài khoa học về dự án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng (với sự hỗ trợ, hợp tác của phía Hàn Quốc).

Tiếp theo là dự án quy hoạch Hà Nội phát triển - mở rộng, nhất là các khu công nghệ cao và vấn đề Giao thông (với sự hỗ trợ, hợp tác của phía Nhật Bản).

Như vậy “hết Hàn đến Nhật”, không biết tiếp theo nữa (cùng với UBND thành phố Hà Nội) sẽ là nước nào quan tâm, tham gia lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng Thủ đô ta?

Đặc biệt ngày 6/3/2008 vừa qua, Bộ Xây dựng (với sự tư vấn của các chuyên gia Pháp, Mỹ, Australia) đã trình Chính phủ xét duyệt quy hoạch xây dựng “Vùng Thủ đô” đến năm 2020 và có tầm nhìn xa đến năm 2050.

Trong thời gian thích hợp, Chính phủ sẽ đưa ra Quốc hội bàn thảo vấn đề này. Đây là việc hệ trọng - “kinh thiên động địa”, cần được đúc rút nhiều kinh nghiệm.

Theo tôi kiến nghị: Cần có thêm sự chỉ đạo Đường lối chiến lược của Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng, bằng 1 Nghị quyết riêng về “khung” quy hoạch Thủ đô. Và trên tinh thần dân bàn, dân biết; tôi xin có 7 kiến nghị cụ thể, đóng góp vào Đường lối chiến lược này:

Posted Image

Bản đồ qui hoạch Thủ đô đến năm 2020

Ảnh nguồn: diaoconline.com

Một là, quy hoạch Thủ đô đến năm 2020 thì hơi thiển cận. Nhưng “tầm nhìn cao su” đến năm 2050 thì lại viển vông. Mặt khác nếu định hướng theo 2 mốc thời gian như vậy chỉ tổ phát sinh ra quy hoạch “treo”.

Do vậy cần định hướng 1 mốc thời gian quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 chẳng hạn- vừa hợp lý hơn về thời gian, vừa có được cả ý nghĩa Chính trị- kỷ niệm 100 năm (1 thế kỷ) thành lập Đảng ta.

Hai là, cụm từ quy hoạch xây dựng “Vùng Thủ đô” cũng cần làm rõ và xem xét. Bởi vì trên công luận hiện giờ đang có 2 “kênh” thông tin: Quy hoạch xây dựng “Vùng Thủ đô” - quy mô, phạm vi bao la hơn quy hoạch Thủ đô.

Nó gồm thành phố Hà Nội và 7 tỉnh liền kề, lân cận (đó là “kênh” thông tin thứ nhất). Còn “kênh” thông tin thứ 2 lại hiểu quy hoạch “Vùng Thủ đô” với quy hoạch Thủ đô - là một. Dư luận nhân dân không biết hiểu theo “kênh” thông tin nào để khỏi “vớ chân voi đã tưởng cột đình”.

Ba là, có đến thăm Thành Cổ Loa (xưa kia đã bị thất thủ bởi giặc Triệu Đà) ở bên bờ bắc sông Hồng, mới thấy đúng là Hà Nội (trong sông) mang nhiều ý nghĩa tối ưu hơn hẳn Thành Cổ Loa về không gian, địa lý, quân sự, kinh tế… Vì vậy quy hoạch Thủ đô làm sao vẫn giữ được nhiều ý nghĩa tối ưu ấy.

Bốn là, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đ/C Tổng bí thư Nông Đức Mạnh về an ninh lương thực trong hội nghị ngành Nông nghiệp vừa rồi; trừ đường giao thông công cộng ra; không quy hoạch, xây dựng các công trình dân dụng - nhà ở, khu công nghiệp, khu công nghệ chế xuất, trụ sở cơ quan… trên đồng ruộng (tấc đất tấc vàng) hiện nay.

Đi đôi với việc không giao UBND tỉnh, thành phố quyền quyết định, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất khác, dù chỉ là 1 m2. Phải thấm nhuần lời dạy của ông cha ta: “Nhất sĩ, nhì nông. Hết gạo chạy rông, nhất nông, nhì sỹ”.

Đối với Sông Hồng không chỉ có lòng sông sâu hay nông, rộng hay hẹp, mà còn phải có bãi sông. Đất bãi sông chỉ quy hoạch chủ yếu trồng rau xanh để bảo đảm lưu vực thoát lũ sông Hồng và không gian môi trường Thủ đô.

Điện khí hoá nông nghiệp, nhưng cố gắng giữ gìn tồn tại những thôn xóm, làng quê, vì ở đó có “sân đình, cây đa, cầu ao nhà mình và cả con chuồn chuồn ớt”… mang đầy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam- truyền thống nghìn đời.

Năm là, chỉ tập trung khoanh vùng, lợi dụng triệt để những nơi đất gò đồi (có địa chất công trình thuận tiện, mực nước ngầm thấp, cường độ đất chịu lực cao - rất phù hợp xây dựng những nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh Hà Tây để quy hoạch Thủ đô phát triển mở rộng.

Như vậy Hà Nội không thể “ôm trọn - xoá tên” tỉnh Hà Tây. Ai ở Thủ đô đã được ăn rau thơm bạc hà, húng chó, húng vịt… trồng ở huyện Thường Tín (Hà Tây) mới thấy nó tuyệt vời làm sao. Thử hỏi nếu đô thị hoá hết cả huyện đồng bằng này, thì người Hà Nội lúc ấy có thể “ăn bê - tông cốt thép” thay rau bạc hà, húng vịt (kiêm những vị thuốc) quý hiếm đó được không?

Sáu là, “nối liền” Hà Nội hiện tại với những khu khoanh vùng gò đồi quy hoạch, xây dựng đô thị Hà Nội mới, bằng các trục đường cao tốc, mà suốt dọc 2 bên đường phải bảo đảm hành lang an toàn giao thông.

Ở hành lang đó tuyệt đối không có nhà cửa, lều quán và tốt nhất chỉ có những cánh đồng xanh (suốt dọc 2 bên đường cao tốc). Có thế mới duy trì được tốc độ xe hơi cho “người Thế kỷ 21”, đi làm xa nhà 60 km, thậm chí trên 60 km- vẫn sáng đi tối về dễ dàng và an toàn.

Bảy là, không quy hoạch xây dựng những cao ốc xen cấy trong phạm vi đất Hà Nội cũ, để trách sự chắp vá, vi phạm tiêu chuẩn về mật độ dân cư, hệ số sử dụng đất, giao thông, cây xanh, ánh nắng, môi trường…

Những trường đại học, cao đẳng và dạy nghề (kể cả quốc lập, hay dân lập) được hình thành tại Hà Nội từ năm 1965 đến nay, sẽ quy hoạch chuyển địa điểm trường đến các khu đô thị mới (trên gò đồi).

Không mở rộng thêm các nghĩa trang hiện tại ở đất thổ canh, thổ cư, trên địa hình đồng bằng. Mà cần dành một phần quỹ đất những gò đồi để quy hoạch các nghĩa trang của Thủ đô.

  • Bạn đọc Nguyễn Thành Lập (Hà Nội)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nguồn: http:tuanvietnam.net

Thành phố sông Hồng: Vì lợi nhuận hay chất lượng sống? 17/04/2008 05:47 (GMT + 7) Liệu có nên áp dụng mô hình đô thị như Seoul cho Hà Nội khi mà trình độ quy hoạch và phát triển đô thị của họ còn đang ở giai đoạn “chập chững”? Mô hình đô thị cao tầng - để bán hoặc cho thuê văn phòng sẽ mau chóng thu hồi vốn và đem lại lãi suất cao. Vậy mục đích của đề án TP. Sông Hồng là lợi nhuận hay vì chất lượng sống đô thị?

>> Băn khoăn về thực hiện dự án thành phố sông Hồng

Posted Image

Hà Nội - Thành phố bên sông Hồng của hiện tại

"Dịch bệnh" kiến trúc mới: Chung cư cao tầng

Trong suốt 20 năm qua, kiến trúc đô thị Việt Nam đã và đang phải chống chọi với những “dịch bệnh” như: dịch mái củ hành củ tỏi, dịch “nhái” Pháp cổ, dịch “nhà ống”…

Những dịch bệnh trên khởi đầu từ các đô thị lớn, và dần lan tràn tới các đô thị tỉnh lị, thị xã, thị trấn và làng xã. Nó khiến cho bộ mặt của các đô thị ở các vùng khác nhau mất đi nét đặc trưng riêng. Nông thôn đất rộng, người thưa nhưng người ta cũng đang xây “nhà ống” để “tiến” kịp thành phố.

Trong khi những “dịch bệnh” kể trên vẫn đang tiếp diễn thì trong khoảng từ 4 đến 5 năm gần đây, một “dịch bệnh” mới của đô thị cũng đang dần bùng phát – nhà ở chung cư cao tầng. Mới đây nhất là bản đề án đã được triển lãm mang tên: Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội của một tập đoàn nước ngoài là Hàn Quốc.

Đề án với “ý tưởng” xây dựng hàng loạt nhà cao tầng ven sông Hồng cùng với những lời truyết trình hoa mỹ, có vẻ như sẽ mở ra cho người dân thủ đô một tương lai sáng lạn.

Posted Image

Đồ án Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội (HAIDEP)

Hãy khoan đánh giá tính khả thi và những hứa hẹn tốt đẹp mà đề án đã trình bày. Ta hãy nhìn ra một vài đô thị trên thế giới cũng có điểm tương đồng với Hà Nội là: đô thị được xây dựng hai bên bờ sông.

- Châu Âu: Các đô thị mà hiệu quả và thành công trong việc xây dựng và quản lý quy hoạch, đã góp phần đáng kể làm cho tên tuổi của các đô thị này trở nên nổi tiếng trên thế giới như Paris, Berlin, Rotterdam… Những đô thị này cũng đều được xây dựng hai bên bờ sông.

Ngoài việc được quy hoạch ngăn nắp, phân khu chức năng rõ ràng, không gian đô thị có rất nhiều khoảng “thở”, ngay cả trong những khu vực được gọi là có mật độ dân cư cao, nhưng bao giờ cũng có những khoảng không gian cây xanh, cảnh quan nằm trong lõi nhà hay đan xen liên tục từng tiểu khu ở.

Và đặc biệt ở khu vực trung tâm hai bên bờ sông là những công trình thấp tầng, thường là những công trình cổ và công trình văn hóa. Nếu có nhà cao tầng, cũng chỉ có một đến hai công trình thương mại, văn phòng hay khách sạn làm điểm nhấn (landmark) cho thành phố. Đặc biệt tuyệt đối không có công trình nhà ở cao tầng đặt ở vị trí này.

Posted Image

Một khu vực thuộc trung tâm thủ đô Berlin (Đức)

Vậy vì sao họ lại không xây dựng nhà cao tầng ở vị trí này?

Câu trả lời thật đơn giản là: ngay từ khâu thiết kế quy hoạch và xây dựng trước đây cho đến khâu quản lí và phát triển sau này, tất cả đều vì chất lượng sống, môi trường sống của người dân trong thành phố. Và với họ, nhà ở cao tầng chỉ là yếu tố mang tính giải pháp tình thế chứ chưa và sẽ không bao giờ là yếu tố tạo nên một đô thị bền vững.

Posted Image

Một khu vực ở thủ đô Paris (Pháp)

Posted Image

Một khu vực thuộc trung tâm Singapore (Hà Lan)

- Châu Á: Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore là một quốc gia phát triển cả về kinh tế lẫn hạ tầng xã hội, cũng là một nước trong khối ASEAN. Mặc dù có diện tích lãnh thổ rất nhỏ, nhưng Singapore đã có một quy hoạch phát triển và ổn định.

Với diện tích rất nhỏ như vậy, Singapore hoàn toàn có thể có lí do chọn giải pháp quy hoạch xây dựng hàng loạt nhà cao tầng giống một số đô thị châu Á khác như Hong Kong hay Seoul (Hàn Quốc), nhưng họ đã không làm như vậy. Những khu vực trung tâm hay hai bên bờ sông vẫn là những công trình thấp tầng với cảnh quan cây xanh.

Một góc khu vực trung tâm Singapore với các tiểu khu nhà ở thấp tầng và các công trình văn hóa.

Tại sao chúng ta chọn Hàn Quốc?

Quay lại với bản đề án của HAIDEP (Hàn Quốc), những giải thích cho lí do vì sao làm quy hoạch hai bên bờ sông và cải tạo sông Hồng mà đề án đã đưa ra như: sông Hàn và sông Hồng có cùng chế độ lũ (không có số liệu hay nghiên cứu khoa học cụ thể nào về thủy văn xác nhận), đều có vị trí nằm ở trung tâm thành phố, có cùng nền văn hóa châu Á…

Có thể nhận thấy những giải thích trên rất mơ hồ, chung chung, không thể hiện sự nghiên cứu khoa học nghiêm túc và cụ thể, mà để hiện thực hóa đề án này thì giải quyết vấn đề thủy văn, môi trường là khó khăn và phức tạp nhất (nếu trong trường hợp đề án được phê duyệt và thực hiện).

Bên cạnh đó, Hàn Quốc từ trước đến nay chưa bao giờ là một quốc gia được công nhận về quy hoạch đô thị trên thế giới.

Hãy thử nhìn tổng quát quy hoạch thủ đô Seoul, dễ dàng nhận thấy một không gian đô thị lộn xộn, thiếu khoảng xanh, một kiểu quy hoạch xây dựng ăn xổi, ứng phó, có sao xây nấy, không có sự nghiên cứu tổ chức về không gian.

Hàng loạt chung cư cao tầng ven sông như những cây thập giá đóng xuống “nghĩa địa” nhà bên trong thành phố.

Posted Image

Không ảnh một khu ven sông Hàn thuộc trung tâm thủ đô Seoul

Posted Image

Không ảnh một khu vực trung tâm thủ đô Seoul

Posted Image

“Hàng rào” chung cư cao tầng bên sông Hàn (Seoul-Hàn Quốc)

Chất lượng sống cao không phụ thuộc vào việc sống ở những căn hộ sang trọng trên các chung cư cao tầng. Chất lượng sống thể hiện ở mức độ tiếp xúc với cảnh quan thiên nhiên “gần” hay “xa”, “nhanh” hay “chậm”.

Hãy tưởng tượng “hàng rào” chung cư cao tầng mọc lên bên sông Hồng, chúng không những cản trở những khu dân cư bên trong thành phố tiếp cận bình thường và bình đẳng với dòng sông, mà hơn thế nữa, chúng sẽ làm bế tắc quy hoạch phát triển và mở rộng Hà Nội trong tương lai.

Liệu một mô hình đô thị như Seoul có thể lấy làm “khuôn mẫu” cho Hà Nội? Hàn Quốc trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, ở giai đoạn còn đang “chập chững”.

Họ đã được các chuyên gia, thực chất là thuộc các tập đoàn tư bản của những nước phát triển “vẽ” cho những “chiếc bánh” cao tầng giống như họ đang “vẽ” cho chúng ta bây giờ.

Đơn giản là vì nhà cao tầng, nếu bán hoặc cho thuê mặt bằng từng căn hộ, sẽ mau chóng thu hồi vốn và đem lại lãi suất cao. Tất cả vì mục đích lợi nhuận chứ không phải vì chất lượng cuộc sống đô thị.

Hà Nội trong tương lai sẽ có quy hoạch mở rộng và phát triển thủ đô. Tuy nhiên, chúng ta cần bình tĩnh nhìn ra thế giới. Có rất nhiều bài học về vấn đề đô thị của các nước phát triển đáng để học tập.

Hi vọng các cấp lãnh đạo, các nhà chuyên môn, các kiến trúc sư làm công tác quản lí, có những quyết định đúng đắn và sáng suốt để những thế hệ sau của thủ đô Hà Nội không phải gánh chịu những hậu quả của cha anh họ.

  • KTS. Phùng Trung Hậu – KTS. Nguyễn Lê Minh

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nguồn: http:tuanvietnam.net

Non sông gấm vóc hay là "Miếng da lừa"

10/04/2008 07:47 (GMT + 7)

“Đất Việt yêu thương - Non sông gấm vóc - Rừng vàng biển bạc” - Đó là những gì mà tất cả những ai được sinh ra trên mảnh đất này đều đã thuộc lòng. Tất cả đều đã ăn sâu vào con tim của triệu triệu người con dân đất Việt. Nhưng nay, mảnh đất yêu thương ấy đang biến thành "Miếng da lừa"? Góc nhìn riêng của Phạm Hoàng Hải.

“Đất Việt yêu thương - Non sông gấm vóc"

Và từ lúc nào chưa kịp nghĩ ra thì non sông gấm vóc đã trở thành “tấc đất tấc vàng” theo đúng nghĩa đen của nó. Chẳng những thế, mối tấc đất ấy tăng giá từng ngày để trở thành chục tấc, trăm tấc vàng. Thật là chóng mặt.

Bây giờ đây, tất cả 80 triệu người dân Việt Nam, từ trẻ con đến bà già, từ quan chức đến anh bần cố trên rừng đều biết rất rõ rằng chẳng có gì làm giàu dễ và nhanh như là đi buôn nhà đất. Mới phong thanh có một dự án mở một con đường bé tí bé teo nào đó tại văn phòng xã tung ra, là lập tức người ta đã cắm đất, lấn chiếm, đã trao đi đổi lại, môi giới thì thụt và đã có thể giàu lên tức thì.

Còn các dự án cấp nhà nước thì khỏi phải nói. Chỉ mới có tin đồn nhảm đã có thể làm sôi động cả một vùng đất, đã có thể đâm chém đánh nhau và đã có thể lên chức, mất chức như chơi.

Thế là bất chấp nghèo khó, lạc hậu, chậm tiến, bất chấp các doanh nghiệp nhà nước trì trệ thua lỗ triền miên, bất chấp ngành công nghiệp ôtô đã mấy mươi năm vẫn chưa lắp nổi mấy cái xe hơi lạc hậu, bất chấp hệ thống đường giao thông lộn xộn nhất thế giới, bất chấp nền giáo dục lạc hậu bê bối thì các công trình xây dựng nhà ở của Việt Nam vẫn đang mọc lên như nấm, mọc lên khắp nơi không cần quy hoạch không cần thiết kế, làm hoa mắt tất cả những nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô trên thế giới.

"Rừng vàng biển bạc..."

Balzac viết "Miếng da lừa" vào mùa thu năm 1830, sau khi cuộc Cách mạng tháng Bảy vừa nổ ra, đánh gục giai cấp quý tộc đưa tầng lớp tư sản tài chính Pháp, ngân hàng Pháp lên nắm chính quyền.

Nền quân chủ tháng Bảy được thiết lập (1830 - 1848) với thực chất là "triều đại của bọn chủ nhà băng" với khẩu hiệu nổi tiếng "Hãy làm giàu".

Lý tưởng duy nhất ngự trị xã hội đương thời là chạy theo đồng tiền, nó chà đạp mọi thứ từ danh dự, đạo đức, tư tưởng, tình cảm... và đời sống con người.

Cuốn tiểu thuyết của ông đã mô tả rất rõ xã hội đương thời đó. Tiểu thuyết này còn là tác phẩm đầu tiên mà Balzac bày tỏ thái độ phủ nhận của ông đối với giai cấp tư sản tài chính, ngân hàng vừa lên nắm chính quyền này.

Giống hệt như anh chàng Valantin của đại văn hào Balzac trong lúc khồn quẫn đã nhặt được miếng da lừa mầu nhiệm có thể cho anh được mọi ước mơ giàu có, nhưng ác nghiệt thay mỗi lần ước được giàu có trúng quả là một lần miếng da lừa bị co bé lại. Và khi miếng da co hết thì anh ta cũng hết đời.

Non sông gấm vóc của đất mẹ Việt Nam như thế đã là bầu sữa ngon, là chùm khế ngọt cho tất cả những ai nhanh chân nhanh tay, khôn ngoan, tỉnh táo.

Trong cái không khí tưng bừng người người buôn đất, nhà nhà buôn đất, người người giàu lên, nhà nhà giàu lên, có mấy ai nhận được ra rằng: chúng ta đang cùng nhau chơi trò đua nhau gặm vào “miếng da lừa” nguy hiểm hay không.

Mảnh đất Việt thân thương của chúng ta có vẻ thật là rộng lớn cho các dự án sân golf, resort, khu chế xuất, khu đô thị đơn lẻ, lại càng quá rộng so với các mảnh đất quy hoạch được trao tay buôn đi bán lại.

Nhưng xin các bạn nhìn lại mà coi. Chẳng mấy chốc nữa thôi, cả nước Việt sẽ bị băm nát, xé nhỏ tơi bời bởi những dự án nhà đất vô cảm, bùng phát và lạnh lùng của chúng ta.

Trên bản đồ thì diện tích đất nước vẫn không hề thay đổi nhưng đó là một tấm áo rách, bị xé nhỏ tan tành. Tấm da lừa vẫn còn nhưng là tấm da nát mủn, không thể hàn vá, sửa chữa được nữa. Muôn đời sau con cháu chúng ta sẽ phải lầm lũi chen chúc với các con đường chật hẹp, quanh co lộn xộn như đường làng ngõ xóm.

Chỉ vài năm nữa thôi, các bạn sẽ thấy là không có con đường nào không tắc nghẽn vô phương cứu chữa, ôtô không thể đi mà xe máy xe đạp cũng không thể chen chân.

Posted Image

"Hà Nội giờ như một miếng da lừa..."

Không cần nhìn đâu xa, ngay sát biên giới phía bắc, các tỉnh Nam Ninh, Vân Nam của Trung Quốc cũng đi lên từ nghèo khó. Thế nhưng hiện nay quy hoạch đô thị, đường xá, cao ốc của họ thật đáng khâm phục. Không còn những con đường hẹp quanh co, không còn những khu lộn xộn cao thấp. Đường xá thì rộng rãi, xe chạy thì thông suốt.

Nếu dăm bảy năm nữa ta muốn học tập họ thì không thể áp dụng được nữa rồi, bởi vì tất cả đã bị xẻ vụn ra, tất cả đã tràn ngập những con phố lô nhô, những dãy nhà siêu mỏng, những ngõ hẹp ngoằn nghoèo. Tất cả đều có sổ đỏ, đều đã đổ bê tông kiên cố.

Bờ biển của ta dài hơn 3 ngàn cây số bây giờ đã bị băm nát. Cái bờ vịnh Đà Nẵng đẹp vào hàng đầu thế giới bị quây chặt bởi con đường cao tốc. Bây giờ ai muốn ra ngắm bờ vịnh thì phải xách giày dép liều mình trèo qua ba bốn hàng rào ngăn đường băng qua sáu bảy làn ôtô chạy vun vút. Một là chết vì tai nạn, hai là được ngắm vịnh biển. Muốn chọn cách nào thì chọn.

Còn men theo con đường thế kỷ ấy là hàng ngàn chiếc nhà con con khấp khểnh, bề ngang 4 mét, dài sâu hun hút. Thế đấy, để đổi đất lấy hạ tầng, người ta đã làm co bé đi miếng da lừa Đà Nẵng như thế đấy. Sau này con cháu chúng ta muốn sửa lại lỗi lầm ấy cũng chỉ đành bất lực đứng nhìn mà thôi.

Chúng ta có Phú Quốc, có Sơn Trà là có thể trở thành một cái gì đó như Singapore hoặc Hongkong. Thế nhưng, giờ đây tất cả đã bị băm nát, mỗi ông chủ nhỏ một khoanh, mạnh ai nấy làm y như một cái làng vô chủ. Thế là từ nay Việt Nam đã vĩnh viễn chấm hết giấc mơ có một miền đất có thể tự hào sánh vai với thế giới. Chỉ có mấy anh đầu nậu buôn đất buôn dự án là nhanh tay thu về được ít đồng tiền còm còn mặc cho “miếng da lừa” co đi vĩnh viễn.

Mấy ngày qua thấy sôi động trên báo chí về tin mở rộng Hà Nội. Đã là phát triển thì phải có đột phá, phải dám nghĩ dám làm. Trung ương đã quyết thì nhất định phải ủng hộ và góp sức. Đó là ý thức công dân.

Thế nhưng trong lòng vẫn thầm lo lắng mà không biết làm sao. Chỉ mong rằng chúng ta sẽ học được những bài học nhãn tiền về các quy hoạch đô thị đất đai vừa qua để ít năm sau sẽ có được một Hà Nội đàng hoàng hơn và to đẹp hơn, chứ không phải một cái làng "Hà Lội" - lầy lội và rối như mê hồn trận.

Thành tâm mong ước. Bởi vì đây sẽ là miếng da lừa cuối cùng có tên Hà Nội. Nếu phá nát nó tức là xóa sổ Hà Nội, đất thiêng nghìn năm sông núi ./.

  • Phạm Hoàng Hải

Share this post


Link to post
Share on other sites